.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, May 25, 2012

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC - CHỚ ẢO TƯỞNG VỀ CÁCH TÂN THƠ

Vài năm gần đây, đứng trước tình trạng sình lầy, ứ đọng, dậm chân tại chỗ, bế tắc, đặc biệt tầm vóc sinh hoạt quá nhỏ bé của thơ, thì xuất hiện một trào lưu “vùng dậy” như một mặc cảm vượt thoát chua cay rằng: đâu đâu người ta cũng sẵn sàng chỉ ra cây bút này cách tân thơ, cây bút kia đổi mới thơ. 

Liệu cách tân hay đổi mới thơ có dễ dàng đến mức xuất hiện đại trà như vậy sao? Và cách tân có thực sự là liệu pháp thần tiên để cứu vãn sự nhạt nhẽo của thơ? Cách tân ư, cách tân có bao nhiêu giá trị nếu người ta chỉ có một chiếc bình nước sơn mới nhưng bên trong vẫn chỉ là rượu cũ vẫn cứ rỉ rả đàn nhị sáo trúc của ngũ âm ngày xửa ngày xưa?

Chúng ta phải chắc chắn đến 99% rằng, dân tộc ta không có truyền thống cách tân. Bởi một lẽ rất hiển hiện, dân tộc ta là một dân tộc tiểu nông, với 80 % vẫn là nông dân, 20 % còn lại chỉ là phi nông nghiệp nhưng không có nghĩa là thoát khỏi lối tư duy tiểu nông. Lật lại biên niên sử, từ chính trị, đến kinh tế và xã hội, kết hợp với đối chiếu những thống kê mới nhất, không chỉ so với những nước văn minh, mà so với ngay các nước trong khu vực, dân tộc ta lạc hậu hơn các nước bên cạnh từ năm mươi đến hàng trăm năm. Một lần thầy giáo dạy ngoại ngữ có nói với lớp tôi rằng: “Trong nhiều năm, tôi đã dạy nhiều lớp ngoại ngữ, bao giờ cũng thấy, có hai thứ học dốt ngoại ngữ nhất, đó là nghề y, và nghề nông”.
Tại sao vậy, chúng tôi chiêm nghiệm và lý giải, vì đó là hai ngành ít sáng tạo nhất. Một bác sĩ chẳng hạn, anh ta không thể dám đưa ý kiến sáng tạo vào trong một ca mổ, bởi vì nó có thể gây chết người, mà anh tìm mọi cách làm theo những gì mình học được từ kinh nghiệm đã cứu sống những bệnh nhân trước đó. Còn nghề nông, đó rõ ràng là giai tầng cổ hủ, thủ cựu nhất trước mọi cuộc đổi mới của xã hội. Có những bằng chứng rất sờ sờ, chẳng hạn, nhà văn rất nổi tiếng kia, còn được độc giả và nhiều nhà phê bình gán cho tài năng nào là hiện đại, nào là hậu hiện đại. Vậy mà rút cuộc nhà văn này lại quay ra viết kịch chèo bằng tay trái? Điều này nói lên cái gì? Đó có phải là cách “lại gạo” của bánh trưng nông nghiệp? Chèo là môn nghệ thuật cổ nhất ở Việt Nam. Chèo đang cần được bảo tồn. Quay lại chèo thì có phải tâm hồn không thể có thông điệp hiện đại nào cần tung ra. Và nếu có thông điệp hiện đại thì có thể tung ra bởi ngôn ngữ cổ lỗ đó ư?

Trong lịch sử thi ca Việt Nam, chính thức chỉ mới có một cuộc cách tân thơ mới xuất hiện vào thời Thơ Mới 1932 – 1945. Tại sao có cuộc cách tân này? Như phê bình gia Hoài Thanh đã chỉ ra trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”, đó là các học giả, cây bút và môi trường bạn đọc đã hấp thụ văn minh phương Tây từ chiếc đinh đến xe điện thay thế cho văn hóa Tầu đã quá cổ lỗ, từ luồng gió mới về giáo dục, học vấn, và cách sống đó mới có thể làm nên cuộc đổi mới. Vậy nhiều nhà thơ đương đại, văn hóa lõm bõm, học hành cóp nhặt, leo lên cả thạc sĩ và tiến sĩ với cái bằng “ngoại ngữ đẩy đít ban đêm chưa xong”, nếu các vị muốn cách tân thơ, thì các tân cái gì?

Cách tân là gì ? Đây là câu hỏi cực kỳ quan trọng. Cách tân nghĩa là phải ra được hoa quả sáng tạo mới. Muốn có quả thì phải có cây. Cây nào sinh trái ấy! là lẽ đương nhiên, chẳng lẽ cây còi lại sinh trái bự? Cây cũ lại sinh trái mới? Một tác giả mắt mũi kèm nhèm liệu có thể làm bạn đọc tin tưởng vào hoa quả cách tân hoành tráng sung mãn của anh ta? Chúng ta hãy tham chiếu hình ảnh dễ thấy nhất. Từ nhiều thập kỷ nay, thanh niên Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam … rất thích du nhập ca nhạc mới của phương Tây vào, nào đèn đóm, ăn mặc, nhảy nhót, nhưng chúng ta thử nhìn đi, cái tân nhạc của họ có phải còn rất giả cầy không? Nếu không thì vẫn sền sệt chất lúa nước lõm bõm, nhảy nhót mà không thoát được. Tại sao vậy? Vì bản năng văn hóa lúa nước của họ không phải là nhảy nhót, mà là múa may vờn vờn.
Trái lại, chúng ta hãy nhìn mấy phụ nữ da đen ở châu Phi, chỉ cần họ lắc bụng một cái, ta đã thấy điệu nhảy rất chuyên nghiệp hiện ra. Người châu Âu hay châu Mỹ La tinh cũng vây. Tại sao? Vì người ta sống trên sa mạc, bình nguyên khô ráo, mang bản năng nhảy nhót từ trong máu. Đó là âm nhạc. Nghệ thuật cũng vậy, có những dân tộc cách tân từ trong máu, có những dân tộc chỉ có thể là bản cop-pi. Dân tộc muốn có cách tân thì sao? Đó ít ra phải là những dân tộc có thói quen tư duy, thói quen sống bằng quan niệm, để từ đó sản sinh lý thuyết, trường phái hay những cái đuôi isme. Còn dân tộc ta, có chuyên gia nói, các nước nông nghiệp không có thói quen tư duy. Thế thì làm sao có thể sản sinh sòn sòn nhiều cách tân như vậy?
Mới đây có nhiều hội thảo về các tác giả thơ. Có những bài nói rẳng, tác giả là người mở màn cho một thời kỳ cách tân, nhưng cách tân cái gì thì các bài viết này không chỉ ra mà chỉ nói lù mù, thông tin là chính, nhận thức là phụ hoặc không có. Ngược lại còn có bài nói rằng, cách tân hay không vẫn còn đang tranh cãi. Có người còn viết, anh cách tân thơ, nhưng anh sống rất cóm róm… Nói thế có mâu thuẫn không? Cách tân thì phải là một nhà tiền phong dám cháy hết mình, mà một người sống cóm róm thì có thể cách tân được không? Cụ thể hơn mới đây nhà thơ Hữu Thỉnh có trả lời phỏng vấn nhà văn Đỗ Chu rằng: thế hệ tôi không có tác giả nào dám nhận là mình là tác giả lớn trong tay có tác phẩm lớn. Trong ao không có cá to chúng ta chỉ bắt tép thôi. Nếu trong ao toàn tép thơ văn, thì mấy ai kia được chỉ định là “cách tân” thảo nào vẫn chỉ là “còn tranh cãi”.

Tiêu chuẩn đầu tiên của nghệ thuật, theo triết gia Hegel, đó là mỹ cảm, có nghĩa một tác phẩm nghệ thuật dứt khoát phải gây được cảm giác thưởng thức, cảm giác thụ hưởng, để từ đó nó mới dẫn nhập và chuyển tiếp vào tâm hồn con người những thông điệp khác. Và mỹ cảm rõ nhất được thể hiện trong âm nhạc. Một bản nhạc vang lên mà không có mỹ cảm, tức nghe không hay, thì người ta sẽ tắt đi chuyển sang bài khác. Vậy các gốc cây tác giả người Việt đã trang bị mỹ cảm âm nhạc thế nào? Rất nhiều các tác giả Việt không thể nghe nổi nhạc thính phòng giao hưởng đã đành, đến tân nhạc họ cũng chẳng muốn nghe, quanh đi quẩn lại chỉ có thể nghe ca từ Việt, những bài rất ít tố chất giai điệu và nhịp điệu. Người da đen lắc mông một cái thành điệu nhảy, và trong âm nhạc của họ luôn có nhịp trống tức nhịp điệu, còn âm nhạc Việt, ca từ chủ yếu là hát nói, không hề có giai điệu và nhịp điệu. Giờ thử hỏi một tâm hồn chỉ có “đàn nhị sáo trúc” và những âm giai ngũ cung truyền miệng thì có thể mang trong tâm hồn một động năng đòi cách tân được không?
Chúng ta hãy ngắm cuộc cách tân của tiền bối thi ca hàng đầu nhân loại. Thi sĩ Beaudelaire trong bài “Cuộc hành trình” (Le voyage) đã viết: “Con thuyền thép uống say dầu”. Đó có phải là một câu thơ rất bình dị không, về mặt tu từ ở đó chẳng có gì đặc biệt cả, nhưng chắc chắn nó là một thông điệp mạnh mẽ nhất của thời hiện đại. Một thông điệp tràn đầy từ máy tầu đến vỏ tầu, cũng có nghĩa là một thông điệp trọn vẹn cả hình thức lẫn nội dung. Nó khác hẳn những câu của ngày xưa. Trước đó, người ta có thể viết về một cánh buồm no gió, một con thuyền nhiều mái chèo, mà không thể nào có được thứ máy móc lên cơn say của động cơ đốt trong uống dầu mỡ. Đó cũng là thông điệp đầy đủ về nội dung tư tưởng tất yếu của hinh thức phản ánh. Nó giản dị, đầy đủ, mà chẳng cần yếu tố cách tân nào, nhưng vẫn đem đến hơn cả sự đổi mới, nó là một cuộc chuyển mình mang động cơ của thời đại mới. Đây là một bài học cho những người muốn mang chức năng cách tân thơ ở Việt Nam. Anh muốn cách tân thơ ư, bên trong tâm hồn anh có gì mới để thông điệp không. Một lần ngồi với nhiều nhà văn, nhà thơ, một nhà văn có bảo: viết thế nào quan trọng hơn viết cái gì, vì cuộc sống, tình yêu mãi mãi vẫn vậy, mãi mãi giống nhau, chỉ có điều ta viết thế nào để miêu tả điều đó. Tôi liền hỏi: “Vậy, tự do, bình đẳng, bác ái là cái rất cũ từ thời cách mạng Pháp đến nay, các anh đã viết gì về nó chưa?” Anh bạn nhà văn liền im lặng!

Có một số không ít cây bút còn bảo: cũ hay cách tân không quan trọng, cái chính là nó phải hay! Nghe thật buồn cười. Cái diều dù đẹp không thể so với chiếc phi cơ kiến tạo lần đầu dù thô ráp. Tại sao? Vì chiếc phi cơ mang một nguyên lý sáng chế mới thật vĩ đại còn chiếc diều thì không. Một chiếc piano cũ nát bán đống nát vẫn còn đắt hơn một cây sáo trúc mới hơ lửa song.
Hồi Hà Nội kháng chiến 1946, mấy bà đồng nát được chủ nhà cho chiếc đàn piano cũ, họ lọc ra nào dây đồng, nào nhựa, và khung gỗ nấu bếp được cả tuần… chiếc đàn đó dù thành đồng nát nhưng cũng đã trở thành giấc mơ không bao giờ quên của cả đời họ. Một phi cơ mới bị rơi, có rất nhiều người muốn tìm kiếm mảnh vụn của nó để tìm hiểu về công nghệ mới. còn một chiếc xe kéo dù có tên là cải tiến mới toe cũng chẳng mấy ai để ý. Cái mới, cái cách tân dù thô ráp, rơi rụng hay thât bại vẫn mang trong nó giá trị nguyên lý cao hơn nhiều cái cũ dù hay. Một chiếc chén cổ có thể đắt hơn mười lần chiếc xe máy mới, nhưng đừng nhầm lẫn cái chén đó có giá trị hơn nguyên lý của chiếc xe máy?!
Triết gia Nietzsche có nói : “Một dân tộc có thiên tài, không quan trọng bằng cách chấp nhận thiên tài của dân tộc đó”. Muốn chấp nhận thiên tài thì phải có dân trí cao. Dân trí rồi sức đọc , văn hóa đọc của nước ta còn quá thấp, vì thế tầm vóc của nhiều tác giả cho dù có được nhiều nhiều (con số trên nghìn) bạn đọc hâm mộ chăng nữa vẫn khó lòng vượt qua mức “tép riu”.
Vậy thì muốn trở thành cá lớn hay cá voi của sáng tạo chúng ta không thể nào không phản tỉnh tầm vóc của mình. Tầm vóc đó, có phải cả về giáo dục và văn hóa, tôn giáo lẫn triết học, mỹ học còn quá khiêm tốn không? Cây chưa lớn liệu có ra được quả lớn?
23/05/2012
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

No comments:

Post a Comment