.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, May 12, 2012

QUÊ HƯƠNG – CA KHÚC CHÂU Á CÓ ĐỜI SỐNG LÂU DÀI NHẤT PHÁT TRÊN ĐÀI TRUYỀN HÌNH NHẬT BẢN NHK


Những điều chưa biết về tác giả bài hát Quê hương

Có những bài hát mà số phận của nó gắn liền với một giai đoạn lịch sử đất nước. Quê hương (thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Giáp Văn Thạch) là một trong số những bài hát ấy.                 

Quê hương nổi tiếng đến nỗi hầu như ai cũng thuộc ít nhất vài ba câu khi nhắc đến bài hát này: Quê hương là chùm khế ngọt. Cho con trèo hái mỗi ngày. Quê hương là đường đi học. Con về rợp bướm vàng bay…Thế nhưng không phải ai cũng biết bài hát ra đời năm nào, trong hoàn cảnh nào, tác giả Giáp Văn Thạch là ai. Thậm chí, về lời thơ được phổ trong ca khúc hiện cũng có nhiều ý kiến sai lệch.

Nhạc sĩ đi kinh tế mới

Giáp Văn Thạch sinh năm 1951, quê xã An Sơn, huyện Lái Thiêu (nay là thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), một vùng đất cây trái hiền hòa nằm bên dòng sông Sài Gòn. Trước 1975, anh là lính địa phương quân chế độ cũ. Sau 1975, đi kinh tế mới ở huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé cũ (nay là Bình Dương).

Ông Nguyễn Quốc Nhân, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa thông tin (VHTT) Sông Bé, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Sông Bé nay đã nghỉ hưu ở Thủ Dầu Một, kể ông phát hiện Giáp Văn Thạch qua phong trào văn nghệ quần chúng trong tỉnh, nhận thấy anh là người có năng khiếu sáng tác ca khúc nên đưa anh về Sở VHTT cuối những năm 1970. Giáp Văn Thạch công tác ở Phòng Biên tập-Xuất bản (sau đổi Phòng Văn Nghệ) với công việc chính là cán bộ phụ trách các hoạt động, phong trào âm nhạc. Có môi trường, điều kiện, lại có dịp giao lưu học hỏi các nhạc sĩ đàn anh, bạn bè, đây là khoảng thời gian Giáp Văn Thạch cho ra đời nhiều tác phẩm quan trọng trong cuộc đời sáng tác ngắn ngủi của anh.
        
Da trắng, mắt sáng, miệng luôn tươi cười cộng với tính xởi lởi, Giáp Văn Thạch rất thành công trong giao tiếp. Người chưa quen, chỉ qua vài ba câu xã giao, vài ly rượu đế chân tình là thành bạn. Có nhiều dịp đi công tác chung, chúng tôi thấy nơi nào Giáp Văn Thạch đến là nơi ấy có bạn bè. Vâng, làm sao quên được có những đêm trong rừng cao su Dầu Tiếng, Lộc Ninh tràn ngập tiếng cười, tiếng hát, tiếng đàn của anh bên những người bạn mới.

Có đặt thêm lời?

Cảm hứng sáng tác ca khúc hầu như thường trực trong con người anh. Bất kể sáng trưa chiều tối, hễ rãnh là Giáp Văn Thạch ôm cây ghi ta và mở cuốn vở ký âm trước mặt. Ban trưa, khi ai cũng mệt mỏi tìm giấc ngủ thì mình anh với cây đàn bập bùng ngoài bìa rừng cao su.

Trong một đêm hè đầy tràn hứng khởi sáng tạo, trong căn nhà nhỏ của anh trên đường Đồ Chiểu, thị xã Thủ Dầu Một, Giáp Văn Thạch đã viết bài Quê hương phổ từ một bài thơ nhỏ bốn khổ đăng trên Báo Khăn Quàng Đỏ của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Hiện chúng tôi không còn giữ bản thảo bài Quê hương do chính Giáp Văn Thạch viết tặng nhưng có thể chắc chắn bài hát ra đời năm 1984. Sở dĩ có sự khẳng định này vì năm đó người viết bài này có mời Giáp Văn Thạch đến nhà (quận Bình Thạnh, TP.HCM) dự đầy tháng con gái đầu lòng. Tại đây, Giáp Văn Thạch có ôm đàn hát cho chúng tôi nghe bài Quê hương. Lục anbum ảnh, may thay còn bức ảnh trắng đen chúng tôi chụp kỷ niệm ngày ấy (bức ảnh nhiều người, phải phóng to mới thấy rõ Giáp Văn Thạch là người thứ hai từ phải sang, xin xem ảnh kèm).
Ảnh nhạc sĩ Giáp Văn Thạch (thứ 2 từ phải qua) chụp kỷ niệm trong buổi dự đầy tháng
con tác giả bài viết (thứ ba từ phải qua) tháng 10-1984 tại quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Hiện trên mạng có đăng nguyên văn bài thơ Bài học đầu cho con dài 7 khổ, khổ cuối chỉ ba câu và cho rằng Giáp Văn Thạch phổ từ bài thơ này, đặt lại tựa bài hát là Quê hương và tự thêm vào một câu cuối của khổ thơ cuối cùng. Những thông tin trên là không chính xác.

Một lần nói chuyện với nhà thơ Nguyễn Thái Dương, người công tác tại Báo Khăn Quàng Đỏ từ đó đến nay, Nguyễn Thái Dương cho biết bài thơ gởi đến báo có tựa Bài học đầu cho còn dài 7 khổ và khổ cuối có đủ bốn câu. Báo chỉ đăng bốn khổ và đặt tít là Quê hương. Giáp Văn Thạch dựa trên bản in này để phổ nhạc, không tự thêm hay bỏ câu nào.

Nhạc sĩ gặp nhà thơ

Dạo đó, còn trẻ, khỏe, sáng chủ nhật nào nếu không bận việc thì Giáp Văn Thạch thường cưỡi xe mobilette từ Thủ Dầu Một về Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM tham dự các buổi giới thiệu ca khúc mới của Câu lạc bộ sáng tác trẻ Thành đoàn TP.HCM. Có một lần, Giáp Văn Thạch dự xong nói ở lại Sài Gòn để sáng thứ hai kịp gặp tác giả bài thơ Quê hương. Hồi ấy, nhà thơ Đỗ Trung Quân làm công nhân Nhà in Thanh Niên trên đường Trần Huy Liệu. (quận Phú Nhuận), bảy giờ sáng là phải vào ca. Giáp Văn Thạch chỉ gặp Đỗ Trung Quân chừng mười lăm phút bên ly cà phê trước cửa nhà in.

Hồi đó, Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM và Đài Truyền hình TP.HCM có mục giới thiệu ca khúc mới do các cố nhạc sĩ Tăng Minh Thành (Đài tiếng noi nhân dân TP) và Nguyễn Nam (Đài Truyền hình TP) phụ trách. Giáp Văn Thạch  thường gởi ca khúc mới cho các nơi này, trong đó có bài Quê hương.

Sốt rét quật ngã

Tháng 11-1984, Giáp Văn Thạch đi Phan Rang (tỉnh Thuận Hải cũ, nay là tỉnh Ninh Thuận) dự lớp tập huấn về sưu tầm dân ca do Viện Nghiên cứu âm nhạc Bộ Văn Hóa tổ chức. Lúc tiễn chân ở bến xe Thủ Dầu Một, anh nói sao hôm nay nhức đầu quá. Hai hôm sau, Sở VHTT Sông bé nhận được điện thoại từ Phan Rang báo tin Giáp Văn Thạch mất vì sốt rét ác tính (hồi đó hầu hết anh em đều có ký sinh trùng sốt rét trong máu vì thường công tác ở các vùng rừng trong tỉnh như Bình Long, Lộc Ninh, Phước Long…). Anh Nguyễn Quốc Nhân, Phó Giám đốc Sở VHTT, đích thân ra Thuận Hải đón xác anh về.

Anh Quốc Nhân kể anh em dự lớp tập huấn rất quý Giáp Văn Thạch. Sau giờ cơm chiều, Giáp Văn Thạch còn ôm đàn hát bài Quê hương, sau đó nói mệt đi nghỉ sớm. Gần nửa đêm, cơn sốt quật anh ngã. Mọi người đưa anh đi cấp cứu nhưng không kịp.

Lúc đó, còn vài tháng nữa Giáp Văn Thạch bước sang tuổi 35. Vợ Giáp Văn Thạch là nhân viên văn phòng Sở VHTT Sông Bé. Ngày anh mất, ba con anh còn quá nhỏ, trong đó thằng trai út chưa đầy năm.
Đám tang Giáp Văn Thạch có đông người đưa tiễn nhất mà chúng tôi từng thấy ở Thủ Dầu Một. Anh yên nghỉ ở quê nhà An Sơn, bên dòng sông Sài Gòn êm đềm sóng vỗ. Cùng thời gian đó, bài hát Quê hương lần đầu tiên phát trên sóng truyền hình TP.HCM qua giọng ca của ca sĩ Bảo Yến và nhanh chóng truyền đi khắp nước, ra hải ngoại. Tiếc là Giáp Văn Thạch mất quá sớm, chưa kịp hưởng những giây phút hạnh phúc của người sang tác./.

Bài hát có đời sống lâu dài nhất trên truyền hình Nhật NHK

Trong lúc tổ chức đám tang Giáp Văn Thạch (1984), Sở VHTT Sông Bé nhận được giấy báo của Nhà văn hóa trung tâm Hà Nội mời tác giả bài hát Quê hương ra Hà Nội nhận giải thưởng cho ca khúc hay của năm.

Năm 1996, Đài Truyền hình Nhật Bản NHK bình chọn Quê hương là ca khúc châu Á có đời sống lâu dài nhất được phát trên đài (10 năm 1986-1996). NHK đã trao thưởng tác giả bài hát 1.000 USD.

Một số ca khúc tiêu biểu khác: Cánh hoa bay, Cánh đồng vàng lộng gió, Chiều mưa trung du, Chiều Đắc Ơ, Con thuyền ngược thác (phổ thơ Nguyễn Trọng Tạo), Đường thời gian (phổ thơ Phan Thị Thanh Nhàn).

TỪ NGUYÊN THẠCH

2 comments:

  1. Trời ơi, té ra Giáp Văn Thạch đã mất rồi sao?

    ReplyDelete
  2. Chuyện của Giáp Văn Thạch trong thời gian tập huấn lớp "Sưu tầm, khai thác và phát huy vốn âm nhạc truyền thống" (gọi tắt là SKPVAT) do Phân viện âm nhạc TP.HCM tổ chức tại Phan Rang - Thuận Hải (cũ), nay là Ninh Thuận vào 1984, tôi có biết (Vì cũng là học viên của lớp đó).
    Đêm trước ngày anh Thạch lên khám bệnh tại Bệnh viện Phan Rang, anh có hát giao lưu với anh em bài "Quê hương". Thú thật, khi nghe anh hát bài này, tuy có chút là lạ nhưng cũng chẳng có gì đặc biệt cho lắm, có điều anh hát rất say mê và hào hứng. Chính điều đó đã gây ấn tượng về anh và bài hát khi nghe tin anh mất sau này.
    Ngày hôm sau, buổi sáng anh cùng lên lớp với anh em trong bài giảng của GS Tô Vũ, đến khoảng 8 giờ anh về phòng nằm và nói "mệt". Đến chiều, mấy anh thuộc lớp trên (như NS Trần Viết Bính - Đồng Nai, NS Hình Phước Long - Phú Khánh- là tác giả "Gần lắm Trường Sa" nổi tiếng,anh Đình Hy, NS Ngọc Thuỷ - Thuận Hải,...)bắt anh Thạch phải đi viện. Anh em đòi đưa đi nhưng anh bảo không cần vì anh tự đi được...
    Ngày hôm sau, buổi sáng lớp chia ra hai tốp đi thực tế ở các địa bàn xung quanh Thị xã Phan Rang. Đến chiều, NS Ka-pa Y Lăng ở Phân viện âm nhạc- người đang dẫn đoàn đi thực tế- cho biết tin anh Giáp Văn Thạch đã mất...
    Cả đoàn đành bỏ dở công việc, thu xếp về lại Trường và cấp tốc đến ngay Bệnh viện Phan Rang. Đến nơi, thi thể anh được đưa vào nhà xác chờ người thân từ Sông Bé ra.
    Thật tội nghiệp, khi chết, mới hay trong túi anh chỉ còn mấy đồng bạc (thời giá 1984 lương khởi điểm Đại học chỉ 60 đồng). Ấy vậy mà anh vẫn vui vẻ sống và không yêu cầu điều gì nơi anh em...
    Trong ngày đau buồn đó, anh em xin ý kiến GS Tô Vũ và đã làm một văn bản kiến nghị gửi về Bộ VHTT xin cho phổ biến bài hát "Quê hương" của anh, và sau này mới biết lời bài hát là của nhà thơ Đỗ Trung Quân.
    Khi lần đầu tiên nghe ca sĩ hát bài này trên đài TNVN , tôi đã ngờ ngợ là quen quen...Nhưng sau này qua vài ba lần nghe trên radio tôi đã xúc động và thật sự mới cảm thấy được cái hay của cả giai điệu lẫn ca từ của bài hát này.
    Xin chia sẻ một vài ý để tỏ lòng yêu mến tác giả bài hát.

    ReplyDelete