Tôi trở lại một vùng quê Kinh Bắc xưa… Chợt cồn cào nhớ đến một nhà nghiên cứu văn hóa quê gốc Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Đó là anh Hoàng Kỳ. Tôi thuộc thơ của thi sĩ Hoàng Cầm từ rất nhiều năm trước khi biết đến người con trai đầu của cụ. Qua nhà thơ Thanh Kim, phóng viên báo Bắc Giang, tôi được gặp anh lần đầu tại thư viện của thị xã Bắc Giang (tỉnh Hà Bắc cũ). Mới gặp, anh có vẻ lịch sự xã giao, thậm chí như hơi đề phòng- thói quen hình thành trong một hoàn cảnh gia đình đầy sóng gió đã ảnh hưởng sâu đậm tới cuộc đời anh… Nhưng dần dà, cái vỏ ngoài ấy đã biến mất hẳn sau nửa giờ trò chuyện, khi anh hiểu rõ rằng: trước mặt anh là một “con mọt sách”, đang muốn tìm hiểu về văn hóa vùng Kinh Bắc…
Với tư cách là phó giám đốc thư viện, anh Hoàng Kỳ đã nhiệt tình tìm giúp tôi những tài liệu cần thiết- đầu tiên là cuốn Địa chí Bắc Giang. Anh không mệt mỏi giải thích cho tôi vài tồn nghi khoa học- như một nhà nghiên cứu thứ thiệt, và với nguồn cảm hứng của một nhà thơ về một vùng đất dày đặc trầm tích văn hóa & lịch sử… Anh mời tôi đến thăm nhà anh, một ngôi nhà nhỏ nằm trong hẻm dốc ở rìa thị xã. Chị Vân vợ anh, một phụ nữ hiếu khách trong vẻ nhẫn nhịn lặng lẽ quen thuộc của người Kinh Bắc, chị chào tôi một câu rồi xin phép quay đi, lúi húi với đàn gà đàn lợn…
Khi đó, đang thực hiện một bộ phim
tài liệu về Học vấn đất Kinh Bắc xưa & nay, tôi đã trân trọng mời anh cùng
tham gia. Anh hồ hởi nhận lời. Thế là, hai anh em chúng tôi và đồ nghề quay
phim trên một chiếc xe máy phân khối lớn đã rong ruổi qua nhiều vùng quê Kinh
Bắc… Chúng tôi đã đi dọc sông Đuống – một chi lưu quan trọng của sông Cái, và
theo dòng sông “Nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” đó của thi
sĩ Hoàng Cầm để đến với “cái nôi sinh thành dân tộc Việt Nam” như cố học giả
Nguyễn Văn Huyên đã chứng minh trong luận văn tiến sĩ của mình hơn bảy mươi năm
trước, đến với vùng huyền thoại gắn với lai lịch dân tộc Việt: Kinh Dương
Vương, Lạc Long Quân, Phật bà Man nương, đến với Luy Lâu- trung tâm Phật giáo
lớn nhất nước ta thời cổ đại… Chúng tôi không chỉ một lần đứng nhìn bao quát cả
một vùng non nước trải rộng đến chân trời- quê hương của nhiều danh nhân văn
hoá kiệt xuất, là vùng học vấn khoa bảng hàng đầu đất nước, nơi góp phần minh
chứng cho chân lý của nhà bác học Lê Quý Đôn- đốc đồng Kinh Bắc năm 1764: “Phi
trí bất hưng” (Không có trí thức thì Quốc gia không thể hưng thịnh được). Ông
nội cụ Lê Quý Đôn là Thượng thư Bộ công, quê gốc ở huyện Đông Ngàn (huyện Tiên
Sơn, Bắc Ninh nay) đã đưa gia đình về lập nghiệp ở huyện Duyên Hà (nay là Hưng
Hà, Thái Bình), ở đó còn tấm bia ghi rõ: Họ Lê trước đây/ Vốn từ Kinh
Bắc/ Chuyển đến Duyên Hà/ Nối đời đại đức.
Kinh Bắc xưa có nhiều dòng họ cha
truyền con nối đỗ đạt cao, đặc biệt có tới 102 vị đại khoa làm sứ thần (cả nước
có 307 vị). Nhiều vị trở thành các nhà văn hoá, các tác giả tên tuổi- như Huyền
Quang, Hàn Thuyên, Thái Thuận, Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Cao Bá Quát, v.v.
Vùng đất này đã từng có nhiều người thầy dạy dỗ con em dân thường trở thành văn
nhân, nhà khoa học nổi tiếng, và cũng từng có thày dạy vua và thái tử như: Lê
Văn Thịnh, Nguyễn Cư Đạo… Hàng chục tiến sĩ, trạng nguyên người Kinh Bắc đã làm
tế tửu Quốc Tử Giám (tương đương hiệu trưởng trường đại học nay) như Vũ Quốc
Nguyên, Nguyễn Thiên Tích, Nguyễn Nhân Thiếp, Thân Nhân Trung, v.v. Hoàng Kỳ đã
đưa tôi tìm đến các văn chỉ & đền thờ họ Phạm, họ Nguyễn ở Kim Đôi có tới
6,7 đời đỗ đại khoa, dòng họ Nguyễn ở Vân Điềm có 7 đời đỗ tiến sĩ, họ Ngô ở
Vọng Nguyệt có 6 đời đỗ tiến sĩ; rồi tới những làng có 3, 4, 5 đời tiến sĩ: họ
Quách ở Phù Khê, họ Nguyễn ở Tam Sơn, họ Nguyễn ở Đại Bái, họ Nguyễn ở Nghĩa
Lập… Đến đâu Hoàng Kỳ cũng nhiều có bạn bè quý trọng anh, tận tình giúp đỡ nhóm
làm phim. Trong những ngày điền dã quay phim vất vả đó, anh đã chăm chút lo
toan cho tôi như đối với một đứa em trai thân yêu của mình. Có lần, tôi muốn
tìm một khung cửi dệt có “con cò mấp máy suốt năm canh” như nữ sĩ Hồ Xuân Hương
miêu tả để quay phim- khi mà các khung cửi truyền thống đã bị dẹp bỏ, Hoàng Kỳ
đã cùng các bạn anh mò mẫm khắp làng để tìm cho ra một khung cửi có con cò gỗ
phủ bụi ở một góc nhà, động viên gia đình khôi phục lại, lau chùi sạch sẽ, lại
có người ngồi dệt; và con cò gỗ lại “mấp máy” hiển hiện những mảnh đời âm thầm
làm lụng của bao người vợ, người mẹ, người em gái vùng Kinh Bắc cho chồng, cho
con, cho anh dùi mài đèn sách… Trước hàng chục em bé đeo khăn quàng đỏ đến thăm
Văn Miếu Bắc Ninh rậm rịt cỏ dại (lúc đó chưa được xây tường bao quanh và chưa
khang trang như bây giờ), anh đã nhiệt tình giảng giải cho các em (cho cả cụ
thủ từ và tôi nữa) những hiểu biết cặn kẽ của anh về các tấm bia Kim bảng lưu
phương, đọc vanh vách danh sách 10 vị đỗ ở khoa thi Minh kinh bác học đầu tiên
ở nước ta mà người đứng đầu danh sách là thí sinh Lê Văn Thịnh- sau đó là vị
thái sư danh tiếng bị hàm oan suốt 900 năm!…
Một buổi sáng, chúng tôi rời huyện
Thuận Thành để sang huyện khác giữa khi các sân trường đang vắng lặng, chỉ còn
văng vẳng tiếng giảng bài, đọc bài từ các phòng học lộng gió và thơm ngát hương
đồng; trong khi đó, các mẹ các chị vẫn đang cặm cụi trên những mảnh vườn, thửa
ruộng, chắt chiu từng nong tằm, hạt lúa, củ khoai… Những cô bé cậu bé rời
trường học lại bắt tay phụ giúp cha mẹ chăn trâu, cắt cỏ, bóc sắn, học bài…và
mơ ước tới những chân trời xa. Hàng trăm năm nay, các tiến sĩ cử nhân của những
vùng quê Kinh Bắc đã lớn lên như thế trong lời ru ngọt ngào, trong mồ hôi mặn
đắng tần tảo nuôi con, nuôi em ăn học… Tâm lý coi trọng học vấn, coi trọng trí
thức, coi trọng nhân tài đã hàng ngày được củng cố, trở nên bền chắc và cao
quý. “Bạc đầy nong không bằng cong chữ” – “Nhân bất học bất tri lý”
(Người mà không học thì không biết được lẽ phải)… Ngay cả khi nền Hán học chính
quy đã bộc lộ những mặt bảo thủ phản động, thì những truyền thống lành mạnh về
giáo dục và học vấn vẫn được nhân dân trân trọng giữ gìn. Thời phong kiến, Nhà
nước chỉ tổ chức chu đáo bậc học và các kỳ thi tuyển cao cấp, còn trên thực tế,
do lòng hiếu học của nhân dân, các bậc sơ học và trung học hầu như do nhân dân
ở các cấp làng xã lo liệu. Truyền thống hiếu học và nền học vấn “khai tâm” ấy
đã đi vào tranh dân gian Đông Hồ với hình tượng “Thầy đồ cóc”, “Tiến sĩ chuột
vinh quy” thấm đượm tâm hồn trào lộng dân gian, đi vào tục thi đọc mục lục, tục
kéo cờ chạy chữ, đi vào thế ứng xử: “Mồng một thì về quê cha/ Mồng hai quê
mẹ, mồng ba quê thầy“…
Trong gần 300 hương ước còn lại của
Kinh Bắc xưa, sự học là một trong những điều khoản được coi trọng hàng đầu. Có
một hương ước quy định: “Khi làm sổ dự toán thu chi của làng nên tùy theo tình
hình tài chính mà dự định một số tiền để trợ cấp tiền giấy bút cho những học
trò nhà nghèo mà học hành tấn tới thành tài”… Theo chân anh Hoàng Kỳ, những địa
danh trở thành biểu tượng của lòng hiếu học cảm động đất Kinh Bắc đã găm vào
tâm trí tôi trong nhiều năm tháng dài: Đại Mão, Mão Điền, Thanh Khương, Song
Hồ, Kim Đôi, Vọng Nguyệt, Tam Sơn , v.v.
Tôi học được ở Hoàng Kỳ sự chu đáo
tận tụy đối với công việc – nhất là công việc có liên quan đến tri thức sách
vở. Anh tôn trọng sự chính xác của tư liệu, rất ghét sự đại khái qua loa. Đằng
sau dòng chữ nhỏ li ti và chân phương của anh trên những trang viết là cả một
tinh thần lao động say mê, căng thẳng… Anh cắm cúi đọc và dịch lắm lúc quên cả
bữa ăn. Hình như, đến thời kỳ được tiếp xúc với kho tư liệu sách vở và ngấm
“men” của nó, anh đã lao vào cái thế giới mênh mông vừa kỳ vĩ huyền ảo vừa đẫm
lệ máu ấy để bù đắp lại những năm tháng dài sau khi tốt nghiệp đại học ngoại
ngữ ngồi ghế đá chờ việc, không dám gặp gỡ ai để tránh cái nhìn thương hại cho
con của một kẻ từng mắc án “Nhân văn Giai phẩm” và phải chịu án tù vì họa “văn
tự”…
Nhưng cũng chính “văn tự” đã cứu
sống cho ý nghĩa cuộc đời Hoàng Kỳ, và anh đã coi tri thức như một thứ Tôn giáo
mới! Khi về Hà Nội làm biên tập viên báo Sức khỏe & Đời sống, anh cũng đem
cả cái vốn đọc vốn học suốt bao năm vùi mình ở thư viện vào các lĩnh vực nâng
cao sức khỏe mọi người… Và anh khảo cứu trong kho thư tịch cổ để rút ra không
chỉ bài học ứng xử cho bản thân, mà còn giúp cho nhiều thế hệ độc giả – trong
đó có học trò của anh là tôi – cái lý do tồn tại để không trở thành “một khối
nặng vô ích của trái đất” – theo cách nói của văn hào Nga N. Gogol… Trong những
ngày đi dọc ngang đất Học vấn Kinh Bắc đó, anh đã kể cho tôi nghe về mấy đề thi
Tiến sĩ thời xưa, như ở khoa thi Giáp Tuất (1694): “Hãy bàn về các bậc hào
kiệt” – nghĩa là bàn về các nhân tài xuất sắc, và ở khoa thi Canh Thìn (1700):
“Kế sách xây dựng một quốc gia bền vững” – (khoa này, cả nước có 19 người đỗ,
trong đó có 3 tiến sĩ người Kinh Bắc). Anh giở sổ tay đọc một đoạn chép về cách
dùng nhân tài trong luận văn Tiến sĩ của Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực
tại khoa thi năm Nhâm Tuất (1442, Kinh Bắc đỗ 5 Tiến sĩ trong 33 Tiến sĩ cả
nước): “Tiến cử người quân tử, lui bỏ kẻ tiểu nhân, ấy là bản tâm của bậc
Thánh nhân trị nước. Trị nước lấy nhân tài làm gốc, dùng người lấy chữ tín làm
đầu. Bệ hạ muốn quân tử tiến, tiểu nhân lùi thì không gì bằng gần gũi bề tôi
khí tiết, xử dụng kẻ sĩ chính trực...”
Dường như dưới suối vàng, nhà nghiên
cứu văn hóa Hoàng Kỳ vẫn đang cặm cụi viết những dòng chữ đẹp dành cho cõi đời
này: Hào kiệt thì đời nào cũng có, và dù bị kẻ tiểu nhân, lũ độc ác tìm cách
hãm hại tiêu diệt, các bậc nhân tài bao giờ cũng được lòng dân che chở. Còn
những người có trách nhiệm xây dựng một Quốc gia bền vững nếu không biết trọng
thị những bậc nhân tài như thế, nếu không biết quý trọng những người dân dám xả
thân để bảo vệ nhân tài, họa diệt vong của một Quốc gia ắt đang cận kề…
Anh Hoàng Kỳ ơi! Đã được cùng anh
“Cúi lạy Mẹ con trở về Kinh Bắc” năm nào, giờ đây em xin có một nén nhang thơm
tưởng nhớ anh và nhẩm lại vài bài học vỡ lòng về Tri thức dưới bóng lâu đài Học
vấn trên quê hương anh…
NGUYỄN
ANH TUẤN
No comments:
Post a Comment