•
Lịch sử –
Trong ý nghĩa khái quát, lịch sử là tiến trình phát triển của tự nhiên và xã
hội. Các khoa học xã hội (cũng được gọi là các khoa học lịch sử) đều nghiên cứu
quá khứ loài người trong tính cụ thể và đa dạng của nó. Tuy vậy những tiêu điểm
chú ý thường tập trung vào sự hình thành, phát triển, hưng thịnh, diệt vong của
các nhà nước, những biến cố lớn trong đời sống xã hội của cộng đồng quốc gia,
trong quan hệ giữa các quốc gia như như chiến tranh, cách mạng, hoặc cuộc đời
và sự nghiệp của những cá nhân được coi như các nhân vật có ảnh hưởng đến tiến
trình lịch sử…
Trong cách
nhìn của các trường phái triết học văn hóa thế kỷ XX, “lịch sử” (chữ Anh: history;
chữ Pháp: histoire…) bao hàm: 1/ Phương thức tồn tại trong thời
gian của con người và loài người; và 2/ Sự trần thuật về quá khứ như một hình
thái văn hóa, một bộ môn chuyên biệt.
Sự tồn tại
trong thời gian khiến tồn tại nhân loại ngay từ đầu đã mang tính lịch sử. Lịch
sử nhân loại với nhịp thời gian riêng của nó suy cho cùng được dệt từ những số
phận cá nhân. Cái đã xảy ra trong quá khứ chứng tỏ tính cấp thời của mình cho
hiện tại và tương lai. Ý thức về lịch sử và lĩnh vực tri thức chuyên biệt dựa
vào ý thức ấy, suy cho cùng, được nảy sinh từ đặc điểm của việc nhân loại tồn
tại trong thời gian. Kẻ sống trong lịch sử không thể không cách này hay cách
khác luận bàn về nó, chẳng hạn, do muốn cắt nghĩa tiến trình các sự kiện đời
mình. Diễn ngôn lịch sử, vì vậy, được coi như một hiện tượng văn hóa độc lập.
Khi tác giả diễn ngôn ấy là người chuyên nghiệp, ta sẽ đụng tới lịch sử như một
bộ môn riêng.
Diễn ngôn
lịch sử kể về những điều đã không còn tồn tại, vì vậy sử gia phải tái cấu trúc
chuỗi biến cố đã qua trên cơ sở nguồn tư liệu. Nhận thức lịch sử, – cái năng
lực mà Collingwood (1889-1943, sử gia Anh) gọi là năng lực “tưởng tượng tiên
thiên” – đòi hỏi lấp đầy những lỗ hổng đang có trong những chứng minh về một
biến cố nào đó. Trong khi khôi phục lại trong tưởng tượng một chuỗi biến cố
tuần tự, sử gia không có quyền hư cấu như nhà tiểu thuyết. Lịch sử bao giờ cũng
là cái được ghi lại trong một trần thuật nhất định về cái đã qua; đặc trưng thể
loại của trần thuật lịch sử biến động từ thể loại chân dung đến các thể loại
nghiên cứu loại hình ở các bình diện xã hội, chính trị hoặc kinh tế. Cũng tùy
theo thể loại mà nổi lên ưu thế của tư duy nghệ thuật hay tư duy khoa học trong
các trần thuật lịch sử. Ở những mẫu mực xuất sắc nhất, lịch sử kết hợp những
nét của khoa học và nghệ thuật: cái đơn nhất (unical) hấp dẫn sử gia và nghệ sĩ
ở mức ngang nhau, nhưng sử gia hướng tới khái quát khiến trứ tác của anh ta gần
với tìm tòi khoa học.
Thành phần
thiết yếu của trần thuật lịch sử là sự kiện (biến cố). Do tính đơn nhất, gắn
với thời điểm cụ thể của thời đại, sự kiện khiến trần thuật lịch sử có diện mạo
riêng biệt. Tâm thế giá trị học, thế giới quan và lý thuyết của nhà nghiên cứu
ảnh hưởng đáng kể đến sự tập hợp và mô tả các sự kiện. Các giả thuyết về tồn
tại và sự lý giải là thành phần chính của diễn ngôn lịch sử. Nếu trong khoa
học, giả thuyết là bước quan trọng trên đường làm bộc lộ quy luật thì điều đó ở
nhận thức lịch sử không thể có ý nghĩa tự thân. Điều chủ yếu ở đây là chính các
sự kiện cụ thể của quá khứ chịu một sự lý giải mang tính giả thuyết, sự lý giải
ấy vạch ra ở các sự kiện ấy không chỉ cái lặp lại mang tính loại hình ở văn cảnh
văn hóa xã hội học khác mà còn cả cái mang tính chất rất cá nhân. Sự lý giải lý
thuyết ở lịch sử không đồng nhất với sự lý giải ở khoa học tự nhiên mặc dù có
tương đồng về những thành phần cấu trúc logic như sự tập hợp các khái niệm
chuyên biệt hóa, các sơ đồ lý giải xuất phát điểm, các nguyên tắc khái quát
loại hình. Trong văn cảnh của diễn ngôn lịch sử, các khái niệm lý thuyết là một
loại kiến tạo loại hình lý tưởng hóa, bao quát chất liệu của đời sống quá khứ.
Đồng thời sử gia còn sử dụng cả những khái niệm của khoa học kinh tế, khoa học
chính trị và các bộ môn khác. Các sơ đồ lý giải đem tổng quát hóa các khách thể
lý tưởng hóa vốn khu trú trong thời gian và không gian. Các nguyên tắc trong sử
học quy định chiến lược tìm tòi chung. Chức năng của chúng là phát hiện cái có
ý nghĩa loại hình để hiểu những hiện tượng, vi dụ, Phục hưng hay thời đại cải
cách, hay chế độ Xô-viêt, v.v… Sử gia thường phải thao tác tổng quát hóa về
loại hình, gần với những phán đoán đồ giải logic (nomologique): chúng tương tự như
quy luật nhưng thuộc về hiện tượng lịch sử vốn gắn chặt vào thời gian và không
gian. Loại “quy luật chung” này, tương tự các nguyên nhân cá biệt, tuy có mặt
trong sự giải thích lịch sử nhưng sự phát hiện chúng không phải mục đích tự
thân. Sử gia chỉ dùng tính đều đặn như vậy để kiến lập một trần thuật mạch lạc.
Các sơ đồ xuất phát mà sử gia tiếp nhận sẽ được lấp đầy thông qua dự phóng của
chúng lên bức tranh thực tại lịch sử hiện hữu vốn hình thành trong các giới hạn
của lịch sử chung. Bức tranh về tiến trình lịch sử toàn thế giới được nuôi
dưỡng bởi phụ thuộc vào tư biện triết học. Về phần mình, bằng tiến trình thực
tế, lịch sử khiêu khích sự xem xét lại những sơ đồ thế giới quan triết học.
Tiếp tục tuyến suy tư của Kant, R.G. Collingwood xác nhận sự tồn tại của tư
tưởng về lịch sử như như một năng lực tiên thiên của ý thức, nó luôn luôn nỗ
lực tái tạo bức tranh toàn vẹn về quá khứ trong sự liên hệ của nó với hiện tại.
Tuyệt nhiên không phải mỗi sử gia đều có năng lực đem lại những biến đổi quan
trọng vào sự hình dung về quá khứ, nhưng không một nhà chuyên môn nào ở lĩnh
vực này có thể tránh khỏi những vấn đề lý thuyết phổ quát nảy sinh dưới ánh
sáng của tư tưởng về lịch sử. Bởi vậy, phản tỉnh triết học luôn luôn hiện diện
trong văn cảnh của tri thức lịch sử. Sự lý giải lịch sử thực hiện chức năng
miêu thuật và giải thích, nhưng do tính đơn nhất của khách thể lịch sử, nó
không thể thực hiện sự tiên đoán dưới dạng như trong tự nhiên học. Diễn ngôn
lịch sử chiếm vị trí riêng trong tổng thể các hình thức văn hóa, do nó cấp thời
hóa sự tự nhận thức của con người với tư cách một sinh thể sống trong thời
gian.
•
Văn xuôi lịch sử (hoặc
trứ thuật lịch sử) – là tên gọi ước lệ, trỏ tác phẩm của những sử gia tự đặt
cho mình nhiệm vụ không chỉ xác lập sự kiện của quá khứ mà còn đem lại cho
chúng một sự miêu tả sống động đầy màu sắc. Có thể xem đây như một dạng của văn
xuôi khoa học. Ngay ở Hy Lạp cổ đại người ta đã phân chia loại tự sự lịch sử cỡ
lớn, tức là lịch sử tất cả các biến cố suốt một thời gian tương đối dài, và loại
tự sự lịch sử cỡ nhỏ, tức là chuyên luận (monographie), dành cho một sự kiện
hay một nhân vật nào đó. Các sự kiện của một quá khứ gần, được thâu tóm bằng
một quan niệm lịch sử chung, lần đầu tiên được mô tả trong cuốn Lịch
sử của Hérodote (484-424 tr.CN). Đỉnh cao của trứ thuật sử học cổ đại
là Lịch sử chiến tranh Peloponne của Thucydides (460-396
tr.CN). Văn xuôi lịch sử được kế thừa và tiếp tục phát triển ở La Mã cổ đại
(thế kỷ II tr.CN) theo hai tuyến: tuyến của các thể tài sử biên niên mà đỉnh
cao là các tác phẩm của Tacite (khoảng 55-120) và tuyến các thể tài tiểu sử mà
đỉnh cao là các tác phẩm của Plutarch (khoảng 46-127), người đã chọn đối tượng
mô tả là cuộc đời và sự nghiệp của những nhân vật xuất chúng của thời đại cổ
điển Hy Lạp và La Mã.
Trứ thuật
lịch sử xuất hiện khá sớm ở Trung Hoa cổ đại với những tác phẩm như Tả
truyện (tương truyền được soạn bởi Tả Khâu Minh, sử quan nước Lỗ thời
Xuân Thu), Quốc ngữ (tập tư liệu về lịch sử nhà Chu và chư
hầu thời Xuân Thu) và tiểu biểu là Sử ký của Tư Mã Thiên
(khoảng 145/135? – 86 tr.CN), phác họa bức tranh lịch sử Trung Quốc 3000 năm từ
thượng cổ đến đầu thời Hán, một mẫu mực của văn xuôi chữ Hán cổ đại, có ảnh
hưởng rộng lớn và lâu dài đến trứ thuật, sử học và văn xuôi lịch sử thế giới,
nhất là ở vùng Đông Á từ trung đại đến cận đại.
Truyền thống
văn xuôi lịch sử cổ đại được kế thừa và phát triển ở châu Âu thời trung đại. Ví
dụ ở Byzance từ thế kỷ IV-V thể tài hạnh tích (chữ Pháp: hagiographie) kể về
các vị thánh và những người tuẫn đạo, trong đó có sự kết hợp các yếu tố tôn
giáo, truyền thuyết, lịch sử. Những tác phẩm văn xuôi lịch sử viết bằng tiếng
Latinh đầu tiên là của Grégoire de Toure (thế kỷ VI), Einhard (hoặc Eginhard,
770-840); sau đó xuất hiện những tác phẩm văn xuôi lịch sử viết bằng các ngôn
ngữ dân tộc ở Tây Âu như Đan Mạch, Ba Lan, Pháp, v.v… trong số đó đáng kể nhất
là Cuộc chinh phục thành Constantinophe của Geoffroy de
Villehardouin (khoảng 1150-1213), Sách ghi lại những lời thánh thiện
và những hành động của vị thánh quân Louis của Jean de Joinville
(khoảng 1224-1317), đều viết bằng tiếng Pháp.
Thời đại
Phục Hưng ở châu Âu đem lại sự đổi mới cho văn xuôi lịch sử, do việc hướng nó
về những kiệt tác thời cổ đại, đồng thời đặt cơ sở cho sử học tư sản cận đại. Ở
các thế kỷ XV-XVI, bên cạnh các vấn đề chính trị, xã hội, đạo đức và thẩm mỹ,
văn xuôi lịch sử còn chú trọng các vấn đề ngôn ngữ và phong cách. Một loạt nhà
văn nổi bật từ văn xuôi lịch sử là N. Machiavelli (1469-1527) và F.
Guicciardini (1483-1540) ở Italia, R. Holinshed (?-1580) và G. Hall ở Anh,
Agrippa d’Aubigné (1545-1630) ở Pháp. Do đề cao tính thẩm mỹ của văn xuôi lịch
sử, thời đại Phục Hưng cũng đồng thời chia tách sử học với văn học.
Những mẫu
mực của văn xuôi lịch sử ở thời đại Khai Sáng là Thế kỷ của vua Louis
XIV của Voltaire, Lịch sử sự tan rã liên minh của người Hà
Lan với bá chủ Tây Ban Nha của Schiller, Lịch sử nhà nước
Nga của N.M. Karamzin. Cuối thế kỷ XVIII sang đầu thế kỷ XIX ở châu
Âu, văn xuôi lịch sử không chỉ ảnh hưởng đến tiểu thuyết lịch sử (như của V.
Hugo, A. Dumas) mà chính nó cũng sử dụng kinh nghiệm của nhiều nhà văn lãng
mạn; điều này bộc lộ rõ trong các tác phẩm của F. Guizot (1787-1874), A.
Thierry (1795-1856) ở Pháp, Th. Carlyle (1795-1881) ở Anh… Từ cuối thế kỷ XIX
sang đầu thế kỷ XX, sử học tách hẳn khỏi văn học; tuy vậy những tác phẩm lịch
sử của P. Mérimée, một số công trình sử học của các sử gia Pháp như J. Michelet
(1798-1874), H. Taine (1828-93), E. Renan (1823-92), của sử gia Nga như S.M.
Soloviev (1820-79), của sử gia Xô-viết như E.V. Tarle (1874-1955) – vẫn đạt
trình độ văn học cao, được xem như tác phẩm nghệ thuật.
•
Vấn đề chủ nghĩa lịch sử. Các tác phẩm văn học về đề tài lịch sử – Nói đến các
tác phẩm văn học về đề tài lịch sử (hoặc “văn học lịch sử”, “văn chương lịch
sử”) tức là nói đến những tác phẩm truyện, tiểu thuyết, thơ, kịch, mà trong đó
có đặt mục đích tái tạo cuộc sống con người ở những thời đại đã qua. Ở trường
hợp này, nhà văn sẽ đụng tới những yêu cầu của chủ nghĩa lịch sử (историзм chữ
Nga, historicism chữ Anh).
Tác phẩm
nghệ thuật đích thực vốn thấm nhuần sâu sắc tính đương thời (tính thời đại): nó
tái tạo những nét cốt yếu của thời đại mình, bất kỳ với đề tài nào (sự kiện
lịch sử lớn hay đời sống riêng tư cá nhân, thậm chí con người giữa thiên
nhiên). Nhưng tính thời đại sâu sắc cơ hữu đó lại không phải là cái gì khác hơn
là biểu hiện của chủ nghĩa lịch sử trong việc lĩnh hội cuộc sống bằng nghệ
thuật, là năng lực của nghệ sĩ trong việc bao quát cái năng động và phát triển
của đời sống, miêu tả nó như là sự biến đổi quá khứ thành tương lai.
Chủ nghĩa
lịch sử của nghệ thuật khác với chủ nghĩa lịch sử ở khoa học. Nhiệm vụ của nghệ
sĩ không phải là thể hiện tính quy luật của sự phát triển lịch sử một thời đại
nào đó, mà là ghi khắc cái ánh xạ tinh tế của tiến trình lịch sử chung ở hành
vi và ý thức những con người. Nếu thể ký tư liệu có thể trình bày tác động
ngoại tại của các sự kiện lịch sử đến số phận con người, thì tiểu thuyết không
bị giới hạn ở nhiệm vụ ấy. Nghệ thuật cần thể hiện nội dung lịch sử cụ thể trong
hình tượng toàn vẹn của con người, và để làm điều đó không nhất thiết phải miêu
tả những sự kiện lớn của thời đại. Thậm chí trữ tình thầm kín riêng tư, ví dụ
của những nhà thơ Nga như Pushkin và Lermontov, F.I. Tiutchev và N. Nekrasov,
T.F. Annenski và A.A. Blok … cũng thấm nhuần tinh thần lịch sử; ở các hình
tượng trữ tình do những nhà thơ này tạo ra có sự diễn đạt sáng rõ ý nghĩa cụ
thể của một thời đại cụ thể của lịch sử nước Nga.
Tác phẩm
nghệ thuật đích thực, bắt đầu từ anh hùng ca cổ đại, luôn luôn truyền đạt ý
nghĩa lịch sử của thời đại mình. Thậm chí những hình tượng huyền thoại của sử
thi Homeros, nơi mà quan hệ của con người với tự nhiên và xã hội được miêu tả
bằng hình thức huyền ảo, vẫn hoàn toàn không loại trừ việc lĩnh hội nội dung
lịch sử của thời đại. “Sự hưng thịnh trọn đầy ở mức cao của thời đại dã man
hiện diện trước chúng ta qua thi ca Homeros” (K. Marx và F. Engels). Đồng thời
hầu như toàn bộ văn học, ngoại trừ các thể loại hài và các thể loại “thấp”
(comédie, farce, satire, menippée, facetiae, Schwank, v.v…) – cho đến tận thế
kỷ XVIII, trong khi sự chú ý nghiêng hẳn về quá khứ, lại cũng dựa chủ yếu vào
truyền thuyết của các thời đại đã qua. Bi kịch cổ đại, sử thi trung đại, trường
ca và kịch thời Phục Hưng và thời chủ nghĩa cổ điển đều không thể thiếu yêu cầu
mỹ học về “khoảng cách sử thi” (hoặc “khoảng cách bi kịch”) để tái tạo sự kiện
của những thời đại đã lùi xa. Nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa những tác
phẩm đó có thể được hiểu như những thể văn lịch sử theo hàm nghĩa hiện đại. Cho
đến tận thời cận đại, nhân loại vẫn chưa có được tư duy lịch sử thực sự, tri
thức lịch sử thực sự. Thậm chí thiên tài Shakespeare, ở những vở kịch viết theo
chất liệu của Plutarch và sử biên niên đầu thời trung đại, cũng không thể tái
tạo những xung đột lịch sử cụ thể đích thực của xã hội chủ nô và phong kiến
tông tộc; vì vậy không nên tìm ở các vở bi kịch này sự miêu tả diện mạo thực
của những thời đã xa mặc dù chúng tái tạo đúng nhiều nét riêng biệt và tiến
trình chung của các sự kiện.
Việc văn học
đề cập đến quá khứ bị chi phối trước hết bởi tính chất cao cả và “thi vị” của
nghệ thuật ngôn từ ở thời đại tiền tư sản; sáng tạo thi ca cao cả bắt đầu ngay
từ việc chọn đối tượng cao, được thời gian và truyền thuyết làm cho linh
thiêng. “Truyền thuyết xa xưa đủ đầy bao vẻ đẹp. Chính ở đây thi ca sống động
trong những cái tên Enée, Hertor, Hélène và Paris” (N. Boileau: Thi
học). Việc đề cập đến quá khứ không hề có mục đích mô tả đúng quá khứ ấy;
các thi gia và lý luận gia chỉ tranh cãi về mức độ biến tấu cái tiến trình sự
kiện đã biết (Aristoteles, Horatius, P. Corneille đều có bàn về điều này). Bên
cạnh đó là sự hời hợt của lối trình bày dung tục, chẳng hạn, các tác giả cổ
điển chủ nghĩa chỉ giản đơn khoác cho người đương thời mình những trang phục
thời xưa. Tất nhiên P.Corneille, J. Racine trong các bị kịch “lịch sử” của mình
cũng khai thác các xung đột của đương thời. Nhưng đề cập đến quá khứ không đơn
giản chỉ là “trang phục”. Nó phải đưa ra một viễn tượng nhất định, cho phép
vươn cao khỏi những nhỏ nhặt ngẫu nhiên để thấy được dòng chính yếu của sự phát
triển xã hội hiện tại. Chủ nghĩa cổ điển còn ở trạng thái trừu tượng nghệ
thuật, tức là còn thiếu chủ nghĩa lịch sử; điều này không phải do việc chuyển
hành động vào quá khứ, mà do chính bản chất của nghệ thuật chủ nghĩa cổ điển.
Điều này sẽ rõ rệt khi đối chiếu kịch chủ nghĩa cổ điển với kịch Shakespeare.
Đề cập truyền thuyết của quá khứ, Shakespeare ít chú ý “phục trang” cho những
người đương thời mình mà thường chú ý đưa họ ra khoảng không rộng lớn của lịch
sử. Ông không tái hiện quá khứ mà thường đem gắn nối, liên kết hiện tại với quá
khứ, và do vậy, bao quát được chính sự vận động của lịch sử, nhìn về tương lai,
vạch ra những khả năng còn tiềm ẩn ở con người và xã hội hiện tại. Chính vì
vậy, sáng tác của Shakespeare thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa lịch sử. Shakespeare
không phản ánh nội dung đích thực của các thời đại xa xưa tuy ông cũng miêu tả
quá khứ. Mặt khác, những nét của đời sống thực nước Anh thế kỷ XVI-XVII cũng
vẫn hiện ra qua vô số khuôn mặt nhân vật các bi kịch của ông.
Trải qua hai
thế kỷ, vấn đề chủ nghĩa lịch sử ở văn học Anh đã khác hẳn. Đã tách hẳn riêng
ra thể loại lịch sử, trước hết là trong sáng tác của W. Scott; mặt khác, đến
thời gian này, loại tiểu thuyết viết về đương đại trong đó in dấu diện mạo thực
của đất nước và thời đại, – đã định hình và đạt tới trình độ cao (D.
Defoe, H. Fielding, T. Smollett, O. Goldsmith, L. Sterne, W. Godwin).
Vấn đề chủ
nghĩa lịch sử trong sự tái tạo quá khứ được đặt ra ngay ở cuốn Kịch lý
Hamburg của Lessing. Những yếu tố chủ yếu của chủ nghĩa lịch sử ấy
cũng đã thấy có ở các vở kịch của F. Schiller (nhất là bộ ba vở kịch về
Wallenstein, 1798-99) và Goethe. Trong sự hình thành chủ nghĩa lịch sử, vai trò
lớn là thuộc về văn học lãng mạn chủ nghĩa, dòng văn học đã đặt ra một cách sắc
sảo vấn đề đặc sắc dân tộc của sự phát triển lịch sử. Chủ nghĩa lịch sử hình
thành rõ rệt trong sáng tác của Scott. Ở văn học châu Âu, Scott được coi là
thủy tổ của tiểu thuyết lịch sử. Ông đã sáng tác cả một loạt tiểu thuyết mô tả
thời đại của các cuộc thập tự chinh (Ivanhoe; Richard trái tim mãnh sư;
Robert, bá tước vùng Paris), giai đoạn hình thành các nền quân chủ dân tộc
ở châu Âu (Quentin Durward), cách mạng tư sản Anh (Người thanh
giáo; Woodstock), sự tan vỡ hệ thống thị tộc ở Scotland (Waverley; Rob
Roy), v.v… Việc chuyển sang lối sống tư sản, vốn diễn ra sớm nhất ở nước
Anh, đã đem lại cho nhà văn cái khả năng cảm nhận sắc sảo sự đổi thay của thời
đại, sự khác biệt căn bản trong các quan hệ xã hội, sinh hoạt và tâm lý giữa
thời trung đại và thời cận đại. Nhà văn gắng tái hiện tinh thần và diện mạo của
nếp sống quá khứ đã mất. Lần đầu tiên sự tái tạo quá khứ bằng nghệ thuật được
căn cứ vào việc nghiên cứu tìm hiểu các nguồn sử liệu. Sáng tác của Scott ảnh
hưởng trực tiếp đến văn chương lịch sử tiếp theo. Sau Scott, văn chương lịch sử
thực thụ bắt đầu phát triển tăng tốc, bao gồm cả truyện lịch sử lẫn kịch lịch
sử của Pushkin, P. Mérimée, N.V. Gogol, W. Thackeray, G. Flaubert, Charles de
Coster, v.v…, thực sự tái tạo quá khứ cả trong nội dung lịch sử lẫn trong diện
mạo độc đáo không lặp lại của nó.
Sự hình
thành thể loại văn học lịch sử có ý nghĩa lớn đối với văn học nói chung, bởi nó
dẫn đến chỗ ý thức được tư tưởng và quan niệm chủ nghĩa lịch sử. Tư tưởng chủ
nghĩa lịch sử là tư tưởng chủ đạo trong “Lời nói đầu” mà Balzac viết cho
bộ Tấn trò đời của ông, trong đó có chỗ khẳng định rằng
“Scott đã nâng tiểu thuyết lên cấp độ triết học của lịch sử”. Về sau F. Engels
cho rằng Tấn trò đời “cấp cho ta cái lịch sử hiện thực tuyệt
vời của xã hội Pháp từ 1816 đến 1848”, tức là lịch sử thời đại cùng thời nhà
văn. Còn Pushkin thì ghi nhận rằng “ở thời đại chúng ta, chữ “tiểu thuyết” hàm
ý cả một thời đại lịch sử đang được khai triển trong thiên tự sư hư cấu”.
Không nên
cho rằng thắng lợi của chủ nghĩa lịch sử trong văn học viết về quá khứ và về
hiện tại nghĩa là các nhà văn thế kỷ XIX có “ưu thế” hoàn toàn so với
Shakespeare. Tiến bộ nào cũng kèm theo mất mát. Chủ nghĩa lịch sử của
Shakespeare vẫn giữ được “ưu việt” theo nghĩa là Shakespeare dường như hòa trộn
quá khứ và hiện tại làm một; điều này làm nên tính tầm cỡ lịch sử không thể bị
vượt qua của các hình tượng do ông sáng tạo nên. Trong khi đó, văn học thế kỷ
XIX lại thực hiện sự “chuyên biệt hóa” vốn là điển hình cho thời đại này. Để
“so đọ” với Shakespeare, cần có một sự tổng hợp mới; ở thế kỷ XIX, mẫu mực đơn
nhất về mặt này là Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoi. Ở
đây chủ nghĩa lịch sử biểu lộ cả ở sự nhận thứ rất quy mô về cả một tiến trình
lịch sử, cả ở việc truyền đạt chính xác các đặc điểm xã hội, sinh hoạt, tư
tưởng, tâm lý, ngôn ngữ của thời đại. Ở đây quá khứ và hiện tại hiện diện trong
sự thống nhất không thể chia tách, bức tranh đời sống được mô tả trong màu sắc
lịch sử cụ thể như “sờ mó” được, nhân vật được xây dựng sống động cả về tâm lý
lẫn bước đường tư tưởng… Không chỉ ở các nhân vật lịch sử, ngay ở những nhân
vật hư cấu cũng có thể đọc thấy cái ánh xạ tinh tế của tiến trình lịch sử. Một
điểm đáng kể là điểm xuất phát của Chiến tranh và hòa bình là
dự đồ một tiểu thuyết về hiện tại, về một đảng viên Tháng Chạp trở về từ Sibir;
rồi về sau nhà văn mới đắm mình vào các biến cố đầu thế kỷ. Chỉ thiên tự sự của
Tolstoi mới so đọ được với Shakespeare về quy mô chủ nghĩa lịch sử.
Về sự phát
triển của văn chương lịch sử, tiểu thuyết lịch sử từ sau W. Scott. Rất nhiều
nhà văn lãng mạn viết tiểu thuyết lịch sử: các nhà văn Pháp V. Hugo (kịch Cromwell, 1827,
các tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà ở Paris, 1831,Người
cười, 1869, Năm Chín mươi ba, 1874), A. de Vigny
(tiểu thuyết Cinq Mars, 1826), A. Manzoni (tiểu thuyếtHai
người đính hôn, 1827), nhà văn Anh Bulwer-Lyton (các tiểu
thuyết Những ngày cuối cùng của Pompei, 1834,Rienci, nhà
hùng biện La Mã cuối cùng, 1835…), nhà văn Bắc Mỹ J. F. Cooper (Kẻ
gián điệp, 1821, Người cuối cùng của bộ lạc Mohicans, 1826, Người
săn hươu, 1841…), các nhà văn Nga M. Zagoskin (Juri Miloslavski
hay là những người Nga năm 1612, ba tập, 1829), I. I. Lazhechnikov (Ngôi
nhà băng giá, 1835).
Các tác phẩm
văn chương lịch sử của các nhà văn lãng mạn không phải bao giờ cũng có giá trị
nhận thức lịch sử, do bị ngăn cản bởi cách lý giải chủ quan, lý tưởng hóa đối
với sự kiện, do việc đem thay các xung đột xã hội khách quan bằng các tương
phản thiện-ác, bóng tối-ánh sáng; các nhân vật chính thường không phải là những
điển hình lịch sử cụ thể mà thường chỉ là sự hóa thân của lý tưởng lãng mạn của
chính nhà văn (ví dụ Esméralda của V. Hugo). Tuy vậy, không thể chỉ đánh giá
các tác phẩm này theo mức độ tính xác thực của cái được miêu tả. Các tiểu
thuyết của V. Hugo chẳng hạn, có tác động lớn về xúc cảm.
Một giai
đoạn phát triển quan trọng của văn chương lịch sử thế kỷ XIX là gắn với những
thành công của nguyên tắc hiện thực chủ nghĩa trong sáng tác tiểu thuyết và
kịch lịch sử. Những thành tựu của chủ nghĩa hiện thực như việc xây dựng được
những tính cách xã hội, việc thâm nhập được vào quá trình đấu tranh của các lực
lượng lịch sử, việc miêu tả vai trò dân chúng trong lịch sử, – là những yếu tố
mỹ học phần nhiều đã được đào luyện bởi trường phái của W. Scott (Những
người Chouans của Balzac, Jacquerie của P.
Mérimée). Ở Nga, các thể văn lịch sử có thành tựu ở sáng tác của Pushkin
(kịch Boris Godunov, truyện Người Arab của Pietr
Đại đế, Người con gái viên đại úy).
Cái mới của
văn chương lịch sử những năm 30-40 thế kỷ XIX là đào sâu vào phân tích tâm lý (Biên
niên thời vua Charles IX của P. Mérimée và nhất là các trường đoạn
miêu tả trận Waterloo trong tiểu thuyết Tu viện Parme của
Stendhal mà về sau được L. Tolstoi viện dẫn). Đỉnh cao nhất trong sự phát triển
văn chương lịch sử thế kỷ XIX làChiến tranh và hòa bình của L.
Tolstoi.
Đầu thế kỷ
XX văn học Tây Âu phát triển trong các dấu hiệu của chủ nghĩa hiện đại
(modernism), văn chương đề tài lịch sử cũng không nằm ngoài xu hướng này, Vì
vậy, những nhà nghiên cứu xem trọng chuẩn mực chủ nghĩa hiện thực thường nhận
thấy ở đây sự thoái bộ của văn chương lịch sử, sự từ bỏ nguyên tắc chủ nghĩa
lịch sử. Trong khi đó ở một loạt nước Đông Âu giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu
thế kỷ XX, đề tài lịch sử lại có ý nghĩa lớn, có âm vang xã hội, do gắn với cao
trào giải phóng dân tộc. Văn chương lịch sử ở nhiều trường hợp thường mang tính
lãng mạn: chẳng hạn nhiều tác phẩm của tiểu thuyết gia Ba Lan H. Sienkiewicz (Lửa
và gươm, 1884; Hồng thủy, 1886; Ngài
Wolodyjowski, 1887-88; Quo Vadis, 1896; Những
hiệp sĩ Thập tự chinh, 1897). Cũng có không ít tác phẩm viết theo bút
pháp hiện thực, ví dụ nhà văn kiêm sử gia Czech Alois Jirasek (các tiểu
thuyết Giữa dòng,1887-90; Anh em, 1898-1908;
các vở kịch Jan Hus, 1911; Jan Zizka, 1903…),
nhà văn Bulgaria Ivan Vazov (tác giả nhiều vở kịch lịch sử về cuộc sống ở
Bulgaria thời trung đại như Bên bờ vực, 1908; Ivailo, 1911;
tiểu thuyếtDưới ách, 1889…). Phong trào giải phóng dân tộc, sự
thức tỉnh của tự ý thức dân tộc cũng là cơ sở cho sự nảy sinh và hình thành thể
loại tiểu thuyết lịch sử ở nhiều nước phương Đông, ví dụ Ấn Độ, Iran, Arab…
Ở Tây Âu sau
thế chiến thứ nhất (1914-18) lại xuất hiện những mẫu mực của tiểu thuyết lịch
sử, ví dụ các tác phẩm của H. Mann (Tuổi trẻ của vua Henrich IV, 1935)
và Th. Mann (Lotte ở Weimar, 1939), L. Feuchtwanger (Jud
Suess, 1925; bộ ba Josephus, 1932-42; Anh
em, 1935; Ngày lên, 1942; Neron
giả, 1936; Sự hiền minh của người ngốc hay là Cái chết và sự
biến cải của Jean-Jacques Rousseau, 1953; Goya, 1951…).
Tiểu thuyết
lịch sử có thành tựu đáng kể ở văn học Nga và văn học các dân tộc trong Liên
bang Xô-viết; thường được nhắc đến nhất là: Đời Klim Samghin, (4
tập, 1927-36) của M. Gorki, Petr đệ Nhất (3 tập, chưa xong,
1929-45) và Con đường đau khổ (3 tập, 1922, 1927-28,
1940-41) của A. Tolstoi, Sông Đông êm đềm (4 tập, 1928,
1929-32, 1937-40) của M. Sholokhov, v.v…
Truyện và
kịch đề tài lịch sử xuất hiện khá sớm ở văn học Trung Quốc. Thời phồn thịnh đầu
tiên là cuối triều đại Nguyên đầu triều đại Minh (thế kỷ XIV-XV), tiêu biểu
là Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung
(1330?-1400?), Thủy hử truyện của Thi Nại Am (1296-1370).
Những thành tựu lớn này đã nuôi dưỡng một dòng mạch truyện lịch sử phong phú,
mạnh mẽ trong văn học Trung Quốc từ đó về sau, như loại “tiểu thuyết lịch sử
diễn nghĩa” phát triển từ thời Gia Tĩnh (1522-66) triều Minh, loại “tiểu thuyết
giảng sử” phát triển dưới thời Thuận Trị – Khang Hy (1644-1723) triều Thanh,
với một số lượng lớn tác giả và tác phẩm mà nội dung tựu trung là đem văn
chương hóa, “tự sự hóa” toàn bộ lịch sử đấu tranh quyền lực, cũng là lịch sử
các triều đại trên đất Trung nguyên từ thời Xuân Thu Chiến Quốc đến đầu triều
Minh.
Trong sự
phân tích của giới nghiên cứu văn học châu Âu thì các tác phẩm tự sự này, kể
từ Tam quốc chí diễn nghĩa và Thủy hử truyện, đều
không phải là tiểu thuyết (roman, novel trong thuật ngữ châu Âu) mà là những
thiên truyện anh hùng, những bộ anh hùng ca, với cảm hứng anh hùng, với quy mô
sử thi của cơ cấu tác phẩm (không gian mở rộng của các xung đột quốc gia, số
lượng lớn các nhân vật lịch sử…). Đặc điểm này cũng gắn bó lâu dài với “tiểu
thuyết lịch sử” Trung Quốc: thường khi đó là những bộ truyện trường thiên, mạch
tự sự tuyến tính được ngắt nhịp bằng độ dài thời gian kể chuyện; văn bản được
tổ chức thành chương hồi, tương ứng với từng sự kiện hay từng đoạn sự kiện được
kể.
Hai chục năm
cuối thế kỷ XX, dòng tự sự lịch sử này lại được thế hệ các nhà văn “sau cách
mạng văn hóa” tiếp tục với những tác phẩm về triều đại Thanh, cách mạng Tân Hợi
(1911) và Trung Hoa Dân Quốc, về các nhân vật lịch sử kiệt xuất trên bàn cờ
chính trị Trung Hoa thế kỷ XX.
Ở Việt Nam,
trứ tác lịch sử xuất hiện từ thời trung đại, quan trọng nhất là Đại
Việt sử ký toàn thư (1479), bộ thông sử chép theo lối biên niên, sẽ
trở thành nguồn cung cấp chất liệu cho sáng tác văn học và sân khấu về đề tài
lịch sử các thời đại về sau. Chỉ đến thế kỷ XVIII mới xuất hiện những truyện ký
lịch sử viết theo lối truyện chương hồi như Nam triều công nghiệp
diễn chí (1719), Hoàng Lê nhất thống chí, v.v… Ở
văn học Việt Nam thế kỷ XX, tiểu thuyết và truyện lịch sử, kịch lịch sử, trường
ca đề tài lịch sử… – là những thể loại khá phát triển, tuy không có những thành
tựu thật lớn.
Trích cuốn: 150 THUẬT NGỮ VĂN HỌC,
Lại Nguyên Ân biên soạn,
Nxb. Đại học
Quốc gia Hà Nội, in lần thứ ba,
No comments:
Post a Comment