.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, December 23, 2012

NHÀ BÁO LÊ PHƯƠNG DUNG: THƯA NGÀI SHAWN CRISPIN

Ngài Shawn Crispin có lẽ “quên” một điều sơ đẳng rằng: Quốc gia nào cũng phải có luật lệ riêng của mình, nhất là lại liên quan đến vấn đề rất “nhạy cảm” – vấn đề TỰ DO BÁO CHÍ tại Việt Nam. 
Nhà báo Lê Phương Dung và ông Dương Trung Quốc
Năm 2006, Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng ký chỉ thị 37 để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về biện pháp tăng cường lãnh đạo, quản lý báo chí. Theo chỉ thị này, Chính phủ Việt Nam kiên quyết không để tư nhân hoá báo chí dưới mọi hình thức. Không để bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí phục vụ lợi ích riêng. Thủ tướng Việt Nam còn ra chỉ thị bổ xung thêm những biện pháp để kiểm soát báo chí chặt chẽ hơn. Điển hình là Nhà nước không chấp thuận báo chí tư nhân. Cho đến thời điểm này, trong số hơn 700 tờ báo cùng gần 100 Đài phát thanh và Truyền hình trong cả nước, tất cả đều phụ thuộc vào những cơ quan nhà nước và chịu sự chỉ đạo của một cơ quan quản lý báo chí là Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam & Ban Tuyên Giáo Trung ương.

Mới đây, tháng 8 năm 2011, tại Hội nghị báo chí diễn ra tại Quảng Bình. Cục Báo chí ( Bộ Thông tin & Truyền thông ), cũng đã tái khẳng định rằng: Tất cả báo chí trong nước đều là cơ quan ngôn luận của Đảng, nên nhiệm vụ chủ yếu là ” Tuyên truyền đường lối, chủ chương của Đảng, và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân “. Vì vậy, báo chí phải cảnh giác việc: ” đưa tin không phù hợp với lợi ích quốc gia và nhân dân, cùng những nhận thức sai lệch về chính trị “. Chính vì các phương tiện truyền thông ngày càng được hiện đại hoá,cũng như TỰ DO BÁO CHÍ, hay tự do thông tin là một trong những quyền căn bản nhất của con người, được hầu hết các quốc gia công nhận bằng văn bản luật, thậm chí Hiến pháp. Trong bản ” Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền ” cũng đề cập và công nhận quyền tự do này của mỗi công dân. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền tự do báo chí ở mỗi quốc gia đều ở mức độ khác nhau. Ở Việt Nam hiện nay, với một thống kê mới nhất: 550 cơ quan báo chí, 19 nghìn hội viên Hội NBVN, hơn 700 Ấn phẩm báo chí, với các loại hình từ báo viết, báo nói, báo hình đến Internet, và hiện nay mỗi người dân được thụ hưởng tới 7,5 tờ báo. Sự phát triển các nhu cầu thông tin không gặp bất cứ một trở ngại nào, đó chính là biểu hiện sinh động của TỰ DO BÁO CHÍ ở Việt Nam.
Ngay tại nước Mỹ, nơi thường được mệnh danh là ” Thiên đường tự do “, thì luật pháp của các tiểu bang cũng quy định rất rõ về vấn đề này, và đã không ít người bị bắt và sử lý, mặc dù ở Hoa Kỳ không có một Bộ Thông tin. Các hệ thống truyền thông và truyền hình tư nhân chủ động làm việc trên căn bản tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, theo mức độ tự kiểm soát và lương tâm nghề nghiệp. Người làm báo, truyền thông và truyền hình tại Hoa kỳ và nhiều nước trên thế giới khi có nhiều quyền hành và lợi thế, đồng nghĩa họ sẽ có nhiều trách nhiệm và bổn phận.
Mặc dù, báo Chí được mệnh danh là ” đệ tứ quyền “,( đứng sau lập pháp, hành pháp, tư pháp), song dù hoạt động dưới bất cứ hình thức nào, bất cứ ở đâu, do bất cứ lực lượng nào đảm trách, thì ” đệ tứ quyền ” vẫn cần tôn trọng những tiêu chuẩn căn bản về tự do ngôn luận, phẩm giá nhân bản, công lý và nhân ái.
Việc phóng viên đưa tin sai sự thật, có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Luật Báo chí, thì phải chịu hình phạt của luật pháp. Đó là thể hiện tính nghiêm minh của nhà nước pháp quyền, và sự quản lý báo chí bằng pháp luật ở Việt Nam. Điều đó hoàn toàn không phải là cản trở hoạt động báo chí ở Việt Nam. Những lời ” cáo buộc ” của MR. Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ là đi ngược lại tiêu chí ” khách quan, tôn trọng sự thật “, vì sự phát triển của báo chí Việt Nam, cũng như của các nước trên thế giới.
LÊ PHƯƠNG DUNG
(Tác giả gửi từ Ấn Độ)
*
Mời đọc bài phỏng vấn
Phỏng vấn Đại diện Đông Nam Á của CPJ về tự do báo chí Việt Nam
Thưa quý vị, vài ngày sau Ngày Nhân Quyền Quốc tế 10 tháng 12, 2012, Ủy Ban Bảo vệ các Ký Giả (CPJ) đã công bố một phúc trình về tình hình tự do báo chí trên thế giới, xếp hạng Việt Nam nằm trên danh sách các nước đàn áp mạnh bạo nhất các nhà báo và bloggers độc lập. Câu Chuyện Việt Nam do Hoài Hương phụ trách tuần này xin được dành để gửi đến quý vị phần đầu cuộc phỏng vấn với ông Shawn Crispin, Đại diện cấp cao của CPJ ở Đông Nam Á. Ông Crispin là tác giả của phúc trình nghiên cứu tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, và bản thân từng là một nhà báo cộng tác với nhiều tạp chí quốc tế có uy tín. Mời quý vị theo dõi câu chuyện giữa ông Crispin và của Ban Việt Ngữ -VOA sau đây:
VOA: Thưa ông, Việt Nam xếp hạng thứ 6 trên danh sách của CPJ, liệt kê 10 nước bỏ tù nhiều nhà báo nhất thế giới. Ông từng sang Việt Nam nghiên cứu để soạn một phúc trình rất đầy đủ về tình hình báo chí tại đó. Vậy xin ông nhận định về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam tại thời điểm này, và liệu có cải thiện nào trong năm qua?
Ông Shawn CrispinRõ rệt là tình hình tự do báo chí ở Việt Nam đang nhanh chóng tuột dốc. Cuộc nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, chính quyền Việt Nam đang tăng cường đàn áp các blogger độc lập, và các nhà báo viết bài đăng trên mạng. Điều đó chứng tỏ là chính quyền Việt Nam đã có một nỗ lực phối hợp để khép lại một thế giới mạng từng hoạt động tương đối cởi mở, cung cấp các quan điểm và tin tức đa dạng bên cạnh giới truyền thông chính thức bị nhà nước chi phối. Sự kiện Việt Nam xếp hạng thứ 6 trên danh sách của CPJ là một dấu hiệu cho thấy là giới thẩm quyền Việt Nam ngày càng ra tay trấn áp mạnh bạo hơn các quyền tự do trên mạng. Cuộc nghiên cứu do chúng tôi thực hiện cho thấy là trong 14 nhà báo hiện đang bị cầm tù ở Việt Nam, có tới 13 người là những nhà báo mạng. Thế cho nên đây là một trong những chiến dịch đàn áp tự do trên mạng tệ hại nhất so với bất cứ nơi nào trên thế giới, chiến dịch này vẫn đang tiếp diễn ở Việt Nam. Quan tâm của chúng tôi là tình hình chỉ có thể trở nên xấu hơn trong bối cảnh chính phủ Việt Nam đang gặp khó khăn kinh tế và khi những rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện giữa các phe phái khác nhau trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. 
VOA: Nhưng có phải là một nghịch lý hay không khi có cả trăm tờ báo và cơ sở truyền thông khác ở Việt Nam, sinh hoạt báo chí lẽ ra phải nở rộ, nhưng lại có nhiều đề tài đươc coi là cấm kỵ, như các vụ bê bối tham nhũng, đường lối quản trị kinh tế, hoạt động của giới bất đồng chính kiến v..v… Còn đề tài cấm kỵ nào khác, và làm cách nào các nhà báo địa phương có thể tác nghiệp trong các điều kiện đó?
Ông Shawn Crispin: Như cô nói, có hàng trăm sản phẩm in ấn, nhưng tất cả đều có liên hệ, hay do nhà nước cho phối theo cách này hay cách khác. Điều mà chúng tôi nhận thấy trong phúc trình của chúng tôi là rất nhiều nhà báo làm việc cho các tờ báo ấy đã tìm cách tường thuật tin tức một cách độc lập, nhưng những bài viết của họ thường bị các biên tập viên cao cấp – thường là đảng viên trong Đảng Cộng sản, chặn lại, hay kiểm duyệt. Thế cho nên điều đã xảy ra trong mấy năm gần đây là các nhà báo này, vì không thể tường thuật sự thật trong công việc ban ngày của họ, thế cho nên vào ban đêm họ phát tán lên các trang mạng hay các trang blog độc lập một số tin tức mà họ không được phép phổ biến. Đó là yếu tố đã khiến các hoạt động truyền thông mạng của Việt Nam rất là năng động. Nhưng nhà nước Việt Nam đã chú ý tới hiện tượng này, và tăng cường các khả năng theo dõi. Một số nhà báo làm như thế, hoặc bị coi là hậu thuẫn các blogger đã bị bỏ tù, đã bị cảnh cáo, nhiều người từng hoạt động từ năm 2008, 2009, đã phải đóng cửa các trang blog của họ vì sợ đang bị theo dõi.
VOA: Một số nhà báo, cũng như các nhà đấu tranh cho dân chủ, các blogger, và cả một số vị lãnh đạo tôn giáo nói họ đã bị sách nhiễu, và đôi khi, bị đánh đập. Ông có từng chứng kiến những hành động ngược đãi đối với các nhà bất đồng chính kiến với Hà Nội, dưới tay một nhân viên cảnh sát, công an, dù là mặc sắc phục hay thường phục?
Ông Shawn Crispin: Tận mắt tôi chứng kiến thì không, nhưng trong cuộc nghiên cứu mà tôi thực hiện hồi đầu năm nay, tôi đã tiếp xúc với các blogger đã phải đối mặt với những hành động ngược đãi về thể chất và trấn áp về tinh thần. Tôi đã nói chuyện với họ về những gì mà họ đã phải trải qua. Nhưng cá nhân tôi chưa tận mắt chứng kiến một sự cố nào như vậy.
VOA: Thưa, ngoài những blogger nổi danh như Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Anh Ba Saigon, là các nhà báo thuộc Câu Lạc bộ Báo chí Tự Do, còn có các trường hợp nào khác đáng cho chúng ta chú ý?
Ông Shawn Crispin: Tôi tin rằng một trường hợp không được biết đến nhiều là chiến dịch đàn áp các phóng viên của Dòng Chúa Cứu thế, một trang tin tức Công giáo trực tuyến đưa tin về các vấn đề tôn giáo và xã hội ở thành phố HCM. Trang tin tức này dựa phần lớn vào các nhà báo công dân nghiệp dư về nội dung của nó. Giới hữu trách đặc biệt đàn áp mạnh tay những nhà báo công dân này. Tôi không nhớ rõ là bao nhiêu người, hình như là 4 người, hiện vẫn đang mòn mỏi trong nhà tù.
VOA: Trong nhiều trường hợp, những người bất đồng, những người biểu tình, các bloggers, thuật lại rằng họ đã bị một nhóm côn đồ đánh đập, tài sản của họ bị phá hoại, công an có mặt, trông thấy nhưng không can thiệp. Có người tố cáo chính công an đã mướn nhóm người này, liệu có chứng cớ gì để hậu thuẫn lời tố cáo đó hay không?

Ông Shawn Crispin:
 Một số người đề cập tới các sự cố khi có những người mặc thường phục, côn đồ, hành hung các nhà báo, nhưng khi các nhà báo này đi khiếu nại với cảnh sát, thì cảnh sát làm ngơ, không điều tra mà còn nói họ, có lẽ “đáng bị đối xử như thế.” Chúng tôi coi đây là một dấu hiệu là những kẻ mặc thường phục tấn công các nhà báo và blogger có thể có liên hệ với các lực lượng an ninh, bởi vì họ từ chối không điều tra các vụ hành hung đó.
VOA:  Một số người đề cập tới những tai nạn không giải thích được trong khi đang đi đường hay lái xe gắn máy, có chứng cớ nào cho thấy có bàn tay của ai đó trong các tai nạn ấy không?
Ông Shawn Crispin: Vâng, chúng tôi có thấy những trường hợp đó trong một số tài liệu thu thập được. Nhưng đây là điều mà chúng tôi chứng kiến xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Đó là một trong những chiến thuật mà một số nhà cầm quyền sử dụng đối với một số nhà báo. Những người này bỗng dưng “gặp tai nạn.” Rất khó có thể nói một cách chắc chắn tai nạn như thế ở Việt Nam là cố ý, tuy nhiên do tai nạn xảy ra hơi thường xuyên đối với một số nhà báo bị nhà nước liệt vào thành phần nguy hiểm, thế cho nên nó đã làm nhiều người nghi ngờ, nhất là các nạn nhân của hành vi này.
—————————————–
Thưa quý vị, vừa rồi là phần đầu cuộc phỏng vấn ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ ở Đông Nam Á về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Chúng tôi xin dành phần Hai, đề cập tới và các điều kiện tác nghiệp của các nhà báo trong nước và của các nhà báo nước ngoài làm việc tại Việt Nam cho chương trình lần tới. Shawn Crispin là tác giả của Phúc trình về tình hình Tự do Báo chí ở Việt Nam, và bản thân ông từng là một nhà báo cộng tác với nhiều tạp chí quốc tế có uy tín, kể cả The International Herald Tribune, Asia Times Online, Far Eastern Economic Review, và tờ The Asian Wall Street Journal.
Câu chuyện Việt Nam do Hoài Hương phụ trách đến đây đã kết thúc, mời quý vị đón nghe chương trình này, được phát thanh trên làn sóng của Đài VOA vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy mỗi tuần. Quý vị có thể bình luận về đề tài hôm nay, đọc các tin mới nhất, xem phóng sự video, bình luận, và trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ http://www.voatiengviet.com hoặc các trang web xã hội Facebook, Twitter. Hoài Hương xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.



6 comments:

  1. Hoang Lan

    Tôi đã được đọc Bài viết này chị Dung viết trên VOA và trang Nguyen trong Tạo nhưng tôi vẫn muốn đọc lại bài comment của chị vì bài viết của chị thật là thấu đáo và đúng mực. Càng đọc tôi tôi càng khâm phục chị. Mặc dù thông tin và quan điểm của chị trái với bài viết của VOA nhưng cách viết của chị rất thuyết phục, rất trung lập. Có thể đây là lý do chính giải thích tại sao VOA không thể không đăng bài viết của chị.

    Đúng là mỗi nước khác nhau có hệ thống pháp luật và nền văn hóa khác nhau. Nếu cứ bê nguyên những giá trị của một nước tiên tiến áp dụng vào Việt Nam- một nước đang phát triển thì tôi e là vô cùng nguy hiểm. Người dân Việt Nam luôn tin tưởng vào báo chí vì luôn nghĩ báo chí là cơ quan ngôn luận của nhà nước các thông tin đưa ra luôn chính xác. Do đó nhà nước phải có trách nhiệm đinh hướng hoạt động của báo chí là điều dễ hiểu.

    Nhân dịp năm mới, chúc chị một năm nhiều niềm vui, hạnh phúc,dồi dào sức khỏe để tiếp tục cống hiến nhiều bài hay, ý đẹp cho trang Văn Chương nghiêm ngắn nhé.

    ReplyDelete
  2. Thưa Bác Hoàng Lan,
    Bác nhận xét và đánh giá về bài viết này của nhà báo phương dung đúng quá, trúng ý tôi quá. Tôi cũng giống Bác đọc bài viết này củabnb phương dung vài lần nhưng vẫn muốn đọc lại. Tôi thiết nghĩ cách viết thẳng thắn, trung lập, rõ ràng, dễ theo dõi, chủ đề của bài viết được nhiều độc giả quan tâm thì việc các trang tin, báo Chí kéo bài của Nb dung về đăng là điều dễ hiểu. Đặc biệt trang nguyên trọng tạo thường kéo bài của Nb dung về để câu view và để bài viết còn mang tính thời sự nên trang nguyên trọng tạo không kịp hỏi ý kiến nhà báo đã đăng bài trên

    ReplyDelete
  3. Cháu rất thích cách viết thẳng thắn, khách quan của Nhà báo Lê Phương Dung và rất đồng tình với quan điểm của cô. Báo chí Việt Nam tự do trong khuôn khổ của pháp luật"Quốc gia nào cũng phải có riêng luật lệ của mình".Việc phóng viên đưa tin sai sự thật, có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm luật Báo chí, thì phải chịu hình phạt của luật pháp là đúng. Theo cháu, người làm báo phải hiểu rõ luật Báo chí, hiểu Luật của nước mình, phải có giác quan chính trị, giác quan lợi ích, phải có tâm, có đạo đức với nghề. Cháu nghĩ có thể nhiều Nhà báo không đồng tình với cách trả lời của ông Shawn Crispin, nhưng họ lại không dám thẳng thắn như như Nhà báo Phương Dung, cháu nhận thấy Nhà báo Phương Dung là Nhà báo mẫn cảm với nghề, gai góc, quyết liệt và rất rõ ràng, trong sáng.
    Cháu đã được nghe rất nhiều người ca ngợi về Nhà báo Phương Dung, bởi cô có một tấm lòng rộng lớn" yêu thương, đùm bọc biết bao cảnh đời kém may mắn"cả đời cô làm việc thiện. Sống cho mình thì ít, mà cho đời thì nhiều. Những việc làm của cô khiến cháu rất cảm phục, ngưỡng mộ, và đó chính là tấm gương sáng ngời để lớp trẻ chúng cháu học theo.
    Cháu chúc Nhà báo Lê Phương Dung mãi mãi tươi trẻ, mạnh khoẻ, để tiếp tục làm nhiều việc tốt, việc thiện cho cuộc sống. Và đây là một trang văn chương có nhiều thông tin hay mà cháu cũng rất thích đọc. Trân trọng cảm.
    Trần Thanh Hậu.
    Báo Tuổi trẻ Thủ Đô.

    ReplyDelete
  4. Chính danh. Tuyệt vời. K phải ai cũng làm được. Tôi ủng hộ nhà báo LPD.

    ReplyDelete
  5. Nguyễn Chiến Thắng.December 31, 2012 at 3:56 PM

    Kính chúc tất cả mọi người, và với chị Lê Phương Dung một năm mới tràn đầy niềm vui và hạnh phúc! Vui trong sức khoẻ, trẻ trong tâm hồn, khôn trong lý tưởng, trưởng thành trong mọi tất cả các lĩnh vực.
    Trân trọng kính chúc.

    ReplyDelete
  6. Mr Le Phuong Dung.
    Wishing you twleve months' worth of gifts and joyful experiences far beyond your wildest imagination this year.Thanks
    London.

    ReplyDelete