.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, December 15, 2012

NHÀ THƠ TRẦN HOÀNG THIÊN KIM, PHAN TRUNG THÀNH: SỐNG CÓ TRÁCH NHIỆM HƠN VỚI TRANG VIẾT CỦA MÌNH


Văn nghệ Trẻ - Hội Nhà văn đã là một ngôi nhà ấm cúng. Đó là ngôi nhà mà các bậc cha chú, những nhà văn mà tên tuổi đã xây nên qua lớp lớp thời gian để làm nên những tượng đài trong nền văn học Việt. Và tất cả những bạn trẻ, tôi tin rằng, khi được đứng trong ngôi nhà chung ấy sẽ cảm thấy mình tự tin hơn, sống có trách nhiệm hơn với trang viết của chính mình.

- Mỗi năm, Hội nhà văn lại nhận thêm nhiều lá đơn của những người viết từ mọi  miền tổ quốc gửi về, với mong muốn được trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Mỗi người có một tâm nguyện, còn các bạn – khi gửi đi lá đơn của mình, các bạn gửi gắm điều gì?

Nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim
- Trần Hoàng Thiên Kim: Có lẽ những ai làm nghề đều mong muốn mình sẽ được đứng trong Hội nghề nghiệp để được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, được là một phần trong dòng chảy của nền văn học nghệ thuật đương đại. Với tôi, Hội Nhà văn đã là một ngôi nhà ấm cúng. Đó là ngôi nhà mà các bậc cha chú, những nhà văn mà tên tuổi đã xây nên qua lớp lớp thời gian để làm nên những tượng đài trong nền văn học Việt. Và tất cả những bạn trẻ, tôi tin rằng, khi được đứng trong ngôi nhà chung ấy sẽ cảm thấy mình tự tin hơn, sống có trách nhiệm hơn với trang viết của chính mình.
- Phan Trung Thành: Sau chặng đường 15 năm theo nghiệp cầm bút (1995-2010) tôi in riêng 5 tập thơ và 1 tập trường ca, ngoảnh lại thấy mình đang “bơi” trong ma trận chữ, càng lúc càng rối rắm và bế tắc. Những lúc ấy, tôi cần đồng nghiệp, cần bạn bè, cần một nơi nào đó cho mình trao đổi, học hỏi…Đó là lúc tôi cần đến số đông, cần Hội. Vì sao? Vì nơi ấy có những người cầm bút mà mình kính trọng, mình ước ao được như thế.
Liệu có gì thay đổi khi bạn  chính thức trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam?
- Phan Trung Thành: Thật ra, vào Hội rồi thì tôi vẫn là tôi, một công chức bình thường cho công việc và một “phía sau” là niềm đam mê sáng tác, mỗi ngày không viết được gì coi như tôi chẳng có chút “lãi” gì cả. Cho nên tôi nghĩ rằng, một người cầm bút mà không còn viết gì được nữa thì coi như đã “thiên thu” rồi. Nhưng nói thế thôi, một người có đạo (bất kì đạo nào) thì họ luôn trằn trọc điều mình viết có lợi ích cho ai, khi không thỏa mãn điều đó, họ có thể ngồi chơi hơn là viết những điều làng nhàng uổng phí, lãng phí. Bạn tôi, có người đang như thế.
- Còn với Trần Hoàng Thiên Kim, khi trở thành Hội viên hội nhà văn, điều ấy có ý nghĩa như thế nào với bạn?
- Trần Hoàng Thiên Kim: Đó là một niềm vinh dự lớn lao, một niềm vui không thể nói được bằng lời, nhưng quả thật điều ghi nhận này cũng đầy trách nhiệm cho hầu hết những người viết trẻ chúng tôi.
- Các bạn tâm niệm như thế nào về văn chương - con đường mà mình đang theo đuổi?
- Trần Hoàng Thiên Kim: Văn chương là thứ đã theo tôi đi suốt cả một chặng đường dài. Giúp tôi trưởng thành hơn nhiều trong suy nghĩ, nhận thức. Tôi lớn lên cùng những trang viết, những vần thơ, những sự trải nghiệm… đôi khi nằm ngoài dự định của chính mình. Bây giờ đọc lại những bài thơ cũ, tôi nhận ra rằng, văn chương còn là thứ giúp tôi lưu giữ được cả những ký ức tưởng đã nguôi ngoai trong tâm hồn mình. Đối với tôi, văn chương là một phép màu kỳ diệu để cho thể giúp mình xua tan mọi nỗi ưu phiền, bởi vì, nếu tất cả có rời bỏ mình đi thì mình vẫn còn một bến bờ ấy để có thể trút bỏ. Đôi khi tôi vẫn nghĩ rằng, ông trời phải ưu ái lắm, nên mới cho mình chút năng khiếu ấy để tiếp tục đồng hành cùng con đường cuộc sống còn rất dài ở phía trước.
- Phan Trung Thành: Như trên tôi đã chia sẻ, hạnh phúc nhất là mỗi ngày mình  viết được điều gì mà mình cho là đang cần, và mong muốn được trải lòng ra bằng những con chữ. 
- Theo các bạn, nhiều người viết trẻ hiện nay có  mặn mà với việc xin vào Hội nhà văn hay không?
- Trần Hoàng Thiên Kim: Những người bạn viết trẻ mà tôi biết, họ đều rất mong mỏi được vào Hội, không phải vì những hư danh nào đó, mà thực sự, đó là một môi trường tốt để họ được sống, được viết, được đánh giá tác phẩm một cách chuẩn xác nhất, chính thống nhất, công tâm nhất từ các bậc cha anh cũng như những đồng nghiệp của mình.
- Phan Trung Thành: Các bạn trẻ mà tôi biết họ cũng rất mong muốn được vào Hội. Thực tế hiện nay chúng ta cũng đang  có những tác giả “nổi đình nổi đám” được kết nạp vào Hội .

Nhà thơ Phan Trung Thành

- Theo các bạn Hội nhà văn cần làm gì để tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp người trẻ vào Hội?
-Trần Hoàng Thiên Kim:  Nhiều người viết trẻ hiện nay vẫn lo ngại rằng, để vào được Hội nhà văn thực sự là một ngõ hẹp đối với những cây bút trẻ. Có lẽ đó là tiêu chí chung của Hội. Nhưng hiện nay, tôi được biết, Hội Nhà văn có riêng một Ban Nhà văn trẻ hoạt động nhằm thu hút sự quan tâm, hội ngộ của giới trẻ. Và có lẽ Ban Nhà văn trẻ sẽ có thêm một nhiệm vụ là phát hiện, bồi dưỡng để đưa những người trẻ đứng trong hàng ngũ Hội Nhà văn.
- Phan Trung Thành: Tôi nghĩ, phát hiện cũng là một kênh đáng tin và hữu ích. Chúng ta có các Ban, các Hội đồng, có BCH  trải đều khắp các miền thì việc phát hiện các cây bút mới là điều không khó, giúp họ có những kết quả bước đầu cũng là điều đáng làm mà Hội Nhà văn Việt Nam đã làm tốt trong những năm qua.
­- Như vậy công tác nhà văn Trẻ của Hội cần phải làm gì để kích thích người trẻ sáng tác được những tác phẩm chất lượng cao?
-  Trần Hoàng Thiên Kim: Tôi cho rằng, những người viết trẻ, dù họ có những điểm mạnh của giới trẻ, của thời đại, nhưng dù muốn dù không họ vẫn có những điểm yếu nhất định trong quá trình viết. Vì vậy, để thẩm định các tác phẩm văn chương của lớp trẻ những nhà văn đi trước nên có một cách nhìn thoáng hơn, ưu ái hơn đối với những trang viết trẻ để họ không bị cảm thấy quá “lép vế” trước một cuộc đời đồ sộ, những trang viết đồ sộ mà những lớp đàn anh đã có.
- Phan Trung Thành:  Tôi nghĩ “tác phẩm chất lượng cao” thuộc về từng cá nhân, cái tài cùng với trách nhiệm và bản lĩnh của họ tạo nên những vấn đề xương cốt cho tác phẩm. Tôi chỉ ước có những cuộc giao lưu kiểu như “đại hội nhà văn trẻ” hoặc “gặp gỡ các cây bút trẻ” tổ chức ở phía Nam, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây rất nhiều nhiều tác giả trẻ có  tiềm lực, cần được phát hiện, bồi dưỡng.
- Xin cảm ơn các bạn đã tham gia cuộc trò chuyện. Mong rằng thời gian tới bạn đọc sẽ được đọc những tác phẩm mới, chất lượng cao của các bạn.
Thiên An thực hiện
Nguồn: Phong Điệp

No comments:

Post a Comment