.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, July 4, 2013

DƯƠNG KỲ ANH: NHÀ THƠ PHAN CUNG VIỆT – CÓ MỘT THỜI NHƯ THẾ


"Hãy là chính mình, đừng cố gắng để biến mình thành người khác" - đó là một trong những điều ông tỷ phú giàu thứ ba thế giới tâm đắc, cũng là điều mà nhà báo Phan Cung Việt cũng như tôi tâm đắc.

Bây giờ, mỗi lần sang đàm đạo về báo chí, văn chương, thời cuộc với nhà báo, nhà thơ Phan Cung Việt, tôi lại đứng lặng trước bức tượng bán thân màu trắng. Tượng một người mẹ. Mẹ nhà thơ Phan Cung Việt. Dưới bức tượng là bàn viết. Treo trên tường cạnh bàn viết là một cái vỏ sò tuyệt đẹp với hai câu thơ tôi đã thuộc lòng:
Con đi qua cuộc đời khó nhọc
Không ai thương những kẻ yếu hèn
Đó là hai câu thơ trong bài "Mẹ" của Phan Cung Việt. Và cái tác phẩm độc đáo - hai câu thơ được viết bằng mực Tàu trong ruột chiếc vỏ sò óng ánh bạc là của một vị giáo sư gửi tặng nhà thơ.
Người mẹ có một vị trí đặc biệt trong thơ Phan Cung Việt. Và người mẹ Tổ quốc cũng máu thịt như người mẹ hiền đã sinh ra anh.
Anh tâm sự rằng, anh tình nguyện đi vào mặt trận trong những ngày ác liệt nhất của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc với tư cách là một phóng viên chiến trường cũng bắt đầu từ người mẹ mà nhà thơ Nga Éptusenco đã viết:
Chỉ có những đứa con mạt hạng
Mới thờ ơ trước nỗi khổ mẹ hiền
Chỉ có những công dân không xứng đáng
Mới lạnh lùng khi Tổ quốc bất yên.
Với anh, những ngày ngồi viết báo dưới mưa bom ở Quảng Trị là những ngày không thể nào quên trong cuộc đời mình.
Dạo đó, chưa có máy tính, chưa có những phương tiện hiện đại như bây giờ, anh kê tờ giấy trắng lên đầu gối, ngồi khom lưng trong hầm, viết trong tiếng bom nổ long trời lở đất…
Tôi hỏi anh: "Viết xong, gửi bài về tòa soạn bằng cách nào giữa mưa bom như vậy?". Anh bảo, khi những trận bom ngớt, anh chui ra khỏi hầm đi tìm những người đưa thương binh về hậu cứ.
Những thương binh ra Bắc chính là những người đã chuyển các bài viết cho anh.
Anh nói, gần như bài viết nào cũng được chuyển đến tận tay của tổng biên tập theo cách như vậy.
"Thời đó con người sống với nhau thật tuyệt vời. Bất cứ ai ra Bắc dù không biết tên tuổi nhưng họ đều nhận lời chuyển những bài báo nóng hổi tính thời sự như vậy đến tận tay tổng biên tập. Một niềm tin ở con người thật chưa bao giờ có".
Từ chiến trường trở về, Phan Cung Việt đã có hàng trăm bài báo đăng trên tờ Tiền Phong, tờ báo của tuổi trẻ và cả những câu thơ thấu tận tâm can:
Có em để có nơi đến
Có mẹ, để có nơi về
Nhưng về… mẹ không còn nữa.
Đến thì chỉ có trăng khuya.
Phan Cung Việt là người giàu tình cảm. Tình cảm gia đình bạn bè, anh em, đồng nghiệp… Anh tốt nghiệp khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (bây giờ là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn). Tôi học cùng khoa, cùng trường với anh, sau anh bốn năm. Nhưng, anh về báo Tiền Phong trước tôi 8 năm, vì sau khi tốt nghiệp, tôi còn đi bộ đội.
Năm 1975, sau khi giải phóng niềm Nam, tôi được ra quân, về báo Tiền Phong. Lần đầu tiên đến tòa soạn nộp hồ sơ, một đồng chí lãnh đạo hỏi tôi có biết ai ở báo không? Tôi bảo: "Chỉ biết nhà thơ Phan Cung Việt". Đồng chí ấy cười: "Phan Cung Việt vừa ngồi ở đây mà!". Là chúng tôi đang ngồi ở phòng thường trực của báo. Tôi đỏ mặt. Thực ra tôi chỉ biết tên anh chứ lúc bấy giờ chưa hề biết mặt. Biết tên vì anh đã có thơ đăng trên các báo và tạp chí, vì những ngày ở trong quân ngũ tôi cũng đã đọc thơ anh, nghe bài hát phổ nhạc từ thơ anh. Bài hát "Nguyễn Viết Xuân sáng mãi tên anh" là bài hát phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của anh. Anh tâm sự rằng chính bài thơ, bài hát này đã đưa anh vào những miền quê khói lửa trong khí thế ra đi vì tiền tuyến của một người cầm bút… Với những sinh viên yêu thơ như tôi, ngày ấy Phan Cung Việt đã là một nhà báo, nhà thơ nổi tiếng. Rồi những ngày về báo Tiền Phong, cùng ăn cơm tập thể, ngủ trên bàn làm việc, cùng vật lộn với những khó khăn của một thời mà ta hay gọi là "quan liêu, bao cấp". Sau này, khi viết tiểu thuyết, tôi mạn phép lấy những câu thơ của anh làm câu thơ của nhân vật mình:
Đời anh nhà báo nửa nằm bàn
Nằm bàn, thì có mắc màn được đâu.
Một thời khổ vì cơ chế, không chỉ thiếu ăn, thiếu mặc, mà còn khốn khổ vì nhiều thứ. Những người yêu thơ, làm thơ như chúng tôi khi đi làm báo, bị coi là hâm, là không bình thường, là lơ tơ mơ, là tiểu tư sản! Chúng tôi cựa quậy trong cái cơ chế chật hẹp đó như con chim cựa quậy trong lồng. Không phải là người của "cơ chế" nên luôn luôn bị cơ chế hành! Sau này, nhà thơ Hữu Thỉnh có một câu thơ rất hay "Trái tim cồng kềnh, thơ phú đa mang".
Nhà thơ Phan cung Việt trong hình dung của tôi cũng là một người như thế "Trái tim cồng kềnh, thơ phú đa mang". Và thậm chí còn hơn thế.
Cách đây ít hôm, tôi nói với anh rằng, dạo đó ở báo Tiền Phong tôi chỉ mong người ta cho mượn cái gầm cầu thang cơ quan để chui vào đó mà trú thân chứ quanh năm nằm trên bàn làm việc khổ lắm. Phan Cung Việt bảo: "Sao ông nghĩ giống tôi ngày ấy thế!". Bây giờ nhà thơ Phan Cung Việt không những có nhà để ở, mà còn có phòng văn riêng… nhưng anh vẫn sống giản dị như xưa.
Trước đây, tôi chỉ gặp anh ở cơ quan, nay thường gặp anh trong căn nhà dựng tạm trên mảnh đất chờ bán. Nói là tạm nhưng cũng phòng máy lạnh, cũng những giá đầy sách, có giàn hoa trước cửa, có chiếc bình nhỏ nuôi những con cá Thia - đó là tên gọi một loại cá ở Hà Tĩnh quê anh. Anh thường ngồi viết dưới bức tượng bán thân của người mẹ. Viết trên máy vi tính. Viết trong mùi hương thơm của các loài hoa.
"Hoa đỏ nhầm áo em" - Anh gửi cho tôi những câu thơ như thế!
Anh vẫn viết báo hàng ngày, đăng trên nhiều tờ báo.
Anh gửi cho tôi bài báo "Cách chia hai đồng bạc" để đăng trên TAMNHINNET. Bài viết thấm đẫm tính nhân văn.
Hay bài viết "Mười bí mật của tỷ phú Buffett" với những bài học bổ ích không những cho những nhà kinh tế, những doanh nhân Việt Nam mà còn cho tất cả chúng ta.
"Hãy là chính mình, đừng cố gắng để biến mình thành người khác" - đó là một trong những điều ông tỷ phú giàu thứ ba thế giới tâm đắc, cũng là điều mà nhà báo Phan Cung Việt cũng như tôi tâm đắc.
Phan Cung Việt viết nhiều, viết khỏe. Anh đã xuất bản nhiều tập sách như: "Gió giữa hai người"; "Trăng khuya"; "Mẹ. Em và …"; "Tiều phu thơ"… Còn có cả một trường ca. Người ta viết về anh cũng nhiều. Nhà báo Dương Quang Minh, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí Văn phòng Chính phủ còn ra hai tập sách viết về  anh.
Tôi thường nói với nhiều phóng viên trẻ ở báo Tiền Phong rằng: Bây giờ các bạn thấy Phan Cung Việt ra vào tòa soạn lặng lẽ, như là một người chỉ biết có thơ. Thực ra, Phan Cung Việt không chỉ là nhà thơ. Anh còn là một nhà báo theo nghĩa đúng nhất của từ này. Anh đã viết hàng trăm bài báo với ngòi bút sắc sảo, có uy tín một thời. Anh cũng là một cán bộ đoàn năng động, nhiều năm làm bí thư đoàn thanh niên cơ quan báo Tiền Phong.
Anh đã từng là phóng viên chiến trường, ngồi trong hầm, dưới mưa bom ở Quảng Trị để viết phóng sự. Ở báo Tiền Phong, có nhiều nhà báo nổi tiếng có uy tín như Bùi Ngọc Tấn, Lý Biên Cương, Lê Minh Khuê, Sơn Tùng, Phan Cung Việt…
Con người vốn hay quên, kể cả những người, những thứ tưởng như không thể quên! Phải chăng người ta chỉ nhớ những gì liên quan đến lợi ích trực tiếp, trước mắt với bản thân mình? Và khi có được rồi thì quên luôn! Quên cả những người đã mang lại lợi ích cho mình?
Quan niệm về báo chí, văn chương của Phan Cung Việt có điểm giống tôi ở chỗ: Người viết phải có trách nhiệm với bạn đọc. Đọc những bài báo, những truyện ngắn của anh, tôi tự tin hơn khi ngồi viết văn xuôi. Chính anh và nhà văn Lê Minh Khuê đã động viên tôi rất nhiều khi viết tiểu thuyết "Xuyên Cẩm";  "Thổ Địa" và "Cõi Ta Bà".
Bây giờ tôi thấy anh như trẻ ra. Vẫn cái cốt cách tự tin, hài hước, dí dỏm và có lúc cũng… bốc đồng. Trông anh ung dung, thư thái như chẳng lo nghĩ việc gì! Một mình một cõi, chẳng ai quấy rầy, làm phiền… (có lẽ trừ "em út"!).
Anh có nhiều bạn và thật lạ, các bạn anh, anh không hề phân biệt ai là người của "cơ chế", người của quan trường, người tân tiến hay thủ cựu!
Tôi đã gặp trong đời nhiều người sống chết vì nghề, trong đó có nhà báo Phan Cung Việt.
Đàm đạo về hạnh phúc, có người bảo tôi: "Bây giờ người ta thực dụng lắm!".
Có người còn định nghĩa: Hạnh phúc là những gì làm thỏa mãn cái mồm, cái mũi, cái tai, cái mắt và cái… Chứ ai lại như các ông, báo chí văn chương lơ mơ thơ phú suốt ngày…
Cũng phải! Trừ những người lấy cái danh nhà báo, nhà văn để khoe mẽ, còn những nhà báo, nhà văn đích thực, họ tìm niềm vui, hạnh phúc trong sáng tạo, trong sự đấu tranh cho công bằng, lẽ phải! Mà điều đó là vô cùng khổ ải và không phải với ai, lúc nào cũng thành công.
Bởi vậy phải sống cho trung thực, đàng hoàng, mạnh mẽ như nhà báo, nhà thơ Phan Cung Việt đã viết:
Con đi qua cuộc đời khó nhọc
Không ai thương những kẻ yếu hèn!
Nhà vườn Sóc Sơn, viết lại 2013

DƯƠNG KỲ ANH
Nguồn: VNCA

No comments:

Post a Comment