.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, May 14, 2012

VIRGINIA WOOLF VÀ BÀI LUẬN VỀ GIÁ TRỊ CỦA TIẾNG CƯỜI

Giá trị của tiếng cười
(Tác giả: Virginia Woolf; Hải Ngọc dịch)        
Bài luận ngắn này được Virginia Woolf viết năm 1905 và sau hơn 100 năm, có lẽ vẫn còn nguyên giá trị. Nó cho thấy mối quan tâm của Woolf về vấn đề nữ quyền và bà diễn đạt chủ đề này bằng cách đặt vấn đề độc đáo cùng với một lối văn hóm hỉnh, đậm chất giễu nhại.
*
Quan niệm cũ cho rằng hài kịch thể hiện những khiếm khuyết trong bản chất con người và bi kịch miêu tả con người vĩ đại hơn chính bản thân họ. Để khắc họa họ một cách chân thực, dường như người ta phải tìm được phương thức để cân bằng giữa hai cực và kết quả là một cái gì đó quá nghiêm túc để có thể trở thành buồn cười, quá bất toàn để có thể trở thành bi kịch – cái mà ta có thể gọi là sự hài hước (humour). Sự hài hước, như người ta vẫn bảo, vốn không dành cho phụ nữ. Họ có thể rất bi thương hoặc buồn cười song thứ hỗn hợp đặc biệt tạo nên phẩm chất của một người hài hước thì chỉ có thể tìm thấy được ở đàn ông mà thôi.
Nhưng thí nghiệm là những thứ nguy hiểm và khi cố để có được cái nhìn của một người hài hước – tức là khi tìm cách cân bằng mình trên đỉnh tháp nhọn vốn từ chối chị em phụ nữ – anh chàng vận động viên thể dục không ít lần đã ngã nhào một cách đáng xấu hổ, hoặc là cắm đầu xuống sân khấu hề kịch, hoặc là rớt thắng xuống nền đất cứng của những điều tầm thường nghiêm trọng, nơi mà, nói một cách công bằng, anh ta thực sự thấy dễ chịu. Có thể là bi kịch – một thành tố cần thiết – giờ đây không phổ biến như ở thời của Shakespeare, và vì thế ở thời hiện tại này, người ta phải cung cấp một sự thay thế đứng đắn, lịch thiệp mà không cần phải có máu và dao găm và diện mạo của nó trở nên khả dĩ nhất với chiếc mũ chóp cao và áo choàng dài. Chúng ta có thể gọi đó là tinh thần trịnh trọng, và nếu như tinh thần thuộc về một giống nào đó thì hẳn nhiên nó phải là giống đực. Giờ đây, hài kịch là câu chuyện về giới tính của các quý ông và các nàng thơ, và khi quý ông lịch thiệp tiến lên phía trước, ngỏ lời khen ngợi, quý cô lặng nhìn và bật cười, rồi nàng nhìn lại lần nữa cho đến khi tiếng cười không thể cưỡng được xâm chiếm nàng, nàng vội chạy đi để che giấu nỗi hoan hỉ trong bộ ngực của chị em phụ nữ.
Do đó, sự hài hước rất ít khi bước vào thế giới này và hài kịch phải đấu tranh vất vả vì nó. Tiếng cười thuần khiết, như chúng ta thường nghe thấy từ miệng trẻ con hay những phụ nữ khờ khạo, chịu nhiều tai tiếng. Người ta cho rằng đó là giọng của sự điên rồ và phù phiếm, không bắt nguồn từ tri thức hay cảm xúc nào. Nó không mang thông điệp,  cũng không chứa đựng thông tin gì, nó là một chuỗi âm thanh không diễn đạt ra thành lời có nghĩa được như tiếng sủa của một con chó hay tiếng be be của cừu; nó nằm bên dưới giá trị của một giống loài vốn đã tự biến thành một ngôn ngữ để biểu đạt chính bản thân mình.
Nhưng có những thứ vượt ngoài ngôn ngữ, chứ không phải nằm bên dưới nó: tiếng cười là thứ như thế. Vì tiếng cười là âm thanh mà không một loài thú nào có thể tạo ra, cho dù nó không diễn ra thành lời được. Nếu một con chó trên thảm trước lò sưởi rên rỉ vì đau đớn hay sủa vì sung sướng, chúng ta có thể nhận ra nó đang bày tỏ điều gì và chẳng có gì là lạ ở đây cả, nhưng liệu nó có cười được không? Thử hình dung khi bạn bước vào phòng, nó không thể hiện nỗi vui sướng trước mắt bạn bằng đuôi hay lưỡi như thông thường mà thay vào đó lại xổ ra cả một tràng tiếng cười ngặt nghẽo, hai bên mình lúc lắc và biểu thị tất cả những dấu hiệu thường thấy của sự thích thú lên đến đỉnh điểm. Khi đó, hẳn bạn sẽ phải bước lùi lại và kinh hãi như thể bạn đang nghe thấy giọng nói của một con người thốt ra từ miệng của một con quái vật.
Chúng ta cũng không thể hình dung một sinh thể nào đó cao hơn chúng ta cất tiếng cười; tiếng cười dường như chỉ thuộc về một đàn ông và đàn bà mà thôi, như một bản chất và như một đặc quyền. Tiếng cười là sự biểu hiện của tinh thần trào lộng trong mỗi chúng ta và tinh thần trào lộng này có sự liên đới với những sự lập dị, kỳ quặc và lệch chuẩn so với những mẫu hình đã được thừa nhận. Nó đưa ra lời bình luận của mình bằng tiếng cười bất ngờ, tức thời mà chúng ta khó lòng biết được tại sao cũng như khi nào. Nếu chúng ta dành thời gian suy ngẫm – tức là phân tích cái ấn tượng mà tinh thần trào lộng tạo ra này – ta sẽ nhận thấy rằng, không nghi ngờ gì nữa, thứ trông bề ngoài là hài hước thực chất lại là bi kịch, và khi nụ cười nở trên môi ta cũng là lúc mắt ta đã ngân ngấn lệ.
Những lời của Bunyan[1] đó đã được chấp nhận như là định nghĩa về sự hài hước; song tiếng cười của hài kịch thì không hằn dấu lệ nào. Đồng thời, dẫu địa vị của nó có phần nhỏ hơn một chút so với sự hài hước đích thực nhưng giá trị của tiếng cười trong đời sống và nghệ thuật lại không thể được đánh giá cao. Sự hài hước thuộc về những đỉnh cao; chỉ những đầu óc hiếm hoi lắm mới có thể trèo lên đỉnh tháp nhọn, từ đó, toàn bộ đời sống có thể được nhìn như một bức tranh toàn cảnh; hài kịch thì đi trên đường cao tốc và phản ánh mọi thứ tầm thường, vặt vãnh, ngẫu nhiên – những lỗi lầm có thể tha thứ được và những nét đặc biệt, khác thường của tất cả những gì lướt qua – bằng tấm gương nhỏ, sáng của nó.
Tiếng cười, hơn mọi thứ khác, bảo lưu cảm quan của chúng ta về sự cân đối: nó luôn nhắc chúng ta rằng chúng ta chỉ là con người mà thôi, rằng không ai hoàn toàn là nhân vật anh hùng hay nhân vật phản diện. Ngay khi chúng ta quên mất tiếng cười, chúng ta nhìn mọi thứ mất cân đối và mất luôn cảm quan về thực tại. Những con chó, may thay, lại không biết cười, vì nếu có khả năng đó, nó sẽ nhận ra những giới hạn khủng khiếp của việc mang thân phận chó. Đàn ông và đàn bà thuộc một địa vị cao trong thang chia độ của nền văn minh đủ để trao cho quyền năng nhận thức được những nhược điểm của chính mình và được phú cho khả năng cười vào chúng. Nhưng chúng ta luôn trong nguy cơ có thể đánh mất thứ đặc quyền quý giá này hay phải vắt ép nó ra khỏi bầu ngực của chúng ta bởi cả khối kiến thức thô sơ và nhàm chán.
Để có thể cười một con người, bạn phải bắt đầu bằng việc nhìn anh ta như chính anh ta. Mọi lớp áo khoác của sự giàu sang, địa vị, học vấn, chừng nào chúng vẫn còn là sự tích lũy bề mặt, không thể làm cùn được lưỡi dao sắc bén của tinh thần trào lộng vốn luôn tra vấn con người. Có một quan niệm phổ biến cho rằng trẻ con có một khả năng chắc chắn trong việc nhìn nhận con người như chính anh ta hơn là những nguời đã trưởng thành và tôi thì tin rằng lời tuyên án dành cho phụ nữ dựa trên tính cách của họ sẽ bị rút lại vào ngày phán xử cuối cùng. Phụ nữ và trẻ thơ, khi đó, sẽ là những mục sư cao nhất của tinh thần trào lộng bởi vì mắt của họ không bị che khuất bởi kiến thức và đầu óc của họ chưa bị nhồi nhét bởi lý thuyết sách vở, vì thế con người và sự vật, trong nhận thức của họ, còn bảo lưu những đường nét rõ ràng ban đầu. Tất cả những khối u đáng sợ ngày càng phình đại trong đời sống hiện đại, những sự phô trương, quy ước và trịnh trọng buồn tẻ chẳng thể gây khiếp nhược được nữa khi ánh sáng của tiếng cười, giống như tia chớp lóe lên, làm chúng trở nên quăn queo và để trơ lại những xương khô. Chính bởi tiếng cười sở hữu phẩm chất này mà những người ý thức được sự giả vờ và những bình diện phi hiện thực của đời sống lại sợ trẻ con; và có lẽ đấy cũng là lý do phụ nữ lại bị nghi kỵ trong những nghề nghiệp đòi hỏi học vấn. Sự nguy hiểm nằm ở chỗ họ có thể cười, như cậu bé trong truyện của Andersen dám nói thẳng vị hoàng đế đang ở truồng trong khi những người lớn tuổi hơn tung hô bộ trang phục lộng lẫy mà trên thực tế không hề tồn tại. Trong nghệ thuật, cũng như trong đời sống, tất cả những sai lầm tồi tệ nhất đều nảy sinh từ sự thiếu cân đối và khuynh hướng chung của cả nghệ thuật cũng như đời sống là tỏ ra nghiêm túc một cách thái quá.
Các nhà văn vĩ đại của chúng ta trưng trổ những phép tu từ hoa mỹ và say mê những thời đại hoàng kim; các nhà văn kém vĩ đại hơn của chúng ta thì nhân bội các tính từ và sự xa hoa trong thứ văn chương tình cảm chủ nghĩa mà ở một trình độ thấp hơn, nó chỉ có thể tạo ra những hình ảnh gây mủi lòng và kịch cảm thương (melodrama). Chúng ta sẵn lòng đi đến những đám ma và giường bệnh hơn là đến những đám cưới và hội hè, và chúng ta không thể rũ bỏ khỏi tâm trí mình niềm tin rằng trong nước mắt có một thứ đức hạnh nào đó và sự ảm đạm thê lương là thói quen dễ hình thành nhất.
Thực tình thì không có gì khó khăn như tiếng cười nhưng cũng không có một phẩm chất nào có giá trị hơn. Nó như một con dao hai lưỡi, đem đến sự cân đối và chân thành cho hành động, cho ngôn từ nói và viết của chúng ta.
---
Nguồn: “The Value of Laughter”, The Essays Of Virginia Woolf, 1904-1912, Volume 1, ed. Andrew McNeillie, Houghton Mifflin Harcourt 1989,  p.58-60.

[1] John Bunyan (1628-1688), nhà văn kiêm mục sư Thiên chúa giáo người Anh. Đoạn văn trên được dẫn ra từ tác phẩm The Pilgrim’s Progress của ông.

No comments:

Post a Comment