.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, May 24, 2012

LÊ THÀNH NGHỊ: PHÊ BÌNH VĂN HỌC, BAO GIỜ CÓ TÍN HIỆU LẠC QUAN

 
Thực trạng của phê bình văn học những năm qua là một bức tranh ít màu sắc tươi sáng. Đó là câu chuyện cũ, ai cũng biết, cho dù các cơ quan văn học như Hội đồng LLPB văn học nghệ thuật TƯ,  Hội nhà văn, các khoa Ngữ văn của các trường đại học, báo Văn nghệ, tạp chí Văn học, tạp chí Văn nghệ quân đội...đã có không ít những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học. Có lẽ cả thực trạng, cả những cố gắng nói trên của phê bình văn học cũng không cần thiết phải nhắc lại. Trong bài viết này, tôi xin đi sâu vào một số nguyên nhân và đề xuất một vài giải pháp.
Nguyên nhân trực tiếp nhất là mặt trái của cơ chế thị trường và sự phát triển của công nghệ thông tin đang từng ngày từng giờ tác động đến mọi lĩnh vực hoạt động tinh thần, trong đó có văn học, có phê bình văn học. Ai cũng nhận thấy cơ chế thị trường đề cao hiệu quả kinh tế, khuyến khích cạnh tranh, khuyến khích làm giàu, cho dù đó là cạnh tranh và làm giàu chính đáng. Nước ta lại là một quốc gia có nền kinh tế nhỏ bé, đang phát triển cho nên những bức xúc của toàn xã hội là những bức xúc kinh tế. Đời sống tinh thần thường khi không theo kịp những biến đổi của quan niệm về vật chất và khoảng cách càng ngày càng xa giữa một bên là các giá trị vật chất và một bên là các giá trị tinh thần. Mặc nhiên, các giá trị tinh thần, dù không tự giác cũng thường khi ít được quan tâm ráo riết như những giá trị vật chất. Kết quả nghiên cứu về nhu cầu người tiêu dùng tại 16 quốc gia châu Á có tên là Eye on Asia do tập đoàn quảng cáo tiếp thị và quan hệ công chúng toàn cầu Grey Group cho rằng: người châu Á lạc quan nhất và hạnh phúc nhất là có nhiều tiền. Đặc biệt 96% người Việt Nam và Đài Loan cho rằng có đủ tiền là có thể tạo được hạnh phúc và lạc quan (Tuổi trẻ online). Văn học là một lĩnh vực sản xuất tinh thần và sáng tạo văn chương nghệ thuật là một lĩnh vực lao động đặc thù, không theo các quy luật của quan hệ sản xuất, không phụ nhiều vào trình độ kinh tế mà phụ thuộc nhiều vào sự phong phú của đời sống xã hội, sự sâu sắc của tâm hồn và nhận thức của người sáng tạo và thường không đem lại những hiệu quả kinh tế như mong muốn. Nhưng nói như thế không có nghĩa là văn chương nghệ thuật không bị những tác động sâu sắc của đời sống kinh tế. Nếu giá trị lao động được đo bằng tiền bạc, thì ai cũng nhận thấy dù lao tâm khổ luyện đến đâu, thu nhập của văn nghệ sỹ cũng không thể nói là tạm đủ nuôi sống bản thân và gia đình họ. Nhuận bút của một tác phẩm văn xuôi viết trong khoảng dăm, bảy năm thường chỉ dăm ba triệu đồng, một tập thơ hay một tập lý luận phê bình thường phải bỏ tiền túi ra in, in xong không bán được vì không có người đọc và thu nhập của nhà thơ, nhà phê bình văn học không những không có gì mà ngược lại thường bị thâm hụt đáng kể. Tình trạng này mọi người đều biết vì diễn ra đã khá lâu nay và không thể nói là có tác dụng tích cực đối với sáng tạo.

Hoạt động sáng tạo vì vậy đã đặc thù lại thêm đặc thù, chi còn là hoạt động theo hứng thú nghề nghiệp và có thể nói không một loại hình lao động nào bi đát như vậy. Văn chương nghệ thuật không còn mấy hấp dẫn vì không có gì đảm bảo cho cuộc sống của mỗi cá nhân.Vị thế xã hội cửa nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình đang xuống thấp. Hình ảnh các nhà thơ mơ mộng hão huyền là đối tượng của hài kịch gặp thường xuyên trên sân khấu, trên TV. Một thông tin từ Bộ giáo dục và đào tạo cho biết chỉ có 6,4% học sinh lớp 12 đăng ký dự thi các nghành khoa học xã hội, ngược lại vài năm tới nước ta sẽ cực kỳ khủng hoảng thừa sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng. Ai dám bảo đảm những nhà phê bình không thuộc vào số 96% dân số Việt Nam kia nếu cho rằng điều tra trên kia là chính xác!.

Sự phát triển của công nghệ thông tin cũng làm chuyển đổi tâm lý của tiếp nhận. Nghe nhìn nói riêng và giải trí nói chung làm thay đổi thói quen toàn xã hội, làm thay đổi cách thức tư duy và kiểu diễn ngôn của thời đại. Người đọc ngày càng ít dần. Cũng tờ Tuổi trẻ online đưa tin người Mỹ hiện nay có tỷ lệ nghiện game cao nhất thế giới. Một tờ báo nước Nga gần đây cho biết có tới trên 80% người Nga không còn đến thư viện. Vậy mà mới vài chục năm trở về trước người Nga luôn được công nhận là dân tộc chăm đọc nhất thế giới. Ở Việt Nam số người đến thư viện có lẽ cũng không nhiều, nếu không muốn nói là thậm ít. Với nhiều người, đọc sách chỉ còn là để giải trí và tất nhiên cũng không ai tìm đến phê bình văn học để giải trí.
Một nền văn học không có người đọc là một nền văn học tù đọng, một nền văn học chết và phê bình văn học không có người đọc cũng là một thứ mỹ học không vận động, thiếu sức sống, thiếu đối tượng tác động và không còn là nhịp cầu giữa sáng tác và công chúng. Phê bình văn học là công việc khó nhọc, phải đọc rất nhiều để nắm bắt được tình hình đời sống văn học. Mặt khác, một cuốn tiểu thuyết vài ba trăm trang đọc kỹ ít ra cũng mất vài ba tuần lễ, và cũng phải dành một lượng thời gian như vậy để viết được bài phê bình. Viết và in xong không ai đọc, nhuận bút cũng chỉ vài ba trăm nghìn đồng. Không mấy ai viết phê bình văn học hoặc làm thơ để sống.  Đó là những khó khăn khách quan không nhỏ đối với văn học nói chung và phê bình văn học nói riêng.

Đến đây, một vấn đề có vẻ trần tục nhưng thiết thực liên quan đến chính sách xã hội của nhà nước được đặt ra: làm sao để giá trị ngày công lao động của nhà văn nói chung và nhà phê bình văn học nói riêng được cải thiện? Làm sao để viết phê bình văn học không chỉ là trách nhiệm, hứng thú mà còn có thể tạo ra nguồn thu chí ít là để tái sản xuất bằng cách bổ sung sách, tư liệu và những phương tiện lao động khác!
Phê bình văn học trầm lắng còn có thể bắt nguồn từ nguyên nhân ở không gian văn hóa của phê bình văn học đã không còn là động lực của sáng tạo. Không ít người vẫn bị ám ảnh và dè chừng với những trận đòn hội chợ trước đây thời ông Đặng Bửu. Thời đại đặt ra trước mỗi người những lo toan thường nhật, không ai muốn bị làm phiền, không ai muốn làm mất lòng bè bạn đồng nghiệp, cho nên không ai còn muốn dấn thân đề cao chữ phê không mấy dễ chịu đối với người viết. Trong tình trạng như vậy, một số cây viết không còn tiếp tục công việc, rửa tay gác kiếm, một số chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu, đi dạy học các tại các trường đại học, viết báo, viết sách...vừa có thu nhập lại vừa yên thân. Không gian văn hóa không thật sự thuận lợi này tự chúng ta do nông nỗi một thời tạo ra, không thể đổ lỗi cho ai được. Bởi vậy, khắc phục tình trạng đó không ai khác là giới cầm bút chúng ta. Làm sao để không thủ tiêu tranh luận, tôn trọng những ý kiến riêng nhưng lại phải hết sức tôn trọng những mối quan hệ đồng nghiệp? Làm sao để người viết phê bình tác phẩm và tác giả của tác phẩm đó thực sự thông cảm cho đặc thù của mỗi loại hình lao động? Làm sao để ý kiến của người viết phê bình về những bất cập nếu có của tác phẩm văn học không mang tính dạy dỗ, đánh đấm, quy chụp, hạ bệ?
Làm sao để nếu ý kiến của người viết phê bình nếu chê chưa thật đúng thì cũng cần được thông cảm từ phía các nhà văn?. Hiển nhiên như một đặc thù nghề nghiệp, giữa nhà văn và nhà phê bình hình như ít khi làm vừa lòng nhau, ngược lại bao giờ cùng tồn tại những khoảng cách, những bất đồng ý kiến. Nhà văn luôn luôn muốn bảo vệ những quan niệm thẩm mỹ của mình. Nhà phê bình thường khi lại muốn tác phẩm phải được trình bày theo những lý thuyết mà anh ta cho là đúng. Ở đây tính trung thực như một nguyên tắc nghề nghiệp. Chất lượng và hiệu quả của phê bình văn học phụ thuộc nhiều vào sự trung thực của mỗi ngòi bút cho dù không tạo ra sự đồng thuận với tác giả. Nhà phê bình văn học không nên chỉ theo đuổi sự đồng thuận với tác giả của tác phẩm, bởi vì trên thực tế ít khi có sự đồng thuận hiếm hoi này. Ngày trước cụ Nguyễn Tuân còn muốn tiếp tục tranh luận với những nhà phê bình cả khi cụ đã về thế giới bên kia cho thấy những so le ý kiến dường như là muôn thuở. Nhưng xử lý những bất đồng ý kiến này lại thuộc về văn hóa của mỗi người cầm bút, là lĩnh vực có thể làm được nếu chúng ta đề cao tính trung thực nghề nghiệp. Tính nhân văn của ứng xử này sẽ tạo ra hiệu ứng đồng sáng tạo của văn học. Ngược lại, như chúng ta đã biết, đã làm không ít những cây bút phê bình văn học hầu như biến mất trong im lặng.
Một nền phê bình văn học phát triển đương nhiên phải trên một nền văn học có nhiều tác phẩm hay. Tác phẩm hay tạo ra hứng thú của người đọc, của nhà phê bình, tạo ra sự đồng sáng tạo của nhà phê bình. Nói phê bình ăn theo sáng tác chính là nên nhấn mạnh khía cạnh này. Một thời đại huy hoàng của Thơ mới đã kích thích Hoài Thanh. Những truyện ngắn hay của Nguyễn Huy Thiệp đã kích thích những cuộc tranh luận sôi nổi cách đây chưa lâu. Không ít những bài phê bình văn học có chất lượng viết về  thơ Chế Lan Viên, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh..., về những tác phẩm của Bảo Ninh, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Ngọc Tư...Đời sống văn học buồn tẻ thiếu vắng những tác phẩm hay và lạ cũng là một trong rất nhiều nguyên nhân làm cho phê bình văn học mất đi nguồn cảm hứng. Bởi vậy, một sự phát triển đồng bộ của cả nền văn học chính là động lực của phê bình văn học. Nếu phải viết mãi về những tác phẩm văn học không có gì thú vị thì điều đó rất dễ làm nản lòng những nhà phê bình. Xem ra, nói phê bình yếu kém cũng nên nhìn sang phía những nhà sáng tác. Câu trả lời có lẽ không chỉ riêng của nhà phê bình!
Nhưng điều này thì không thể đỗ lỗi cho các nhà văn. Đó là tình trạng nội tại của các bài viết phê bình văn học hiện nay. Có thể nói là thiếu lý luận, thiếu kiến thức, và thiếu công phu...như là tình trạng chung của các bài viết. Phê bình không có lý luận, không có kiến thức đứng đằng sau mỗi trang viết thì đó là phê bình cảm tính, là những bước đi trong phòng tối của bản năng. Cần đốt lên ngọn nến sáng của lý trí khi bước vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Nhưng cũng nên được thông cảm, bởi vì như có người nói, chúng ta đang ở trong tình trạng chân không của lý luận. Vấn đề khá bức xúc của công tác lý luận là cần xây dựng một nền lý luận mỹ học Việt Nam dựa trên những chính sách phát triển văn hóa văn nghệ của Đảng phù hợp với giai đoạn xây dựng đất nước hiện nay. Lý thuyết của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa từ Liên Xô những năm 30 của thế kỷ trước đã tỏ ra không còn phù hợp vì bản thân nó không giải thích nổi thực tiễn sáng tác. Các thứ lý thuyết phương tây được dịch và giới thiệu mấy lâu ở ta, có thể được khai thác mặt này, mặt kia nhưng chưa có một lý thuyết nào đáng tin cậy khả dĩ vận dụng một cách thuyết phục để tạo nên một định hướng mỹ học phù hợp với dân tộc.
Giải thích các hiện tượng văn học như Hồ Xuân Hương, Xuân Diệu, Hoàng Cầm...bằng những ẩn ức tình dục như có người làm là bỏ qua khía cạnh ý nghĩa xã hội của tác phẩm. Dùng lý thuyết hậu hiện đại để phân tích những sáng tác của Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, rồi thơ Mai Văn Phấn, Hoàng Vũ Thuật...là thiếu thuyết phục. Ngược lại với những bài viết thiếu kiến thức và lý luận là những bài viết của một số cây viết trẻ tỏ ra sự có học bằng cách đưa vào trang viết những kiến thức chưa được nghiền ngẫm nên không thoát khỏi sách vở, khiên cưỡng. Ở một đôi bài phê bình văn học chi còn thấy lý thuyết được cóp nhặt đâu đó, còn ý nghĩa tác phẩm, đối tượng chính của bài phê bình hầu như không được nêu bật.
Ranh giới nào cho lý luận và phê bình trong một bài viết? Có lẽ lý luận và kiến thức nên đứng đằng sau mỗi câu chữ, làm nền cho những lập luận cần thiết mà một bài phê bình phải đạt đến. Thuyết phục bằng kết quả của cuộc mổ xẻ được soi sáng bằng y lý và y thuật chứ không phải bằng dụng cụ và phương tiện của cuộc mổ xẻ. Đó là yêu cầu khoa học của phê bình văn học nếu quan niệm phê bình có hai phẩm chất khoa học và nghệ thuật. 
Nhưng nếu một bài phê bình văn học chỉ nặng về vận dụng lý thuyết thì không thể tránh khỏi khô cằn, chết cứng của những khái niệm vốn luôn được xem chi là phương tiện. Cần có một trái tim biết rung cảm trước cái đẹp. Sức lan tỏa của  phê bình ngoài phân tích một cách khoa học tác phẩm là cách cảm thụ tinh tế những biểu hiện sống động mà tác phẩm văn chương gợi ra. Bao nhiêu năm Hoài Thanh vẫn là một tấm gương cho giới phê bình về lĩnh vực này khi ông bước vào thế giới nghệ thuật của Thơ mới bằng trái tim đầy rung cảm của mình và để lại những trang viết có sức bền có khi còn hơn cả những gì Thơ mới làm được. Có thể nói Thơ mới làm xuất hiện ngòi bút phê bình Hoài Thanh và đến lượt ngòi bút của ông đã làm bất tử Thơ mới. Rõ ràng, không phải cái gì ăn theo cái gì mà là một sự cộng hưởng thẩm mỹ tác động hai chiều của hai thể loại văn chương, hai kiểu tư duy nghệ thuật. Có nhiều phong cách phê bình văn học nhưng phải chăng phong cách Hoài Thanh phù hợp hơn cả với tư duy của dân tộc. Bởi vì ông biết vận dụng một cách khoa học cả hai yếu tố khoa học và nghệ thuật trong từng bài viết của mình trong đó yếu tố cảm xúc nghệ thuật để lại ấn tượng sâu đậm hơn cả?
Đội ngũ những người làm công tác phê bình văn học hiện nay hết sức mỏng. Hầu như không có một cây bút nào thực sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Phần lớn là kiêm nhiệm, làm tay trái. Lực lượng trẻ hiện tại chỉ khoảng non vài chục cây viết cũng đang kiêm nhiệm những công việc ở các cơ quan khác nhau. Nhưng đây cũng là những bổ sung tự phát. Không có một cơ sở chuyên nghiệp nào đào tạo những nhà phê bình. Các khoa ngữ văn của các trường đại học chi dạy những chương trình chung không có chương trình đào tạo chuyên nghành phê bình văn học. Không có một nghề nghiệp nào mà không cần sự đào tạo. Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây, nay là khoa sáng tác của Đại học Văn hóa hầu như cũng chưa có những lớp đào tạo phê bình văn học. Các học viên của Trường viết văn Nguyễn Du từ xưa đến nay, kể đã có tới mấy trăm, vậy mà không có học viên chuyên nghành phê bình văn học. Nếu nhà văn, nhà thơ đào tạo được, tại sao nhà phê bình không đào tạo được? Đã đến lúc nhà nước, cụ thể là Bộ giáo dục và đào tạo nên có kế hoạch lấp chỗ trống này. Nếu có chính sách phù hợp, nếu bảo đảm được đầu ra, nghĩa là có công ăn việc làm cho họ sau khi tốt nghiệp, có thể tin trong số hàng vạn em học sinh đang đổ xô vào các trường tài chính ngân hàng hiện nay chắc chắn sẽ tìm được những người có tài năng để sau năm sáu năm nữa chúng ta có những người bước đầu bắt tay vào công việc hết sức cần thiết nhưng cũng đang hết sức thiếu nhân lực này!
Phê bình văn học là mỹ học đang vận động (Bielinxki). Nó góp phần làm hình thành nhận thức thẩm mỹ trong công chúng, nó tác động vào nền văn học đang diễn ra, làm hình thành những quan niệm thẩm mỹ mới, làm hình thành một nền văn học theo đúng định hướng mà thời đại đang cần. Muốn vậy phê bình văn học phải xuất phát từ nền văn học dân tộc, nền văn học đang diễn ra của mỗi dân tộc. Văn học Việt Nam từ sau đổi mới với những chính sách mở cửa, giao lưu rộng rãi với quốc tế, là một nền văn học mở, đang phát triển, khá phong phú, nhiều giọng điệu, nhiều phong cách.
Trên những định hướng lớn của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa nhân văn chúng ta đang có một bầu không khí tự do sáng tạo, mà trước đổi mới là niềm ao ước của nhiều người viết. Văn xuôi cũng như thơ không chỉ có hiện thực mà còn có siêu thực, huyền ảo, không chỉ có truyền thống mà còn  có hiện đại và sau hiện đại, không chỉ có dân tộc mà còn có quốc tế, không chỉ có  vần mà còn phá cách, bỏ vần...Nghĩa là một hệ thống mở  khuyến khích tất cả mọi tài năng của mọi lứa tuổi. Bước đầu chúng ta đã có một nền văn học tương đối phong phú trên diện rộng, với những thành công khác nhau, phục vụ tốt công chúng bạn đọc. Tuy vậy, văn học Việt Nam vẫn đang thiếu những đỉnh cao, thiếu những tác phẩm có tầm cỡ khu vực và quốc tế, phản ảnh chân thực bản chất tính cách và tâm hồn người Việt trong lịch sử, trong chiến tranh cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Mặt khác, không những còn thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao mà còn cho ra mắt những tác phẩm xa lạ với truyền thống đạo đức dân tộc. Những đề tài xex, đồng tính... như một cái mốt để gây sự nổi tiếng đối với một số cây viết. Một số tác giả trẻ nhập cảng lối viết văn và làm thơ quá xa lạ với truyền thống dân tộc nhưng vẫn tưởng đó là hiện đại vv. 
Tất cả sự vỡ vạc, ngổn ngang vừa tích cực vừa tiêu cực đó đang cần những con mắt phê bình phân tích để nhận chân những giá trị và kịp thời phê phán những biểu hiện không lành mạnh đang hiện diện trong nền văn học hôm nay, để văn học Việt Nam ngày càng phát triển phục vụ đông đảo bạn đọc. Chẳng hạn, phê bình văn học cần lên tiếng kịp thời cỗ vũ những tác phẩm viết về đề tài lịch sử với thái độ trung thực trên quan điểm lịch sử và phê phán thái độ phủ nhận quá khứ, bôi nhọ lịch sử, hạ bệ thần tượng của dân tộc. Chẳng hạn, phê bình văn học cần khẳng định mạnh mẽ những tác phẩm viết một cách chân thật về những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trong quá khứ, ca ngợi những chiến công của cuộc chiến tranh chính nghĩa, và cần phải rạch ròi trong quan niệm về chiến tranh yêu nước, tránh quan niệm mơ hồ, nhân đạo chung chung đang có nguy cơ làm người đọc, nhất là những người trẻ tuổi nhận thức sai lạc bản chất của những cuộc chiến tranh mà nhân dân ta đã đổi rất nhiều xương máu vừa qua.
Chẳng hạn, văn học rất cần viết về những tiêu cực, những sự xuống cấp đạo đức hiện nay trong không ít một bộ phận nhân dân ta, nhưng một thái độ nhìn nhận, một mức độ liều lượng...như thế nào là cần và đủ để không làm người đọc mất đi niềm tin vào cuộc sống là chỗ mà phê bình văn học phải lên tiếng. Ai cũng biết văn học có thể mổ xẻ những vết thương đau, nhưng văn học sinh ra còn để gieo cấy trong tâm hồn con người niềm lạc quan vào cuộc sống. Viết về tiêu cực đối với một ngòi bút có thái độ và tư tưởng của người trong cuộc khác với cách viết dửng dưng, đứng ngoài cuộc hoặc có ý đồ xấu.
Đấy là chưa nói trong công cuộc xây dựng hôm nay không thiếu những con người đang ngày đêm lao động quên mình cho đất nước mà văn học không được phép quên họ. Tiếc thay, trên mặt báo ít những bài phê bình văn học có tính chiến đấu, có tính tư tưởng, có tính xây dựng như vậy mà đang rất nhiều những bài đọc sách nhợt nhạt hoặc tung hô vô căn cứ hoặc viết theo kiểu cùng cạ, quảng cáo cho nhau một cách tùy tiện. Chất lượng của những bài viết như vậy hiển nhiên là không cao và hiệu quả của chúng có khi là ngược lại. Và vì vậy có thể nói phê bình văn học của ta chưa theo kịp thực tiễn sáng tác, chưa thật sự có tính chiến đấu cao, chưa thật  sự có ích thúc đẩy công việc sáng tạo như nó vốn cần phải như thế.
Phê bình văn học là lĩnh vực nhạy cảm và khó. Nó không chỉ là lý thuyết, kiến thức, kinh nghiệm mà còn là tài năng, bản lĩnh và ứng xử. Một khả năng tổng hợp như vậy ở mỗi người không phải hình thành trong một sớm, một chiều. Vậy nên cần có những chính sách để tập hợp và giữ gìn phát huy những gì chúng ta đang có và cần hơn nếu chúng ta biết lo toan đào tạo ngay từ bây giờ những thế hệ kế cận. Đến lúc đó, phê bình văn học chắc sẽ có nhiều lạc quan hơn như sự mong đợi của mỗi người.

LÊ THÀNH NGHỊ
Nguồn: Văn nghệ Quân đội

No comments:

Post a Comment