.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, July 2, 2013

CHUYỆN TÌNH CỦA THI SĨ BÙI GIÁNG VÀ KỲ NỮ KIM CƯƠNG: LÃNG MẠN DỊ THƯỜNG


Nghệ sĩ ưu tú Kim Cương tên thật là Nguyễn Thị Kim Cương. Bà sinh năm 1937 tại Sài Gòn. Cha là ông bầu Nguyễn Ngọc Cương và mẹ là nghệ sĩ Bảy Nam. Từ khi còn bé, Kim Cương đã theo gánh hát đi lưu diễn khắp mọi miền đất nước. Bà bảo: "Tôi biết diễn trước khi biết nói. Lúc sinh ra mới có 10 ngày tuổi, tôi đã được quấn vô khăn lông ra sân khấu trong vai con của Quan Âm Thị Kính. Đạo cụ đầu tiên của tôi là một chai sữa mà hễ khóc thì nhét vô miệng liền…".
Với nghiệp diễn, nghệ sĩ Kim Cương đã để lại nhiều vai nổi tiếng như cô Diệu trong "Lá sầu riêng", Trà Hoa Nữ trong "Trà Hoa Nữ", Điêu Thuyền trong "Phụng Nghi Đình", Lý cổ cò trong "Nụ hôn đầu xuân", rồi "Dưới hai màu áo", "Sắc hoa màu nhớ", "Nhân danh công lý", "Nước mắt con tôi", "Tôi là mẹ"… Kim Cương còn là người tiên phong trong việc mở ra một hướng mới về hoạt động phim ảnh cho giới nghệ sĩ cải lương. Bà đã đề nghị và đóng liên tiếp 2 phim cổ tích "Quả dưa đỏ" và "Phạm Công - Cúc Hoa" với Hãng phim Việt Thanh (hãng phim hoạt động vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước). Sau đó Kim Cương còn tham gia đóng hơn 50 bộ phim nữa cho đến ngày miền Nam giải phóng.
Giã từ sân khấu từ hơn 10 năm qua và đã bước vào tuổi "cổ lai hy" nhưng bà rất ít có thời gian rảnh rang để nghỉ ngơi. Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật TP Hồ Chí Minh, nàng "kỳ nữ" ngày nào giờ đây dồn hết sức mình cho công việc phúc lợi, tổ chức vận động quyên góp gây quỹ cứu trợ bão lụt, giúp đỡ người tàn tật, trẻ mồ côi. "Đời nghệ sĩ luôn chịu nhiều thiệt thòi, nhưng bù lại được khán giả, bạn bè, đồng nghiệp và xã hội trân trọng, yêu thương, đó là niềm hạnh phúc lớn lao. Còn gì hạnh phúc hơn khi mang niềm vui đến những mảnh đời bất hạnh" - Nghệ sĩ Kim Cương tâm sự.
Thành công trong cuộc đời nghệ thuật, nhưng nghệ sĩ Kim Cương lại gặp nhiều trắc trở trên đường tình duyên và khi lập gia đình cũng không được may mắn. "Tôi làm việc nhiều, đóng nhiều vai tuồng, vừa làm con, vừa làm chị, vừa làm trưởng đoàn, vừa làm nghệ sĩ, thậm chí vừa làm mẹ vừa làm cha nữa, nhưng làm vợ thì tôi không được làm". Bà đã cô đơn như thế nhiều năm qua. Giờ đây, khi người con trai duy nhất Trần Trọng Gia Vinh - cậu bé Toro bị bắt cóc năm nào - đã trưởng thành trong nghiệp kinh doanh, nghệ sĩ Kim Cương mới thật sự vui hưởng niềm hạnh phúc gia đình.
Đôi mắt nghệ sĩ Kim Cương chợt long lanh khi nghe hỏi mối quan hệ giữa bà và thi sĩ Bùi Giáng - người đã "ám" bà suốt 40 năm có lẻ… Bà xác nhận "chuyện tình" là sự thật chứ không phải tin đồn. "Chỉ có điều đó là mối tình đơn phương từ phía anh Bùi Giáng với tôi mà thôi. Bùi Giáng "yêu" nhiều mỹ nhân lắm, nhưng "chung thủy" nhất với tôi qua "mối tình sâu bọ" kéo dài hơn 40 năm. Sau này có lần tôi hỏi: "Vì sao mà anh thương Kim Cương dữ như vậy?", anh đáp: "Lúc gặp cô trong tiệc cưới, cô mặc cái áo dài lụa trắng, tôi thấy hào quang chiếu ra cho tới bây giờ". Đó là lúc tôi 19 tuổi" - Kim Cương bồi hồi nhớ lại.
Thi sĩ Bùi Giáng (1926-1998) quả là nhân vật luôn khiến người ta kinh ngạc từ thi tứ, thi từ, lối sống, cho đến cách yêu. Tự nhận mình là tay "mê gái thượng thừa", những hình bóng mỹ nhân xuất hiện trong thi phẩm của Bùi Giáng suốt theo chiều lịch sử kim-cổ-đông-tây, từ Điêu Thuyền, Chiêu Quân, Thúy Kiều bạc mệnh cho đến Brigitte Bardot, Marilyn Monroe…; hay từ những khái niệm mơ màng như "cô em mọi nhỏ", "người em xứ Phi châu", "gái Cần Thơ, Sa Đéc"… đến những thực thể đương thời như Phùng Khánh, Trí Hải, Kim Cương… Nhưng cách "yêu" của Bùi Giáng không phải như người thường, bởi những người ông gọi là "em" hay "nương tử" dịu dàng cũng chính là những người mà ông trân trọng gọi là "mẫu thân" (mẹ).
Kim Cương trong một lần thăm thi sĩ Bùi Giáng.
Cuộc tình  Bùi Giáng với Kim Cương dằng dai suốt nửa cuối cuộc đời Bùi Giáng:
Kính thưa công chúa Kim Cương
Trẫm từ vô tận ven đường ngồi đây
Tờ thư rất mực mỏng dày
Làm sao định nghĩa đêm ngày yêu nhau?
Lý do dẫn đến mối tình si, ông đã tự bộc bạch:
Kể từ tao ngộ đầu tiên
Kim Cương vô tận, thuyền quyên vô cùng
Bốn mươi năm đã lẫy lừng
Âm thầm tưởng niệm lạ lùng giai nhân
Trái tim thiết thạch vô ngần
Từ tam thu tới tử phần hôm nay.
Lúc ấy Kim Cương 19 tuổi đang rực rỡ trên sân khấu cải lương và Bùi Giáng là một nhà giáo, nhà thơ, dịch giả lịch thiệp chứ chưa trở thành "dị hợm" như sau này. Sau nhiều lần tiếp xúc, Kim Cương thấy ông giáo này có gì đó "không bình thường" nên cô sợ và từ chối lời cầu hôn của ông. Một hôm Bùi Giáng thở dài nói: "Chắc là cô không ưng tôi vì tôi già hơn, thôi để tôi gả thằng cháu tôi cho cô. Nó trẻ, đẹp trai, học giỏi". Thế rồi ông dắt cháu tới, ôi trời, đó là một đứa bé mới 7, 8 tuổi! Kim Cương hoảng vía và biết rằng điều bất ổn đã hiện diện trong tâm trí người đàn ông tài hoa này.
Ngoài những vần thơ mượt mà, Bùi thi sĩ còn dùng cách biểu đạt dị kỳ để thể hiện nỗi "ám ảnh dị thường" của hình bóng Kim Cương đang ngự trị trong tâm trí ông. Trong tập "Sa mạc phát tiết", bài "Cô Kim Cương ôi", Bùi Giáng đã viết thế này: "Nếu ngày sau tôi chết đi mà cô không thể nhỏ cho một giọt nước mắt, thì cô có thể nhỏ cho một giọt nước tiểu cũng được (Nhớ nhỏ ngay trên nấm mồ). Ở dưới suối vàng tôi sẽ ngậm cười mà đón nhận (Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây)". Rồi trong "Con đường ngã ba", Bùi Giáng lại nhắc "Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ. Thiên tài buổi Hoàng Hôn thốt lên một lời như thế…". Quả là "lời đề nghị khiếm nhã" và lạ lùng ít thấy.
Bùi Giáng lang thang suốt ngày ngoài đường và địa chỉ ông thường đến - ngoài chùa chiền - là nhà của Kim Cương. Hễ không mở cửa là ông la hét, ném đá tưng bừng, riết rồi quen, không ai phiền trách gã "trung niên thi sĩ" kỳ dị ấy nữa. Và mỗi lần vào nhà Kim Cương là Bùi Giáng sáng tác thơ ào ạt để tặng, nguồn thơ yêu của ông không bao giờ cạn. Nghệ sĩ Kim Cương hiện đang trân trọng giữ gìn hàng chục cuốn sổ tay đầy ắp những vần thơ yêu của Bùi Giáng viết riêng tặng "nương tử Kim Cương".
Cả đời Bùi Giáng chỉ nhớ mỗi số điện thoại nhà Kim Cương, mỗi lần ông ra đường la hét làm kẹt xe bị cơ quan chức năng bắt, ông luôn chỉ nói một câu "Thân mẫu tôi là Kim Cương ở số…, điện thoại…", thế là Kim Cương phải đến bảo lãnh cho ông ra. Hoặc khi bị đánh, bị té phải vào bệnh viện, ông cũng chỉ "khai" như thế. Kim Cương bùi ngùi nhớ lại: "Hình như kiếp trước tôi có nợ nần gì với ổng… Năm nào cũng vậy, sáng mùng một Tết là ổng đến xông đất. Ổng tuy điên, nhưng mà là cái điên của người trí thức, nói nhiều câu rất sâu sắc". Có lần Kim Cương tặng Bùi Giáng một cặp kính lão, nhưng sau đó ông bị người ta đánh vỡ mất một tròng kính. Kim Cương dỗ: "Để tôi mua kính mới cho anh nha". Ông lắc đầu: "Thôi khỏi, nhìn đời bằng một con mắt là đủ rồi". Hệt như câu thơ ông viết "Bây giờ riêng đối diện tôi/ Còn hai con mắt khóc người một con".
Những năm cuối đời, Bùi Giáng sống ở Gò Vấp với người cháu. Ai tới thăm ông cũng đuổi: "Đi ra hết! Chỉ có tiên nữ Kim Cương mới được bước tới đây". Một ngày tháng 8/1998, Bùi Giáng bị té nặng, chấn thương sợ não, Kim Cương là người đầu tiên được gia đình báo đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Kim Cương thấy Bùi Giáng sạch sẽ nhất, râu tóc cạo láng, quần áo phẳng phiu. Kim Cương cũng đồng ý cho phẫu thuật dẫu rằng hy vọng rất mong manh. Và rồi Bùi Giáng đã trút hơi thở cuối cùng. Khoảng nửa tháng trước đó, ông đã viết cho Kim Cương những vần thơ như một lời báo trước: "Ông đi đau xiết vui buồn/ Một mình ở lại muôn trùng em yêu". Rồi "Kiếp sau gặp lại, anh Bùi Giáng chỉ mong được Kim Cương cho phép anh Bùi được làm đầy tớ trung thành tuyệt đối của Kim Cương"…
Bên linh cữu Bùi Giáng trước khi hạ huyệt, Kim Cương thưa rằng: "Tôi xin cảm ơn anh ba điều: Một là cảm ơn anh đã để lại cho đời những tác phẩm văn chương độc đáo. Thứ hai là cảm ơn anh đã dành cho tôi một tình yêu suốt hơn 40 năm không suy suyển, không so đo tính toán. Thứ ba là cảm ơn anh đã cho tôi bài học rằng dù bất cứ ai dẫu điên hay tỉnh, giàu hay nghèo… đều phải có một mối tình để nương tựa".
ANH CƯƠNG
Nguồn: VNCA

No comments:

Post a Comment