.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, July 4, 2013

PHẠM HẦU – GIEO LỆ VÀNG TRÊN NGẤN NẮNG…


Sắc ngọt tuổi thanh niên

Phạm Hầu (tên đầy đủ là Phạm Hữu Hầu) sinh ngày 2-3-1920 trên miền đất Quảng Nam, mảnh đất có nhiều duyên nợ với các thi sĩ miền Trung. Cha là Tiến sĩ Phạm Liệu làm đến chức Thượng Thư triều Nguyễn, mẹ là bà Lê Thị Giảng người Thanh Hóa.

Trong ký ức của những người thân và bằng hữu, Phạm Hầu là một người nhỏ nhẹ đến rụt rè, mảnh khảnh, ít nói. Thuở nhỏ khi sống cùng cha mẹ, Phạm Hầu đã yếu ớt về thể trạng và được chăm nom cẩn thận hơn những anh chị em còn lại. Trong Hồi ký song đôi, Huy Cận cho biết: “cái dáng đi của anh rất nhẹ, lời anh thỏ thẻ, mắt anh xa vắng” (Hoàng Minh Nhân, Vẫy ngoài vô tận, NXB Thanh Niên, 2001, dẫn lại, tr 107). Lúc nào anh cũng nhẹ nhàng, đến giận hờn cũng ngấm ngầm trong cử chỉ hất đầu nhè nhẹ[1]. Dường như, Phạm Hầu có mang trong mình một sự xúc động quá mức nào đó về tinh thần mà người ta gọi là “động kinh”? Tuổi trẻ đi học, điều đó chỉ biểu hiện rất nhỏ qua cái hất đầu chứa nhiều uất ức khi tranh luận.

Từ một học sinh trường Quốc học Huế, Phạm Hầu thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Chỉ riêng việc thi đỗ vào trường Mỹ thuật Đông Dương thời bấy giờ đã là một cam kết về tài năng thiên bẩm của Phạm Hầu (Trường này, trong 20 năm chỉ tuyển không đầy 170 sinh viên của cả Đông Dương). Là một họa sĩ trong số những người có công khai mở nền Mỹ thuật hiện đại Việt Nam, Phạm Hầu hướng đến một nền nghệ thuật tự do, vượt ra khỏi những câu thúc, gò ép của bất kỳ một thứ khuôn thước nào. Phạm Hầu tỏ rõ thái độ phản ứng lại những khuôn thước, điển lệ, ràng buộc sự sáng tạo của con người: “Người ta tưởng rằng bây giờ không có một bài thơ nào hay hơn thơ Đường cả hay những bức tranh đẹp hơn bức tranh ở Condres. Người ta quên rằng chim Hạc đã nhường chỗ cho phi cơ… Kính trọng kẻ trước đã mở đường cho ta, nhưng không phải đi đến cái bước cuối cùng của họ, ta không bước thêm bước nào nữa cả” (Hoàng Minh Nhân, tlđd, tr 164, 165). Tuy nhiên, anh lại rất ưa chuộng lối mỹ thuật dân gian gắn với sự phóng khoáng, dạt dào xúc cảm tự do của nhân dân lao động. Sự tự do trong tư duy và mỹ cảm, trong cách thức biểu hiện là quan điểm Phạm Hầu đã có lần phát biểu trên báo Tri tân. Bức tranh siêu thực Hòn đá được giải nhất trong Triển lãm mỹ thuật Đông Kinh tại Nhật Bản đã minh chứng cho thiên hướng nghệ thuật của Phạm Hầu. Dù trong hội họa hay thơ ca, Phạm Hầu đều mang tư tưởng tự do trong sáng tạo, hướng tới vô biên và “Tuyệt đích”, “vô cùng tận”, “Ta thích nghệ thuật nào đem ta tới vô biên”

Tôi theo tư tưởng vô cùng tận
Chỉ gặp vô cùng nỗi quạnh hiu

Đi tìm vô biên và tuyệt đích, thế nên nghệ sĩ luôn phải đối mặt với sự cô đơn và đau khổ. Phạm Hầu phát biểu rất rõ: “Nghệ sĩ không thể không đau khổ, nhưng cái đau khổ ấy của họ là cái mầm nảy nở của tư tưởng. Cái đau khổ ấy không phải là một thất vọng” (Hoàng Minh Nhân, tlđd, tr 166).  Đau khổ là cội nguồn của tư tưởng thẩm mỹ, rõ ràng đó không phải là một thất vọng mà kỳ thực là một thành công - sự thành công của cơ chế sáng tạo nghệ thuật:

Nếu tôi đau mà người được tin yêu
Trang sách nhỏ nâng niu hồn xứ lạ

Phạm Hầu tỏ rõ một khuynh hướng nghệ thuật thiên về ấn tượng, trực giác, nắm bắt cái thoáng chốc, mong manh nhưng hàm chứa phút giây lắng đọng của sự sống. Chính thiên hướng này đã làm nên quan điểm cho rằng nghệ thuật không nên gò ép hay tỉ mỉ câu thúc trong sáo điều, điển lệ. Trực cảm, tưởng tượng đưa nghệ sĩ đến những chân trời mỹ cảm phong phú, tự do hơn. Thi sĩ, họa sĩ Phạm Hầu đã có lần quả quyết: “Đừng đem vào nghệ thuật cái đức tính “nhẫn” để mô phỏng cảnh vật từng ly từng tí” (Hoàng Minh Nhân, tlđd, tr 126). Cảnh vật thật chất nhất chỉ hiện lên trong thoáng giây, khi thi sĩ đã chứa đầy hồn mình bao nhiêu chất sống của đời, bất chợt nhận ra bản chất trong một khoảnh khắc:

Lững thững nắng đi gót vàng lạnh lẽo
Hoa với hương e ấp mộng trăng huyền
(Soi gương)

Còn chút mặt trời vương nét bút

Khi Thơ mới khai sinh (1932) Phạm Hầu mới 12 tuổi, và khi thi sĩ ra đi (3-1-1944) Thơ mới đã bước sang hậu kỳ lãng mạn (sau 1940) hứa hẹn một mùa tượng trưng. Chất thơ của Phạm Hầu ở giai đoạn này, cùng với Xuân Thu nhã tập và Dạ đài đã cho thấy sự vận động về tượng trưng rất rõ của Thơ mới Việt Nam

Tôi cứ băn khoăn tự hỏi: Nếu Phạm Hầu không “ngã hồn” ở tuổi 24 trên chuyến tàu muộn về xứ Huế ấy, hành trình thi nghiệp của ông sẽ đi về đâu và có một dạng thái như thế nào? Với chút mong manh của sinh phận, những điều đã biết về Phạm Hầu, về thơ ông, dù ít ỏi, nhưng cứ làm người ta thấy tiêng tiếc.
Thơ Phạm Hầu có chất, biểu hiện bằng một thi điệu riêng khá quyến rũ. Cái quyến rũ của chất thơ là lạ, rung cảm và mong manh. Đặc biệt, thơ Phạm Hầu toát ra một thứ khí vị tiêu trầm, yểu vong, ám ảnh vào lòng người đọc. Như Hàn Mặc Tử đã có lần thốt lên: Người thơ phong vận như thơ ấy, thơ Phạm Hầu là con người, là tinh túy của cõi trần ghé tạm vài mươi năm tuổi trẻ. Kỳ lạ còn vương đến từ chỗ, cái đẹp lụi tàn được dự cảm nhưng tha thiết đến rướm máu:

Buồn len lỏi trên đầu cây thi vị
Gieo lệ vàng trên ngấn nắng chiều trôi
(Chiều buồn)

Hai từ “trên” làm cho tình điệu có phần hơi rườm, tuy nhiên câu thơ: Gieo lệ vàng trên ngấn nắng chiều trôi quả là một tuyệt bút, sánh ngang với bất kỳ một tuyệt cú nào trong toàn bộ phong trào thơ mới. Tứ thơ đẹp, thi ảnh đẹp và sang nhưng ẩn một ý tình đầy yểu vong, cất dấu niềm tàn lụi. Không hiểu sao tôi cứ liên tưởng đến vành khăn trên đầu thiếu phụ trong một chiều thanh minh ngả nắng:

Nàng khóc bằng tay trên phím ngà
Những ngón tay dài như lệ sa
(Dạ nhạc)

Mỹ cảm của Thơ mới nằm trong mấy chữ sầu buồn, chia ly, dang dở, những tình mới nhóm, những đời mong manh, những “vẻ đẹp thoáng qua”, những lời bên vực chết… Dạo lên những tình điệu ấy, thấy thơ Phạm Hầu chưa có gì lạ. Cái lạ đến từ một cung rất mong manh: ấy là cảm giác:

Một sắc không trên bờ biển xa
(Vọng hải đài)
Đưa tay ra vẫy ngoài vô tận
Chẳng biết xa lòng có những ai?
(Vọng hải đài)

Cảm giác về sự sống, cõi sống được chuyển hóa trong một tâm hồn mong manh, một định mệnh dường như đã báo trước để hiện hình thành những giai âm u uẩn:
Sầu xuôi dòng bên tình phù sa
Sắc người êm đềm câm như hoa
Chàng xin tay ngọc thôi ve vuốt
Đến phím sau cùng là biệt ly
(Dạ nhạc)
Cảm giác đã lan truyền thành những sóng điện trên da, run trên phím đàn ly biệt, chìm lắng và câm lặng như hoa, phả vào một không gian vô định “ngoài vô tận”. Sự tương hợp của giác quan, sự chuyển hóa của cảm giác qua các kênh tri nhận, hình hóa bằng nhạc tính trong giai điệu của lời chính là một tín hiệu cho ta biết rằng Phạm Hầu đã đặt chân vào cõi giới của thơ tượng trưng.

Thơ tượng trưng nếu phải điểm những thi sĩ sáng danh hẳn Phạm Hầu không phải là người thứ nhất. Nhưng chất thơ tượng trưng trong Thơ mới cũng chẳng khoác cho mình riêng một dáng vẻ nào. Đại diện “thuần túy và tượng trưng” như Bích Khê là kiểu tượng trưng “Mới mẻ trên viện cổ Đông Phương”, giao hòa Đông Tây trong trường mỹ cảm đã được tôi luyện, hun đúc và chắt lọc thành Tinh Huyết, Tinh Hoa… Phạm Hầu khác Bích Khê, nhưng lại mang dự cảm yểu vong của Hàn Mặc Tử, cái âm u của “đường xuống” trong Dạ đài cộng thêm một chút lặng lẽ sầu cô miên nơi Huy Cận. Đó hoàn toàn không phải là một sự ảnh hưởng do tiếp xúc hay lan tỏa từ những phong cách lớn. Cốt lõi của những “tương đồng loại hình” trên bình diện mỹ cảm chính là Phạm Hầu đã sống thật tinh tế trong khoảng giây ngắn ngủi của định phận. Hai mươi tư tuổi, Phạm Hầu là thi sĩ ra đi sớm nhất của Thơ mới (Cùng với Nguyễn Nhược Pháp). Chính vì thế, mỹ cảm thơ Phạm Hầu chưa đủ thời gian để nung nấu thành những biểu tượng trùng phức, hình thành một cá tính nghệ thuật đủ lớn như những danh gia vừa điểm. Tuy nhiên, trong thoáng chốc của đời sống đã đi qua, Phạm Hầu đã thể hiện một tấm lòng mang sẵn những tư chất của một thi nhân. Chất thơ của tuổi trẻ mới chỉ rạng hé chút mỹ vì của nó, nhưng không phải không đem lại một thứ mỹ cảm khác biệt khi đi qua đại ngàn Thơ mới.

Hoài Thanh - Hoài Chân khi cảm nhận về thơ Phạm Hầu cho rằng: “Phạm Hầu là một cái bóng, chân đi không để dấu trên đường đi”; “Hồn thơ là một cái gì đó rất mong manh” (Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2000, tr 226, 227). Nhưng, đó là cái mong manh của “ngấn nắng chiều trôi”, có thể lóe sáng, rực rỡ chỉ trong chớp mắt để lặng chìm vào âm u mênh mông và bất định của “ngoài vô tận”. Thơ Phạm Hầu mong manh như giai âm của sợi đàn nhỏ mảnh, rung ngân trong thời khắc cuối cùng của khúc biệt ly, thậm chí có thể cảm nhận đó là tiếng của giọt lệ rơi trên phím đàn. Trên Vọng hải đài, Phạm Hầu có lẽ đã nghe được thứ âm giai ấy vọng về từ muôn nghìn vũ trụ. Và, thi nhân buông lòng mình về phía mênh mông ấy.
Nguyễn Thanh Tâm
VHQN
 __________________

[1]. Hoàng Minh Nhân, Vẫy ngoài vô tận, NXB Thanh Niên, 2001. Đây là tập sách tập hợp được một số ít thơ Phạm Hầu đăng rải rác trên Tao Đàn tạp chí, Mùa gặt mớiBạn đường, đối chiếu một số bản in của Nguyễn Tấn Long trong Việt Nam thi nhân tiền chiến với bản viết tay và đánh máy của Phạm Hầu. Trong cuốn sách này cũng có in một số bài viết hiếm hoi về Phạm Hầu khởi đi từ Hoài Thanh – Hoài Chân (Phạm Hầu trong Thi nhân Việt Nam), Chế Lan Viên (Mỗi chữ nặng cả một đời người), Huy Cận – Xuân Diệu (Kỷ niệm về nhà thơ Phạm Hầu trong Hồi ký song đôi), Lưu Trọng Lư (Kỷ niệm với Phạm Hầu), Nguyễn Tấn Long (Phạm Hầu in trong Việt Nam thi nhân tiền chiến), Vân Long (Thi sĩ Phạm Hầu một tài thơ quá khứ), Đông Trình (Ngoài vô tận tìm kẻ xa lòng), Hoàng Văn Hoa (Phạm Hầu – Cành mai vừa hé một vài hoa sớm), Trần Ninh Hồ (Phạm Hầu – niềm khao khát lớn lao và đau đớn),…

No comments:

Post a Comment