.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, December 19, 2012

NHÀ VĂN HOÀNG MINH TƯỜNG: TIỂU THUYÊT LỊCH SỬ VÀ THÔNG ĐIỆP CỦA NHÀ VĂN


Nước, Đất nước, Tổ quốc Việt Nam Nam và Dân Việt, là phạm trù vĩnh cửu. Vậy ai là người đã sửa lời Bác? Hay chính Bác đã sửa lại lời dạy quân đội? Điều này, nếu các nhà sử học không làm rõ sẽ rất dễ bị các thế lực thù địch xuyên tạc, hạ thấp uy tín Bác.
Đã đến lúc chúng ta phải trả lại cho Lịch sử bản gốc chứ không phải bản sao, bản chế tác, dù có tinh xảo, tinh vi đến đâu chăng nữa... Và, phẩm chất cần có của nhà tiểu thuyết lịch sử là phải trung thực với lịch sử, trung thực với chính mình.
Nhà văn càng tài năng thì độ trung thực càng phải cao. Đó là bản lĩnh và lương tri của người viết.
Nhà văn Hoàng Minh Tường phát biểu tại Hội thảo

1. Nhà văn không thay thế được sử gia, nhưng có thể bù lấp những khoảng trống của lịch sử.
Lịch sửVăn học hiển nhiên là hai lĩnh vực khác nhau. Thời trước, sử thần, sử quan, sử gia là người của thể chế, của triều đại, chuyên chép việc của vua quan, của việc cai trị. Có một nguyên tắc: Sử quan chỉ trung thành với sự thật. Nhưng hiếm ai làm nổi như  anh em nhà Thái Sử Bá nước Tề:
 (Thôi Trữ chuyên quyền, giết cả vua, bắt sử công phải chép theo ý mình. Bá chép vào thẻ: Ngày Ất Hợi, tháng Năm, mùa Hạ, Thôi Trữ giết vua là Quang”. Trữ chém Bá, các em Bá là Trọng, Thúc, chép như anh, cũng bị chém. Quý là người em cuối cùng vẫn chép không thay đổi, bởi “chép đúng sự thật là chức phận của người làm sử, nếu trái chức phận mà sống, thì chẳng thà chết còn hơn”)
Các sử quan thời sau, càng hiếm người giữ trọn được thiên chức của mình như anh em nhà Thái Sử Bá. Bởi vậy hậu thế nước Việt đến giờ còn tranh cãi khi so sánh giữa chính sử và truyền thuyết dân gian về sự nhường ngôi của Dương Vân Nga cho Lê Hoàn, về vụ án Lệ Chi viên oan khiên thấu trời xanh…và hàng trăm sự kiện, nhân vật lịch sử khác. Có những khoảng trống, khoảng tối, khoảng mờ trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc là điều có thật.
Các nhà chép sử thời cận đại và hiện đại, còn ít có khả năng thực hiện sứ mạng của mình hơn nữa, vì bộ máy công quyền không cho phép họ nói khác với thể chế, nhất là các thể chế độc tài toàn trị. Hítle có cả một bộ máy khổng lồ tuyên truyền cho Chủ nghĩa Đức Quốc xã. Pinoche ở Tân lục địa cũng không kém cạnh gì. Và cha con Kimsungin - Kimsungun đã biến Bắc Triều Tiên thành cái hộp đen bí hiểm, đố thế giới nhìn thấy điều gì ở bên trong? Ở những thể chế này, câu nói của triết gia Ailen George Berkeley (1685-1753): “ Chân lý là tiếng kêu của mọi người, nhưng là trò chơi của một nhúm người” (Truth is the cry off all but the game of the few), đúng vậy thay.
Nhưng dẫu các nhà viết sử đúng hết, thì vẫn cần đến các nhà văn viết về đề tài lịch sử. Bởi văn học không chép lại lịch sử, mô phỏng lịch sử, mà nhà văn, bằng thiên tư của mình chiếu rọi vào lịch sử cái nhìn nhân văn làm cho lịch sử được tái tạo lại với một tầm vóc vũ trụ như nó vốn có.
Nhà văn có khả năng bù đắp một cách kỳ diệu những khoảng trống, những phần khuất lấp mà các sử gia còn sợ hãi, còn né tránh hoặc bỏ ngỏ. Giống như nhà khảo cổ, chỉ bằng những nền móng đổ nát, những mảnh vỡ của tầng văn hóa, có thể tái hiện lại cả một kinh thành, giống như nhà địa chất học, qua những mẩu hóa thạch có thể tái dựng lại những thế hệ khủng long tiền sử, những thế giới sinh học cách ta hàng triệu năm. Có rất nhiều dẫn chứng về các nhà tiểu thuyết lịch sử vĩ đại Đông Tây như Shakespear, Đíchken, Oantoscot, Banzac, Thaccơre, Victo Huygo, Lép Tolxtoi, AlechxanTolxtoi, Sôlôkhốp, Senskievich, La Quán Trung, Tào Tuyết Cần,  Zac London, Margarit Mitchell,… Và ở Việt Nam ta là Nguyễn Khoa Chiêm, Ngô gia Văn phái, Lan Khai, Vũ Triệu Luật, Nguyễn Huy Tưởng, Chu Thiên, Hoàng Yến, Hà Ân, Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Công Khanh, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Quang Thân vv… Nếu không có Senskievich, nhân loại làm sao hình dung được một Nêrô bạo chúa? Nếu không có Alechsan Tolxtoi, chân dung Pie Đại đế, vị vua nước Nga không thể Người và sống động như chính con người vĩ đại mà tàn nhẫn ấy.
Với văn học Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng, trước cả tiểu thuyết “Hoàng lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái gần trăm năm, tiểu thuyết “Nam triều công nghiệp diễn chí” hay còn có tên gọi là “Việt Nam khai quốc chí truyện” của Bảng trung Nguyễn Khoa Chiêm đáng được coi là cuốn tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đầu tiên đồ sộ và bao chứa nhiều sự kiện, nhiều chân dung nhân vật lịch sử trong khoảng thế kỷ XVI, XVII. Với hơn 600 trang, chia thành các chương hồi, cuốn tiểu thuyết đã tái hiện lại cuộc đi mở cõi phương Nam của chúa Tiên Nguyễn Hoàng và vùng đất quyết chiến chiến lược, cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh, mà hơn hai trăm năm sau, trớ trêu thay, lịch sử lại chọn lựa làm chiến tuyến khốc liệt… Qua cuốn tiểu thuyết này, với hàng trăm nhân vật lịch sử hai miền đàng trong đàng ngoài, với bao nhiêu sự kiện điển hình, chúng ta sẽ hình dung thấy cuộc mở cõi lần thứ ba, ( cuộc mở cõi lần thứ nhất có thể lấy mốc là sự kiện đổi người lấy đất của Huyễn Trân Công chúa vào năm 1306, biên giới phía nam Đại Việt tới Thuận Quảng; cuộc mở cõi lần hai là thời kỳ vua Lê Thánh tông chinh phạt Chiêm Thành năm 1471, mở rộng biên giới phía nam tới núi Đá Bia, Phú Yên), như là một định mệnh, một tất yếu của dân tộc, để rồi, đây là cuộc Nam tiến quyết liệt nhất, toàn diện nhất, vẽ trọn vẹn bức Đại Nam hà đồ vào cuối thế kỷ 17.
2. Tiểu thuyết lịch sử không thể là hư cấu lịch sử.
Toàn cảnh Hội thảo
G.Market có cực đoan quá không khi ông viết: “Một người viết tiểu thuyết có thể làm bất cứ gì anh ta muốn, miễn sao khiến độc giả tin là được”? Có lẽ G.Markets đang nói về tiểu thuyết hư cấu tiểu thuyết viễn tưởng. Câu này ông không dành cho các nhà văn, các kịch tác gia viết về đề tài lịch sử. Nhà văn viết về lịch sử có quyền hư cấu, tưởng tượng, thậm chí sáng tạo thêm các nhân vật, sự kiện (như trường hợp nhân vật Sử Văn Hoa của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trong tiểu thuyết “ Hồ Quý Ly”) để làm sáng tỏ lịch sử, soi rọi lịch sử, nhưng không thể bóp méo hay bịa tạc lịch sử một cách phi logic, theo ngẫu hứng của riêng mình. G. Market lại viết trong “Mùa thu của vị trưởng lão”: “Một tên độc tài đã nói: “Sự bịa đặt của ngày hôm nay, đến một lúc nào đó sẽ là sự thật trong tương lai”. Sẽ thật là nguy hiểm nếu xuyên tạc lịch sử, thêm bớt lịch sử, bóp méo lịch sử.
Nhân đây xin nói một câu chuyện ngoại đề, nhưng các nhà sử học và các tiểu thuyết gia lịch sử không thể bỏ qua. Đó là câu nói của Bác Hồ, mà hiện nay đang được dùng làm tiêu lệnh cho buổi phát thanh Quân đội Nhân dân, buổi phát hình QĐND trên Đài và Tivi: “ Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với Dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.” Tư liệu lịch sử của trường võ bị Trần Quốc Tuấn, sau là trường Sĩ quan lục quân 1 và nay là trường Đại học Trần Quốc Tuấn, viết rằng: Chủ nhật, ngày 26-5-1946, là ngày lễ khai giảng khóa 1 của trường. Hồ Chủ tịch và Chủ tịch Quân ủy hội Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Anh đến từ rất sớm. Tại lễ khai giảng, Bác Hồ đã tặng lá cờ thêu những chữ vàng: “TẶNG TRƯỜNG VÕ BỊ TRẦN QUỐC TUẤN- “ TRUNG VỚI NƯƠC, HIẾU VỚI DÂN- 1946”. Học viên Bùi Minh Tuấn, một chiến sỹ của Nam Bộ, thay mặt 288 học viên khóa 1 đã đón nhận lá cờ trước sự chứng kiến của Hiệu trưởng Hoàng Đạo Thúy, chính trị ủy viên Trần Tử Bình và các giáo viên, quan khách. Sau đó, Bác Hồ nói với thầy trò: “Trung với Nước, hiếu với Dân là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề, nhưng cũng là vinh dự của người chiến sỹ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta.”
Nước, Đất nước, Tổ quốc Việt Nam và Dân Việt, là phạm trù vĩnh cửu. Vậy ai là người đã sửa lời Bác? Hay chính Bác đã sửa lại lời dạy quân đội? Điều này, nếu các nhà sử học không làm rõ sẽ rất dễ bị các thế lực thù địch xuyên tạc, hạ thấp uy tín Bác. Đã đến lúc chúng ta phải trả lại cho Lịch sử bản gốc chứ không phải bản sao, bản chế tác, dù có tinh xảo, tinh vi đến đâu chăng nữa... Và, phẩm chất cần có của nhà tiểu thuyết lịch sử là phải trung thực với lịch sử, trung thực với chính mình. Nhà văn càng tài năng thì độ trung thực càng phải cao. Đó là bản lĩnh và lương tri của người viết.
Với tiểu thuyết hư cấu, tiểu thuyết viễn tưởng, nhà văn “có thể làm bất cứ gì anh ta muốn”, và đương nhiên người đọc dù khó tính bao nhiêu vẫn tin và cảm phục khi G. Macrket viết về người đàn bà đã sinh ra một đứa con có đuôi lợn, đứa con cuối cùng của dòng họ Buendia, trong tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”, người đọc cũng rất hứng thú và hồi hộp theo dõi những trang viết của Nukarami khi ông mô tả về tầng lớp sinh viên Nhật Bản những năm 1960, về cô gái có màn trinh dày đến mức nhiều người đàn ông không phá thủng nổi, cho đến khi bị phá thủng, thì lập tức cô trở thành một người khác và phải đi nằm viện…Thế nhưng khi đọc truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp viết về vua Quang Trung và mùi hoa sữa, khi đọc tiểu thuyết “Hội thề” Nguyễn Quang Thân viết về mối quan hệ giữa Thái Phúc và Ức Trai Nguyễn Trãi, thì hàng nghìn độc giả nhảy thách lên, đầy phẫn nộ…
 Người phẫn nộ và phản đối quyết liệt ‘Hội thề” nhất là nhà văn vừa quá cố Trần Hoài Dương. Đúng giờ ngọ mồng Một tết năm Tân Mão, 2011, tôi nhận được điện thoại của Trần Hoài Dương và ông nói xa xả gần tiếng đồng hồ. Ông trách tôi ở trong Ban sáng tác Hội nhà văn, trong ban sơ khảo cuộc thi tiểu thuyết 2008 -2011, mà sao lại trao giải nhất cho tiểu thuyết “ Hội thề” của Nguyễn Quang Thân. Ông nói đây là một tác phẩm xuyên tạc lịch sử, có tội với Ức Trai tiên sinh, hạ thấp nhân cách nhà văn hóa lớn Nguyễn Trãi...
Đọc kỹ lại “Hội thề”, tôi giật mình, thừa nhận Trần Hoài Dương có con mắt xanh của một nhà biên tập nghiêm cẩn, nhận ra sự lệch hướng của thi pháp tiểu thuyết trong “Hội thề”. Sai lầm của “Hội thề” bắt đầu từ khi tác giả hư cấu xây dựng nhân vật hàng tướng nhà Minh: Thái Phúc. Nguyễn Trãi chịu ơn Thái Phúc đã không hành hạ cha mình (Nguyễn Phi Khanh) khi bị giặc Minh giải lên ải Nam Quan. Rồi khi Thái Phúc bị quân Lam Sơn bắt, Nguyễn Trãi đã xin Lê Lợi tha cho y, dùng y dưới trướng, như một mưu sĩ ngoại giao. Câu nói “Tứ hải giai huynh ( lẽ ra phải là Tứ hải giai huynh đệ ),  mà tác giả “ Hội thề” gán vào miệng Nguyễn Trãi để cầu thân, tôn Thái Phúc là sư huynh, chính là gót chân Asin của tác phẩm, khiến Trần Hoài Dương cùng nhiều nhà văn và đông đảo bạn đọc không đồng tình. Tiếp đó là nét chấm phá về sự hào hoa, cao thượng của Tổng binh Vương Thông, tên cáo già xâm lược, với người thiếp Đông Quan (thực chất là gái bao), trước khi lui binh về nước, càng gây phản cảm, xoáy vào người đọc một lưỡi dao vô hình…
Có người cho rằng, Nguyễn Quang Thân viết vậy là có thâm ý muốn mượn xưa nói nay. Những “Thái Phúc và Vương Thông” hôm nay nhan nhản và  trịch thượng, xấc xược gấp mười lần xưa (!) .Nếu Ức Trai sống lại cũng phải khom lưng mà tôn bọn chúng là “ Giai huynh” (!)
Dẫu sao vẫn tiếc cho nhà văn Nguyễn Quang Thân. Giá như ở những chương cuối của tác phẩm, ông lược bỏ vài trang hư cấu về nhân vật Thái Phúc, thì thiên tiểu thuyết thực sự toàn bích, xứng đáng là tác phẩm hàng đầu của giải.
Nhân cuộc thi này, xin nói thêm về tiểu thuyết “Nguyễn Thị Lộ” của nhà văn Hà Văn Thùy. Ở cuộc họp phiên áp chót của Ban chung khảo, số phiếu của tiểu thuyết này rất cao, có khả năng xếp hàng trên của giải. Quả thực, đây là tác phẩm tái dựng lại vụ án Lệ Chi viên với cách viết cuốn hút, bút lực dồi dào. Tác giả có khả năng dẫn dụ và mê hoặc người đọc. Nhưng rồi bỗng có một ý kiến phản bác, rằng tiểu thuyết này đã nhục mạ, hạ thấp phẩm giá và nhân cách Lễ nghi Học sỹ Nguyễn Thị Lộ. Mặc dù đáng tuổi mẹ vua, (hơn vua trên hai mươi tuổi, khác hẳn người chị của thi sỹ Hoàng Cầm trong Lá Diêu Bông, chỉ hơn Hoàng Cầm 8 tuổi), lại là vợ quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi, công trạng và danh vọng, uy tín ngất trời, vậy mà nhân vật Nguyễn Thị Lộ hiện lên như một người đàn bà tràn trề nhục dục, ngay từ cuộc giáp mặt đầu tiên với vị vua 17 tuổi Lê Thái Tông đã tỏ ra là một người không đoan chính. Rồi tác giả đẩy dần lên, gán cho mối quan hệ của Nguyễn Thị Lộ và Lê Thái Tông thành một cuộc ngoại tình vụng trộm đầy sắc dục và bệnh hoạn. Điên rồ đến mức, khi Nguyễn Thị Lộ về Côn Sơn với Nguyễn Trãi, trước ngày Vua Lê Thái Tông ghé thăm, bà chủ động ly thân, chỉ tơ tưởng đến người tình - vị vua đàng điếm trẻ tuổi. Cái chết của Lê Thái Tông là do Nguyễn Thị Lộ chủ động, truy hoan cuồng loạn tới mức ông vua trẻ tuổi …không sao hạ mã được (!)
Thực ra luận điểm của tác giả tiểu thuyết “ Nguyễn Thị Lộ” không có gì mới. Tiểu thuyết của Trúc Khê Ngô Văn Triện về Nguyễn Trãi, xuất bản năm 1941, của Hoàng Hữu Đản… cũng khai thác theo dụng ý này. Đĩ hóa một nhân vật mà tài năng phẩm chất đã được Ức Trai thừa nhận, tác giả tiểu thuyết “ Nguyễn Thị Lộ” đã bắn một mũi tên mà giết hai nhân vật lịch sử và văn hóa lớn vào hàng bậc nhất nước Nam. Hóa ra Nguyễn Trãi bị cắm sừng từ lâu mà ông vẫn làm ngơ. Thương thay kẻ sỹ mọi thời(!)
Có một sai lầm nghiêm trọng trong việc tiếp cận nguồn sử liệu. Đó là tác giả Hà Văn Thùy chỉ dựa vào mấy dòng hạ bút của sử gia Ngô Sỹ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư”:
Trước đây, vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ nghi Học sỹ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền đông, xa giá về tới vườn Vải, xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng, các quan bí mật đưa về.” Rồi lời bàn này của Sử gia mới ác độc: “Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái tông yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư?”
 Ngô Sỹ Liên thì bị Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh, bị quyền lực khống chế, ép viết, còn nhà văn Hà Văn Thùy thì bị nhà sử học Ngô Sỹ Liên đánh lừa.(!)
Rất may là Ban chung khảo cuộc thi tiểu thuyết 2008-2011 đã có thiên nhãn, không đưa tiểu thuyết “Nguyễn Thị Lộ” vào giải.
Tiểu thuyết lịch sử không thể là hư cấu lịch sử. Thế nhưng nhà văn không có óc tưởng tượng, không có tài hư cấu trên những cứ liệu lịch sử, thì đừng nên và không thể viết tiểu thuyết lịch sử. Bởi khi đó, họ chỉ bóp méo, xuyên tạc lịch sử mà thôi.
3. Vùng cấm của tiểu thuyết lịch sử cận đại?
Nhiều người cho rằng, các nhà văn bây giờ thường né tránh đề tài đương đại để trốn vào lịch sử. Viết về những gai góc hiện thời, bị cắt bỏ, bị biên tập, thậm chí bị cấm phát hành, họ nản, mà viết nhạt nhẽo, vô hại thì độc giả quay lưng. Thôi thì viết về lịch sử là an toàn nhất. Có thể  các nhà văn đúng một phần. Mượn xưa nói nay, những gì mình không tiện nói thì nhờ người xưa nói giúp.
Có thể nghiệm ra điều này từ một nhà văn mà chúng ta quá quen biết, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Ông vốn là một nhà tiểu thuyết thế sự. Sau những lận đận thời kỳ hậu Nhân văn giai phẩm, ông vẫn trung thành với đề tài hiện đại. Tiểu thuyết “Miền hoang tưởng” phải ký dưới bút danh Đào Nguyễn và phải mang vào tận Nhà xuất bản Đà Nẵng, xa Trung ương, nhờ ông Giám đốc và những biên tập viên cứng bóng vía mới ra mắt bạn đọc được. Vậy mà sau khi sách in ra, cả Ban giám đốc NXB, cả tác giả đều lao đao một thời gian dài. Tiếp đó cuốn tiểu thuyết “Trư cuồng”, viết về các giáo sư tiến sỹ tôn lợn làm “minh chủ”. Nghiên cứu, phát minh, giảng dạy không cứu nổi nồi cơm, nhưng chỉ cần nuôi lợn là cứu cả gia đình. Thực tế buồn đau này, những năm 1980 diễn ra đại trà với đội ngũ nhà giáo, công chức. Nuôi lợn trong phòng ngủ, nuôi vẹt xanh, nuôi chó phốc là cứu cánh và công nghệ làm giàu của hàng vạn gia đình… Nhưng với nhà văn nuôi lợn trên giấy thì sao? Tiểu thuyết “Trư cuồng” đã báo hại nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hàng chục năm trời, cho đến bây giờ mới được xuất bản trên mạng. Suốt từ năm 1990, bản thảo gửi đi hàng chục nhà xuất bản, rồi đợi dài cổ, cuối cũng các NXB đều lắc đầu, bó tay. Đây là thời kỳ Nguyễn Xuân Khánh loay hoay chọn đường. Ông giã từ  dòng chảy nóng bỏng của đời sống, tìm cách “trốn” vào lịch sử. Và “Hồ Quý Ly” ra đời.
Tại sao Nguyễn Xuân Khánh chọn Hồ Quý Ly? Phải chăng vì ông quá yêu mến, kỳ vọng rồi quá đau đớn thất vọng ở nhà Trần. Một đời vua Trần Nghệ Tông mà để không dưới mười lần quân Chiêm Thành kéo ra Thăng Long. Có năm Chế Bồng Nga dong buồm ngược sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Hồng hai, ba  lần, vào đốt phá, cướp bóc, hãm hiếp Thăng Long như chỗ không người. Hiện tình đất nước như thế, nếu không có một Hồ Quý Ly thì sẽ có những Hồ Quý X, Hồ Quý Y, Hồ Quý Z. Thế sự nhất định phải diễn ra như thế. Nguyễn Xuân Khánh đã chọn Hồ Quý Ly để gửi gắm ý tưởng, tâm sự của nhà văn. Và bài học thất bại của Hồ Quý Ly chính là đáp số. Không cải cách thì vương triều sẽ sụp đổ. Nhưng cải cách mà không hợp lòng dân, không tập hợp được nhân tài… thì sẽ trả giá còn đau đớn hơn…  
Với tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trở thành nhà tiểu thuyết lịch sử hàng đầu, nhưng những vấn đề của tiểu thuyết hiện đại lại vắng đi một nhà văn tài năng, giàu khả năng phát hiện. Hiện tượng  các nhà văn ‘trốn” vào lịch sử này cần đặt lên trên bàn các nhà công quyền quản lý văn học nghệ thuật và hoạch định chính sách phát triển văn hóa. Lâu nay chúng ta vẫn nói một cách trơn tru rằng không có vùng cấm đối với văn nghệ sỹ, rằng chân trời sáng tạo mở ra không cùng. Hãy nhớ lại câu thơ não lòng mà kỳ tài của thi sỹ Trần Dần: “Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc những người bay không có chân trời”(!)

Nếu tôi là vua Tự Đức, chắc tôi cũng sẽ nọc thi hào Nguyến Du mà phạt mấy roi khi đọc đến những dòng thi hào viết về Từ Hải: “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.Tự Đức là vua của thể chế, ông làm vậy vì muốn bảo vệ vương quyền, bảo vệ chế độ. Khi ấy ông tự loại mình khỏi Tổ quốc, khỏi Nhân dân, khỏi sự phát triển của văn hóa Việt.
Không ít nhà quản lý văn hóa đương đại của chúng ta cũng trải qua những thời khắc ứng sử với văn nghệ sỹ giống như vua Tự Đức. Thành thực mà nói, khi ấy họ là người đại diện cho quyền lực, cho thể chế.     Để đến khi “ hết quan hoàn dân” lại day dứt, tự vấn lương tâm một cách chân thành và đầy thân phận của kẻ sỹ:
 “Còn tôi/ Trong cơn mưa lạnh cuối năm như vãi cát vào mặt/ Nhớ đến những thợ cày lực lưỡng đã đi xa/ Cúi xuống tờ giấy trắng trơ như cánh đồng sau vụ gặt/ Lòng quặn đau rằng đất không thể ở không/ Giấy phải làm ra chữ…” ( thơ Nguyễn Khoa Điềm).
Giấy phải làm ra chữ, nhưng chữ gì khi người viết cứ nơm nớp tự kiểm duyệt mình? Có nhà văn nào không tự vấn mình rằng, khi viết chúng ta đã tự hèn đi rất nhiều so với những điều chúng ta nghĩ? Đó là bi kịch có thật của các nhà văn theo đúng nghĩa của từ này. Nhiều cây bút đã chết khi chưa đi hết nghiệp văn. Nhà văn tài danh Nguyễn Minh Châu đã phải sớm viết lời ai điếu cho mình. Nhà văn lừng lẫy Nguyễn Khải đã  thở than não nùng trước khi nhắm mắt. Còn các nhà tiểu thuyết lịch sử, dẫu trốn vào quá khứ xa xăm thì anh vẫn không dấu nổi con người  hôm nay của mình.
Lịch sử là gì, nếu không phải là ngày hôm qua? Nhà văn viết về đề tài lịch sử, có may mắn được sáng tạo trong một nội hàm rất rộng. Họ có thể viết từ thời đại Hùng Vương hay xa hơn nữa, tới những năm tháng chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ.
Viết về những vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử đã được bạch hóa, được vinh danh, không quá dễ dàng, nhưng cũng không thuộc mảng đề tài hấp dẫn của nhiều nhà văn. Nhà tiểu thuyết lịch sử có bản lĩnh thường muốn nhúng bút vào những khoảng tối, vùng mờ của lịch sử, nhất là lịch sử cận đại. Nhiều tác gia văn học lớn của thế giới đều thành công khi viết về lịch sử của thời đại mình, nơi những sự kiện, nhân vật của mình vừa đi qua, thậm chí mình từng được sống chung, được trải nghiệm, được đối mặt. Có thể nói rằng, những thập kỷ sau Cách mạng văn hóa, các nhà văn và các nhà quản lý văn hóa của Trung Quốc đã  mở ra một thời kỳ “Văn học vết thương”, “ Văn học tranh minh” rất thành công với hàng loạt tác phẩm của Trương Hiền Lượng, Giả Bình Ao, Mạc Ngôn, Thiết Ngưng, Dư Hoa vv…
Xin nói đôi điều về nhà văn vừa được trao giải Nobel văn học năm 2012: Mạc Ngôn, ( người đồng nghiệp mà tôi phục tài, nhưng tôi lại kịch liệt phản đối khi ông viết “Ma chiến hữu”, nói về cuộc chiến tranh biên giới 1979, vu cáo Việt Nam xâm lược Trung Quốc) .
“Đàn hương hình”, cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về cuộc thực dân hóa ở vùng đông bắc Trung Quốc những năm đầu thế kỷ 20, với việc khai mở tuyến đường sắt Tế Nam – Thượng Hải, sự khiếp nhược, hèn nhát của vua quan triều đình Mãn Thanh và sự phản kháng của người nông dân vùng Cao Mật, quê hương tác giả. Đây thực sự là đỉnh cao văn chương của Mạc Ngôn. Thế nhưng tác phẩm này lại không nằm trong tầm ngắm của Hội đồng chấm giải Nobel, mà chính là bộ ba tác phẩm: “Cao lương đỏ”, “Báu vật của đời”, “Cây tỏi nổi giận”. Đây có thể coi là ba cuốn tiểu thuyết lịch sử đương đại. Mạc Ngôn viết về vùng quê Cao Mật của tác giả những năm từ sau cách mạng Tân Hợi, 1911 đến thời kỳ Trung Quốc mở cửa, 1990.
Kính thưa các vị quản lý xuất bản, các nhà quản lý tư tưởng văn hóa. Liệu một nhà văn Việt Nam viết một cuốn sách như “Báu vật của đời”,   hay “ Cây tỏi nổi giận”, “ Rừng xanh lá đỏ”, như của Mạc Ngôn, các vị có dám cho in không? Câu trả lời là KHÔNG. HOÀN TOÀN KHÔNG.
Đã có lần tôi và nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tác giả “ Mảnh đất lắm người nhiều ma” rất sáng giá, sau khi đọc “Đàn hương hình” “Báu vật của đời” đã nói với nhau rằng, “Đàn hương hình” thì nhà văn Việt Nam khó sánh. Đây là kiệt tác văn chương thực sự. Nhưng “Báu vật của đời” thì không có gì phải sợ hãi. Vấn đề là các nhà văn Việt Nam viết ra kiểu như thế, tầm cỡ như thế, liệu có được in không?
Người ta kể lại rằng, nhà văn dịch giả Trần Đình Hiến, sau khi dịch và cho in “ Báu vật của đời” – mà tên nguyên tác là “ Phong nhũ phì đồn “- Vú to mông lớn”, Trần Đình Hiến phải nghĩ ngợi suốt ba tháng trời mới ra được cái tên sách sao cho nhã nhặn, lịch thiệp mà vẫn giữ được tinh thần của tác phẩm. Vậy mà, mãi sau này, ông được một người học trò cỡ giáo sư cho biết rằng chính anh ta đã được lệnh cùng một nhóm chuyên gia tiếng Trung rà soát lại toàn bộ tác phẩm dịch, xem Trần Đình Hiến có “ bịa” ra câu nào, đoạn nào không? Sách “đen” như thế, sặc mùi chống cộng như thế  mà Ban văn hóa tư tưởng của ĐSC Trung Quốc lại để lọt lưới sao? Thế mới biết, bộ máy kiểm duyệt của nước CHND Trung Hoa anh em còn nương tay và rộng rãi với văn nghệ sỹ quá, họ “ngờ nghệch” hơn chúng ta rất nhiều(!) Họ để cho một loạt tác phẩm của Dư Hoa ( Phải sống, Huynh đệ), Trương Hiền Lượng ( Nửa đàn ông là đàn bà), Giả Bình Ao ( Phế đô) vv, công nhiên nói xầu cách mạng văn hóa, hạ bệ Mao… ào ạt ra mắt độc giả. Xin nói thêm rằng, nếu các vị đọc “ Rừng xanh là đỏ” ( nguyên văn là Hồng thụ lâm, tức rừng vẹt đỏ) các vị sẽ thấy Mạc Ngôn phản động đến mức nào? Ở tác phẩm này, Mạc Ngôn dùng bút pháp trào lộng, ngoa ngôn, bông phèng, sex, mô tả sự làm mưa làm gió của hệ thống quan lại miền biển Ngọc Trai , vùng Giang Nam, điển hình là Bí thư Khu ủy Tần, Thị trưởng Lam, giám đốc xí nghiệp ngọc trai Đại Hổ. Bí thư Tần thấy Lâm Lam, con gái bí thư huyện ủy dưới quyền xinh đẹp, có máu chính trị, ham hố, hãnh tiến, liền  hỏi cưới cho thằng Cường, con trai thiểu năng của mình. Nhưng rồi một đêm mưa bão, bí thư Tần đã chiếm đoạt Lâm Lam. Cuộc loạn luân này đẻ ra Đại Hổ, một đại công tử, một quái thai của thời đại. Và tập đoàn bộ ba này tác oai tác quái khắp vùng vẹt đỏ, loại cây tưởng xanh tươi vĩnh cửu, nhưng mùa đông lá đỏ ối rồi rụng, bốc mùi thối hoắc, tởm lợm. ( “Rừng vẹt đỏ” nằm trong bộ ba “ Cao lương đỏ, Củ cải đỏ, Rừng vẹt đỏ, làm nên văn hiệu Mạc Ngôn tam hồng).
Mạc Ngôn nhận giải Nobel vì ông là nhà văn của Nhân dân Trung Quốc. Đọc Mạc Ngôn thấy một đất nước bi thương triền miên suốt thế kỷ,  người nông dân trong “Báu vật của đời”, trong “Rừng xanh lá đỏ”, trong “Cây tỏi nổi giận” vẫn tiếp nối những Nhuận Thổ, AQ của Lỗ Tấn, có điều thời nay đến phép “thắng lợi tinh thần” vốn là cứu cánh của những người lao khổ, mà họ cũng không có được(!)
Cho nên vùng cấm của tiểu thuyết lịch sử đương đại có hay không, không thuộc về nhà văn. Nhiều người bảo tôi rằng, thời cuộc hôm nay là mảnh đất mỡ màu của tiểu thuyết.
Các nhà văn không viết được là do bất tài. Anh là nhà văn chuyên viết về nông thôn, hãy viết về Thái Bình năm 1994, về Nông trường Cờ Đỏ, Cần Thơ, về Tiên Lãng, Hải Phòng, về Văn Giang đi. Chắc chắn sẽ bằng hoặc hơn “ Cây tỏi nổi giận” của Mạc Ngôn. Tôi vái ba vái và nói rằng: Tui xin ông. Ông đừng súyt chó vào bụi dậm. Tiểu thuyết “ Thời của Thánh Thần” của tui bị bán chui hàng vạn bản, nhưng có ai bênh tui, trả cho tui một đồng cắc nào đâu. Tui đang học cách “trốn” đương đại của  nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Tui bắt đầu viết tiểu thuyết lịch sử.
Hà Nội, 2/9/2012
TP HCM, 30/11/2012
NHÀ VĂN HOÀNG MINH TƯỜNG

1 comment:

  1. Nước, Đất nước, Tổ quốc Việt Nam và Dân Việt, là phạm trù vĩnh cửu. Vậy ai là người đã sửa lời Bác? Hay chính Bác đã sửa lại lời dạy quân đội? Điều này, nếu các nhà sử học không làm rõ sẽ rất dễ bị các thế lực thù địch xuyên tạc, hạ thấp uy tín Bác. Đã đến lúc chúng ta phải trả lại cho Lịch sử bản gốc chứ không phải bản sao, bản chế tác, dù có tinh xảo, tinh vi đến đâu chăng nữa... Và, phẩm chất cần có của nhà tiểu thuyết lịch sử là phải trung thực với lịch sử, trung thực với chính mình. Nhà văn càng tài năng thì độ trung thực càng phải cao. Đó là bản lĩnh và lương tri của người viết.

    Hiện tôi đang làm gia sư dạy kèm cho các trung tâm gia sư tphcm

    ReplyDelete