.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, December 16, 2012

JORGE MARIO PEDRO VARGAS LLOSA: GỬI NHÀ VĂN TRẺ

 
VĂN NGHỆ - Jorge Mario Pedro Vargas Llosa được coi là một trong những nhà văn Mỹ La tinh vĩ đại nhất hiện nay (cùng với Juán Nepomuceno Carlos Pérez Rulfo Vizcaíno, Carlos Fuentes Macías, Jorge Luis Borges và Gabriel José García Márquez), là tác giả tích cực nhất, có thành công thương mại nhất trong không gian văn học này ở thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Các tác phẩm của ông được dịch ra hàng chục thứ tiếng nước ngoài và được chuyển thể điện ảnh.
Jorge Mario Pedro Vargas Llosa

Trước khi đoạt Nobel văn học 2010, ông đã có nhiều giải thưởng uy tín: Giải “Thư viện Breve” Italia (1963), Huân chương Chiến binh danh dự Pháp (Ordre national de la Légion d'honneur, 1985), Giải quốc tế Romulo Gallegos dành cho truyện ngắn (Premio Internacional de Novela Rómulo Gallegos, 1967), Giải Hoàng tử Asturias (Premio Príncipe de Asturias de las Letras, 1986), Giải Cervantes (Premio Miguel de Cervantes (1994), Giải Hội chợ sách quốc tế Jerusalem (1995) cho nhà văn có tác phẩm bảo vệ tự do cá nhân trong xã hội, Giải Hòa bình của những người bán sách Đức (Der Friedenspreis des Deutschen Buchhandels, 1996), Giải Del Duca Pháp (Prix mondial Cino Del Duca, 2008).
Phần trích dẫn dưới đây từ “Những bức thư gửi nhà văn trẻ” (Cartas a un joven novelista) của Vargas Llosa sẽ giải mã vài bí mật “bếp núc” cho những người dám dấn thân vào văn học.
I
1. Người mới bước vào văn học, giống như sa vào một tôn giáo, sẵn sàng hiến dâng cuộc đời, nhiệt huyết và nỗ lực của mình cho sự nghiệp, luôn muốn làm nhà văn đích thực để viết nên tác phẩm mà mình thấu hiểu.

2. Không có những tiểu thuyết gia chín sớm. Mọi tiểu thuyết gia vĩ đại, tuyệt vời, ban đầu đã từng là những cây bút xoàng đang tập sự. Tài năng của họ được sinh ra từ nền tảng kiên định và sự vững tin.

3. Văn chương là thứ tuyệt nhất được phát minh ra để tránh bất hạnh.

4. Trong bất kỳ điều hư cấu nào, cả trong sự tưởng tượng rất tự do, đều có thể nhận ra xuất phát điểm, nguồn gốc nội tâm gắn bó bên trong với tổng hòa kinh nghiệm đường đời của những điều tác giả tưởng tượng ra. Tôi dám khẳng định rằng không có ngoại lệ đối với nguyên tắc này, và vì thế, sự tưởng tượng thuần túy không tồn tại trong các lãnh địa của văn học.

5. Hư cấu, theo định nghĩa, đó là bịa tạc, là hiện thực không hề có, dù nó có vẻ là thực, và toàn bộ tiểu thuyết – đó là sự dối trá mạo xưng sự thật, là công trình sáng tạo, sức mạnh thuyết phục của nó phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng những thủ pháp kỹ thuật của nhà ảo thuật, giống như phù thủy trong rạp xiếc và trên sân khấu.

6. Tính chân thật và đúng đắn của người viết tiểu thuyết dựa trên nền tảng này: tiếp nhận những con quỷ của riêng mình và sai khiến chúng bằng sức mạnh của mình.

7. Tác giả tiểu thuyết, nếu không viết về những gì trong thẳm sâu lương tâm mình đang trăn trở và muốn giãi bày, đồng thời lại dễ dãi lựa chọn những chủ đề và đề tài nhạt nhẽo, thiếu lửa, chỉ vì nghĩ rằng sẽ đạt được thành công lớn bằng cách này, thì đó là nhà văn không chân chính và chắn chắn cũng là kẻ viết tiểu thuyết tồi (mặc dù có thể vẫn thành công, bởi trong số những tác phẩm bán chạy nhất cũng có rất nhiều tiểu thuyết tồi).

8. Một tiểu thuyết tồi luôn khiếm khuyết, hoặc rất yếu, ở sức thuyết phục, không làm cho chúng ta tin câu chuyện dối trá được kể là sự thật.

9. Câu chuyện được kể trong tiểu thuyết có thể không lô-gích, nhưng ngôn ngữ mà nó thể hiện phải khúc triết và lô-gích, để sự không mạch lạc kia hoàn toàn mang hình hài của sự thật và chính cuộc sống.

10. Trong văn học, tính chân thật hay không chân thật không phải là đề tài đạo đức nếu thiếu thẩm mỹ.

11. Văn học – đó là nghệ thuật thuần túy. Nhưng văn học vĩ đại hoàn toàn không chú ý điều này, nó chỉ vô tình bộc lộ điều này.

12. Để viết ra một câu chuyện, người viết tiểu thuyết nghĩ ra người kể chuyện, người đại biểu và đại diện toàn quyền của mình trong tưởng tượng, những điều tưởng tượng, cũng như các nhân vật khác sẽ được kể đến. Người kể chuyện được sinh ra từ các câu chữ và sống chết cùng tiểu thuyết.

13. Thời gian trong tiểu thuyết là chủ quan, được thiết lập theo thời gian tâm lý học, chứ không theo niên biểu học. Tài nghệ của người viết sẽ tạo cho thời gian đó vẻ ngoài khách quan sao cho tiểu thuyết của mình có khoảng cách và sự khác biệt của thế giới thực.

14. Điều quan trọng cần biết là: toàn bộ cuốn tiểu thuyết có một quan điểm không gian, thời gian và mức độ hiện thực khác. Cho dù điều đó thường không hiển nhiên, song cả ba yếu tố này thực sự độc lập, khác biệt nhau, cũng như chúng phối kết hợp với nhau. Rốt cục tính lô-gích nội tại của chúng tạo nên sức thuyết phục của tiểu thuyết.

15. Nếu trong thời gian kể chuyện, người viết không đặt mình vào những hạn chế nhất định, câu chuyện sẽ không đầu, không cuối.
II
…Đối với người được phú cho tài năng văn học, thì chính cơ hội hiện thực hóa bản thân là phần thưởng cao nhất, hơn tất cả những gì người đó có thể nhận được khi đạt tới thành công. Tôi hoàn toàn tin vào một điều – dù nhiều khía cạnh khác của tài năng văn học đối với tôi vẫn còn là bí ẩn sau bảy lần xuất bản sách, rằng nhà văn cảm nhận bằng tâm hồn và công việc người đó đã lựa chọn là tốt nhất trong tất cả những nghề mà nhà văn đã kịp làm trong quá khứ hoặc có thể sẽ làm trong tương lai, bởi viết văn đối với nhà văn là cách tốt nhất trong tất cả cách sống đúng tầm của họ, không phụ thuộc vào việc họ sẽ nhận được những lợi ích xã hội, chính trị hay vật chất nào từ sáng tác. Tôi thực sự cho rằng tài năng ở đây là điều kiện tất yếu và nếu không có tài năng thì liệu có nên tiếp tục bàn về đề tài các bạn quan tâm – làm thế nào để trở thành nhà văn.

… Tôi nghi ngờ, nếu tôi không lầm (dù đương nhiên, tôi đã lầm), rằng khi người này hay người kia phát lộ rất sớm (khi còn thơ ấu hoặc niên thiếu) năng khiếu tưởng tượng ra những con người, sự kiện, tình huống, những thế giới khác với thế giới người đó đang sống, thì có thể lý giải năng khiếu đó như là dấu hiệu đầu tiên của cái gọi là tài năng văn học. Tất nhiên, có một vực thẳm mà phần lớn người trần tục không thể vượt qua giữa nghề viết văn với mưu toan lẩn tránh thế giới hiện thực và cuộc sống hiện tại, lướt đi trên đôi cánh tưởng tượng, lơ lửng trên mây. Chỉ một số ít trở thành nhà văn và sáng tạo ra những thế giới mới bằng các ngôn từ - đó là những người đã biết bồi đắp năng khiếu ban đầu của mình bằng nỗ lực ý chí, cái mà Jean-Paul Sartre gọi là sự lựa chọn. Nói cách khác, vào thời điểm nào đó con người đã quyết định trở thành nhà văn, đã chọn mình theo cách này, hay đã chọn cho mình số phận này, đã thu xếp cuộc sống của mình theo hướng cải biến năng khiếu thành ngôn ngữ viết trước khi nó biến thành sự tưởng tượng (trong bộ não bí ẩn) về cuộc sống mới và những thế giới mới.

…Quyết định của bạn lấy văn chương làm số phận của mình phải biến thành thái độ sẵn sàng phục vụ trung thành cho văn học và thực sự trở thành nô lệ của văn học. Để lý giải tư duy này thuyết phục hơn, tôi sẽ nói rằng các bạn ở một mức độ nào đó giống những phụ nữ nổi tiếng của thế kỷ XIX – những người đã sợ phát phì và mơ ước giữ gìn thân hình kiều diễm đến mức buộc mình nuốt sán dây. Các bạn đã khi nào nhìn thấy người mang trong mình thứ ký sinh trùng đáng sợ đó chưa? Tôi đã nhìn thấy và đoan chắc với các bạn rằng, những phụ nữ đó xứng đáng được gọi là những anh hùng, những người khổ sở vì sắc đẹp. Vào đầu những năm 60, tôi có một người bạn tuyệt vời ở Paris – chàng họa sĩ trẻ Tây Ban Nha José María. Anh cũng bị mắc căn bệnh này. Vấn đề là khi đi vào cơ thể, sán dây dường như gắn liền với cơ thể, được nuôi dưỡng cùng cơ thể, phát triển và sinh sôi, vô cùng khó tống nó khỏi cơ thể mà nó đã bám vào và đang sống rất thoải mái. José María gầy sút, dù phải liên tục ăn uống (nhất là sữa) để cung phụng con ký sinh trùng đang cư ngụ trong nội tạng của anh, nếu không thế bệnh nhân sẽ đau đớn không thể chịu nổi… Tôi sửng sốt với lời nhận xét của José María: “Chúng ta thường cùng nhau đi xem phim, đến các triển lãm, tới các cửa hàng sách, tranh luận hàng giờ về chính trị, văn học, điện ảnh, bạn bè. Anh đang làm tất cả những việc này vì ý nguyện của bản thân, còn tôi không được thế. Tôi vì con sán dây. Dù sao tôi cũng có cảm giác rằng, dường như bây giờ tôi sống không vì mình, mà vì kẻ đã cư ngụ trong tôi và tôi đã thành nô lệ của nó”.

Từ đó tôi thích so sánh cuộc sống của nhà văn với cuộc sống của anh bạn José María. Văn học – không là thú giết thời gian, không là thể thao, không là trò chơi tao nhã mà người ta dành hàng giờ tiêu khiển. Đó là nghề đòi hỏi nghị lực cao độ, phi thường, hơn hẳn mọi nghề khác, có vị trí ưu tiên mà không một cái gì khác có thể xâm phạm vào. Đó là sự phụng cho cái đích đã tự nguyện lựa chọn, cái đích đã biến những ai đã lựa chọn nó thành nô lệ (kẻ tuẫn nạn may mắn). Phải thường xuyên chuyên tâm cho văn học, dành cho nó toàn bộ cuộc đời, chứ không chỉ vào những giờ ngồi và viết; nó chi phối mọi công việc khác, bởi lao động văn học rút ruột chính cuộc đời nhà văn, tựa như con sán dây lớn đã ngụ cư trong cơ thể con người. Flaubert từng nói: “Văn – cách sống”. Nói cách khác, người đã lựa chọn sứ mệnh cao đẹp như thế không viết để sống, mà sống để viết.
…Tôi nghĩ chỉ người hiến mình cho văn học, như những người hiến mình cho tôn giáo, kiên quyết dành cho nó toàn bộ thời gian, tất cả nghị lực và sức lực, mới có khả năng trở thành nhà văn đích thực và tạo nên tác phẩm vinh danh mình. Rồi còn một điều bí ẩn nữa – nó được gọi là tài năng. Không ai sinh ra là thiên tài, chí ít trong số các nhà văn không có ai như vậy, dù ở các nhà thơ hay nhạc sĩ có chuyện bộc lộ thiên tài sớm và bất ngờ (như: RimbaudMozart), mà không cần nhiều năm lao động kiên trì, có kỷ luật. Tài năng của họ phát triển dần dần nhờ lòng kiên trì và niềm tin vào chí hướng của bản thân. Ngoại trừ Rimbaud trở thành nhà thơ thiên tài khi còn trẻ, tấm gương của các nhà văn từng xây đắp tài năng của mình bằng từng viên gạch nhỏ sẽ tạo niềm tin cho tác giả mới vào nghề.

Nếu bạn thích đề tài mổ xẻ tài năng văn học này, tôi xin giới thiệu cho bạn những lá thư uyên bác của Gustave Flaubert từ năm 1850 đến cuối năm 1854, trong thời gian ông viết Bà Bovari – kiệt tác đầu tiên của mình. Những lá thư này đã giúp tôi rất nhiều, khi tôi mới bắt đầu sáng tác. Dù Flauber là người bi quan và trong thư của ông đầy những lời nguyền rủa nhân loại, song tình yêu của Flauber đối với văn học là vô hạn. Bởi ông dính vào sứ mệnh đã lựa chọn, như người lính Thập tự, với lòng mẫn cán tới mức cuồng tín, ông đã dâng hiến cho sứ mệnh cả ngày và đêm, thái độ nghiêm khắc của ông đối với bản thân là vô hạn. Nhờ đó ông đã biết vượt qua chính mình, qua những giới hạn ban đầu đề ra cho mình (những điều này rất dễ nhận thấy trong các tác phẩm thời đầu của ông – mắc phải thói phô trương và nhắm mắt học đòi các tiểu thuyết gia thời thượng khi đó) để viết nên những tác phẩm có thể được coi là những tiểu thuyết đầu tiên của thời đại mới, như Bà Bovari, Giáo dục cảm xúc (L'Éducation sentimentale. 1869).

…Thế nào là nhà văn đích thực? Sẽ không ai tranh luận rằng hư cấu nghệ thuật theo định nghĩa là lừa dối, mà đó là hiện thực mà không như thực, chỉ mô phỏng hiện thực, rằng bất kỳ tiểu thuyết nào cũng là sự dối trá mạo nhận mình là sự thật, đó là sự sáng tạo mà tính thuyết phục của nó chỉ phụ thuộc vào việc nhà văn đã sử dụng thành công một loạt thủ pháp tương tự như các nhà ảo thuật sử dụng trong rạp xiếc. Vậy liệu chúng ta có quyền nói về tính xác thực đối với tiểu thuyết không, nếu ngay trong thể loại này điều xác thực nhất vẫn chỉ là lừa dối, giả mạo, hão huyền? Ta có quyền, nhưng nên đặt vấn đề theo cách khác: có thể coi là nhà văn đích thực (hay thực sự) khi tác giả tuân thủ đầy đủ, chu đáo mệnh lệnh của cuộc sống mà viết về một nhóm đề tài này và tránh những đề tài khác (nếu chúng không được sinh ra trực tiếp từ kinh nghiệm riêng và không phạm vào nhận thức của nhà văn). Nói cách khác, tính chân thực của người viết tiểu thuyết là an phận với những điều ma mị của riêng mình và toàn lực phục vụ chúng.
Theo quan điểm của tôi, khó trở thành người sáng tạo, người cải biến hiện thực khi những ám ảnh (điều ma mị) từ trong sâu thẳm tâm hồn mình (từng biến những người viết tiểu thuyết như chúng ta thành những kẻ nổi loạn chuyên tái dựng cuộc sống vào những điều hư cấu) không khích lệ và nuôi dưỡng bạn. Tôi nghĩ, nếu viết từ những gì ám ảnh và khích lệ ta, những gì đã gắn bó với ta, đeo bám vào cuộc đời ta, dù đôi lúc không hiểu vì sao, – khi đó sẽ viết được “tốt hơn”, thuyết phục hơn, mạnh mẽ hơn, có tất cả những gì cần thiết để bước vào con đường quyến rũ, nhưng vất vả khôn lường, đầy đau khổ và chán chường – viết tiểu thuyết.
                                                                                                             
LÝ CHIÊM
Theo Kuprienko.info Novostiliteratury.ru
- Nguồn: Phong Điệp

No comments:

Post a Comment