.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, May 25, 2012

VI THÙY LINH – GIỮA NHỮNG QUYỀN LỰC CỦA LỜI (1)

Bàn về vấn đề Vi Thùy Linh - giữa những quyền lực của lời là một sự phê bình “kép” (Juergen Habermas). Đối tượng của sự luận bàn này là sự hiện hữu của Vi Thùy Linh trong những phát ngôn của chị, đồng thời tìm hiểu Vi Thùy Linh trong lời của những chủ thể khác. Với đối tượng như thế, bài viết nhằm làm hiện lên các chân dung: 1. Vi Thùy Linh - hiện thân từ ngôn ngữ; 2. ViLi trong lời thơ; 3. “Những khuôn mặt trong đám đông” (Stephen Owen).

Diễn giải này hướng tới việc phác họa những chân dung trong sự bề bộn và phức tạp của sinh thái văn hóa
- nơi tất cả đang hiện diện. Phương pháp của chúng tôi là thống kê những phát ngôn của đối tượng, phân tích, phân loại dựa trên kiểu lời của từng chủ thể phát ngôn: phê bình báo chí, phê bình học thuật, chân tướng của sự diễn giải, hiệu quả của lời cũng như giới hạn và tác hại của nó Để thuận lợi cho việc tìm hiểu, phân loại là thao tác quan trọng, cốt lõi. Phát ngôn của Vi Thùy Linh bao gồm: những lời ở ngoài thơ và thơ. Lời ngoài thơ lại có thể chia ra dưới hai dạng: chân tướng và hình tướng. Chân tướng là cái có thể trở thành tiền giả định cho lời thơ, đâu chỉ là những chiêu PR làm cho hình tướng nổi lên - đó là sản phẩm của kỉ nguyên truyền thông. Lời thơ là phần biểu đạt quyền lực mĩ học ngôn từ của Vi Thùy Linh. 
Phần này chúng tôi sẽ đưa ra cách kiến giải của mình. Lời của cộng đồng - những phê bình về Vi Thùy Linh bao gồm: phê bình về lời ở ngoài thơ của Vi Thùy Linh và phê bình về thơ Vi Thùy Linh. Dĩ nhiên, chúng tôi không làm lại công việc của những người đi trước, dù biết công việc ấy vẫn còn dang dở. Đối tượng của chúng tôi ở đây là phát ngôn phê bình Vi Thùy Linh không phải là lời của nhà thơ này. Phê bình về lời ngoài thơ của Vi Thùy Linh chúng tôi chú ý đến những diễn giải nào có tính chất thống nhất, xác định rõ đối tượng (lời ở ngoài thơ), loại bỏ những diễn giải có tính chất minh họa cho thơ Vi Thùy Linh. Phê bình những diễn giải về thơ Vi Thùy Linh cũng là phần quan trọng của bài viết. Phần này chúng tôi chia thành hai dòng lớn: dòng mạch của những ý kiến động viên, khẳng định, ngợi khen. Chúng tôi luôn kiểm soát mạch này bằng hai giả thuyết: kẹo ngọt hay là sự lừa mị. Lời khen ngợi có thể là phần thưởng xứng đáng, là những “thương xác” (Trần Thái Đỉnh) không thể chối bỏ về một giá trị, cũng có thể là viên kẹo “vô tình” đưa nhà thơ rơi vào vọng tưởng. Dòng mạch thứ hai là những ý kiến phủ bác, những “búa rìu” của dư luận. Chúng tôi vẫn nhất quán hai giả thuyết như dòng trên, nghĩa là, có những phủ bác là “đòn roi” để Vi Thùy Linh trưởng thành hơn trên đường dài của sự nghiệp thơ ca, cũng có thứ “đòn roi” thù hằn, nanh nọc, gây ra những vết thương trên sinh lộ của thi sĩ.

Vi Thùy Linh - Con đẻ của truyền thông
Với những lời ở ngoài thơ của Vi Thùy Linh, chúng tôi chú ý đến những phát ngôn của chị trong các bài phỏng vấn, trong các buổi nói chuyện, các diễn giải kèm theo trong các tập thơ đã xuất bản của thi sĩ. Nhận ra chân tướng, hình tướng trong những lời này không dễ. Thao tác khả dĩ nhất là đối chiếu với lời thơ, xem phát ngôn ngoài thơ nào tương thích với phát ngôn thơ, nghĩa là có mối liên hệ mang tính tiền giả định. Chúng tôi nhận ra, trong những phát ngôn ngoài thơ của Vi Thùy Linh, những lời nói về chủ đề tình yêu, tình dục, sự dâng hiến, mĩ cảm và sự dấn thân của thi sĩ là điều sẽ được biểu hiện ở trong thơ. Những tuyên ngôn được thực hành tạo nên chân tướng Vi Thùy Linh - một bản thể nghệ thuật không nhầm lẫn. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ những phát ngôn có tính chất PR, làm cho tên tuổi của Vi Thùy Linh trở nên rầm rộ (có sự hỗ trợ rất lớn từ truyền thông). Chúng tôi gọi là: Vi Thùy Linh - con đẻ của truyền thông. Những lời này có tác dụng lớn nhất là giúp ta hình dung ra một Vi Thùy Linh đầy nhiệt tâm với nghiệp thơ, với những gì liên quan đến thơ ca và kẻ theo đuổi con đường ấy. Những lời này có thể đầy mâu thuẫn, có thể “nóng gắt”, đôi khi không được bảo chứng bằng thực hành nghệ thuật cũng như hiện thực đời sống của nghệ sĩ. Đó chỉ là những “thủ thuật” của một “quản trị” biết cách làm cho tên tuổi của mình không lẫn đi, khuất chìm giữa đám đông. Vi Thùy Linh không phủ nhận điều này. Chị thừa nhận mình là người có khả năng PR, biết lôi kéo dư luận và tạo nên dấu ấn trong lòng công chúng (mà thơ chỉ là một con đường, một phương cách). Nhận diện Vi Thùy Linh là sản phẩm của truyền thông, nghĩa là chúng tôi xác định Vi Thùy Linh thuộc về kỉ nguyên này - nơi truyền thông là phương tiện kiến tạo nên diện mạo của một cá thể. Có sự hẫu thuẫn từ truyền thông, Vi Thùy Linh hiện hữu bằng những khả năng hiệu quả nhất. Vì thế, ta có Vi Thùy Linh như ngày hôm nay. Trong bài viết chúng tôi cũng đặt ra vấn đề tính hai lưỡi của truyền thông: danh tiếng và ảo vọng, vinh quang và cả những lụy phiền, cái được và cái mất từ những phát ngôn ấy. Phát ngôn ngoài thơ của Vi Thùy Linh đem đến cho cộng đồng những hình dung về một con người đầy nhiệt hứng, tham vọng, sắc sảo nhưng không phải không có những toan tính hướng tới mục đích quảng bá hình ảnh, thơ ca của mình đến công chúng. Trong vận động ấy, đôi khi, thơ không còn đứng ở vị trí trung tâm, những mục đích khác ngoài thơ được dụng tâm nhằm gây nên hiệu ứng ngược đối với lời thơ. Vi Thùy Linh nói nhiều và gay gắt như sợ người ta sẽ quên mất chị. Đó là một thủ thuật - cũng là một quy luật trong kỉ nguyên thông tin hiện nay mà có lẽ Vi Thùy Linh rất hiểu. Điểm lại những phát ngôn ngoài thơ của Vi Thùy Linh: Vi Thùy Linh tâm sự về nghề, Dẫu đời là một sân khấu lớn, tôi không đến các vũ hội hóa trang, Vi Thùy Linh - tôi bị lợi dụng, Lời dành người đồng hành - lời của tác giả trong Đồng Tử, Lời tự tình cùng độc giả - lời trong Vili in love, Lời tỏ tình - mở đầu Phim đôi -tình tự chậm, Nhà thơ Vi Thuỳ Linh: Trong sáng tạo tôi điên cuồng và tận lực, Nói chuyện với Vi Thùy Linh (Thụy Khuê), Vi Thùy Linh trả lời bạn đọc Vietnamnet, Nhà thơ Vi Thùy Linh: trẻ không phải là “trẻ người non dạ” ta thấy phẩm tính đó của phát ngôn hiện lên khá rõ. Trong một thế giới chưa được “phẳng”, sự bình đẳng của các diễn ngôn, các kiểu lời có lẽ chỉ là một sự mơ về nào đó. Những lời ở ngoài thơ của Vi Thùy Linh mang ý hướng “bổ trợ” cho diễn ngôn thơ, có tác dụng minh giải, phụ họa thậm chí tôn vinh thơ, tạo nên những hiệu ứng tương tác nhất định đến sự tiếp nhận lời thơ.
Những lời ngoài thơ của Vi Thùy Linh đem đến cảm giác chị đang sở hữu quyền lực của một nhân vật “chiếu trên” trong làng thơ đương đại Việt Nam. Đồng thời, người ta cũng đặt ra giả thuyết có thế lực nào đó đứng sau Vi Thùy Linh để tiếp sức cho nhà thơ hay không? Mọi thứ là giả thuyết, vì thế nó có thể bị phủ định. Tuy nhiên, khi chưa có lời giải cuối cùng cho bài toán Vi Thùy Linh, thì những giả thuyết ấy không thể không đặt ra, nhất là khi Vi Thùy Linh có những người “bạn” tinh tú, danh giá và không ít nhân vật mang quyền lực. Buông lời thách thức về khả năng lôi cuốn truyền thông, khả năng tìm kiếm những người bạn danh giá là một biểu lộ có phần sơ hở của Vi Thùy Linh. Chính từ sự biểu lộ này, chân tướng của chị càng hiện lên cụ thể hơn. Người ta có thể nghĩ tới một sự “hắt sáng” của các tinh tú ấy lên Vi Thùy Linh lắm chứ?
Lời của Vi Thùy Linh mang nhiều mâu thuẫn. Đó là hệ quả không thể tránh khỏi của việc nói nhiều. Thường thì sự mâu thuẫn xuất hiện giữa những tuyên ngôn ngoài thơ và sự thực hành nghệ thuật. Cũng có khi, giữa những cuộc nói chuyện, luận bàn, nhà thơ có những mâu thuẫn với nhau và truyền thông đã làm cho những lời nói không thể bay đi, tạo nên biết bao hệ lụy cho thi sĩ. Chỗ này chị nói mình viết bằng bản năng, chỗ kia lại dứt khoát không hề bản năng, chỗ này quả quyết đề cao phái tính chỗ kia lại nói rằng khi viết tôi quên ý thức phái tính, chỗ này chị nồng nhiệt nói về đối tượng của thơ chị là cả những người lao động bình dân, chỗ kia chị lại nói thơ chị hướng đến độc giả ưu tú, chỗ này chị muốn là nhà thơ của đời đầy “phong nhiêu” chỗ kia lại khát khao trở thành một nhà thơ “sang trọng và quý tộc”, chị nói nhiều, róng riết cuồng nhiệt đôi lúc đến cực đoan, “nóng gắt” vậy mà khi có người hỏi “Chị sẽ làm gì khi có người nói rằng, chị kiêu ngạo và bị bệnh vĩ cuồng?” Vi Thùy Linh cho rằng “Tôi là một phụ nữ sống bình thường trong ý thức về bổn phận. Tôi đã viết trong thơ của mình: "Em lớn thêm trong lặng im/ Em đẹp lên bởi biết im lặng" (Vi Thùy Linh: Tôi dính quá nhiều đòn roi vì nói về tình dục trong thơ - An ninh thủ đô, http://vietbao.vn). Quả đúng như Linh tự thú: Tôi là tôi/ Một bản thể đầy mâu thuẫn.

Chân tướng Vili trong thơ
Lời thơ của Vi Thùy Linh được chúng tôi khảo sát trên 5 tập thơ: Khát, Linh, Đồng tử, Vili in love, Phim đôi - tình tự chậm. Chúng tôi gọi bằng một tên gọi riêng, biểu lộ thái độ nghiêm túc khi đứng trước hiện tượng thơ ca này: Thế giới nghệ thuật thơ Vi Thùy Linh.
Cõi yêu
Không gian nghệ thuật trong thơ Vi Thùy Linh là cõi yêu. Cõi ấy là sự trừu hiện từ góc nhìn của một kẻ luôn sống trong tình yêu, luôn đi giữa mùa tình. Phần làm nên giá trị nhất của thơ Vi Thùy Linh đúng như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra là thơ tình. Một tình yêu vừa thiêng liêng vừa trần thế. Cõi yêu của riêng Linh và Anh được dựng nên từ khát vọng được sống, được yêu, được trọn vẹn trong bổn phận. Hãy nhìn vào thế giới của Vi Thùy Linh - thế giới phản ánh quan niệm, tình cảm, thái độ của chị, chúng ta sẽ nhận ra tiếng thì thầm tỏ tình, tiếng của những khát khao đang dâng lên, lan tỏa và bùng vỡ, tiếng nấc nghẹn vì cô độc và buồn tủi, tiếng thở dài của những hoài mong không tới, tiếng giọt nước mắt vọng lại từ nỗi đau còn mới nguyên hay những tiếc nuối xa xôi ngỡ như đã yên ngủ: Chúng ta xuyên qua đêm bằng thầm thì/ Ám ảnh nhập Anh vào em/ Đang nhớ đang nhớ đang nhớ/ Lời tỏ tình hàng đêm bảo lưu thanh xuân của chúng ta (Tìm thấy); Những đường cong khỏa vào sóng chữ/ Em say nắng mất rồi, em say thêm nữa nhé/ Mặc cho búp hôn thụ phấn thân người (Say nắng); Gió làn gió thổi sương thao thác/ Đêm run theo tiếng nấc/ Về đi anh!/ Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh (Người dệt tầm gai); Những cơn gió lao đến bế thốc mùa Thu đi/ Những cánh tay chạm vào…em…run rẩy/ Không phải tay Anh! Một mình em nức nở (Nói với Anh); Loài người đang lả đi vì những chuỗi thở dài/ Em rơi xuống theo từng tiếng nấc bơ vơ (Nơi ánh sáng). Linh thường bộc lộ khát khao yêu đương của mình một cách không giấu diếm. Thế nhưng, như một sự đối lập, đỉnh cao của tiếng yêu trong thơ Linh lại là sự lặng im. Lặng im để nhớ, lặng im để buồn, lặng im đau, lặng im khóc, lặng im thở dài, lặng im dấu tháng năm vào tóc và lặng im trên đỉnh sóng cuồng si: Em ngồi đăm đắm trong đêm/ Thấy mình đang chín dần khi tuổi còn xanh lắm/ Ký ức thức/ Tuổi thơ trôi như giấc ngủ sâu (Tiếc nuối); Khu vườn ắng lại, chỉ còn Anh và em/ Khởi đầu phận sự thiêng liêng/ Những cặp chân khóa chặt nhau khước từ chân lý! (Anh sẽ ru em ngủ); Trên da thịt đôi ta, theo hơi thở Anh, mưa xuân đang ấm/ Gió lên tình, vờ như không phân biệt nổi mùi nàng với ngàn hoa (Ngưng lại mùa xuân); Đẹp biết bao lúc Anh ôm em nghẹn ngào, cả hai cùng im lặng/ Im lặng mọc mầm trên da niềm niềm trinh bạch/ Im lặng cho tình yêu sâu thẳm dồn nhập xuyên mùa (Trên ngực anh); Trong im lặng tột độ của lời/ Lẳng lặng trái mọng, căng lên những cánh hoa ngưng đọng/ Bầu ngực mở ra thế giới dịu dàng (Ngày Linh). Điểm mâu thuẫn nhất giữa lời và ý tình trong thơ Linh chính là chỗ này. Tứ thơ khởi tạo là một chớp bắt về sự lặng im. Cái im lặng của nụ hôn dài say đắm, cái im lặng của ánh mắt đẩy em về phía ngày nắng tắt, cái im lặng nuốt khan tiếng rên những đêm khát nhớ, cái im lặng khi thịt da thức giấc, cái lặng im vỡ trào và ngưng đọng Linh nói nhiều về nó thành ra cái im lặng được phát biểu quá ồn ào. Tâm lý đám đông truyền thống vốn vẫn ngại ngần trước nụ hôn, vòng tay nơi quảng trường, cho đó là một sự “lệch chuẩn”, thái quá, có khi còn là sự hư hỏng Linh không thể làm khác được. Thế giới của kẻ đang yêu phải tràn ngập những luân vũ của ái tình. Mâu thuẫn giữa lời (hình tướng) và bản chất của nó (ý tình - tứ) là điều chưa mấy ai để tâm mà nói hộ Linh. Khi yêu, người ta tương tư, người ta mê mải nói về lẽ yêu ấy. Vi Thùy Linh cũng vậy. Có lẽ, cái Vi Thùy Linh làm cho người ta nhắc đến nhiều hơn cả là lời của chị. Ý tình xem ra vẫn thế, nguồn yêu vẫn chảy tự xửa xưa qua vui buồn, cay đắng, qua hạnh phúc, li tan, qua xác thân thành thật Không thấy Linh có gì đột phá. Chỉ khác chăng chị nói bằng cách của mình, nồng nhiệt biện minh cho một hình thái sống mới. Hãy hình dung dải yếm xưa và thứ phục trang có chức năng tương tự hôm nay. Thơ Linh là thứ trang phục của hôm nay.
Thanh âm của cõi yêu hợp với màu sắc và ánh sáng, như là sự trang hoàng đón chờ đêm hẹn. Cõi yêu trong thơ Vi Thùy Linh luôn luôn là nơi diễn ra những cuộc hẹn hò, những gặp gỡ khát nóng. Trong thơ của mình, Vi Thùy Linh muốn mầu tím trở thành một biểu tượng về màu sắc của ViLi. Màu tím của hoa Violete, Lila, Lavende, bằng lăng, đậu tím như là một gợi dẫn để Linh tạo nên sắc tím của mình. Tôi cứ có ấn tượng mầu tím hợp với sự im lặng và mang chứa niềm bí mật, dù đọc thơ thấy ViLi ít bí mật. Đúng hơn bí mật đã bị thổ lộ bởi kẻ nhiều lời Vi Thùy Linh. Không thể phủ nhận mầu tím trong thơ Linh đã được tạo nên bởi một tâm thức của người nữ muốn biểu tỏ vẻ kín đáo của mình. Kín đáo mà đầy vẫy gọi. Nếu bây giờ vẫn nói thủy chung e là sáo rỗng và cũ kĩ, nhưng quả thật mầu tím đem đến một niềm tin. Đọc vào các tập thơ của Vi Thùy Linh chúng tôi nhận thấy mầu sắc biểu đạt được ý tưởng của chủ thể. Không chỉ có tím, trắng, xanh, hồng là những màu được Linh đặt niềm tin về sứ mệnh biểu đạt một cõi yêu đầy mầu sắc. Sự hi vọng, sự thanh khiết, niềm lãng mạn được gửi gắm cả ở đấy. Linh có vẻ thích mầu tím, cũng nhận là “nàng Tím” trong thơNhưng để tím trở thành một màu sắc mang tính biểu tượng có lẽ cần dụng tâm nhiều hơn nữa: Vườn Địa đàng một Eva Linh/ Cánh đồng Violette mênh mông/ Làm nên bao ái tiệc/ Mùa hạ băng thảo nguyên Lavende/ Hoa tím miền trinh miên quyến rũ/ Tất cả đại tiệc yêu/ Chủ đạo Trắng - Tím/ Trắng hồng thít Chàng Nàng/ Tím thế gian sang trọng lãng mạn vô cùng/…/ Cho màu yêu loang nhiều thế kỉ” (Một truyện ngắn về nàng Tím hay là Eva Linh). Có thể ở bài thơ này, bài thơ khác Vi Thùy Linh nhắc đến mầu tím, gọi tên thế giới tím, phố tím, nàng Tímnhưng khảo sát toàn bộ thơ của chị ta thấy mầu sắc trong thơ Linh không có gì đặc biệt - trên phương diện nghệ thuật biểu đạt. Màu chưa được tu sức đến mức trở thành biểu tượng. Nếu kĩ lưỡng, người đọc còn có thể thấy rằng, màu tím trong thơ Linh còn chưa đạt đến mức hình tượng, nó đơn thuần chỉ là những hình ảnh gây được ấn tượng: Hãy cứ tin ở huyền viễn, dẫu trí óc ta lẫn lộn vô định, mô phỏng/ Trong cả cơn thịnh nộ khiến ánh sáng rớm tím hóa sứ những cánh hoa (Đôi mắt anh). Khám phá thế giới màu sắc trong tác phẩm thơ thực ra là sự thâm nhập vào nội tâm của thi sĩ, lí giải thế giới nghệ thuật từ một thành tố trong cấu trúc thi phẩm. Những lặp lại của một yếu tố nào đó đòi hỏi phải được lý giải. Màu sắc cũng vậy. Màu sắc trong thi giới của Linh là những hình ảnh đẹp, đầy sức gợi, nhưng tiếc rằng nó lại là sản phẩm của trí tưởng tượng hơn là sự vẫy gọi của một “nhiệt hứng” đòi xác tín một giá trị. Cõi yêu không tím trong những mô tả của Linh hay đúng hơn là nỗ lực của Linh chưa tím hóa thi giới của riêng mình.
Ánh sáng là một tác nhân làm cho cõi yêu của ViLi thêm lãng mạn và ẩn giấu bí mật. Như một tất yếu, để cất giấu bí mật, để tình tự chậm, không gian yêu chỉ được thắp lên những đốm sáng huyền ảo của nến, của mắt yêu, của ngày nắng tắt, của đêm. Thi thoảng, ta thấy một bình minh rực rỡ, một ban mai xanh, một ánh nắng ngần trong như em vừa tắm Ánh sáng của cõi yêu được “khêu nhỏ” lại, vừa với những lời thủ thỉ và che giấu niềm bí mật: Anh hiện ra buổi tối dịu dàng/Đỡ lấy em, khắp trần gian những chuỗi nước mắt” (Mùa tình); Đêm run theo tiếng nấc/Về đi Anh/Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi Anh” (Người dệt tầm gai). Mọi thứ ánh sáng dường như chịu sự lan tỏa, sự chi phối và thống trị của ánh sáng tỏa ra từ Anh, từ đôi mắt, nụ cười, đôi môi và thân thể Anh. Đêm là bóng tối nếu Anh không đến, mọi ánh sáng sẽ lu mờ, tan loãng nếu em lặng lẽ trong niềm cô độc. Cõi yêu hiện hình với tất cả màu sắc, ánh sáng và thanh âm là khi những hò hẹn bắt đầu, khi tình yêu thức giấc mọi giác quan: bóng tối và cái chết không thể trùm lên em/ Vì em biết mãnh liệt neo vào Anh yêu thương chan chứa/ Vì Anh bao bọc em bằng hơi ấm thủy chung bằng ánh sáng” (Nơi ánh sáng).
Trong đôi mắt kẻ đang yêu, thế giới là cõi yêu. Từ những khu vườn, căn nhà, ban công, ô cửa sổ đến những quán cà phê, khách sạn sang trọng, lãng mạn, từ những con phố đến ruộng đồng hay vượt qua biên giới đến Paris, Rome, từ trần giới đến vườn Địa đàng, cả lúc thức và trong chiêm bao ViLi đều yêu cuồng nhiệt. Đó là điều Vi Thùy Linh muốn biểu đạt trong lời thơ. Với Vi Thùy Linh đó là nguồn sống, là nội lực làm nên nghệ thuật. Chúng tôi cho rằng điều đó thật đáng quý. Độ sống, chất sống ngưng kết trong thi phẩm trở thành chất thơ. Chất thơ là một tiêu chí quan trọng cốt lõi để xác định loại hình thơ (so với những loại hình ngôn từ nghệ thuật khác không lấy chất thơ làm trung tâm). Vi Thùy Linh muốn biểu đạt một không gian ái tình hiện đại cho con người hiện đại (con người hiện đại đủ đầy và sành điệu). Đó là quan niệm về chất thơ của chị.
ViLi không phải là kẻ thống trị cõi yêu. Anh mới là kẻ trị vì đầy uy quyền trong cõi giới ấy. Quyền uy đến như là một cấm kị, ViLi luôn phải trang trọng gọi Anh (viết hoa - tôn xưng). Anh - người tình, kẻ ban phát ánh sáng, tình yêu, kẻ kiến tạo nên chính cuộc đời ViLi (người nữ tội nghiệp trong thơ Vi Thùy Linh - Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn - Hồ Xuân Hương): Tất cả em ngày về, Anh hãy nhận/ Thể xác và linh hồn em của Anh//…/ Em thèm được sinh sôi như đất/ Em thèm thở bằng hơi thở Anh/ Để là Linh/ Miền đất chờ Anh toàn quyền lộng hành! (Bờ của chích bông). Anh có lúc là một “đối ảnh” của ViLi trong những khát khao sống và yêu - sự hợp cẩn của những cuồng nhiệt được yêu, được sống, được giải thoát. Nhưng cũng có khi, kẻ thống trị ấy không đoái hoài gì đến ViLi tội nghiệp: Anh đã hẹn và không đến/ Em lạc cho đêm về em// Lạnh dần cặp đùi bơ vơ (Ly); Quỳ trong đêm, em cởi mình/…/ Sao Anh không bế em ra khỏi cô đơn, ra khỏi những ngày dằng dặc nhớ (Nói với anh). Anh trong cõi yêu của ViLi là một người đàn ông hiện đại, biết nồng nàn và biết cả thờ ơ, tẻ lạnh. Cứ thế, những khát thèm được nuôi dưỡng giữa cõi yêu.
Cõi yêu là không gian nội cảm của Vi Thùy Linh được hình hóa bằng ngôn ngữ, thi ảnh. Không gian ấy biểu đạt quan niệm của thi sĩ về giá trị của sự sống. ViLi trong thơ Vi Thùy Linh chỉ sống khi được yêu. Nếu ra khỏi cõi yêu, ViLi nhợt nhạt và úa héo. Đó là giới hạn mà chính ViLi đã nhận ra. Ở cảm thức này Vi Thùy Linh không phải là người tiên phong, cũng không phải là người tạo nên cách tân đột phá. Những cung bậc truyền thống của yêu đương được tái hiện trong hình hài mới hiện đại, sành điệu, trong một không gian sang trọng và quý phái dễ quen với con người hôm nay. Nhưng con người hôm nay phần lớn vẫn mang tâm thức truyền thống vì thế ngỡ rằng Linh đem đến nguồn yêu mới. Kì thực, Linh chỉ đem đến một hình hài mới cho một điệu yêu đương đã quen thuộc.

Mùa tình
Trong thi giới của Vi Thùy Linh chỉ có một mùa, đó là mùa tình. Thời gian trong cảm niệm của kẻ đang yêu là những phút giây bất tận của yêu đương. Từ Khát đến Linh, Đồng Tử, Vili in love, Phim đôi - Tình tự chậm là những chuỗi tình tự quên thời gian.
Người đọc sẽ thấy một mối liên hệ có tính áp chế của giới quyền Anh lên thời gian của Vili. Thực tế, mùa tình chỉ đến khi có Anh. Anh là người quyết định sự tồn sinh hay lụi tàn: Ngày Anh đến mùa tình lên/ Yên lặng mở những ngón tay chìa khóa (Mùa tình). Khi mùa tình về, những khoảnh khắc của thời gian như đêm, ban mai, ngày, chiều, buổi hẹn hò, thời khắc Anh vềđược miêu tả là những “phiên” tình tự đầy mê khát: Đẹp biết bao giây phút Anh ôm em nghẹn ngào, cả hai cùng im lặng/ Im lặng mọc mầm trên da niềm trinh bạch/ Im lặng cho tình yêu sâu thẳm dồn nhập xuyên mùa (Trên ngực Anh).
Kéo dài những thời khắc hạnh phúc bằng cách tình tự chậm có lẽ là một ý niệm hay về thời gian của Vi Thùy Linh. Không phải đến Phim đôi - Tình tự chậm thi sĩ mới có ý niệm này. Tâm lý thông thường, ngày vui thường ngắn ngủi. Những giây phút tự tình sẽ trôi nhanh đến không ngờ trong cảm giác của kẻ đang yêu. Tình tự chậm, quên thời gian hay ngưng đọng thời gian đều là cách Vi Thùy Linh thiết lập thứ thời gian yêu của riêng mình trong thơ. Tôi cho rằng, tình tự chậm là một ý tưởng độc đáo của riêng Vi Thùy Linh đóng góp vào việc thể hiện những kiểu thời gian trong nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật là thời gian mang tính quan niệm. Chính vì thế, không ai truy vấn cả ngàn năm dồn lại trong cái hôn vĩnh cửu, cả trăm năm chỉ có thể là thoáng chốc, và Chiều nào cũng là chiều chủ nhật/ Đêm nào cũng tràn ban mai Anh/ Như chiều em chiều Anh (Trên ngực anh).
Không tách rời mà luôn song hành với khoảnh khắc yêu đương là những phút giây, ngày tháng xa cách, lìa tan Trong cõi yêu của Vili có những thời gian đếm bằng tóc rụng, bằng bóng vỡ, bằng tiếng nấc nghẹn, tiếng nuốt khan những khát vọng Có lẽ ở đây, ViLi mới hiện hết phẩm tính của mình là một người nữ lệ thuộc Anh đến tuyệt đối. Vẫn là mùa tình đấy thôi, nhưng là khi Anh không đến, không về. Một nửa ViLi chông chênh trong cõi yêu bật lên tiếng hờn tủi: Anh đã hẹn và không đến/ Em lạc cho đêm về em// Lạnh dần cặp đùi bơ vơ…(Ly); Mái tóc chảy xuống những sợi dung nham/ Em không có Anh vẫn một nửa Vi Thùy Linh! Biển ngày vẫn nườm nượp sóng (Một mình). Thời gian khi này là thù địch của nhan sắc. Thời gian rụng xuống bên tóc em những hạt cỏ không thể nảy mầm. Càng khao khát yêu đương càng âu lo về sự tan vỡ, chia lìa. Thời gian trôi qua đau đớn khi em chớp mi vào cánh hoa tàn. Hoa rụng như một xác tín về tính vô thường của sự sống không thể nào khác được như em đi qua tuổi mình trong những thắc thỏm về định phận, về Anh.
Mùa yêu của ViLi là sản phẩm được tạo dựng từ cảm niệm của kẻ đang yêu. Càng trải nghiệm thời gian này, ta càng nhận ra hình bóng người nữ lệ thuộc vào định phận. Thời gian của ViLi không được quyết định bởi ViLi mà luân chuyển theo quỹ đạo của Anh. Với những phẩm tính ấy, mùa tình của ViLi là một diễn giải nữa về thời yêu của truyền thống. Linh vẫn sống giữa mùa tình ấy trong thân phận người nữ chờ đợi, khát và âu lo

ViLi trong “ngục tù” của Anh                     
Chân dung người nữ dần lộ sáng khi ta lắng nghe kĩ những lời vọng ra từ cõi yêu của ViLi. Các nhà nghiên cứu, phê bình đã dụng tâm chỉ ra, Vi Thùy Linh là thi sĩ ái quyền (Chu Văn Sơn), Nữ quyền (Dương Tường, Văn Giá), Tính nữ (Nhã Thuyên) (chúng ta lưu ý những đặt định này là kết quả của những suy ngẫm về chân dung nghệ thuật của tác giả); “Tự yêu mình và tòng thuộc nam quyền” (Trần Thiện Khanh - đây là sự diễn giải trên tinh thần của luận đề “cái chết của tác giả” - chúng tôi tán đồng một nhận thức về sự khác biệt của ViLi và Vi Thùy Linh) Những mảnh ghép của một chân dung hay đúng hơn là từng cấp độ của sự phơi mở, hé sáng. Trong khảo sát của mình, chúng tôi nhận thấy có một ViLi đầy nữ tính, thiện nguyện là tù nhân của đế chế Anh. Một ViLi đang nhận sự ban phát tình yêu - Nạn nhân của xã hội nam quyền với sự quy hàng không ý thức. Đó là một bản ngã sùng tín nam tính và cơn khát ái tình trong nỗi sợ hãi bị bỏ rơi. Bởi thế, chứng tự si sinh ra như là những vỗ về trong sự hiện hữu của niềm cô độc - ViLi tự yêu tình yêu của mình. Dường như rất khó để có một thỏa thuận ViLi là một hình tượng mang tư tưởng nữ quyền cũng như khẳng quyết Vi Thùy Linh là nhà thơ nữ quyền luận. Người nữ chẳng có quyền lực gì trong cõi yêu của ViLi. Vi Thùy Linh chỉ là một nhà thơ cất lên tiếng nói về khát vọng được yêu, được sống của người nữ trong tình yêu của Anh. ViLi có dám “quẳng” Anh ra khỏi cõi yêu của mình không? ViLi có dám thực hành một thứ tình yêu khác chối bỏ những tác động từ Anh không? Nữ quyền luận tuyệt đối phải là sự quy thuộc tất cả về người nữ, tuyên xưng người nữ. Anh nếu có xuất hiện cũng chỉ là kẻ “tòng thuộc” giới quyền của người nữ. Như thế, ta thấy Vi Thùy Linh là một nhà thơ như bao nhà thơ của cõi này đã ca hát về tình yêu trong định phận nữ giới của mình: Dành em cho Anh - tặng vật của Chúa trời/ Vì chỉ Anh thấy em trong tấm gương đức hạnh/ Phủ phục dưới hào quang huy hoàng của vòng tay thống trị…(Teressa); Tất cả em ngày về, Anh hãy nhận/ Thể xác và linh hồn em của Anh//…/ Em thèm được sinh sôi như đất/ Em thèm thở bằng hơi thở Anh/ Để là Linh/ Miền đất chờ Anh toàn quyền lộng hành! (Bờ của chích bông); Cho em ngủ ngon trong vòng ôm định phận của Anh… (Cất giấu); Tôi hôn Anh rưng rưng và biết mình đang trở thành nô lệ của tình yêu, một nô lệ không cần giải phóng/…/ Tôi yêu Anh như tuân theo sự sắp đặt của Đấng Sáng Thế/…/ Phủ phục trước Anh/ Hiến dâng trong hạnh phúc tuyệt đích của nô lệ tình yêu không muốn được giải phóng” (Thánh giá)
Có 3 nguyên nhân khiến người ta dễ ngộ nhận Vi Thùy Linh là nhà thơ nữ quyền. Thứ nhất, Vi Thùy Linh là nữ. Điều này tạo nên nỗi ám ảnh có tính vô thức về một chủ thể sáng tạo đứng trong giới quyền của nữ. Thứ hai, Vi Thùy Linh nói về khát vọng được yêu đương, được sống trong tình yêu của người nữ. Thứ ba, Vi Thùy Linh nói nhiều, nói to và rất bạo dạn về tình yêu đó. Trong những thám sát của mình, chúng tôi cho rằng đó mới chỉ là hình tướng của Vi Thùy Linh. Chân tướng là cái dấu sau hình tướng, cái không thường hiện nhưng lại là bản lai diện mục của đối tượng - Vi Thùy Linh một chủ thể sáng tạo quy thuận quyền lực nam giới. Vi Thùy Linh sáng tạo như đấy là sự sống của chị. Sống, yêu và hát ca về tình yêu lắm khi Linh chẳng nghĩ rằng mình cần phải thế này, cần phải thế khác. Cứ tự nhiên biểu tỏ độ sống, chất sống của mình. Ý thức về phái tính có hay không có, đôi khi chỉ là những cách định danh về một lẽ thường của sự sống trong con người Vi Thùy Linh.
Có một vấn đề khá lý thú chúng tôi nhận ra trong quá trình nghiên cứu Vi Thùy Linh và thâm nhập vào cõi yêu của ViLi đó là tình yêuđối tượng của tình yêu trong cõi giới ấy. Anh là một “Quyền lực tượng trưng” (Piere Boudieu - Sự thống trị của nam giới, Lê Hồng Sâm dịch, Nxb Tri thức, 2011) có tính áp chế tuyệt đối đến mức sự tòng thuộc của ViLi là vô thức. Tuy nhiên, nhận kĩ ta thấy có một biểu hiện khá đậm nét thuộc về ViLi. ViLi yêu chính tình yêu của mình. Nghĩa là, trong cõi yêu của ViLi, tình yêu của nàng được hiện lên như là một đối tượng độc lập của thi giới. ViLi say sưa với tình yêu đó, mô tả tình yêu và các cung bậc, sắc thái, các trạng huống yêu đương. Anh vẫn là kẻ thống trị nhưng Anh không hiện lên rõ bằng tình yêu em dành cho Anh. Yêu chính tình yêu của mình là một biểu hiện trong chân tướng của ViLi. Có lẽ ở đây ta mới thấy Vi Thùy Linh và ViLi có điểm thống nhất về mặt khí chất bản nguyên. ViLi nhỏ nhẹ, lặng im yêu tình yêu ấy, Vi Thùy Linh ào ạt, bộn bề trong tình yêu ấy. Cả hai đều có cách biểu tỏ riêng về cùng một đối tượng - tình yêu - một đức tin hướng về Anh. Có thể hiểu nét nghĩa thứ hai của tự tình theo hướng này. Yêu tình yêu của mình, cả Vi Thùy Linh và ViLi là sự hiện hữu của một bản thể tự si. Chau chuốt cho tình yêu, nâng niu ve vuốt tình yêu, bởi tình yêu là cống vật thiêng liêng vô giá ViLi dâng tặng lên Anh. Ngực trắng khép nép, ngón hồng đồng trinh, môi bỏng lửa, thon dài đùi muốt, đóa nhung đen nở mượt đường cỏ mịn, em dành em cho anh lâu thế, đường cong, cởi mình, búp hôn thụ phấn thân ngườilà sự hiện hữu của tình yêu ấy - ViLi gọi là trái yêu. Trái yêu mọng chín luôn Cất giấu trong khu vườn Trinh tĩnh - nơi chỉ có một Mùa tình. Tất cả những bài thơ tình của Vi Thùy Linh đều xuất phát từ một mặc định, một xác tín về tình yêu vừa thanh khiết vừa đầy nhục cảm. Đặc biệt hơn nữa, tình yêu ấy luôn được nâng niu, luôn được gìn giữ để trao cho riêng Anh: Trong im lặng tột độ của lời/ Lẳng lặng trái mọng căng lên những cánh hoa ngưng đọng/ Bầu ngực mở ra thế giới dịu dàng(Ngày Linh). ViLi chẳng có gì ngoài tình yêu ấy. Yêu tình yêu là cách để ViLi thể hiện tình yêu dành cho Anh - sự quy thuộc tuyệt đối.
Những lời thơ họa chân tướng ViLi trong cõi yêu của mình. ViLi đã ngấm ngầm mách nước cho chúng ta để nhận ra chân tướng Vi Thùy Linh. Khi Vi Thùy Linh chưa bứt mình ra khỏi dòng chảy của thi ca truyền thống, nơi rất nhiều thi sĩ ái tình đã đề bút, lưu danh, nên chăng mọi sự đặt định mới chỉ là sự ươm lời? Bởi lẽ, sự đặt định nào cho Vi Thùy Linh đây, khi những danh vị ấy đều đã thuộc về những người đến trước. Nếu còn sức đi xa đến những miền đất mới, ươm những mầm thơ mới, ngày kia Vi Thùy Linh sẽ cho ta mùa trái quả khác mà cô mang về… Khi ấy, bình minh sẽ gọi tên người.

Thổi cuộc yêu vào chữ
Các nhà nghiên cứu đã hơn một lần nhắc đến vấn đề này. Chữ là đối tượng không thể không bàn đến khi nghiên cứu thơ từ góc độ thi pháp học, ngôn ngữ học. Vi Thùy Linh không được xếp vào danh sách những nhà thơ dòng chữ (Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng) nhưng rõ ràng chị là một nhà thơ khéo chữ. Có những bài thơ sinh ra từ sự khéo léo ấy (Chính Phim đôi - Tình tự chậm với lối làm thơ “phim đôi” của chị đọc rất nhạt khi thơ như là những tự sự về một cá nhân nào đó) không hấp dẫn được người đọc. Lôi cuốn hơn vẫn là những bài thơ về ái tình của em và Anh. Chữ trong những thổ lộ ấy hồi hộp chờ đợi anh về, run lên trong niềm hạnh phúc tê tái, nóng bỏng những cuồng khát, dồn dập những đam mêVi Thùy Linh thổi cuộc yêu vào chữ với những cung bậc của nó: Lúc mười hai giờ đêm đến gần Anh đang đợi/ Phòng ngủ biển xanh mây bay thiên thanh/ Chiếc giường đàn hương - máy bay bằng gỗ/ Dâng mình lên theo cơ thể ngụt ngàn/ Dâng từng đợt mưa say, đợt cắn/ Anh trai tráng hệt như chưa lần nào/ Em nữ tính nhiều mà sao vẫn thiếu/ Đóa nhung đen mở mịn đường cỏ ấm/ Còn nợ mùa thu vì em trắng quá/ Suốt đời mải miết chạy theo tình yêu///// Vì em trắng quá mà đêm trong hơn/ Ngồi bên lò sưởi, bên ghế chân quỳ, em chải tóc/ Anh để dành cho em chiếc lưỡi/ Da thịt dậy tình làm rơi xiêm áo/ Em đợi chờ vuốt ve thắt bão/ Phòng sáng dịu đèn pin mặt trời, mùi ngọc lan tây búp lay tao nhã, mùi thịt da mượt mềm lan tỏa/ Hàng thông bứt rứt nhựa tuôn hổ phách, cối xay gió cuồng khi anh thổi từng trận gió lên lên xuống xuống/ Mỗi đợt yêu lại sinh đời khác/ Không thể lười cũ kĩ thoát ly nhau/ Không thể ngưng bùng nổ sóng lạc giao/ Lực tuyến dồn lưng nhịp gấp/ Em rừng thơ để anh thụ hưởng/ Thon dài nằm ngoan trong tay anh, khi thế giới hiểm họa bạo tàn bấn loạn (Tình tự ca) Nhiều những bài thơ khác của Vi Thùy Linh mang phẩm tính này trong chữ. Mĩ cảm của Linh hướng về cuộc yêu khởi tạo con chữ như là một biểu tượng trong cõi yêu: Những đường cong khỏa vào sóng chữ/ Em say nắng mất rồi, em say thêm nữa nhé/ Mặc cho búp hôn thụ phấn thân người (Say nắng); Ẩn trong em, nữ thần Aphrodite/ Đến với mọi người bằng sóng chữ tình yêu” (Hãy phủ thơ khắp thế giới của em); Những con chữ nảy hạt dưới da/ Những con chữ hòa máu em vào Anh/ Khát khao mở đường cong hợp cẩn (Mùa tình) Nhưng phải thừa nhận có lúc cái khéo đã trội lên nhằm diễn dịch cuộc yêu nên có cảm giác hơi sượng. Tình tự ca ở trên là một ví dụ, và đây nữa: Anh hạ trời xuống Anh nâng đất lên/ Anh bùng vỡ thanh xuân cuồng điên/ Trên lưng Anh bơi mải miết ngón ngón em dài trắng/ Môi em trườn đêm căng/ Duỗi chân dài em nối những ranh giới, những núi đồi, sông biển, nhịp nhịp qua cầu đùi muốt/Vào lúc Anh lên em lên Anh/ Thụ tạo giấc mơ ấp ủ/ Em đạt khát khao làm mẹ (Nơi ánh sáng) Khát khao làm mẹ có thể là một niềm cứu chuộc cho sự trượt ngã của chữ vào nhục cảm không ánh sáng. Nhưng dẫu thế, vẫn gợn lên trong ta những con chữ cứ chực sa vào Lạc giới (Một tác phẩm của Thủy Ana, Nxb Hội nhà văn 2008).
Chúng tôi cố gắng phân lập chữ và âm của chữ. Dĩ nhiên, hai đối tượng này đều nằm trong cấp độ lời (Quan niệm thơ gồm 5 yếu tố: ý - tình - hình - nhạc - lời). Chữ ở đây chúng tôi quan niệm giống như chữ trong thơ Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường Truy xuất ngay “bóng” của chữ là một ý đồ muốn khám phá khả năng tạo chữ của Vi Thùy Linh. Ấy là khi ViLi muốn biểu tỏ vẻ đẹp của mình: đùi muốt, ngực trắng khép nép, đóa nhung đen nở mịn đường cỏ ấm, cởi mình Chữ luôn thuộc về những động thái gợi tình. Danh từ với chức năng biểu đạt sự vật không còn sức hấp dẫn (Ngực, bầu vú). Trong cuộc yêu, chữ cũng động tình. Nhắc đến điều này ta lại nhớ về những vần thơ của Hoàng Cầm: Ngủ lại giấc mơ dang dở/ Chũm cau căng nứt mạch tằm/ Áo may ba ngày mẹ vá lại/ Khuya nghe buồng động bóng trăng rằm (Đêm Mộc); “Xoa nắn đôi bầu vú lụa/ Sông dài sóng đôi/ Mượt mà gò nổi/ Cánh rừng rưng say/ Hồng hoang hương ấm mấy chân trời” (Nắng phù sa); Gái Tam Sơn đờ đẫn môi trầu/ Ngực yếm phập phồng bưởi ngọt” (Hội vật); Em không buộc thắt lưng thon nữa/ Thả búp tròn… căng…nuột…/ ấy ơi/ Nguồn sống tuôn thơm nhựa ứa đầy/ Một chiều e sợ/ mấy chiều say/ Đã phanh yếm mỏng thì quăng hết/ Những nếp xiêm hờ giả bộ ngây” (Hội yếm bay) Chữ của Hoàng Cầm nhiều sức gợi, lơi lả, liêu trai, thâm nhập vào tưởng tượng, linh thị của người đọc. Với chữ của Linh, tất cả hiện lên trước mắt ta, người đọc mất đi cái hứng thú được theo đuổi tưởng tượng. Sự khác nhau về thế hệ, thời đại đã chi phối tới quan niệm về chất thơ và thị hiếu của con người trong cách tự biểu hiện. Phải chăng đó là cuộc yêu của con người thời hiện đại? Vi Thùy Linh có một sáng tạo để sự “động hưởng” của chữ được hình hóa. Chồng hình bằng kĩ thuật của điện ảnh cho ta những hiện hữu tức thời của nhiều chuyển động là một điểm độc đáo trong kiến tạo thi ảnh của Vi Thùy Linh: Mình ôm lấy Anh ôm mình, Anh lên em lên Anh Dẫu thế, trong những nỗ lực rất đáng trân trọng của Vi Thùy Linh, ta vẫn chờ mong một cuộc bứt phá mãnh liệt hơn nữa về phía trước, ra khỏi từ trường của những hạt nhân truyền thống. Trong một điệu sống mới, một tinh thần mới chúng ta có quyền hi vọng về một sự biểu hiện nghệ thuật mới của thi sĩ như là dấu ấn để lưu giữ dáng nét của thời đại mình.

Lời của ái ân
Ái ân là tâm điểm, là đỉnh cao tụ mật trong cõi yêu, mùa tình của ViLi. Nghiên cứu lời của ái ân là hướng thâm nhập vào giọng điệu của thi phẩm. Sẽ cần những nghiên cứu dài hơn về tất cả những vấn đề được nêu ra trong tham luận này, tuy nhiên, trên tinh thần của những phác thảo ban đầu, bước chân vào thế giới nghệ thuật của Vi Thùy Linh ta có thể nói về giọng điệu của ái ân như một sự tự biểu hiện của chủ thể cõi yêu.
Giọng thủ thỉ tâm tình, tỏ tình là dấu ấn đầu tiên ta gặp khi chạm vào ngưỡng cửa của cõi yêu. Như chúng ta đã có dịp nói về âm thanh trong thế giới của ViLi, giọng tâm tình, thổ lộ xuất hiện khi em và Anh bên nhau, khi ta xa nhau em thủ thỉ một mình: Những đường cong khỏa vào sóng chữ/ Em say nắng mất rồi, em say thêm nữa nhé/ Mặc cho búp hôn thụ phấn thân người (Say nắng); Em sợ phải một mình/ Mái tóc như mùa thu rối/…/ Hãy hôn em, chẳng cần lời… (Khi em tựa cửa); Quỳ trong đêm, em cởi mình/…/ Sao Anh không bế em ra khỏi cô đơn, ra khỏi những ngày dằng dặc nhớ… (Nói với anh) Giọng điệu này đối lập hẳn với những biểu hiện ồn ã của Vi Thùy Linh. Lời tình như là hạt, gieo vào da thịt, vào mắt môi, vào nỗi nhớ khát đến đỉnh cao là sự ngưng đọng, tĩnh lặng. Vi Thùy Linh nói hơi to, hơi nhiều - cái kẻ đứng ngoài thế giới của ViLi ấy nhiều lúc đến là vô ý. Ta thấy trong cõi yêu của ViLi người con gái biết yêu, muốn được yêu thật nhiều không cùng, không thỏa. Những lời yêu dành cho Anh và em trong cõi ấy không “bời bời” ồn ã như cách thể hiện của Vi Thùy Linh: “Sau tiếng “Em của Anh”/ Chỉ còn tiếng thở của chúng ta như mạch máu vĩnh cửu (Solo). Ngay cả khi nỗi nhớ tràn lên khát cháy, ngay cả khi nỗi đau tức tưởi chợt ập về, trên đỉnh cuồng si cơn sóng tình, vẫn là giọng ấy. Khi thủ thỉ bên tai, trên da thịt, giữa phiên hôn, khi nén nghẹn quay về khoảng trời bóng vỡ, khi nuốt khan tiếng rên, khi những cặp chân khóa chặt giọng của ViLi vẫn thế và có xu hướng nghiêng dần rơi vào im lặng để cảm xúc bùng lên dù đớn đau hay hạnh phúc. Vi Thùy Linh, người đã thực hiện một cuộc trần thuật về ViLi và cõi yêu, mùa tình của ViLi làm cho câu chuyện trở nên ầm ĩ. Nếu ai đó muốn bàn đến giọng điệu của Vi Thùy Linh hẳn phải nghĩ tới sự trái ngược với giọng của ViLi trong cõi giới của nàng. ViLi không mang thứ quyền năng nào trong mình ngoài một trái tim người nữ chỉ cầu mong được yêu. Lệ thuộc tuyệt đối vào Anh, ViLi đâu dám lớn tiếng tuyên ngôn điều gì. Lặng lẽ nhiều khi đến tội nghiệp, ViLi đi tìm Anh suốt dọc thanh xuân của mình: Chúng ta xuyên qua đêm bằng thầm thì/ Ám ảnh nhập Anh vào em/ Đang nhớ đang nhớ đang nhớ/ Lời tỏ tình hàng đêm bảo lưu thanh xuân của chúng ta” (Tìm thấy). Cùng với giọng tâm tình, tỏ tình là giọng hờn tủi. Giọng này nén nghẹn, có lúc uất ức nhưng không hề thấy có dấu hiệu trách móc: Anh đã hẹn và không đến/ Em lạc cho đêm về em// Lạnh dần cặp đùi bơ vơ…(Ly); Em cay đắng quay về khi anh đẩy em bằng mắt!/ Ánh mắt Anh-không-bay-được/ Lòng em vỡ (Từ phía ngày nắng tắt); Sức trẻ có hạn/ Em cứ gồng lên… (Em - Bí mật).
Giọng điệu là một căn cứ để lý giải phong cách của tác giả. Các nhà khoa học đã chỉ ra giọng điệu “nồng si, tươi trẻ” trong thơ Xuân Diệu, giọng quê mùa của Nguyễn Bính, giọng đau thương rạn vỡ của Hàn Mặc Tử, giọng ảo não của Huy Cận, (Nguyễn Đăng Điệp, Giọng điệu trong thơ trữ tình, Nxb Văn học, 2002)… Như thế, nếu cần một đặt định về giọng của Vi Thùy Linh sẽ phải chú ý đến sự biểu hiện một cách thái quá, ồn ào về tình yêu của ViLi. Trong tham luận này chúng tôi chú ý đến thế giới nghệ thuật - sản phẩm của tư duy và mĩ cảm Vi Thùy Linh. Sự mâu thuẫn không phải đến giờ mới được nhắc đến. Mâu thuẫn giữa chân tướng và hình tướng, giữa bản thể là một sự lặng im với lời thể hiện ồn ã. Giọng của ViLi mâu thuẫn với giọng của Vi Thùy Linh chính là một biểu hiện cụ thể mà chúng tôi chỉ ra. Những bài thơ nho nhỏ, với giọng điệu tâm tình, thủ thỉ của Vi Thùy Linh lại chính là những bài thơ hay, khi có được sự thống nhất giữa ý-tình-hình-nhạc và lời (Từ phía ngày nắng tắt, Người dệt tầm gai, Nói với Anh, Nhật thực, Giao cảm, Giao mùa, Anh còn cho em…). Sự tranh cãi về Vi Thùy Linh có nguyên nhân bắt nguồn từ sự mâu thuẫn này. Tứ thơ cần phải được tổ chức bằng một hệ thống lời phù hợp. Mâu thuẫn giữa ý-tình (tứ) với lời - giọng làm nên những hệ lụy cho Vi Thùy Linh. Ở thơ, ta thấy có những bài dài dòng, đại ngôn, những triết lý nặng nề, mòn sáo, những thuyết rao ồn ào về những điều nhẽ ra cần sự biểu tỏ một cách tinh tế, kín đáo. Sức thuyết phục không đến từ việc nói to, nói nhiều hẳn Vi Thùy Linh phải biết.

Nhịp điệu của tình tự
Nhịp điệu là một vấn đề quan trọng của việc nghiên cứu thơ. Không thể không đề cập đến vấn đề nhịp điệu trong cấu trúc của thi phẩm. Với thơ, có thể là câu, là dòng thơ, là một hình tượng, mô típ, có khi là thanh điệu bằng trắc hay sự luân phiên có tính chu kỳ của một thành tố bất kì mang dụng ý của thi sĩ Sự vận động của các thành tố này trong một cơ chế có tính chu kỳ, tạo nên những bước chuyển động của ngôn từ, hình ảnh, mô típ, cấu trúc hay thanh âm chính là nhịp điệu của thơ. Những yếu tố vừa điểm tới mới chỉ dừng lại là cấu trúc nhịp điệu bên ngoài. Cấu trúc nhịp điệu bên trong chính là hơi thơ, là điệu tâm hồn với những bước quãng của xúc cảm, tinh thần. Nhịp điệu giúp phân biệt thơ với các thể loại ngôn từ nghệ thuật không phải thơ, giúp nhận diện thể loại thơ và điệu hồn của thi sĩ.
Với trường hợp Vi Thùy Linh, khảo sát thế giới nghệ thuật của thi sĩ, bước chân vào cõi yêu của ViLi chúng tôi nhận ra nhịp điệu chủ đạo của thi giới này là nhịp tình tự của ViLi. Thơ Linh không theo một cấu trúc thể loại nào cả. Bởi thế, những nhịp điệu có tính khuôn nền làm nên thể loại không có nhiều địa vị trong cấu trúc thi phẩm. ViLi và Anh sẽ làm nên nhịp điệu của cõi yêu bằng chính nỗi nhớ, bằng sự mong mỏi, bằng hồi hộp đợi chờ, bằng khát khao gặp gỡ, bằng lời trên da thịt, bằng môi hôn, sóng mắt, nhịp thon dài đùi muốt, bằng eo thon, nhịp lưng, bằng đỉnh sóng đổ dồn Nhịp của ViLi là nhịp của cuộc yêu, tình tự chậm nhưng đủ các cung điệu, nhịp bậc: Lúc mười hai giờ đêm đến gần Anh đang đợi/ Phòng ngủ biển xanh mây bay thiên thanh/ Chiếc giường đàn hương - máy bay bằng gỗ/ Dâng mình lên theo cơ thể ngụt ngàn/ Dâng từng đợt mưa say, đợt cắn/ Anh trai tráng hệt như chưa lần nào/ Em nữ tính nhiều mà sao vẫn thiếu/ Đóa nhung đen mở mịn đường cỏ ấm/ Còn nợ mùa thu vì em trắng quá/ Suốt đời mải miết chạy theo tình yêu///// Vì em trắng quá mà đêm trong hơn/ Ngồi bên lò sưởi, bên ghế chân quỳ, em chải tóc/ Anh để dành cho em chiếc lưỡi/ Da thịt dậy tình làm rơi xiêm áo/ Eo đợi chờ vuốt ve thắt bão/ Phòng sáng dịu đèn pin mặt trời, mùi ngọc lan tây búp lay tao nhã, mùi thịt da mượt mềm lan tỏa/ Hàng thông bứt rứt nhựa tuôn hổ phách, cối xay gió cuồng khi anh thổi từng trận gió lên lên xuống xuống/ Mỗi đợt yêu lại sinh đời khác/ Không thể lười cũ kĩ thoát ly nhau/ Không thể ngưng bùng nổ sóng lạc giao/ Lực tuyến dồn lưng nhịp gấp/ Em rừng thơ để anh thụ hưởng/ Thon dài nằm ngoan trong tay anh, khi thế giới hiểm họa bạo tàn bấn loạn” (Tình tự ca). Giữa cõi yêu, mùa tình, ViLi muốn tự tình thật chậm, hôn Anh thật chậm, hôn Anh cẩn thận Người nữ ấy muốn kéo dài mãi cuộc yêu, muốn được tận hưởng mật ngọt của ái tình trong thời gian không hạn định, ngưng đọng và vĩnh hằng. Nhịp của tự tình là nhịp của cuộc yêu. Đó là thứ nhịp của độ sống, chất sống đã ngưng kết vào thơ, trở thành một thành tố trong chất thơ của thi phẩm.
Có khi, nhịp thơ là nhịp của trái tim thức vỡ, bàng hoàng, thảng thốt, hay là nhịp của thời gian đi qua trên tóc, trên da thịt, qua những đêm một mình nuốt tiếng rên thầm bên chiếu chăn trễ nải mong Anh về. Phải nói rằng, Vi Thùy Linh không có dụng tâm kiến dựng nhịp điệu thơ từ cấu trúc bên ngoài. Tất cả tự hiện hình, tự chuyển động trong điệu sống, nhịp tự tình của ViLi: Em tức tưởi trở về khoảng trời bóng đỏ/ Bóng chèn nhau/ vỡ/ Lòng em/ vỡ/ Em lầm lũi lại đến trước nhà Anh nhặt xác nỗi buồn vừa rơi, đốt lên thành lửa/ Rồi đi/ Sau lưng em ngày nắng tắt (Từ phía ngày nắng tắt); Siết chặt nghẹt thở vòng ôm dặt dìu chưa từng thấy/ Tiết tấu chậm/ Đôi ta/ Tan biến/ vào nhau (Tan biến)
Nhịp điệu trong thơ là vấn đề quan trọng, mang tính cốt lõi của thể loại. Sự phức tạp của tinh thần, sự đa dạng của điệu sống quy định tính phong phú của nhịp điệu thơ, của từng thể loại, từng tác giả, từng thời đại Hướng tới sự tự do về mặt thể loại, Vi Thùy Linh lấy nội lực làm điểm tựa để duy trì nhịp thơ, hơi thơ. Hình thức lời thơ khiến ta liên tưởng đến một ViLi nhỏ bé trong bộ cánh thùng thình quá cỡ. Không cần thiết phải khua chiêng trống trong ái tình. Nhịp điệu chủ đạo trong cõi yêu của ViLi là nhịp điệu của cuộc yêu mà đỉnh điểm của nó là sự lặng im. Những ngọn sóng chính là hình ảnh ưu trội nhất khi nghĩ về nhịp tình tự trong cõi yêu của ViLi.
Nguyễn Thanh Tâm
(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment