.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, February 7, 2012

QUAN NIỆM VỀ THƠ TRONG LÝ LUẬN PHÊ BÌNH VĂN HỌC ĐÔ THỊ MIỀN NAM 1954 - 1975


Thơ là một trong những loại hình kỳ diệu nhất, “cõi thơ là cõi bồng phiêu” (Bùi Giáng). Đi tìm bản thể của thơ luôn là một hành trình đầy bí ẩn. Chính vì lẽ đó, ở bất cứ nền văn học nào, việc kiến tạo hệ thống quan niệm lý luận về thơ là vấn đề lý thuyết vô cùng quan trọng, góp phần định hướng cho việc nghiên cứu và sáng tác thi ca. Nền lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam cũng không nằm ngoài quy luật này. Các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam đã hình thành một hệ thống quan niệm lý luận về thơ thể hiện ở nhiều phương diện.

1. Thơ trong mối quan hệ với hiện thực

Nỗi ám ảnh với mọi người yêu thơ là chạm vào được bản thể của thơ. Thơ ngự trị ở đâu giữa cõi đời mênh mông này; thơ là một phần của đời sống hay đứng ngoài đời sống là những vấn đề cần nhận rõ trong quá trình xác định yếu tính của thơ. Trong quan niệm của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, hiện thực cuộc sống trong thơ cũng được cảm nhận từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Theo Trần Nhựt Tân, thơ “bao hàm những cái gì hư hư thực thực, liêu trai, mộng mị, ảo huyền, kỳ diệu, mông lung, bất định ...”(1). Còn với Đông Hồ, “Thơ là mộng trong mộng. Mộng đã là khó bắt gặp được huống còn là mộng trong mộng nữa, thì còn khó bắt gặp biết bao. Cuộc thế dầu là thực thể vẫn là một thực thể mị thường. Hình bóng thơ không phải là một thực thể. Như vậy, thơ còn mị thường hơn hình bóng mị thường”(2). Và với Huỳnh Phan Anh, “Thơ là mộng ước. Trong mộng ước không còn cái hữu hạn. Mộng ước là cơ hội để con người mơ màng vô hạn.”(3). Không dừng ở đó, với tư duy triết học, Huỳnh Phan Anh đã đẩy sự huyền diệu của thơ lên một tầng cao đầy tính triết luận: “Thơ bộc lộ để không bộc lộ gì hết. Nó bộc lộ để giấu ẩn. (...) Thơ ở giữa có và không, thực hữu và hư vô, mời gọi và từ chối”(4). Cho nên theo Huỳnh Phan Anh “Định nghĩa thơ là định nghĩa cái không thể định nghĩa được”(5). Nhưng thơ dù là tiếng gọi từ cõi vô biên, là cõi huyền nhiệm, hư vô thì vẫn là thực thể của đời sống. “Thơ là sự hôn phối và cảm thông linh diệu giữa thực và mơ, giữa người với người và vũ trụ cho nên thi ca gắn liền với hiện hữu và thể hiện qua muôn vẻ”(6). Trong quan niệm của các nhà lý luận phê bình văn học miền Nam, thơ ca không chỉ là mộng ước, là hình bóng của cõi mị thường mà thơ ca còn là tiếng gọi thao thiết từ cuộc sống. Thơ bao giờ cũng đi ra từ cuộc sống. Song cuộc sống ấy không phải là hiện thực bị đông cứng, bị đóng kín, bị cầm tù mà đó là hiện thực mở, là hiện thực “không ngớt hoàn thành; tìm kiếm chỗ đứng chờ đợi xác định”(7). Điểm đến cuối cùng của thi ca là cõi sống, là kiếp phù sinh, nơi đó người sáng tạo phải lấp đầy những khoảng trống hư vô trong nỗi cô đơn của kiếp người, nói như Cao Thế Dung “Thi ca luôn luôn như tiếng hát trở về cùng với cơn thao thức phù sinh. Thi ca một mức độ an nghỉ cuối cùng mang trọn vẹn kiếp người. Thi ca sẽ lấp cho đầy khoảng trống trơn giữa ảo ảnh hư sinh, đơn côi và vô vọng”(8).

Quả thật, thơ là cuộc hôn phối giữa con người và vũ trụ. Thơ luôn tìm về với cuộc sống, thơ ở trong cuộc sống nên “Nhà thơ tuy chẳng muốn, cũng thấy mình bị ràng buộc vào cuộc biến chuyển của lịch sử” (Saint John Perse)(9). Như vậy, dù ý thức hay vô thức, thơ vẫn chảy trong biển lớn cuộc đời và nhà thơ không thể đứng ngoài dòng chảy ấy. Hơn ai hết, họ phải là người cảm nhận cuộc sống mãnh liệt nhất, tế vi nhất. Ý thức được điều này, các nhà lí luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam không những thấy được sự nhiệm màu trong việc thể hiện chiều sâu đời sống tâm linh mà còn thấy được duyên nợ giữa thơ với đời thực, với cuộc sống hiện tồn. Theo họ, “thơ không phải là một thứ nghệ thuật vật vờ như ma trơi theo gió. Thơ đi sát đời sống: rời ra một bước , nó mất sứ mạng” (Tam Ích)(10). Và “nhà thơ trước hết phải dám lao thân vào cuộc thử lửa. Nếu chỉ ở thành phố , trong một thính phòng, trong cái không khí trưởng giả của một đô thị thanh bình mà hô hào lớn tiếng và phản kháng như thế, thi ca sẽ chỉ còn là cơn bạo hành ngôn ngữ” (Cao Thế Dung)(11).

Từ những ý kiến trên, ta thấy quan niệm về biên độ phản ánh hiện thực trong thơ của các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam tuy còn có những điểm khác nhau tùy theo cách nghĩ và điểm nhìn của mỗi người nhưng rõ ràng họ đã gặp nhau ở cách nhìn linh động về việc phản ánh hiện thực trong thơ. Đó là một hiện thực trù phú, và luôn biến sinh như chính bản thân đời sống. “Nhốt” thơ vào một ao hồ hiện thực, không để cho con thuyền thơ vẫy vùng ngoài biển lớn, nhất định thơ sẽ bị hủy diệt. Bởi theo quan niệm của Uyên Thao “Thơ phản ảnh đời sống con người trên toàn diện sinh động của nó từ mặt tầng (hành động) tới đáy tầng (tâm linh) qua hết mọi phương diện xã hội”(12). Vì “Cái gì có thể tạo ra những hiệu ứng trong một hiện thực khác thì chính nó cũng phải được coi như một hiện thực, vì không có một sự biện minh triết học nào có thể coi thế giới vô hình hay thần bí là phi hiện thực cả” (R.Assagioli)(13). Với quan niệm về việc phản ánh hiện thực trong thơ như vậy, thế giới mộng mị hảo huyền của Trần Nhựt Tân, Đông Hồ, thế giới chông chênh giữa hai bờ hư thực của Huỳnh Phan Anh hay một thế giới “sát với đời sống” theo quan niệm của Tam Ích và Uyên Thao, Cao Thế Dung, đều là những tầng khác nhau của hiện thực cuộc sống được phản ánh trong ý thức, tiềm thức, vô thức của thi nhân. Như thế, hiện thực đời sống được phản ánh trong thơ không chỉ là hiện thực cuộc sống bên ngoài mà còn là hiện thực bên trong. Đó không đơn thuần là hiện thực trần trụi giữa đời, giản đơn theo kiểu sao chép đời sống trong quan niệm về chức năng phản ánh hiện thực của văn học ở một thời không xa, thậm chí nó đã trở thành những điển phạm mà đến hôm nay không phải không còn tồn tại. Vì “Thơ có thể vừa là thực, vừa là không thực. Thực vì bắt đầu từ cuộc đời hằng ngày, không thực vì bao giờ cũng vượt xa nó. Thơ đưa chúng ta vào một thế giới huyền ảo, sâu xa của tưởng tượng, tôn giáo, thần thoại. Thế giới đó không phủ nhận cuộc đời hằng ngày nhưng chỉ khác biệt thôi” (Hoàng  Thái  Linh)(14).

Phản ánh hiện thực là qui luật muôn đời của văn học nói chung và thi ca nói riêng. Nhưng trong quan niệm của các nhà lý luận phê bình văn học ở miền Nam, đó không còn là hiện thực thuần túy mà là hiện thực của ảo diệu, hiện thực tâm linh, hiện thực của cõi mơ, của vô thức. Và đây mới chính là thế giới của thơ vì “Thơ cũng huyền diệu như Trời” (Charles Henriford)(15) và “Thơ là sự biểu lộ ý nghĩa huyền bí của cuộc sống bằng tiếng nói của con người thu về nhịp thuần túy nhất” (Stéphane Mallarme)(16). Như vậy biên độ phản ánh hiện thực trong thơ đã được mở rộng đến vô cùng. Và thơ đã trở thành tiếng nói mầu nhiệm của đời sống tâm hồn. Thơ đã trở thành một thứ vũ trụ tâm linh không những của nhà thơ mà của cả người tiếp nhận. “Thơ làm tôi sống lại - Thơ giải thoát tôi ra khỏi vòng tù hãm nhọc nhằn của cuộc sống. Thơ đặt tôi trước đời sống” (Phạm Công Thiện)(17). Hiện thực phản ánh trong thơ là một hiện thực đa phương, đa chiều. Nếu chỉ quan niệm rằng phạm vi phản ánh hiện thực của thơ là tất cả những gì diễn ra trong đời sống mà ta có thể cảm nhận rõ ràng bằng các giác quan thì vô hình trung ta đã thu hẹp biên độ phản ánh trong thơ, không nhận ra được bản chất của thơ vốn là sản phẩm của thế giới huyển tượng, ảo diệu, vô thức, thấu thị bởi “thơ khởi đi từ đời sống. Nhưng nó không hệ tại những dự kiện ghi nhận được qua hoạt cảnh đời sống. Nó vượt lên trên tất cả. Nó qua cái hữu hạn để nổ tung, vỡ lớn trong vô cùng, miên viễn. Do đấy, nếu nhìn từ một khía cạnh nào đó, từ đời sống, thì thơ là một phản đề” (Du Tử Lê)(18). Thơ phải chăng là dòng sông vắt mình qua hai bờ hư thực. Vì vậy “chúng ta không thể tách lập được hẳn thực hư và chia đôi địa trấn bằng một bờ sao rõ rệt. Cõi mộng và cõi đời đã thâm nhập ở nhiều nơi, và ở nhiều nơi đã thấm trộn cùng nhau trong một cuộc giao hòa bí mật” (Tuyên ngôn của  nhóm Dạ  đài) (19).

2. Nhà thơ và quá trình sáng tạo

Để đi vào thế giớí nghệ thuật thơ, có lẽ chúng ta cần xác định nhà thơ - họ là ai? Vì chính sứ mệnh nhà thơ chi phối quá trình sáng tạo thi ca. Đây cũng là vấn đề mà các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam đề cập đến trong hệ thống quan niệm về thơ. Kiên Giang tự nhận thi sĩ “là hột cát nhưng hột cát có thể lấp đầy sa mạc.  Là con voi nhưng con voi có thể chui qua lỗ kim. Cũng là chứng nhân nhưng phải là chứng nhân thành thật trung hậu vừa mềm dẻo vừa cương nghị”(20).Với Trần Nhựt Tân, “Thi sĩ là người duy nhất có được ngôn ngữ: hắn đã vượt thóat được ngôn ngữ. Thi sĩ là người duy nhất có thể vượt thoát được hố thẳm, lập ngôn”(21). Và nếu Cao Thế Dung quan niệm “Thi nhân tự có nghĩa như một loài bất thường khao khát đam mê”(22) thì Phạm Công Thiện cho rằng “Những thi sĩ không phải là loài người họ là những thiên thần, những thánh hoặc những quỉ ma”(23). Còn theo Nguyễn Sỹ Tế, “Thi gia là á thánh, là “thần linh một nửa”, và chính nhờ ở cái thứ bậc đó mà thi gia đã sắm được cái vai trò giữa thiêng liêng và phàm tục”(24). Vì “Thơ là những xúc động đặc biệt được diễn tả bằng một ngôn ngữ đặc biệt của một sinh linh có năng khiếu đặc biệt mệnh danh là thi sĩ”(25).

Như vậy, trong quan niệm của các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, nhà thơ không phải là người bình thường mà là người nghệ sĩ có phẩm chất khác thường. Đó là con người ở ngoài cõi sống mà Đông Hồ đã tụng ca : « Muốn lãnh được danh hiệu là một thi sĩ, đúng với danh xưng của nó, tôi thấy phải là một người sống một đời sống tinh thần lạ thường lắm, đặc biệt lạ thường »(26). Thật ra đây là một quan niệm mang tính phổ biến. Đã là thi nhân chưa ai nhận mình là người bình thường cả. Chỉ có điều cái không bình thường đó ở mỗi người được biểu hiện khác nhau. Nếu Nguyễn Công Trứ tự họa chân dung mình là một kẻ « ngất ngưỡng cưỡi bò vàng, đeo nhạc ngựa tiêu dao đây đó», thì Trần Tế Xương lại chua chát nhận mình là “dở dở ương ương”, là “phổng sành”. Và đến Chế Lan Viên, chất khác thường của thi nhân được nhà thơ đẩy lên một tầng nghĩa mới: “Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỉ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát Hiện Tại. Nó xối trộn Dĩ Vãng. Nó ôm trùm Tương Lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý”. Còn Rimbaud – nhà thơ tượng trưng nổi tiếng của Pháp lại cho rằng: “Thi nhân tự biến mình thành tiên tri thấu thị". Vì thế quan niệm về thi nhân của các nhà lý luận phê bình văn học miền Nam cũng tương đồng và chưa vượt thoát được quan niệm truyền thống. Nhưng chính sự thống nhất cũng như không vượt thoát này cho thấy sự nhất quán và tính điển phạm trong quan niệm về thi nhân của mọi thời. Phẩm chất thi nhân và thi ca bao giờ cũng là những giá trị mang tính bất biến mà sự khả biến của nó, nếu có, chỉ là tương đối và có tính tạm thời. “Giá trị cao nhất của thơ nếu không phải là đạt tới cái đẹp và cái thực sẽ còn gì để nói nên thơ?”(27) và “Kích thước một nhà thơ là kích thước thi giới do người ấy sáng tạo”(28).
            
Thật vậy, sáng tạo thi ca là quá trình phức tạp. Như một ngọn nến, thi nhân tự đốt cháy tâm hồn mới mong thơ tỏa sáng giữa cuộc đời. Vì “thơ là kết tinh, thơ là ngọc đọng, thơ là phiến Kỳ nam trong rừng trầm hương, thơ là hạt minh châu trong biển hạt trai, thơ là tinh hoa trong vườn phương thảo” (Đông Hồ)(29). Quá trình sáng tạo của nhà thơ là sự kết tinh của “hồn thơ”. Để sáng tác thi ca ngoài phần kỹ thuật, thi pháp cũng như nội dung tư tưởng, “còn đòi hỏi một nguyên lý sinh động đó là cái hồn thơ, cái khả năng cảm hứng và diễn tả của nhà thơ nó làm cho nội dung kết cấu với hình thức và bài thơ có một sức sống linh diệu” (Nguyễn Sỹ Tế)(30). Và “Những chất thơ có được  trong tác phẩm đều xuất phát từ một hồn thơ. Hồn thơ là nguồn suối nguyên sinh (gennse) của cái đẹp nghệ thuật tìm thấy trong một sáng tạo đam mê” (Trần Nhựt Tân)(31).
Với các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, hồn thơ là yếu tố không thể thiếu trong quá trình sinh thành thơ ca. Nó không những là nguyên nhân, động lực, là “nỗi niềm tinh vân” dậy lên đam mê và khát khao sáng tạo mà còn là tiếng gọi từ trong vô thức của người thơ. “Chất thơ thường hướng về tác phẩm, tức là ngoại giới, hồn thơ là dư vang chưa thành hình còn đang ở trong trạng thái tiềm thế, đồng hóa với mỹ cảm sống động trong tâm hồn thi sĩ” (Trần Nhựt Tân)(32). Không những thế, hồn thơ còn là “tiếng gọi” huyền nhiệm tạo mỹ cảm cho người đọc trong quá trình tiếp nhận, như Hồ Hoàng Lạp khẳng định “Đọc một bài thơ điều làm tôi cảm hay không ở bài thơ chính là cái hồn của bài thơ đó toát ra sau những giòng chữ. Một chút sương khói thơ lảng đảng bay lên cao, chập chờn cảnh vật, lung linh hình bóng”(33). Rõ ràng, một bài thơ hay phải ẩn chứa một hồn thơ lung linh sau những dòng chữ. Nên hồn thơ không chỉ là nội lực tạo xúc cảm cho thi nhân trong quá trình sáng tạo, là sự mời gọi nguồn mỹ cảm nơi người đọc, mà theo Trần Nhựt Tân còn là xu hướng của cả một trường phái, “Hồn thơ vừa là mẫu số chung cho toàn thể tác phẩm của một thi sĩ, vừa là đơn vị sáng tạo của một thi sĩ đối với các thi sĩ khác , kể cả  những thi sĩ cùng một thời đại, một khuynh hướng chịu chung một ảnh hưởng (đôi khi) cả trong cùng một trường phái”(34).

3. Ngôn ngữ và hình ảnh thơ

“Thơ là nghệ thuật lấy ngôn ngữ làm cứu cánh” (Jakobson). Đó là thứ ngôn ngữ được chưng cất công phu vì “bài thơ là tổ chức ở trình độ cao của ngôn ngữ, một tổ chức chặt chẽ tinh tế của ngôn ngữ”(35). Vì vậy với các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, ngôn ngữ thơ là một phương tiện hình thức luôn được coi trọng, ngôn ngữ luôn là một giá trị không thể phủ nhận trong yếu tính thơ, vì “thơ tức là phần tinh lọc nhất của ngôn ngữ” (Nguyễn Quốc Trụ)(36). Và “ngôn ngữ thi ca là thứ ngôn ngữ kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ và tư tưởng và nhiệm vụ của thi nhân là phải tạo nên sự nhiệm màu kỳ diệu ấy” (Phú Hưng)(37). Đây mới thực sự là yếu tố làm nên giá trị thơ ca. Tư tưởng trong ngôn ngữ thơ như một chiếc dây diều vừa đưa thơ cất cánh bay cao, bay xa trong bầu trời của thực và mộng vừa neo thơ lại với bầu khí quyển đời sống. Ngôn ngữ thơ theo Phú Hưng “không phải là một thứ ngôn ngữ xác ve sau mùa hè đã im bặt tiếng kêu mà đó là một thứ ngôn ngữ không ngừng biến sinh mãnh liệt”(38). Song ngôn ngữ trong thơ không phải là ngôn ngữ nguyên sinh của đời sống. Đó là ngôn ngữ có giá trị tạo nghĩa, là một thứ “bóng chữ”. Nó có một “ma lực” riêng, nhiều khi vượt thoát khỏi ý thức của người cầm bút để trở thành một thứ ám ảnh của vô thức. Như một “tiếng chim gọi đàn”, nó tràn ra ngòi bút của thi nhân và phóng chiếu thành những cảm hứng sáng tạo. Ngôn ngữ thơ vì thế “không những khác biệt ngôn ngữ nhật dụng, nó còn biệt lập với người cầm bút, nó còn khả năng tự tồn, sinh sôi, nẩy nở “Chữ đẻ ra chữ và ra nghĩa” (Bùi Hữu Sủng)(39). Ngôn ngữ luôn có khả năng tạo nghĩa và luôn biến sinh theo sự biến sinh của đời sống xã hội. Lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam không những coi trọng vai trò của ngôn ngữ, một yếu tố hình thức góp phần tạo nên giá trị của thơ, mà còn đề cao ý thức trách nhiệm của nhà thơ trong việc sáng tạo ngôn ngữ. Theo họ, nhà thơ phải là người làm mới ngôn ngữ để thơ luôn tạo nên những rung động mới mẻ từ phía người tiếp nhận vì “mỗi thời đại có một ngôn ngữ thơ riêng” (Thanh Tâm Tuyền)(40) và “nhiệm vụ trọng yếu của thi sĩ là tìm một ngôn ngữ mới làm thỏa mãn người đọc” (Lê Huy Oanh)(41).

Sáng tạo nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng không bao giờ chấp nhận sự lặp lại, dẫu là lặp lại chính mình. Mọi sự lặp lại trong sáng tạo nghệ thuật đều đồng nghĩa với tự đào thải. Không thể có con đường mòn cho mọi sáng tạo. Qui luật phủ định trong sáng tạo nghệ thuật luôn là một hệ giá trị. Người nghệ sĩ có dũng cảm vác cây thập giá đầy khổ ải trong suốt hành trình sáng tạo thì mới mong tồn sinh trong lòng người đọc. Đây là yêu cầu khắc nghiệt với thi nhân. Bởi thế, lý luận phê bình văn học ở miền Nam luôn đề cao sự sáng tạo của người nghệ sĩ trong đó có sáng tạo về ngôn ngữ, như Tô Thùy Yên quan niệm "Nhiệm vụ người làm thơ là bơm chất máu của sự sống thời đại vào ngôn ngữ có vẻ đã khô héo”(42).

Sáng tạo thơ, nếu nói không cực đoan, là sáng tạo ngôn ngữ, làm mới ngôn ngữ. Đây là một trong những yếu tố góp phần tạo nên phong cách nhà thơ. Ngôn ngữ thơ không bao giờ là con chữ vô hồn mà là hiện thân của tư tưởng, tình cảm, là mối tương giao giữa nhà thơ với người đọc, là sự khẳng định phẩm chất thi nhân của nhà thơ giữa cuộc đời. Vì “ngôn ngữ thơ tự nó đã có một giá trị nhiệm màu trong sự truyền đạt cảm thông” (Cao Thế Dung)(43). Với sứ mệnh “cao trọng hóa tiếng nói của con người”, nhà thơ có phong cách phải sáng tạo ra một “tiếng nói riêng”, “một giọng điệu riêng”, một lối dùng chữ riêng trong thế giới nghệ thuật của mình. Đây cũng là quan niệm của Duy Thanh, “Nhà thơ độc đáo đều có một ngôn ngữ riêng. Chính là cái rung cảm trước thời đại biểu diễn qua lối nhìn bằng tiếng nói của hắn”(44). Mỗi nhà thơ đều dùng chất liệu ngôn ngữ như một công cụ sáng tạo. Và thơ bao giờ cũng vươn tới cái đẹp, đồng hành với cái đẹp. Vì thế trong quan niệm của các nhà lý luận phê bình văn học miền Nam, ngôn ngữ thơ không chỉ chứa đựng tư tưởng mà còn biểu hiện cái đẹp của thi ca, là sự thức nhận mỹ cảm nơi người đọc. Bởi “Ngôn ngữ thi ca là một ngôn ngữ có nội dung phản ảnh được dư vang nghệ thuật” (Trần Nhựt Tân)(45). Ngôn ngữ thi ca, vì thế là một giá trị góp phần tạo nên sự hằng sống của thơ. “Thơ không phải là một mớ lý thuyết mà là một thực thể ngôn ngữ, vấn đề chính vẫn là ngôn ngữ ấy thực thể ra sao?”( Đặng Tiến) (46). Và thơ ca ám ảnh người đọc phải chăng cũng vì vẻ đẹp toát ra từ “thực thể ngôn ngữ” ấy. Vũ trụ tâm hồn thi nhân có hòa điệu với tâm hồn người đọc không, có “tri âm” với người tiếp nhận hay không, tất cả phải thông qua chiếc cầu ngôn ngữ, nói như Bùi Giáng “thi ca vẫn có sức đưa dẫn người ta vào giữa huyền nhiệm của cuộc sống”(47). Ngôn ngữ thơ bao giờ cũng là hóa công của người nghệ sĩ. Mỗi chữ trong thơ đều là sự vang vọng từ tâm hồn thi nhân.Vì “Thực chất của thơ là cái linh hồn, là sự sống của những chữ ta dùng. Làm văn xuôi, chữ không có sức mạnh ma quái như vậy (…) thi nhân là một thần linh nói một thứ chữ riêng mà thế nhân phải diễn tả dài dòng thô lậu”(Nguyên Sa) (48). Như vậy ngôn ngữ lúc này không còn là con chữ lạnh lùng mà đã có một cuộc sống ở một thế giới khác do nhà thơ sáng tạo nên, nói như Chế Lan Viên “làm thơ là tạo ra một hành tinh thứ hai bằng ngôn ngữ”(49). Ở đây ta thấy quan niệm về ngôn ngữ thơ của các nhà lý luận phê bình văn học miền Nam có những điểm tương đồng với quan niệm của Chế Lan Viên ở chỗ nhà thơ cũng rất chú trọng đến việc dùng chữ trong thơ, với ông “trong bài thơ, nhiều khi một chữ cũng rất là quan trọng, hiểu sai hay thay đổi đều không được”(50). Song quan niệm này lại có phần khác biệt với quan niệm của Xuân Diệu: “Trong sự sáng tạo của nhà thơ thứ nhất là sáng tạo chất sống, thứ nhì là sáng tạo chất sống, thứ ba, thứ tư mới đến sáng tạo ngôn ngữ. Và tôi dám nghĩ rằng loại thơ sáng tạo ngôn ngữ quá tài giỏi cũng chỉ mới là loại thơ thứ nhì”(51). Phải chăng quan niệm của Xuân Diệu cũng là quan niệm mang tính phổ quát của nền lý luận phê bình văn học chúng ta một thời đã qua.Ở đó các nhà lý luận phê bình tuy không phủ nhận vai trò của yếu tố hình thức nghệ thuật trong thơ song cũng chưa thật sự đặt nó vào đúng giá trị. Không những thế nhiều khi trong sáng tác và tiếp nhận, do đề cao yếu tố nội dung tư tưởng, xem nhẹ yếu tố hình thức nghệ thuật nên làm mờ nhạt khát vọng và khả năng khám phá, sáng tạo của người nghệ sĩ trong việc cách tân hình thức nghệ thuật. Đây cũng là điều khác biệt khá cơ bản trong quan niệm về thơ của lý luận phê bình văn học cách mạng so với lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam thời kỳ 1954-1975.

Như vậy, trong quan niệm của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, ngôn ngữ thơ là một phương diện nghệ thuật rất quan trọng. Song không chỉ có ngôn ngữ, hình ảnh thơ cũng là một yếu tố được chú trọng trong quan niệm thơ của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam. Hình ảnh thơ bao giờ cũng là sự kết tinh của việc sử dụng ngôn ngữ. Vì thế hình ảnh thơ luôn có ý nghĩa trong việc tạo hiệu ứng nghệ thuật. Và đến lượt mình, hình ảnh cũng là yếu tố góp phần khẳng định sự hiện hữu của thơ. Vì “Thơ là biểu tượng, là hình ảnh. Thơ tạo dựng một vũ trụ qua trung gian biểu tượng một vũ trụ phi thực, một vũ trụ chỉ có ý nghĩa trong tính cách phi thực của nó. Hơn đâu hết , biểu tượng hình ảnh là điều kiện của thơ ,lý do tồn tại của thơ, biểu tượng chính của thơ”(Huỳnh Phan Anh)(52). Như vậy dù là tiếng vọng từ tâm linh, là tiếng gọi từ trong vô thức thì thơ cũng phải tồn sinh dựa vào nhiều phương thức biểu hiện, trong đó không thể không có ngôn ngữ và hình ảnh - những thi liệu đầu tiên mà người đọc chạm tới trước khi bước vào khám phá thế giới mộng mị và hư ảo của thơ. “Thơ là vũ trụ những hình ảnh có giá trị một sự mê hoặc, một thứ ma thuật. Nó biến thành hình ảnh của chính hình ảnh”(53). Nhưng “Thơ không là thực tại, không là tổng số những hình ảnh xác định một thực tại rõ ràng. Nó là một ước muốn hơn thế nữa là một đam mê mù quáng cũng nên”( Huỳnh Phan Anh)(54). Rõ ràng, hình ảnh thơ không phải là tổng số của nhiều hình ảnh mà chính sự chọn lọc những hình ảnh có giá trị biểu cảm, có tính hàm súc, tạo hiệu ứng nghệ thuật cao, mới thể hiện tư tưởng, tinh thần lập ngôn và cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. “Văn ảnh là một lập ngôn mà chất thơ cô đọng đủ để có một khả năng truyền cảm mãnh liệt khiến ta không những phóng mình vào cái đẹp mà còn băng mình vào hố thẳm» ( Trần Nhựt Tân)(55).

4. Quan niệm về nhạc tính và âm điệu trong thơ

Cùng với ngôn ngữ và hình ảnh, nhạc tính và âm điệu trong thơ cũng là một yếu tố thi pháp được các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam đề cập khá nhiều trong quan niệm thơ của mình. Theo họ, “Nhạc điệu là một yếu tính của thi ca. Thiếu nhạc tính thơ trở thành văn xuôi”(Bằng Giang)(56). Bởi nhạc tính như một nét duyên thầm làm nên vẻ đẹp của thơ, cũng là một yếu tố tạo mỹ cảm cho người đọc. “Ly khai với nhạc tính, thơ chỉ còn là một nhan sắc trơ trẽn thiếu duyên”(Tam Ích)(57). Và “Thơ là sự phối hợp của âm thanh”(58).Thơ bao giờ cũng là sự kết hợp hài hòa giữa ý và nhạc. Nếurơi vào cái vực ý thì thơ sẽ sâu nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc thì thơ dễ làm say lòng người nhưng dễ nông cạn” (Chế Lan Viên)(59). Rõ ràng, nhạc tính là tiếng nói linh diệu của thi ca, gợi thức trí tưởng tượng của người đọc,  nói như La Fontaine “Chẳng có thơ nào không có nhạc, song chẳng có thơ nào không có tưởng tượng”(60).

Là một yếu tố không thể thiếu trong thơ, nhạc được tạo nên từ cách dùng ngôn ngữ, cách gieo vần, phối thanh... Nếu ngôn ngữ và hình ảnh là những yếu tố song hành thì âm điệu cũng là yếu tố đồng hành với tính nhạc. Nói một cách hình ảnh, nếu ngôn ngữ là sợi dây đàn thì nhạc tính và âm điệu là những cung bậc thanh âm ngân lên từ sợi dây đàn ấy, “âm điệu là bố cục của tiết nhịp” mà “nhạc tính là dây giao cảm của từng yếu tố trong toàn bộ bố cục ấy”(Trần Nhựt Tân)(61). Vì vậy trong quan niệm lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, âm điệu cũng là một yếu tố hình thức nghệ thuật quan trọng trong thơ. Việc kiến tạo âm điệu trong thơ cũng chính là kiến tạo nhạc tính. Và âm điệu cũng là chiếc cầu nối thơ với người đọc, nói như Trần Nhựt Tân “âm điệu là một cảm nghiệm thi tánh như một sinh khí hội thoại của thơ với người thưởng lãm” (Trần Nhựt Tân)(62). Và như thế thi nhân chính là «tạo hóa đã xây dựng nên một thế giới âm thanh thiên lại, đã tạo nên một bầu trời hương khói lung linh vần điệu u huyền» (Đông Hồ) (63), để dẫn dụ người đọc đi vào thế giới màu nhiệm của thơ ca.

Quan niệm về ngôn ngữ, hình ảnh, âm điệu và nhạc tính trong thơ của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam cũng tương hợp với quan niệm thơ phương Tây và quan niệm thơ ca truyền thống của dân tộc. Bởi đây là những hằng số giá trị của thơ ca. Nhưng thơ vẫn còn những ẩn số khác mà con người phải khám phá trong quá trình tìm đến bản thể thơ. “Thơ là vần điệu. Thơ là ý nghĩa tác động lên tâm hồn người đọc. Thơ là ẩn dụ nhằm gây rung động hay cảm xúc.Hay thơ là ngôn ngữ thơ, chỉ có vậy” (Huỳnh Phan Anh)(64). Thơ mãi là một thế giới đầy bí ẩn mà khi giải mã, không  phải lúc nào cũng có sự thống nhất; ngay cả trong quan niệm về việc chú giải, phê bình.

5. Thơ và vấn đề chú giải phê bình
            
Khát vọng bỏng cháy trong tâm thức bao người là ước mong mở cánh cửa đi vào thế giới nghệ thuật thơ. Nhưng thơ vốn là “cõi bồng phiêu” đầy “mị thường”, nên  cứ mãi là chân trời xa tắp, chúng ta chỉ nhìn thấy trong mơ hồ xa xăm mà không bao giờ tiếp cận được. Có phải thế chăng mà việc chú giải phê bình thơ là vấn đề khá nhạy cảm thu hút không ít sự quan tâm của các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam.

Có lẽ do khám phá bản thể thơ từ hệ quy chiếu của một tư duy triết học mà Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Huỳnh Phan Anh đều không đồng tình với việc chú giải phê bình thơ. Với Bùi Giáng, “Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch diễn gì được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa rào hoặc một cơn gió thu. Mà muốn thực hiện sự đó thì ngoài việc làm thơ ra, con người không còn phép gì khác. Thế có nghĩa là: muốn bàn tới thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác”(65). Như vậy theo Bùi Giáng, thơ luôn là ẩn số không có lời giải. Và như thế nghĩa là không cần có phê bình. Phạm Công Thiện cũng quan niệm: “Không nên có những nhà phê bình thơ mà chỉ nên có những kẻ ca tụng thơ. Thơ là của riêng từng người không có ai làm thay ai cả. Phê bình văn nghệ ư? Buồn lắm !”(66). Rõ ràng trong quan niệm của Bùi Giáng và Phạm Công Thiện, thế giới thơ ca là thế giới của mộng mị, tâm linh, thấu thị, nên không thể nào «diễn dịch» được. Vì thế xét ở một phương diện nào đó, thơ thật khó giải thích đến cùng và phê bình thơ cũng là việc làm khó đạt đạo. Khởi đi từ những ám ảnh tâm linh, những mặc khải nhưng không vì thế mà thơ mãi là một bí mật. Nói như Tuệ Sỹ, “Thơ là ẩn ngữ hay không là ẩn ngữ, vừa ẩn ngữ, vừa không là ẩn ngữ”(67). Theo chúng tôi, sẽ là cực đoan nếu quan niệm thơ là điều không thể chú giải và phê bình. Thực ra dù thơ là tiếng gọi của vô thức và tâm linh thì nó vẫn không đi ra ngoài cuộc sống. Và chính vì «Thơ, tiếng nói siêu thoát nhất, tinh vi nhất của tâm hồn xuyên qua ngôn ngữ» (Tạ Tỵ)(68) mà ngôn ngữ thì luôn có giá trị tạo nghĩa nên mỗi người đọc vẫn có thể tiếp nhận thơ theo cách riêng của mình. Có thế thơ mới không bao giờ là một ngôi nhà xưa cũ, một vườn hoang cỏ mọc mà thơ luôn mới, luôn tái sinh giữa màu xanh của cây đời. Ngược lại nếu người đọc không tìm được con đường đi vào thế giới nghệ thuật thơ, lúc đó thơ tự đốt cháy ngôi nhà hữu thể của mình là ngôn ngữ để về với cõi hư vô.

Thế nên, khác với quan niệm của Bùi Giáng và Phạm Công Thiện, Uyên Thao cho rằng “Thơ biểu hiện tâm hồn hay thơ là tâm hồn, nhưng thơ không biểu hiện tuyệt đối tâm hồn. Thơ là một cái gì tự tại hình thành bởi những yếu tố riêng biệt. Mà đã là một cái gì tự tại, đã có những yếu tố hình thành riêng biệt thơ không thể là một cái gì bất khả mổ xẻ”(69). Và chính Huỳnh Phan Anh mặc dù đã rất đề cao quan niệm thơ là điều bất khả lý giải thì cũng thừa nhận: “dĩ nhiên người ta có thể đưa ra những giải thích hợp lý, nghe được”(70). Như vậy, người ta vẫn có thể chú giải phê bình nếu thực sự hiểu đặc trưng của thơ. Do đó phê bình thơ đòi hỏi một thiên năng đặc biệt thiên năng ấy là kết quả của một độ chín tư duy và chiều sâu tâm hồn. Vì “Thơ là sự mời gọi tham dự vào chính những cảm xúc, những trạng thái tâm hồn, những tình tự, kinh nghiệm của chính người thơ. Thơ trở thành kinh nghiệm tập thể, một kinh nghiệm khởi từ cá nhân để tan vào đám đông được mời dự”(Huỳnh Phan Anh)(71).

Thế giới thơ là thế giới không cùng. Đi vào bản thể thơ cũng là con đường sâu thẳm. Vì thế, hệ thống quan niệm về thơ trong lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 cũng chỉ là những gợi mở mang tính lý thuyết để chúng ta đi vào tìm hiểu thơ chứ chưa thể xem là một hệ thống quan niệm hoàn chỉnh. Song với sự tiếp biến quan niệm về thơ phương Tây, phương Đông và sự tiếp nối truyền thống lý luận thơ ca dân tộc, hệ thống quan niệm về thơ của lý luận phê bình ở đô thị miền Nam đã góp thêm một sắc diện mới, làm hiện đại hóa hệ thống quan niệm thơ ca nước nhà. Từ đó mở ra nhiều chân trời sáng tạo và tiếp nhận thi ca, nói như Nguyên Sa, thơ “là một mời mọc vượt qua hình thức để tìm đến một cái gì tàng ẩn ở mặt sau”, “là khát vọng, là vươn lên một vẻ đẹp tuyệt đối”(72).

Chú thích :

(1) (21) (31) (32) (34) (45) (55) (61) (62) Trần Nhựt Tân, Dư Vang nghệ thuật, Nxb Hạnh, Sài Gòn, 1971, tr.79, 104 – 105, 87, 87, 101, 81, 123, 155, 178
(2) (29) Đông Hồ, Xúc cảnh thành thi, Văn, số 86 ra ngày 15/7/67, tr.14, 32
(3) Huỳnh Phan Anh, Tại sao những bài thơ tình đó, Văn, số 91 ra ngày 1/10/67, tr.93
(4) (5) (7) (64) (70) Huỳnh Phan Anh, Văn chương và kinh nghiệm hư vô, Nxb Hoàng Đông Phương, Sài Gòn, 1968, tr.104, 104, 104, 101, 106

(6) (8) (11) (22) (27) (43) Cao thế Dung, Thi ca và thi nhân, Nxb Quần chúng, Sài Gòn, 1969, tr.7, 7, 155, 283, 277, 111
 (9) (15) (16) Đoàn Thêm, Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế, 1962,  tr.105, 27, 24
(10) Tam Ích, Văn nghệ & Phê bình, 1969, Nxb Nam Việt, Sài Gòn, tr.113.
(12) (69) Uyên Thao, Thơ Việt hiện đại 1900 - 1960, Nxb Hồng Lĩnh, Sài Gòn, 1969, tr. 48, 92
(13) Nhiều tác giả, Phân tâm học và văn hóa tâm linh, (Đỗ Lai Thúy biên soạn), Nxb Văn hóa thông tin, H, 2002, tr.392
(14) Hoàng Thái Linh, Truyện là thơ trong tiểu thuyết của Michel Butor, Bách khoa, số 113 ra ngày 15/9/61, tr.70.
 (17) (23) (66) Phạm Công Thiện, Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, Nxb An Tiêm, Sài Gòn, 1970, tr. 217, 220, 220
(18) Du Tử Lê, Phản đề đời sống, Văn, số 91 ra ngày 01/10/67, tr.98.
(19) Nhiều tác giả, Thơ mới 1932-1945 Tác giả và tác phẩm, Nxb Hội Nhà văn Hà Nội, 2004, tr. 1256.
(20) Thời tập số đặc biệt về thơ, tr.12.
 (24) (25) (30) Nguyễn Sỹ Tế, Vạn Hạnh số đặc biệt về thơ (20-21) ra ngày 1/2/67, tr.188, 192, 156
(26) (63) Đông Hồ, Câu chuyện văn chương, Nxb Khai Trí, Sài Gòn,1969, tr.186, 194
 (28) Đặng Tiến, Vũ trụ thơ, Nxb Giao Điểm, Sài Gòn, 1972, tr 162.
 (33) Hồ Hoàng Lạp, Khởi hành số 111 ra ngày 1/7/1971, tr.12.
(35) (51) Xuân Diệu, Công việc làm thơ, Nxb Văn học, H, 1994, tr.6, 56.
(36) Nguyễn Quốc Trụ, Vấn đề ngôn ngữ văn chương, Văn 82 ra ngày 15/5/1967, tr.12.
(37) (38) Phú Hưng, Một suy nghĩ về việc làm thơ, Khởi hành số 127 (2/10/1971), tr.9, 9.
(39) Bùi Hữu Sủng, Quan niệm mới về tư tưởng phần ý thức mới về ngôn ngữ thi ca, Bách khoa giai phẩm, số 383(c) ra ngày 15/12/1972,  tr.15.
(40) Thanh Tâm Tuyền, Nói chuyện về thơ bây giờ, Nxb Sáng tạo, Sài Gòn 1965, tr.138.
(41) Lê Huy Oanh, Nói chuyện về thơ bây giờ, Nxb Sáng tạo, Sài Gòn 1965, tr.135.
(42) Tô Thùy Yên, Nói chuyện về thơ bây giờ, Nxb Sáng tạo, Sài Gòn 1965, tr.134.
 (44) Duy Thanh, Nói chuyện thơ bây giờ, Nxb Sáng tạo, Sài Gòn 1965, tr.131.
 (46) Đặng Tiến, Thơ với người xưa, Văn số 1, ra ngày 7/1/1974, tr.150.
(47) (65) Bùi Giáng, Thi ca và tư tưởng, Nxb Ca dao 1969, Sài Gòn, tr.125, 133
(48) Nguyên Sa, Văn học số 99 ra ngày 15/12/69, tr.8
(49) Chế Lan Viên,  Di Cảo thơ III, Nxb Thuận Hóa ,Huế 1996, tr.230
(50) Chế Lan Viên, Từ Gác Khuê Văn đến quán Trung Tân, Nxb Tác phẩm mới, H, 1981, tr.100.
 (52) (53) (54) (71) Huỳnh Phan Anh, Đi tìm tác phẩm văn chương, Nxb Đồng Tháp 1972, Sài Gòn, tr.314,.315, 316, 320
 (56) Bằng Giang, Từ thơ mới đến thơ tự do, Nxb Phù Sa 1969, Sài Gòn, tr.24.
(57) (58) Tam Ích, Nhân nhớ Bích Khê và đọc Bích Khê bàn về thơ tượng trưng, Văn số 64 ra ngày 15/8/1966, tr.15,17.
 (59) Chế Lan Viên, Suy nghĩ và bình luận, Nxb Văn học, H, 1971, tr.41.
(60) La Fontaine, Những bậc thầy văn chương, (Lê Huy Hòa, Nguyễn Văn Bích biên soạn), Nxb Văn học H, 2002, tr.623.
(67) Tuệ Sỹ, Tô Đông Pha - Những phương trời viễn mộng, Nxb Ca Dao, Sài Gòn, 1973, tr.16.
(68) Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay, Nxb Lá Bối, Sài Gòn 1972, tr.560.
 (72) Nguyên Sa, Vài nét về nghệ thuật hiện đại, Hiện đại số 7, tháng 10/1960, tr.50.

TRẦN HOÀI ANH

No comments:

Post a Comment