.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, December 13, 2012

VƯƠNG TRỌNG: HOÀNG CÁT LÀ THẾ

Tôi quen Hoàng Cát từ năm 1972, khi học lớp Bồi dưỡng sáng tác của Hội nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá. Lớp học được triệu tập từ đầu tháng 10, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, đi lại khó khăn nên học viên về rải rác, có người chậm đến ba tháng, nên hầu như tuần nào cũng xuất hiện thêm học viên mới. Bữa trưa chúng tôi thường ăn đứng dưới dàn nho, một lần vì thấy thức ăn quá "khiêm tốn", có người nói rằng ăn uống như thế này thì không nên đi học, tiếp đó ý kiến lan rộng, anh em đùa nhau bàn chuyện viết bài Phản chiêu sinh ( nhại Phản chiêu hồn của Nguyễn Du) và mở đầu bằng câu: Sinh ơi, sinh đừng về!

Trong số người tham gia "hăng hái", tôi chú ý tới một anh nói tiếng Nghệ, trán cao, mắt đa tình, da trắng, người trông thư sinh, đẹp trai. Đó là Hoàng Cát. Tuy cả hai cùng nội trú, nhưng tôi ở khác phòng, hơn nữa, trước đó tôi chưa được đọc thơ của anh, cộng thêm cái bản tính tôi làm quen rất chậm, nên hàng ngày chỉ gặp anh khi lên lớp và bữa ăn, chúng tôi chưa có dịp nói chyện riêng. Và trong mấy tuần đầu, tôi không hề biết anh là thương binh cụt chân, phải đi bằng chân gỗ. Là vì bước chân của Hoàng Cát bao giờ cũng ngay ngắn, đàng hoàng, không hề khập khiễng một chút nào. Anh bị thương năm 1969 ở Quảng Nam, sau một năm chuyển dịch qua các binh trạm dọc đường Trường Sơn mới ra được miền Bắc để điều dưỡng và lắp chân giả. Dạo ấy chỉ cần tập đi một vài tuần, dáng đi của anh chẳng khác người bình thường, được thủ trưởng đơn vị điều dưỡng chọn làm mẫu cho các thương binh mới lắp chân giả học tập.
Vì thế, không chỉ tôi, mà nhiều anh em khác cũng phát hiện ra Hoàng Cát đi chân giả rất muộn, có người gần ba tháng sau mới biết. Đó là những ngày cuối năm 1972, máy bay B 52 Mỹ ném bom Hà Nội. Từ đêm 18, cuộc tập kích chiến lược của Mỹ bắt đầu. Học viên chúng tôi đêm ngủ trong nhà nhưng hễ nghe báo động là chạy nhanh xuống mấy căn hầm tập thể ở góc vườn. Có lúc ở hầm, nghe báo yên, về giường mình vừa đắp chăn chưa kịp ấm chỗ, lại nghe còi báo động, vội vùng dậy chạy ra. Khốn khổ cho Hoàng Cát, với chiếc chân giả, bao giờ đi ngủ cũng phải tháo ra, khi dậy mới lắp vào, nhưng loại chân giả ấy tháo lắp rất khó, còi báo động đã lâu, bom đạn nổ khắp nơi, Hoàng Cát vẫn chưa lắp xong chân giả! Mà một đêm có đến bảy, tám lần báo động. Về sau anh em trong phòng phân công nhau khi nghe báo động thì một người cầm hộ chân giả còn hai người cõng anh ra hầm.
Chúng tôi còn ở lại Hà Nội ba đêm nữa rồi mới đi sơ tán. Những đêm sau, Hoàng Cát thấy phiền cho bạn bè nên anh xin một ít rơm, lót xuống đáy hầm để ngủ luôn dưới đó. Nhưng sự thật, những đêm sau chúng tôi không ai ngủ được, phần thì báo động liên tục, phần thì mải xem tên lửa ta đốt cháy B52 trên bầu trời Thủ đô. Hoàng Cát không tháo chân giả nữa, mà chạy đi chạy lại không chỉ quanh hầm, mỗi khi thấy máy bay Mỹ bốc cháy, Hoàng Cát là người hò hét hăng nhất, sớm mai đi ăn sáng cổ khản đặc.
Anh em quen gọi khoá học đó là khoá B52, giữa khoá học chúng tôi sơ tán bằng cách chia nhau đi thực tế các trận địa cao xạ, tên lửa. Hoàng Cát đi thực tế muộn hơn vì bận cưới vợ vào ngày Noel năm đó, tổ chức tại nhà Xuân Diệu. Đám cười chỉ vẻn vẹn một mâm chế biến từ một con vịt, khách mời có Xuân Diệu, hai vợ chồng Huy Cận, Phan Xuân Hạt và Võ Văn Trực. Sau này nghe tin vợ anh sinh con gái, có đồng hương đùa rằng vì cưới bằng vịt!
Sau khi khoá học kết thúc, tôi đi thực tế chiến trường một thời gian rồi chuyển về công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, còn Hoàng Cát trở lại nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, nơi anh là một cán bộ kỹ thuật. Hơn một năm sau thì xẩy ra vụ "Cây táo ông Lành". Bây giờ đọc lại mẩu chuyện này, ai cũng thấy đáng buồn cho ấu trĩ một thời của những người lãnh đạo văn nghệ. Người ta cho là một chuyện động trời, tác giả dám mượn viết cho thiếu nhi để nói xấu cán bộ cấp cao. Bạn đọc biết nhiều đến Hoàng Cát từ đó. Người ta thi nhau tìm đọc truyện đó. Dạo ấy chưa có phô tô nên nhiều người chép tay. Có người trách Hoàng Cát liều lĩnh, nhưng số đông chẳng thấy điều gì ẩn ý trong mẩu truyện ấy. Nhà thơ Xuân Diệu nói đùa với báo Văn Nghệ:" Các ông gác gôn thế nào mà bị thằng Cát một chân nó sút thủng lưới". Mấy anh đồng hương xứ Nghệ  làm câu đối: " Thằng Cát viết điều hung / Ông Lành làm việc dữ", nhưng sau sửa lại để  thay cho một lời phát biểu với cấp trên:" Thằng Cát không viết điều hung / Ông Lành đừng làm việc dữ". Nhưng có lẽ cấp trên không thấu nên "việc dữ" cứ đến với Hoàng Cát, mà cái đòn đầu tiên là nhà máy cho về mất sức. Dạo ấy đời sống cán bộ công nhân cực kỳ khó khăn, tiền lương hai vợ chồng đi làm chỉ để mua gạo là chính. Vợ là công nhân làm sao đủ nuôi hai vợ chồng? Nhà anh ở trong ngõ sâu, chẳng ai qua lại, làm sao mà buôn bán? Nhưng đói lắm đầu gối phải bò!Thôi thì làm chiếc xe đẩy, sắm ấm nước, cái phích ra ngồi vỉa hè. Một chén nước chè năm xu, mười chén được năm hào, nhưng có cả buổi không bán nổi mười chén, Lại bị công an, cán bộ phường truy đuổi, ngồi một chỗ không được thì đẩy xe đi bán nước rong. Đi nhiều, mỏi chân thì tìm nơi ngồi, có khách mua là quý, không ai mua thì cũng được nghỉ và có khi còn làm được ...thơ! Sau mấy tháng trời sáng đẩy xe nước đi, tối đẩy xe về, trưa mua cái bánh mì ngồi nhai cho xong bữa, sô tiền lãi chẳng thấm tháp vào đâu so với giá gạo, lại có người mách cho chuyển sang nghề bì bóng, nem chạo.
Mờ sáng anh đạp xe đến các lò mổ đi mua bì lợn. Vì tiền ít, không dám động tới những tấm bì to, giá cao, mà "chuyên trị" những miếng đầu thừa đuôi thẹo, đủ loại hình dáng, diện tích nhỏ nhưng nhiều lông! Mua về làm sạch lông, luộc chín, chọn miếng "khả dĩ" hơn thì căng ra phơi khô, cuối năm đưa vào lò sấy làm bóng bì để bán trong dịp tết. Nhưng loại này chỉ chiếm một phần rất nhỏ, phần lớn thì thái chỉ, trộn thính, lá chanh làm nem chạo. Chính cái thứ nem chạo này đã nuôi sống gia đình ông trong nhiều năm, kể cả tiền để nuôi cháu Thu Trang học đại học Ngoại ngữ (mà sau này chính cháu đã cứu cả gia đình qua cơn bĩ cực). Vất vả là thế mà trước tết âm lịch, bạn đồng hương xứ Nghệ vẫn nhận được những miếng bóng bì ông tặng, nói là "cây nhà, lá vườn", nhìn quà, nhìn người, nhớ chuyện mà thương. Những năm ấy, tôi nhiều lần đến thăm nhà, và hình ảnh sau đây của ông đọng mãi trong ký ức tôi: trên khoảnh sân nhỏ ướt át tráng xi măng nham nhở, ông ngồi dùng cái díp nhổ râu nhổ những cái lông lợn còn sót lại trên một mảnh bì nhỏ, bên cạnh là chiếc chân giả tháo ta nằm chơ chỏng! Tôi đã từng đùa để át niềm xúc cảm:" Nhổ cho cẩn thận đấy, không khéo người ta treo díp như đã treo bút thì nguy"!
Trong những năm đó, Hoàng Cát bị treo bút theo nghĩa là bài của ông gửi thì không báo nào in nên không thể kiếm được một đồng nhuận bút nào. Nhà thơ Phạm Đình Ân, vốn cùng bạn học lớp viết văn Quảng Bá, lúc đó đang biên tập chuyên mục "Chuyện lớn, chuyện nhỏ" của báo Nhân Dân, biết hoàn cảnh nguy khốn của Hoàng Cát, nên đã bí mật bàn ông đổi bút danh, tham gia viết bài, có thêm ít đồng cho đỡ khổ. "Một miếng khi đói" bằng "một gói khi no", quý vô cùng. Có lần Hoàng Cát nói đùa:" Họ treo bút mình thì mình làm thơ không cần bút! Làm nhẩm một chỗ khi ngồi bán nước chè chén hay nhổ lông lợn, làm nhẩm dọc đường khi đạp xe đi mua bì lợn, thính gạo, hoặc lá chanh...". Rồi những bài thơ viết thời treo bút ấy tập trung lại thành tập thơ Tháng giêng dai dẳng được ra mắt bạn đọc nhờ sự "tài trợ" cuả nem chạo và bóng bì! Tập thơ mỏng, in xấu nhưng đọc xong, ai cũng thấy ngậm ngùi, cám thương cho một số phận. Bà mẹ vợ đọc hết tập thơ, đêm nằm khóc một mình, sớm mai gọi con gái và con rể đến, cho hai vợ chồng ông mấy cây vàng để sửa chữa nhà cửa và cải thiện cuộc sống, vì qua tập thơ, bà đã  hiểu tất cả. Anh em lại nói đùa rằng, chưa một nhà văn xứ Nghệ nào có khoản nhuận bút to như Hoàng Cát được nhận từ mẹ vợ!
Hoàng Cát sinh năm 1942 tại Nam Đàn, Nghệ An và là người nặng tình với quê hương. Buồn cho ông là bố mẹ không còn, ở quê thưa vắng người máu thịt gần gũi nên chỉ về quê được vài ngày, ông trở ra Hà Nội. Ở Hà Nội, ông là người có công lớn nhất trong việc gắn kết bộ năm "đồ Nghệ": Nguyễn Bùi Vợi, Võ Văn Trực, Quang Huy, Vương Trọng, Hoàng Cát. Bạn đọc lưu ý rằng, Quang Huy tuy gốc bắc, nhưng từ lâu đã nhập "quốc tịch" Nghệ Tĩnh. Khi một ai đó ốm đau, thường ông là người đưa tin rồi tổ chức đi thăm nom. Không biết bao lần từ khu tập thể Trương Định, ông phóng xe xuống đón Võ Văn Trực ở khu tập thể bên kia cầu Trung Hoà để vào bệnh viện Hữu Nghị thăm Quang Huy hay Nguyễn Bùi Vợi. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi lâm bệnh nặng gần ba năm trời, không biết mấy lần vào viện, và khi nào Hoàng Cát cũng là người đưa tin và rủ anh em đồng hương đến thăm. Đến tháng tư năm 2008, bệnh anh Vợi càng nặng, không nhận ra người đến thăm mình. Trước khi đi dự trại viết hai tuần ở Tam Đảo, Hoàng Cát đến đưa số điện thoại di động của mình cho chị Từ, vợ anh Vợi và dặn rằng: " Anh Vợi có mệnh hệ gì thì chị gọi điện, thế nào em cũng về"! Cũng may đầu tháng Năm anh Vợi mới mất, Hoàng Cát đứng chịu tang như một người em ruột.
Hoàng Cát thích chơi cờ tướng và thỉnh thoảng có những nước cờ xuất thần, nhưng thường để mất quân vô cớ. Khi ngồi chơi cờ, miệng ông nói liên tục để gây cười và trêu chọc đối phương, thường làm cho những người lần đầu chơi cờ với ông có cảm giác khó chịu. Khi là những câu tiếng Pháp ông học được từ nhà thơ Xuân Diệu, thường xuyên hơn là những câu đặc Nghệ, chèn tiếng Hán nói về các thế cờ như tam quân chiến, nhị quân hưu, song mã ẩm tuyền hay lưỡng hổ hàm thi! Người mới gặp ông, xem ông đánh cờ, nghe ông nói tưởng ông coi thường người khác và cay cú khi thua. Sự thật hoàn toàn ngược lại: ông chỉ coi cờ tướng là chỗ bạn bè gặp gỡ, chơi đùa với nhau, chứ được thua ông không hề quan tâm. Có lần tôi đã phải thốt lên sau khi thắng ông quá đậm: " Tau tức nhất khi chơi cờ với mi là dù thua bao nhiêu mi cũng không tức"!
Ông ghét nguyên tắc, khá cực đoan, và có khi nổi nóng không ngờ. Đó là lần đến chơi nhà Võ Văn Trực. Khi hai người đang nói chuyện trong nhà thì người thu tiền nước đến gọi cửa và nói đùa:" Ông Trực có nạp tiền nước không, hay là muốn cắt nước đây"! Võ Văn Trực chưa kịp trả lời thì Hoàng Cát đứng phắt dậy, đỏ mặt tía tai lao ra cửa, tay nắm lấy cổ áo người thu tiền nước, quát lớn: " Bỏ ngay cái thói cửa quyền. Nhà nước giao cho ông cấp nước phục vụ dân hay doạ nạt dân..."? Nếu Võ Văn Trực không kịp can ngăn thì có lẽ ông thu tiền nước còn lĩnh đủ!
Hoàng Cát là người phóng túng, sống hết mình, tiền bạc ông không coi trọng và lắm khi còn coi thường ngay cả tính mạng của mình. Mặc dù "tim bong, chân chắp", nhưng đã lên xe máy là phóng như bay, thanh niên phải nể. Bởi vậy chuyện ông ngã xe, bất tỉnh dọc đường không phải là hiếm. Những ngày mặt mày xây xát, ông ân hận, làm thơ thương vợ vì mình mà khổ, tự nguyện để cho con giấu chìa khoá xe máy, hứa sẽ không bao giờ dùng đến, thế nhưng vừa lành vết thương, đâu lại vào đấy, một ngày chưa lên xe phóng đi đâu đó là coi như...chưa sống!
Đã chạm tuổi “cổ lai hy”, nét đẹp trai ngày nào đã thành đẹp lão. Da đỏ, trán cao, tóc màu sợi đay buông xuôi đến tận vai.
Một lần nhà thơ Trọng Khoát, cùng đồng hương Nam Đàn, hơn Hoàng Cát trên chục tuổi, gặp đã phải thốt lên một câu toàn tiếng Nghệ:" Ngong mi hệt cố tra" (trông mày giống hệt cụ già), tôi đỡ lời Hoàng Cát đáp lại: " Tra mô mồ mà tra" (đã già đâu nào) và chứng minh Hoàng Cát còn rất nhạy cảm với phái đẹp. Sau mỗi chuyến đi công tác xa, ông viết một loạt hàng chục bài thơ tình để tặng một người phụ nữ vừa mới quen với nhiều khổ đau, dằn vặt.
Đồng hương nhắc đừng thơ dại về tình yêu, ông giận dỗi bảo rằng mình là lửa nên chỉ biết cháy! Đứng xa vài chục mét thấy Hoàng Cát dùng điện thoại di động cũng dễ dàng phân biệt được rằng ông đang nói với đàn ông hay đàn bà! Có khi đang thao thao giọng châm chọc trong cuộc cờ, bỗng nghe chuông réo, nâng điện thoại di động lên, đổi giọng cất lên hai tiếng " Em ạ!" ngọt ngào đến vô lý!
Đấy! Hoàng Cát là thế!
VƯƠNG TRỌNG

No comments:

Post a Comment