.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, July 4, 2013

NGƯỜI TỪNG BỊ “THẦN CHẾT GỌI NHẦM TÊN” VÀ CUỘC THI THƠ TRÊN FACEBOOK


Các đại gia thường bỏ hàng đống tiền để chơi siêu xe, máy bay, du thuyền hoặc… chân dài. Phạm Thanh Long cũng là đại gia, nhưng anh lại chơi theo kiểu không giống như nhiều kẻ lắm bạc nhiều vàng khác. Ở Sài Gòn, nhiều anh em làm văn, làm báo nói vui rằng: Phạm Thanh Long là người “không được quyền chết”. 

 Bỏ tiền thi thơ trên thế giới ảo

Trong thời buổi người người lo làm giàu thì các nhà thơ mơ mộng trở nên lạc lõng. Vậy mà, Phạm Thanh Long đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để tổ chức một cuộc thi thơ trên

Facebook với chủ đề “Lời tỏ tình đầu tiên” diễn ra trong thời gian một tháng. Long làm vậy không vì bất cứ điều gì, chỉ đơn giản là muốn tạo sân chơi cho những người mơ mộng hiếm hoi giữa thời buổi “vật chất lên ngôi” này. Cuộc thi thơ do Long khởi xướng, kiêm nhà tài trợ đã thu hút hàng ngàn lượt người từ khắp mọi miền và ở nước ngoài dự thi với hơn 10 ngàn bài thơ về.

100 triệu đồng với các đại gia xài tiền như nước không đáng là gì, nhưng có mấy người bỏ ra số tiền đó một cách vô vụ lợi và vì thơ? Giải thưởng cuộc thi thơ này nếu so với các game show trên truyền hình cũng không đáng là bao, nhưng so với các giải thưởng văn chương được tổ chức hàng năm trong nước, sẽ là đáng kể. Chẳng những thế, những giám khảo ở Hà Nội như nhà thơ Hồng Thanh Quang, Nguyễn Trọng Tạo sẽ được Phạm Thanh Long tài trợ vé máy bay để về TPHCM dự lễ trao giải vào đầu tháng 7 này.

“Nghề chơi cũng lắm công phu” bởi không chỉ bỏ tiền là xong, Phạm Thanh Long đã mất ăn mất ngủ vì cuộc thi này. Anh phải lo rất nhiều việc bếp núc để cuộc thi được đàng hoàng không bị bất kỳ ai “ném đá”. Từ chiếc cúp lưu niệm đến cuốn sách in khoảng 100 bài thơ xuất sắc nhất nhằm tổng kết cuộc thi; đến việc đi đăng ký bản quyền cuộc thi… đều một mình Long chạy ngược xuôi chăm sóc như chăm con mọn.
Biết được việc làm của Long, Trung tâm Kỷ lục Việt Nam đã tiến hành xác minh và sẽ trao kỷ lục cho Phạm Thanh Long và cuộc thi thơ đầu tiên trên Facebook ngay trong buổi lễ trao giải. Báo chí đã viết khá nhiều về cuộc thi “độc nhất vô nhị” này do Long tổ chức, thiết nghĩ không cần phải nhắc lại. Chỉ biết rằng, thành phần BGK gồm những nhà thơ uy tín, như: Hồng Thanh Quang, Văn Lê, Lê Minh Quốc, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Phong Việt cũng đủ để “đảm bảo” chất lượng giải thưởng.

Thần chết gọi nhầm tên

Khi mới quen Long, tôi không biết người đàn ông này làm “cái giống gì” hay đang thất nghiệp. Chỉ biết rằng trong một buổi sáng hàng ngày, Long thường đi càphê khoảng chục lần, đi càphê mà như ca sĩ đang thời hoàng kim chạy show vậy. Sau này thân với anh hơn, mới biết Long chạy show càphê để không bao giờ vắng mặt với bất cứ người bạn nào, dù người đó gặp mặt hoài hay vừa từ phương xa đến.

Nói là đi càphê nhưng Long ít khi uống loại nước đen ngòm này cũng như không bao giờ hút thuốc. Lý do trong người Long mang nhiều thứ bệnh, chỉ có thể trung thành với món trà lipton và đường dành cho người bệnh tiểu đường. Cách đây vài tháng, Long đi khám bệnh bị bác sĩ tuyên án tử vì nghi anh ung thư vòm họng. Thời gian đó Long âm thầm chịu đựng không hề thổ lộ với ai.

Thật may, sau khi đi khám rất nhiều bệnh viện, xét nghiệm cuối cùng cho biết Long không bị K. Thoát án tử, Long vui như được hồi sinh, gặp ai cũng cười như trẻ thơ được mẹ đi chợ về cho quà. Thoát chết, Long nghiệm rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói quá đúng: “Nếu ra ngoài đường gặp ai đó mỉm cười với mình thì mình chớ vội quay đi, bởi đó có thể là lần gặp cuối cùng”.

Long khiến cánh nhà văn, nhà báo Sài Gòn quý bởi tính anh rất hào phóng, và cả bởi tính hồn nhiên của anh. Ngồi càphê, Long thấy một cháu sinh viên làm bồi bàn rất… ăn ảnh, Long gọi đến chụp cho tấm chân dung rồi rửa tặng ngay tại chỗ. Nhân viên trong quán tò mò, Long gọi cả quán ra lần lượt chụp hình từng người và rửa tặng hết thảy. Tự nhiên được ông khách tặng quà, tất cả nhân viên của quán càphê hôm đó ai cũng cười như… Liên Xô. Long rất mê công nghệ, khi điện thoại iPhone 5 chuẩn bị ra lò, Long đã đặt hàng trước và anh sở hữu chiếc điện thoại này cùng ngày với nhiều quốc gia khác. Những đồ chơi như iPhone, iPad Long đều trang bị cho mình đến… tận răng.

Nhà hòa giải tin cậy của nhiều cặp vợ chồng

Ngoài bạn càphê, Long còn bạn ăn phở. Ở Sài Gòn có quán phở Dậu rất ngon, quán còn được gọi cho dễ nhớ là phở khu phố 4 nằm trong con hẻm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, sáng nào cũng đông nghịt người gốc miền Bắc đến ăn. Long là tín đồ của phở Dậu cùng các bằng hữu văn nhân tài tử khác. Một tuần khoảng 4 lần Long có mặt ở phở Dậu. Tất nhiên, các nhà văn, nhà báo, đạo diễn, nhiếp ảnh gia… ngồi cùng bàn với Long đều được Long mời. Trả tiền ăn sáng cho bạn bè cũng là niềm vui “không được giành” của Long. Đến độ ông nhà thơ khó tính chưa vợ Lê Minh Quốc – bạn phở Dậu của Long – nói chắc nụi: “Long là người quá dễ thương, một ông anh dễ thương vô cùng”. Xin nói thêm, Lê Minh Quốc ít khi khen ai nhiệt thành như thế.

Tại sao Lê Minh Quốc khẳng định Long quá dễ thương? Vì Long được rất nhiều người tin cậy, nhất là các bà vợ của các… ông chồng. Các ông bạn của Long “đi mây về gió” nếu bị vợ hỏi đều đổ vấy là đi với anh Long, sự thực thì các ông đang “cắn mảnh lẻ”. Vợ của một nhà báo đi xem bói, thầy phán có chồng lắm bồ nhiều bịch, hay lăng nhăng với cấp dưới. Vợ nhà báo này ghen lồng lộn, vì có lẽ chị hiểu chồng hơn tay thầy bói. Anh nhà báo cầu cứu Long! Long hòa giải yên bình.

Lại có một tay hay ghen vợ, chê bai bà xã đủ điều suýt ly dị. Long gặp tay chồng, nói: “Tao thân với mày nên biết mày hư gấp 10 lần vợ mày, vợ mày chỉ hư có chút xíu. Mày xem lại mày trước khi chê vợ nhé”. Bằng uy tín của mình, Long hòa giải hay hơn tổ trưởng dân phố, hay hơn cả ủy ban phường giúp nhiều gia đình bè bạn yên ấm. Người ta nói giàu đổi bạn sang đổi vợ. Long giờ giàu gấp ngàn lần xưa nhưng vợ vẫn chỉ một bà.

Phạm Thanh Long sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất khốn khó thuộc làng Đông Lĩnh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Nhà nghèo đến nỗi tường nhà được đắp bằng đất, mái lợp bằng rạ, lối đi vào nhà phải đi nhờ đất của người hàng xóm với bề ngang chưa đầy 50cm. Phương tiện vận chuyển phân tro thóc lúa… ra đồng hoặc từ ngoài đồng về chỉ duy nhất là đôi quang gánh, khi gánh đi cố gắng sao cho không đụng vào bờ xương rồng hoặc dãy tre gai của gia đình cho đi nhờ. Mẹ Long sinh nở 10 lần nhưng chỉ còn sống có 5 anh chị em. Bố Long quanh năm chỉ biết cuốc cày và đan lát, cả đời chưa được bữa ăn ngon, nên lúc sinh ra và đến lúc chết (1971) chưa biết viên thuốc và chưa đi khám bệnh lần nào, do vậy sáng còn đi cày trưa về đến nhà đã lăn ra chết do bệnh cao huyết áp không được khám và điều trị.

Cuối năm 1974, Phạm Thanh Long đi bộ đội trong hoàn cảnh quê hương và gia đình như vậy, nên suốt quãng đời sau này, hình ảnh quê hương và gia đình luôn in đậm trong trí nhớ của anh. Sau khi chuyển ngành khỏi quân đội, anh được đi học thêm, rồi chuyển về Ban Đối ngoại TPHCM, sau đó chuyển sang một đơn vị kinh doanh văn hóa của Nhà nước. Hiện nay, anh ra lập Cty cổ phần với mục đích có điều kiện kinh tế để giúp đỡ quê hương và gia đình.

Khi kinh doanh có của để dành, Long về quê xây cầu đường, xây nhà thờ họ, tặng học bổng khuyến học cho các cháu nghèo. Với đồng đội cũ gặp khó khăn trong cuộc sống, Long có mặt giúp liền. Khi bạn bè nói Long là người “không được quyền chết” vì anh sống quá dễ thương với mọi người, Long cười híp mắt: “Biết rồi ai cũng chết, nhưng không nên nghĩ đến cái chết, nếu cứ nghĩ thì không dám làm cái gì hết, mặc dù biết cuộc đời rất ngắn ngủi. Hãy cứ để cái gì nó đến thì đến, giống như tình yêu vậy”.
TRẦN HOÀNG NHÂN
Nguồn: LĐ

No comments:

Post a Comment