Như
vai hề trong một vở chèo nào đó, tại buổi giao lưu với bạn đọc nhân dịp cuốn
kịch bản chèo Vong bướm (Nhĩ Nam và
NXB Thời đại) ra mắt, diễn ra hôm 23/2/2012, tại 36 Điện Biên Phủ, Hà Nội, nhà
văn Nguyễn Huy Thiệp (NHT) cũng “xưng danh” mặc dù không nhiều thì ít chả có ai
lạ gì ông cả.
Và tôi đã giật mình khi Nguyễn Huy
Thiệp nói: “Có những câu hỏi tôi không thèm trả lời…”Sao nhà văn lại nỡ nói ra
mồm cái tư duy ứng xử của mình để khinh thường bạn đọc như thế… Nhà văn coi
thường bạn đọc như thế thì bạn đọc nào sẽ tôn trọng tôn vinh nhà văn đây?
Lại giật mình khi Nguyễn Huy Thiệp
nói: “Ở đây tôi chỉ quý được một số người …” Trong một cuộc giao lưu với bạn
đọc yêu mến của mình lên đến cả trăm người để giới thiệu tác phẩm mới của mình
mà có đến mấy lần mở mồm nói thẳng cái tư duy tư tưởng coi thường ban đọc, coi
thường người đối thoại, thì tôi thấy tôi bị xúc phạm và đang lo thay cho ông
đấy!
Cái giật mình thứ ba là khi nghe ông
nói: “Tôi thấy cuộc đời này là vô minh tầm thường”. Ô hay nhỉ! Cuộc đời đã vô
minh tầm thường đúng như lời ông nói thì cần gì đến văn chương nghệ thuật. Thì
viết văn làm thơ để làm gì? “Phải chăng viết sách đọc sách cũng chỉ là một trò
cười ” - lời cuối của Vong bướm. Nhà
văn không thể ăn nói hành xử vô trách nhiệm với cuộc đời như thế. Và nếu đúng
là cuộc đời này không cần đến văn chương, thì ông viết văn để làm gì, chẳng lẽ
để tự sướng? Và chùm chăn lại để tự cười!
Ông xưng danh “tôi là một nhà văn,
cố viết tốt sản phẩmcủa mình để cho những người đến mua, trả tiền” ông nói phải
lắm! Trách nhiệm công dân lắm! Nhưng trách nhiệm nhà văn thì không phải thế.
Chắc chắn ở Việt Nam
ta không có nhà văn nào gắn bó cả đời mình với nghiệp bút nghiên vào mục đích
kiếm tiền (ngoại trừ nhà văn nổi tiếng Nguyễn Huy Thiệp). Nhà văn là dâng hiến,
dâng hiến trái tim, dâng hiến sự hành xác
mình cho cuộc đời, cho con người, cho dân tộc mình, chứ không phải tiền
bạc đâu.
Thế mà với tư cách nhà văn, với “tư
cách vua truyện ngắn” Nguyễn Huy Thiệp nói càn lắm. Nói càn như thế chứng tỏ là
nhà văn chưa hiểu đời, chưa lịch thiệp với đời. Con người có văn hóa không ai
nói như Nguyên Huy Thiệp. Cao ngạo đến như cụ Nguyễn Tuân cũng chưa bao giờ nói
kiểu khinh đời miệt người phũ đến như Nguyễn Huy Thiệp.
Cuộc đời không vô minh tầm thường
đâu. Và cuộc đời cũng không phải là một cuộc tàng. Tàng ở đây là “thổ ngữ”
Thanh Hóa. Tục ngữ xưa có câu “Trâu bò được bữa tàng đỗ/ Con cháu được bữa giỗ
ông”, ông bà xưa còn có câu “bữa nay tàng đồng rồi thả bò ra thôi” chữ tàng ở đây
gần nghĩa với tàn cuộc, như là một kiểu quân hồi vô phèng, vô trật tự vô chính
phủ. Vì vậy muốn được cuộc đời yêu thương ưu ái rất nên cần phải tôn trọng cuộc
đời, yêu thương cuộc đời. Nhưng nghe Nguyễn Huy Thiệp nói ở cuộc giao lưu với
bạn đọc ở 36 Điện Biên Phủ, thì không
thấy nhà văn tôn trọng và yêu thương cuộc đời. Coi Thường đời, khinh miệt con
người thì chắc là không phải là người lịch thiệp đâu. Lịch thiệp ngỡ là hay và dễ nhưng phải
trả giá rất đắt đấy, phải hy sinh rất nhiều thứ, thậm chí phải đối đầu với hòn
tên mũi đạn mà không suy xuyển tư thế, phong cách và khí tiết của mình thì mới
lịch thiệp được nhà văn Nguyễn huy Thiệp ạ.
Nhà văn Đỗ Chu
nói: Người ta từng trải lắm mới có thể giản dị được. Lịch thiệp trong một chừng
mực nào đó chính là khiêm nhường giản dị vậy.
Người viết bài này đã đọc và nghe
khá nhiều các nhà văn, nhà phê bình văn học lão làng nhận xét, đánh giá Nguyễn
Huy Thiệp. Hoàng Ngọc Hiếu nói: Nguyễn Huy Thiệp viết về cái đốn mạt nhưng đứng
không cao hơn cái đốn mạt bao lăm. Nguyễn Văn Lưu viết: Thiệp là người có tài
nhưng tài nặng hơn tâm. Tô Hoài nói:
Thiệp giỏi viết về cái ác…
Ngẫm lại ngày càng thấm. Nghe Nguyễn
huy Thiệp nói và đọc sách Nguyễn Huy
Thiệp gần đây nhất là chèo Vong
bướm mới rõ ra cái ác của Nguyễn Huy
Thiệp là từ tâm ác ra chứ không phải tưởng tượng ở trên giấy trắng mực đen đâu.
Thêm một lần giật mình nữa khi biết
Nguyễn Huy Thiệp dựng tượng Phật tại gia từ cả chục năm rồi, lại còn ăn chay
nữa (nghe nói thế) thế mà chả học được gì từ Đức Phật cả. Quả là uổng phí quá
đáng lắm thay!
VỌNG THANH
Bài đã đăng trên Văn nghệ TP HCM
Ô Thiệp là anh hùng tiên phong dùng cây bút vạch trần cái dỏm cái sai cái bậy, cái nhếch nhác, nhục nhã, sâu bọ... của thời ta sống. Những ai quen với chiều kích tầm thường, nông cạn của môi trường 1 chiều nhồi sọ mầu hồng tất nhiên làm sao đồng cảm với NHT được. Nhưng nghĩ kỹ đi, kiểm ngiệm thực tế kỹ đi, ngay chính những người đó sẽ thấy ô Thiệp có lý ( còn có tài có dũng thì rõ rồi ). Về giọng điệu, ngôn từ - NHT thuộc khẩu xà tâm phật, chứ không phải là gu ác như thoạt xem.
ReplyDeleteHai mươi năm trước đọc ông qua báo văn nghệ là chính, tôi chưa hiểu NHT, tôi có phần nghĩ sai về ông, nay tôi trưởng thành nhận thức hơn, tôi thấy ông cơ bản là đúng và hay
Có câu: "Có tật giật mình", câu này thật đúng với ông Vọng Thanh, thế mà ông ấy còn dám múa bút viết bài trên, thật là lố hết chỗ nói!
ReplyDeleteVề cái giật mình thứ nhất của Vọng Thanh: Theo ý của ông ta, ông Thiệp phải trả lời bất kỳ câu hỏi nào người ta hỏi ông, bất luận câu hỏi đấy như thế nào, về điều gì. Ông Vọng Thanh là ai mà có quyền bắt ông Thiệp phải làm theo ý mình như thê?
Về cái giật mình thứ hai của ông Vọng Thanh: Hoặc là ông ta không được mẹ dặn từ nhỏ:
"Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu"
Hoặc là mẹ ông ta có dặn, nhưng ông ta quên phéng đi mất, "nước đổ đầu vịt".
Về cái giật mình thứ ba của ông Vọng Thanh: Một lần nữa ông này ép buộc người khác phải nói theo ý mình, không được nói lên ý kiến riêng của mình. Và phải nói sao cho "lịch thiệp", vừa lòng người khác, nói dối cũng được, nghĩ một đằng nói một nẻo cũng được.
Và ông ta còn có khẳng định: "Chắc chắn ở Việt Nam ta không có nhà văn nào gắn bó cả đời mình với nghiệp bút nghiên vào mục đích kiếm tiền (ngoại trừ nhà văn nổi tiếng Nguyễn Huy Thiệp). Nhà văn là dâng hiến, dâng hiến trái tim, dâng hiến sự hành xác mình cho cuộc đời, cho con người, cho dân tộc mình, chứ không phải tiền bạc đâu." Chấc ai ai có thể trừ ông Vọng Thanh ra)cũng biết khẳng đinh này là thối!
Càng đọc ông Vọng Thanh càng thấy giọng lưỡi ép buộc, và càng thấy ông ta dốt!