.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, December 28, 2012

VĂN CHƯƠNG CHỐNG TIÊU CỰC VÀ SỰ TIÊU CỰC CỦA VĂN CHƯƠNG

(Toquoc)- Sau 55 năm (1957- 2012) kể từ khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) và sau 82 năm kể từ khi công tác lý luận của Đảng ra đời (1930- 1012), lần đầu tiên một “Trại viết Lý luận phê bình văn học” được HNVVN được tổ chức tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An từ ngày 3-10/8/2012, với chủ đề “Văn học với vấn đề chống tiêu cực, tham nhũng và suy thoái về tư tưởng đạo đức”. Đây thực sự là vấn đề lý luận và thực tiễn nóng bỏng của văn chương nước nhà, đặc biệt là thời kỳ từ sau đổi mới đến nay. 
 


Văn chương từ sau giải phóng đến trước thời kỳ đổi mới
Văn chương từ sau 1975, vẫn chủ yếu là âm hưởng anh hùng ca cách mạng. Dù cuộc chiến đã qua đi, nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng trong lòng những nhà văn- chiến sĩ, mà không phải một sớm, một chiều họ có thể quên ngay được. Nhưng điều quan trọng là có những chuyện không thể nói lúc bom rơi đạn nổ, bây giờ mới có cơ hội để nói ra.
Tuy nhiên do tình thế lịch sử đã đổi khác, nên giọng văn của những bản tráng ca chiến trận cũng có vẻ trầm và sâu lắng hơn. Dường như lúc này các nhà văn vượt thoát ra sau cuộc chiến đã ý thức được rằng công chúng lúc này không còn mấy hào hứng xài mãi món “ta thắng địch thua” nữa, mà họ cần những tác phẩm văn chương phản ánh cái hiện thực mà họ đang sống, đang phải đối mặt với bát cơm manh áo hàng ngày cùng những lo toan đời thường, mà có thể trong lúc bom rơi đạn nổ họ thường phải gồng mình lên để quên đi những điều ấy. Cũng vì thế mà giai đoạn này âm hưởng anh hùng ca dần nhường chỗ cho những suy nghiệm về thân phận con người trong và sau cuộc chiến và giữa đời thường.
Trong số đó không thể không kể đến “Chiếc thuyền ngoài xa”, 1983 và “Phiên chợ Giát” của của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Hai tác phẩm được xem là khởi đầu cho sự đoạn tuyệt của dòng văn chương tráng ca một chiều, theo kiểu “ta thắng địch thua, ta tốt địch xấu”. Thông qua tác phẩm“Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu không chỉ xót xa thương cảm cho những người phụ nữ bất hạnh mà còn lên án sự tàn nhẫn, thô bạo của người chồng trong gia đình. Đồng thời báo động tình trạng bạo lực gia đình đang làm khô héo, rạn vỡ tâm hồn con người. Ca ngợi tình mẫu tử, trân trọng khát vọng được sống trong yêu thương, yên bình của trẻ em là âm hưởng nổi trội của tác phẩm. Cho đến nay, hầu như các nhà văn và những nhà nghiên cứu, phê bình văn học đều coi “Chiếc thuyền ngoài xa” là tác phẩm tiêu biểu, thể hiện rõ tinh thần đấu tranh chống tiêu cực và suy thoái đạo đức của văn chương, mang dấu ấn rõ nhất phong cách Nguyễn Minh Châu ở thể loại truyện ngắn. Tác phẩm đã được đưa vào chương trình bộ môn văn ở bậc trung học phổ thong. Năm 2011-2012, trong đề thi đại học, Bộ GD&ĐT môn văn khối C đã chọn ra đề phân tích tác phẩm này.
Mùa lá rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng, xuất bản năm 1985, đã trở thành một điểm sáng với những ai yêu thích văn chương của cây bút tiểu thuyết gạo cội này. Ngoài ra còn phải kể đến “Tản mạn thời tôi sống” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết tháng 6/1981, một bài thơ đã gây tiếng vang trong dư luận một thời gian khá dài.
Dù vậy, từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến trước đổi mới (1975-1987) có thể xem là một giai đoạn văn chương mà ở đấy, âm hưởng tráng ca, anh hùng ca không còn mấy khả năng phát huy tác dụng như trước đây, nhưng âm hưởng về thân phận con người cá nhân trong buổi lo toan với những nhu cầu đời thường và sự trả giá cho quá khứ của mình lại chưa được định hình, nhận dạng một cách rõ ràng và khu biệt trong các sáng tác của nhà văn thời kỳ này.
Có thể nói ngoài một số ít các tác phẩm thuộc xu hướng trên, còn hầu hết đều mang tính thể nghiệm. Mà đã thể nghiệm thì phải chấp nhận năm ăn, năm thua. Vì giai đoạn văn chương này ít gây được tiếng vang và để lại dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng.
Liệu đây có phải là một thời kỳ văn chương bộc lộ nhiều sự tiêu cực của nó, xét cả về khía cạnh phát triển xã hội lẫn bản thân văn chương?
Và từ sau đổi mới đến nay
Có thể nói những người đặt nền móng cho dòng văn chương chống tiêu cực giai đoạn này là Nguyễn Huy Thiệp… với hàng loạt truyện ngắn như: “Tướng về hưu”, “Những người thợ xẻ”, “Con gái thủy thần”, “Vàng lửa”, “Kiếm sắc”…
Nhưng những quả “trọng pháo” văn chương chống tiêu cực giai đoạn sau đổi mới phải kể đến các tiểu thuyết gây tiếng vang dư luận một thời như: “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Bước qua lời nguyền” của Tạ Duy Anh, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc, “Đàn trời” của Cao Duy Sơn, “Luật đời cha và con” của Nguyễn Bắc Sơn, “Ma làng” của Trịnh Thanh Phong...   
Các tác phẩm trên ở nhiều khía cạnh và cấp độ khác nhau đã thức tỉnh lương tâm người đọc, làm cho họ không thể ngủ yên mãi trong những vòng hào quang của quá khứ. Công chúng hôm nay cần phải nhìn thẳng vào sự thật của đời sống, dù nó có đau đớn, nghiệt ngã đến đâu thì vẫn là một phần của cuộc sống, mà mọi người nói chung và nhà văn nói riêng bằng mọi cách phải kiên quyết chiến đấu chống lại và loại bỏ nó ra khỏi đời sống.  
Các nhà văn giai đoạn này dường như đã ý thức rõ hơn cuộc đấu tranh chống lại sự tiêu cực xã hội và suy thoái về đạo đức như là một phần của cái xấu, cái ác, trong một bộ phận cán bộ, nhân dân đầy cam go và phức tạp không kém so với cuộc chiến chống ngoại xâm, nhưng đấy là trách nhiệm của mọi người trong đó có nhà văn. Họ sẵn sàng chấp nhận “đối mặt” với một mảng hiện thực xã hội mà không phải ai biết cũng có thể làm được. Ví như Phùng Gia Lộc sau khi công bố “Cái đêm hôm ấy đêm gì” và Cao Duy Sơn công bố “Đàn trời” đã phải rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn của mình đi “tị nạn” nơi đất khách, chỉ cốt để bảo toàn tính mạng. Như vậy trong cuộc chiến chống lại cái xấu, cái ác và sự tiêu cực xã hội, sự suy thoái đạo đức trong “nội bộ nhân dân” cũng có khi phải đổi cả tính mạng, chứ đâu giản đơn như nhiều người thường nghĩ.
Nếu cái tốt, cái thiện, cái tích cực như những nguồn suối mát trong ngần tắm cho cây đời xanh tươi, ngõ hầu làm cho nó đơm hoa kết trái, nối dài thêm sự trường tồn của dân tộc, sự bất tử của giống nòi, thì cái xấu, cái ác, sự tiêu cực, sự suy thoái về đạo đức, lúc thì như những con sâu đục thân trá hình len lỏi đến tận mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, từng gia đình và trong mỗi cá nhân, có lúc thì như những cơn lốc xoáy có cường độ tàn phá khủng khiếp, cuốn phăng đi không chỉ những thành quả lao động sáng tạo của tất thảy chúng ta, mà nó còn táng tận lương tâm, làm “rỉ ra, mòn đi” nhân phẩm và tính thiện của con người.
Dù khác nhau về đề tài, chủ đề cũng như bút pháp thể hiện, những tác phẩm văn chương chống tiêu cực thời gian gần đây như vừa nói ở trên, thực sự đã đánh thức được lương tri, lòng nhân ái, sự thiện tâm của con người, hướng họ dũng cảm tiến vào một cuộc đấu tranh mới với ngay chính bản thân mình, với cộng đồng và toàn xã hội nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chống lại cái xấu, cái ác, sự tiêu cực xã hội và suy thoái đạo đức trên tinh thần và mục đích xây dựng, phát huy cái tốt, cái thiện, cái tích cực trong xã hội chúng ta hôm nay. Đây chính là nét khu biệt giữa văn chương Việt đương đại với các dòng văn chương chống tiêu cực trước đó.
Tuy nhiên, song song với những tác phẩm thuộc dòng văn chương này, trong thời gian qua cũng còn không ít những tiếng nói lạc điệu, những cái nhìn thiển cận, lệch lạc về cái ác, cái xấu, sự tiêu cực xã hội trên bình diện phát triển xã hội và giữ gìn truyền thống đạo đức mà ông cha ta đã dày công xây dựng từ hàng ngàn năm này. Các mảng đề tài về nhục dục, đồng tính và chửi đổng, cạnh khóe mang màu sắc chính trị, thực sự đã làm cho bộ mặt văn chương nước nhà nhiều lúc rơi vào tình trạng méo mó, lệch chuẩn và loạn chuẩn.
Những truyện đồng tính nam như: “Bóng” của Hoàng Nguyên và Đoan Trang; “Xin lỗi em, anh đã yêu anh ấy” của Nguyễn Thơ Sinh; “Yêu anh quá đi mất thôi” của N.Đ.L; “Cuộc làm tình đầu tiên” của ParSongHip; “Đôi bạn thân” của N. Đ. L; “Đoản bút cho anh” của Trịnh Nhựt Đông...; và những truyện về nặng về nhục dục như “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu; “Sợi xích” của Lê Kiều Như; “Ngày hoàng đạo” của Nguyễn Đình Chính; “Trả giá”, “Cõi mê” của Triệu Xuân; “Dại tình” của Bùi Bình Thi, “Thể xác lưu lạc” của Tiến Đạt,... là những tác phẩm văn chương thuộc dòng này.
Thiết nghĩ chúng ta cần phải phân biệt rõ đâu là tác phẩm văn chương viết về sex, tình dục làm cho con người thăng hoa, sảng khoái về tinh thần và đâu là tác phẩm văn chương khơi gợi nhục dục, hướng con người vào việc tìm kiếm những thỏa mãn xác thịt tầm thường. Thực chất các dòng văn chương này thường quá chú ý đến các yếu tố như gay, nhục dục và cạnh khóe chính trị hơn là nghệ thuật văn chương, nên chúng chỉ có thể tạo được tính tò mò cho một bộ phận độc giả hiếu kỳ. Vì giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ ít, thậm chí là không có, những truyện loại này không để lại được dấu ấn gì đáng kể trong lòng công chúng.
Một khía cạnh tiêu cực nữa của văn chương là khi xuất hiện những tác phẩm đi ngược lại xu thế phát triển của đất nước, của dân tộc, cùng những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, thì các nhà phê bình chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, các nhà báo phụ trách về VHNT ở các tòa soạn đã chưa kịp thời có những bài viết lên tiếng mạnh mẽ phê phán những tác phẩm đó, mà không ít trường hợp còn mơn trớn, vuốt ve, thậm chí tung hô, ca ngợi và coi đó là những “khám phá mới” (!?).
Đối với một số nhà xuất bản đã quá quan tâm đến lợi nhuận, chạy theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, phớt lờ việc tham khảo ý kiến chuyên gia, thẩm định qua loa, cốt sao sách in ra càng nhiều, càng thu lợi lớn. Như vậy chính các nhà xuất bản cũng đã vô tình (hay cố ý) tiếp tay cho dòng văn chương tiêu cực này ra đời và phát triển.
Thiết nghĩ chúng ta cần phải lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa với các nhà văn và tác phẩm của họ dám đứng lên đấu tranh chống riêu cực, cũng như cực lực lên án những tác giả và tác phẩm văn chương ủng hộ, tung hô những cái tiêu cực.
Đỗ Ngọc Yên

1 comment:

  1. Trời đất...!!! Thí mẹ các ông viết về tiêu cực nhé. Hãy đọc câu này của Đỗ " cực lực lên án những tác giả và tác phẩm văn chương ủng hộ, tung hô những cái tiêu cực." ????

    ReplyDelete