.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, December 19, 2012

BIẾT DÙNG NGƯỜI THÌ KHÔNG LO THIẾU CÁN BỘ TỐT

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, ngày 27 tháng 9 năm Kỷ Dậu (1429) (năm Thuận Thiên thứ hai), tức là một năm sau khi lên ngôi vua, Lê Thái Tổ đã ra lệnh cho các đại thần văn võ, công hầu đại phu tử từ tam phẩm trở lên phải tiến cử hiền tài. Trong bài chiếu do danh thần Nguyễn Trãi vâng mệnh vua viết có câu: “Trẫm nghĩ, muốn thịnh trị phải được người hiền tài, muốn được người hiền tài phải do tiến cử. Cho nên người đứng đầu thiên hạ phải lo việc ấy trước tiên”.

Là một người thấm nhuần văn hóa cổ kim, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công cũng đã đặc biệt quan tâm tới việc thu hút những người có đạo đức và năng lực vào làm việc trong chính quyền nhân dân còn rất non trẻ. Nguyên khí quốc gia đã rất được đặc biệt chú trọng vun đúc ngay từ “cái thuở ban đầu dân quốc” ấy.
Gia Cát Khổng Minh, bậc tài danh đệ nhất thời Tam Quốc bên Trung Hoa  từng có câu: “Phép trị nước giống như phép trị mình. Phép trị nước là cốt ở nuôi thần (một trong ba thứ quý báu của con người: tinh, khí, thần), đạo trị nước cốt ở cất nhắc các bậc hiền tài. Đó là nuôi thần để cầu sống, cất nhắc nhân tài để cầu yên”. Cũng tư duy theo cách như vậy, trong bài Nhân tài và kiến quốc đăng trên Báo Cứu Quốc số 91 ra ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
“Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển nhiều thêm.
Chúng ta cần nhất bây giờ là:
Kiến thiết ngoại giao.
Kiến thiết kinh tế.
Kiến thiết quân sự.
Kiến thiết giáo dục.
Vậy chúng tôi mong đồng bào ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay”.
Trước đó, ngày 27/9/1945, đến với Đại hội đại biểu thanh niên Hà Nội, Bác Hồ đã thẳng thắn tuyên bố: “Các anh em nếu đến đây để đợi nghe một bài diễn văn bóng bẩy, hoa mỹ thì các anh em sẽ thất vọng. Những lời tôi nói với anh em sẽ chỉ rất giản dị, rất thiết thực. Tôi sẽ không khen ngợi anh em, mà chỉ chú ý vạch ra những khuyết điểm của anh em…”. Và sau khi nêu ra những khuyết điểm cụ thể, Bác Hồ đã chỉ ra rất rành rẽ những biện pháp nhằm khắc phục chúng: “Việc cần trước nhất là làm thống nhất các tổ chức thanh niên. Mỗi giới thanh niên có một nguyện vọng, quyền lợi, đường lối phát triển riêng. Bây giờ không phân biệt, giới nào cũng phải đứng chung trong một tổ chức duy nhất. Nhưng điều đó không phải sẽ cột chặt tất cả sự hoạt động riêng của mỗi giới, không cho tự phát triển, miễn là những hoạt động ấy không đi ngược lại với hướng hoạt động chung của toàn thể. Sau đó, việc nên chú ý đến là sự định rõ những công việc và nhiệm vụ của thanh niên như là: đi sâu vào quần chúng để san sẻ những thường thức về chính trị và quyền lợi công dân; ủng hộ Chính phủ không phải chỉ bằng những lời hoan hô suông thôi, mà cần phải một mặt giải thích cho dân chúng về những nỗ lực của Chính phủ, một mặt phê bình, giám đốc, tham gia ý kiến vào công việc của Chính phủ…”.
Còn trong bài đăng trên Báo Cứu Quốc số 58, ra ngày 4/10/1945 với bút danh Chiến Thắng có nhan đề Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to thì ta dùng vào việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy.
Biết dùng người như vậy, ta không lo gì thiếu cán bộ.
Một điều thiếu sót nữa là trong khi làm công tác, kế hoạch đã sơ sài, phân công đã không sáng suốt, rồi sau khi làm lại không kiểm điểm lại.
Ta thường có tính tới đâu hay tới đó, xong việc thì thôi không biết ưu điểm hay khuyết điểm của mình, làm như thế mong tiến sao được.
Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa”.
Trong bài nói chuyện với đại biểu các báo chí về nội trị, ngoại giao nước nhà ngày 6/10/1945 (đăng trên Báo Cứu Quốc số 61 ra ngày 8/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chính phủ Dân chủ Cộng hòa lâm thời là công bộc của dân. Anh em trong Chính phủ, ai là người có tài năng, có đức hạnh, giúp đỡ cho dân, cho nước, tất nhiên là được quốc dân hoan nghênh. Là người này hay người khác cũng thế, ai là dân đều có quyền giúp đỡ.
Nước ta đã là một nước Dân chủ Cộng hòa, chính quyền đã ở trong tay dân, nhân dân hoan nghênh người có tài, có đức gánh vác cho dân thì người đó đảm nhận trách nhiệm…”.
Lại nhắc tới chuyện vua Lê Thái Tổ ngay khi vừa lên ngôi đã rất thao thiết kêu gọi quần thần tiến cử người tài. Tờ chiếu đã dẫn còn có đoạn:
“Thời đại thịnh trị xưa kia, người hiền ở triều rất đông đúc, người nọ nhường người kia. Cho nên ở dưới không sót tài, ở trên không bỏ việc, làm nên thịnh trị yên vui…
Nay trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đứng bên bờ vực thẳm, chỉ vì chưa tìm kiếm được người hiền tài giúp đỡ trị nước. Vậy ra lệnh cho các đại thần văn võ, công hầu đại phu tử từ tam phẩm trở lên, mỗi viên tiến cử lấy một người, ở trong triều hay ngoài thôn dã, đã làm quan hoặc chưa làm quan. Người nào có tài năng, tri thức văn võ, có thể cai trị dân chúng, thì trẫm sẽ tùy tài bổ dụng…
Tuy vậy, nhân tài ở đời cố nhiên là không ít, nên đường lối tìm người cũng không phải chỉ có một phương. Nếu có ai ôm ấp tài lược kinh bang tế thế nhưng vẫn chịu khuất ở hàng quan thấp, không có người tiến cử cho, cùng là những hào kiệt bị vùi dập ở bụi bờ, hay lẫn lộn trong quân ngũ, nếu không tự đề đạt thì trẫm làm sao biết được? Từ nay về sau, các bậc quân tử, có ai muốn theo ta, đều cho tự tiến cử…”.
Cũng trong tinh thần ấy, hơn 5 thế kỷ sau, ngày 20/11/1946, trên Báo Cứu Quốc số 411, đã đăng bài viết Tìm người tài đức ký tên đích danh “Chủ tịch Chính phủ Việt Nam, Hồ Chí Minh” với nội dung như sau:
“Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức.
E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.
Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những người hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.
Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, nguyện vọng và chỗ ở của người đó.
Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.
Chính nhờ tư duy vừa truyền thống vừa canh tân trong việc thu phục hiền tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tập hợp được đông đảo nhân tâm và sĩ khí của dân tộc. Không chỉ các nhà cách mạng theo đường lối vô sản mà cả những nhân sĩ trí thức mang nặng tâm lý cổ truyền cũng tụ về cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh để lo lắng việc nước.
Sách sử còn ghi việc Cụ Huỳnh Thúc Kháng, sau năm 1945 đã ở tuổi “cổ lai hy” nhưng khi nhận được lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã cất công ra Hà Nội, thoạt đầu chỉ “bày tỏ một vài ý kiến, còn việc gì khác thì không thể nhận”. Thế nhưng, sau khi gặp gỡ và trò chuyện với Bác Hồ rồi, thì Cụ Huỳnh đã thay đổi ý định và đồng ý làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong thành phần Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Cộng tác với Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa lâu nhưng với Cụ Huỳnh, đó đã là người tri kỷ.
Tình cảm và ứng xử của Bác Hồ với tất cả những hiền tài thuộc các thế hệ đều tận tình, chu đáo. TS Lê Thị Muội, con gái cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cho tới giờ vẫn không thể quên được, một lần, biết được tin đồng chí Lê Duẩn ốm, Bác Hồ đã “sang ngay số 6 Hoàng Diệu thăm. Là vị lãnh tụ tối cao của đất nước nhưng Bác không vào phòng khách, cứ ngồi dưới cầu thang chờ người bác sĩ khám xong cho đồng chí Lê Duẩn mới ra gặp để hỏi thăm tình hình”…
Còn đây là hồi ức của chị Nguyễn Thanh Hà, con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Một điều hạnh phúc và may mắn nhất của gia đình tôi là được Bác Hồ yêu thương và thỉnh thoảng được gặp Bác. Bác đã đến nhà tôi mấy lần, và cứ mỗi lần như vậy cả gia đình tôi vui như ngày hội, đến cả tháng sau vẫn còn náo nức. Cũng như đối với tất cả mọi người dân Việt Nam khác, Bác là thần tượng của Ba, nhưng có một cái gì đó rất thân thiết, gần gũi và cảm thông. Hồi đó, Ba hay vào báo cáo công việc với Bác, mỗi khi ra về, ông thản nhiên đút bao thuốc hút dở của Bác vào túi, và Bác coi như không để ý - thế là hôm đó các chú ở nhà lại được một bữa vui…”.
Cách đối xử chân tình và thân mật như thế luôn gây được ấn tượng đặc biệt sâu đậm và những người cộng sự gần gụi của Bác dù gặp khó khăn trong công việc đến đâu cũng luôn luôn đau đáu một niềm cố gắng, làm sao hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ Bác giao. Không chỉ biết thu hút hiền tài về phụng sự cách mạng, Bác Hồ còn rất biết cách sắp xếp cán bộ để những người hiền tài có thể cống hiến lâu dài nhất và nhiều nhất cho cách mạng. Đó có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất giúp cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, dù từng phải đối mặt với vô vàn thách thức khó khăn to lớn.
TRẦN THANH TỊNH
ANTGCT

No comments:

Post a Comment