BẢY VÍA
Thấy tôi hay thẫn thờ.
Vợ hỏi
Hồn vía anh để đâu?
Anh chỉ có bảy con vía
thôi
Lúc chập chững bám cầu
thang bị ngã
Để lại một con nơi
chín bậc đó rồi
Thuở làm trai cầm tay
bạn gái
Đã để một con theo
vòng bạc đi xa
Nợ núi sông làm bạn
với văn thơ
Một con vía lặn theo
từng trang giấy
Trong cuộc chiến
Tổ ba người xông lên
giữa ầm ầm
súng dậy
Thắp nén hương lòng
tiễn đồng đội đi xa
Hai con vía cùng ở lại
miền đất đó
Còn hai con vía mình
biết không
Một để lại nơi gối đầu
của vợ
Sáng sáng thức con dậy
học bài
Một vẫn theo mình ra
ruộng lúa
nương khoai
Đội trăng về nên thẫn
thờ vậy đó.
Tháng 2 năm 2007
Hoàng Tương Lai
Đôi dòng cảm nhận của Trần Vân Hạc:
“Con vía”
có ai nhìn thấy bao giờ đâu nhưng vẫn hiện hữu trong dân gian, được tác giả
Hoàng Tương Lai cụ thể hóa một cách sinh động, tinh tế và đầy tình người.
Anh trả lời người vợ
yêu quí của mình khi thấy anh “hay thẫn
thờ” theo trình tự thời gian: “Lúc
chập chững bám cầu thang bị ngã/ Để lại một con nơi chín bậc đó rồi”. Nhiều
dân tộc cho rằng trẻ em bị ốm, ngã... là do con vía mải chơi đi lạc, hoặc do
người khác làm cho con vía phật ý. Tứ thơ được đẩy lên một cung bậc mới khi anh
giải thích: “Thuở làm trai cầm tay bạn
gái/ Đã để một con theo vòng bạc đi xa”. Người đọc mỉm cười trước sự chân
thành mà không kém phần tinh quái của tác giả. Còn người vợ cũng cảm thông, bởi
có chàng trai nào trước ma lực tỏa ra từ chiếc vòng bạc lấp lánh nơi cổ cao ba
ngấn nõn nà của người sơn nữ lại không đánh rơi con vía cho được.
Hoàng Tương
Lai vốn viết văn thơ như một cái nghiệp, kế thừa và phát huy những gì người cha
kính yêu Hoàng Hạc của mình đã và đang làm dang dở, cùng bao nét đẹp như ngọc
chưa được phát lộ hết của dân tộc Tày quê anh. Bởi vậy có gì lạ đâu khi anh
trải lòng: “Nợ núi sông làm bạn với văn
thơ/ Một con vía lặn theo từng trang giấy”. Hoàng Tương Lai đã từng là
người lính nhiều năm chiến đấu trên chiến trường nước bạn Lào, không ít lần anh
nghẹn ngào vĩnh biệt đồng đội hy sinh và con vía hòa cùng nước mắt và lời thầm
hứa chiến đấu thay cho đồng đội: “Tổ ba
người xông lên giữa ầm ầm súng dậy. Thắp nén hương lòng tiễn đồng đội đi xa”.
Tất cả những điều anh “ trả lời” vợ
được đẩy lên cao trào ở khổ thơ cuối: “Còn
hai con vía mình biết không/ Một để lại nơi gối đầu của vợ/ Sáng sáng thức con
dậy học bài/ Một vẫn theo mình ra ruộng lúa nương khoai. Đội trăng về nên
thẫn thờ vậy đó”.
Cách diễn đạt chân thật đạt hiệu quả thẩm mỹ bất ngờ.
Cuộc sống vốn như thế đấy, con người ta lao động miệt mài, chiến đấu hy sinh
cũng chỉ để có một quê hương thanh bình, đất nước ấm no hạnh phúc, một gia đình
yên vui. Hình tượng: “Đội trăng” ở
cuối bài đầy chất thơ bắt nguồn từ hiện thực tình yêu với vợ con, với gia đình,
đặc biệt là với người vợ tần tảo đảm đang một nắng hai sương. Lẽ sống của đời
người như thế đấy! Sống hết mình và sống đậm đà tình cảm chính là con người
Hoàng Tương Lai.
Bài thơ hay từ cấu tứ
và được triển khai trong thời gian và không gian độc đáo, ngôn từ mộc mạc nhưng
chắt lọc, để lại trong lòng người đọc bao xúc cảm thẩm mỹ trong sáng, có lúc
nghẹn lòng.
No comments:
Post a Comment