24/9/2010 do Hội nhà văn VN, Viện
Văn học, Nxb. Kim Đồng cùng tổ chức
Tôi đến dự Hội thảo về Nguyễn Huy
Tưởng sáng 24/9/2010 là do nhận lời mời của con trai nhà văn. Từ vài tháng
trước trở lại đây, Nguyễn Huy Thắng đã vài ba lần gọi điện thoại cho tôi, đề
nghị tôi viết tham luận. Tôi đang bận nên chỉ nhận lời phát biểu. Thắng hỏi kỹ
tôi sẽ nói đề tài gì, tôi nói đề tài Nguyễn Huy Tưởng với trách nhiệm xã hội
của nhà văn. Sáng 24/9 tôi tới hội trường số 9 Nguyễn Đình Chiểu dự hội thảo,
chỉ mong được nói sớm rồi trở ra Thư viện với các việc đang bỏ dở. Xem tờ
chương trình thấy mình được bố trí nói thứ 8, thấy hơi muộn, nhưng dằn lòng
ngồi lại. Chị Phạm Thị Thành ngồi cạnh bảo anh sẽ được nói trước tôi; tôi chìa
cho chị xem mảnh giấy nhỏ bằng ba ngón tay ghi 2 gạch đầu dòng sẽ nói, bảo tôi
sẽ nói ngắn. Lần lượt, tới Phạm Xuân Nguyên, rồi Vũ Quần Phương… vẫn trong thứ
tự. Gần tới mình rồi. Tôi nhấp ngụm nước, chuẩn bị đứng lên. Vậy mà không,
người điều khiển chương trình mời người khác, rồi người khác nữa, người khác
nữa… Rồi gia đình nhà văn nói lời cảm ơn. Rồi nhà xuất bản Kim Đồng đọc tổng
kết. Rồi hội thảo giải tán. Không ai trong ban tổ chức hội thảo hay gia đình
nhà văn có một lời nào với tôi. Tôi ra về trong tâm trạng hối hận vì đã tới cái
hội trường số 9 Nguyễn Đình Chiểu này. Người có tham luận viết sẵn có thể nộp
ban tổ chức, còn tôi, những lời định nói vẫn còn trong đầu, tôi phải làm gì?
Chỉ có cách viết nó ra rồi mới có thể đi làm việc khác.
Tôi đã viết ra, và bây giờ tôi gửi
cho, trước tiên, trang web Hội Nhà Văn, xin đề nghị đăng nguyên văn, kể cả đoạn
thuyết minh này, cho biết vì sao đây lại là Ý KIẾN CHƯA PHÁT BIỂU TẠI HỘI THẢO
VỀ NGUYỄN HUY TƯỞNG. Tôi cũng sẽ gửi đến
một vài trang web khác, luôn thể để bạn đọc kiểm tra xem những ai thích biên
tập cắt xén của nhau và biên tập cắt xén như thế nào. Còn về nội dung, sẽ mỗi
người một kiểu nhận xét, ấy là đương nhiên.
L.N.Â.
Năm nay chúng ta kỷ niệm 50 năm mất nhà văn Nguyễn Huy Tưởng,
và chỉ 2 năm nữa, chúng ta sẽ kỷ niệm 100 năm sinh của ông. Vậy thì nên đặt vấn
đề tiếp tục nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp ông, và qua trường hợp ông, đề
cập các vấn đề khác thuộc văn học sử Việt Nam.
Tôi muốn nêu như gợi ý về một vài
điểm như sau.
1/ Thứ nhất, vấn đề nhà
văn và tham vọng quyền lực
Đặt vấn đề này tức là tiếp cận
Nguyễn Huy Tưởng không chỉ như một tác gia văn học mà còn như một nhân vật lịch
sử; đối tượng này cần tiếp cận cả bằng nghiên cứu văn học lẫn bằng nghiên cứu
sử học, ít nhất là nghiên cứu tiểu sử.
Đây là một thực tế xảy ra với các
nhà văn tham gia Văn hóa Cứu quốc, tổ chức cách mạng thuộc Mặt trận Việt Minh
do Đảng CS Đông Dương lập ra và lãnh đạo. Tình thế là: các nhà văn này tham gia
một tổ chức cách mạng; khi cách mạng thắng lợi, tổ chức cách mạng trở thành nhà
nước, trở thành chính phủ, thì không ít nhà văn thành viên tổ chức này có thể
trở thành quan chức nhà nước, trở thành chính khách.
Điều này không xảy ra ngay lập tức
mà xảy ra từ từ, nhưng khả năng thì mở ra ngay khi cách mạng thành công, tổ
chức cách mạng trở thành bộ máy quyền lực nhà nước. Chính vì vậy, tâm thế trở
thành quan chức cấp cao, trở thành chính khách, nói khác đi là tham vọng quyền
lực, sẽ xuất hiện và chi phối định hướng sống và hành động của không ít nhà văn
là thành viên của tổ chức.
Tất nhiên không phải ở mọi thành
viên Văn hóa Cứu quốc đều nảy sinh tham vọng quyền lực. Những trường hợp như
Nguyễn Hồng, Kim Lân chẳng hạn, người ta ít quan sát thấy biểu hiện của tham
vọng này, mặc dù hai ông đều có đủ tư cách “khai quốc công thần” như các thành
viên khác. Nhưng những trường hợp như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng chẳng
hạn, là những người có đầy đủ hơn (so với các thành viên khác) về điều kiện học
vấn, về năng lực hoạt động xã hội, lại sớm được Đảng giao phụ trách tổ chức văn
nghệ sĩ này, thì tham vọng quyền lực không thể không nảy sinh và chi phối định
hướng tiến thân của họ. Tôi vừa kể tên Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, nhưng
hoàn toàn có thể kể tên vào nhóm có tham vọng này những người khác nữa: Nguyễn
Hữu Đang, Xuân Diệu, Huy Cận, và nhiều người khác.
Nêu ra dưới ánh mặt trời, đây là
những tham vọng có thực, hơn nữa, không hề là một loại tâm thế “xấu” (như tập
quán định giá nào đó có thể quan niệm). Người nghiên cứu cần ghi nhận những
trường hợp này, hơn thế, cần tìm hiểu sự định hướng tiến thân này (tham vọng
quyền lực) chi phối ra sao đến hoạt động xã hội và nội dung sáng tác của con
người vốn là văn nghệ sĩ ấy.
Nguyễn Huy Tưởng với vai trò là một
trong số những người tham gia Văn hóa Cứu quốc, sau cách mạng được giới thiệu
ra ứng cử và được bầu vào Quốc Hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I, rõ ràng là
có điều kiện để thực hiện tham vọng quyền lực với những nội dung cụ thể (và cao
hơn những vị trí đã đạt được) như: vào BCH trung ương Đảng, làm bộ trưởng, tức
là những vị trí tối thiểu để đứng vào hàng chính khách.
Nhưng Nguyễn Huy Tưởng đã lâm bệnh
và mất sớm; những gì có thể xảy ra (về sự tiến thân chính trị) đã không xảy ra.
Mặt khác, qua nhật ký của ông, người ta có thể thấy nhà văn này đã trải qua
những quá trình tư tưởng, tâm lý để tự định cho mình con đường lấy sáng tác làm
sự nghiệp chung thân.
Nói cho cùng, dù có chia sẻ hay
không chia sẻ sự tự định hướng của Nguyễn Huy Tưởng thì hầu hết những văn nghệ
sĩ, do đi với cách mạng mà số phận được đặt trước tham vọng quyền lực, đều
không đạt được gì trong tham vọng ấy. Người sát cánh trong Văn hóa Cứu quốc với
Nguyễn Huy Tưởng là Nguyễn Đình Thi có thể là một “ca” điển hình. Là “khai quốc
công thần” như mọi thành viên VHCQ khác, trong đời mình lại được giao đứng đầu
các tổ chức văn nghệ sĩ trong những khoảng thời gian rất dài, nhưng Nguyễn Đình
Thi chưa một lần được tham gia BCH trung ương Đảng, chưa một lần được làm bộ
trưởng, nghĩa là chưa khi nào có được cái vị thế chính danh của một chính
khách, mặc dù có thể nói Nguyễn Đình Thi dư thừa năng lực ấy.
Phải chăng đây chính là giới hạn
không thể vượt qua cho tham vọng quyền lực của người văn nghệ sĩ đi với cách
mạng? Liệu có thể so sánh ra sao những trường hợp ở nước ta với những trường hợp
tương tự ở các nước khác, từ những M. Gorki đến A. Fadeev ở Liên Xô, R. Garaudy
và L. Aragon ở Pháp, v.v…?
2/ Thứ hai, về độ chênh trong sự thức nhận
trạng thái chính trị xã hội của thế giới đương thời ở văn nghệ sĩ nước ta so
với nước ngoài.
Về mặt này, Nguyễn Huy Tưởng và
nhiều nhà văn gạo cội cùng thời ông như Nguyễn Tuân, đã để lại những chứng từ
là những bài viết, những ý kiến cho thấy các ông đều có cùng một nhận thức,
cùng một kiểu tâm trạng trước các sự biến ở Hungary, Ba Lan … năm 1956, đó là:
lo lắng cho sự tồn tại của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước bạn, và chỉ có thế mà
thôi. Trong sự soi sáng lịch sử, người ta sẽ thấy, ngay những con người nhạy
bén nhất ở xã hội Bắc Việt Nam khi ấy đã không hề nhận biết rằng những biến
động ấy có nghĩa là một bộ phận không nhỏ dân Hungary, Ba Lan đã nhận thấy “chủ
nghĩa xã hội hiện thực” là không thể chịu đựng được nữa đối với họ, rằng phản
ứng đó của dân các nước này là có lý, hơn thế, là đáng đồng tình. Những Nguyễn
Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, v.v…, vào những năm 1950-60, dù có dịp được
đặt chân đến dăm ba nước Đông Âu, cũng vẫn không hề biết đến điều đó.
Để giải thích sự “không biết” này ở
cả những văn nghệ sĩ hàng đầu lẫn những người dân đương thời ấy ở Việt Nam, có
thể nêu lên độ chênh lệch về trải nghiệm một chế độ xã hội: khi nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa tham gia phe XHCN (dấu mốc có thể là năm 1955) thì các nước
Đông Âu đã có dư 10 năm trải nghiệm chế độ ấy, đã cảm nhận được tính chất
chuyên chế độc đoán của hệ thống chính trị, tính chất trì trệ ít hiệu quả của
nền kinh tế chỉ huy-quốc doanh hóa-hợp tác hóa, cũng cảm nhận sự can thiệp và
áp đặt mang tính đế chế của chính nước đàn anh Xô-viết…, và đang khởi động quá
trình vượt thoát chế độ đó. Thế mà đúng lúc ấy, những nhà thơ đến từ đất nước
chậm phát triển này lại chỉ thấy chế độ ấy, kinh tế ấy là ưu việt, kể từ những
gì thô sơ đơn giản nhất.
“…Lông nhông trâu sắt chạy / Anh ngồi hát vặn máy / Chị đi giày làm vườn
/ Con lớn đi nhà trường / Con thơ ra nhà trẻ …” (Dưới dàn nho, thơ Nông Quốc Chấn, ‘Văn nghệ’, s. 37, tháng 11/1952). Trích dẫn một câu cho vui, chứ
thật ra có hàng ngàn hàng ngàn câu chữ ca tụng ngọt sớt và nông cạn như vậy,
được viết bởi những ngòi bút thậm chí đã từng giành được vinh quang chân chính
trên đàn văn Việt Nam trước đó hàng chục năm.
Sự cảm nhận chán ngán của những dân
tộc đã biết đến thực chất của mô hình “chủ nghĩa xã hội hiện thực” và sự cảm
nhận háo hức của những dân tộc bắt đầu tiếp nhận mô hình ấy, rõ ràng là lệch
pha nhau.
Nhưng nếu chỉ bằng vào cách giải
thích trên đây, thì tuy nhận ra được văn nghệ sĩ là thuộc về dân tộc, là nằm
trong dân tộc, nhưng lại bỏ mất phương diện khác: ở những trường hợp tài năng
sáng tạo lớn, văn nghệ sĩ là kẻ vượt lên cao hơn cái tầm trung bình của dân
mình.
Nguyễn Huy Tưởng, qua nhật ký hơn là
qua các sáng tác đã công bố, đã tự chứng tỏ ông không sùng bái “phe” XHCN một
cách giản đơn. Ông có những trang nhật ký nhận xét những kém cỏi của phim ảnh
Xô-viết chiếu tại các rạp Hà Nội, tức là ông vô tình đã cảm thông được với
những công chúng Hà Thành từng xem phim của Hollywood trước tháng 10/1954. Cũng
trong nhật ký hơn là trong sáng tác, ông có cái nhìn ít lý tưởng hóa vào đời
sống thực xung quanh, đời sống dân tình, phố xá Hà Nội… Nhưng những bức xúc của
ông đối với cái chế độ mà ông là công thần khai quốc hầu như chỉ dừng lại ở
những hiện tượng, và những bức xúc ấy cũng chỉ thiên về tình cảm. Còn trong lý
trí, trong lý tưởng, ông vẫn mơ về sự toàn thắng của “phe ta”, tức phe xã hội
chủ nghĩa, cái hệ thống thế giới sẽ sụp đổ vào năm thứ 31 kể từ khi Nguyễn Huy
Tưởng qua đời (1960).
Với giới văn nghệ sĩ và cả giới trí
thức nước ta ở nửa sau thế kỷ XX vừa qua, mọi khả năng nghĩ mới nghĩ khác, mọi
khả năng hoài nghi những “chân lý tuyệt đối”, “lý tưởng tuyệt đối” hầu như chỉ
được bộc lộ kể từ Đảng CS cầm quyền cho phép đổi mới, “nhìn thẳng vào sự thật”,
vào năm 1986. Điều được thấy như thực trạng hiển nhiên này, ngẫm ra lại thật là
khác biệt biết bao, chẳng hạn, so với thời sống dưới ách thực dân, những thường
dân có học qua tiểu học, đọc được báo quốc ngữ, đôi khi cả một ít báo chữ Pháp,
đều có thể, trên những nét chung nhất biết cùng lúc, nghĩ cùng chiều với các
dân tộc khác đương thời về những hiện trạng chi phối đời sống nhân loại thời
mình, từ việc phe phát-xít thắng thế ở Đức ở Ý hay những vụ án kỳ lạ ở Moscou
năm 1937…
Dù sao thì quá khứ vẫn chỉ là quá
khứ. Điều được trông chờ là phải chăng từ nay, dân Việt Nam, trí thức Việt Nam,
văn nghệ sĩ Việt Nam sẽ có năng lực bình thường cùng nghĩ với những gì nhân loại đương thời đang nghĩ,
hay vẫn cứ nghĩ chậm hơn, như đã từng lệch pha với nhân loại, khi còn sống
trong thế giới của “chủ nghĩa xã hội hiện thực” (1945-1991)?./.
Ghi lại, tối 24/9/2010
LẠI NGUYÊN ÂN
No comments:
Post a Comment