.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, December 18, 2012

NHÀ VĂN VÀ NGHỀ VĂN – KHÁT VỌNG VỀ CÁI ĐẸP, LÒNG NHÂN ÁI, CẢM XÚC HUYỀN DIỆU, CÔNG SỨC VỀ CÂU CHỮ…


Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, kể từ đầu thế kỷ XX đến nay, số nhà văn trên hành trình sáng tạo có năng lực tư duy lý luận - phê bình, quan thiết đến việc tự mình viết ra, diễn giải những suy ngẫm tâm huyết về văn chương và lao động viết văn của bạn bè cùng giới và của mình, có thể nói là không nhiều.
Nhà văn Ma Văn Kháng, tranh vẽ của Nguyễn Xuân Hoàng

Nếu cần điểm qua những tác phẩm đáng kể trong đó, chúng ta có thể kể đến các nhà văn tiền bối thế hệ 1X, 2X: Thạch Lam (Theo giòng, 1941), Chế Lan Viên, tức Chàng Văn (Nói chuyện văn thơ, 1960), Tô Hoài (Một số kinh nghiệm viết văn của tôi, 1960), Nhất Linh (Viết và đọc tiểu thuyết, 1960), Nguyễn Đình Thi (Công việc của người viết tiểu thuyết, 1964), Nguyên Hồng (Những nhân vật ấy đã sống với tôi, 1978), Nguyễn Văn Bổng (Bên lề những trang sách, 1982), Xuân Diệu (Công việc làm thơ, 1984), Nguyễn Tuân (Chuyện nghề, 1986), Nguyễn Công Hoan (Với nghề văn, 2003).
Thế hệ các nhà văn 3X, 4X nối tiếp công việc nói trên, cho tới nay mới chỉ có: Nguyễn Minh Châu (Trang giấy trước đèn, 1994), Xuân Thiều (Tiếng nói cảm xúc, 1996), Phạm Tiến Duật (Vừa làm, vừa nghĩ, 2003 ) và bây giờ là Ma Văn Kháng (Phút giây huyền diệu, 2012).
Mấy năm qua, cộng tác với nhà xuất bản Văn học, biên soạn và ấn hành xê-ri sách Văn học Việt Nam thế kỷ XX/ Lý luận - Phê bình văn học, quyển V, từ tập 2 đến tập 14 (xuất bản từ 2004 đến 2010), chúng tôi có lưu ý đến mảng tác phẩm này của các nhà văn nói trên để tuyển chọn vào các tập của bộ sách, tương ứng với các giai đoạn văn học: nửa đầu thế kỷ XX; 1945 - 1975; 1975 - 2000. Đặc sắc và chỗ mạnh của các tác giả nói trên, với tư cách là những nhà văn sáng tác chuyên nghiệp, khi đề cập đến một số vấn đề cơ bản của lý luận - phê bình văn học, của nghề văn, của tâm lý học sáng tạo nghệ thuật … là ở chỗ: các ông - những bậc tài danh, từng trải và tâm huyết với nghề, có lối viết sinh động, nhuần nhị, dễ vào với người đọc, dù là người khó tính. Đó là những trang viết tiềm tàng chất lý luận tinh tế, không sách vở, được chưng cất từ thực tiễn quan sát và sống nhập thân cùng đời sống văn chương, từ những trải nghiệm thăng trầm trong nghề viết, từ sự chín muồi, lão thực của tư duy về văn chương nghệ thuật - một loại hình nghệ thuật siêu đẳng lấy chính ngôn ngữ của con người thuộc từng dân tộc, từng quốc gia làm chất liệu sáng tác.
Nhà văn Ma Văn Kháng khởi nghiệp văn xuôi từ truyện ngắn đầu tay “Phố cụt” (Văn nghệ số 136, ngày 3.3. 1961), đến nay, qua hơn nửa thế kỷ cầm bút, ông thành danh với một sự nghiệp văn chương đáng nể: hơn 200 truỵên ngắn, ngót 20 tiểu thuyết, 1 hồi ký - tự truyện. Là một cây bút sung sức, cần mẫn và “tốt số”, ông đã đoạt nhiều giải thưởng văn chương các cấp: báo chí chuyên ngành; các cuộc thi viết do bộ, ngành tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam; Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; Hội Văn học Nghệ thuật một số tỉnh, thành phố và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; đến giải thưởng văn học khu vực Đông Nam Á và giải thưởng quốc gia (giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh).
Một số tác phẩm đặc sắc của ông được chọn giảng dạy trong nhà trường phổ thông trung học cùng sự nghiệp văn chương của ông qua các chặng đường và trên từng thể loại văn xuôi đã là đối tượng nghiên cứu của các công trình chuyên luận, Luận văn Thạc sĩ, Luận án Tiến sĩ ở bậc Đại học và Sau Đại học.
Thật là một vinh hạnh, một điều “rất vui mừng, cảm động và biết ơn”, như chính nhà văn đã tường minh!
Trở lại nói về tập sách mà chúng ta đang cầm trên tay.
Thực ra, những ý tưởng manh nha cho nội dung cuốn sách đã được sớm hình thành từ những năm 80 thế kỷ trước.
Đó là những ý nghĩ về “chất thơ trong truyện ngắn”, khi ông vui lòng trả lời phỏng vấn của nhà phê bình Vương Trí Nhàn, sau đó được in vào tập Sổ tay truyện ngắn (của nhiều tác giả, Vương Trí Nhàn biên soạn 1980).
Đó là những tâm sự cởi mở của nhà văn khi ông trả lời phỏng vấn của Tạp chí Văn học xung quanh việc viết tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn (Tạp chí Văn học, số 5+6/ 1988).
Đó còn là tiểu luận do chính ông viết nhan đề “Ngẫu hứng và tự do sáng tạo” (Tạp chí Văn học, số 2/ 1989), bàn về cái điều ngày trước dịch là yên-sĩ-phi-lý-thuần (inspiration), ngày nay gọi là cảm hứng sáng tạo. Ông thú nhận rằng, công việc sáng tác của ông nhiều khi là một cơn ngẫu hứng và tự phát-một cơn tức hứng: “Bất chợt một cái gì đó lóe sáng, trở thành một hạt nhân, tỏ ra có năng lực giải tỏa và có khả năng phát triển, thế là nó tự tạo ra sức quy tụ, liên kết. Thế là rất tự nhiên, một cái gì đó ra đời”.
Cũng cần phải nói đến tập bản thảo vi tính khổ A4, 190 trang, được vợ ông cặm cụi đánh máy, do ông tập hợp 36 bài viết từ năm 1989 đến năm 2006 (đã in và chưa in) xoay quanh các chủ đề: tự do sáng tác; nghệ thuật viểt truyện ngắn và viết tiểu thuyết qua ý kiến của các nhà văn trong và ngoài nước và qua thực tiễn sáng tác của chính bản thân ông; về phê bình một số tác phẩm văn xuôi mà ông được đọc và phác họa chân dung một vài văn nghệ sĩ ông hân hạnh quen biết. Tập bản thảo quý này, năm 2006 ông mới chỉ cho một số bạn bè thân cận đọc xem trước, đề nghị họ góp ý kiến nhằm hoàn chỉnh bản thảo. Ông tạm đặt tên bản thảo này là Sống rồi mới viết, tiểu luận và bút ký văn học. 
Đến nay, sau hơn 30 năm làm quen với tiểu luận văn học và bền bỉ gắn bó với nó, song song với bề dày của thành tựu sáng tác, lần này nhà văn Ma Văn Kháng lại cống hiến cho người đọc một áng văn đặc sắc.
Đó là tập tiểu luận và bút ký về nghề văn, như ông đã tự xác định nó về mặt thể tài.Tập sách đã là một sự bổ sung cần thiết, một ghi chú bên lề những trang sáng tác của ông, đáp ứng sự chờ đợi của đông đảo bạn đọc.
Nếu như ở tuổi ngoài 70, Ma Văn Kháng cho in tập Hồi ký - tự truyện Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương, trong đó ông ít nhiều đã tham khảo cách viết tự truyện của J.J.Rútxô trong Những lời bộc bạch (1782- 1789) và hồi ký văn học của các nhà văn đàn anh nước ta xuất bản trước đó, đặng kịp thời ghi lại một cách trung thực qua hồi ức về cả chặng đường dài kể từ lúc ấp ủ nuôi mộng viết văn, với may mắn có được chút xíu năng khiếu Trời cho. Qua các giai đoạn chìm nổi của cuộc đời nơi thị thành, miền núi, miền xuôi, ông đã có được kha khá tác phẩm cùng hoạt động văn chương, báo chí, xuất bản có ích cho xã hội, được bạn đọc chú ý. Đan xen và rải rác trong thiên hồi ký - tự truyện này cũng đã xuất hiện những trang suy nghĩ về nghề văn qua quan sát đồng nghiệp và tự nghiệm nơi mình. Đó có thể xem là những bài học nằm lòng, đánh đổi bằng sự dấn thân quyết liệt với sứ mệnh cầm bút, để không bao giờ từ bỏ cái mục đích thánh thiện và cao quý của mình, của công việc cùng là sự hoàn thiện nghệ thuật văn xuôi.
Thì nay, với tập tiểu luận và bút ký riêng cho nghề văn này, cái Tôi của nhà văn chuyên nghiệp Ma Văn Kháng lại hiện ra với những lời bình giải, đúc kết khiêm cung mà thâm trầm, bằng tất cả sự thấm thía của kinh lịch và từng trải, đối với công việc nhọc nhằn, khổ ải như sáng tạo văn chương. Ông cũng thiết tha bày tỏ về niềm đam mê và sức mạnh siêu thường nơi văn nghệ sĩ chân chính; lòng tin về một xã hội lành mạnh với những bạn nghề thân thiết, chia sẻ mọi nỗi buồn vui, với các lớp công chúng tiếp nhận và giới phê bình chuyên nghiệp được xem như những người bạn đồng hành, tri âm, tri kỷ.
Tiểu luận và bút ký về nghề văn của Ma Văn Kháng

Cuốn sách quả là một dụng công nghệ thuật với 2 phần nội dung có liên quan chặt chẽ với nhau.

Phần đầu gồm 12 tiểu luận(*), nhà văn chú mục đề cập tới những khía cạnh căn cốt, then chốt có tính nguyên lý về bản chất sáng tạo, thẩm mỹ và ý nghĩa xã hội, nhân sinh của văn chương nghệ thuật đích thực. Bằng tư duy lý luận minh triết, sự cảm thụ tế vi, lão thực, với cách diễn đạt sinh động, hóm hỉnh, điểm xuyết những câu chuyện kể và ví dụ có thực trong đội ngũ nhà văn và đời sống văn chương nước nhà, Ma Văn Kháng cứ từng trang, từng trang nhỏ nhẹ tâm tình những thu hoạch gan ruột, kết tinh của đời văn và số phận các tác phẩm của ông từ lúc thai nghén sinh thành, ra đời, rồi đến được với công chúng.
Ông đinh ninh rằng, nhà văn cần luôn luôn nuôi dưỡng khát vọng thức nhận tường minh cái Đẹp tồn tại trong thiên nhiên và đời sống xã hội, sự chăm lo hoàn thiện nhân cách của người đương thời để rồi tìm cách diễn đạt chân xác quá trình con người nỗ lực vươn tới một cách sống tốt hơn, chứ không phải chỉ nhăm nhăm làm sao cho sống sướng hơn một cách tự kỷ. Khát vọng đó cần luôn thường trực, không bao giờ vơi cạn, suy giảm; nó chính là ngọn lửa từ trái tim chan chứa tình đời, tình người của nhà văn, đủ nhiệt năng thắp sáng, truyền đi và lan tỏa tới hàng triệu trái tim và khối óc của người đọc muôn nơi.
Ở Nga trước đây, thi hào V. Maiakôpxki từng so sánh viêc làm thơ với việc luyện radium và ông viết: “Phải phí tổn muôn ngàn cân quặng chữ/ Mới thu về một chữ mà thôi”. Ở ta, 50 năm trước, một vị lãnh đạo, khi nói chuyện với văn nghệ sĩ, đã nhắc nhở nhà văn không thể cầm bút viết văn chỉ với 2.000 từ mà thôi và nhà văn cũng không thể viết những câu ngô nghê về lời của đứa bé còn đang ẵm ngửa trên tay mẹ, chẳng hạn: “Mẹ ơi mẹ, con đề nghị mẹ cho con bú!”.
Gần đây nếu như có nhà thơ đã tự nhận mình là “phu chữ” trong khi tạo tác thi phẩm; thì Ma Văn Kháng cho rằng tài năng vô song của người viết văn xuôi (cũng như nhà văn nói chung) trước hết là ở chỗ anh ta biết cách sống hòa mình, nhập cuộc với đời sống ở tất cả các cung bậc của cảm hứng, cảm xúc, ý nghĩ lớn nhỏ. “Sống đã rồi mới viết!”. Và nhà văn phải là người giàu có, triệu phú về chữ nghĩa, anh ta phải tìm cách thổi hồn vào những con chữ. Con chữ bình thường trong tay nhà văn sử dụng như có phép thần, mở ra một khả năng vô bờ trong miêu tả, biểu hiện, kể chuyện theo một giọng điệu và thần thái riêng của một cá tính sáng tạo độc đáo, soi rọi vào những cảnh đời đa đoan, ngẫu sự muôn một, vào những hạng người đa tạp của thế giới thập loại chúng sinh.Với ông, tác phẩm của nhà văn phải đặt ra hoặc gợi mở những vấn đề có ý nghĩa xã hội, nhân sinh sâu sắc, mới mẻ, không phải lúc nào cũng thuận chiều mà có khi chứa đựng những nghịch lý, những bất ngờ, đảo chiều hoặc bẽ bàng khôn xiết! Chỉ những nhà văn không tự thị, cao đạo, mới có thể luôn tự tin, khiêm tốn, xem mình chỉ như là người học trò nhỏ bé của Trường Đời vĩ đại. Chính dòng chảy cuộc sống với diễn tiến tự nhiên và theo quy luật vận hành của nó mới là người Thày hiền minh nhất, dạy nhà văn sáng mắt sáng lòng hơn khi cầm bút.
Trong các tiểu luận của mình, Ma Văn Kháng nhiều lần nhấn mạnh về lao động công phu, nghiêm nhặt, cần mẫn của nhà văn cả trong tư duy và cách viết, để tác phẩm là một sáng tạo mới, hoàn chỉnh, tận thiện, tận mỹ, vừa về tư tưởng thẩm mỹ, vừa trong nghệ thuật biểu hiện. Nếu chỉ ỷ vào tài năng thiên bẩm mà không chịu bồi dưỡng, chăm sóc cho cái mầm tài năng đó phát triển, nảy nở, thăng hoa - thì cái vốn qúy ban đầu kia chẳng chóng thì chày sẽ cạn kiệt, lụi tàn, khô héo.
Trên những sở cứ dẫn chứng có sức thuyết phục, Ma Văn Kháng đã làm rõ việc nhà văn cần luôn học miệt mài, mê mải ở 3 loại Trường: Trường đời (đã nói ở trên), Trường kiến văn và Trường nghề. Nếu nhà văn biết đặt mình tiếp cận và liên thông với cội nguồn kiến thức văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc mình và tinh hoa tri thức của nhân loại; luôn chăm lo giữ gìn vị thế và uy tín của tên tuổi bằng cách không ngừng rèn luyện thành thục tay nghề và đổi mới kỹ năng nghề nghiệp, thì anh ta có thể tạo tác nên những tác phẩm mới mẻ, hay, đẹp, hấp dẫn, để đời. Nhà văn - người sáng tạo ra cái mới, cái chưa có trước đó, có thể so sánh với Hóa công, Tạo hóa, Ông Trời. Ông Trời - nhà văn ấy, trước hết phải có cái tài của một bậc Thày xuất chúng về nghề nghiệp, một đại sư trên lãnh địa ngôn ngữ nghệ thuật của thể loại mà mình sở trường. Nhà văn phải biết sử dụng ngôn ngữ tài tình, kiến tạo những kết cấu nghệ thuật hài hòa, đẹp đẽ - như cách nói ngày nay là để tác phẩm trở thành một diễn ngôn nghệ thuật mới mẻ, độc đáo, một thông điệp nghệ thuật hấp dấn, đến được với công chúng, làm tổ trong cõi lòng họ.
Đồng thời Ma Văn Kháng không hề xem nhẹ mà luôn đề cao vai trò của phê bình, của công chúng văn học. Ông xem rằng, tác phẩm khởi thủy tồn tại trong dạng vẻ một văn bản chữ nghĩa, một thông điệp thẩm mỹ, tiềm ẩn những nội dung biểu đạt sâu sắc, mời gọi nhà phê bình, người đọc tiếp cận và thấu hiểu. Đến lượt mình, nhà phê bình, người đọc- với tư cách là người bạn đồng hành, bạn tâm giao, tri âm tri kỷ của nhà văn, chứ không phải là kẻ ăn theo sáng tác. Họ cũng phải huy động tối đa năng lực đọc hiểu của mình (kiến thức, văn hóa, sự nếm trải cuộc sống và am tường những uẩn tàng khúc nhôi của đời người …) để đón nhận tác phẩm một cách không thiên kiến, hẹp hòi, đố kỵ. Phê bình không thể là cái roi tự phụ, áp đặt dạy khôn người khác, mà cần phải là một trí tuệ hiền minh với tâm thế rộng mở, sẵn sàng đối thoại bình đẳng dân chủ, đặng làm phát lộ chân xác ý nghĩa khách quan từ nội dung văn bản tác phẩm, những tìm tòi, thể nghiệm nghệ thuật khổ công của nhà văn, khiến văn bản tác phẩm từ chỗ chỉ là vật tự nó, trở thành tác phẩm - vật sở hữu cho ta, dưới góc nhìn tư tưởng - thẩm mỹ của người đọc. Nhà phê bình cần nhận ra văn chương là lĩnh vực của sự sáng tạo thiêng liêng, chứa đựng những bí ẩn kỳ diệu. Trong bối cảnh xã hội vận hành theo cơ chế thị trường hiện nay, nhà văn sáng tác không thể chỉ vụ đồng tiền nhuận bút nhiều ít, vụ vào hư danh nhất thời mà nhằm theo đuổi một khát vọng về cái Đẹp, “tạo nên một chế phẩm văn chương hoàn thiện, lộng lẫy, nguy nga”, ở đó có sự “toàn thiện, toàn mỹ trong cơ cấu, trong chủ đề, trong ngôn ngữ” tác phẩm.
Là một người thấm nhuần và coi trọng các lý thuyết văn học (Ma Văn Kháng đã có 3 năm ngồi ghế sinh viên Văn khoa, Đại học Sư phạm Hà Nội; ông tốt nghiệp với bằng cử nhân Văn khoa chính quy loại ưu), tuy nhiên ông không hề cả tin mà luôn kiểm chứng, đào sâu các lý thuyết văn học được học tập và giảng dạy ở nhà trường trong sự cọ sát với đời sống văn chương, học thuật nước nhà hôm nay, với đặc thù lao động viết văn ở xã hội ta cùng những giới hạn chưa dễ vượt qua của năng lực thẩm mỹ ít nhiều còn đơn sắc, nệ thực của không ít công chúng. Qua diễn giải của Ma Văn Kháng, các vấn đề cốt tử thuộc nguyên lý văn chương không còn là những lý thuyết nhập ngoại, khô cứng, áp đặt mà trở nên sinh động, gần gũi lạ thường, sát hợp với thực tiễn đời sống văn nghệ đất nước . Đọc những trang tiểu luận của Ma Văn Kháng ta như bị hút vào lôgic và sự triển khai lập luận mềm mại, dẫn chứng đắt giá của ông, không thể không đồng tình với ông. Nhà văn đã dần dà chinh phục chúng ta tự lúc nào không hay và ta hân hoan được chia sẻ những ý tưởng đã được ông biện giải rành rọt, thấu đáo.
Phần thứ hai, cũng là đặc sắc nữa của tập sách, gồm 6 bút ký, ghi lại những suy nghĩ, trăn trở của Ma Văn Kháng xung quanh 2 thể tài văn xuôi chủ yếu: truyện ngắn và tiểu thuyết.
Từ thực tiễn của hơn nửa thế kỷ sáng tác văn xuôi, từ sự tiếp thu chọn lọc và phản biện những lý thuyết về thể loại tác phẩm văn học của nước ngoài đã được dịch và giới thiệu ở ta, dưới ngòi bút của Ma Văn Kháng, ta không nên xem đấy là những bài viết mẫu mực về lý thuyết thể loại hoặc những kinh nghiệm sáng tác tiêu biểu được lập trình hóa, nhằm dạy dỗ ai đó hoặc làm cẩm nang cho những cây bút văn xuôi mới vào nghề.
Không! Đây đơn giản chỉ là những thu hoạch lý thuyết từ một cá thể nhà văn nồng nhiệt, nhằm đối thoại với các lý thuyết phương Tây bằng trải nghiệm thực tiễn Việt Nam, cùng là những “bật mí” riêng tư về công việc bếp núc văn chương trên những sáng tác cụ thể của mình mà ông tâm đắc hoặc chúng đã được dư luận chú ý bình luận.
Ma Văn Kháng không ngại ngần bộc trực cái “tạng” và cá tính nghệ thuật của mình, dù ông biết chắc theo đấy sẽ có thể có người ngộ nhận rằng đó chính là giới hạn của ngòi bút ông. Nhà văn viết: “Tôi chỉ viết được những gì mình đã trải nghiệm và mỗi cuốn văn xuôi tự sự dài đều có một phần của đời tôi”, rồi nhấn mạnh một lần nữa “Không trải qua thì không viết được”. Và một trong những đặc điểm thuộc tính tư tưởng - thẩm mỹ trong văn chương của ông là “yêu cái Đẹp hiện ra trong cái vẻ bi tráng của nó”. Nói một cách khác, một trong những định hướng cảm hứng chủ đạo sáng tác của ông là thể hiện cái bi tráng, bi hùng của cuộc sống, ẩn chứa trong các sự kiện lớn lao của dân tộc, của cách mạng, trong những con người mới, tích cực, anh hùng xả thân vì sự nghiệp, chấp nhận sự hy sinh, tổn thất nặng nề.
 Đọc Ma Văn Kháng ta thấy ông là cây bút gây ấn tượng sâu sắc, bởi mỗi tác phẩm của ông là những chí thú về tượng trưng, ẩn dụ nghệ thuật, những luận đề quan thiết đến cuộc sống và con người cõi trần thế, mà nếu thiếu đi, cuộc sống sẽ nghèo nàn, vô nghĩa, con người sẽ trở nên nhạt nhẽo, tầm thường, thô kệch biết bao!
Nói như vậy không có nghĩa là nhà văn nệ thực, giảm đi sự lãng mạn bay bổng với những sáng tạo kỳ diệu hoặc làm ngơ trước những cái xấu, cái Ác, sự bất toàn, vô nghĩa lý trong cuộc đời.
Điều đó, theo tôi, chỉ có nghĩa rằng căn cốt sáng tác của ông bắt nguồn sâu thẳm cội rễ từ đời sống hiện sinh của con người xã hội với sự phồn tạp muôn vẻ của bản tính tốt/ xấu, thiện / ác … nơi thế tục. Từ cái gốc đó, qua sự nhào nặn, qua lò luyện của chủ thể nhà văn, cuối cùng ở đầu ra của quá trình sáng tác là một sinh thể tác phẩm mới. Ở đó, những mảnh của cuộc sống và những hình mẫu con người đã là sản phẩm của năng lực hư cấu, tổng hợp, tiên nghiệm. Chúng được tái tạo, hiện diện qua lăng kính góc nhìn riêng với quan niệm thẩm mỹ - nghệ thuật của chính ông - một nhà nhân văn chủ nghĩa, có tấm lòng và trái tim thương đời, rộng mở, đồng cảm, thao thiết bênh vực những con người tài hoa, nhan sắc mà số phận bất hạnh, không suôn sẻ, không được như đa phần chúng sinh. Nhà văn không giấu niềm thán phục, chia sẻ với những con người anh hùng, trung thực, dũng cảm, dám xả thân vì nghĩa lớn, vì lý tưởng cao đẹp, dù họ có khi phải chịu cô đơn “một mình một ngựa”, thậm chí hy sinh cả tính mạng quý báu. Ông không ám chỉ ai, không ngơi nghỉ tiếp truyền cho chúng ta niềm căm giận sự bất công, dũng khí phê phán, ý chí tiêu diệt những thế lực đen tối, cái Ác, cái Bỉ tiện xấu xa đang làm tha hóa đời sống, hủy hoại cái Đẹp, cái Tốt, làm thui chột năng lực sinh tồn mà chúng ta hằng nâng niu, vun đắp không mệt mỏi.
Ở mảng bài viết này, một điều cũng dễ nhận thấy là sự cầu toàn đáng trọng của ông trong nghệ thuật.Theo ông, trong khi viết, nhà văn không chỉ quan tâm khắc họa hình tượng, tư tưởng - nghệ thuật cao đẹp, hiền minh, tức những cái được biểu hiện, mà nhà văn cũng phải luôn chăm chút cho cái biểu hiện nghệ thuật: ở sự cần tốn nhiều công sức cho câu chữ; duy trì và tạo nhịp điệu cho tác phẩm đủ sức ngân vang lâu dài trong lòng người đọc; ở thủ pháp dựng bố cục truyện, lối kể và cách tả (ngoại hình, nội tâm, đối thoại, thiên nhiên, bối cảnh xã hội, môi trường sống…), tìm tòi cách mở đầu, triển khai cốt truyện và kết thúc truyện; chọn giọng điệu phù hợp với người kể chuyện và từng nhân vật… Tóm lại là những phương diện nghệ thuật của văn phẩm mà theo ông, đó không chỉ đơn thuần là yếu tố hình thức; ngược lại nó là những thành tố hình thức chứa đựng nội dung, được nội dung hóa, buộc nhà văn không thể xem thường, sao lãng. Tác phẩm văn chương đích thực, xét đến cùng là một đơn vị nghệ thuật hoàn chỉnh, một phức thể vẹn toàn, “là kết tinh của bao say sưa mê mải, không thể tính đếm được”. Chúng phải in dấu ấn đậm nét của bản lĩnh nghệ thuật độc đáo và cá tính sáng tạo vô song của nhà văn, để không lẫn với tác phẩm của người khác, để người đọc nhận ra mình giữa đông đảo các cây bút trong thiên hạ.
Vui mừng trước ấn phẩm mới, đặc sắc, cho thấy thêm một vỉa năng lực mới dồi dào của Ma Văn Kháng, tôi trân trọng viết những dòng này, chia sẻ cùng nhà văn tài danh, thân thiết, được bao người mến mộ, tâm phục, khẩu phục.
Hà Nội, tháng 11 năm 2012
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện
-----------------------------------
(*) Chùm tiểu luận này, trước khi in vào sách, vào nửa cuối năm nay Ma Văn Kháng đã lần lượt cho công bố trên: Văn nghệ quân đội, Nghệ thuật mới, Tạp chí Lý luận, phê bình Văn học - Nghệ thuật và báo Văn nghệ.
Đọc Phút giây huyền diệu - Tiểu luận và bút ký về nghề văn của Ma Văn Kháng, Nxb Hội Nhà văn, H., 2012, 320tr.

No comments:

Post a Comment