.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, December 19, 2012

ĐOÀN MẠNH PHƯƠNG – THƠ VỚI CUỘC SỐNG THƯỜNG NHẬT LUÔN CÓ TIẾNG NÓI CHUNG TRONG SỰ LO TOAN

Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương
Tên thật: Đoàn Mạnh Phương
Quê quán: Xuân Trường - Nam Định
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện là Giám đốc Trung tâm Thông tin Truyền thông Vì môi trường phát triển TP Hà Nội.
- Giải thưởng Văn học nghệ thuật 2007 của Uỷ ban toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam.
- Giải nhì cuộc thi Thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội 2009.
- Giải nhì cuộc thi Thơ Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam 2010.
- Giải thưởng Trí thức trẻ tiêu biểu Thăng Long – Hà Nội.
-Tác giả  của 3 tập thơ: Mắt đêm (1996); Câu thơ mặt người (1999); Ngày rất dài (2007). Hai tập bút ký: Đường đi và đích đến (2008); Bình dị một chữ nhân (2012).
- Có những người làm thơ theo cảm xúc bất chợt, có người lại làm thơ theo ý tưởng và cảm xúc âm ỉ, khi nào họ cảm thấy thực sự chín thì mới viết ra. Thơ ca đến với anh như thế nào, thưa nhà thơ Đoàn Mạnh Phương?

+ Đó chính là sự giao cảm giữa cái ngoài mình và cái trong mình của người cầm bút. Nếu không có sự giao cảm ấy thì thật khó có cơ hội cho thơ. Với tôi, thơ chính là mạch đập của cuộc sống thường ngày. Khi nào còn cảm thấy mình luôn đau đời và yêu người, luôn cảm nhận được sự ấm nóng của tình người, của trời đất quanh mình thì khi ấy có thơ. Chính vì thơ là sự kết tinh của những rung cảm chân thật nhất từ trái tim cho nên người đọc mới dễ dàng nhận ra những cảm xúc giả tạo trong thơ, sự nhạt nhòa trong câu chữ là vì vậy. Trong cuộc sống tốc độ như hiện nay, với mỗi người, giữ được trong mình một chất thơ - theo tôi - thật là đáng quý. Sự quý giá ấy đã và đang làm nên ý nghĩa của cuộc sống.

- Nói về cảm xúc, tôi cho rằng, cảm xúc thơ ca nhiều khi như một mầm xanh vừa hé nhưng gặp phải cơn lốc của đời sống thị trường ập đến, làm chai sạn, hoặc thui chột…. Để thơ ca và đời sống song hành được với nhau, người ta phải biết cách phân thân đúng lúc, đúng chỗ. Anh đánh giá điều này ra sao?

+ Cuộc sống đã và luôn đặt ra những lo toan mới. Mỗi người được sinh ra phải đảm đương rất nhiều những vai trò trong cuộc sống thường nhật. Để sống tròn vai mà cuộc đời đã định ấy không phải dễ dàng, với người cầm bút lại càng khó khăn hơn. Nhà thơ luôn phải hướng những thử thách rất thường nhật của sự vụ, của cơm áo gạo tiền trong cuộc mưu sinh. Tôi đã cố gắng hài hòa những vai trò ấy và coi đó là một trách nhiệm không thể chối bỏ. Tuy vậy, tôi cũng không cố cương mình lên để gắng gượng làm một cuộc phân thân quá sức mà lấy đó là một hành trình hoàn thiện bản thân. Hài hòa cái Tôi với cái Chúng ta ở quanh mình. Hệ quả của cuộc phân thân ấy đã đem lại cho tôi một mái ấm gia đình hạnh phúc, những người bạn tốt, một công việc ổn định cùng những giây phút thực sự có ý nghĩa khi đối diện với trang viết của mình (cười).

- Anh từng viết: “Ném vào mặt/ những cảm xúc xương xẩu/ đã chắp vá nên hình hài/ thương trường/ từng bóp cổ/ những câu thơ mệt nhoài”. Phải chăng ở anh, cuộc sống thường nhật và thơ không tìm được tiếng nói chung?

+ Nhìn thấy nguy cơ để tránh được nguy cơ đấy bạn ạ! Lo toan khác với toan tính. Đừng để toan tính bóp chết tình người, mà đã đánh mất tình người thì đâu còn có chỗ cho thơ! Mọi người đang lo toan cho một cuộc sống đầy đủ hơn, yên ổn hơn, ấm áp hơn chính là lo cho cuộc sống luôn có sự có mặt của thơ. Thơ với cuộc sống thường nhật luôn có tiếng nói chung trong sự lo toan chứ không bao giờ có tiếng nói chung trong sự toan tính.

- Từ các tập thơ Mắt đêm (1996), Câu thơ mặt người (1999), Ngày rất dài (2007) đến những sáng tác gần đây, người ta thấy anh là một nhà thơ cả nghĩ và khá suy tư trầm lắng, điều này rất khác so với sự năng động trong cương vị anh đang đảm nhiệm là Giám đốc Trung tâm Thông tin Truyền thông Vì môi trường Phát triển thành phố Hà Nội. Liệu có phải đến với thơ sẽ giúp anh sống chậm lại?

+ Vâng, đúng vậy, chúng ta hôm nay đang sống trong một dòng chảy sôi động của một thế giới phẳng. Có biết bao nhiêu những lo toan bề bộn chật kín cả không gian lẫn thời gian. Dành một chút để lắng lại, để suy ngẫm, tựa như một gạch nối tinh thần quý giá giữa thực tại với hôm qua và với ngày mai là một sự lắng lại cần thiết. Nhắn nhủ mình sống chậm để không bao giờ chậm chân chính là điều tôi luôn luôn nhắc nhủ mình trong mỗi ngày làm việc và sáng tạo.



- Phải nói trong vài năm trở lại đây, anh là người rất có duyên với giải thưởng (Giải nhì cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội; Giải nhì cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam). Vậy theo anh giải thưởng có phải là mục tiêu quan trọng cho người cầm bút hay không?

+ Giải thưởng như một đóa hoa tươi được trao tặng cho người cầm bút trên đường vươn tới đích. Nói là không quan tâm tới giải thưởng là không nói thật với lòng mình. Giải thưởng đánh dấu một cái mốc trưởng thành, một sự ghi nhận đối với lao động của người sáng tạo, nhưng tôi không quá nhìn ngắm và ve vuốt nó. Bởi con đường sáng tạo là không có điểm dừng. Mọi thành quả mình đã và đang có được của ngày hôm nay sẽ dần dần lùi lại ở phía sau lưng. Tôi đã bước qua tuổi 40, đã tạm đủ độ lắng để nhận ra cái hay, cái dở, cái tiến bộ, cái hạn chế trong chính con người mình, cho nên còn cầm bút sáng tác thì tôi đã và luôn cố gắng để hướng tới những điều tốt đẹp và tử tế nhất trong cuộc đời này.

- Có nhận định cho rằng thơ trẻ hiện nay đang thiếu đi “cái tôi của thiên hạ”, thiếu cả hoài bão, lý tưởng cũng như cái tôi từng trải nên thơ họ không tìm được sự đồng cảm từ bạn đọc. Anh nghĩ về điều này như thế nào?

+ Thơ gắn liền với kinh nghiệm sống. Đừng bắt người trẻ phải già trước tuổi. Hãy cứ để họ tự chín theo thời gian. Mở rộng không gian cảm nhận, thu hẹp cảm giác ngộ nhận cho họ thì nhất định thơ Việt trong tương lai sẽ xuất hiện những tác giả lớn. Cuộc sống vạm vỡ và sôi động đã và đang đem tới cho lớp người trẻ tuổi sự tràn căng của cảm xúc, cảm quan để họ có thể lọc chọn và chưng cất thành những tác phẩm đủ độ chín của thời đại mình.
- Thuộc thế hệ trưởng thành sau chiến tranh nhưng anh lại rất quan tâm đến việc tri ân lớp người đi trước đã hi sinh vì nền độc lập tự do dân tộc như tổ chức dự án Văn hóa “Uống nước nhớ nguồn”; Biên soạn, xuất bản sách và tổ chức các chương trình lưu danh các anh hùng liệt sĩ; Tặng sổ tiết kiệm, xây nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng gặp khó khăn… Anh có thể chia sẻ về điều này?

+ Chủ đề chiến tranh cách mạng và người lính bộ đội Cụ Hồ luôn trăn trở trong tôi từ nhiều năm nay. Thơ không nói hết được sự hi sinh, những mất mát, tinh thần quả cảm của các liệt sĩ thì tôi và các cộng sự của mình thể hiện trân trọng tấm lòng mình bằng các tác phẩm xuất bản trong bộ sách Huyền thoại Việt Nam. Từ hàng triệu trang sách và hàng vạn bản sách đã trang trọng in dòng tên của hàng vạn liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc.

Nhiều người lính bộ đội Cụ Hồ đã hi sinh không còn để lại gì: Không mộ chí, không một tấm ảnh, chỉ để lại một dòng tên cha mẹ đã đặt cho - và dòng tên ấy đã được lưu danh trang trọng trong những cuốn sách thờ, là niềm an ủi ấm áp cho biết bao những người mẹ, người cha, những gia đình liệt sĩ trong cả nước. Là một người cầm bút, tôi cảm thấy ấm lòng hơn khi được đóng góp một phần tâm sức nhỏ bé của mình vào công việc bảo tồn ký ức trong lòng người đang sống hôm nay.

Chính từ những rung động của một người cầm bút đã đem tới cho tôi một thiện duyên để thực hiện công việc có ý nghĩa thiêng liêng này trong suốt 5 năm qua. Chúng tôi vẫn còn tiếp tục công việc này, bởi sự tri ân những liệt sĩ đã ngã xuống cho Tổ quốc không bao giờ là đủ.

- Là một nhà thơ trưởng thành sau năm 1975, anh có suy nghĩ gì về hành trình của Thơ Việt trong những năm tới?

+ Đó là sự hòa quyện và đồng điệu giữa truyền thống và hiện đại. Sự hòa quyện ấy mới làm nên sự phát triển của thi ca Việt. Tôi ủng hộ sự đổi mới trong Thơ nhưng phải mang tâm hồn người Việt Nam. Tuy rằng sự đổi mới ấy không phải dễ dàng. Con đường đi từ số ít tới số đông của các nhà thơ không giống như một phép tính toán học, nó là phép tính của trái tim. Chính vì thế, những bài thơ thật sự phải được viết lên bằng chính rung cảm và tài năng thật có của nhà thơ. Tôi tin vào sự phát triển của thi ca Việt trong những năm tới bởi đã có rất nhiều giọng điệu trẻ đã và đang tiếp nối làm mới cho ngôn ngữ của cha ông!

- Cảm ơn anh đã tham gia cuộc trò chuyện!
Đoàn Văn Mật
Nguồn: VNQĐ

1 comment:

  1. + Nhìn thấy nguy cơ để tránh được nguy cơ đấy bạn ạ! Lo toan khác với toan tính. Đừng để toan tính bóp chết tình người, mà đã đánh mất tình người thì đâu còn có chỗ cho thơ! Mọi người đang lo toan cho một cuộc sống đầy đủ hơn, yên ổn hơn, ấm áp hơn chính là lo cho cuộc sống luôn có sự có mặt của thơ. Thơ với cuộc sống thường nhật luôn có tiếng nói chung trong sự lo toan chứ không bao giờ có tiếng nói chung trong sự toan tính.

    - Từ các tập thơ Mắt đêm (1996), Câu thơ mặt người (1999), Ngày rất dài (2007) đến những sáng tác gần đây, người ta thấy anh là một nhà thơ cả nghĩ và khá suy tư trầm lắng, điều này rất khác so với sự năng động trong cương vị anh đang đảm nhiệm là Giám đốc Trung tâm Thông tin Truyền thông Vì môi trường Phát triển thành phố Hà Nội. Liệu có phải đến với thơ sẽ giúp anh sống chậm lại?

    + Vâng, đúng vậy, chúng ta hôm nay đang sống trong một dòng chảy sôi động của một thế giới phẳng. Có biết bao nhiêu những lo toan bề bộn chật kín cả không gian lẫn thời gian. Dành một chút để lắng lại, để suy ngẫm, tựa như một gạch nối tinh thần quý giá giữa thực tại với hôm qua và với ngày mai là một sự lắng lại cần thiết. Nhắn nhủ mình sống chậm để không bao giờ chậm chân chính là điều tôi luôn luôn nhắc nhủ mình trong mỗi ngày làm việc và sáng tạo.

    Hiện tôi đang làm gia sư dạy kèm cho các trung tâm gia sư tphcm

    ReplyDelete