.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, May 24, 2012

NGUYỄN DIÊU – NGƯỜI THẦY CỦA DANH NHÂN ĐÀO TẤN


 
Tên danh nhân văn hóa Đào Tấn đã thành tên đường ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quy Nhơn và nhiều thành phố khác. Lớp trẻ hôm nay dần dà cũng đã biết về tiểu sử Đào Tấn và những đóng góp của ông trong thơ Việt cũng như nghệ thuật hát Bội đặc sắc. Nhưng không nhiều người biết rằng để có một danh nhân Đào Tấn, đã có một người thày Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu đã hết lòng, tận tâm tận sức giáo dưỡng cho học trò của mình thành danh kiệt xuất. 
          Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu mà người Bình Định sinh thời cụ thường gọi là cụ Tú Diêu hay cụ Tú Nhơn Ân (thôn Nhơn Ân, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) không rõ ngày sinh và năm mất, nhưng lại biết chắc chắn cụ đỗ tú tài khoa Canh Thân năm Tự Đức thứ 13 (tức năm 1860) và có ngày giỗ là ngày Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5) hàng năm.
          Sinh thời, cụ Tú Diêu dạy rất nhiều học trò. Nhưng Đào Tấn là người học trò xuất sắc nhất kể cả đường học vấn và môn nghệ thuật viết tuồng hát Bội. Bởi vậy, bên cạnh tư cách nhà giáo, cụ còn là một nhà văn có hạng ở thời Tự Đức. Chính văn nghiệp của cụ đã có tác dụng sâu sa tới người học trò tài ba Đào Tấn.
          Chỉ riêng với pho tuồng “Ngũ hổ bình Liêu” và hai vở tuồng “Liệu đố” (“chữa bệnh ghen”), “Võ Tam Tư trảm Nguyệt cô” mà cụ Tú Diêu truyền lại, đã thấy ở cụ một bản lĩnh sáng tạo đáng kính nể. Cái tích Trung Hoa mà cụ lấy để dựng thành tác phẩm chỉ là một cái khung tượng trưng mong manh, câu chuyện và ý tưởng cụ định đưa vào tuồng của mình đều là câu chuyện và ý tưởng rất ViệtNam. Trong “Ngũ hổ bình Liêu” nhân vật Địch Thanh không còn là nhân vật dũng mãnh của lịch sử đời Tống, mà trở thành một anh chàng yếu đuối hết sức đáng thương. Quách Tấn từng đồ rằng cụ Tú Diêu mượn nhân vật Địch Thanh và công chúa Thoại Ba (công chúa nước Đơn) để giải tỏa tâm trạng tình yêu trong chính mình. Trong tuồng còn xuất hiện nhân vật Lý Trưởng trong hệ thống quan lại ViệtNamnói chung, trong hệ thống quan lại thời Nguyễn thối nát nói riêng. Vở “Liệu đế” là một tác phẩm thật dân dã nhưng để lại cho đời một bài học sâu sắc rằng hãy sống với nhau thật lòng yêu thương. Vở có gì na ná như “Lưu Bình – Dương Lễ” nhưng đảo ngược giới tính nhân vật. Ở “Lưu Bình – Dương lễ” là hai chàng với một nàng. Còn ở “Liệu đố” là hai nàng với một chàng. Vở “Võ Tam Tư trảm Nguyệt cô” đặc biệt có tầm cỡ một tác phẩm của nhân loại như kịch Sếch-pia, Gớt, Béc-tôn-brếch … Đưa chuyện tình và cả chuyện làm tình lên sân khấu, cụ Tú Diêu đã làm mới sân khấu Tuồng Việt Nam đến một tầm vóc sừng sững. Thảo nào mà Đờ-buýt-xy phải phục Tuồng ViệtNamkhi diễn tạiParis. Thảo nào mà Béc-tôn-brếch rất khâm phục Tuồng ViệtNamvì tính cách điệu rất cao. Xin không đi sâu thêm vào khía cạnh sân khấu ở các tác phẩm này bởi với chuyên  môn của mình, nếu đi sâu hơn sẽ là “Múa rìu qua mắt thợ”.
          Đọc các tác phẩm sân khấu của cụ Tú Diêu, tôi lại nhận ra một nhà thơ lớn Nguyễn Diêu. Đọc thơ Nguyễn Diêu, có cảm giác ông đã nguyện trọn đời lấy văn hóa dân gian làm nền tảng cảm xúc, đồng thời lấy những tinh hoa thơ thu nhận được ở đời đã đến độ chín làm giầu có thêm, vững chãi thêm thi pháp, thi tứ, thi ảnh, thi từ, thi điệu của riêng mình. Đọc thơ Nguyễn Diêu, thấy trên cái nền ngôn ngữ dân gian, nhất là ngôn ngữ địa phương tỉnh Bình Định, ông có những suy tư kiểu Nguyễn Trãi, những ngẫm nghĩ kiểu Trạng Trình, những triết lý kiểu Nguyễn Gia Thiều, những hài hước kiểu Hồ Xuân Hương, những dằn vặt kiểu Nguyễn Du và cả những nỗi niềm kiểu Nguyễn Đình Chiểu. Tất cả đều chín trong ông, từ sự đồng cảm với các tiền nhân mà có, mà rất tự nhiên. Ta nghe công chúa Đơn bang nói tiếng Bình Định: “Rứa rứa nghe qua chẳng phải- ri ri cũng chẳng can chi …” như không. Còn Đình Quý thì nôm na đất võ: “Giữa một bề cơm mắm- chẳng thấy bữa cá ngon”. Đến Thể Nữ thì hoàn toàn như người Bình Định: “Hễ là ăn chuối chát- thì phải nhớ mắm nêm”. Mẹ Địch Thanh càng là một bà mẹ Bình Định: “Tao mắng tao nhiếc- tao đuổi tao xua- nghĩ đến con nhiều nỗi đắng chua- Gẫm thân nục ghe đàng cam khổ”. Địch Thanh cũng “Bình Định hóa”: “Chỉ buộc sầu mấy mối- dao cắt một trăm chiều …” và thật dân dã khi Thể Nữ thốt lên: “Non xanh nước biếc muôn trùng- người quen cảnh lạ thẹn thùng với ai …” hay những câu phong dao: “Ăn thời nói lớn- uống lại uống to- đã hỏi tái bò- lại đòi heo luộc- ăn rồi bay tuốt- hỏi lại trậm trầy- gặp phải bợm cầy- biết ai mà cáo …”, hay bài kệ chiêu hồn của nhân vật Hề (Võ Tam Tư chém Nguyệt cô”: “Hồn hề hồn hề- hồn khá trở về- hồn đừng phiêu lạc- đừng vào sòng bạc- mà uất dây lưng- rượu uống có chừng- đừng say lớn tiếng- thấy nồi nha phiến- chớ ghé miệng vào- thấy gái má đào- đừng nghiêng mắt ngó …” và những câu đồng dao: “Đất cát để trồng dâu- ruộng sâu thì cấy nếp- lang, ngô phơi tám tiết- cau muộn trổ tư mùa- lúa, củ đổ chật bồ- bí, ngô bò chật đất …”, kể cả khẩu khí như Quang Trung: “Đánh cho phai má phấn- đánh cho lợt môi son” nhằm nhấn mạnh ý chí ngược- ý chí chinh phục: “Đánh cho để dài tóc- đánh cho để đen răng”.
          Suy tư kiểu Nguyễn Trãi:
Lui cui trong cuộc trần ai
Lần lữa theo lò tạo hóa
Dầu quấy thì hay rằng quấy
Nói chi cũng chẳng ra chi
          Ngẫm nghĩ kiểu Trạng Trình:
Lộn theo đường rắn
Mặc sức vẽ rồng
Muốn rõ mặt anh hùng
Phải hết lòng hào kiệt
          Triết lý kiểu Nguyễn Gia Thiều:
Đã ra đứng giữa càn khôn
Cái đò tạo hóa là đàng tử sanh
Trên đầu đã có trời xanh
Làm trai chi nại bại thành một câu
          Hài hước kiểu Hồ Xuân Hương:
Bụng dạ đàn bà thật đáng thương
Vì yêu chồng quá hóa ghen tương
Gặp thời nổi máu quên kiêng nể
Đến lúc sôi gan hết kính nhường
          Dằn vặt kiểu Nguyễn Du:
Bơ vơ mặt biển chân trời
Hiu hiu gió thổi đưa người biệt ly
Lời thề non nước còn ghi
Bữa nay tương biệt có khi tương phùng
          Nỗi niềm kiểu Nguyễn Đình Chiểu :
Ngập ngừng một bước giang sơn
Kẻ vui mở mặt người buồn chia tay
          Đọc thơ Nguyễn Diêu, thấy ông rất giỏi dùng điệp âm, điệp ngữ nhằm nhấn mạnh nhịp thơ, nhấn nhá giai điệu thơ. Có những điệp âm hết sức thổ ngữ chỉ riêng có ở Bình Định như « Linh đinh », « Lịu địu », « Lờ lợt », « Chành bành », « hoe hoét », « lăng líu ». Nguyễn Diêu thành thạo các nhịp thơ tứ ngôn, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn và đặc biệt là nhịp lục bát- nhịp cổ truyền Việt Nam trong các điệu Vãn, Nam của hát bội. Dường như đây là cây cầu nối cũng như nhiều cây cầu dân ca khác để chuyển lục bát Việt Nam thành Boléro thời thượng hôm nay.
          Ngoài thơ trong các pho, vở tuồng, đọc thơ riêng của Nguyễn Diêu cũng thấy nhiều tâm sự thời thế. Đồ rằng sinh thời, Hàn Mặc Tử đã đọc «Hàn sĩ Vịnh» của Nguyễn Diêu để đi đến quyết định bỏ bút danh Lệ Thanh mà lấy bút danh Hàn Mặc Tử. Ở những bài « chán đời », thấy một đồng cảm với Trạng Trình thật dào dạt :
Hoa lác đác rơi oanh giận gió
Cúc le the nở nhạn hờn thu
Chùa chiền vui thú là thanh tịnh
Hà tất vinh thân vạn hộ hầu
          Đến bài “Con muỗi” thì lại gặp sự đồng cảm với Hồ Xuân Hương:
Loài muỗi bay ôi sướng đủ điều
Thiếu chi chi nữa vậy còn kêu
Lầu son gác tía ngày nhơ nhởn
Má phấn môi son bữa ấp iu
          Do sưu tầm, bài thơ thiếu hai câu luận. Để tỏ lòng thành kính trước một tài năng lớn tiền bối, kẻ hậu sinh này xin mạn phép dâng hai câu luận mang hơi thơ Nguyễn Diêu như một nén hương thành kính:
Chích châm da thịt vòi mỏi hút
No nê phơ phởn cánh phiêu diêu
          Để nhập vào:
Băng tiêu quạt nọ trời cho mỗ
Ra sức đập mày cũng chết queo
          Cổ nhân đã từng luận “Học thày không tày học bạn”, nhưng vẫn nhấn mạnh “Không thày đố mày làm nên”. Vậy mà người thày của danh nhân Đào Tấn chỉ được xuất hiện như một nốt luyến láy trong phần viết về học trò trong “Từ điển Văn hóa ViệtNam”. Không biết như thế đã xứng với tài năng của ông chưa?

NGUYỄN THỤY KHA

No comments:

Post a Comment