VĂN NGHỆ
TRẺ - Vấn đề nâng cao chất luợng hội viên, tiến hành những thay đổi quy chế về
đầu tu để có những tác phẩm đạt chất lợng cả về chiều sâu và bề rộng, hay làm
thế nào để các tác phẩm văn học tiếp cận đời sống một cách tích cực nhất. Đó là
một trong những điều quan trọng nhất mà mỗi nhà văn cần tìm cho mình một hướng
đi, và cả Hội nhà văn (tổ chức nghề nghiệp) cũng cần phải có những đổi mới để
những vấn đề văn chương đề cập tới vừa mang dấu ấn thời đại nhưng lại có lối đi
riêng. Nhằm chào mừng 55 ngày thành lập Hội nhà văn Việt Nam, báo Văn nghệ trẻ
xin đăng những ý kiến của các nhà văn về vai trò của Hội nhà văn và vai trò
từng cá nhân nhà văn trong mỗi sáng tác của mình.
Nhà văn Vũ Tú Nam |
NHÀ VĂN VŨ TÚ NAM: NGHỀ VĂN VÀ ĐỜI SỐNG VĂN HỌC HIỆN NAY
Hội nhà văn thành lập từ tháng 4 năm 1957, đến nay là 55 năm. Điều đáng nói đầu tiên là Hội đã đóng góp rất nhiều trong việc đào tạo bồi dưỡng sử dụng các tác phẩm của các nhà văn. Ví dụ như Hội tổ chức khoá đào tạo các nhà văn trẻ khoá 1 đến khoá 6. Khoá 1 nhiều nhà văn phát triển từ đó, khoá 2 tôi có tham gia phụ trách với anh nguyên Hồng, anh Kim Lân. Bây giờ còn những anh như Đỗ Chu, Lê Lựu, Như Trang, Vi Thị Kim Bình, Mã Thế Vinh…. Khoá 6 đào tạo đặc biệt cho các học viên để đi B. Tóm lại riêng việc đào tạo của Hội cũng giúp nhiều cho việc phát triển các lực lượng văn học.
Thứ 2 là Hội luôn luôn tổ chức các giải thưởng văn học, và các giải thưởng có tác dụng tốt đến đời sống xã hội, nâng cao uy tín nhà văn đồng thời kích thích sự sáng tạo của giới viết văn. Hồi tôi làm tổng thư kí khoá 4, trong số những giải thưởng được trao có cuốn của Bảo Ninh, nhiều ý kiến trái ngược nhau nhưng đến bây giờ ai cũng phải khẳng định đó là cuốn sách tốt và được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Một công
việc nữa là ở tất cả các khoá, đặc biệt những khoá đầu tiên, Hội hết sức chú
trọng đưa các nhà văn đi thực tế, ví dụ như đi vào các vùng sản xuất nông
nghiệp, đi vào bộ đội. đặc biệt là đi chiến trường miền Nam như Lê Khâm, Nguyên
Ngọc. Cuối cùng là Hội kết nạp được nhiều nhà văn có uy tín trong xã hội. Có
điều đó là do công phu của toàn hội, các cơ quan báo chí xuất bản của Hội phát
hiện lực lượng đó rồi Hội xem xét kết nạp. Đến bây giờ đội ngũ nhà văn ngày
càng đông, nhưng gần đây việc kết nạp có hơi xuống cấp, rộng quá và ít chú ý
đến chất lượng. Chuyện đào tạo phát hiện và kết nạp các nhà văn đã có nhiều
thành tựu tốt, tất nhiên cũng có nhiều điều cần phải chú ý. Có lẽ chính vì sức
hấp dẫn của nó mà trong suốt 55 năm Hội nhà văn đã nhận được sự tín nhiệm tốt
của xã hội và của các nhà văn trẻ, chứng minh là năm nào cũng tồn tại rất nhiều
lá đơn xin vào hội mà chưa được giải quyết. Tất nhiên không vì nhiều người ta
muốn vào Hội nhà văn mà giảm dần sự suy xét cẩn thận, nhằm đào tạo ra các nhà
văn vừa có tài, vừa có tác phẩm tốt đồng thời có nhân cách lớn, để tạo ra lòng
tin yêu tôn trọng của người đọc, của nhân dân với nhà văn, và cả sự tôn trọng
của lãnh đạo nữa.
Chúng ta
đang vấp phải nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về vai trò của
nhà văn, vai trò của Hội nhà văn với từng hội viên, thời nào cũng vậy thôi. Ví
dụ như khi tôi làm tổng thư kí khoá 4 có nhiều ý kiến khác nhau về chính trị
chứ không chỉ là quan điểm văn học. Làm thế nào để dung hoà được sự đoàn kết
nhưng vẫn khai thác được sáng tạo văn học của anh em. Khác nhau về quan điểm
nhìn nhận thực tế là chuyện bình thường, ví dụ có người nhìn nông thôn không
được vui vẻ, có người nhìn nông thôn lại quá tốt, đó là sự khác nhau, nhưng có
thể chấp nhận được và trao đổi với nhau được. Còn đối lập về chính trị thì khó
chấp nhận, nói gì thì hội nhà văn cũng có khẩu hiệu chung vì tổ quốc, vì chủ
nghĩa xã hội…
Trong xu
hướng mở cửa hiện nay, thách thức đặt ra với một hội nghề nghiệp là phải phát
hiện đúng những tài năng. Điều này không chỉ ông Chủ tịch hay ban chấp hành có
thể phát hiện hết, mà từng hội viên đều có thể phát hiện giúp hội, những mầm
mống viết văn đáng chú ý ở từng địa phương. Riêng cá nhân tôi, tôi thấy chúng
ta chưa làm được vì giờ đây các hội viên phần lớn chỉ lo cho cá nhân mình, thậm
chí có hội viên vào hội để có cái danh, vào xong không viết nữa. Đặc biệt là
vai trò của báo chí xuất bản, mà đứng đằng sau các cơ quan này là lực lượng lí
luận phê bình. Ví dụ một cây bút trẻ viết ra một tiểu thuyết hay tập truyện
ngắn, có những vấn đề rất hay nếu thấy có tiềm năng, triển vọng, đáng khuyến
khích thì các nhà lí luận phê bình phải có những bài phê bình giới thiệu, hoặc
nhà xuất bản phải biên tập sớm để cuốn sách nhanh chóng được ra mắt. Đáng tiếc
là mình chưa làm được nhiều những điều đó.
Không thể
phủ nhận những khoá trước đã làm đựơc, ví dụ khoá 2 hồi mà anh Nông Quốc Chấn
còn sống thì các nhà văn người Kinh khác đã giới thiệu được một số nhà thơ dân
tộc thiểu số mà sau này họ trở thành những nhà thơ tiêu biểu. Hay như Trần Đăng
Khoa khi còn đang bé, anh Phạm Hổ báo Văn nghệ đã giới thiệu lên báo, rồi anh
Xuân Diệu cũng có những bài viết về “thần đồng”. Có nhiều trường hợp đã làm
được chuyện đó, nhưng đến bây giờ công việc giới thiệu trở nên yếu và hơi lộn
xộn. Người ta chỉ thích nói hậu hiện đại rồi chủ nghĩa này kia nhưng chẳng hiểu
đâu vào đâu và cứ nghe đến hậu hiện đại là đề cao chứ không thấy thực chất giá
trị văn học là gì. Kết quả là người viết bây giờ được hưởng phần lớn là điểm
sách mà điểm sách nhiều khi là cánh hẩu, anh điểm cho tôi, tôi điểm cho anh,
tôi điểm báo này, anh điểm báo kia, nó không có mục đích chính xác. Điều đó một
mặt gây thiệt hại cho văn chương và làm cho các tác giả tự lầm lẫn về mình
tưởng mình ghê gớm lắm, do đó không có sự cố gắng.
Khó mà trách
cụ thể một ai nhưng các cơ quan báo chí xuất bản của Hội, các nhà phê bình Hội
viên của Hội chịu trách nhiệm đầu tiên về vấn đề này. Xuất bản và báo chí khó
khăn về kinh tế thị trường ai cũng rõ, nhưng khó gì thì khó không thể buông
được chuyện giới thiệu tác giả, tác phẩm chân chính thật sự đáng giới thiệu,
không nên vì họ có tiền mà mình cứ in bừa cho họ, có anh một năm in hai tập
thơ, không có giá trị gì. Thậm chí thơ bão hoà chẳng ai muốn đọc nữa. Khó nhưng
vẫn phải tìm cách giữ được phương hướng phát hiện tài năng thực sự và khuyến
khích họ, đôi khi có lỗ cũng chịu khó mà làm chứ giờ cái gì cũng nhìn thấy có
lãi mới làm, mới in sách, in bài thì thật khó.
Vấn đề lớn
với các cây bút hiện nay, cuối cùng vẫn là lí tưởng, lí tưởng của người viết,
lí tưởng của một công dân cầm bút như thế nào. Thêm nữa là trình độ, sự hiểu
biết, học vấn thậm chí ngoại ngữ có đủ sức để giữ được danh nghĩa nhà văn trong
giai đoạn hiện nay hay không. Nói gì thì nói nhà văn phải có học vấn cao, ít
nhất phải biết một ngoại ngữ để có thể quan hệ một cách bình đẳng và tự do với
các nhà văn các nước bạn. Đó là những suy nghĩ của tôi về nghề văn và đời sống
văn học hiện nay.
NHÀ THƠ TẠ VĂN SỸ: VẤN ĐỀ CHĂM SÓC HỘI VIÊN
Sống trong
thời đại mọi sự đều có xu hướng toàn cầu hóa, thì dĩ nhiên việc “toàn quốc hóa”
các hình thái hoạt động xã hội là điều dĩ nhiên.
Các Hiệp hội
ngành nghề, các Hội chuyên nghiệp văn học nghệ thuật cũng vì thế ra đời. Mà đã
ra đời thì yêu cầu phải chu toàn công tác tổ chức hội viên và các hoạt động
chuyên ngành. Hội Nhà văn Việt Nam cũng vậy.
55 năm qua
Hội Nhà văn đã làm tốt được nhiều chuyện trong chức năng của mình. Điều ấy
không chối cãi đâu được. Tuy nhiên, cũng như nhiều tổ chức khác, không thể nào
không có những cái… “tồn tại”, mặc dù cũng không phải là khó giải quyết lắm.
Ví như
chuyện kết nạp hội viên. Bao nhiêu năm bị ì xèo đủ thứ! Rồi vì do kết nạp “chưa
chuẩn” nên số hội viên tăng chóng mặt. Từ chỗ hội viên đông đảo dẫn đến việc
“chăm sóc” hội viên dường như không bao biện xuể! Điều này lại làm xảy ra những
ì xèo khác. ấy là ì xèo việc được hỗ trợ, tài trợ sáng tác, in ấn, hoặc được đi
dự trại sáng tác, được đi tham quan các vùng miền trong nước, được đi nước
ngoài v.v…
Để tránh
tình trạng này theo tôi, Hội cần kịp thời thông báo sớm những kế hoạch, chương
trình hoạt động của mình cho tất cả hội viên. Ví dụ như cái “Bản tin hội
viên” chẳng hạn. Lâu nay, năm thì mười họa mới có một số! Mà chỉ là đưa tin
những việc đã qua. Nếu nó được phát hành thường xuyên hơn, sớm sủa hơn, bên
cạnh đưa tin những cái đã làm thì thông báo luôn những dự định, kế hoạch sắp
đến (trước chừng một tháng, chẳng hạn) để hội viên nắm bắt mà quyết định “quyền
lợi” và “nghĩa vụ” của mình.
Được biết ở
văn phòng Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, nhân lực ít hơn
nhiều so với văn phòng Hội Nhà văn, thế mà đều đặn tháng nào họ cũng có một “Bản
tin hội viên” thông báo cái đã qua và công việc sắp tới, nên hội viên của
họ luôn kịp thời nắm bắt mọi hoạt động, mọi kế hoạch của trung ương Hội và các
Chi hội bạn trong cả nước.
Mong sao
những chuyện nho nhỏ này được văn phòng Hội Nhà văn ta để ý khắc phục. Chuyện
không khó!
PV.VNT ghi
Nguồn: Phong Điệp
No comments:
Post a Comment