NGUYỄN HUY HOÀNG – TÌM CON, CHĂM BẠN, LÀM THƠ
1.Bơ phờ vì bạn thân sơ
Nhìn
đám bạn văn chương trong nước, có một số giao du bạn bè tơi bời trong Nam ngoài
Bắc, trong nước ngoài nước, người ta lẫn người tây, thấy đã khiếp. Sang Mát,
gặp Nguyễn Huy Hoàng, lại càng khiếp hơn. Hoá ra, có lắm bạn bè cũng khổ. Trăm
nghe không bằng một thấy, chỉ nội chục ngày tôi ở Mát mà đã chứng kiến nguyễn
Huy Hoàng phải ra sân bay bốn năm lượt. Ra đón, lo tìm chỗ ở, dẫn đi tham quan,
mua đồ lưu niệm, tiễn đưa, và rồi lại đón. Cứ thế, người không phát ốm cũng là
may.
Mà
xin mở ngoặc, những việc đó hoàn toàn không hề có công xá, bổng lộc gì. Đấy là
chỉ vì mỗi cái tình thôi. Sang Nga được gặp Nguyễn Huy Hoàng là một cơ may. Anh
chu đáo lạ thường. Ngay từ những bức thư đầu tiên trước khi rời Hà Nội, anh căn
dặn từ việc chuẩn bị, đường đi lối lại, ghi các số điện thoại cần thiết và bao
giờ cũng sắm sim điện thoại và nộp tiền cho đủ dùng liên lạc.
Hôm
tôi đang được Nguyễn Huy Hoàng tháp tùng đi thăm thú loanh quanh một số địa chỉ
văn hóa - lịch sử tại Mát, Châu Hồng Thủy, người bạn của tôi vừa rời Mát đi tư
tác ở một tỉnh xa, gọi điện về dặn dò: “Chú đi với Nguyễn Huy Hoàng, chuyện mua
vé, ăn uống thì chủ động lo, đừng để Hoàng trả tiền nhé. Ông ấy không có tiền
đâu. Mỗi năm ông ấy đưa đón hàng chục đoàn, tiền nong làm ra chả được là bao,
đem đi đãi đằng không đủ, toàn sống nhờ tiền bà vợ đi phiên dịch”.
Vâng,
tôi có biết điều này và ý định đi đâu sẽ chủ động trả, không để Nguyễn Huy
Hoàng phải lăn tăn. Nhưng Nguyễn Huy Hoàng “hách dịch” lắm. Hôm đó đi chơi
cùng, ăn trưa xong thấy tôi rút tiền trả, Hoàng thẳng thừng gạt tay ra :‘Hôm
nay là ngày của chú em đưa đi, để chú nó lo”. Chú em ấy chính là một ông chủ
doanh nghiệp trẻ thành đạt ở Mát, có trong tay hàng chục nhân công, vợ con chưa
có, rất nể trọng Nguyễn Huy Hoàng.
Càng
về sau, tôi càng mới biết: ông Hoàng chả bao giờ có tiền, nhưng ông ấy có cái
uy của người trí thức, của một nhà thơ, nên được anh em người Việt quý nể. Mỗi
lần phải tiếp khách khứa Việt Nam sang, Hoàng thường “điều” các chú - những chú
em chủ doanh nghiệp giỏi giang đứng ra đón tiếp. Vâng, anh tạo điều kiện cho
các chú cái vinh dự được đón tiếp, nhân đấy các chú được tiếp xúc với những tao
nhân, mặc khách coi như là một sự khai trí, giao du kết bạn, như thế chả nhất
cử lưỡng tiện ư?
Thấy
Châu Hồng Thủy bảo: nhà Hoàng chất đống túi to túi nhỏ những quà là quà từ
khách khứa Việt Nam mang sang cho. Mà nào quà có to tát gì, toàn những là bánh
đậu xanh, mứt sen, chè Thái, café Trung Nguyên... Lặt vặt vậy thôi. Ăn uống làm
sao được. Nhà chỉ có hai vợ chồng với đứa con gái út, bản thân thì bệnh gút
phải kiêng khem. Thế là anh cứ chất trên xe ô tô (anh gọi vui là chuồng gà di
động), gặp ai cho nấy, tiện đâu cho đấy.
Tôi
lại lẩn thẩn nghĩ: thế ngộ nhỡ có thằng bạn nào nó làm ăn khấm khá, nó thương,
nó nhờ việc đưa việc đón, nó lại quẳng cho anh vài nghìn đô tiêu vặt thì cũng
tốt chứ sao. Đem ý nghĩ đó hỏi Hoàng, anh cười: “Bạn mình toàn nghèo thôi,
những đứa giầu, họ có trang lứa của họ. Kình nghê vui thú kình nghê/Tép tôm
thì lại vui bề tép tôm".
Nhưng mà vẫn có người sẵn lòng cho anh thật. Tháng 7 này Hội Doanh nghiệp ở Nga có đoàn đi Mỹ, nghe đâu mỗi suất nộp tới 7000 USD. Có một doanh nghiệp gọi điện mời Hoàng đi và sẵn lòng bao cho một suất. Hoàng cảm ơn từ chối ngay, với lý do là xét thấy bản thân mình không ăn nhập gì với công việc của doanh nghiệp! Cứ thế đấy, đã là người tự trọng thì cũng đành phải chấp nhận...thiệt thòi.
Nhưng mà vẫn có người sẵn lòng cho anh thật. Tháng 7 này Hội Doanh nghiệp ở Nga có đoàn đi Mỹ, nghe đâu mỗi suất nộp tới 7000 USD. Có một doanh nghiệp gọi điện mời Hoàng đi và sẵn lòng bao cho một suất. Hoàng cảm ơn từ chối ngay, với lý do là xét thấy bản thân mình không ăn nhập gì với công việc của doanh nghiệp! Cứ thế đấy, đã là người tự trọng thì cũng đành phải chấp nhận...thiệt thòi.
2.Ông
đồ xứ Nghệ giữa Mạc tư khoa
Cái
trí nhớ của Hoàng thật đáng nể. Trước khi đi đến đâu, di tích, danh lam thắng
cảnh nào, anh nói vanh vách về từng chỗ. Trên đường, nhìn thấy nhà thờ nào, bức
tượng nào (mà ở Mát thì lắm tượng lắm, toàn tượng danh nhân, nho nhỏ thôi,
không hoành tráng như ở Việt Nam ta, nhưng mà đẹp và sống động vô cùng), công
trình kiến trúc nào, nhà hàng nào… anh cứ thuyết minh làu làu. Nó được xây dựng
từ bao giờ, do ai thiết kế, đến năm nào thì bị phá đổ, năm nào xây lại, năm nào
trùng tu, tiếng Nga của nó nghĩa là gì, nó có cái gì đặc biệt…Nghĩa là như một
từ điển sống di dộng. Tôi thầm nghĩ: lão này chẳng qua phải dẫn khách đi nhiều,
người ta hỏi buộc phải đọc, phải tìm hiểu, nói nhiều lần thì phải nhớ, vậy thì
có hơn gì một tay guide chính hiệu…
Nhưng
sau mấy lần gặp, tôi biết mình nhầm. Có thể những tri thức vụn vặt thì cái anh
hướng dẫn viên nào cũng ít nhiều nhớ được, chứ về cái khả năng phân tích, cắt
nghĩa đâu ra đấy và sắc sảo như Hoàng thì phải có cái đầu thật thông tuệ. Anh
có thể đọc thuộc lòng Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, cả tập Tục ngữ, Ca
dao, dân ca Việt Nam, thậm chí thuộc Nhật ký trong tù bằng chữ
Hán...Tôi hỏi sao anh biết lắm thứ thế, anh bảo: “Thì cũng do đọc và nghĩ mà ra
cả". Anh khoe tôi, anh đang cùng với Giáo sư A. Xôcôlov viết một Amanach
"Nước Nga trong lòng bàn tay" sẽ xuất bản ở Hà Nội cuối năm nay.
Nguyễn
Huy Hoàng được đào tạo học hành căn bản từ trường Chuyên Văn từ nhỏ, lại sinh
ra trong một gia dòng tộc có truyền thống khoa cử, văn chương, có tới ba nhà
thơ của dân tộc trong một nhà: Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ.
Sau
khi được giữ lại khoa Văn học – ĐH Tổng hợp chừng hơn chục năm, vào quãng năm
90, anh đi làm nghiên cứu sinh về văn học Nga tại một ngôi trường danh tiếng –
ĐH tổng hợp mang tên Lomonoxov (gọi tắt là trường MGU). Cả hai vợ chồng cùng
làm nghiên cứu sinh ở cùng một Khoa, một Trường. Luận án của anh đã được bảo vệ
hạng xuất sắc. Cứ đường đường chính chính ra, anh sẽ trở về nước, sẽ có một vị
trí trong xã hội, sẽ đào tạo các thế hệ học trò, sẽ hướng dẫn thạc sĩ, tiến sĩ,
sẽ được phong Giáo sư, nghĩa là mũ mãng cân đai đủ cả. Cho đến nay , anh đã là
tác giả của 7 tập thơ, hai tập truyện ngắn, hai tập Giáo trình giảng dạy, một
tập chuyên luận về Gogol dày hơn hai trăm trang và hàng trăm bài báo.
Chính
vào những năm định mệnh đó, tai họa ập đến. Cháu được gửi đi cùng với một gia
đình người bạn đến nghỉ mát ở bãi biển Sochi, miền Nam nước Nga, rồi mất tích ở
đấy. Cả hai vợ chồng anh bỏ hết cả công việc, sự nghiệp để bủa đi tìm con.Và
bằng một niềm tin thiêng liêng, mãnh liệt, Nguyễn Huy Hoàng tin rằng cháu vẫn
đang còn sống, hiện cháu đang ở đâu đó và sẽ có ngày hội ngộ. Không trừ một
tỉnh nào trên đất Nga mà anh không có mặt. Anh còn nhờ bạn bè người Việt người
ngoại quốc tìm manh mối trên khắp các nước thuộc Liên bang hoặc các nước Âu, Á
lân cận.
Anh
đành ở lại nước Nga, nơi gắn bó với cuộc đời anh, cũng là nơi anh gánh chiụ bao
nhiêu cay đắng. Anh chị ở lại cốt để tìm con, để hy vọng có một manh mối nào
đó, để mong một phép nhiệm màu.
Ở
lại thì phải đối mặt với mưu sinh. Nguyễn Huy Hoàng không biết làm ăn kinh tế,
chỉ có mỗi khả năng viết lách và đối ngoại. Cũng có một lần anh vào làm chân
văn phòng cho công ty người Việt, nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Rồi đành
trở về nghiệp bút sách. Làm chức cộng tác viên khoa học trước đây còn có tiêu
chuẩn nhà cửa, nhưng sau này, thì các thứ gọi là chế độ xa xưa, cũng không còn
nữa.
Tôi
biết anh khó khăn, ở nhà thuê, mà nhà bên Mát thì kinh lắm. Mỗi tháng không có
hơn nghìn đô trả tiền cho căn hộ thì coi như bị đẩy ra đường.
Tôi
chưa được gặp người vợ, đầu tàu kéo cả gia đình Hoàng. Biết chị cũng là Tiến sĩ
Ngữ văn, gầy yếu, chịu bao nhiêu thử thách của cuộc sống, hàng ngày đi làm từ
mờ sáng đến 9 giờ tối mới về để lo cho cuộc mưu sinh. Trong khi đó một ông
chồng vô tích sự ngồi đọc mỗi ngày hơn chục tiếng, vác tù và cho hàng tổng,
không làm ra một xu nào. Bằng vào tất cả những gì cảm nhận, tôi hình dung chị
ấy là người đàn bà can trường lắm, và can trường nhất là đã chịu đựng được
Nguyễn Huy Hoàng một cách…phi thường.
Cứ thế, bao nông nỗi u buồn khốn khổ anh đều trút vào những trang thơ. Với ai không biết, nhưng với Nguyễn Huy Hoàng, anh thực là một hiện thân tiêu biểu của câu thơ Phùng Quán: “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Anh đã vịn vào thơ để đi qua bao đêm đông trắng tuyết, đi qua bao cô độc, nhọc nhằn, khốn khó xứ người…
Cứ thế, bao nông nỗi u buồn khốn khổ anh đều trút vào những trang thơ. Với ai không biết, nhưng với Nguyễn Huy Hoàng, anh thực là một hiện thân tiêu biểu của câu thơ Phùng Quán: “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Anh đã vịn vào thơ để đi qua bao đêm đông trắng tuyết, đi qua bao cô độc, nhọc nhằn, khốn khó xứ người…
3.Cháu
Quỳnh Nga rồi sẽ trở về
Cháu
mất tích vào mùa hè năm 1993. Ngắm cái ảnh bé mặc váy trắng, áo thêu,
đứng giữa vườn hoa, trông ra dáng thiếu nữ, xinh ơi là xinh, càng ngắm càng
nhói buốt...
Thì
ra anh đi khắp đó khắp đây, có cơ hội là đi, anh đi các nước châu Âu, châu Á,
anh còn sang cả Mỹ cũng là hy vọng lần ra manh mối đứa con yêu. Toàn bạn bè thân
quý, thương anh nên tạo điều kiện cho anh đi. Đi công việc thì ít, mà đi vì con
gái thì nhiều. Nghe kể: có lần nhận được thông tin, có người hẹn Nguyễn Huy
Hoàng vào giờ ấy, ngày ấy, điểm hẹn ấy, phải nộp một số tiền lớn để chuộc con
gái về. Anh chị vô cùng khấp khởi. Loan tin bạn bè trong và ngoài nước Nga, chỉ
sau vài ba ngày, bạn bè đã lo cho anh đủ số tiền lớn ấy. Nhưng rồi đó chỉ là
một tin bịa! Thật ác độc. Họ chơi trò đó để làm gì?...
Thơ
anh đều chủ yếu do bạn bè tài trợ in ra. In xong rồi đem tặng cho hết bạn bè
các nước, cho khắp cộng đồng người Việt ở Nga, ở các nước Á Âu khác. Tặng càng
nhiều càng tốt. Không biết bao nhiêu cho đủ. Dường như đó là một thông điệp để
anh nói to với nhân thế rằng: “Có ai biết con gái Quỳnh Nga của tôi ở đâu không
thì mách giùm?”, rằng biết đâu tập thơ lại rơi vào tay Quỳnh Nga thì nó còn
biết cha mẹ đang thương đang mong nó lắm, rồi biết đường mà về…Thơ anh từng
viết:
Đạo
nhà ăn ở hiền lương
Gió
sương sẽ tạnh, đoạn trường sẽ qua
Rồi
điều rủi hạn phôi pha
Phúc
đâu, phận đấy, con xa lại về…
Nhiều
câu thơ anh dành cho con đau buồn hơn thế nữa tràn lan khắp các tập thơ mà anh
đã từng xuất bản.
Người
ta thuộc thơ Hoàng rất nhiều. Một hôm, anh bạn khác của tôi dẫn tôi vào Rư-Bắc,
một Ký túc xá của người Việt có đến gần nghìn con người sinh sống. Thấy dăm bảy
người đang tụ bạ uống bia. Biết tôi là nhà văn, họ mời tôi nhập bọn cùng. Trong
lúc phê phê, câu chuyện văn chương dần mặn lên, họ đọc thơ Hoàng. Có một anh
trông rất bặm trợn, đầu cạo trọc, nói giọng Huế, làm ăn từ tỉnh khác về chơi,
kể cho tôi nghe vừa hôm mới đây anh tổ chức giỗ bố, tự nhiên anh nhớ tới hai
câu thơ của Hoàng: “Chiều giỗ bố bày mâm lên cánh tủ/ Chiếc cốc con đổ gạo
cắm hương thờ”. Tôi thấy giọng đọc anh run run, gương mặt thật xúc động, tự
nhiên tôi thấy quý nể anh biết bao nhiêu. Tôi được biết, trong cộng đồng người
Việt ở nước Nga và ở nhiều nước khác, có nhiều người thuộc thơ Hoàng. Họ tìm
thấy ở thơ anh điều họ hằng cảm nghĩ, những vui buồn mà họ nếm trải xứ người.
Thơ Hoàng, về căn bản, chính là sự lên tiếng của những tâm hồn xa xứ...Lạ lắm,
có những người thuộc làu hàng trăm bài thơ của Hoàng. Tôi nói với anh, trong tư
cách nhà thơ, anh đã là người hạnh phúc.
Tôi
là người làm nghề phê bình văn học, cảm thấy thật chẳng đành lòng nếu lấy cái
tư cách phê bình để viết về thơ Nguyễn Huy Hoàng, dù chỉ một dòng. Thơ đối với
anh, từng bài thơ, từng câu thơ là nước mắt, là tiếng khóc, và cũng là chỗ vịn
giúp anh trụ lại với đời.
Đã chớm lạnh cơn mưa đầu tháng chín
Gió thay chiều, đổi hướng những hàng cây
Rồi băng giá sẽ phủ đầy sông vắng
Con ở đâu trên cõi nước Nga này?
Tình
cha con trong Nguyễn Huy Hoàng thật thống khổ và vĩ đại!
Nhà văn Văn Giá
No comments:
Post a Comment