.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, May 17, 2012

NSƯT MINH GÁI: HỢP VỚI NHỮNG VAI DIỄN CÓ SỐ PHẬN ĐẶC BIỆT

Trước khi trò chuyện cùng NSƯT Minh Gái, chúng tôi cứ nghĩ rằng, nghệ sĩ tuồng thời nay chắc sẽ... ít bận bởi gần đây, tuồng không phải là một loại hình nghệ thuật thu hút đông đảo khán giả. Nhưng sự thật không phải như vậy. Khó khăn lắm chị mới có thể thu xếp được buổi trò chuyện ngay sau buổi tổng duyệt chương trình "Sắc màu Tây Bắc".

Minh Gái trong trích đoạn Ông già cõng vợ đi xem hội
NSƯT Minh Gái bước ra từ sàn tập với tóc dài búi cao, dáng người dong dỏng và khuôn mặt tự nhiên không một chút son phấn. Thú thực, nhìn chị lúc này, ít ai nghĩ rằng đây là một nghệ sĩ nổi tiếng bởi vẻ giản dị tới không ngờ. Lại càng khác hẳn với những vai diễn lộng lẫy, đầy uy lực của chị trên sân khấu. Chỉ khi chị trò chuyện, nhất là những lúc nói về tuồng, khóe miệng tươi tắn, ánh mắt rạng ngời cùng những cử chỉ minh họa hết sức tự nhiên, ta mới thấy quả thật đồng nghiệp và khán giả đã rất chính xác khi gọi chị là "người giữ lửa cho nghệ thuật tuồng".
Trước khi trò chuyện cùng NSƯT Minh Gái, chúng tôi cứ nghĩ rằng, nghệ sĩ tuồng thời nay chắc sẽ... ít bận bởi gần đây, tuồng không phải là một loại hình nghệ thuật thu hút đông đảo khán giả. Nhưng sự thật không phải như vậy. Khó khăn lắm chị mới có thể thu xếp được buổi trò chuyện ngay sau buổi tổng duyệt chương trình "Sắc màu Tây Bắc". Chị bảo, ngay sau chương trình này, chị cùng các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam lại tiếp tục chuẩn bị  cho buổi Lễ đón nhận Vịnh Hạ Long là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Đó là chưa kể, chị  - với tư cách vừa là nghệ sĩ biểu diễn, vừa là Phó đoàn 1, Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn thường xuyên tập luyện để đảm bảo 2 suất diễn/1 tuần tại rạp Hồng Hà. Có đêm ít, đêm đông khán giả nhưng Nhà hát vẫn phải đảm bảo buổi diễn đều đặn. Đây vừa là địa chỉ cho những khán giả yêu tuồng, vừa là nơi để các nghệ sĩ trau dồi nghề nghiệp, giữ lửa yêu nghề. Ngoài ra, dự án sân khấu học đường cũng chiếm một khoảng thời gian kha khá của chị. Thế nên, từ đầu năm tới giờ, chị cũng như mọi người trong đoàn đều bận rộn, chưa có thời gian ngơi nghỉ. Hết đi biểu diễn cho các lễ hội ở địa phương lại tới các chương trình nghệ thuật ở Thủ đô. Chị bảo, sự bận rộn ấy cũng là niềm vui, bởi đồng nghĩa với việc thu nhập, đời sống của anh em nghệ sĩ tuồng cũng có cơ hội cải thiện.
Trò chuyện với NSƯT Minh Gái, một điều dễ nhận thấy là tình yêu và niềm tin dành cho nghệ thuật tuồng ở người nghệ sĩ thanh mảnh này luôn mãnh liệt, dù chị đã trải qua hơn 30 năm trong nghề với đủ thăng trầm, vất vả. Từ khi mới chỉ là một cô bé sinh ra ở vùng nông thôn Hoài Đức, Hà Tây (cũ),  Minh Gái đã mang trong mình một tâm hồn mơ mộng, lãng mạn. Đọc truyện và nghe những câu ca điệu hát trên đài phát thanh là niềm say mê của Minh Gái. Tranh thủ những lúc giải lao khi làm đồng, Minh Gái lại thả hồn vào những câu hát trên đài rồi hát lại cho các cô, các bác xem.
Ngày ấy, ở quê, các cô gái mới lớn thường đan lưới để dành tiền mua vàng làm của hồi môn khi lấy chồng nhưng riêng Minh Gái, có được đồng nào chị lại dành mua sách. Khi xã lập đội tuồng, đầu tư sân khấu, âm thanh… Minh Gái được các cô chú chọn vào làm hạt giống văn nghệ. Năm 1979, nhiều nghệ sĩ tuồng nổi tiếng như NSND Mẫn Thu, NSND Bạch Trà, Xuân Yến, Ngọc Bích, Văn Thành… về xã dạy hát tuồng. Không chỉ trực tiếp được các nghệ sĩ lớn dạy hát, Minh Gái còn được nhận vai diễn.
Có một điều đặc biệt là, chẳng hiểu sao, ngày ấy Minh Gái toàn được giao những vai nam như Phi Hùng trong "An Tư công chúa", Giang Tôn Bảo trong "Mộc Quế Anh"… Ngày ngày luyện tuồng, đến dịp hội diễn trên tỉnh, Minh Gái khi thì ngồi vắt vẻo trên yên xe của các cô chú, khi thì ngồi công nông đi dự thi. Khi Nhà hát Tuồng Trung ương tuyển lớp diễn viên mới, Minh Gái đăng ký tham gia. Là học viên lớp dự bị, phải "tiền đóng gạo góp", khác với các bạn được nhà nước bao cấp - đó là động lực để Minh Gái cố gắng hơn. Chỉ một năm sau, Minh Gái vươn lên, trở thành một trong những học viên giỏi của khóa, được cấp học bổng.
Với NSƯT Minh Gái, đó là những tháng ngày học tập vô cùng nghiêm túc. Không chỉ học hát, diễn viên tuồng còn học cả thể thao, nhào lộn, hình thể, múa. Thời khóa biểu hàng ngày cũng kín lịch từ 5h sáng đến 9h tối. Bất kỳ vi phạm nào cũng có thể bị đuổi học. Chính những tháng ngày học tập theo "kỷ luật sắt" ấy đã tạo ra nhiều gương mặt nghệ sĩ tên tuổi của nghệ thuật tuồng sau này như Thu Hương, Hương Thơm, Bích Tần…Và bản thân Minh Gái đã có được một bản lĩnh sân khấu vững vàng. Sau khi tốt nghiệp chị cũng đã có 7 - 8 vai chính, thường xuyên được đi biểu diễn.
Hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật tuồng, NSƯT Minh Gái đã có nhiều vai diễn để đời, được những người yêu nghệ thuật nhắc đến. Chị cũng là nghệ sĩ nhận được nhiều thành tích mà bất kỳ người làm nghệ thuật nào cũng mơ ước. Tuy nhiên, với chị, niềm vui riêng ấy không sánh bằng tình yêu mà khán giả dành cho nghệ thuật tuồng.
Sở trường của NSƯT Minh Gái là những vai có số phận, cá tính đặc biệt như Đào Tam Xuân, Huyền Trân Công chúa, Hồ Nguyệt Cô... Khán giả cũng ấn tượng với chị bởi giọng hát tuồng cao, trong vắt mà chị chia sẻ đó là kết quả của những tháng ngày tập luyện, biểu diễn với micrô treo cao, ai phải có hơi khỏe mới bắt được. Minh Gái nhớ nhất là khi vào vai Hồ Nguyệt Cô để chuẩn bị đi thi tài năng trẻ sân khấu Tuồng. Khi đó, chị vừa trải qua một trận ốm, người rất gầy, yếu. Nhiều đồng nghiệp và bản thân chị khi ấy đã từng nghĩ có khi mình không kham nổi. Chưa kể, nhiều thế hệ nghệ sĩ trước cũng đã rất thành công ở vai diễn này. Nếu không có cá tính riêng sẽ không thoát ra khỏi bóng người đi trước. Nhưng ý nghĩ ấy chỉ thoáng qua rất nhanh. Không có sức luyện tập nhiều, Minh Gái dành thời gian để suy ngẫm, thiết kế các động tác sao cho không tốn sức mà vẫn bộc lộ hết được tâm trạng phức tạp, nhiều cung bậc của Hồ Nguyệt Cô. Và vai diễn Hồ Nguyệt Cô của Minh Gái đã thuyết phục được khán giả bằng ánh mắt đau đớn, sự giằng xé của tâm trạng. Minh Gái diễn trên sân khấu, ở dưới khán giả trầm trồ: "Phải diễn như thế chứ"... Vai diễn xuất sắc này đã mang lại cho Minh Gái Huy chương Vàng tại cuộc thi. Sau Liên hoan, Minh Gái được đích thân Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Trần Hoàn tới thăm. Với bản tính rụt rè, mãi Minh Gái mới dám ra gặp Bộ trưởng.
Ai cũng bảo, ở ngoài đời khác hẳn những vai diễn đầy tâm trạng trên sân khấu. Minh Gái chia sẻ, những vai diễn cá tính là cơ hội để chị trải lòng mình, giải tỏa những nỗi niềm đồng cảm với nhân vật mà đôi khi trong cuộc sống, không phải lúc nào chị cũng có cơ hội giãi bày.
Với một người làm nghệ thuật, vinh quang là điều có thể mọi người đã nhìn thấy nhưng những cay đắng, tủi hờn sau sàn diễn thì không phải ai cũng biết. Không ít lần chị cảm thấy tủi thân khi cùng biểu diễn với nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác mà cát sê cũng như thái độ đón tiếp khác hẳn nhau. Chưa nói tới việc nghệ sĩ tuồng rất vất vả, phải mặc áo giáp nặng tới vài kg, múa võ tới sái cả tay. Tuy vậy, cũng có không ít lần khi chị biểu diễn xong, những khán giả từng "lạnh nhạt" với nghệ sĩ tuồng trước đó đã thành thực thổ lộ: "Không ngờ tuồng lại hay đến thế". Nghe những lời ấy, lắm khi chị rơi nước mắt vì hạnh phúc. Những tủi thân trước đó đã tan biến từ khi nào
Là nghệ sĩ có điều kiện đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới, điều mà NSƯT Minh Gái luôn trăn trở là nghệ thuật tuồng luôn được bạn bè bên ngoài ngưỡng mộ, được ví như đỉnh cao của sân khấu nhưng khán giả trong nước lại thờ ơ. Có những khi biểu diễn ở nước ngoài, các nghệ sĩ ra chào tới 3 lần mà khán giả vẫn đứng vỗ tay chưa chịu về. Cũng chính vì sự trăn trở ấy, NSƯT Minh Gái đã cùng các đồng nghiệp của mình có nhiều thử nghiệm mới. Bên cạnh việc trau dồi các vở tuồng cổ thì nhiều vở tuồng mới cũng ra đời như "Romeo và Juliet", "Ôtenlo", "Giông tố"… Vở "Giấc mộng đêm hè" mà chị và các đồng nghiệp khi sang Mỹ biểu diễn cả tháng trời mà buổi diễn nào cũng đông kín khán giả.
NSƯT Minh Gái được các đồng nghiệp mệnh danh là người nghệ sĩ ngây thơ nhất làng tuồng. Hỏi tại sao chị lại có biệt danh ấy, chị cười bảo: "Tại tính mình ít để ý, chỉ chăm chắm làm nghệ thuật. Đến mức chồng, con mình cũng bảo mình ra đường dễ bị lừa lắm".
Ngay cả khi trở thành nghệ sĩ được nhiều người biết tiếng, có nhiều cơ hội để kiếm tiền, Minh Gái vẫn không mảy may đoái hoài. Chị bảo, chị được như ngày hôm nay là nhờ sự hậu thuẫn rất lớn của gia đình, chồng con. Phu quân của chị là nghệ sĩ cùng đoàn và cũng là mối tình đầu của chị. Hai vợ chồng đều là nghệ sĩ tuồng nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Con được 10 tháng đã phải theo mẹ lưu diễn khắp nơi, ăn uống sinh hoạt thất thường. Đã có thời điểm, mặc dù vừa nhận được giải tài năng trẻ, vậy mà chị vẫn nghĩ tới việc xin đi làm ở khách sạn để kinh tế bớt khó khăn. Nhưng rồi sự động viên của chồng, tình yêu với nghệ thuật tuồng đã giữ chị ở lại với nghề. Để chị yên tâm làm nghệ thuật, anh đã quyết định chuyển từ công việc biểu diễn sang làm âm thanh và sang hẳn đoàn khác để lịch công tác của hai người không trùng nhau. Có thời gian, anh vừa làm công việc chuyên môn vừa tranh thủ may áo kiếm tiền trang trải cho cuộc sống... Chỉ cần nhớ lại những chuyện ấy, với chị đã không có lý do gì để chị phụ bạc với tuồng hay sa vào cám dỗ nào. Chị cũng cười bảo: "Từ ngày bước vào công việc quản lý, mình tập tỉnh táo và bớt ngây thơ hơn rồi. Những việc liên quan tới đời sống của anh chị em nghệ sĩ thì không thể lơ mơ được".
Khi ngồi trò chuyện cùng tôi cũng là thời điểm NSƯT Minh Gái nhận được tin vui chị sắp được phong tặng danh hiệu NSND. Chị bảo, đây thực sự là niềm vui quá lớn đối với chị. Còn tôi lại nghĩ, đó là phần thưởng xứng đáng cho những nghệ sĩ đã dũng cảm cống hiến hết mình cho nghệ thuật truyền thống, như chị.

Thảo Duyên

No comments:

Post a Comment