.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, December 15, 2012

NHÀ VĂN LÊ VĂN THẢO: TÔI TIN VÀO CÁC NHÀ VĂN TRẺ


VĂN NGHỆ - Nhà văn Lê Văn Thảo đã có nửa thế kỷ hoạt động văn học, được trao Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Ông cũng từng giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Kinh nghiệm viết văn và công tác Hội của ông là một “tài sản” đáng quý, nhất là nhìn nhận về sự nối tiếp các thế hệ: “Nền văn học nào cũng là một quá trình, có người đi trước có người đi sau. Ta không thể tự dưng viết văn nếu không đọc những người đi trước”. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, Văn Nghệ đã có cuộc trò chuyện với ông
Nhà văn Lê Văn Thảo
* Thưa nhà văn, ở thời điểm kỷ niệm 55 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, ông có cảm xúc đặc biệt gì không? Ông còn nhớ hoàn cảnh lúc mình được kết nạp vào Hội?
- Sau năm 1975, các nhà văn ở Hội Văn nghệ giải phóng trong chiến khu miền Nam, một số là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, số còn lại được anh Nguyễn Đình Thi, lúc đó là Tổng thư ký Hội, làm buổi lễ gọi là “công nhận hội viên”, trên tinh thần hợp nhứt hai miền Nam Bắc. Thật ra chỉ là vấn đề thủ tục thôi, bởi nhiều năm trong chiến khu chúng tôi vẫn nghĩ mình là hội viên, là nhà văn Việt Nam. Nam Bắc chỉ là đối sách bên ngoài. Có điều lạ, tôi đi kháng chiến 13 năm trong chiến khu, hòa bình tới giờ đã 37 năm, gấp ba lần số ấy. Vậy mà tôi vẫn nhớ nhiều về những năm ở trong rừng, vẫn tự coi mình là “nhà văn chống Mỹ”. Thời gian khổ bao giờ cũng dài lâu hơn, ghi dấu ấn đậm nét hơn.

* Vâng, mỗi đời văn đều có những dấu ấn đẹp không thể quên, nhất là trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Hội Nhà văn Việt Nam có một vị trí ra sao trong tâm khảm và hành trình văn chương của ông?
- Công việc viết văn là của từng người, hoàn toàn độc lập, riêng tư. Có câu ví von rất hay: mỗi nhà văn là một Hội. Hội không giống các cơ quan công quyền khác, mà có lẽ giống câu lạc bộ hơn, nơi hội viên gặp gỡ trao đổi về nghề nghiệp, động viên nhau sáng tác. Tôi có thời gian dài đi kháng chiến, những năm công tác trong quân đội, đời sống tập thể, đồng đội gắn bó đối với tôi rất quí giá. Tôi coi các nhà văn trong Hội cũng là đồng đội. Tôi nghĩ không có Hội, có những trại sáng tác, những buổi hội thảo, tôi khó có dịp gặp gỡ chuyện trò với anh em. Hội đối với chúng ta, cần thiết như một ngôi nhà chung.

* Từng là một trong những nhà lãnh đạo của Hội, ông quý trọng những nhà văn đi trước nào có công xây dựng và phát triển Hội?
- Nền văn học nào cũng là một quá trình, có người đi trước có người đi sau. Ta không thể tự dưng viết văn nếu không đọc những người đi trước. Từ tuổi thiếu niên tôi đã đọc Xóm giếng ngày xưa, sau này tôi có dịp cùng đi công tác với anh Tô Hoài. Không ngờ đời tôi có được diễm phúc như vậy. Dịp nào ra Hải Phòng tôi đều ghé lại bến Sáu Kho, nhìn ngắm nơi chốn của nhân vật “Bật Câu Cỏm” trong Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, tác phẩm đã in đậm trong ký ức tuổi thơ tôi. Một lần ngồi uống rượu với anh Nguyễn Tuân, bất ngờ ông cho biết, ông là chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam. Nghe vậy tôi thấy xúc động tràn trề. Tôi đang ngồi sát bên ông, nhưng giữa tôi và ông là cả một quãng dài đời sống văn học. Thời ông làm chủ tịch, một câu văn tôi còn chưa viết được. Đời sống văn học có những giây phút quí giá như vậy.

* Đó cũng là những bất ngờ thú vị, những tài sản vô giá của riêng thế giới văn chương. Tuy vậy, không ít ý kiến cho rằng, thời của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Tú Xương,… không có Hội Nhà văn mà các vị ấy viết vẫn hay. Ông suy nghĩ gì về điều này?
- Là nói cho vui vậy thôi, thời nào có việc của thời ấy. Có lẽ thời ấy người ít, công việc cũng đơn giản, chưa cần thiết phải thành lập Hội. Ví như trong việc xài tiền. Thời ấy tiền bạc chỉ trao tay, còn bây giờ không có ngân hàng thì anh làm sao? Nhưng tựu trung, như đã nói, Hội chỉ là một “ngôi nhà chung”, công việc viết văn vẫn là nỗ lực của từng người. Hay dở cũng của từng người.

* Những gì ông đã trải qua trên con đường viết văn và công tác Hội thật phong phú hiếm có. Đâu là kinh nghiệm của ông trong việc tập hợp và phát triển hội viên?
- Phát triển hội viên phải tự nguyện, như tiêu chí của Hội, không thể khác được. Đây là Hội quần chúng, không nên có sự gợi ý nào. Hội viên thấy có quyền lợi, vinh dự thì vào. Không phải quyền lợi vật chất, tiền tài trợ, đải ngộ không đáng là bao. Vào Hội để có điều kiện anh em gặp gỡ, trao đổi động viên nhau sáng tác. Và vinh dự mang tên hội viên một Hội có truyền thống, bề dày sáng tác. Nhứt là đối với các nhà văn trẻ. Gần đây tôi thấy tỉ lệ các nhà văn trẻ vào Hội rất ít, đó là điều đáng tiếc. Công tác Hội cần phải quan tâm tới điều này. Những nhà văn thế hệ chúng tôi hay dở gì cũng qua một thời rồi. Nền văn học Việt Nam trước mắt là của các nhà văn trẻ, không thể khác được.

* Tình trạng “chạy” kết nạp vào Hội hoặc “chạy” giải thưởng của Hội đã từng bị dư luận lên tiếng. Thời ông còn làm lãnh đạo Hội, hỏi thực có ai “chạy” nhờ ông không? Và làm sao ngăn chặn được điều này?
- Chuyện giải thưởng và kết nạp hội viên hoàn toàn khác nhau. Về giải thưởng, nhiều năm tôi ở trong ban chấm giải, tôi không thấy có ai “chạy” chỗ nào. Dĩ nhiên giải thưởng nào cũng có điều tiếng này kia. Giải thưởng nào cũng là sự thẩm định của một ban chấm giải, và trong một thời điểm nhứt định, không thể chính xác trăm phần trăm được. Chính xác nhứt là sự thẩm định của thời gian và công chúng bạn đọc.
Về chuyện kết nạp hội viên, ngoài chất lượng còn tính đến phong trào, vùng miền, và nhiều chuyện dây dưa khác, việc kết nạp đôi khi có chuyện châm chước này nọ. Hội viên không phải là cái “mác”, ai nghĩ hội viên là một danh hiệu “sang trọng” là hoàn toàn sai. Nhiều người vì điều kiện này nọ, không sinh hoạt trong Hội, nhưng vẫn sáng tác bền bỉ, được nhiều người biết tiếng và tôn trọng, họ cũng là nhà văn đó chớ.

* So với khu vực phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, thì thời gian gần đây những ứng viên của phía Nam, nhất là miền Tây Nam Bộ, có số lượng kết nạp vào Hội quá ít. Ông có thể lý giải vì sao?
- Văn học nghệ thuật gắn liền với sự “an cư”. Nam Bộ là đất mới, thuở sĩ phu Bắc hà ngồi thảnh thơi thả thơ chơi chữ, người dân Nam Bộ còn đang tay cuốc tay phảng khẩn đất khai hoang. Lực lượng mỏng là tất nhiên. Tất cả do lịch sử để lại, không có gì phải nôn nóng. Tôi biết hội viên nhà văn của 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay cũng chỉ bằng tỉnh Khánh Hoà. Tuy nhiên hội viên được kết nạp hằng năm ở miền Nam, so với dân số là ít, nhưng so với hội viên hiện có lại không ít, nhiều là đằng khác. Theo tôi biết, trong việc kết nạp hội viên mới, Ban Chấp hành Hội các nhiệm kỳ đều có chiếu cố đến miền Nam.

* Hoàn cảnh xã hội và đất nước đang thay đổi từng ngày, bằng sự trải nghiệm đời văn của mình, ông hãy thử hình dung diện mạo của nền văn học lẫn Hội Nhà văn Việt Nam trong vòng 10 năm tới?
- Tôi không hình dung, cũng không cần thiết. Các nhà làm chính trị, kinh tế có thể hoạch định chuyện sắp tới mười năm, hai mươi năm, thậm chí năm mươi năm. Nhưng văn học nghệ thuật thì không được. Đường đi của nó không phải là con đường thẳng, mà xoáy trôn ốc. Đỉnh của nghệ thuật có khi không phải cái của hôm nay, hay ngày mai, mà là cái của nhiều thế kỷ trước. Anh đưa người lên mặt trăng, nhưng anh thử xây kim tự tháp xem sao? Tôi luôn không hiểu câu nói: “Văn nghệ ngày nay chưa có tác phẩm xứng tầm”. Tầm cái gì? Một cái laptop cách nay 6 tháng đã là lạc hậu, Truyện Kiều của Nguyễn Du vẫn là đỉnh cao, vinh quang của nghệ thuật là ở chỗ đó.
Nếu phải trả lời câu hỏi này, tôi chỉ có thể nói một câu: Tôi tin tưởng, qua những gì tôi đọc được của các nhà văn trẻ. Các bạn ngày nay có kiến thức, có điều kiện giao lưu trao đổi, có đất rộng để mạnh dạn tìm tòi. Tôi vừa mới đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thuỵ… Các anh có những ý tưởng hoàn toàn mới, tôi không nghĩ được. Tôi tin mười năm, hai mươi năm nữa sẽ có những sáng tác đặc sắc ra đời, đáp ứng mong mỏi của bạn đọc.

* Xin cảm ơn ông. Kính chúc ông mạnh khoẻ, tiếp tục có nhiều cống hiến mới cho nền văn học Việt Nam!
 
PHAN HOÀNG thực hiện
Nguồn: Phong Điệp

No comments:

Post a Comment