.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, December 19, 2012

NHÀ THƠ HỮU THỈNH VÀ DIỄN VĂN KỶ NIỆM 55 NĂM HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Một vấn đề được đưa ra thảo luận, với tư cách là người có sứ mệnh kiến tạo đạo đức xã hội, các nhà văn chúng ta phải chịu trách nhiệm gì trước tình hình suy thoái đáng lo âu hiện nay?
Phải chăng tác phẩm chưa xứng tầm? Phải chăng là còn hời hợt và né tránh? Và phải chăng là tự ru mình trong những lo toan cá nhân vụn vặt hoặc xúng xính khoa trương hình thức cũ người mới ta? Có thể và cũng có thể.
Nhà thơ Hữu Thỉnh
55 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG VĂN HỌC
Thật đáng vui mừng, ở chặng đường 55 năm văn học, Lễ Kỷ niệm  ngày truyền thống của chúng ta còn đông đủ đại diện của năm thế hệ cầm bút. Thế hệ thứ nhất, với các nhà văn sáng tác trước cách mạng tháng 8- 1945 ngồi lại với chúng ta hôm nay còn các nhà văn Tô Hoài, Học Phi, Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Khiêu. Thật vinh hạnh cho chúng ta được quây quần bên những cây đại thụ toả bóng mát trên cả hai thế kỷ.
Thế hệ thứ hai, với các nhà văn chống Pháp mà đại diện là các nhà văn Vũ Tú Nam, Hồ Phương,  Lê Minh, Xuân Cang, Giang Nam, Nguyễn Văn Hạnh, Văn Linh, Hoàng Minh Châu, Bích Thuận, Nguyệt Tú... Thế hệ chống Mỹ, thế hệ thứ ba, còn rất đông đảo và đang đảm nhận vai trò trụ cột của nền văn học đang đổi mới.
Thế hệ thứ tư, trưởng thành sau chiến tranh, đang ở thời kỳ sung sức nhất. Và thế hệ thứ 5, tên tuổi và tác phẩm gắn liền với những năm đổi mới, đang đem đến nhiều sinh khí mới cho đời sống văn học. Năm thế hệ thể hiện sự tiếp nối tốt đẹp vừa mang tính chất đạo lý vừa thể hiện tình nghĩa của các thành viên trong đại gia đình văn học.
Mỗi thế hệ có những đặc điểm và thế mạnh riêng, bổ sung cho nhau, tạo nên một thực thể đa diện và phức hợp, tham gia ngày càng sâu rộng vào đời sống tinh thần của đất nước.
Trong ngày vui gặp mặt, ý nghĩ đầu tiên của chúng ta dành tưởng nhớ đến Bác, người đi tìm con đường đi cho dân tộc cũng là người đặt nền móng vững chắc cho nền văn hoá mới Việt Nam. Bằng những trước tác bất hủ của mình, người chứng minh rằng, văn học một khi được rọi sáng bởi những tư tưởng tiên tiến của thời đại, nó chẳng những có ý nghĩa thức tỉnh, tập hợp to lớn mà còn trở thành sức mạnh văn hoá vô địch, đánh thắng mọi kẻ thù dân tộc bất kể từ đâu tới.
Chúng ta nhớ đến các nhà văn tiền bối đã mất, những bậc thầy văn học đáng kính, nhớ đến các nhà văn đã anh dũng hy sinh trên các ngả đường cách mạng và kháng chiến. Cuộc đời và sự nghiệp của các anh chị là những mẫu mực cao đẹp về một kiểu nhà văn mới: nghệ sĩ - chiến sĩ.
Và trong ngày vui hôm nay, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn cuộc sống vĩ đại của nhân dân, nguồn cảm hứng vô tận của văn học ta. Cám ơn bạn đọc thuỷ chung và độ lượng, những người bạn đồng sáng tạo của chúng ta trên khắp mọi miền Tổ quốc. 
Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp và sau ba năm hàn gắn các vết thương chiến tranh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đảng chủ trương trên cơ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam, xúc tiến thành lập một số hội văn học nghệ thuật chuyên ngành. Từ chủ trương đó, từ ngày 1 đến 4 tháng 4 năm 1957, Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam đã được tổ chức tại Câu lạc bộ Đoàn Kết, Hà Nội. Đại hội đã ra nghị quyết về tình hình văn học, thông qua điều lệ Hội và bầu ra cơ quan lãnh đạo khoá I với 25 thành viên, trong đó có các nhà văn tên tuổi: Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Nông Quốc Chấn, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Tú Mỡi, Anh Thơ. Nhà văn Nguyễn Công Hoan được bầu làm Chủ tịch Hội, nhà văn Tô Hoài làm Tổng thư ký, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh làm Phó tổng thư ký.
55 năm qua, từng trải những biến động dồn dập của lịch sử và trong những điều kiện hết sức khó khăn, ác liệt, thiếu thốn, các nhà văn Việt Nam phát huy tài năng và tâm huyết, lao động sáng tạo không mệt mỏi, đã cống hiến cho đất nước nhiều tác phẩm có giá trị, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm giàu đời sống tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của nhân dân; xây dựng nên diện mạo phẩm chất một nền văn học mới Việt Nam.
Đó là một nền văn học giàu lòng yêu nước, cách mạng, thấm nhuần tư tưởng nhân văn, dân chủ, xứng đáng là bộ phận nòng cốt của nền văn hoá mới trong thời đại Hồ Chí Minh. 
Đó là một nền văn học, không làm thất vọng bất cứ ai khi muốn tìm hiểu lý tưởng, khát vọng độc lập tự do, sức khoẻ tinh thần, vẻ đẹp, khí phách con người Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống lại những kẻ thù dân tộc nham hiểm và tàn bạo nhất trong lịch sử loài người. 
Đó là một nền văn học hướng thiện mạnh mẽ, kiên quyết và dũng cảm phơi bày và chống lại mọi cái xấu cái ác, sẵn sàng bảo vệ, nâng đỡ, an ủi con người trước mọi thăng trầm, bất hạnh của đời sống. 
Đó là một nền văn học đi cùng lịch sử, vừa phát hiện khám phá lịch sử vừa phát hiện ra chính nó, thu hút trong lòng nó mọi truyền thống, bản sắc tốt đẹp của dân tộc, tinh luyện và làm giàu ngôn ngữ dân tộc, khiến nó có sức biểu cảm tinh diệu và sâu xa cuộc sống con người Việt Nam trong chiến đấu và xây dựng.
Đó là một nền văn học luôn luôn tự đổi mới, coi đổi mới là bản năng  tự vệ trước mọi lối mòn, là phương thuốc để bắt kịp với đời sống, bắt kịp với tiến trình lịch sử, bắt kịp với thời đại.
Nền văn học ấy, với tất cả những gì là tinh hoa, là thần thái, là khí chất, đã trở thành ký ức sống động, trở thành tố chất của hàng triệu con người Việt Nam hôm nay, và là nguồn dự trữ văn hoá lâu bền cho các thế hệ đang tới. Trong ý nghĩa đó, những gì các nhà văn chúng ta ký thác trên trang sách hơn nửa thế kỷ qua đã trở thành cái cớ để người ta nhớ lại, là dịp cho người ta ngẫm nghĩ, là cái giúp người ta bảo toàn cuộc sống riêng tư trước mọi áp lực của ngoại cảnh.
Với thành tựu đã đạt được, Hội Nhà văn Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Độc lập hạng nhất và nhiều huân chương cao quý khác. Đã có 48 nhà văn được trao Giải thưởng Hồ chí Minh, 122 nhà văn được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Đã có 5 nhà văn được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Từ vinh dự cao quý đó, suy nghĩ lại chặng đường sống và viết trong hơn nửa thế kỷ qua, chúng ra rút ra được rất nhiều bài học quý giá. Đó là lý tưởng của người cầm bút, là trách nhiệm xã hội, là thái độ dấn thân, nhập cuộc triệt để với đời sống, và sự nghiệp của nhân dân. Chính trong cuộc dấn thân đó, nhà văn tìm thấy vốn sống, vấn đề, nhân vật của mình, và nhân dân cũng tìm thấy người đại diện tinh thần tin cậy của mình. Vì tình yêu con người mà dấn thân. Vì lời ru của mẹ mà dấn thân. Và vì cả cái gì đó tự phát và ngẫu nhiên của tài năng mà dấn thân. Rút cuộc, cái mà họ có thể đem về trong cuộc dấn thân đó là tất cả những gì có thể giúp họ vững bước trên con đường vạn dặm của cái đẹp, của sự thật, của lương tâm con người.
55 năm ấy, chúng ta cũng rút ra được biết bao bài học quý giá về xây dựng mô hình và tổ chức hoạt động của Hội. Đó là một công việc mới mẻ, vô cùng tinh tế và khổ công. Bởi, nó có lắm đặc thù. Và bởi nữa là nó chưa từng có kiểu mẫu tiền lệ. Nhưng các nhà văn chúng ta, tuân theo di chúc của Nguyễn Du "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" đã cùng nhau gắn bó trong tình nghĩa đồng nghiệp, yêu quý, trân trọng nhau, chấp nhận và chịu đựng lẫn nhau, và luôn luôn tự kiềm chế, để chung tay xây dựng Hội Nhà văn Việt Nam xứng đáng với những gì mà nhân dân trông đợi.
Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động và phát triển, thành tựu đã nhiều, kinh nghiệm cũng lắm, đội ngũ đã đông, điều kiện làm việc đã được cải thiện, đời sống văn chương đã được rộng mở, nhưng công việc sáng tạo lại có vẻ khó khăn hơn. Khó khăn nhất là mỗi nhà văn, cho đến cả nền văn học đang phải vượt qua chính mình. Thành tựu càng cao, tự vượt qua mình càng khó. Đó cũng là cái khó xưa nay của mọi văn nhân và của mọi nền văn học. Nhưng đó lại chính là quy luật phát triển.
Hơn nữa, cuộc sống đã khác, công chúng và thị hiếu đã khác, mọi thay đổi diễn ra nhanh chóng đến mức làm đảo lộn mọi thói quen, dỡ tung mọi kinh nghiệm, thách thức đến từng câu chữ. Trong khi đó, đòi hỏi của xã hội mỗi ngày lại cao hơn, khắt khe hơn. Vì dân trí ngày càng cao. Xã hội đòi hỏi  nhà văn phải đem đến cái mà đời sống đang còn thiếu, cái mà nhân dân đang chờ đợi, cái mà lý trí và tình cảm đang cần mách bảo, dẫn dắt. Tất cả gánh nặng dồn trên vai nhà văn.
Bởi, sứ mệnh mà văn học ta phải gánh vác lúc này là góp phần chuẩn bị về mặt văn hoá, tinh thần, đạo đức, tâm hồn, tài năng và sức vóc cho dân tộc ta, nhân dân ta bước vào xã hội công nghiệp. Xã hội công nghiệp là một nền văn minh vật chất có tính toàn cầu. Trong xã hội ấy có sức thu hút gần như vô tận mọi nguồn lực, mọi giá trị, mọi tinh hoa của nhân loại. Nhưng xã hội công nghiệp của Việt Nam mà chúng ta đang dốc sức xây dựng hồn cốt của nó, nhất thiết phải là văn hoá Việt Nam.  Thiếu cốt cách dân tộc, người ta trở thành kẻ bơ vơ lạc loài ngay nơi mình sinh ra. Trong sứ mệnh có tính sinh tử này, văn học giữ sức mạnh màu nhiệm không gì thay thế được.
Nhận rõ trách nhiệm của mình, trong tháng 9 vừa qua, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 8 đã tiến hành kiểm điểm sơ kết nửa nhiệm kỳ.
Một vấn đề được đưa ra thảo luận, với tư cách là người có sứ mệnh kiến tạo đạo đức xã hội, các nhà văn chúng ta phải chịu trách nhiệm gì trước tình hình suy thoái đáng lo âu hiện nay? Phải chăng tác phẩm chưa xứng tầm? Phải chăng là còn hời hợt và né tránh? Và phải chăng là tự ru mình trong những lo toan cá nhân vụn vặt hoặc xúng xính khoa trương hình thức cũ người mới ta? Có thể và cũng có thể.
Một câu hỏi để ngỏ để tất cả chúng ta cùng suy ngẫm và trả lời. Và câu trả lời tốt nhất, cô đọng nhất nói theo Tố Hữu là một chữ Hay. Có tác phẩm Hay là có tất cả. Phấn đấu để có nhiều tác phẩm Hay là lời tâm nguyện âm thầm nhưng vô cùng riết róng và đầy trách nhiệm của nhà văn trước sứ mệnh cao cả góp phần tốt nhất và nhiều nhất vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc nghìn đời của chúng ta. 
Hà Nội, 18/12/ 2012
NHÀ THƠ HỮU THỈNH
(Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)

No comments:

Post a Comment