.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, December 14, 2012

CHUYỆN VỀ ĐỨC THÁI BẢO ANH LINH VƯƠNG LÊ ĐÌNH KIÊN

Cách chùa Hiến không xa, cũng trong địa phận xã Hồng Châu, có khu đất nguyên là vườn trong dinh Trấn thủ xứ Sơn Nam xưa. Nơi đây, ngày trước có đền thờ Tước quận công Lê Đình Kiên. Đền ấy ngày nay không còn, nhưng bên cạnh đường đi còn có một tấm bia lớn (190 x 97cm) khắc năm Bảo Thái thứ 4 (1723) với dòng tên bia chạm nổi bằng chữ triện: Đỉnh kiến Tả đô đốc Thiếu bảo Tước quận công tặng Thái bảo Anh Linh vương Lê công từ bi ký.

Người soạn văn bia là Trần Đế Đào (quê huyện Tấn Giang tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) nguyên là tàu trưởng tàu Hải Nam đến cư trú ở Vạn Lai Triều đã lâu năm. Văn bia chủ yếu ca ngợi công lao sự nghiệp của Thái bảo Anh Linh vương Lê Đình Kiên, đồng thời cũng là áng văn có giá trị của một người Hoa thuộc thế hệ đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp ở vùng Phố Hiến. Với tình cảm tốt đẹp, tác giả viết:
“Người ta thường nói: có núi cao ắt có sông lớn, có núi cao sông lớn tất có bậc kỳ vĩ tuấn kiệt sinh ra để cho đầy đủ khí chất bay bổng trong sáng. Điều đó không cứ ở trong nước (Trung Quốc) hay ngoài nước, dẫu ở đâu cũng thế. Bọn chúng tôi đáp thuyền biển sang làm việc ở nước Nam cũng thấy được điều đó. Những khi rỗi rãi chúng tôi từng du lãm các nơi núi sông cảnh đẹp ở chốn đô ấp đây để mở rộng tầm hiểu biết. Thấy non sông này văn nhân tài giỏi, võ sĩ siêu quần, quốc thể âu vàng bền vững, bọn chúng tôi thường cùng nhau tấm tắc ca ngợi. Về chỗ tàu thuyền ra vào tấp nập thì Vạn Lai Triều là nơi thuyền buôn dừng đậu, người Bắc quốc sang buôn bán đến nay đã mấy chục năm được an cư lạc nghiệp, không kể xa gần đều vui đến quần tụ nơi đây. Ơn trạch của Thái bảo Anh Linh vương Lê Tướng công thật lớn lao, không ghi hết được”.
Tác giả văn bia không viết nhiều về tiểu sử hành trang của Lê Thái bảo, vì cho rằng những điều đó tất đã có sử sách của triều đình ghi chép. Tác giả ghi nhận sự đánh giá cao của người đương thời và tình cảm biết ơn sâu sắc của người Hoa ở Phố Hiến đối với vị đại thần giữ chức Trấn thủ xứ Sơn Nam trong 46 năm:
“Tướng quân yêu dân như con, ngăn giặc có phép, dè xẻn tiêu dùng, công lao trung quân ái quốc của Tướng công, dẫu đứa trẻ lên ba cũng biết ca tụng… Bọn chúng tôi là thương khách từ xa tới, đâu dám điểm tên kể số nhân sự của bản quốc. Chỉ nghĩ rằng, chúng tôi kiều ngụ ở nước Nam đã lâu, được thấm nhuần công đức ơn trạch của Lê Tướng công, có nguyện vọng chân thành thôi thúc, lòng cảm nhớ da diết, không ngày nào khuây nguôi”.
Sau khi Lê Tướng công qua đời, người Hoa ở Vạn Lai Triều xin triều đình cho họ được dựng đền trên khu đất của dinh Trấn Ty cũ để thờ ngài. Được triều đình cho phép, người Hoa ở Vạn Lai Triều bèn góp tiền thuê thợ xây dựng đền thờ Lê Thái bảo với quy mô to lớn, ai nấy đều thỏa lòng, nhưng việc dựng bia thì chưa tính đến. Sau được Trấn quan kế nhiệm là Đặng Tướng công (tức Đặng Đình Tướng) khuyến khích, việc đó mới thực hiện vào năm đã ghi trên. Cuối bia ghi tên các thương nhân người Hoa góp tiền dựng đền và khắc bia. Tất cả khoảng 150 nghìn, nhưng chữ khắc cỡ nhỏ, nhiều mảnh đã mờ mòn, nay chỉ đọc rõ được một số khoảng hơn 80 người (như Lâm Đức Trung, Quách Chính Thụy v.v…).
Vì kiêng huý của Anh Linh vương nên trong bia không ghi tên thật của ngài. Nhưng danh tính vị Tả Đô đốc họ Lê quê ở làng Bái Trại, huyện Yên Định, giữ chức Trấn thủ xứ Sơn Nam trong 46 năm mà văn bia nói đến thì có thể tìm thấy trong hầu hết các bộ quốc sử có danh tiếng. Toàn thư chép: “Lấy Tước quận công Lê Đình Kiên làm Đề đốc (10-1669). Bây giờ Đình Kiên làm Lưu thủ Sơn Nam, chính sự liên bình, giặc cướp không có, nhân dân được yên, cho nên được đặc cách thăng 2 bậc”.
Tháng 2 năm Giáp Thân (3-1704) niên hiệu Chính Hòa 25 ông mất. Sử ký tục biên viết: “Trấn thủ Sơn Nam là quận công Lê Đình Kiên chết. Đình Kiên làm Nội thị trong cung cấm nhiều lần theo chúa đi chinh phạt, có công lao, ở trấn trước sau đến 40 năm. Làm việc chính sự chuộng nghiêm khắc, cứng rắn, vì vậy trộm cướp năm im không dám hoạt động. Kiên nổi tiếng về cai trị. Đến đây chết, thọ 82 tuổi, truy tặng Thái bảo, truy phong phúc thần”.
Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục cũng đề cao chính tích của Thiếu bảo Lê Đình Kiên và có ghi lại mấy mẩu chuyện về tài xử kiện của ông”. Cương mục và các sử sách đời Nguyễn cũng đều ghi về ông với ngôn từ ca ngợi tương tự như vậy.
Ngày nay đọc bài văn bia của Trấn Đế Đào, chúng ta cảm kích nhận ra rằng: Một viên quan cai trị như Thái bảo Lê Đình Kiên với tấm lòng “Yêu dân như con”, biết thi hành đường lối nhân chính, bảo đảm an ninh xã hội cho dân chúng được yên cư lạc nghiệp, quả đã góp phần không nhỏ đem lại phồn vinh một thời cho đô thị cổ Phố Hiến.
NGÔ ĐỨC THỌ
(trích bài viết ĐÔ THỊ CỔ PHỐ HIẾN: THƯ TỊCH VÀ BI KÝ HÁN NÔM)
Nguồn: Hán Nôm

No comments:

Post a Comment