Những năm gần đây hiếm có tập thơ nào được tái bản nhiều lần với số lượng lớn và gây ấn tượng mạnh trong dư luận công chúng như Nhà thơ và hoa cỏ. Xét trên bình diện tổng quát, về nội dung, vẫn là những vấn đề muôn thuở, về hình thức, không hề cách tân, vậy mà tập thơ đã không chỉ một lần làm người đọc sững sờ.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Nhà thơ và hoa cỏ là một bức tranh hoành
tráng với đủ các gam màu diễn đạt tâm trạng con người ở mọi cung bậc tình cảm
mà một trong những điểm nhấn của nó là khung cảnh thiên nhiên. Thiên nhiên
trong Nhà thơ và hoa cỏ là một thiên nhiên đầy nhân tính, giầu cảm xúc
mà lại kỳ vĩ, huyền ảo. Nhà thơ đã chọn được những khoảnh khắc tâm trạng
cảm nhận Đất Trời thật điển hình :
San hô bập bùng, đảo hoang như đuốc lửa
Tay ta chạm vào màu mây xà cừ bay lang thang
Những thú rừng khổng lồ sổng từ thuở hồng hoang
Lũ lượt đến bên ta rỡn đùa phô sắc lạ
Chơi thuyền trên vịnh Hạ Long
Chuỗi liên tưởng của nhà thơ ở đây vượt lên tầm vũ trụ. Tác giả khái quát cả vũ
trụ và cõi nhân sinh, vừa hòa đồng, vừa đối lập để tìm sự thống nhất bằng
một kết luận nửa đùa nửa thật mang phong vị dân dã :
Ta giơ cả hai nắm ta hoan hô Ông Giời
Đùa một tí mà thành muôn vẻ đẹp
Chơi thuyền trên vịnh Hạ Long
Góc nhìn của nhà thơ ở đây không phải từ dưới lên mà là từ trên xuống. Sự thăng
hoa về cảm xúc tạo nên những hình tượng đột khởi.
Khác với Chơi thuyền trên vịnh Hạ Long, bài Thu bay, cảm hứng chủ
đạo lại thiên về hướng nội. Tình thu ở đây mang mang quá nỗi dỗi hờn mây
nước và thiên nhiên như bị nhòe đi trong màu vàng khắc khoải :
Giọt trăng cũ tan trong hồn hoa cúc dại
Tóc trằng mờ từng ngấn bước thu đi
Nghe mơ hồ xao xác những chia ly
Thu bay
Đã đành thiên nhiên trong thơ là mùa thu vàng, nhưng không hiếu sao khi đọc,
người ta vẫn có cảm giác quá lạnh, quá buồn. Thường thì các thi nhân chỉ tiếc
mùa xuân trôi nhanh, riêng tác giả lại tiếc mùa thu là sự trái ngược với lệ
thường. Mùa thu của nhà thơ đẹp và băn khoăn đến nao lòng. Hình như chạm đến
hơi thu, tình thu, gió thu, tâm trạng anh bị cuốn vào phút mịt mù say.
Anh háo hức muốn dâng hiến đến mức có thể tan biến vào đất trời.
Thiên nhiên trong tập thơ mỗi bài một vẻ, không lặp lại và luôn khám phá. Bài Đà
Lạt là một trong số đó. Đứng trên cao nguyên, nhà thơ cảm nhận được tuổi
sương chiều bâng khuâng trên sườn tháp đổ, và cảnh Mây chập chờn
thức ngủ trắng hàng thông gieo vào lòng người nỗi buồn kim cổ. Không gian
tĩnh lặng ấy, tâm trạng hoài cổ ấy đã thức dậy trong tận cùng tâm hồn nghệ sĩ
những câu thơ đạt đến giới hạn của sự rung cảm thẩm mỹ :
Môi ta chạm màu trắng mòn nhạt thếch
Mối tình hoang xanh rờn hương cổ tích
Mơ hồ giăng trong sắc đắng hoa mua
Đà Lạt
Và như để đáp lại tấm thịnh tình của thành phố Cao Nguyên, sau khi cảm nhận
được toàn bộ vẻ đẹp của ngọn Langbian, nhà thơ hạ bút thu tóm đất trời trong
câu kết đầy lãng mạn : Hồn ta bay như những sợi tơ trời.
Một bài đáng lưu ý trong quá trình tiếp cận thiên nhiên của nhà thơ trong tập
này là bài Hà Giang. Bài thơ gân guốc, được phát triển dưới hình thức
thơ tự do, bậc thang, gieo vần lỏng lẻo nhưng người đọc vẫn có cảm giác nó gần
với Nhạc Phủ cổ thể. Toàn bộ bài thơ là khung cảnh hùng vĩ của một vùng địa đầu
Tổ Quốc mà hình tượng xuyên suốt là sông Lô và ngọn Tây Côn Lĩnh trên cao
nguyên Đồng Văn. Sông Lô ở đây được nhận thức như là một cái gì dữ dội, bí hiểm
với một âm lượng trầm lắng nghe đến gai người :
Cuồn cuộn mà im lặng
Mặt đỏ lừ trong ánh sao trôi
Sông Lô đi qua đêm như một kẻ giết người
Hà Giang
Đó là cái hùng vĩ ngay ở cõi nhân gian không nhuốm màu vũ trụ mà vẫn có kích
thước vũ trụ. Có thể lý giải được điều tưởng như phi lý này nếu ta nới lỏng cảm
giác, thả hồn vào cõi mông lung rồi bất ngờ định hướng trí tưởng tượng thì sẽ
thấy "âm bản" của khung cảnh hiện ra trước mắt. Gần như là đối lập,
đỉnh Tây Côn Lĩnh sừng sững án ngữ ngang trời trong màu thu lớp lớp với
sự so sánh rất cổ điển mà lại mới lạ :
Đỉnh Tây Côn Lĩnh ngút cao
Núi như đàn ngựa đang gào thét
Giữa trời
Lao
Hà Giang
Cảnh sông núi ở đây giống như bức thủy mặc, chỉ với hai mảng đen trắng, mà qua
cảm xúc của nhà thơ, nó biến thành vô số sắc màu. Chất thơ và chất họa hòa
quyện với nhau, chuyển hóa vào nhau, bổ sung cho nhau trên cái nền suy tưởng
khá vững chắc bởi tầng văn hóa dày dặn, sự từng trải và một khả năng sáng tạo
từ chính cuộc đời tác giả :
Ta đi một mình cuối mùa hoa rơi
Chán hết mọi sự đời
Hắt rượu lên mây trắng
Hà Giang
Một lần nữa, ở đây , người
đọc lại bắt gặp bông lau rừng. Một bên là núi cao, một bên là sông sâu, hình
ảnh bông lau rừng bất chợt hiện ra làm nhà thơ bối rối. Có phải đấy chính là sự
sắp đặt muôn thuở của Tạo Hóa để cái bất bình thường bên cạnh cái bình thường ?
Cái bất bình thường dễ gây ấn tượng với nhiều người, còn cái bình thường giản
dị kia chỉ dành cho sự cảm nhận tinh thế của các thi nhân?
Thiên nhiên không phải chỉ
thấp thoáng mà trần đầy cả tập thơ. Có cảm giác như sông núi, trăng sao, mây
nước cùng một lúc về hội ngộ cùng tác giả để "hoạch định" cho sự
thành công của Nhà thơ và hoa cỏ. Thiên nhiên ở đây phong phú, lúc là
cái cớ để gửi gắm tâm trạng vui buồn, lúc như điểm tựa để tỏ rõ cái chí của
mình, có lúc lại giống như một chiều kích cho dòng cảm xúc cất cánh. Bài Nhà
thơ và kẻ trộm dường như đã đạt đến đỉnh cao của sự thăng hoa trí tưởng
tượng có những câu ngay cả các thi nhân nổi tiếng cũng phải giật mình :
Nhà thơ ngủ thường mở
toang các cửa
Buộc lỏng bốn dải màn
vào bốn chùm sao
Nhà thơ và kẻ trộm
Đành rằng, điều tác giả
muốn nói là ở hai câu sau, nhưng cách chiếm lĩnh các tinh cầu làm của riêng
mình ở hai câu trên thật táo bạo, đầy chất hiệp khách. Không gian được mở rộng
đến vô cùng, nó làm ta liên tưởng đến những hình tượng thơ phóng túng, khoáng
đạt của vị trích tiên họ Lý cách đây mười ba thế kỷ.
Thiên nhiên trong Nhà
thơ và hoa cỏ là một thiên nhiên sinh động, không đứng tách bạch ra đối lập
với con người mà là một bộ phận của chủ thể, hàm chứa những giá trị bền vững
trong một tổng thể đa dạng. Có khi từ một khoảnh khắc biến đổi của vạn vật, nhà
thơ lập tức liên tưởng đến những góc cạnh cuộc sống con người, chuyển nó vào
thế giới nội tâm bằng những nhận định duy cảm :
Cuộc đời đến đâu ư?
Con người là gì vậy?
Họa phúc có hay không?
Kiếp sau ai đã thấy ?
Chiều Yên Tử
Và :
Hư ảo hỡi ! Giữa vô cùng
Còn, Mất
Ta là ai? Thăm thẳm có Ta
không?
Bừng thức
Quá trình nhận thức thiên
nhiên cũng là quá trình nhận thức bản ngã. Về Yên Tử, tác giả suy nghĩ về cái
còn, cái mất, cái họa, cái phúc bằng một loạt câu hỏi vốn là niềm tâm sự của
không ít thế hệ người cầm bút. Với tư cách nhà thơ, câu hỏi Ta là ai?
luôn thường trực trong anh. Nửa đời nhà thơ đi tìm mình, anh đã Nổi chìm bao
bao ghềnh thác mà Tôi chưa tìm thấy tôi. Xét đến cùng, nhà thơ đi
tìm bản ngã trong cõi nhân gian chính là đi tìm cái chân, thiện, mỹ. Những câu
thơ nhuốm màu Thiền trên, nếu tước đi cái vỏ có vẻ như hư vô, yếm thế thì cái
lõi còn lại chính là khát vọng hướng thiện, khát vọng làm Người.
Thiên nhiên của Trần Nhuận
Minh thật lạ, có lúc mamg hình hài trinh nữ, lúc khác lại thâm trầm, bí hiểm
như một nhà hiền triết. Ở bài Chơi thuyền trên vịnh Hạ Long, yếu tố
triết lý kết hợp chặt chẽ với yếu tố Thiền. Tư duy nghệ thuật của nhà thơ lúc
này đạt đến trạng thái siêu thăng. Nó bồng bềnh giữa cái thực và cái ảo, giữa
hai bờ sắc - không :
Trước thuyền ta, đá nổi như
mây huyền ảo trong sương
Chợt biến hóa mỗi lần ta
chớp mắt
Nhận thức của nhà thơ ở đây
gần với nhận thức của Thiền, không có cái gì là vĩnh cửu, không có cái gì là
bất diệt, tất cả là sự chuyển hóa theo vòng luân hồi, cái cuối cùng còn lại
chính là sự ngộ đạo :
Cứ tự nhiên mà vượt hết mọi
thời
Dửng dưng với đói rét đau
thương, vương triều đổ nát
Dửng dưng với cõi người
quẩn quanh nhợt nhạt
Chơi thuyền trên vịnh Hạ Long
Và rồi, sau những phút giây
bồng bềnh trên sóng nước Hạ Long, tác giả hạ hai câu kết lửng lơ, thật mà như
đùa, đùa mà lại như thật:
Cánh cửa đá luôn dịu dàng
mở khép
Ta dong chơi thôi mà, có tư
tưởng gì đâu...
Cũng là dòng sông nhưng
dòng sông trong bài Móng Cái khác hẳn dòng sông trong bài Hà Giang.
Con sông ở đây là chứng nhân lịch sử, âm thầm trôi không thành tiếng, đánh
đắm cả trời sao. Hình ảnh dòng sông thật ngoạn mục, nhưng đằng sau nó là
một chuỗi ký ức nặng nề ám ảnh tâm trạng nhà thơ :
Cái đao đình rờn rợn
Đổ nghiêng bên chiến hào
Móng Cái
Từ khung cảnh thiên nhiên
được nhận thức ở tầng chìm như vậy, tác giả viết những dòng thơ ngậm ngùi :
Tôi làm sao hiểu được
Những điều gì xảy ra
Sự đời mang mang quá
Nhuốm hồn tôi ngà ngà...
Móng Cái
Quả là nhà thơ có cái nhìn
tinh tế cho dù anh tự nhận hồn tôi ngà ngà... thì ta vẫn thấy được đó là
những suy nghĩ chín chắn, độ lượng. Bởi lẽ kim cổ sự đa đoan lắm, mỗi thời điểm
lịch sử có cách nhận diện của riêng nó. Cái thật, cái giả không phải lúc nào
cũng được phân định rạch ròi.
Cũng không hiếm trường hợp
tác giả loại thiên nhiên ra khỏi cuộc chơi. Anh nói thẳng, gần như trần trụi
bằng những vần thơ tự sự mà đọc rồi chẳng biết nên khóc hay nên cười :
Lấy cái vu vơ làm mủng
Chở sao qua cuộc bạc đầu
Cô Bổng
Ở một mức dộ nào đó, có thể
nói ở không ít bài, nhà thơ đã qua thiên nhiên mà khám phá được trạng thái tâm
lý con người. Trong bài Bốn mùa, phạm trù yêu ghét phát triển suốt cả
năm khổ thơ. Thiên nhiên được cụ thể hóa bằng các mùa trong năm, mùa nào cũng
được con người háo hức chào đón, nhưng rồi cuối cùng mùa nào cũng làm con người
chán nản, muốn nó qua càng nhanh càng tốt. Luật tuần hoàn vũ trụ là thế. Nó
đồng thời cũng là tư tưởng Thiền mà cách đây chín trăm năm, một vị thiền sư đã
khái quát bằng bài kệ Cáo tật thị chúng nổi tiếng. Yêu ghét ở đây không
còn là vấn đề cảm giác mà là quan niệm nhân sinh. Cái yêu cái ghét nằm ngay
trong bản thể đối với vũ trụ và ở bản ngã đối với mọi chúng sinh:
Cứ thế, bốn mùa mong ước
nối theo nhau
Ghét tất cả. Rồi lại yêu
tất cả
Cứ thế
Mang lo toan vất vả
Trái đất quay trong vũ trụ
khôn cùng...
Bốn mùa
Cảm xúc hướng về tâm linh
không phải là chủ đạo trong Nhà thơ và hoa cỏ nhưng tác giả viết rất
sinh động về khuynh hướng này. Bài Nhà thơ và kẻ trộm chỉ có bốn câu.
Hai câu đầu vừa mới nói về mối giao cảm của nhà thơ với những vì sao qua hình
ảnh buộc lỏng bốn dải màn, thì hai câu cuối tác giả làm người đọc ngỡ ngàng bởi
cách "chuyển game" độc đáo :
Ông không biết đêm đêm
những tên đầu trộm
Qua cửa nhà ông đều đứng
lặng cúi chào
Nhà thơ và kẻ trộm
Với Trần Nhuận Minh, thiên
nhiên và nhà thơ luôn có sự giao cảm, không phải bằng hình thức dễ dãi mà bằng
trạng thái tâm hồn. Các bài Tím biếc, Hà Giang, Đà Lạt và
nhất là Tây Bắc thể hiện khá đậm nét bút pháp trên. Thiên nhiên trong Tây
Bắc hùng vĩ, bao la, nhưng ngay trong cái hùng vĩ bao la ấy vẫn có một giới
hạn đến nghiệt ngã giống như định mệnh vượt ra ngoài sự kiểm soát của lý trí :
Trời mà chi! Ô hô! Trời
lạnh lắm
Đỉnh nhọn mà chi! Ô hô!
Những vây hãm trùng trùng
Thơ vút ngang trời sông núi
điếc
Ta thả hồn vào muôn dặm
không trung
Tây Bắc
Theo nhà thơ, cõi Trời
và cõi Người không phải lúc nào cũng có sự hòa hợp, và biết đâu, trong
cái bồng bềnh của vô thức tưởng chỉ Một màu quên lãng đãng cuối trời xưa
lại tìm thấy bản ngã.
Có một điều hiển nhiên ai
cũng phải thừa nhận, làm thơ đã khó, làm thơ hay càng khó. Nhà thơ và hoa cỏ
không những hay mà còn vượt lên cái hay để trở lại cái bình dị, tự nhiên bởi
tác giả đã sử dụng sở trường của mình trong qua trình nhận thức thiên nhiên kết
hợp với yếu tố Thiền. Đó cũng chính là sự thành công của một đời thơ.
ĐẶNG VĂN SINH
No comments:
Post a Comment