.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, December 27, 2012

NHÀ THƠ PHAN THỊ THANH NHÀN: AN VUI GIỮA BIỂN ĐỜI

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn hẹn tôi tới nhà riêng, một chiều Hà Nội se sắt gió. Căn nhà trên tầng 8 chung cư hiện đại ở đường Bưởi, muốn lên phải để lại giấy tờ tùy thân. Bà kể rằng, bạn bè đến, thấy "văn minh quá" nhưng cũng "nhiêu khê quá", có người ngại, bảo lần sau không đến nữa. Tôi may mắn không quên chứng minh thư, nên đặt giấy tờ xong, có nhân viên bấm thang máy cúi chào...

1. Phòng số 4 cửa mở sẵn, thi sĩ "Hương thầm" đang ngồi ở bàn nước, nhìn ra khoảng trời bao la, thâm thấp bên dưới là những mái phố nhấp nhô. Phan Thị Thanh Nhàn bảo ở đây an ninh tốt, cửa mở cả ngày không sao. Tôi hẹn gặp lần này là vì vừa nghe tin bà ra "Tuyển tập". Thế nhưng câu chuyện của chúng tôi lại bắt đầu ngay bằng chuyện… nhà cửa.
Cách đây dễ gần 20 năm, tôi gặp bà lần đầu ở khu tập thể Huỳnh Thúc Kháng. Căn phòng trên tầng 2, nhỏ nhắn, nơi ấy Phan Thị Thanh Nhàn và con gái đã gắn bó, có nhiều kỷ niệm. Bà tâm sự rằng, mỗi lần chuyển đi chuyển lại, cũng mệt. Và mỗi lần chuyển nhà lại là một lần bà… mất rất nhiều sách. Thực ra thì không mất, mà ngại chuyển, nên lọc ra cho người này người khác.
Ngay cả sách của mình in ra, bà cũng không có thói quen giữ. Bởi với bà, nhà văn có đứng được trong lòng công chúng hay không mới là điều quan trọng chứ không phải là cứ nhìn vào những cuốn sách mình là tác giả. Cuộc đời mỗi người cũng nhanh thôi, chết là hết, không ai mang theo được tác phẩm của mình. Nếu tác phẩm hay, thế nào cũng được người đời tìm đọc và ghi nhận. Ngay cả bây giờ, có trong tay cả trăm bài thơ chưa in, bà cũng không thiết in thành tập riêng mà… chọn lọc đưa luôn vào tuyển tập! Bởi bà nghĩ, in ra cũng chả để làm gì. Giờ có mấy ai còn hứng thú với văn chương nữa đâu. Suy nghĩ ấy khiến cho những ngày tháng này với bà thật nhẹ nhàng. Sống là sống với hiện tại, làm sao để sống vui, sống khỏe, làm sao nhìn cuộc đời cho thật thoải mái. Tôi vẫn còn nhớ như in lần gặp trước, bà quả quyết: "Giản dị là cái cao siêu nhất". Và bây giờ sau gần hai mươi năm gặp lại, dù bà sống ở chung cư hiện đại thế này, thì suy nghiệm ấy vẫn hiện hữu trong từng câu nói, trong cách bày biện không gian sống của bà.
2. Chuyển nhà nhiều lần, cho đi nhiều sách, thậm chí không giữ đủ sách đã in của chính mình, nhưng có nhiều kỷ vật khác bà luôn mang theo, cất kỹ. Đó là những bức thư của chồng và thư của… "các chàng" có lúc từng yêu mến nhà thơ. Những bức thư đượm màu thời gian, đong đầy kỷ niệm được Phan Thị Thanh Nhàn cất giữ cẩn thận, ít khi chia sẻ.
Nhưng kỷ vật này thì bà muốn chia sẻ. Đó là khá nhiều thư, bản thảo, và vật kỷ niệm của nhà văn Tô Hoài - người đã cất công "sang tận cơ quan tôi là báo Hà Nội mới để xin về Hội Văn nghệ Hà Nội". Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kể rằng, trong chiếc "tủ kỷ vật" của bà không bao giờ thiếu con gấu misa và con thiên nga bằng sứ trắng. Bà giữ như "báu vật". Ngoài gấu misa và con thiên nga, thi sĩ "Hương thầm" còn sở hữu nhiều bản thảo viết tay "đầy những dòng chữ nhỏ đều tăm tắp, với rất nhiều chỗ sửa chữa, thêm bớt bằng bút khác màu" của nhà văn Tô Hoài (mà có lẽ sau này Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam nên "mua lại"), như bản thảo tập truyện "Nhà Chử", "Quê nhà", "Mười năm"... Ngày xưa, người ta có thói quen viết thư. Hễ đi đâu xa, có chuyện gì là gửi thư thăm hỏi. Tô Hoài cũng vậy, ông viết nhiều thư gửi tác giả "Hương thầm". Có lá thư "khoe" đang ở Cát Bà, có thư chia sẻ cảm xúc bàng hoàng  khi nghe tin Nguyễn Tuân mất. Nhưng có bức thư chỉ vỏn vẹn vài dòng, khiến nữ sĩ Phan Thị Thanh Nhàn thương cảm: "Cái chân mấy hôm nay đau quá, không viết nổi… Buồn lạ lùng". 
Với nhà văn Tô Hoài, Phan Thị Thanh Nhàn có khá nhiều kỷ niệm. Kể từ cái đận được Tô Hoài xin về Hội, Phan Thị Thanh Nhàn đã trở thành nhân viên của "ông Dế Mèn" tới hơn mười năm. Trong suốt những năm tháng đó, có nhiều câu chuyện, nhiều chi tiết sống của nhà văn lão thành đã được Thanh Nhàn chứng kiến. Dễ hiểu khi thấy bà là người có nhiều trang viết về Tô Hoài, với những câu chuyện "cực độc đáo, thú vị" về "ông Dế Mèn". Trong giới văn nghệ, người ta còn đồn thổi về mối quan hệ "quá đỗi thân tình" ấy. Giờ hỏi lại, Phan Thị Thanh Nhàn chỉ lắc đầu. Bà đưa ra tấm ảnh chụp chung với vợ chồng nhà văn Tô Hoài ở Sapa, đã từng đăng báo…
Bìa cuốn "Tuyển tập" của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành.
3. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn có một cô con gái, hiện là giáo viên dạy toán và tin học ở trường phổ thông cơ sở. Chính con gái đã kỳ công dạy mẹ sử dụng vi tính, "bắt" mẹ tập đánh có dấu ngay từ những buổi đầu mới học. "Cuộc sống của mình đầy nỗi buồn và sự cô đơn, nhưng mình luôn cố gắng sống vui, làm việc và rèn luyện sức khỏe để lấp đầy mọi khoảng trống" - Nhà thơ nói và cười thật thanh thản.
Tôi nói với bà rằng, cùng với hai bài thơ "Con đường" và "Hương thầm", tôi rất khó để quên một bài thơ khác của bà, viết năm 2000, có tựa đề giản dị: "Dặn con":
Con ơi!
Con sẽ gặp trên đường nhiều người ăn xin
Con sẽ thấy trên đường nhiều người khốn khó
Mẹ con mình không hề giàu cóNhưng cũng là đủ ăn.
Con hãy dành theo thứ tự ưu tiên
Trước hết là những người ruột thịt
Hãy từ thiện ngay trong gia đình
Cố gắng góp chút gì sao không còn ai đói rét.
Với người qua đường con ơi, dù ít
Con hãy chia sẻ lòng thảo thơm
Mai đây khi mẹ không còn
Con chỉ gặp những tấm lòng thơm thảo.
Phan Thị Thanh Nhàn kể rằng, bà đã viết bài thơ này trong tâm trạng buồn buồn khi thấy ngay trong họ hàng bên ngoại, bên nội của mình còn nhiều người vất vả, thiếu thốn. Và ngoài đường thì còn bao người đói khát, bơ vơ…
Về hưu nhưng Phan Thị Thanh Nhàn… không nhàn. Hết làm thơ thì viết truyện ngắn. Chưa viết truyện ngắn thì viết chuyện bạn văn, chán lại nhảy vào facebook "bốt" thơ, "bốt" ảnh những chuyến đi. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn còn có nhiều thú vui khác, mà nhiều "bà già" tuổi 70 không có được: tự lái xe máy đi đây đó, đi bơi, chơi tennis, và… khiêu vũ. Rồi những chuyến du lịch trong nước, những chuyến chu du nước ngoài cũng tạo nhiều hứng khởi cho những trang viết của bà. Bấy nhiêu thứ đã hóa giải hết thời gian rảnh nếu có của một người thơ đã ở tuổi "cổ lai hy" như bà. Và bấy nhiêu cách, có thể, mới đủ để làm khuây khỏa những nỗi buồn ẩn kín trong tâm hồn thi sĩ  Phan Thị Thanh Nhàn.
Có một tâm sự của bà, tôi muốn chia sẻ với nhiều người, rằng: "Hạnh phúc là biết bằng lòng với hiện tại. Cứ nhìn vào bạn bè, thấy người này bị tiểu đường, người kia đau khớp, người khác đau lưng thì thấy mình hiện nay may mắn lắm rồi". Thậm chí, trong đám cỗ của họ hàng, có người thân còn than thở: "Họ mình khổ nhất dì Nhàn", nghe vậy bà cũng chỉ mỉm cười. Bà nói với tôi: "Trời cho thế nào thì mình hưởng thế ấy em ạ, đòi hỏi hơn cũng không được".
4. Ở tuổi 70 Phan Thị Thanh Nhàn vừa cho ra mắt bạn đọc "Tuyển tập" đời văn của mình. Và đến đây, nghe những câu chuyện tản mạn trong một chiều Hà Nội, tự nhiên cảm thấy mọi thứ thật nhẹ nhàng.
Với Phan Thị Thanh Nhàn, ngay cả việc năm nay ra mắt "Tuyển tập" cũng là một cái "duyên", bắt đầu từ sự thông báo của nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư bên NXB Hội Nhà văn chứ không phải bà có sẵn trong kế hoạch. Đã qua cái thời ham hố ra sách để "chứng tỏ" này khác, lại sẵn ý nghĩ sách in ra giờ còn mấy người đọc. Nhưng khi bạn văn đã có nhã ý đưa "Tuyển tập" này vào danh mục sách nhà nước đặt hàng, tức là tác giả không mất tiền in, thì rõ là một cơ hội. "Thôi làm cho xong" - Bà nghĩ. Bạn văn gợi ý chỉ làm "Tuyển tập thơ" thôi, nhưng Phan Thị Thanh Nhàn lại muốn "cộng sổ" cả đời văn của mình, để "cho gọn, khỏi phải lo các tập sau". Vì thế, trong tuyển tập dày 420 trang với cái bìa do họa sĩ Văn Sáng thiết kế, người đọc sẽ bắt gặp cả thơ, cả truyện ngắn, cả tản văn lẫn chân dung văn học. Tất nhiên, phần thơ chiếm dung lượng lớn hơn, 273 trang. Ở đó, không thể vắng những bài thơ làm nên thương hiệu Phan Thị Thanh Nhàn như "Con đường", "Hương thầm", "Số không"… Nhưng người ta còn có thể tiếp cận thật gần với một chân dung Phan Thị Thanh Nhàn qua những trang viết cho thiếu nhi cả trong thơ và văn xuôi. Tất cả những điều đó, dường như với tác giả, không phải là điều quá quan trọng. Quan trọng là bà vừa làm xong một việc, "đóng gói" lại những việc mình đã làm, để ai muốn có thể ngoái nhìn, còn bà lại tiếp tục rong chơi cùng bè bạn… Vì với Thanh Nhàn, cuộc đời ngắn lắm, bà đã trải qua tuổi trẻ làm việc hết mình, đã yêu và được yêu, thế cũng là đủ cho cuộc đời một người phụ nữ. Bây giờ sống là an vui giữa biển đời, mặc kệ ngoài kia đèn điện như sao sa, người xe như mắc cửi và Hà Nội của bà giờ đang hội nhập, đang mở cửa một cách vội vàng…
NGUYỄN THANH BÌNH
Nguồn: VNCA

No comments:

Post a Comment