Năm 1927, ông gia nhập Đảng Cộng sản và từng giữ cương vị Ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Pháp. Là một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình, sinh thời, Aragon đã được trao tặng Huân chương Cách mạng Tháng Mười và Giải thưởng Hòa bình Quốc tế Lênin. Với bạn đọc và nhân dân Việt Nam, ông cũng là một tác giả có nhiều duyên nợ...
Vượt lên số phận
Sinh ngày 3/10/1897 tại Paris, Louis Aragon đã trải qua một tuổi thơ đầy sóng gió, bất hạnh. Là con ngoài giá thú, suốt một thời gian dài cậu bé không hề được ai nấy cho biết bố mẹ đẻ của mình là ai. Chỉ đến khi Aragon học năm thứ nhất Đại học Y, bị động viên vào lính để tham gia cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất, ông mới bất ngờ được người "chị nuôi" tên là Marguerite gọi lại để thông báo một "bí mật khủng khiếp", rằng không phải ai khác mà chính chị ta là… mẹ đẻ của Aragon. Điều này đã khiến Aragon chết lặng đi trong "niềm hạnh phúc cay đắng". Riêng về bí mật liên quan đến người bố, phải mãi tới năm 1942, trước khi bà Marguerite mất, bà mới chịu hé lộ cho cậu con trai biết tên người đàn ông này (Louis Andrieux), bởi trước đó, ông ta đã trốn tránh trách nhiệm, không thừa nhận vợ con.
Một điều lạ ở Aragon là mặc dù gắn
bó với sách vở từ nhỏ (chưa đầy 10 tuổi, Aragon đã viết… tiểu thuyết) song lớn
lên, nhất là khi tham gia quân đội, ông lại xông pha chiến đấu như một chiến
binh thực thụ, để rồi, sau khi giải ngũ, mặc dù mang trong mình thương tích
chiến tranh, ông đã lại cùng các nhà văn, nhà thơ trẻ lao vào các hoạt động văn
học nghệ thuật. Thoạt đầu, ông tham gia chủ nghĩa đa đa - một trào lưu văn học
ra đời từ năm 1916. Nhưng cũng chỉ được chưa đầy 2 năm, Aragon đã rời bỏ chủ
nghĩa đa đa để quay sang chủ nghĩa siêu thực và trở thành một trong những chủ
tướng của trường phái này.
Tuy nhiên, khác với nhiều tác giả
trẻ khác, Aragon không "siêu thực đến cùng". Trong khi nhiều nhà siêu
thực gần như chỉ quan tâm đến sáng tác thơ, thì Aragon lại đầu tư nhiều cho
việc viết tiểu thuyết. Sáng tác của ông cũng gắn bó với đời sống thực tại. Và
đây là điều khác biệt cơ bản của Aragon so với những tác giả là môn đệ của
trường phái này.
Thời gian Aragon "chung
sống" với chủ nghĩa siêu thực không dài. Sau khi cho xuất bản các tập thơ:
"Lửa vui" (1920), "Vận động vĩnh cửu" (1925), tiểu thuyết
"Người nông dân Paris" (1926), Aragon đã đoạn tuyệt với chủ nghĩa
siêu thực để gia nhập Đảng Cộng sản Pháp.
Cuộc tình thế kỷ
Nhiều người đã biết, Aragon không chỉ nổi tiếng về tài năng văn chương mà trong lĩnh vực tình trường, ông còn nổi tiếng bởi "mối tình thế kỷ" với nữ văn sĩ Pháp gốc Nga Elsa Triolet. Ngoài những bài thơ mà nội dung ca tụng vợ toát lên ngay từ tiêu đề: "Đôi mắt Elsa", "Tình yêu Elsa", "Bài ca Elsa", "Người điên của Elsa", "Elsa ngồi trước gương", ông còn có những câu phát biểu nổi tiếng về lòng biết ơn đối với bà. Gặp Elsa năm 31 tuổi, ông ví cuộc đời ông như một trái cây đã bị sâu ăn ba mươi năm một nửa, còn một nửa ba mươi năm nữa, ông trả cho Elsa để cắn ngập răng vào. Mối tình của Aragon với Elsa được ví như mối tình của cặp "Romeo và Juliette thời hiện đại".
Elsa Triolet chính là em vợ của thi
hào Nga Mayakovsky. Có một thời, bà mê Mayakovsky như điếu đổ. Song câu chuyện
cũng chỉ dừng ở đấy bởi khi biết chuyện, bố mẹ bà đã ra sức ngăn trở con gái.
Cuối cùng, Elsa đã giới thiệu chàng thi sĩ của Cách mạng cho chị gái mình (lúc
bấy giờ đã có gia đình nhưng cuộc sống vợ chồng của họ đang gặp trục trặc). Rốt
cục, hai người đã bén duyên nhau và sau này, trong chúc thư của Mayakovsky mà
người ta tìm thấy sau khi ông tự sát, có dòng chữ: "Gia đình tôi gồm có
Lilia Brik, mẹ, các chị gái…". Lilia Brik chính là tên người chị gái của
Elsa Triolet.
Elsa đã gặp Aragon trong một cuộc
họp mặt của các nhà thơ Pháp. Khi đó, Aragon bước vào tuổi 31, còn Elsa đã ở
tuổi 32. Sau này, trong một hồi ký, Elsa nhớ lại cuộc gặp gỡ "thiên
định" của mình: "Đó là ngày 6/11/1928, và niên đại của tôi bắt đầu từ
ngày hôm ấy". Về phía Aragon, mãi sau này ông vẫn không sao quên được ấn
tượng của lần gặp gỡ ban đầu với người đàn bà có gương mặt rất giống bức tượng
Thần Vệ nữ ở Milo ấy. Và ông ghi lại tất cả cảm xúc ấy trong thơ: "Ngày
gặp em mới thật có đời anh/ Em đã chặn lối điên cuồng thê thảm/ Em đã chỉ cho
anh vùng tươi thắm/ Chỉ nảy mầm khi ý tốt gieo lên" và "Anh quả thật
đã sinh từ môi ấy/ Cuộc đời anh khởi sự tự em đây".
Các nhà nghiên cứu thật không quá
lời khi nhận định rằng, sau lần gặp gỡ đó, trong nhận thức và tình cảm của
Aragon có nhiều biến chuyển rõ rệt. Từ một chủ soái của trường phái siêu thực,
vậy mà chỉ một thời gian, ông đã chuyển hướng sáng tác, trở thành nhà thơ cộng
sản cứng cỏi. Cũng từ đấy trở đi, hình ảnh Elsa luôn thường trực trong thơ
Aragon. Ông nâng niu, chăm chút từng li từng tí những biểu hiện vẻ đẹp ở các
góc độ của người mình cuồng si. Ông học tiếng Nga để hiểu người vợ yêu của mình
"nói những chuyện gì" với những người đàn ông khác.
Thật ra, khi hai người đến với nhau,
Aragon đã là một nhà văn có tên tuổi, trong khi sự nghiệp riêng của Elsa còn
khá mờ nhạt. Đã vậy, bà từng trải qua một cuộc hôn nhân. Bởi vậy, đã có không
ít lời gièm pha, cho rằng bà núp dưới bóng chồng để cầu danh lợi. Thậm chí, có
thông tin ác ý còn cho rằng bà kết hôn với Aragon là để thực hiện một nhiệm vụ
bí mật mà Nhà nước Xôviết giao phó, là để "thao túng" Aragon… Điều
rất cảm động là, mặc dù những thông tin trên không phải Aragon không biết, song
ông đã bỏ ngoài tai tất cả. Ông vẫn tiếp tục cho ra đời những bài thơ ca ngợi
vẻ đẹp của nhan sắc và vẻ đẹp tâm hồn Elsa, trong đó có những bài được xem là
kiệt tác, được đưa vào sách học.
Một điều rất đặc biệt, trong hơn bốn
mươi năm sống bên nhau (Elsa mất năm 1970), mặc dù cả hai người không có với
nhau một mặt con, song ân tình họ đối với nhau vẫn vô cùng sâu nặng. Qua đó ta
càng thêm hiểu, tại sao báo chí Pháp lại xếp vợ chồng họ vào danh sắc
"những cặp tình nhân nổi tiếng" chứ không phải "những cặp vợ
chồng nổi tiếng".
Sau khi Louis Aragon mất (năm 1982),
ông được an táng bên cạnh mộ Elsa Triolet trong khu vườn ngoại ô của hai vợ
chồng. Trên tấm bia mộ là dòng chữ trích từ một cuốn sách của Elsa: "Những
người chết không có khả năng. Nhưng chúng ta hy vọng rằng những cuốn sách của
chúng ta sẽ bảo vệ chúng ta".
Sẽ bảo vệ chúng ta".
Người bạn thân thiết của nhân dân
Việt Nam
Ở Việt Nam, thơ Aragon từng được
dịch, giới thiệu bởi các nhà thơ lớn. Nhiều người đã biết, bài hát "Đảng
đã cho tôi sáng mắt sáng lòng" chính là bài hát do nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ
từ một bài thơ của Aragon (qua bản dịch của nhà thơ Tố Hữu). Thật ra, từ trước
đấy rất lâu, thơ Aragon đã được nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động cách mạng
Việt Nam biết tới. Thời gian hoạt động tại Paris, Bác Hồ đã được tiếp cận với
thơ Aragon và Người rất thích tác phẩm của ông. Sau này, năm 1946, khi Người
sang thăm Pháp, đích thân ông bà Aragon đã đến chào và trao đổi với Người. Thật
cảm động khi ta được biết, ngay từ tháng 2 năm 1930, khi tin tức về cuộc khởi
nghĩa Yên Bái của chúng ta được truyền về Pháp, trong đó có các thông tin về
việc đàn áp, hành hình các lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa, từ Paris, Aragon đã cho
công bố trên tờ La Commune (Công xã) bài thơ có tên gọi "Yên Bái", trong
đó có những câu: "Từ ngữ nào nhắc nhở rằng/ Không thể bịt mồm một dân
tộc/ Không thể khuất phục dân tộc ấy/ Bằng lưỡi kiếm của đao phủ?/ Từ ngữ đó
là: Yên Bái". Ở phần kết bài, tác giả kêu gọi "máu trả máu"
và bày tỏ tình đoàn kết, sự ủng hộ cuộc đấu tranh chống ách đô hộ thực dân của
nhân dân ta.
Được biết, hiện bài thơ nói trên của
Aragon vẫn được lưu trên trang web của Đảng Cộng sản Pháp trong mục "tư
liệu cộng sản".
Hoàng Ngọc Thọ
Nguồn: VNCA
No comments:
Post a Comment