.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, December 27, 2012

THƠ CẦN THIẾT CHO AI - LEONARD COHEN: MANG ANH XUỐNG MỘT DÒNG SÔNG

 
Trong tuyển tập ca khúc Songs of Leonard Cohen, do tác giả trình bày, bài đầu tiên là bài Suzanne:

Suzanne takes you down
to her place near the river
You can hear the boats go by

Nàng mang anh xuống dòng sông

Cho anh nằm ngủ bên mình

Nửa đêm nghe tiếng thuyền tình lướt qua

Một trong những lối dẫn vào bài thơ là cảm giác về không gian. Đó là một không gian tưởng chừng lớn hơn sức chứa của bài thơ trong giới hạn giữa các câu, ngắt đoạn, xuống dòng. Không gian ấy rộng lớn lên là nhờ khả năng của tác giả tạo ra bất ngờ về ý tưởng, về hình ảnh hay trong các biến đổi của cấu trúc văn phạm. Cohen sinh ra ở khu dân cư trên sườn đồi Mount Royal, gần sông Saint-Laurent (St. Lawrence) thơ mộng, chảy qua Montréal, Québec. Montréal: kỷ niệm sách vở thời thơ ấu của tôi. Học sinh ngày trước đều yêu mến các nhân vật cha và con trong cuốn Cours de langue et de civilization của H. Mauger, nhớ câu chuyện của họ từ Québec đến Paris. Montreal: nơi định cư nổi tiếng với nhiều tinh hoa của người Việt; thành phố của di tích, lâu đài, văn hóa Pháp. Sinh ngày 21 tháng 9 năm 1934 trong một gia đình gốc Do Thái, bên ngoại có dòng máu Nga, Leonard chịu ảnh hưởng nhiều của thân phụ:

Không ai trên đời giống cha
Ngoài tôi ra
Thế gian này chỉ một mình tôi
Mang gương mặt của người (1)

Tính thơ nằm trong sự phát hiện hay trong cách nói? Cohen được yêu mến ở Canada và những nơi khác ngoài biên giới. Ông nhận nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật. Gần đây nhất, giải thưởng cao quý Prince of Asturias của Tây ban nha 2011, giải Glenn Gould của Canada 2012. Người ta biết về ông qua những ca khúc tình yêu, như nhà soạn nhạc, ca sĩ, nhưng thực ra Cohen làm thơ từ thiếu niên. Thơ viết về tuyệt vọng, cô đơn của người trẻ tuổi, cuộc sống lang thang, lòng say đắm phụ nữ, buồn bã trữ tình và trào lộng vui nhộn, một kết hợp gần như không thể được. Đúng như giọng hát của chàng, khàn, đục, trong một cassette tôi mua trong hiệu sách cũ ngày trở lại Calgary, đĩa hát để lâu đã mòn, giọng rè đi vì bụi thời gian. Leonard bắt đầu làm thơ sau khi đọc Federico García Lorca, thi sĩ lãng mạn bị hành quyết năm 1936 trong nội chiến Tây Ban Nha. Leonard vào học McGill mười bảy tuổi, 1951, tốt nghiệp bốn năm sau. McGill là đại học nổi tiếng, nói tiếng Anh ở Québec tiếng Pháp. Xuất bản bài thơ đầu tiên năm 1953, trên một tạp chí nhỏ 250 số mỗi kỳ. Kết bạn với những nhà thơ cùng thời như Layton, Dudek, Souster, với những nghệ sĩ như Bob Dylan, Joan Baez, nhưng tình bạn với Irving Layton ảnh hưởng nhiều nhất đến sáng tác của anh. Thơ Cohen bao gồm những chủ đề: lịch sử, sự đàn áp người Do thái trong Đệ nhị thế chiến, tôn giáo, sự thách thức đối với các niềm tin truyền thống, khuynh hướng siêu nghiệm. Thơ đầy cảm giác khát khao đối với cái đẹp, bắt nguồn từ việc sử dụng ma túy như LSD, thứ mang lại ảo giác và hưng phấn của thần kinh trung ương. Rong chơi. Đàn hát. Mơ mộng. Ca ngợi cây cỏ mùa màng, Cohen gợi nhớ về Rimbaud, Verlaine, dọc đường gió bụi.

Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men

Khí phách tự do của Xuân Diệu, tiền chiến, sau này mãi mãi không còn nữa cốt cách thanh cao trụy lạc phong nhã ấy. Thật ra Cohen mang căn bệnh phổ biến của nhiều nghệ sĩ: bệnh lưỡng cực (bipolar disorder) hay hưng trầm cảm. Sau những ngày lang bạt ở Hoa Kỳ, dừng lâu ở New York, một trong những trung tâm của thế hệ “Beat” (Beat culture), anh vẫn quay về Montréal, cố hương, đất đợi về. Cohen đọc thơ và hát ở câu lạc bộ, các quán jazz trung tâm Montréal, New York, với cây đàn guitar. Không chỉ làm thơ, soạn nhạc, Cohen còn viết tản văn, tiểu thuyết, tự sự. Cùng với Irving Layton, anh thử sức trong kịch, thường xuất hiện trên truyền thanh CBC nổi tiếng của Canada. Có lần đến Nhã điển, tôi tình cờ đọc tài liệu, biết Cohen thường đến một hòn đảo ngoài khơi Hy lạp, sống ở đó những thời kỳ dài. Đời sống của chàng: chuỗi dài các sự kiện, cõi riêng và sân khấu, nhiều hành trình, những ra đi và những trở về, chung thủy và phản bội, sự tuần hoàn, sự thay đổi có tính chu kỳ xảy ra ở những người trầm cảm, sự chuyển động của tâm trí dồn dập quan sát thấy ở các nhà thơ trong giai đoạn hưng cảm. Về mặt này, Cohen là một nhà thơ siêu thực, với sự thay đổi liên tục của cảnh vật, các đầu mối xúc động. Thơ Cohen là sự lan tỏa từ tâm hồn đến thể chất, sự xung động của các cảm xúc, của thính giác, thị giác, khứu giác, xúc giác. Ngôn ngữ đầy mặt trời Địa Trung Hải, hải âu, lá chanh, lựu đỏ, olives, rượu vang.

Bất cứ cái gì di chuyển đều trắng muốt

Chim hải âu, sóng biển, cánh buồm
Những chuyển động trinh nguyên không cách gì bắt chước (2)


Chuyển động trinh nguyên là chuyển động gì?  Nhiều trường phái phê bình xã hội chủ trương văn học là sự phản ảnh của hiện thực, nhưng Freud tin rằng văn chương không phải là phản ảnh, phản chiếu, mà là một phương thức tạo ra cái mới, như sự việc xảy ra trong giấc mơ. Giấc mơ biến đổi các chất liệu thô thành các sản phẩm tinh thần, dựa trên những tương tác giữa hoang tưởng vô thức và các cơ chế bảo vệ (defense) có ý thức chống lại chúng.

Ba mươi bốn, Cohen gặp Suzanne Elrod, mười chín tuổi, trong cầu thang máy khách sạn Plaza ở Nữu Ước. Anh đến dự hội nghị về tôn giáo (Scientology), còn Suzanne ở chung với người yêu, một thương gia giàu có, trong khách sạn ấy. Cô bước ra khi Cohen bước vào. Anh nhìn cô sửng sốt, nhảy lui ra khỏi thang máy, xoay người lại, tự giới thiệu mình với người đẹp xa lạ. Quan hệ nảy nở mau chóng, Suzanne rời khách sạn, dọn về căn gác tồi tàn hơn của Cohen. Chàng trai lúc ấy đang có Marianne, tình yêu lâu dài, nhưng hai người đang trong giai đoạn sóng gió. Marianne lặng lẽ, vâng lời, hiểu biết, là một phụ nữ dịu dàng, nặng tình gia đình, trong khi Suzanne trẻ trung, hoang dại, da ngăm đen, đòi hỏi, khó tính, đẹp quyến rũ. Trong một album năm 1969, Cohen hát:

Đôi khi anh cần em trần truồng
Đôi khi anh cần em hoang dại điên cuồng
Đôi khi anh cần em mang lại cho anh những đứa con (3)

Thơ dễ dàng, ý phổ biến, nhưng trong thơ ít người viết rành rẽ và thuyết phục như vậy: bạn có cảm thấy như tôi không? Sự khác biệt về tuổi tác không ảnh hưởng đến tình yêu của họ, mặc dù năm Cohen ba mươi bốn, trong một cuộc phỏng vấn khi được hỏi tuổi, anh chưa kịp trả lời, thì Suzanne vội nói: “Leonard, đừng có nói tuổi của anh ra làm chi”. Mối tình của họ kéo dài hơn mười năm, hạnh phúc và sóng gió.

Nàng mặc áo dệt bằng giẻ rách, lông chim

Mua từ cửa hàng bán đồ rẻ tiền

Mặt trời ngày đầu tiên trút xuống như mật ong

Có lẽ là mối tình đã ảnh hưởng đến thơ Cohen nhiều nhất.

Nàng Mang Anh Xuống Một Dòng Sông

Nàng mang anh xuống dòng sông

Cho anh nằm ngủ bên mình

Nửa đêm nghe tiếng thuyền tình lướt qua

Anh tự nhủ: nàng hơi bị điên
Càng nghĩ anh càng thêm mong tới
Nơi người chờ, cho anh ăn cam, uống trà bốc khói

Những thứ từ Trung hoa xa xôi

khi anh muốn nói thật lòng
Anh chẳng mấy yêu em
Nàng liền đem anh thả vào bước sóng

Để mặc dòng sông tự trả lời

Rằng anh mãi là người yêu của em thôi

Anh muốn cùng em đi rong chơi

Cùng nhau lên đường, ôi cuộc đi mù quáng

Anh biết nàng tin ở anh vì anh vừa chạm tới

Thân xác tuyệt vời kia bằng tâm trí của mình

 
Và Đức chúa Giê-su cũng thành thủy thủ

Ngài bước đi trên mặt nước sương mù

Sau khi quan sát hồi lâu

Từ tháp gỗ cao cô đơn lặng lẽ

Kẻ biết chắc rằng

Chỉ người hằng chết đuối mới nhìn thấy Chúa

Ngài bảo: "Tất cả mọi người sẽ là thủy thủ

Cho đến khi biển thả các ngươi ra”

Nhưng bản thân ngài tan vỡ

Từ lâu, trước khi bầu trời mở cửa

Ngài cũng bị bỏ rơi như một con người

Chìm xuống, như hòn đá, dưới sức nặng
Lạ kỳ của sự khôn ngoan của anh
Nhưng anh muốn đi rong chơi cùng Người

Và anh muốn ra đi mù quáng
Anh tin tưởng nơi ngài

Vì ngài đã chạm vào thân xác tuyệt vời của anh
Bằng tâm trí của ngài.

 
Nàng cầm lấy tay anh

Đưa anh xuống bờ sông

Nàng mặc áo dệt bằng giẻ rách, lông chim

Mua từ cửa hàng bán đồ rẻ tiền

Mặt trời ngày đầu tiên trút xuống như mật ong

Trên những đường cong tuyệt sắc của nữ hoàng

Nàng chỉ cho anh những gì cần thấy

Giữa rác rưởi và hoa

Những anh hùng bơi qua rong biển

Những đứa trẻ ẩn hiện chân trời ban mai

Chúng vươn người về phía tình yêu

Và chúng sẽ vươn ra như thế mãi

Khi nàng về cầm gương soi lại

Cuộc đời mình. Anh muốn cùng Suzanne đi xa

Chỉ hai ta thôi, một chuyến đi điên dại mù lòa

Nhưng anh biết rằng anh có thể tin
Kẻ chạm vào thân xác mình bằng bàn tay của linh hồn (4)

Trong bài Suzanne, có một sự tương hợp giữa tình yêu và nhục thể, sự vượt qua ranh giới của hai thân xác đàn ông và đàn bà. Giọng bài thơ là giọng người kể chuyện, nhưng cũng là của nhân vật, vừa dịu dàng vừa hài hước. Trong nguyên tác tiếng Anh, hai nhân vật là you ngôi thứ hai (anh, bạn) và she/her ngôi thứ ba (nàng, cô ta). Người đọc, người nghe là you, nhưng đồng thời hóa thành tôi, người kể chuyện. Một bài thơ tự do nhưng có nhạc điệu, chữ trong sáng, lập đi lập lại như điệp khúc. Khi bài thơ tiến triển (progress) thêm nữa, sự tự ý thức ngày càng lộ ra, bên cạnh những ký ức xúc cảm, là nhận thức, làm cho người kể chuyện tách ra khỏi sự việc. Có một sự luân chuyển của giọng điệu từ chỗ kể trực tiếp thành thơ trữ tình:

Anh biết nàng tin ở anh vì anh vừa chạm tới

Thân xác tuyệt vời kia bằng tâm trí của mình

Một trong những đặc điểm của bất kỳ bài thơ thành công nào là gây được cảm giác ngẫu hứng, tự nhiên, như thể được viết ra đúng vào giây phút xuất thần.
Những bài thơ dở, dù mới hay cũ, không thể làm được điều ấy. Đó là kết quả của một quá trình thiết lập hình tượng và âm nhạc. Yếu tính của thơ nằm trong quá trình này hay trong sự xuất hiện ngẫu hứng kia? Đối với thơ tình và lãng mạn, dường như câu trả lời nằm ở “sản phẩm’ cuối cùng, trong khi đó khuynh hướng hậu hiện đại chỉ rõ thơ là một quá trình. Trong bài thơ Suzanne nội dung là câu chuyện kể, hình thức là ngôn ngữ giàu hình ảnh, tuy vậy các hình ảnh này không phải là các thứ trang điểm. Hình ảnh Chúa đi trên mặt nước tuy không mới, là biểu tượng quen thuộc, ở đây trở thành ẩn dụ của tình yêu. Các câu thơ nối tiếp dồn dập vừa làm chúng ta trở đi trở lại với câu chuyện vừa mang câu chuyện đi xa: hai chuyển động khác nhau của hình tượng.

Thơ tình Cohen có thể làm tôi ngạc nhiên. Một ngôn ngữ thơ nặng về xúc cảm ít làm ngạc nhiên. Nhưng Cohen chống lại quy ước ấy. Ngôn ngữ dù rõ ràng, hình ảnh vẫn mờ ảo. Dường như nhà thơ bị thúc đẩy bởi một ý muốn khác ngoài nhu cầu kể chuyện, như thuyết phục chính mình về tình yêu, vai trò của người nữ. Bài thơ có tính kịch, tức là xung đột của các tính cách, các hoàn cảnh, và giữa các hỗn hợp ấy. Giữa các câu thơ có nhịp dài ngắn khác nhau, hình như có hai chất giọng, two- tone pattern. Chúng dẫn đến hai hiệu quả: sự thú vị và sự chú ý.   

Chúng vươn người về phía tình yêu


Và chúng sẽ vươn ra như thế mãi

 
Thế rồi khi đang sống cùng với Suzanne ở Nashville, Cohen tìm được tình yêu mới: thiền. Một người bạn thân, Sanfield, giới thiệu Cohen với thầy của mình. Kyozan Joshu Sasaki Roshi đến Hoa Kỳ từ 1962 để thiết lập môn phái thiền rinzai. Roshi (lang tử?) là cách gọi của đệ tử dành cho thiền sư. Rinzai là Lâm Tế, trường phái thiền đốn ngộ, tu tập thông qua các công án (koan). Sanfield gặp Roshi lúc thiền sư năm mươi bảy tuổi, đang hướng dẫn đệ tử ở Gardena, ngoại ô Los Angeles. Roshi biến nhà chứa xe hơi của mình thành zendo, thiền đường, biến phòng ngủ thành sanzen, phòng tu tập, còn chính mình thì ngủ trên tấm nệm phòng khách. Trong đám cưới của Sanfield, tổ chức ngay ở tu viện, hai người bạn cũ gặp lại. Cohen nhận được thư mời, đến dự tiệc cưới, không báo trước. Khi Sanfield bước vào nhà bếp thì Cohen đã ở đó, phụ giúp rửa chén bát. Không ai chú ý đến một tu sĩ người Nhật bước vào sau, tự lấy đồ ăn trong tủ lạnh, ngồi xếp bằng trên sàn, lặng lẽ ăn. Sau khi ông bỏ đi, Cohen mới biết rằng đó chính là bậc thầy mà anh tìm kiếm. Con đường tu tập kéo dài hai mươi tám năm của Cohen bắt đầu.
Rũ Áo Cà Sa

Tôi xuống núi
Sau nhiều năm tu học
Chăm chỉ thiền hành

 
Tôi treo mảnh cà sa lên mắc áo

Trong căn lều cũ nát

Nơi tôi ngồi rất lâu
Và ngủ quá ít

Cuối cùng tôi tự biết mình

Chẳng có năng khiếu gì
Đặc biệt về chuyện tâm linh.

“Cám ơn, xin mời ngài”

Tôi nghe trái tim nức nở u hoài

Khi hòa vào dòng xe cộ
Chạy đuổi nhau trên xa lộ Santa Monica
Về hướng L.A.

 
Một số người đó đây

Có các thiền sư bậc thầy

Bắt đầu hỏi tôi nhiều câu giận dữ

Về Thực Hữu cuối cùng
Tôi đoán chừng

Họ không vui mấy khi nhìn thấy

Một thằng cha suốt ngày phì phèo thuốc lá.(5)

Tôi xuống núi là cách nói hình ảnh. Trong sự khiêm tốn thâm trầm, có chất chế nhạo, đùa nghịch đặc trưng cho phong cách của Cohen. Treo chiếc cà sa lên mắc áo để làm gì? Để trả lại rừng sâu núi thẳm nhiều năm của đời sống minh bạch, trở về cõi tình gió bụi. Quan điểm thú vị là nhà thơ đã phát hiện rằng mình không có khuynh hướng tâm linh, không có thiên hướng đi tu, không thể ngộ đạo. Tôi e rằng có nhiều người trong chúng ta cũng không có thiên hướng ấy, nhưng đến nay chưa nhận ra.

Chẳng có năng khiếu gì
Đặc biệt về chuyện tâm linh

Phía bắc California có xa lộ Santa Monica chạy về phía Los Angeles: khi lái xe qua đoạn đường này một buổi chiều mùa hè năm trước, mặt trời sắp lặn đỏ ối, “tịch dương vô hạn hảo”, tôi đã nhớ đến bài thơ của Cohen suốt chặng đường. Khi lái xe từ Edmonton về Calgary nhiều năm trước nữa, tôi cũng nhớ đến nó. Hình ảnh lái xe đổ dốc hòa vào dòng xe cộ chen chúc chạy như ma đuổi là hình ảnh tiêu biểu cho đời sống hiện đại. Thời gian tu tập thiền đạo không làm Cohen dứt được lòng trần, nhưng những năm tháng ấy để lại dấu ấn trong thơ. Cohen là một nghệ sĩ ham chơi, một tình nhân nổi tiếng, là tác giả của những ca khúc trữ tình, nhưng còn là người tin đạo Phật. Được gọi bằng nhiều biệt hiệu, như một nửa chó sói một nửa thiên thần, nhà thơ công huân của chủ nghĩa bi quan, hoàng tử của tụi côn đồ. Xen lẫn trong u ám buồn bã, chưa bao giờ tắt hẳn niềm hoan lạc của chàng, joie de vivre, ngợi ca cuộc đời. Có một niềm vui sướng đáng ngưỡng mộ, tìm cách chống lại các bi kịch, ở Cohen, như sự tiếp tục của khuynh hướng nghệ thuật này trong thơ tiếng Anh từ thời Eliot.
Những phẩm chất mà chúng ta yêu mến ở người khác là những phẩm chất có sẵn, tiềm ẩn trong chúng ta. Nhưng ngược lại, để nhìn sự vật không bằng định kiến, một người phải thoát ra khỏi các động cơ sâu xa bên trong. Bạn cũng cần nhận ra những ảnh hưởng bên ngoài: tiền bạc, sự nghiệp, an nguy, tình yêu, hận thù, các xung đột. Biểu hiện cá nhân là công việc trung tâm của văn học, trong khi yếu tố xúc cảm là yếu tố hàng đầu của thơ. Người đọc cảm thấy xúc động trước một tác phẩm nghĩa là người ấy cảm nhận tác phẩm là “sự thật” của mình. Sự thật trong văn học không phải là sự thật có tính khoa học, đó là sự đồng nhất giữa người viết và người đọc, khi một bài thơ tạo ra sự tương liên. Trong những trường hợp thành công nhất, mối tương liên ấy kích thích các hành xử cá nhân hoặc xã hội. Tôi vừa nhắc đến sự thật khoa học; điều đó không có nghĩa là sự thật văn học là giả tạo, đó chỉ là một thước đo khác của hiện thực. Khi bài thơ bắt nguồn từ những yếu tố hiện thực, dù nhiều khi không thể dò tìm, với tính chất trừu tượng hóa ở mức tối thiểu, là khi chúng có khả năng tạo ra các xúc cảm mạnh nhất. Đây là một đặc điểm mà người viết hiện nay ít chú ý. Người đọc chờ đợi ở bài thơ năm điều sau đây: có một điều gì đó để nói, điều ấy tuy vậy không thể nói ra được rõ ràng, nó được nói ra một cách mới lạ, cách nói ấy được nén chặt dưới sức ép của hình thức, và vì vậy ắt hẳn phải đẹp, và điều được nói ấy dường như riêng tư nhưng thật ra thuộc về người khác.

Nổi tiếng từ những năm sáu mươi với nhiều ca khúc, Cohen trở lại với âm nhạc vào cuối những năm tám mươi. Năm 1991, album nổi tiếng I’m Your Fan, rồi năm 1995, Tower Of Song thành công vang dội. Mặc dù mang vẻ cẩu thả bề ngoài, Cohen làm thơ với tất cả sự cẩn trọng, sửa đi sửa lại nhiều lần, nhiều năm, và xuất bản rất ít, kén chọn.

Trong những năm tháng ở Los Angeles, khi thiền trở nên quan trọng đối với đời sống, Cohen ngày càng gặp khó khăn trong quan hệ với Suzanne. Họ có với nhau một đứa con trai, Adam, và một đứa con gái, Lorca, có lẽ để ghi dấu tình yêu bền bỉ của chàng với nhà thơ Tây Ban Nha. Như trong một ca khúc phổ thơ Lorca, anh có sửa lời: now in Vienna there’s ten pretty women there’s a shoulder where death comes to cry. Nhưng những năm 1970 là thời kỳ khó khăn hơn cả, mặc dù Cohen có năm albums, hai cuốn sách, càng sáng tạo, anh càng cô đơn, trầm cảm, dùng nhiều ma túy; độc giả và thính giả ngày càng bớt yêu thích tác phẩm của anh, các nhà xuất bản cũng bỏ rơi, có lẽ một phần vì khuynh hướng xa rời chính trị. Những ca khúc trong tuyển tập Những bài hát Tình yêu và Thù ghét (Songs of Love and Hate) như Joan of Arc, Tình yêu gọi tên em, Bức thư… mô tả sự lưỡng lự, hai mặt của hạnh phúc và khổ đau. Trên sân khấu, người ta ít gặp một nghệ sĩ nào có phong thái của nhà triết học, và một nhà thơ nào có phong cách nghệ sĩ đầy hài hước như Cohen. Trong một lần biểu diễn ở Đức, Cohen kể lại với khán giả câu chuyện sau đây:

Một lần ở Nữu Ước tôi đi bộ trong một cơn bão tuyết, đến gần sau một người đàn ông mang áo khoác. Trên lưng anh ta treo một cái bảng, viết như sau:
Xin đừng đi qua mặt tôi
Tôi đã mù hoàn toàn mất rồi
Bạn có mắt, bạn còn nhìn thấy được
Xin đừng vượt qua mặt tôi
Nhưng khi nhìn mặt người đàn ông, tôi nhận ra hắn chẳng hề mù tí nào, ít nhất là theo như tôi thấy. Tôi chặn người đàn ông lại ở góc đường và hỏi tại sao lại mang tấm bảng ấy. Hắn liền bảo tôi: anh bạn ơi, bộ anh nghĩ là ta chỉ nói về cặp mắt hay sao?

Thơ của Cohen là tiếng hát khôn nguôi của một người sống sót sau đổ vỡ, một kẻ bi quan không phải vì chán đời mà vì trí tuệ xuyên thấu các bức tường dày bao vây nỗi khổ đau của đồng loại, gây nên bởi xung đột, chiến tranh và các thứ cách mạng rởm đời, thần tượng dối trá, có khả năng cúi xuống nhìn sát khuôn mặt tối tăm của nhân loại, thấy rõ những dục vọng rền vang và sự yếu đuối vô minh của cá nhân họ. Nhà phê bình văn học Canada Northrop Frye tin rằng văn chương không phải là phương pháp để nắm bắt hiện thực nhưng là một giấc mơ có tính tập thể, niềm ao ước có tính vĩnh cửu của con người, chưa bao giờ được thỏa mãn. Điều đó cũng đúng với Cohen. Văn chương của chàng không còn là biểu hiện của tác giả, nhưng là kết quả của đời sống tinh thần cộng đồng, như trong trường hợp của các nguyên mẫu văn hóa.

Tôi không muốn bất kỳ một dính dấp nào
I want no attachments

Anh muốn thay đổi vị trí. Ý chí tự do của một nghệ sĩ làm anh lớn lên, ngược lại, thuộc tính nô lệ làm kích thước con người nhỏ lại. Thói quen cả tin vào lịch sử và sử ký, định kiến không thay đổi về đúng và sai, ta và địch, sự phân liệt, chúng không rời bỏ các nạn nhân dễ dàng như họ tưởng, như chủ nhân không dễ dàng rời bỏ bầy nô lệ. Ngược lại: ý muốn thay đổi vị trí, không muốn bị ràng buộc, tức là tiếp cận sự vật bằng nhiều phương pháp khác nhau, tức là đọc lại lịch sử của mỗi cá nhân, gia đình, dân tộc, từ góc độ của người khác, ý muốn ấy có khả năng hàn gắn thù xưa hận cũ, tai họa của mê muội. Chỉ có một điều duy nhất không thay đổi là sự thay đổi. Ca từ trong các bản nhạc của Cohen là những bài thơ của ông. Có một mối quan hệ rất mật thiết giữa thơ và âm nhạc ở Cohen, ít thấy ở bất cứ nhà thơ hay nhạc sĩ nào khác, vang lên nỗi tìm kiếm tình bạn, tình yêu, sự trong suốt, vẻ đẹp, sự tha thứ. Yêu nhiều đàn bà, rời bỏ họ mau chóng, chiếm lĩnh họ, phản bội họ, và bị họ phản bội, ca ngợi cái đẹp bằng nghệ thuật ngôn ngữ và tiếng đàn guitar như Lorca ngày nào, buông bỏ chúng, và rơi vào nỗi nhớ thương day dứt. Cohen có nhiều thời kỳ đen tối, với tâm trạng buồn bã, trầm cảm, xuống đến đáy, kiệt sức, tuyệt vọng. Một kẻ biết sống đến cùng sự tuyệt vọng nhưng cũng biết bông đùa, nhẹ dạ, tha thứ, dễ dàng phá vỡ các cạm bẫy, tự vượt ra, rồi lại để mình rơi vào những cạm bẫy khác; trong tất cả những đam mê ấy, niềm mơ ước được sống tận cùng sự thật và muốn tự nhận thức về mình là đam mê ít ràng buộc hơn cả, thật ra là động lực của các bài thơ của Cohen.

Ai cũng muốn viết thơ tình, nhưng khác với các đề tài khác, hình như chỉ những người đã từng hạnh phúc hay đau khổ với nó mới có thể làm được điều ấy, vì tình yêu là một thứ kinh nghiệm nằm bên ngoài khả năng tưởng tượng. Nhân vật nữ hiện ra duyên dáng:

Nàng mang anh xuống một dòng sông

Cô gái xinh đẹp nào mà táo bạo thế? Bạn muốn nhìn mặt Suzanne, đúng không? Nhân vật nam trong bài thơ, mới đầu đóng vai của một người thụ động, pha chút hững hờ:


Anh chẳng mấy yêu em

Tình yêu không phải chỉ là vật cố định mà là một dòng chảy, tức là biến đổi trong thời gian, đem lại cảm giác mạnh mẽ, dẫn tới phẩm chất cao thượng, hoặc hèn nhát, sự thách thức, sự phản bội và hợp nhất trở lại. Bài thơ không phải là ý tưởng mà là một kinh nghiệm: nghĩa là bạn phải sống qua từng giai đoạn của tình yêu, không thể thay kinh nghiệm sống bằng suy luận, sự khôn ngoan, phải có khả năng vươn tới mức sâu xa hơn, nhờ sâu xa hơn nên có thể được chia sẻ, tức là đi từ cái riêng đến cái phổ quát. Ngôn ngữ của thơ tình hôm nay đã biến đổi, với thẩm mỹ mới: người kể, nhân vật, lối xưng hô, câu chuyện, tự sự pha lẫn trữ tình, sự dung tục và tính thô ráp của đời sống, điều vụn vặt xen kẽ cảm xúc lớn lao, sự đè nén đến cùng lòng thương cảm, mà vẫn giữ nguyên sự rung động nguyên thủy. Nhưng quan trọng nhất là ngôn ngữ. Ngôn ngữ thơ là chỉ dấu có ý nghĩa nhất của thẩm mỹ của một tác giả: cũ hay mới, cổ điển hay phá phách, hiện đại hay hậu hiện đại, mới triệt để hay chừng mực cách tân. Càng mới, ngôn ngữ càng gần với văn xuôi, loại bỏ hết các yếu tố khác, như thể chỉ còn lại “cái cuối cùng”. Thơ tình của Cohen gây cảm giác được viết ra dễ dàng, nhưng tôi không hề ngạc nhiên khi biết rằng để viết xong một bài thơ như bài Suzanne ông thường mất nhiều tháng, nhiều năm, cân nhắc nhiều lần, chọn chữ kỹ, sửa đi sửa lại, như bạn bè quen biết ông kể lại trong các hồi ký của họ. Trong các loại thơ, làm thơ tình là khó nhất, vì không dễ làm ra cái mới, rất khó tránh sáo rỗng, lặp lại. Viết thơ tình, Cohen đi thẳng vào những ham muốn tình dục, táo bạo, giản dị, rõ ràng, thật, nhưng câu thơ vẫn chìm những nghĩa mơ hồ:

Em hãy đến chiếc bàn này cùng anh
Không mặc quần (6)

Tôi muốn nói thêm: thơ tình ngày nay không còn là thơ tình “thuần túy”, theo nghĩa thông dụng. Nó không thể, không phải, không nên.
Cohen ca ngợi đời sống và sự thưởng thức đời sống, điều này làm ông gần hơn với các nhà lãng mạn trước đây, nhưng khác với họ, nhân vật của ông đứng ngoài sự vật, nhìn lại, tự nhận thức:

Chìm xuống, như hòn đá, dưới sức nặng

Lạ kỳ của sự khôn ngoan của anh

Sức nặng của sự khôn ngoan? Còn tình yêu mang lại đau khổ: điều ấy không có gì lạ, nhưng nó cũng mang lại cứu chuộc, và đây chính là điểm gặp gỡ giữa niềm tin Thiên chúa giáo và đạo Phật mà sau này Cohen theo đuổi. Không từ chối mô tả thân xác, nổi tiếng về cách dùng chữ, không xa lạ với đời sống vật chất đô thị, hòa vào lối sống buông thả, nhưng thơ Cohen bao giờ cũng hướng đến cái cao cả, bao giờ cũng, xuyên qua một câu độc sáng, nâng chúng ta lên bằng nguồn sáng chiếu khắp lãnh địa bài thơ:

Anh biết nàng tin ở anh vì anh vừa chạm tới

Thân xác tuyệt vời kia bằng tâm trí của mình


Đó là một thực tại, nhưng cũng là một cố gắng chiếm hữu, để nhớ lại, để ràng buộc, để giao phối, hoan lạc, nhưng cũng để giải phóng con người, khi một tình nhân nghĩ về người yêu của mình, nhớ đến bóng tối, tranh luận với bóng tối, buông nó ra, đi đến đường biên của ánh sáng, tự nhận lấy số phận của mình. Ngoài ra, chỉ có một trường hợp khác duy nhất mà ở đó thơ trở nên cần thiết: sự tang tóc, nỗi tiếc thương.
Thơ Cohen không có tính tượng trưng, ít dùng ẩn dụ, tuy thế lại hàm chứa các liên tưởng mạnh mẽ. Thật ra, trong hai nhân vật của bài thơ Suzanne, ai yêu ai nhiều hơn? Người nữ hay là chàng trai, người kể chuyện?

Nhưng anh biết rằng anh có thể tin

Kẻ đã chạm vào thân xác mình bằng bàn tay của linh hồn

Bây giờ anh mù quáng, nhưng điều kỳ diệu là anh đặt lòng tin ở em, trao cuộc đời cho em, đi cùng em đến góc biển chân trời, một khi em đã có thể chạm vào anh bằng bàn tay của trái tim. Sự cam đoan: reassurance. Tôi tự hỏi: thơ ca là một công việc riêng tư hay có tính công chúng? Khuynh hướng trữ tình đặt nhà thơ và người đọc vào trạng thái tiếp xúc trực tiếp. Các nhà thơ đương đại ngày một gây cho người đọc ấn tượng về cảm giác (sensation) nhiều hơn là cảm xúc (emotion). Dù rất mới trong cách viết, Cohen vẫn là một trong những nhà thơ tin tưởng vào quyền năng của ngôn ngữ, sự xao xuyến của các ý nghĩa, vào nhạc điệu, như sự lập lại của chữ. Cohen kể trong một cuộc phỏng vấn rằng ông thường viết các ca khúc vừa lời vừa nhạc cùng một lúc. Có một vài tương tự giữa Leonard Cohen và Bob Dylan, người bạn của ông, cả hai đều là thi sĩ, người soạn nhạc, ca sĩ, cùng có nguồn gốc Do Thái. Tuy nhiên Dylan càng công chúng chừng nào thì Cohen càng riêng tư chừng ấy, một bên là đám đông sân khấu, một bên là tâm tình trên gác đêm, bên ngọn đèn mờ bí ẩn. Ví dụ, trong âm nhạc, tôi nghĩ, Trịnh Công Sơn gần với Cohen hơn là Dylan. Trong thế hệ ngay sau Đệ nhị thế chiến, con người vẫn còn gắn bó với địa chỉ cư trú, nơi lớn lên, làm việc. Chủ nghĩa hiện đại, và sự nối dài của nó, trong thơ, xuất phát từ mối gắn bó với đời sống đô thành. Thơ Cohen đầy thành thị. Chất thành thị phát sinh ra khả năng hài hước, vốn trực tiếp xuất phát từ hai nguồn gốc gần hơn: sự ngạc nhiên, và những kinh nghiệm được sống lại lần nữa, kiểu khác. Cohen có cái nhìn thấu suốt như chạm đến trái tim sự vật. Khi sắp chia tay Marianne Ihlen, người phụ nữ xinh đẹp, người tình nhiều năm của mình, Cohen viết:

Em biết anh muốn sống cùng em biết mấy

Nhưng em lại làm anh quên khuấy

Điều này. Quên cầu nguyện các thiên thần

Và các thiên thần quên cầu nguyện cho chúng ta (7)

Những hình ảnh trong bài thơ Suzanne được nhiều người cho là những ấn tượng của tác giả khi ông đến thăm một nhà thờ xây dựng từ thế kỷ thứ mười bảy, nhà thờ La Chapelle de Bonsecours ở Montréal, với những hình ảnh nghệ thuật khắc chạm trên tường:

Và Chúa Giê-su chính là thủy thủ

Ngài bước đi trên mặt nước

Thật ra một bài thơ có thể tồn tại lâu dài khi văn cảnh của nó không còn nữa, những điều riêng tư đã mất hết ý nghĩa, cái bóng của tác giả lên bức tường tham chiếu đã lu mờ. Thơ không làm cho người ta trở nên tốt hơn hay xấu hơn, nhưng chắc chắn có thể cứu rỗi được tình yêu của một vài người. Thế hệ của Raymond Souster, Irving Layton, Louis Dudek, từ những năm 1940 đã xác lập xong về căn bản một nền thơ ca thực sự của Canada, với những ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới. Đó là thế hệ các nhà thơ với tiếng nói nội tâm và cá nhân, đối lập với các giá trị truyền thống, trong hình thức ngày càng tự do, cởi mở; họ thách thức các thể thơ cổ điển. Cohen luôn đi tìm một người khác, tình yêu, tình bạn, tình thầy trò, như con thú cô đơn. Chàng đòi hỏi sự trung thành ở người khác, nhưng không thể chung thủy với ai, đòi hỏi sự thân mật của người khác nhưng muốn tung cánh tự do, là một người hạnh phúc nhưng mê thích sự buồn rầu, là một người buồn rầu nhưng vừa đi vừa ngước nhìn thiên đường. Trong khi lên tiếng đòi hỏi sự công bằng đối với lịch sử, các vấn đề như chủ nghĩa Đức quốc xã, nạn diệt chủng đối với người Do Thái, chiến tranh, thái độ rõ ràng đối với các lập trường chính trị khuynh hữu và khuynh tà ở Bắc Mỹ, thơ của ông vẫn không phải là các bản tuyên bố rõ ràng, mà chỉ là những mảnh rời đứt gãy của từng số phận. Không có ý định làm người tiên tri, hay nhà phát hiện về các vấn đề triết học, Cohen thu mình lại, hạ giọng xuống, một cách khiêm tốn và dí dỏm. Sau mối tình thất bại với Suzanne, chàng lang thang trên đường, ca ngợi nỗi đau khổ, nói về thời đại không có niềm tin, vượt ra ngoài xúc cảm cá nhân:

Paris hỡi, phải mạnh mẽ lên thôi
Hãy nói, nói
Không bao giờ ngừng nói
Về việc làm thế nào để sống khi Thượng đế chết rồi (8)

Có lẽ cần nhắc lại ở đây rằng: mặc dù dùng nhiều ẩn dụ, thơ không nói về điều gì khác ngoài chính nó. Và làm thơ là sáng tạo nên một trạng thái, một niềm mong ước, một trạng thái, hay một lịch sử, khai mở quá trình xúc cảm mà thoạt tiên người viết không ý thức được. Tôi nghĩ rằng đó chính là động lực của một tác giả, có thể dùng để trả lời câu hỏi giả tưởng: tại sao viết?
Các câu thơ của Cohen lập lại như điệp khúc. Có ít nhất hai kỹ thuật lặp lại. Một là về ngữ pháp, hai là về âm điệu.

And you want to travel with him

And you want to travel blind

 
Trong bài thơ Suzanne, chúng ta cũng thấy được một vài thành tố quan trọng của thơ trữ tình đương đại: các tình huống có tính riêng tư, sự quan sát và nhận thức thay đổi mau lẹ, các góc nhìn, nhãn quan xuất hiện liên tiếp, phủ nhận nhau, như cuộc tình mới từ chối sự đau khổ của tình yêu cũ, đã mất, niềm vui sướng của việc viết một câu văn đầy lo lắng, hát một bài hát buồn của người thua trận mệt mỏi, sự thanh tao của nhan sắc suy tàn, cái thú vị của kiếp người đầy tai ương.
Năm 1979, cùng với hai người bạn, Cohen mua một căn nhà nhỏ ở Los Angeles, gần trung tâm thiền viện Cimarron. Mặc dù vậy Cohen thường ít ở nhà, làm một tu sĩ lang thang trên đường; nhà vắng, bếp lạnh, không ghế ngồi, chỉ chăn và gối. Cohen muốn bắt đầu từ số 0. Số 0 là điểm xuất phát của thiền, sự vắng lặng của ngã, cái trống rỗng; Cohen trở thành một thành viên tích cực, làm mọi việc từ chẻ củi, nấu ăn đến trông coi sách vở, dành thời gian theo từng bước chân của Roshi. Họ cùng nhau đến thăm các trung tâm khác, kể cả tu viện của thi sĩ Thomas Merton nổi tiếng. Sau khi đã rời khỏi Mt. Baldy, Cohen vẫn tiếp tục ngưỡng mộ và trung thành với Roshi. Ông thường nhắc chuyện vị thiền sư thức dậy lúc ba giờ sáng, mỗi ngày gặp các đệ tử bốn lần, du hành nhiều nơi để rao giảng. Bài thơ “Xuống Núi Mt. Baldy” ghi dấu thời kỳ trở lại với đời sống. Rời tu viện gặp ngay xa lộ freeway. Thiền là tự do, freeway cũng là tự do. Sau sáu năm tu tập, giấc mộng giang hồ lại đến, sự quyến rũ của đời sống, sự hấp dẫn của cái đẹp phụ nữ, cát bụi, của tình yêu phong nhã trụy lạc, thể hiện tất cả trong hình ảnh tượng trưng của thuốc lá.

Họ không vui mấy khi nhìn thấy

Một thằng cha suốt ngày phì phèo thuốc lá

Đó là Cohen đang tự chế nhạo mình.
Tức là tự đánh bại mình.
Tất cả những học thuyết đưa con người vào vòng nô lệ, và những tín đồ của chúng, hiện nay vẫn đầy rẫy khắp nơi, và theo tôi thì ngày càng đông, có đặc điểm là thích sự nghiêm trang, nghiêm túc, nghiêm nghị, ca ngợi sự thành công, tôn thờ sự uy nghi thờ cúng, tỏ ra căm ghét tính trào lộng, giễu cợt, cợt nhả, bông lơn, ba lơn, giỡn mặt. Và nhất là khả năng tự chế nhạo mình.

Nhưng con người không phải là trung tâm vũ trụ, văn hóa không phải là trung tâm của các nền văn minh, thơ chỉ là người hát dạo, là sự ngân nga bất tuyệt về khổ đau của tình nhân lầm lỡ. Suốt năm mươi năm, giọng thơ và giọng hát Cohen ít khi thay đổi: khàn khàn, đậm đặc, trầm buồn, dí dỏm, rất chính xác khi mô tả các sự kiện, nhưng không hướng về đám đông. Thật khó khăn trong thời đại này, tìm thấy một nhà thơ tư tưởng vui chơi bông đùa như Cohen. Sự hối hận của tuổi trẻ:

Đâu rồi những bài thơ
Dẫn tôi đi xa mất biệt
Khỏi những điều tôi hằng thương tiếc (9)

Một trong cánh cửa mở vào bài thơ trữ tình là giọng điệu của bài thơ ấy, nó chi phối sự thấu hiểu của chúng ta đối với nghĩa đen và nghĩa bóng của ngôn ngữ. Giọng điệu là một khái niệm trừu tượng, cũng như tình cảm. Đó là phương thức kể chuyện, cách trình bày của tác giả. Trong khi việc chọn chữ có nhiều ý thức, việc chọn ẩn dụ kém ý thức hơn nhưng vẫn nằm trong sự kiểm soát của tác giả, thì giọng điệu hoàn toàn nằm ngoài các dự định ban đầu. Giọng điệu là thước đo mối quan hệ giữa người viết và người đọc: là không khí mà bạn được mời vào, là lối đi mà bạn được dẫn tới, là chỗ ngồi mà bạn được thu xếp ở gần hay xa người phát ngôn. Nghệ thuật của Cohen phản ánh chính đời sống của nhà thơ, lịch sử Do thái, văn hóa của Canada, của Quebec, thiên nhiên và đường phố Montréal, gia đình, bạn bè, người yêu, các nhà thơ tri kỷ. Đó là một kẻ du ca hiếm hoi của thời đại này, hành trình của chàng là vô hạn, gồm những bước ngoặt, các ngã tư địa lý và thời gian, những ngã rẽ của sự thật và dối trá, sự chia tay và rồi kết hợp lại của tình dục và tình yêu, trong niềm thương tiếc hạnh phúc lỡ làng. Thơ của chàng phản chiếu cuộc đời gay gắt, hung dữ, đầy hăm dọa. Chúng ta muốn thay đổi vì chúng ta ân hận. Không có ân hận, hối hận, tình hận, quốc hận, thì không có thay đổi.

Hãy làm lại từ đầu, tôi khóc, hãy cho tôi làm lại
Tôi muốn lần này khuôn mặt đẹp trai, tôi muốn tâm hồn mình dịu dàng trầm tĩnh hơn (10)

Sau vẻ ngoài giản dị, ẩn chứa một tầm nhìn triết học lớn. Nghe Cohen hát, tôi có cảm giác không những người hát tâm sự với người nghe, mà chàng còn tự xem xét mình, lầm lũi đi thăm dò các góc cạnh trong ngôi đền của nhân loại, với một sự khinh bạc rõ ràng đối với những kẻ cuồng tín của các chủ nghĩa, hệ thống, thần tượng, phát hiện đôi khi khuôn mặt thật của lòng trắc ẩn sau tấm mạng nhện. Chiêm nghiệm về tha nhân để thấy chân diện mục của mình.

Tôi tưởng có những người đang hát
Tôi tưởng có một người nào khác
Nhưng càng bước đi tôi càng biết
Chính là tôi đang hát chứ còn ai (11)

Không phải bao giờ Cohen cũng hát, có khi chàng là người chơi guitar cùng với những người khác: Ralph Gibson guitar, Jeff Layton mandolin, Ray Markowitz chơi trống, thu âm ở New York. Bài hát của Cohen đối với tôi lúc nào cũng huyền bí, nói về những đề tài khác nhau bằng phương pháp tiệm cận, như sự thô tục và linh thiêng, con người và cõi trời, sự say đắm lãng mạn và cứu rỗi tâm linh. Trong thơ và ca khúc của Cohen có một điều gì khó hiểu, khó giải thích, thuộc về toàn bộ lối sống, hành trạng, như thể không phải là bản thân ngôn ngữ, ca từ, mà chính con người mới là phương cách biểu hiện của nghệ thuật. Cohen kêu gọi sự nhìn lại, đập vỡ, sự làm mới từ nhiều góc cạnh khác nhau của các mối quan hệ: bất cứ một tình nhân nào cũng muốn cùng lúc sở hữu và tự do. Nhưng làm thế nào người ta có thể vừa sở hữu vừa tự do?

Anh biết anh có thể tin nơi người tình
Kẻ chạm vào thân xác mình bằng bàn tay của linh hồn

Bằng cách dâng hiến trong tình yêu, cháy lên như ngọn lửa an nhiên tịch mịch. Lòng tin cuối cùng vào con người.

Nguyễn Đức Tùng


Phần ghi chú:

  1. Sách tham khảo:
-        L.S. Dorman & C.L.Rawlins, Leonard Cohen Prophet of the Heart, NXB Omnibus Press, 1990.
-        Leonard Cohen, Stranger Music, NXB Pathenon Books, 1993.
-        Gary Geddes, 20th Century Poetry & Poetics, NXB Oxford University Press, 1996.
-        Ira B. Nadel, Various Positions a life of Leonard Cohen, NXB International and Pan-American, 1997.
-        W.H New, R. Beaudoin, From A Speaking Place, Wrtings from the First Fifty Years of Canadian Literature, NXB Ronsdale Press, 2009.

  1. Nguyên tác:

(1)       
No one looks like my father
but me
In the world I alone
wear his face

(2)       
Anything that moves is white,
a gull, a wave, a sail,
and moves too purely to be aped.

(3)
Sometimes I need you naked
Sometimes I need you wild
I need you to carry my children in

(4)
Suzanne Takes You Down To The River

Suzanne takes you down to her place near the river

You can hear the boats go by

You can spend the night beside her

And you know that she's half crazy

But that's why you want to be there

And she feeds you tea and oranges

That come all the way from China

And just when you mean to tell her

That you have no love to give her

Then she gets you on her wavelength

And she lets the river answer

That you've always been her lover
And you want to travel with her

And you want to travel blind

And you know that she will trust you

For you've touched her perfect body with your mind.


And Jesus was a sailor

When he walked upon the water

And he spent a long time watching

From his lonely wooden tower

And when he knew for certain

Only drowning men could see him

He said "All men will be sailors then

Until the sea shall free them"

But he himself was broken

Long before the sky would open

Forsaken, almost human

He sank beneath your wisdom like a stone

And you want to travel with him

And you want to travel blind

And you think maybe you'll trust him

For he's touched your perfect body

With his mind.


Now Suzanne takes your hand

And she leads you to the river

She is wearing rags and feathers

From Salvation Army counters

And the sun pours down like honey

On our lady of the harbour

And she shows you where to look

Among the garbage and the flowers

There are heroes in the seaweed

There are children in the morning

They are leaning out for love

And they will lean that way forever

While Suzanne holds the mirror

And you want to travel with her

And you want to travel blind

And you know that you can trust her

For she's touched your perfect body

With her mind.

(5)
Leaving Mt. Baldy
I came down from the mountain

after many years of study

and rigorous practice.

I left my robes hanging on a peg

in the old cabin

where I had sat so long

and slept so little.

I finally understood

I had no gift

for Spiritual Matters.

‘Thank You, Beloved’

I heard a heart cry out

as I entered the stream of cars

on the Santa Monica Freeway,

westbound for L.A.

A number of people

(some of them practitioners)

have begun to ask me angry questions

about The Ultimate Reality.

I suppose it’s because

they don’t like to see

old Jikan smoking.
(Jikan: kẻ im lặng)

(6)
Please come on over this table
With no pants (?)

 
(7)
Well, you know that I love to live with you

But you make me forget so very much

I forget to pray for the angel

And then the angels forget to pray for us

(8)
Paris, be trong, be nuclear
and talk, talk,
Never stop talking
About how to live without God

(9)
Where are the poems
That led me away
From everything I loved
(10)
Then let me start again, I cried, please let me start again!
I want a face that’s fair this time; I want a spirit that is calm.
        (11)
I thought it was they who were singing it
I thought it was the other who was singing it;
I thought it was someone else.
But as I moved along, I knew it was me.

NGUYỄN ĐỨC TÙNG

Nguồn: VCV

No comments:

Post a Comment