.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, December 14, 2012

DỰC BẢO TRUNG HƯNG ĐẠI VƯƠNG LÊ ĐÌNH KIÊN – NGƯỜI ĐẬP TAN QUÂN TÀU Ô VÀ MỞ MANG PHỐ HIẾN

Người có công lớn lập ra Phố Hiến, gây dựng thành một trung tâm phồn thịnh là Lê Đình Kiên. Dưới thời Vĩnh Tộ, ông được phong “Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Trung quân đô đốc phủ, Hữu đô đốc Thiếu bảo, tước Quận công tặng Thái bảo”. Sau khi Lê Đình Kiên mất, được gia phong “Dực bảo trung hưng Đại vương”.
Năm Giáp Thìn (1664) Lê Đình Kiên được bổ nhiệm Tổng trấn Sơn Nam, có quyền tiền trảm, hậu tấu. Thời đó, ông đã dẹp yên loạn con cháu nhà Minh ở vùng Quảng Ninh, chiêu dụ bọn chúng mà lập nên làng Vạn Lai Triều. Sau Lê Đình Kiên còn đưa dân ở các trấn ra mở mang vùng Hưng Yên, Hải Dương và lập ra Phố Hiến.

Phố Hiến xưa
Đó là một người Thanh Hóa, ông Lê Đình Kiên, người  làng Thiết Danh, (nay thuộc xã Định Tường) huyện Yên Định. Lê Đình Kiên làm quan dưới thời Lê – Trịnh. Năm Giáp Thìn (1664), ông vâng lệnh triều đình ra làm trấn thủ trấn Sơn Nam. Công lao lớn nhất của ông là dẹp yên quân Tàu ô và mở mang Phố Hiến, được phong Đặc tiến phụ Thượng tướng quân, trung quân đô đốc phủ, hữu đô đốc thiếu bảo, tước quận công, hàm Thái bảo. Sau khi chết được tặng Dực bảo trung hưng Đại vương.
Hưng Yên nay là đất thuần nông, nhưng vào thế kỷ 18, thời Lê Trịnh, đây là một trung tâm thương mại sầm uất, đặc biệt là ngoại thương.
Sách Đại Nam nhất thông chí ghi: “Xã Nhân Dục huyện Kim Động, là lỵ sở trấn Sơn Nam đời Lê, phàm người nước ngoài đến buôn bán thì tụ tập ở đây, gọi là Vạn Lai Triều, cảnh vật phồn thịnh, nhà ngói như bát úp. Đại đô hội ở Bắc Kỳ chỉ có Thăng Long và đây mà thôi, cho nên mới có câu “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
Qua những trang mô tả sơ sài của các thư tịch xưa, ta hiểu rằng vào thời đó, nhu cầu giao thương quốc tế đã rất lớn, các thương gia nước ngoài như Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Philippin, Thái lan… thường xuyên ra vào Phố Hiến.
Chẳng những chỉ ra vào bán mua, mà có những tập đoàn người nước ngoài còn lưu trú xây dựng cơ nghiệp. Ví như người Trung Quốc đã chiếm cả một dãy phố gọi là phố Nam Hòa, đối diện với phố Bắc Hòa là phố của người bản xứ.
Người có công lớn lập ra Phố Hiến, gây dựng thành một trung tâm phồn thịnh là Lê Đình Kiên. Dưới thời Vĩnh Tộ, ông được phong “Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Trung quân đô đốc phủ, Hữu đô đốc Thiếu bảo, tước Quận công tặng Thái bảo”. Sau khi Lê Đình Kiên mất, được gia phong “Dực bảo trung hưng Đại vương”.
Năm Giáp Thìn (1664) Lê Đình Kiên được bổ nhiệm Tổng trấn Sơn Nam, có quyền tiền trảm, hậu tấu. Thời đó, ông đã dẹp yên loạn con cháu nhà Minh ở vùng Quảng Ninh, chiêu dụ bọn chúng mà lập nên làng Vạn Lai Triều. Sau Lê Đình Kiên còn đưa dân ở các trấn ra mở mang vùng Hưng Yên, Hải Dương và lập ra Phố Hiến.
Lê Đình Kiên có thể coi là người có tài năng thương mại nhất của nước ta thời bấy giờ. Nhờ ông mà chính sách triều đình thông thoáng, thu hút được thương gia nước ngoài, làm cho Phố Hiến sầm uất. Thời Lê Đình Kiên làm việc, được ca tụng là thời thịnh trị, trong nhà dân ai cũng dư dật, ngoài đường không ai nhặt của rơi, kẻ buôn bán ngoài chợ cùng khách qua đường đi ban đêm không phải sợ, nằm đồng nội chẳng lo… Người ta còn ghi lại, sự xây dựng đền đài, kho tàng, cầu cống, đê điều, ông lo cho dân mệt nhọc nên đã đặt ra phép luân công và phép trữ dùng để đỡ của, đỡ sức dân.
Bình sinh khi cai trị ông xem dân như con, xử việc công bằng. Khi bắt trộm cướp, ông sáng suốt trong việc kết án đầy đồ; lúc xét kiện tụng, ông giữ đức ngay thẳng. Sách “Kiến văn tiểu lục” có chép lại một chuyện Lê Đình Kiên vạch mặt một thương gia Trung Quốc, khi tên này lập mưu cướp cô vợ xinh đẹp của một người phường chèo, phạt tên này tới 1680 lạng bạc.
Lê Đình Kiên ở trấn được 40 năm, mất năm 1704, thọ 84 tuổi, trong nhà không có một thứ của nả gì đáng giá. Vì thế người đời rất cảm kích.
Hiện nay ở trong nhà thờ ông tại làng Thiết Danh (Yên Định, Thanh Hóa) có đôi câu đối chữ Hán:
Đại đức tứ dân, danh tại sử
Sinh vi lương tướng tử vi thần
Và:
Trị sự liêm bình, kim cổ đan thanh tuế tích
Tại nhân đức trạch, bắc nam kim thạch minh danh
Tạm hiểu: Việc cai trị liêm chính công bằng, mãi mãi tiếng tăm được ghi vào sử sách – Đức lớn cho dân được nhờ cậy, cả Việt Nam và Trung Quốc sanh sáng khắc đá vàng.
Ở miếu Anh linh vương thuộc thị xã Hưng Yên ngày nay còn tấm bia đá, có khắc 2 bài văn, một của dân Hưng Yên, một của người Trung Quốc trú ở Phố Hiến, ghi lại công đức của Lê Đình Kiên. Bài của dân Hưng Yên ghi: “Người ta thường nói rằng người hiền làm giềng mối cho nước, làm danh vọng cho dân và nước được lâu dài… ông là một lãnh tụ trong số những người hiền chăng? Một vị giường cột cho nước nhà chăng…?”. Bài của người Trung Quốc ghi: “Chúng tôi vượt bể sang Nam, theo nghề buôn bán… Tàu thuyền qua lại thường lấy Vạn Lai Triều làm bến, nên từ ngày buôn bán tới nay đã vài mươi năm, vui vẻ nghề nghiệp, kẻ gần thì mừng, người xa thì tới đều nhờ ơn của Anh linh vương (tức là đức Thái Bảo họ Lê), không biết bao giờ mới hết… Ngài yêu dân như con, dẹp giặc có chước, lại tiết kiệm trong việc chi dùng để dồi dào cho dân. Tấm lòng yêu nước, trung vua của ngài dù em bé lên ba trong nước đều ca tụng. Chúng tôi là những người khách qua đường, từ phương xa lại, đâu dám nêu việc nước người. Nhưng vì ngụ lâu đất An Nam, đã thấm thuần nền đức của Lê công, nên chỉ nhảy nhót trông mong, biết bao cảm tưởng rất sâu, trong dạ chẳng ngày nào quên được…”.
    Việc dân nước mình ca ngợi người mình là điều dễ hiểu. Được người nước ngoài ca ngợi đến như thế thật không phải dễ. Cho nên công đức của Lê Đình Kiên đối với Phố Hiến là lớn vô cùng. Nói rằng Lê Đình Kiên là người cha của Phố Hiến cũng đúng vậy. Ngày nay chúng ta chủ trương mở mang công thương, giao lưu với bên ngoài, thiết tưởng cũng nên nhớ đến gương sáng của người xưa, tiếp nối truyền thống, làm cho vùng Phố Hiến trở lại phồn thịnh.
Nhân đây, cũng nói thêm rằng ở vùng Hưng Yên còn có nhân vật Chử Đồng Tử. Đây chỉ là một truyền thuyết, nhưng nếu bóc đi những lớp hư ảo ta vẫn nhận ra một sự thật: Vào thời rất xa xưa, đây đã là vùng ngoại thương phát triển, một cửa thông ra thế giới của đất nước.
Nếu ta thờ Chử Đồng Tử như ông tổ của ngoại thương nước nhà thì cũng có thể thờ Lê Đình Kiên như người cha của Phố Hiến.
ĐẶNG ÁI

No comments:

Post a Comment