.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, May 24, 2012

NGÔ THÌ NHẬM – THƠ VÀ THIỀN

Công trình nghiên cứu Ngô Thì Nhậm (1746-1803), nhân vật lịch sử - nhà văn hóa kiệt xuất của GS Mai Quốc Liên vừa nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ. Xuất phát từ việc phiên dịch và nghiên cứu văn bản bản gốc chữ Hán những tác phẩm rất phong phú của Ngô Thì Nhậm, công trình đã phân tích và khái quát những đặc sắc trong sự nghiệp chính trị và văn hóa của Ngô Thì Nhậm.
Dưới đây, xin trích một đoạn trong công trình nói về một vài đặc điểm nghệ thuật thơ – phú Ngô Thì Nhậm để bạn đọc tiếp cận một khía cạnh của công trình.
 Tượng thờ Ngô Thì Nhậm trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt
(Bảo tàng Quang Trung, Bình Định)
Một đặc điểm khác của thơ Ngô Thì Nhậm là tính khái quát triết học sâu sắc của nó. Thơ Việt Nam từ Lý – Trần qua Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… vốn có truyền thống nâng cảm xúc trữ tình lên những khái quát triết học sâu sắc, nhờ thế thơ mang một hàm nghĩa, một độ sâu suy tưởng đáng kể. Ngô Thì Nhậm là một nhà tư tưởng đặc sắc của thế kỷ XVIII, thơ ông kết hợp tính chất trữ tình và chiều sâu của tư duy triết học; nhà thơ đã không hề mâu thuẫn với nhà tư tưởng, trái lại, tư tưởng đã đem lại cho thơ ca “thanh kiếm của sự nhận thức”.
Là một nhà Nho say mê và tâm đắc Thiền tông, Ngô Thì Nhậm là một nhà tư tưởng có một vũ trụ quan siêu thoát bắt nguồn từ tôn chỉ “xúc loại thị đạo nhi nhậm tâm” của Mã Tổ Đạo Nhất Măzǔ Dàoyī, từ thuyết “vô tình hữu tình” của Trạm Nhiên   Zhànrán (711-782), cho rằng chân như (Phật tính) không phải ở bên kia tự nhiên mà ở ngay trong tự nhiên và cho rằng mọi sự vật trong tự nhiên đền là chân thật (nhất thiết giai chân), chứ không phải “nhất thiết giai vọng”.
Chân như của Thiền tông là bất sinh, bất diệt, vô thủy, vô chung, là chí nhất và chí đa, chí tĩnh và chí động, chí nhu và chí cương – giống như phạm trù Đạo của Lão Trang và phạm trù Thái Cực “bất dịch mà biến dịch” của Chu Dịch. Trong thơ triết lý của Ngô Thì Nhậm, chân như được ông tượng trưng bằng mây và nước, vận động không ngừng và bao trùm cả vũ trụ:
Quân bất kiến Lĩnh ngoại hành vân triêu tịch phi
Tung hoành Tiêu Hán vô dĩ thì.
Hựu bất kiến Minh giang thệ thủy trường lưu ti
Triều đông bôn sử thượng hạ ky,
Vân thủy vô tâm nãi hữu lực
Chu lưu vận hành bất thiểu tức
Khởi kỳ tâm lực phi tương quan,
Thử lý hồn nhiên thùy đắc thức
Phỉ vân cầu cao đồng thái không

Phỉ thủy vọng thâm xu minh mông
Cao thâm phi ý tùy sở để
Mạc vi như vi thị hóa công.
(Người chẳng thấy:
Mây ngoài Ngũ Lĩnh sớm chiều bay?
Tung hoành trên Tiêu Hán chẳng lúc ngơi
Lại chẳng thấy: dòng nước sông Minh chảy mãi,
Dồn dập về đông dập dềnh lên xuống nơi ghềnh đá
Mây nước vô tâm nhưng hữu lực,
Trôi chảy vận động chẳng lúc nào dừng.
Há tâm và lực không liên quan nhau.
Lẽ ấy nhiệm màu, ai biết được?
Chẳng phải mây muốn cao nên bay lên trên không,
Chẳng phải nước muốn sâu nên chảy đến chỗ mênh mông.
Cao và sâu không phải là dụng ý, đến đâu thì nó đến
Chẳng làm mà như làm, đó là hóa công).
Chân như được tượng trưng bằng mây tung hoành ngang dọc trên trời cao không lúc ngơi – không ngơi vì là chân như biểu hiện muôn hình muôn vẻ như mây trời.
Nhưng để tượng trưng cho cái chân như thì mây thua nước. Các nhà Thiền học cũng như Hoa Nghiêm và Thiên Thai lấy Nước để hình dung mặt tĩnh, và lấy sóng để hình dung mặt động của chân như. Đệ nhị Tổ của tông Thiên Thai là Tuệ (Huệ) Tư Huìsī (515-577) ví nước như bản thể, dòng nước như sự tướng và sóng như tác dụng. (Đại thừa chỉ quan pháp môn). Theo tinh thần đó, Ngô Thì Nhậm nói đến “dòng nước sông Minh chảy mãi”.
Nước mà Lão Tử nói rằng, “trong thiên hạ không có gì nhu nhược hơn nước, mà những cái để công phá những vật cứng mạnh thì không có gì hơn được nước”, tức là nó đồng thời là chí nhu và chí cương. Lấy mây và nước để hình dung cái bản thể của vũ trụ thật là tuyệt vời:
Mây nước vô tâm nhưng hữu lực
Trôi chảy vận động chẳng lúc nào ngơi…
Há phải tâm và lực không tương quan
Lẽ ấy nhiệm màu nào ai biết?
Đây là vấn đề căn bản của triết học, vấn đề quan hệ giữa bản thể và hiện tượng mà các nhà tư tưởng của Hy Lạp cổ đại, Ấn Độ cổ đại và Trung Quốc cổ đại đều quan tâm nhưng chưa có ai giải quyết được thỏa đáng.
Ngô Thì Nhậm có nhu cầu nội tại và triết học, ông dằn vặt đau đớn với vấn đề này rất nhiều. Bài Tuyết nguyệt nghi phú (Tuyết hay ánh trăng) là một bài phú chứa đựng một triết lý thâm sâu. Đây là một nỗi băn khoăn day dứt lớn về bản chất của vũ trụ, bản chất của đời sống xã hội:
… Vừa đi ta vừa tự hiểu trong lòng ta chừ,
Lúc trời đất còn hỗn độn chưa phân,
Ở dưới cái gì làm nên sông núi chừ,
Ở trên cái gì làm trăng sao?
Ở giữa cái gì hình thành nên vật chừ,
Từ trạng thái hình thành nên người?
Sao lại chia ra trên, dưới, giữa chừ,
Khiến cho tụ lại theo loài, phân ra nhiều giống
Chữ “Lý” (của Tống Nho) ấy thật là trống rỗng,
Chữ “Khí” (của Tống Nho) ấy thật là lộn xộn.
Tại sao người ta vẫn ganh đua nhau danh lợi chừ,
Ai là sơ mà ai thân?
Tại sao lại đưa đón phiền phức chừ
Ai là giả mà ai chân?
… Đã dùng gươm giáo đánh nhau chừ,
Rồi lại đem ngọc lụa mà giao hiếu…
Đó là sự phủ định tất cả những phạm trù, những khái niệm thông tục như không gian và thời gian, nguyên nhân và kết quả, vật chất và tinh thần (Khí và Lý)…, theo tinh thần phạm trù “Không” (Śūnyatā) của Long Thọ (Nāgārjuna)(*), phủ định tất cả các “pháp” (dharma) hữu lậu (có điều kiện) để khẳng định mạnh mẽ cái “pháp” vô lậu duy nhất, một thứ lôgích biện chứng sắc bén để quét sạch những ngẫu tượng của lôgích hình thức trong một hệ thống đạo đức và tôn giáo (kể cả Phật giáo), quét sạch cái vòng luẩn quẩn trong các vấn đề không gian – thời gian, nguyên nhân – kết quả, thị – phi, thiện – ác…
Quan niệm về Niết bàn của Thiền tông bắt nguồn từ Long Thọ. Sau khi quét sạch những cái pháp có điều kiện thì Niết bàn hiện ra như một thực thể tuyệt đối. Niết bàn và phiền não không phải là hai thế giới cách biệt mà chỉ là hai mặt của một thế giới. Đốn ngộ được cái tri (biết) không tịch thì không còn ngã tướng, chân tướng, mà mọi tướng đều không phải tướng, ánh sáng không tịch sẽ hiện ra trước mặt…
Như viên ngọc Ma Ni là trong ngần, không hề biến dịch, nhưng có những sắc tướng sai biệt khi gặp mọi vật. Giác thức được rằng mọi sắc tướng của Ma Ni là do cái thể sáng láng trong ngần mà có, chỗ “sắc tướng giai không” chính là cái chỗ “bất không” của Ma Ni, như thế là đã đi đến chỗ “sáng tối thông hòa”, “hữu vô tự tại”. Ngô Thì Nhậm cho đó là cái cảnh thái hòa mà người quân tử phải tiềm tâm lĩnh hội:
Thủy bản vô thanh, khước hữu thanh.
Khanh oanh giang thượng vị thùy minh?
Trường lưu thuận chú nguyên thường tĩnh,
Đoạn thạch hoành lan nãi bất bình.
Ngạnh vị khứ thời ưng hữu nộ,
Lượng năng vô xứ tiện vô tranh.
Thái hòa quân tử tu tiềm hội,
Thấu triệt ngân hoa đáo để minh.
(Nước vốn không có tiếng mà lại có tiếng,
Vì đâu dậy sóng đùng đùng trên sông?
Thuận dòng chảy xuống vẫn thường im lặng,
Có hòn đá chắn ngang liền sinh bất bình.
Chưa cuốn bỏ được vật chướng ngại, tất phải nổi giận,
Chỗ nào lượng có thể chứa thì không tranh giành,
Người quân tử phải trầm lặng mà thể hội cái lẽ thái hòa,
Ánh bạc của nước, trong suốt đến tận đáy).
Như thế gọi là “hữu vô tự tại”, “sáng tối hòa thông”.
Bản thể của vũ trụ u huyền, lặng lẽ: “nguyên thường tĩnh”, đồng thời lại rất lưu động, biến thiên: “nguyên thường động”, nên Ngô Thì Nhậm ưa thích vẽ nên trong thơ những bức tranh bao la, bát ngát, trong đó mây nước chờn vờn trôi chảy, ánh sáng và màu sắc đắp đổi chập chờn như trong viên ngọc Ma Ni.

Càn khôn diệu ý bất thăng cùng,
Vạn tượng thiên nghi vãn chiếu trung.
Cao xứ sơn hoàng đê xứ thúy,
Tả biên thủy bích hữu biên hồng,
Ẩn ngư lân tập than đầu hỏa,
Quy điểu hàn sinh mộc mạc phong.
Cánh hữu nhất ban thanh ý vị,
Tùng lâm y ước sổ thanh chung
(Lệ giang vãn điếu)
(Cái diệu ý của trời đất nói sao cho xiết,
Muôn vạn hình tượng hòa hợp trong bóng chiều,
Chỗ cao thì núi vàng, chỗ thấp màu biếc
Phía bên trái nước biếc, bên phải màu đỏ.
Cá lặn chầu vây như ánh lửa đầu ghềnh
Chim về tổ vẫy cánh sinh gió trên ngọn cây
Lại còn có một ý vị trong trẻo hơn nữa:
Tiếng chuông chùa văng vẳng điểm nhịp trong rừng thông).
Hay như bài Giang thiên viễn chiếu (Sông và trời trong ánh chiều nhìn xa) cũng được xây dựng trên một mặt phẳng mỹ học như vậy:
Vạn khoảnh yên hà tẩm bích liên,
Bình phân sơn bắc hốt du nhiên.
Thương mang vọng ngoại trùng sơn nhạc,
Oánh khiết hồ trung nhất thủy thiên.
Đào lãng phong cao ngư phố địch,
Hàn sa nhật đạm viễn thôn yên.
Thanh quang nhãn khoát nùng ngâm hứng.
Bán bức vân hà chiếu viễn biên.
(Nghìn vùng sóng khói trong gợn biếc lăn tăn,
Chia đôi sắc núi bỗng giăng dài
Xanh om bát ngát núi đèo chồng chất ngoài tầm mắt,
Trong cái bầu long lanh, trời nước nhập làm một,
Nguồn đào ra bến, tiếng sáo ông chài vút cao gió chiều,
Bãi cát lạnh lùng, làn khói xa mờ nhạt dưới chân,
Ánh trăng trong trẻo, mắt nhìn bao la, hứng thơ càng đượm,
Bức tranh mây ráng treo dưới ánh chiều).
Những bài thơ nằm trong vùng khí quyển của mỹ học Thiền như vậy làm người ta nhớ lại Đăng Bảo đài sơn, Thiên trường vãn vọng… của Trần Nhân Tông, Phiếm chu, Yên Tử am sơn cư… của Huyền Quang, Du Sơn tự, Mộc cận… của Nguyễn Trãi, Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài của Nguyễn Du…
Không thể chối cãi được rằng, Thiền tông đã đưa lại cho thơ Ngô Thì Nhậm một chiều sâu triết học sâu sắc, một cảm quan nghệ thuật mới mẻ, làm cho thơ ông kết hợp được tính triết học và tính trữ tình – và đó cũng là nét đặc biệt trong nghệ thuật thi ca của ông.
Đến đây, có thể đi đến một nhận xét chung về đặc điểm nghệ thuật của thơ Ngô Thì Nhậm là: nằm trong hệ thống thi pháp có tính chất điển quy của thơ chữ Hán Đường luật, Ngô Thì Nhậm đã nối tiếp được những truyền thống ưu tú của dòng thơ này trong thơ ca Việt Nam về mô tả thiên nhiên, về nâng thơ lên những khái quát triết học.
Trong khi nối tiếp truyền thống, Ngô Thì Nhậm cũng đã làm phong phú thêm cho truyền thống ấy bằng những thể nghiệm riêng, bằng cảm hứng sáng tạo mới có tính chất thời đại. Do những đặc điểm như vậy, trong thế kỷ XVIII, thơ Ngô Thì Nhậm, tuy có những hạn chế về một số mặt, vẫn nổi rõ lên thành một phong cách thơ riêng, không lẫn với phong cách thơ của bất cứ ai khác (ở đây chúng tôi sử dụng khái niệm “phong cách” với ý nghĩa là “bản lĩnh”, cái “cái chất riêng” của tư tưởng, và nghệ thuật của một tác giả, và ở thời Ngô Thì Nhậm “phong cách” này có thể bị thu hút vào “dòng phong cách” chung của thời đại).
Xem xét đặc điểm nghệ thuật thơ Ngô Thì Nhậm, cũng cần nhắc đến phú của ông. Phú củaNgô Thì Nhậm là cổ phú, một thứ văn xuôi có nhịp điệu. Phú có một dung lượng lớn hơn thơ, và do đó cuộc sống hiện thực, tư tưởng, tình cảm… cũng được đưa vào rộng rãi hơn. Ngô Thì Nhậm để lại tất cả 17 bài phú, sáng tác trong bốn giai đoạn: giai đoạn làm quan thời Lê – Trịnh, giai đoạn đi lánh nạn, giai đoạn đi sứ Trung Quốc và một bài làm vào cuối đời, nội dung phản ánh những tâm tình, những suy nghĩ của ông trước những chuyển động khác nhau của hiện thực (Mộng Thiên Thai phú, Thưởng liên đình phú…).
Nhiều bài phú mang những tư tưởng triết học (Tiêu dao du phú, Tuyết nguyệt nghi phú, Thiên quân thái nhiên phú…). Về mặt âm vận, cách điệu, tổ chức câu, phú của ông chịu ảnh hưởng của Sở Từ, nhưng về nghệ thuật từ ngữ thì rất điêu luyện và diễm lệ. Trong bài Thưởng liên đình phú làm lúc cuối đời, nhiều nỗi buồn đau, “chạnh lòng bao chuyện cũ”, ông viết những câu rất mực tiêu tao:
Sông Thúy Ái mịt mù khói sóng chừ, trời đất thảm sầu mà đổ nghiêng.
Hồ Thái Dịch vắng bóng phù dung chừ, vườn Thượng Lâm rền tiếng quyên.
Buồn nỗi sáu rồng đi mất nơi đâu chừ, thương một ông già chẳng còn yên
Sen theo người mà héo tàn chừ, cỏ trong ao tù, duy còn nguyên
Lau lách rậm che khắp nơi chừ, chiếc én hoảng vụt bay lên
Giấc mộng phồn hoa nơi đất cũ chừ, trẻ chăn trâu kiếm củi họp trên nền:
Cảm nổi phong cảnh khác xưa chừ, não lòng ta bao chuyện cũ”.
(bản dịch Ngô Linh Ngọc – Mai Quốc Liên)
Với một nghệ thuật điêu luyện mà Ngô Thì Nhậm khiêm tốn nói rằng đó là “nghề mọn chạm sâu” (điêu trùng tiểu kỷ), với tình cảm chân thành, với chiều sâu suy tưởng vốn là bản chất của nhiều bài phú, bài thơ, Ngô Thì Nhậm đã làm bay bổng một trí tưởng tượng phong phú “khắp vòng vũ trụ, nhà ta đó - đôi cánh chim hồng buộc được ư?” (Mộng Thiên Thai phú)…
Phú của Ngô Thì Nhậm, như lời Giáo sư Cao Xuân Huy: “đẹp đến mức tuyệt diệu”, có thể “đặt ngang với bất cứ bài phú nào hay nhất từ xưa mà chúng ta từng đọc”. Còn học Tốn - Ngô Thì Chí thì nói: “xem kỹ cách chuột lời, lập ý, hoa lệ mà không phù phiếm, thanh tao mà thật đậm đà, tưởng chừng như trời cho sẵn vậy” (lời bình Mộng Thiên thai phú).
Ngô Thì Nhậm còn viết nhiều thể loại khác, và ở thể loại nào ông cũng có nhiều bài hay, có những thành tựu về mặt nghệ thuật nó làm cho ông trở thành một ngọn bút “đại gia” trong văn chương thế kỷ XVIII, và cả trong văn chương Việt Nam xưa.
GS MAI QUỐC LIÊN
T/c Hồn Việt



(*) Tác giả Trung luận, Thập nhị môn luận, Thập trụ luận của Đại Thừa giáo.

No comments:

Post a Comment