.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, December 20, 2012

Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – lầm lẫn kéo dài: BIẾN TOÀN BỘ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA NGƯỜI KHÁC THÀNH KẾT QUẢ TRA CỨU CỦA MÌNH, GIẪM LÊN PHÁP LUẬT (KỲ CUỐI)

CTài liệu nào cũng được ông PHL coi là sử liệu, miễn là hợp với ý muốn của ông ta; chưa có chứng cứ xác thực đã vội vã kết luận một cách võ đoán  

        Qua sự phân tích vừa rồi,  độc giả đã thấy rõ rằng, chỉ dựa vào vài chi tiết trong sách Nam phương thảo mộc trạng của Kê Hàm và Cổ kim sử văn loại tùng (không rõ là của ai, thời nào) và vài con số năm tháng rất đại khái trong đó mà ông PHL đã rút ra kết luận dứt khoát:

   ..... Như vậy sự  việc cống vải từ Giao Chỉ do Nam phương thảo mộc trạng chép vào năm Nguyên Đỉnh thứ 6 tức năm 111 TCN là quận Giao Chỉ thuộc miền bắc nước ta, chứ không phải là bộ Giao Chỉ bao gồm cả miền nam Trung Quốc lập sau đó 5 năm, vào năm Nguyên Phong thứ 5 tức năm 106 TCN .
....
      .... Như vậy cây vải không chỉ có ở Giao Chỉ mà cả ở Cửu Chân và lệ cống vải bắt đầu từ Tây Hán (từ Hán Vũ Đế, năm 111 trước CN) tiếp tục đến Nguỵ (giữa thế kỷ 3). Tư liệu này cho biết thêm Cửu Chân tức vùng Thanh Nghệ Tĩnh hiện nay, thời đó đã có cây vải và lệ cống vải bao gồm cả vùng này.

        Trong khi đó, Hậu Hán thư, bộ chính sử của Trung Quốc về thời Đông Hán, qua việc chép chuyện Đường Khương dâng thư lên Hán Hòa Đế (năm 103 – theo sách Tư trị thông giám; năm 89 – theo An Nam chí lược - có lẽ nhầm) yêu cầu xóa bỏ lệ  bắt dân 7 quận của bộ Giao Chỉ  (chứ không phải của  quận Giao Chỉ như PHL đã phán) phải dùng ngựa để vận chuyển quả vải đi cống nạp, vậy thì làm gì có “nạn cống vải” do hàng ngàn người từ Nghệ Tĩnh gồng gánh lũ lượt trên đường suốt nhiều tháng để chở quả vải đến Trường An?
         Ông PHL đã nhặt nhạnh một số điều ghi chép trong Nam phương thảo mộc trạng để bảo đảm cho luận cứ của mình rồi  coi chúng là sử liệu.

    Nam phương thảo mộc trạng là một tác phẩm chuyên khảo về thực vật cổ đại, gồm 3 quyển, ghi chép về 80 loài thực vật của vùng Lĩnh Nam (Quảng Đông – Quảng Tây) Trung Quốc. Đây là một bộ sách rất quý, được coi là “bộ thực vật chí sớm nhất thế giới”, không những nổi tiếng ở Trung Quốc mà còn được cả thế giới chú ý. Đương nhiên, giá trị của nó là ở những khảo cứu về thực vật phương nam. Những ghi chép liên quan đến lịch sử trong đó dĩ nhiên là có giá trị tham khảo nhưng không thể coi là cứ liệu lịch sử. Hơn nữa, bản thân lai lịch của sách này vẫn còn đang phải tranh luận.Trần Chấn Tôn (?1183 - ?1262) thời Nam Tống (1127 – 1279) là người đầu tiên xác định tác giả của nó là Kê Hàm (263 – 306) và được mọi người tin theo. Đến thời vua Càn Long nhà Thanh, bắt đầu có nghi vấn, cho rằng sách này không phải của Kê Hàm mà là của người đời sau. Tháng 12 năm 1983, Hội nghị quốc tế thảo luận học thuật về Nam phương thảo mộc trạng lần thứ nhất đã diễn ra ở Quảng Châu có các học giả Trung Quốc,  Mỹ, Nhật, Pháp, ... tham gia cũng định giải quyết vấn đề này nhưng cuộc tranh luận từ đó đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

       Do đó, nếu là nhà sử học nghiêm túc và cẩn trọng thì không bao giờ vồ vập ngay  những ghi chép “có màu sắc lịch sử” của người xưa, dù là trong các tác phẩm nổi tiếng. Vội vã coi chúng là sử liệu thì rất có thể dẫn đến sai lầm nghiêm trọng. Nếu ta đọc hai câu thơ trong bài Trường hận ca đại thi hào Bạch Cư Dị:

                Dương gia hữu nữ sơ trưởng thành,

                Dưỡng tại thâm khuê nhân vị thức.

được Tản Đà đã dịch là:

                 Nhà Dương có gái mới choai,

                Buồng xuân khóa kín chưa ai bạn cùng.

rồi  căn cứ vào đó mà khẳng định rằng, trước khi vào hậu cung của Đường Minh Hoàng thì Dương Quý Phi vẫn là con gái đồng trinh thì sai hoàn toàn .Sự thực thì bà ta đã qua mấy năm làm vợ  của Lý Mạo, con trai thứ 18 của Đường Minh Hoàng. Nhưng nhà thơ sáng tác theo cảm xúc, phải chú tâm vào việc tìm lời hay, ý đẹp, có sức truyền cảm, chứ không cần làm nhiệm vụ của nhà sử học.

         Đối với sách Nam phương thảo mộc trạng cũng vậy. Ông  PHL lấy “cứ liệu lịch sử” từ đó để biện luận,  quả nhiên là sai hoàn toàn.

        Điều mấu chốt để xác định có “nạn cống vải “ hay không lat ở chỗ: phải chứng minh được rằng, đã từng có nhiều lần bọn quan lại nhà Đường bắt hàng ngàn nông dân nước ta phải gánh quả vải tươi đi một mạch đến kinh đô Trung Quốc. Phan Huy Lê không thể chứng minh điều đó, mà chỉ tìm cách chứng minh là có việc cống vải để kết luận rằng “nạn cống vải” như giới sử  học tưởng tượng ra là có thật.
 Ông   Phan Huy Lê viết tiếp:

        Chế độ cống nộp là một phương thức bóc lột mà chính quyền đô hộ đã thực hiện từ thời thuộc Hán. Cống phẩm bao gồm những loại sản vật quý như ngà voi, sừng tê, châu ngọc, hương liệu... và cả một số sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới như cam, quít, nhãn, vải... Các nguồn tư liệu thư tịch đáng tin cậy của Trung Quốc khẳng định chế độ cống nộp các loại quả trên. Còn cách bảo quản và vận chuyển như thế nào thì tư liệu không ghi lại và dĩ nhiên là cần nghiên cứu thêm, cần sự hợp tác liên ngành của nhiều ngành khoa học liên quan, trong đó khai thác kinh nghiệm cổ truyền giữ vai trò quan trọng.

       Ông Phan Huy Lê chỉ nói được rằng “Các nguồn tư liệu thư tịch đáng tin cậy của Trung Quốc khẳng định chế độ cống nộp các loại quả trên (cam, quít, nhãn, vải)”. Chúng tôi nghĩ rằng, khi đất nước bị quân xâm lược chiếm đóng thì bất cứ cái gì chúng cần hay chúng muốn lấy (có thể không cần lắm) thì chúng đều bắt dân ta phải nộp. Cái danh sách “cam, quít, nhãn, vải....” nên được hiểu là mọi thứ nông sản, thổ sản, hoặc mọi thứ to nhỏ lớn bé chúng đều vơ vét,  còn cụ thể cái gì thì cũng không quan trọng lắm, đừng căn cứ vào đó để rút ra kết luận rằng chúng không lấy bưởi hoặc không lấy chuối. Quy mô, mức độ vơ vét mới là điều quan trọng. Nhưng điều đó thì PHL và các nhà sử học khác không có cứ liệu nào cả. Nói đến “nạn cống vải” thì phải chứng minh được quy mô (hàng ngàn người gồng gánh hai vài con ngựa thồ) và phương thức vận chuyển (chở bằng ngựa hay bằng người, đi liền một mạch hay thay thế nhau qua các trạm) nhưng PHL bảo là cách bảo quản và vận chuyển như thế nào thì tư liệu không ghi lại và dĩ nhiên là cần nghiên cứu thêm, cần sự hợp tác liên ngành của nhiều ngành khoa học liên quan, trong đó khai thác kinh nghiệm cổ truyền giữ vai trò quan trọng.

     Hóa ra là ông PHL có quyền tưởng tượng ra những điều vô căn cứ rồi yêu cầu sự hợp tác liên ngành của nhiều ngành khoa học liên quan đóng dấu bảo đảm cho sự tưởng tượng của ông ta. Tuy đã lẫn tránh điểm mấu chốt xác định có hay không có “nạn cống vải” để đánh lạc hướng độc giả nhưng thấy không ổn, cho nên  để biện bạch cho sự bế tắc trong việc chứng minh “nạn cống vải”, PHL rào đón:

  .....Trong lịch sử biết bao vấn đề do sử sách ghi chép và có di tích còn tồn tại đến nay mà việc giải thích về kỹ thuật chế tác và công việc kiến tạo vẫn là câu hỏi đang đặt ra cho khoa học với nhiều giả thuyết được nêu lên như Kim Tự tháp ở Ai Cập, Vạn Lý trường thành ở Trung Quốc... Ngay ở nước ta như thành Tây Đô (thành Nhà Hồ ở Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) chỉ xây trong ba tháng năm 1397 với những khối đá trên dưới 10 tấn được chế tác, vận chuyển, xây dựng như thế nào; rồi tháp Chăm ở Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) và dọc theo miền trung và nam Trung Bộ, kỹ thuật sản xuất và ghép gạch đã thực hiện thế nào..., cũng là những câu hỏi chưa có kết luận tuy một số khám phá và giả thuyết đã được nêu lên.

        Bằng cách đánh lạc hướng độc giả và luồn lách từng bước, đến đây, PHL  đã xếp câu chuyện “nạn cống vải” vào hàng biết bao vấn đề do sử sách ghi chép và có di tích còn tồn tại đến nay. Thử hỏi, đã có sử sách nào ghi chép và có di tích nào còn tồn tại đến nay để minh chứng cho “nạn cống vải”? Mà xin thưa với ông PHL rằng, không phải  hễ có ghi chép là cứ phải thừa nhận. Chắc ông cũng biết, Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, tháng 3 năm Hội Phong thứ 5,  Bính tý (1096), đời vua Lý Nhân Tông, đã xẩy ra chuyện thái sư Lê Văn Thịnh hóa thành hổ để giết vua. Ông PHL có dám khẳng định rằng đây là sự kiện có thật hay không?

      Kim tự tháp Ai Cập, Vạn lý trường thành hay thành Tây Đô là những công trình kiến trúc đặc biệt mà như ông nói, việc giải thích về kỹ thuật chế tác và công việc kiến tạo vẫn là câu hỏi đang đặt ra cho khoa học..Cái câu hỏi được đặt ra ấy  là sử dụng nhân lực như thế nào để tập trung được những lực lớn có thể nâng được những khối vật liệu đồ sộ hoặc hoàn thành một khối lượng công viêc lớn trong khoảng thời gian ngắn, còn về nguyên tắc thì việc thực hiện được những công việc như thế không có gì trái với quy luật tự nhiên. Để nâng một vật càng nặng thì cần một lực càng lớn. Các công trình ấy rất đòi hỏi rất nhiều công sức, nhưng số công sức ấy vẫn là hữu hạn và có thể tính toán được.

      Còn cái “nạn cống vải” mà ông PHL đang ra sức biện bạch thì   hoàn toàn trái với quy luật tự nhiên và quy luật xã hội. Trái với quy luật tư nhiên ở chỗ, quả vải làm sao chịu đựng được mưa nắng suốt 7 – 8 tháng trời mà vẫn tươi ?. Trái với quy luật xã hội ở chỗ, trong khi người ta đã có sẵn rất nhiều quả vải ngon và ở nơi gần, lại có cách để vận chuyển chỉ cần  100 cặp người – ngựa bố trí rải rác tại mấy chục địa điểm hợp lý cũng đủ để vận chuyển một số quả vải đủ cho nhiều người ăn, và nếu còn thèm thì làm thêm vài đợt như thế nữa, vậy thì vì cớ gì người ta phải lấy quả vải không ngon, ở nơi xa gấp đôi, và phải cần đến hàng ngàn người đi bộ hàng trăm ngày để cho quả vải thối hết đọc đường? Dù là một hoàng đế mất trí và cả một triều đình mất trí cũng không làm như vậy. Chỉ có người mất trí mới nghĩ như thế, nhất là sau khi đã có người dạy bảo.

       Những điều bí ẩn trong việc xây dựng các công trình như Kim tự tháp Ai Cập, Vạn lý trường thành, thành Tây đô, tháp chàm ở Thánh địa Mỹ sơn....vẫn là những câu hỏi rất khó tìm lời giải đáp. Đúng thế. Việc tìm lại những kỹ thuât đã thất truyền thì cũng chẳng khác gì phải phát minh lại kỹ thuật đó, mà phát minh lại thì chưa chắc đã dễ hơn phát minh lúc đầu, bởi vì mọi điều kiện vậtc chất, kỹ thuật, tập quán hiện tại đã khác xa thời xưa , cho nên, chắc chắn là khó khăn và tốn nhiều công sức.

      Mà phát minh nào cũng vậy, khi đã có người hoàn thành rồi  rồi thì cái gì cũng đơn giản, nhưng nếu chưa ai nghĩ ra thì có khi cả hàng chục triệu người bị lừa nhiều chục năm mà chẳng mấy ai biết. Chỉ xin lấy một ví dụ ngay trước mắt đây thội. Phát kiến về “nạn cống vải” đã ra đời từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước và được cả miền bắc rồi cả nước thừa nhận, đã có hàng vạn người rao giảng về nó nhiều lần và nhiều chục triệu học sinh học về nó mà chẳng ai có ý kiến gì. Mãi đến năm 2003 mới có ông Lê Mạnh Chiến lên tiếng phản bác. Chắc chắn là ông LMC không thể chỉ suy nghĩ trong vài ngày hay vài tuần mà phản bác được, như chúng ta thấy hiện nay. Riêng việc trình bày lý lẽ  cho chặt chẽ và có sức thuyết phục, phải viết hơn một vạn chữ, ông cũng không thể viết trong vài ngày. Nhưng khi chúng ta đã đọc bài của ông thì chỉ mất vài chục phút là hiểu hết và nếu phải truyền đạt kết quả nghiên cứu của ông cho người khác thì chỉ cần  tóm lại trong vài câu và diễn đạt trong 1 phút cũng đủ. Hay là, như chính cái bài của ông PHL mà chúng tôi đang phân tích ở đây, ông ta cũng phải suy nghĩ mất 6 năm mới viết được, nhưng giá trị của nó chỉ là con số âm. Nói thế để ông PHL thấy rằng, tìm ra cái mà thiên hạ chưa biết (phát minh lại cái đã thất truyền cũng vậy) là điều không đơn giản. Bởi vậy, việc đem điều bí ẩn trong “nạn cống vải” để so sánh với điều bí ẩn trong quá trình thi công Kim tự tháp Ai Cập chỉ là trò ngụy biện mà thội, chẳng có giá trị gì.

D. Biến toàn bộ kết quả nghiên cứu của người khác thành kết quả tra cứu của mình, giẫm lên pháp luật

      Cách đây 6 năm, tác giả Lê Mạnh Chiến đã bác bỏ hoàn toàn mọi luận cứ của giới sử học do ông Phan Huy Lê đứng đầu, không trừ một điểm nhỏ nào. Ông LMC đã chứng minh rằng, mặc dầu Dương Quý Phi rất thích ăn quả vải và Đường Minh Hoàng đã bắt thuộc hạ phải chở quả vải từ phương xa về cho bà ta ăn, nhưng quả vải là do ngựa của hệ thống dịch trạm nối tiếp nhau ngày đêm chở từ Lĩnh Nam (có thể cả từ Tứ Xuyên, Phúc Kiến) về đến Trường An cho nên không có chuyện Mai Thúc Loan cùng hàng ngàn  đồng bào của ông phải còng lưng gánh quả vải đi nộp cống trên đường dài vạn dặm. Rồi ông LMC còn vạch ra những sai lầm khác nữa, ví dụ như cánh ông PHL thì nói là Mai Thúc Loan phải gánh quả vải nộp cống do đòi hỏi của Dương Quý Phi, mà sự thực thì Dương Quý Phi ăn quả vải tàu do ngựa chở về, nhưng buồn cười nhất là, sự thực thì  khi Mai Thúc Loan bại trận (chưa nói là khi Mai Thúc Loan khởi sự) thì bà ta mới 3 tuổi, vân vân.
         Sau 6 năm nghiền ngẫm kỹ càng, ông chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử mới có ý kiến trả lời công luận, nhưng ông ta né tránh mọi kết luận của LMC và tóm tắt bài phản bác chừng 1 vạn chữ của tác giả này bằng 1 câu, với vài ý lơ mơ, nhạt nhẽo để phản bác những ý lơ mơ nhạt nhẽo ấy bằng những lý luận mà chúng tôi đã trích dẫn. Cứ theo sự phản bác của PHL thì độc giả nếu chưa trực tiếp đọc bài của LMC thì sẽ cảm thấy ông này hình như là một người lẩn thẩn, đần độn, dốt nát lại hay nói liều, và PHL đã hoàn toàn bác bỏ mọi của LMV (mà PHL đã cắt xén và xuyên tạc).
           Vì tác giả LMC đã chứng minh được nguồn thu hái quả vải và cách vận chuyển quả vải thời Đường, PHL không thể cãi được nên phải thừa nhận rằng Mai Thúc Loan không làm phu gánh quả vải, nhưng giả vờ không biết rằng LMC đã khảo cứu “lệ cống vải” nên ông PHL vẫn lên giọng kẻ cả:
          Thời thuộc Đường, thực hiện chế độ tô-dung-điệu rồi chuyển sang chế độ lưỡng thuế, nhưng chế độ lao dịch, cống nộp vẫn còn, kể cả cống quả vải. Nhưng theo kết quả tra cứu của tôi thì vào thời thuộc Đường, không tìm thấy một tư liệu đáng tin cậy nào về chế độ cống vải từ Giao Châu hay An Nam, tức từ nước ta. Còn việc tiến vải cho Dương Quý Phi xẩy ra sau khởi nghĩa Mai Thúc Loan và là quả vải cống của vùng Lĩnh Nam, từ Quảng Châu, Nam Hải của Trung Quốc.  Phương thức chuyển quả vải cống thời này được ghi rõ là dùng ngựa trạm chạy khẩn cấp từ Lĩnh Nam đến Trường An làm sao bảo đảm quả vải tươi, mà theo Tư trị thông giám thì quả vải hái khỏi cây, sau 1 ngày sắc đã biến đổi, sau 2 ngày hương vị biến đổi và sau 4-5 ngày thì sắc và hương vị không còn nữa . Sau này nhà Đường dùng cách ngâm quả vải vào nước muối hay ngâm mật để bảo quản lâu hơn.
        Như vậy là PHL lúc nào cũng muốn ngồi trên đầu mọi người. Suốt mấy chục năm, ông là người có “công” lớn nhất, hăng hái nhất trong việc quảng bá câu chuyện hoang đường về “nạn cống vải”. Đến khi cái “luận điểm” lố bịch ấy bị bác bỏ hoàn toàn, ông vẫn không chịu  thú nhận sai lầm của mình, mãi cho đến nay đã là 6 năm. Vì thấy không thể cãi được nữa, ông phải liều một phen, lấy kết quả nghiên cứu của người phản bác mình làm cái công của mình, nói không biết ngượng rằng, theo kết quả tra cứu của tôi (tức PHL)  thì vào thời thuộc Đường, không tìm thấy một tư liệu đáng tin cậy nào về chế độ cống vải từ Giao Châu hay An Nam.
        Lần đầu tiên, chúng tôi được nhìn thấy hành vi cướp đoạt bản quyền một cách ngang nhiên ngay mắt mọi người.
      Xin nói để ông chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử biết: ông không thể tra cứu để xác định có hay không có “nạn cống vải” với hàng ngàn người gồng gánh đi bộ quanh năm (cả đi lẫn về), bởi vì sự việc đã không có (như chính ông đã thừa nhận) thì làm gì có người ghi chép để cho ông tra cứu?. Muốn xác định được có hay không cón “nạn cống vải” như thế thì phải chứng minh. Tác giả Lê Mạnh Chiến đã chứng minh và công bồ hơn một lần rằng:

1)  Hoàn toàn không thể có “nạn cống vải” như thế

2) Thời nhà Đường, có lệ cống vải cho triều đình nhưng quả vải được vận chuyển bằng ngựa của hệ thống dịch trạm và được hái trên đất Trung Quốc

3) Thời nhà Hán (nghĩa là từ khi Trung Quốc bắt dầu xâm lược nước ta), lệ cống quả vải cho triều đình cũng giống như thời nhà Đường, quả vải có thể lấy ở nước ta một ít và hoàn toàn không có “nạn cống vải” như ông PHL đã viết trong các giáo trình lịch sử

        Ông chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Phan Huy Lê đã rao giảng câu chuyện hoang đường về “nạn cống vải”  ngót nửa thế kỷ. Bị Lê Mạnh Chiến phê phán và bác bỏ,  ông PHL đã “phản bác” bằng cách bóp méo luận chứng của LMC rồi giẫm lên pháp luật, lấy luôn kết quả nghiên cứu của LMC làm thành tích của mình. Như vậy,  trong bản thành tích xin nhận giải thưởng của PHL có thêm “công lao” phát hiện được sai lầm của các nhà sử hoc
      Cuối phần “Nguyên nhân khởi nghĩa và vấn đề cống quả vải”  ông PHL đưa ra kết luận:
     Theo kết quả kiểm tra tư liệu của tôi, trong thời Bắc thuộc chế độ cống quả vải cũng như một số quả quý của nước ta như cam, quýt, nhãn... đã có từ thời Tây Hán, nhưng đến thời thuộc Đường thì quả vải cống lấy từ vùng Lĩnh Nam. Vì vậy ý kiến của ai đó coi nguyên nhân của khởi nghĩa Mai Thúc Loan chỉ là hay chủ yếu là chế độ đi phu cống vải là không có cơ sở khoa học.
     Thưa ông chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, thời Tây Hán, quả vải cống cũng lấy từ Lĩnh Nam, và cũng được chở về Trường An bằng ngựa của hệ thống dịch trạm. Ông giả vờ quên điều đó để tỏ ra  là “luận điểm” về “nạn cống vải” (với hàng ngàn dân phu quảy sọt quả vải lê bước đến Trường An) là có cơ sở, là “nói có sách, mách có chứng” đấy ư?
      Tính trung thực chủ tich Hội Khoa học Lịch sử là như vậy đấy.
     Xin hỏi: Ông đã tra Hậu Hán thư và Tư trị thông giám (đoạn ghi chép về Hán Hòa đế, nói đến bức thư của Đường Khương xin bỏ lệ cống quả vải hay chưa? Trong đó có nói rõ là thời nhà Hán, có lệ cống quả vải từ 7 quận thuộc bộ Giao Chỉ (6 quận nằm trên đất Trung Quốc), do ngựa của hệ thống dịch trạm chuyển đến  kinh đô. Nay ông có thể chứng minh là thời đó có lấy quả vải ở nước ta rồi bắt hàng ngàn dân phu gánh một mạch về Trường An hay không? mỗi đoàn đi mất bao nhiêu thời gian, quả vải được giữ thế nào cho tươi?, vì sao đã có quả vải rất ngon, rất nhiều, cự ly vận chuyển chỉ bằng một nửa so với Hoan Châu (hay Việt Nam). lại có hệ thống dịch trạm cho phép chyên chở quả vải trong 4-5 ngày là đến nơi, mà nhà Hán lại thích ăn thứ quả vải chua đã thối mủn do người đi bộ mất vài trăm ngày mới đến?
        Nếu là người trung thực, ở đoạn văn vừa nêu, ông Phan Huy Lê  phải sửa lại như sau:
       Theo kết quả nghiên cứu của tác giả Lê Mạnh Chiến,  trong thời Bắc thuộc chế độ cống quả vải cũng như một số quả quý của nước ta như cam, quýt, nhãn... đã có từ thời Tây Hán, quả vải được vận chuyển bàng ngựa của hệ thống dịch trạm, và đại bộ phận được hái trên đất Trung Quốc, có thể hái ở Việt Nam một ít nhưng đến thời thuộc Đường thì quả vải cống lấy từ vùng Lĩnh Nam. Vì vậy  ý kiến của giới sử học do tôi chủ xướng coi nguyên nhân của khởi nghĩa Mai Thúc Loan chủ yếu là chế độ đi phu cống vải ảo. là một sự bịa đặt theo sự suy diễn dại dột của  của chúng tôi.
       Qua bài của Phan Huy Lê, chúng tôi thấy giữa Đinh Văn Hiến và Phan Huy Lê có quá nhiều điểm tương đồng về nhân cách và tầm hiểu biêt cũng như về phương pháp triệt hạ đối phương, “gần như hai giọt nước”. Cho nên, thật dễ hiểu khi họ tìm đến nhau, tâng bốc nhau, dựa vào nhau để “làm khoa học”
          Một điều không thể không nhắc đến ở đây là, ông Phan Huy Lê đưa ra rất nhiều tài liệu làm lóa mắt  người đọc. Nhưng chúng tôi đã có đủ kinh nghiệm về ông rồi. Xem cái cách ông đổ lỗi cho ông Trần Quốc Vượng, cho ông Trần Bá Chí, cái cách ông quên hết lỗi lầm của mình để vênh mặt dạy người khác.. đã đủ cho thấy tâm địa của ông. Riêng về khoản sách vở chữ nghĩa thì khó tin ông lắm. Bởi vì, ông đã có mặt trong nhóm bịa đặt cứ liệu lịch sử mà ông Lê Mạnh Chiến đã vạch ra và đã công bố trên báo. Ngay cả trong bài “Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – Những vấn đề cần xác minh” mà chúng tôi đang xem xét ở đây, ít nhất cũng thấy vài cái sai, chứng tỏ rằng ông đã quen thói lừa bịp thiên hạ:
         Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử  đã sử dụng sách Nam phương thảo mộc trạng làm phao cứu sinh, mượn nó để nói lên rằng “luận điểm” về “nạn cống vải” (theo cách như các nhà sử học đã diễn tả) là “có cơ sở khoa học”, chứ không thể “sổ toẹt” như Lê Mạnh Chiến đã làm, nên ông chủ tịch “đã đọc nó” rất kỹ và trích dẫn nhiều lần. Nhưng, tên của tác giả Nam phương thảo mộc trạng là Kê Hàm 嵇含(263 – 306) chứ không phải là Kế Hàm như PHL đã viết nhiều lần. Kê Hàm là cháu của Kê Khang  (223 – 263), danh sĩ thời Tam Quốc, một nhân vật trong nhóm “trúc lâm thất hiền” mà Nguyễn Du từng nhắc đến ở hai câu trong Truyện Kiều
   Kê Khang này khúc Quảng Lăng,
   Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân.
    - Cựu Đường-thư cũng được  GS Phan Huy Lê trích dẫn nhiều lần, nhưng tác giả (người chủ biên) của sách ấy là Lưu Hú (887 – 946) thì ông PHL viết là Lưu Hướng. Trong lịch sử Trung Quốc có tác giả Lưu Hướng 劉向 (77tcn – 6tcn) rất nổi tiếng, nhưng ông này đã chết được gần 1000 năm trước khi Cựu Đường-thư ra đời. Cái sai này không phải lỗi chính tả ví nó được lặp lại nhiều lần trong các cước chú. Thật đáng tiếc cho ông, từ khi bị Lê Mạnh Chiến tố cáo rằng không biết Đường-thư là sách gì mà cứ “trích dẫn” loạn xị, đến nay chỉ hơn 3 năm mà đã sớm quên cái trò nguy hiểm ấy. Nhưng cũng có thể trình độ chữ Hán của ông quá “siêu” cho nên hay đọc chữ tác thành chữ tộ, như hồi trước ông đã đọc chữ giản (trong tên ông Đặng Tiến Giản) thành “đông” để tạo nên ông Đặng Tiến Đông rồi suy luận ra thành Đô đốc Long, người đánh trận Ngọc Hồi – Đống Đa.

       Tóm lại, qua các  phần 1 và 3  trong bài Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – những vấn đề cần xác minh, chúng ta thấy được một số đặc điểm của ông Phan Huy Lê như sau:

     1) Ông PHL có biệt tài trong việc chiếm lĩnh kết quả nghiên cứu của người khác để “nâng cấp” và chế biến thành sản phẩm của minh, mà việc chiếm giữ bản quyền về “nạn cống vải” thời Mai Thúc Loan là một ví dụ.

     2) Khi lâm sự, ông PHL biết thoát thân rất nhanh, vội vã trút trách nhiệm cho những người đã tạo nên thành tích cho ông trước đây, rồi ông nhảy tót lên ghế quan tòa để phân định phải – trái (như đối với Trần Quốc Vượng và Trần Bá Chí).

     3) Ông PHL biết cách biến hóa, chuyển cái sai của minh thành cái đúng, chuyển cái đúng của người khác thành cái sai (như trong việc ông vẫn khăng khăng bảo vệ “luận điểm” về “nạn cống vải” và làm cho mọi người nghĩ rằng người phê phán ông, tức là ông Lê Mạnh Chiến phạm nhiều sai lầm).và chiếm luôn kết quả nghiên cứu của Lê Mạnh Chiến để trở thành người sáng suốt và đúng đắn từ đầu đến cuối,

      4) Ông rất thành thạo cách tô vẽ cho mình, biết sử dụng tài liệu gián tiếp để tăng vẻ thông kim bác cổ, tuy cũng có khi thành công vì  trót lọt nhưng cũng vài phen bại lộ vì cái khoản chữ Hán tù mù.

       Trên đây chỉ mới là một số nhận xét ban đầu về nhà sử học Phan Huy Lê. Chúng tôi có nói gì sai, xin ông cứ vạch ra một cách thẳng thắn. Nếu có lỗi nặng với ông quá, ông cứ đi thưa kiện, nhưng trước hết, hãy kiện tác giả Lê Mạnh Chiến vì ông ấy đã tố cáo việc nhóm 8 nhà sử học do ông cầm đầu đã bịa đặt “cứ liệu” lịch sử, rồi công bố bài tố cáo ấy trên báo “Người Đại biểu Nhân dân”.

           Lê Hà & Thái Hoàng

No comments:

Post a Comment