Người chuyên mơ mộng không thực tế
Đây là bài diễn văn của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami khi nhận giải thưởng văn học quốc tế Catalunya International Prize ngày 10.6.2011 ở Barcelona, Tây Ban Nha. Không chỉ nói chuyện văn chương, ông còn đề cập thảm họa động đất và hạt nhân ở Nhật Bản một cách thấm thía.
---
Lần trước tôi đến thăm Barcelona là
vào mùa xuân cách đây hai năm. Trong ngày tác giả ký tặng ra mắt sách, tôi đã
ngạc nhiên vì rất đông độc giả tìm đến. độc giả đứng đợi thành hàng dài, đến
nỗi tôi ký tặng suốt một giờ rưỡi vẫn chưa xong được. Tốn thời gian đến mức ấy
chính là vì nhiều độc giả phái nữ đã đòi hôn tôi. Vì vậy mà cần nhiều thời gian
đến thế.
Cho đến nay, tôi đã thực hiện nhiều
buổi ký tặng ra mắt sách ở các đô thị trên thế giới, nhưng được độc giả nữ đòi
hôn thì khắp thế giới chỉ có ở Barcelona này mà thôi. Chỉ nêu một khía cạnh đó
cũng đủ hiểu Barcelona là thành phố tuyệt vời đến thế nào. Thành phố đẹp với
lịch sử lâu dài và nền văn hóa cao. Được trở lại đây lần nữa, tôi cảm thấy vô
cùng hạnh phúc.
Thế nhưng, thật tiếc là hôm nay tôi
không thể nói về chuyện hôn, mà phải đề cập chuyện có phần nghiêm trọng hơn
kia.
Như quý vị biết, vào lúc 2 giờ 46
chiều ngày 11 tháng 3, địa phương Tohoku của Nhật Bản đã bị động đất khủng
khiếp. Mức động đất mãnh liệt đến nỗi quả đất tự xoay nhanh hơn làm ngày ngắn
đi 1 phần triệu, tức là 1,8 giây.
Động đất tự nó đã gây thiệt hại lớn,
mà sóng thần tsunami ập vào sau đó còn để lại vết tích cào nát kinh khủng hơn
nữa. Có nơi đã bị sóng thần cao tới 39 mét. Sóng thần 39 mét thì cho dù người
ta có hối hả leo lên đến tầng thứ mười trong tòa nhà thông thường, cũng không
sống sót. Người sống gần bờ biển đã không chạy thoát được, gần 24.000 người đã
mất, dù trong số đó, gần 9000 người còn ghi là mất tích. Họ đã bị sóng thần
tràn qua đê, cuốn trôi, cho đến nay vẫn chưa tìm được xác. Có lẽ phần lớn đã
chìm xuống đáy biển lạnh giá. Cứ nghĩ đến điều ấy, tưởng tượng chính mình bị
đắm vào cảnh ngộ như thế, lồng ngực ta thắt lại. Ngay cả những người sống sót,
nhiều người đã bị mất gia đình, bạn bè, mất nhà cửa, tài sản, mất hàng xóm láng
giềng, mất cả nền tảng của đời sống. Có xóm làng đã bị tiêu tán đến tận gốc.
Chắc chắn đã có rất nhiều người mất cả hy vọng vào cuộc sống.
Có vẻ làm người Nhật Bản có nghĩa là
phải sống chung với nhiều thiên tai. đất Nhật phần lớn nằm trên đường bão tố
thổi qua vào mùa hạ sang mùa thu. Năm nào cũng chắc chắn có tai họa lớn, nhiều
người phải bỏ mạng. Nhiều vùng có núi lửa còn hoạt động, và tất nhiên có động
đất. Quần đảo Nhật Bản nằm nơi góc phía đông của đại lục châu Á, nhằm vị trí
nguy hiểm chông chênh trên cả bốn phiến địa tầng khổng lồ. Người Nhật chúng tôi
vẫn nói là giống như sinh sống ngay trên ổ động đất vậy.
Bão tố thì tương đối còn biết được
ngày nào và tràn qua những đâu, chứ động đất thì chưa dự đoán gì được. Chỉ hiểu
được một điều là lần này cũng chẳng phải là lần cuối, trong tương lai thế nào
cũng lại có trận động đất lớn khác. Nhiều học giả tiên đoán là có thể địa vực
xung quanh Tokyo sẽ có động đất lớn cỡ biên độ 8 richter trong vòng 20, 30 năm
tới. Mà cũng có thể mười năm nữa, hay biết đâu ngay chiều ngày mai đây cũng
không chừng! Nếu một đô thị khổng lồ, dân chúng đông đúc như Tokyo mà bị động đất
kích thẳng lên, thì mức thiệt hại đến như thế nào, thật không ai tính ra cho
chính xác được.
Vậy mà, chỉ tính trong khu vực thủ
đô Tokyo thôi, hiện tại vẫn có mười ba triệu người đang sinh sống những ngày
“bình thường”. Vẫn mỗi ngày lên tàu điện đầy nghẹt mà đến sở, và làm việc trong
những tòa nhà cao tầng. Sau trận động đất lần này cũng chưa nghe ai nói rằng
dân số Tokyo giảm đi.
Tại sao? Có lẽ quý vị hỏi như thế.
Tại sao chỗ ghê gớm đến vậy mà nhiều người đến mức ấy lại có thể sinh sống
nghiễm nhiên như thế được? Đầu óc họ không nổi điên lên vì sợ hay sao?
Trong ngôn ngữ Nhật Bản có chữ “vô
thường”. Nghĩa là không hề có trạng thái “bình thường” kéo dài mãi được. Mọi
thứ sinh ra trên đời này đến lúc nào đấy sẽ phải mất đi, tất cả đều không ngừng
thay đổi. Không đâu có được sự an định vĩnh cửu hay thứ gì bất biến bất diệt để
người ta hòng nương tựa. Là một quan niệm về cuộc đời, bắt nguồn từ Phật giáo,
lẽ “vô thường” này đã lệch khỏi mạch tôn giáo mà in đậm vào tinh thần người
Nhật để thành tâm thức của dân tộc, từ thời cổ truyền thừa hầu như nguyên trạng
mãi đến ngày nay.
Quan niệm “tất cả rồi cũng qua đi”
này là thứ thế giới quan “cam chịu”, là lối suy nghĩ rằng có cưỡng lại dòng
chảy thiên nhiên cũng chỉ vô ích mà thôi. Thế nhưng, người Nhật Bản lại tích cực
tìm thấy vẻ đẹp trong sự cam chịu ấy.
Nói đến thiên nhiên, người Nhật yêu
thích hoa anh đào mùa xuân, côn trùng mùa hạ, lá vàng mùa thu. Mà lại yêu thích
đồng lòng một cách tập thể, theo tập quán, và thưởng ngoạn nhiệt thành như thể
là chuyện đương nhiên không cần giải thích gì nữa. Những nơi danh thắng về hoa
anh đào, côn trùng hay lá vàng thì đến mùa là đông nghẹt người, đến nỗi khó mà
đặt chỗ trong khách sạn.
Tại sao lại như thế? Là vì hoa anh
đào hay côn trùng hay lá vàng đều sẽ mất đi vẻ đẹp chỉ trong thời gian ngắn.
Chúng tôi vì muốn mục kích cho được vẻ đẹp vinh quang nhất thời ấy mà phải lặn
lội từ xa đến. Và không chỉ vẻ đẹp mà thôi, chúng tôi còn xác nhận được ngay
trước mắt, nét yêu kiều ngắn ngủi đang úa tàn, chút ánh sáng nhỏ nhoi mất dần đi,
sắc thắm tươi dần héo úa, mà lại khiến lòng mình yên ổn. Chúng tôi tìm được sự
an tâm từ lẽ đổi thay vô thường, vẻ đẹp tưng bừng nở rộ rồi tiêu tán đi mất.
Tính cách tinh thần như thế liệu
thiên tai tác động đến như thế nào, tôi không hiểu được. Nhưng chắc chắn là
chúng tôi, trong ý nghĩa nào đó, “cam chịu chuyện chẳng đặng đừng” mà vượt qua
những thiên tai liên tục kéo đến, cùng nhau khắc phục tai họa mà tiếp tục sống.
Có lẽ những trải nghiệm (với thiên tai) như thế đã ảnh hưởng đến thẩm - mỹ -
quan của chúng tôi.
Trận động đất lớn lần này đã gây sốc
cho hầu như tất cả mọi người Nhật. Và ngay cả chúng tôi thường ngày đã quen với
động đất, mà trước tai họa có mức độ kinh khủng như thế, bây giờ cũng còn bàng
hoàng, cảm thấy bất lực, đến nỗi hoang mang cả về tương lai của đất nước.
Dù vậy, kết cuộc thì chúng tôi vẫn
phải củng cố tinh thần, cùng đứng lên hướng đến việc phục hưng. Về việc này thì
tôi không lo lắng mấy. Dân tộc Nhật Bản đã sống còn như thế qua một lịch sử rất
dài rồi. Không thể cứ co rúm lại vì sốc mãi được. Nhà cửa sụp đổ sẽ xây dựng
lại được, đường sá hư hại sẽ sửa chữa lại được.
Nói cho cùng, chúng tôi đang tự ý mà
ở trọ trên hành tinh gọi là trái đất này. Chẳng phải trái đất nài nỉ chúng tôi
đến ở đây đâu. Vì vậy, đất có rung chuyển chút ít thì cũng chẳng kêu ca. Bởi
thỉnh thoảng lại rung chuyển là một thuộc tính của trái đất này mà. Dù muốn dù
không, chúng tôi vẫn phải sống chung với thiên nhiên như thế.
Ở đây, tôi muốn nói đến những gì
không thể dễ dàng khôi phục như xây sửa lại nhà cửa hay đường sá. Như luân lý
hay quy phạm của xã hội, chẳng hạn. Không phải là những vật thể có hình hài.
Những thứ hễ bị tổn hại thì không dễ dàng khôi phục được như cũ. Không phải là
thứ chỉ cần chuẩn bị máy móc, tập họp nhân công, thu góp vật liệu lại là phục hồi
được.
Một cách cụ thể là tôi muốn nói đến
chuyện nhà máy phát điện nguyên tử Fukushima.
Quý vị hẳn đã biết, trong sáu lò
nguyên tử bị động đất và sóng thần tác hại ở Fukushima, ít nhất có ba lò vẫn
chưa sửa chữa được, vẫn còn đang phát tán phóng xạ ra các vùng xung quanh. Lõi
lò tan chảy, đất đai xung quanh bị ô nhiễm, và nước thải có lẽ có nồng độ phóng
xạ cao đang chảy vào nước biển gần đấy. Và gió mang phóng xạ ấy lan ra khắp
vùng.
Trên trăm ngàn cư dân trong các vùng
quanh nhà máy phát điện nguyên tử ấy đã bị buộc phải di tản. Ruộng nương, cơ sở
chăn nuôi, cơ xưởng, khu phố buôn bán, bến cảng bị bỏ phế, không một bóng
người. Có lẽ những người đã sống ở đấy sẽ không còn trở về vùng đất này được
nữa. Mà tai họa có vẻ không chỉ ở Nhật Bản, rất tiếc là còn lan ra cả các nước
lân cận.
Tại sao tình trạng bi thảm đến như
thế lại xảy ra, nguyên nhân thì hầu như đã rõ ràng rồi. Là bởi những người xây
dựng nhà máy phát điện nguyên tử đã không dự tính chuyện sóng thần lớn đến mức
này sẽ ập tới. Tuy đã có vài nhà chuyên môn chỉ ra rằng vùng này trước đây đã
bị sóng thần lớn cỡ đó đánh vào, và yêu cầu kiểm tra lại tiêu chuẩn an toàn,
nhưng công ty điện lực đã không nghiêm túc trước yêu cầu đó. Bởi chuyện đầu tư
một số tiền lớn chỉ đề đối phó với loại sóng thần vài trăm năm mới có một lần,
thì vì lợi ích kinh doanh, xí nghiệp không thể hoan nghênh được.
Lại nữa, chính phủ Nhật Bản đáng lẽ
phải quản lý nghiêm ngặt những đối sách về an toàn của nhà máy phát điện nguyên
tử, lại vì muốn thúc tiến chính sách dùng nguyên tử lực, nên có vẻ đã hạ thấp
đòi hỏi về mức độ an toàn.
Chúng tôi phải điều tra sự việc ấy,
và nếu có sai lầm, thì phải vạch ra rõ ràng. Bởi chính vì sai lầm ấy mà ít nhất
đã có trên trăm ngàn người phải bỏ đất đai mà đi, phải thay đổi cả lề lối sinh
sống nữa. Chúng tôi không thể không tức giận. Chuyện đương nhiên thế thôi.
Không hiểu sao dân tộc Nhật Bản vốn
ít khi nổi giận. Quen cam chịu được lâu dài, mà không mấy giỏi chuyện bộc phát
tình cảm. Có lẽ về điểm này thì có phần khác với thị dân Barcelona. Thế nhưng,
lần này thì đến cả quốc dân Nhật Bản cũng phải nổi giận lên mất.
Tuy nhiên, đồng thời, chúng tôi cũng
phải phê phán cả chính mình nữa, vì đã mặc nhận hay tha thứ cho cái cơ cấu lệch
lạc ấy. Bởi tình trạng bi thảm lần này có quan hệ sâu đậm đến vấn đề luân lý và
quy phạm của người Nhật.
Như quý vị biết, Nhật Bản là dân tộc
duy nhất trong lịch sử đã có kinh nghiệm bị dội bom nguyên tử. Tháng 8 năm
1945, hai thành phố Hiroshima và Nagasaki đã bị phi cơ quân đội Mỹ dội bom
nguyên tử, tổng cộng trên 200.000 người mất mạng. Phần đông người chết là thị
dân thường, không vũ trang.
Tuy nhiên, ở đây, tôi không đặt vấn
đề nên hay không nên. điều tôi muốn nói là không chỉ 200.000 người chết ngay
lúc bị bom, mà sau đó, rất nhiều người sống sót đã phải khốn khổ vì chứng bệnh
do phóng xạ nguyên tử trong một thời gian rất lâu mới chết được. Từ sự hy sinh
của những người ấy mà chúng tôi biết được bom nguyên tử phá hoại kinh khủng đến
mức nào, phóng xạ nguyên tử gây ra thương tích trầm trọng thâm sâu đến đâu trên
thế giới này, trên thân thể con người.
Sau Thế chiến thứ hai, Nhật Bản có
hai hướng tiến căn bản. Phục hưng kinh tế và bãi bỏ hành vi chiến tranh. Dù có
xảy ra chuyện gì, nhất định không dùng vũ lực lần nào nữa, chỉ nhắm đến phát
triển kinh tế và mưu cầu hòa bình, đó là hai phương châm mới của nước Nhật Bản.
Trên tấm bia an ủi linh hồn nạn nhân
bom nguyên tử Hiroshima có viết:
“Xin hãy yên nghỉ. Sẽ không còn sai
phạm”.
Những lời tuyệt vời! Chúng ta là nạn
nhân đồng thời cũng là kẻ phạm tội. Ý nghĩa như thế hàm chứa trong những lời
ấy. Với sức mạnh khủng khiếp của nguyên tử lực, chúng ta ai cũng là nạn nhân,
mà đồng thời cũng là kẻ gây hại. Tất cả chúng ta là nạn nhân bị sức phá hoại nguyên
tử uy hiếp, mà tất cả chúng ta cũng là kẻ tác hại khi đã tạo nên sức phá hoại
ấy, hay không ngăn cản việc sử dụng nó.
Rồi ngày nay, sáu mươi sáu năm sau
cuộc dội bom nguyên tử, nhà máy phát điện nguyên tử Fukushima - 1 còn đang phát
tán phóng xạ trong suốt ba tháng nay, và tiếp tục làm ô nhiễm đất đai, nước
biển và không khí các vùng xung quanh. Chưa ai biết bao giờ và làm cách nào
chặn lại được. đây là lần thứ hai trong lịch sử, người Nhật chúng tôi phải trải
nghiệm và chịu thiệt hại, nhưng lần này chẳng phải do ai khác dội bom xuống. Mà
chính người Nhật chúng tôi đã gây ra, đã tự tay mình phạm tội, làm tổn hại đến
đất nước mình, và phá hoại cuộc sống của chính mình.
Làm sao mà ra nông nỗi ấy? Tinh thần
phản đối hạch nhân mà chúng tôi đã ôm ấp bao nhiêu năm nay sau Thế chiến ấy đã
tiêu tan đâu mất rồi? Xã hội giàu có trong hòa bình mà chúng tôi một lòng tìm
kiếm ấy, vì đâu mà hư hại, lệch lạc đến thế này?
Lý do thì đơn giản thôi. Là vì “năng
suất” đấy.
Công ty điện lực chủ trương rằng lò
nguyên tử là hệ thống phát điện có năng suất cao. Nghĩa là hệ thống đem đến lợi
nhuận cao đấy. Và chính phủ Nhật Bản, nhất là sau cơn sốc dầu lửa, đã lo ngại
về tính ổn định trong việc cung cấp dầu thô, nên dần dần muốn thúc tiến quốc
sách phát điện bằng nguyên tử lực. Công ty điện lực bèn rải ra một lượng tiền
khổng lồ để tuyên truyền, mua chuộc giới truyền thông, ươm trồng ảo tưởng trong
dân chúng rằng phát điện bằng nguyên tử lực là an toàn về mọi mặt.
Đến lúc để ý thấy thì phát điện bằng
nguyên tử lực đã chiếm đến chừng 30 phần trăm tổng lượng phát điện trong toàn
quốc Nhật Bản. Trong lúc quốc dân đang còn mơ hồ thì đảo quốc Nhật Bản nhiều
tai họa động đất này đã trở thành nước có nhiều nhà máy phát điện bằng nguyên
tử đứng hàng thứ ba trên thế giới.
Đến nước này thì sự đã rồi, không
còn quay trở lại được nữa! Người dân nào còn hoài nghi về nguy cơ trong
việc phát điện bằng nguyên tử lực thì bị hỏi vặn theo kiểu hăm dọa rằng:
“Thế bị thiếu điện cũng được hay sao?” Ngay trong dân chúng dần dần cũng lan
tỏa cảm giác rằng “phải trông cậy vào phát điện bằng nguyên tử lực thôi, chẳng
làm sao khác được!” Bởi ở xứ nóng ẩm Nhật Bản này, mùa hè mà không dùng được
máy lạnh thì gần giống như bị tra tấn. Những người còn mang nghi vấn về phát
điện bằng nguyên tử bị gắn cho nhãn hiệu là “người chuyên mơ mộng không thực
tế”.
Cứ như thế cho đến ngày nay. Lò
nguyên tử đáng lý có năng suất cao ấy bây giờ đã rơi xuống tình trạng bi thảm,
không khác gì đã mở toang cánh cửa địa ngục mất rồi. Thực tế là như thế đấy.
Hóa ra thứ “thực tế” mà những người
muốn thúc đẩy việc phát điện bằng nguyên tử hằng chủ trương hay nói “hãy nhìn
vào thực tế” ấy thật ra chẳng phải là “thực tế” hay gì khác, mà chỉ là thứ “tùy
tiện” bề ngoài. Những người ấy đã lấy chữ “thực tế” mà thay vào đấy để đánh
tráo luận lý đó thôi.
Đây là sự sụp đổ của thần thoại về
“năng lực kỹ thuật” mà Nhật Bản đã tự hào từ bao nhiêu năm nay, đồng thời cũng
là sự thất bại của luân lý và quy phạm xã hội của người Nhật chúng tôi, bao lâu
nay đã tha thứ cho việc “tráo trở” như thế. Chúng tôi phê phán công ty điện
lực, chúng tôi phê phán chính phủ Nhật Bản. Điều đó đương nhiên, và cần thiết.
Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng phải tố cáo chính chúng tôi nữa. Chúng tôi là
nạn nhân, mà đồng thời cũng là kẻ gây hại. Phải nhìn kỹ và nghiêm khắc vào điều
đó. Bởi nếu không thì sẽ lặp lại thất bại kiểu ấy ở đâu đó nữa
“Xin hãy yên nghỉ. Sẽ không còn sai
phạm”.
Chúng tôi phải khắc sâu vào lòng
mình lời nói ấy một lần nữa.
Tiến sĩ Robert Oppenheimer là nhân
vật trung tâm trong việc khai phát bom nguyên tử trong Thế chiến thứ hai, khi
nghe tin về thảm trạng Hiroshima và Nagasaki bị dội bom nguyên tử, ông đã bị
sốc nặng. Ông nói với tổng thống Truman: “Thưa tổng thống, hai bàn tay tôi đã
đẫm máu”
Tổng thống Truman rút từ trong túi
ra chiếc khăn tay trắng gấp xếp ngay ngắn, bảo ông: “Ông lấy khăn này mà lau”.
Nhưng không cần nói cũng biết rằng
có tìm kiếm ở bất cứ nơi nào trên thế giới này, cũng không đâu có được thứ khăn
tay tinh khiết lau sạch được bao nhiêu là máu đó.
Người Nhật Bản chúng tôi đáng lẽ đã
phải tiếp tục hét lên “Không!” đối với hạch nhân. Ý kiến của tôi là như thế.
Đáng lẽ chúng tôi đã phải, ở cấp
quốc gia, kết tập năng lực kỹ thuật, tập trung trí tuệ, vận dụng vốn liếng xã
hội để khai phát dạng năng lượng hữu hiệu thay thế được phát điện bằng nguyên
tử lực. Cho dù có bị chê cười rằng “Không có dạng năng lượng nào có năng suất
bằng nguyên tử lực. Dân Nhật Bản không dùng nguyên tử lực thì ngu ngốc quá”,
chúng tôi lẽ ra vẫn phải nhất quyết không thỏa hiệp mà tiếp tục dị ứng đối với
hạch nhân đã được ghi khắc từ kinh nghiệm bị thảm họa bom nguyên tử. đáng lẽ đã
phải đặt chính sách khai phát năng lượng phi - hạch - nhân làm trọng tâm cho
bước tiến của Nhật Bản sau Thế chiến.
Chắc chắn đó là cách thức nhận trách
nhiệm tập thể của người Nhật Bản đối với bao nhiêu nạn nhân đã hy sinh ở
Hiroshima và Nagasaki. Nhật Bản đã cần phải có luân lý và quy phạm có tính cách
cốt lõi như thế, và cả thông điệp như thế trong xã hội. đáng lẽ đã là cơ hội
lớn cho người Nhật chúng tôi thật sự cống hiến cho thế giới. Thế nhưng trên
đường phát triển kinh tế gấp rút, chúng tôi đã đánh lạc mất hướng tiến quan
trọng ấy, buông trôi cho thứ tiêu chuẩn dễ dàng là “năng suất”.
Như tôi đã nói, cho dù tai họa từ
thiên tai có bi thảm hay trầm trọng đến đâu đi nữa, chúng tôi cũng vượt qua
được. Và có thể từ việc khắc phục được ấy, tinh thần của mọi người sẽ mạnh mẽ
thêm, sâu đậm thêm. Thế nào chúng tôi cũng sẽ làm được điều ấy.
Việc xây dựng lại những đường sá,
nhà cửa bị hư hại là công việc của những người chuyên môn. Nhưng cố gắng xây
đắp lại luân lý và quy phạm xã hội đã bị hư hại, là công việc của mọi người
Nhật Bản. Truy điệu những người đã chết, chăm sóc những người khốn khó vì tai
họa, chúng tôi sẽ làm việc trong tình cảm tự nhiên muốn làm sao cho những vết
thương, những đau khổ mà họ đã phải gánh chịu, không trở thành vô ích. Công
việc đó chắc chắn là phải chân chất, âm thầm, tự tay mình làm và đòi hỏi sự
nhẫn nại. Giống như người người trong làng phải cùng ra nương ruộng trong buổi
sáng mùa xuân trời thanh, để cày xới đất đai, gieo hạt, phải cùng nhau chung
sức thúc tiến công việc. Mỗi người làm theo khả năng của mình, nhưng có chung
với nhau một tấm lòng.
Trong công tác tập thể lớn lao ấy,
thế nào cũng có phần có thể góp sức được, cho chúng tôi, những người viết văn
chuyên nghiệp, chuyên môn dùng ngôn ngữ. Chúng tôi phải tạo sự liên kết giữa
luân lý, quy phạm mới, với những lời mới. Và từ đó, phải làm nảy mầm vươn lên
câu chuyện mới sống động. Chắc chắn chúng tôi chia sẻ được với nhau câu chuyện
này, có nhịp điệu khích lệ mọi người như bài ca gieo hạt trên nương. Ngày xưa,
chúng tôi quả thật đã chung sức với nhau như thế mà xây dựng lại được nước Nhật
Bản đã bị tàn phá đến tan hoang vì chiến tranh. Chúng tôi sẽ phải quay trở lại
điểm gốc ấy một lần nữa.
Như đã nói từ đầu, chúng tôi đang
sống trong thế giới tạm bợ không ngừng thay đổi gọi là “vô thường”. Mọi sự sống
được sinh ra đều biến đổi, rồi đến lúc nào đấy sẽ mất đi, không một ngoại lệ.
Trước sức mạnh vĩ đại của thiên nhiên, sức người chẳng là gì cả. Nhận thức về
tính cách vô thường ấy là một khái niệm căn bản của văn hóa Nhật Bản. Nhưng
đồng thời, chắc chắn rằng trong chúng tôi cũng còn có tinh thần tích cực là
quyết tâm bình yên muốn tiếp tục sống tươi vui ngay trong cái thế giới chông
chênh đầy nguy cơ ấy, mà vẫn tỏ lòng kính trọng những gì đã mất đi.
Tác phẩm của tôi được độc giả
Catalunya đánh giá cao, đạt được giải thưởng cao quý như thế này, tôi cảm thấy
rất tự hào. Chúng ta sống xa nhau, ngôn ngữ khác nhau, do đó văn hóa cũng khác.
Vậy mà đồng thời, chúng ta cùng là thị dân thế giới, gánh chung nhiều vấn đề và
ôm những niềm vui, nỗi buồn giống nhau. Chính vì vậy mà nhiều tập truyện một
tác gia Nhật Bản viết ra đã được dịch sang tiếng Catalunya và đến tay nhiều độc
giả ở đây. Nhờ vậy, tôi vui mừng chia sẻ được với quý vị từng câu chuyện chung.
Mơ mộng là công việc của tiểu thuyết gia. Nhưng đối với chúng tôi, công việc
còn quan trọng hơn nữa, là chia sẻ mộng mơ ấy cùng độc giả. Không có cảm giác
chia sẻ ấy thì không thể thành tiểu thuyết gia được.
Tôi được biết rằng người dân
Catalunya suốt trong lịch sử, đã vượt qua được rất nhiều khổ nạn, có thời kỳ đã
phải chịu thống trị hà khắc, nhưng vẫn tiếp tục sống kiên cường và xây dựng
được một nền văn hóa giàu đẹp. Giữa chúng ta, chắc chắn là có rất nhiều điều có
thể chia sẻ được.
Ở Nhật Bản và ở Catalunya này, nếu
quý vị và chúng tôi cùng trở thành những “người chuyên mơ mộng không thực tế”
như nhau, nếu một “cộng đồng tinh thần” như thế được hình thành vượt qua khỏi
biên giới quốc gia và dị biệt văn hóa, thì tuyệt vời biết bao! Tôi nghĩ rằng
điều đó chính là điểm xuất phát từ đấy chúng ta sống lại, sau khi đã trải qua
nhiều thứ tai họa trầm trọng, hay tai họa khủng bố bi thảm cùng cực trong những
năm gần đây.
Chúng ta không nên sợ chuyện mơ
mộng, Và bước chân của chúng ta không nên cuống cuồng vì lũ chó tai họa mang
tên là “năng suất” hay “tùy tiện” bám sát. Chúng ta phải là những “người chuyên
mơ mộng không thực tế” tiến bước về phía trước bằng những bước chân mạnh mẽ.
Người nào cũng đến lúc nào đấy sẽ chết và tiêu tán mất đi. Nhưng nhân loại thì
còn lại, mãi mãi tiếp nối. Trước hết, chúng ta phải tin vào sức mạnh của nhân
loại như thế.
Cuối cùng, tôi muốn được kính tặng
tiền thưởng này cho nạn nhân của trận động đất và nạn nhân của sự cố nhà máy
phát điện nguyên tử. Xin cảm tạ quý vị cư dân Catalunya và Generalitat de
Catalunya đã cho tôi cơ hội này. Và xin bày tỏ lòng tiếc thương sâu đậm đến
những nạn nhân của trận động đất vừa xảy ra ở Lorca.
Giải thưởng quốc tế hằng năm Catalunya
International Prize (hay Premi Internacional Catalunya) do chính quyền xứ
Catalan (thủ phủ là Barcelona), Tây Ban Nha, tặng cho những cá nhân có cống
hiến xuất chúng cho sự phát triển văn hóa, khoa học và những giá trị nhân bản
trên thế giới. Người nhận giải năm ngoái là cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter.
Các năm trước, giải thưởng này được trao cho Claude Lévi-Strauss, nhà dân tộc
học Pháp; Jacques Yves Cousteau, nhà thám hiểm hải dương Pháp; Karl Popper,
triết gia Anh; Václav Havel, cựu tổng thống Cộng hòa Czech; Aung San Suu Kyi,
lãnh tụ đối lập Myanmar; Amartya Sen, nhà kinh tế ấn độ... Năm nay 2011, nhà
văn Nhật Haruki Murakami được giải do “tác phẩm vượt qua được hoàn cảnh văn
hóa, ông trở thành một chuẩn mực trong thế giới văn học”, “đã xây dựng được
một cầu nối văn học giữa đông và Tây”. Giải này gồm tiền thưởng 80.000 euro
và một tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ xứ Catalan Antoni Tàpies.
|
Haruki Murakami
Phạm Vũ Thịnh dịch
Theo bản tiếng Nhật của báo Mainichi và bản tiếng Anh của Senrinomichi
Phạm Vũ Thịnh dịch
Theo bản tiếng Nhật của báo Mainichi và bản tiếng Anh của Senrinomichi
No comments:
Post a Comment