Đặc biệt, tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã quan tâm đến vấn đề cơ chế - chính sách cho báo chí văn nghệ trong bối cảnh hiện nay với các đề tài: Tạp chí văn học trong bối cảnh kinh tế thị trường; Thực trạng hoạt động của tạp chí Văn nghệ hiện nay, một vài kiến nghị; Đôi điều về hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động của báo chí văn nghệ; Cơ chế chính sách - một yêu tố thúc đẩy hiệu quả của báo chí văn nghệ… Các tham luận đã nêu những khó khăn của báo chí văn nghệ, đó là vấn đề thiếu hụt tài chính nên việc thu hút cộng tác viên với nhiều bài viết hay còn hạn chế, cũng như việc chi trả nhuận bút của báo chí văn nghệ còn quá thấp, lương của những người làm báo không đủ sống nên không chuyên tâm với nghề. Những vấn đề đó là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của những tờ báo - tạp chí văn nghệ hiện nay.
Nhân sự kiện này
VNT xin giới thiệu tham luận của nhà văn Nguyễn Trí Huân – Tổng biên tập tờ báo
Văn nghệ, một trong những tham luận thu hút được sự quan tâm đặc biệt của báo
chí cũng như của các đại biểu về tham dự Hội nghị.
_________________________________
Hướng dẫn thẩm mỹ cho công chúng -Nhiệm vụ hàng đầu
của báo chí Văn nghệ
Cách đây không lâu, tôi được tham dự một cuộc hội thảo quan
trọng do Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương phối hợp với
Hội nhà văn Việt Nam tổ chức nhằm nâng cao chất lượng phê bình văn học. Một
cuội hội thảo bổ ích và hiệu quả vì nó tập trung vào việc tìm ra các giải pháp
mà ít đi sâu mổ xẻ thực trạng bởi thực trạng là vấn đề mà ai cũng hiểu nó đang
yếu kém, thiếu sinh khí, thiếu chuẩn mực và vô cảm trước đời sống văn học.
Ở hội nghị báo chí Văn nghệ toàn quốc lần này, tôi nghĩ vấn
đề mà chúng ta cần quan tâm, trao đổi cũng vẫn là việc tìm ra các giải pháp để
nâng cao chất lượng, vị thế của báo chí Văn nghệ trước sự phát triển của các
phương tiện truyền thông, các phương tiện nghe nhìn và đặc biệt là các trang
báo mạng.
Đã có đôi lúc, tôi thử đặt ra một giả thiết, nếu như tất cả
các báo chí Văn nghệ, vì một lý do nào đó đột ngột phải đình bản, “biến mất”
khỏi thị trường báo chí thì đời sống tinh thần, sự tiếp nhận văn hóa, văn nghệ
của xã hội sẽ ra sao. Chắc chắn sẽ không có gì biến động xảy ra tức thời, nhưng
lâu dài sẽ là một lỗ thủng lớn. Có một nhà văn hóa nước ngoài nói rằng, chỉ cần
nhìn vào đời sống văn học, nghệ thuật của một quốc gia, có thể đo được sức khỏe
tinh thần của quốc gia đó.
Nhưng phải làm gì và làm như thế nào để “sự biến mất” ấy
không xảy ra vì thực tế, “sự biến mất” đã diễn ra, đang diễn ra chậm chạp và
đầy bất trắc đối với số đông độc giả. Sự quay lưng lại với báo chí Văn học nghệ
thuật là điều có thực, đẩy chúng ta vào một tình thế nguy hiểm, liên quan đến
sự sống còn, ngay cả đối với những tờ báo có bề dày truyền thống 60, 70 năm như
tờ báo Văn nghệ của chúng tôi.
Nhưng trước khi tìm ra các giải pháp, chúng ta cần chỉ ra
những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “biến mất” đó. Theo tôi có bốn nguyên nhân
chính:
Thứ nhất, báo chí của chúng ta nguội. Vì là
báo tuần, tạp chí tháng nên chúng ta không cập nhật được những vấn đề nổi cộm,
nóng bỏng của xã hội. Nhiều sự kiện chúng ta đang loay hoay phản ánh, tìm lời
giải thì đã có kết luận, đã có đáp án. Chúng ta chưa biết khai thác thế mạnh của
loại hình mà chúng ta đang sử dụng, đó là ý nghĩa nhân văn là chiều sâu của các
sự kiện, đó là chất lượng tác phẩm văn chương chứ không chỉ đơn thuần là các
bài ghi chép và tường thuật. Khi tham gia vào lĩnh vực này, chúng ta đều rơi
vào tình trạng lặp lại. Ví dụ như vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng chẳng
hạn. Lúc chúng ta đưa được sự việc trên lên mặt báo thì sự việc đã kết thúc. Do
đó, đối với báo chí Văn nghệ, chỉ có thể phân tích, lý giải, rút ra những ý
nghĩa, hệ quả của sự kiện chứ không thể theo sát diễn biến của sự kiện. Chúng
ta chỉ có thể cập nhật những vấn đề mang tính thời sự chứ không thể cập nhật
những diễn biến thời sự như báo ngày, báo mạng.
Thứ hai, đội ngũ cán bộ quản lý, biên tập,
phóng viên của các tờ báo, tạp chí Văn nghệ quá mỏng nếu không nói là chưa thật
tinh luyện về nghề nghiệp. Hầu hết những nhà quản lý hơn 60 tờ báo, tạp chí văn
nghệ trong cả nước đều là các nhà văn. Họ viết văn hay nhưng làm báo, đặc biệt
là nghệ thuật làm báo thì yếu. Các phóng viên, biên tập viên thiếu được đào tạo
cơ bản mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Sự thiếu hụt trên dẫn đến việc các tờ
báo, tạp chí Văn nghệ na ná như nhau, rất thiếu bản sắc riêng của từng vùng
đất, do đó phạm vi ảnh hưởng của những tờ tạp chí địa phương, không vượt khỏi
địa giới hành chính mà nó đảm nhiệm.
Thứ ba, chất lượng bài vở, sáng tác của các
tờ báo, tạp chí văn nghệ chưa cao, không góp phần định hướng thẩm mỹ cho công
chúng mà theo chúng tôi, định hướng thẩm mỹ cho công chúng là chức năng hàng
đầu của báo chí Văn nghệ. Chúng ta còn né tránh những vấn đề nhạy cảm, ngại phê
phán những quan điểm sai trái của đồng nghiệp. Đối với những tác phẩm xấu,
chệch hướng về tư tưởng, non yếu về nghệ thuật chúng ta cũng dè dặt “kính nhi
viễn chi”. Nếu có đề cập đến thì cũng đi đường vòng với một biện hộ: Tốt nhất
là đừng động đến nó, nếu không sẽ lại quảng cáo không công cho nó. Đây cũng là
vấn đề được cuộc hội thảo về phê bình văn học mà tôi đã nhắc đến ở trên đã phân
tích, lý giải hết sức thấu đáo.
Thứ tư, tình hình tài chính của báo chí Văn
nghệ, ngoại trừ VNQĐ và VNCA, luôn luôn ở tình trạng khó khăn. Nhuận bút thấp
ảnh hưởng tới việc thu hút các tác giả có uy tín dẫn đến số lượng phát hành
thấp. Thấp nên không có quảng cáo… Đó là cái vòng luẩn quẩn mà báo chí văn nghệ
đang phải đối diện từng ngày, từng số báo.
Trên đây là những nguyên nhân chính, đe dọa sự “biến mất”
của báo chí văn nghệ. Để báo chí văn nghệ có thể phát triển, lấy lại được vị
thế của những năm 60, 70 của thế kỷ trước, theo tôi, cần có những giải pháp
thật cụ thể.
Thứ nhất, cần “tái cơ cấu” báo chí Văn nghệ, nói
theo cách nói của các nhà kinh tế. Tái cơ cấu hình thức, nội dung, bố cục, xác
định mối quan hệ giữa số chính, số phụ, số trang, giá bán. Ngay cả việc có cần
quá nhiều báo chí văn nghệ như hiện thời không cũng là vấn đề mà các cơ quan
quản lý Nhà nước, các cơ quan chủ quản cần lưu ý xem xét. Ví dụ, Hội Nhà văn
Việt nam hiện có 2 tờ báo, Văn nghệ và phụ san Văn nghệ Trẻ, có 4
tờ tạp chí: Nhà Văn, Thơ, Văn học nước ngoài, Hồn Việt. Liệu có thể nhập
lại cho gọn hơn được không.
Thứ hai, báo chí Văn nghệ nằm trong hệ thống báo chí
của Đảng, vì thế việc tuyên truyền, bảo vệ đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng
là một trong những nhiệm vụ then chốt. Theo tôi có 2 việc cần làm ngay:
- Đổi mới phương thức phản ánh, tuyên truyền cuộc vận động
học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cần tránh lối phản ánh mòn,
cũ, thiếu sức thuyết phục. Đã đến lúc lấy việc tuyên truyền tấm gương “làm
theo” là chính. Một người lính, một trí thức, một doanh nhân có những đóng góp
lớn đều được khởi đầu từ việc học Bác, làm theo Bác. Bài viết hay, sẽ có tác
dụng lớn.
- Tham gia tích cực hơn nữa vào lĩnh vực chống quan điểm
sai trái trong văn học nghệ thuật, chống những tư tưởng thù địch từ bên ngoài.
Cần tạo thành diễn đàn cho các văn nghệ sĩ, trí thức và công chúng tham gia.
Đây là một lĩnh vực khó, nhạy cảm, ít người viết, dễ biến thành con dao hai
lưỡi. Nếu phải đầu tư tài chính cho người viết thì có lẽ đây là lĩnh vực cần
đầu tư nhiều nhất.
Thứ ba, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin
Truyền thông và Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT cần tổ chức những lớp bồi dưỡng
nghiệp vụ cho các phóng viên, biên tập báo chí Văn nghệ, báo giấy và báo mạng,
báo nói và báo hình để chấm dứt tình trạng lệch chuẩn trong đánh giá, thẩm định
các giá trị VHNT. Tôi xin nhắc lại quan niệm của chúng tôi, định hướng thẩm mỹ
là nhiệm vụ hàng đầu của báo chí Văn nghệ. Người làm báo non chuẩn, thiếu chuẩn
thì không thể giúp gì trong việc định chuẩn cho người đọc.
Thứ tư, hầu hết các báo, tạp chí Văn nghệ cơ quan
chủ quản đều là các hội chuyên ngành, các hội VHNT tỉnh và thành phố, được
Chính phủ xác định là các cơ quan mang tính đặc thù. Do đó, báo chí Văn nghệ
cũng cần được hưởng quy chế, chính sách mang tính đặc thù: Được sự hỗ trợ của
Nhà nước về tài chính, được hưởng chính sách ưu đãi về thuế, về chế độ nhuận
bút. Không có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, báo chí Văn nghệ không thể hoàn
thành được nhiệm vụ. Đây là giải pháp của mọi giải pháp. Cách đây mấy năm, tôi
được tháp tùng một ông Phó chủ tịch HNV Trung Quốc đi Hạ Long; khi biết tôi phụ
trách báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, ông hỏi mỗi năm Nhà nước tài trợ
cho báo bao nhiêu. Ông rất ngạc nhiên khi câu trả lời của tôi là không. Ông cho
biết, tờ báo Văn nghệ của HNV Trung quốc được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoàn
toàn. Được hỗ trợ kinh phí nhưng tờ báo này cũng chỉ xuất bản 25 ngàn số mỗi
kỳ. 25 ngàn số cho hơn 1 tỷ dân. Phải chăng điều này cũng đang mong manh
dự báo về sự “biến mất” của một tờ báo văn nghệ của một cường quốc văn học.
Tôi đến từ báo Văn nghệ, từ Hội Nhà văn Việt Nam. Tờ báo
của chúng tôi đang đứng trước những khó khăn lớn về chất lượng, về nội dung, về
tài chính.
Tôi hy vọng ở hội nghị này sẽ tìm được những điều mà mình
đang đi tìm lời giải cho một câu hỏi, liệu mai ngày khi số người đọc báo mạng
tăng qua số 25 triệu hiện thời, số phận của báo giấy, đặc biệt là báo chí Văn
nghệ sẽ ra sao. Tôi mong nhận được sự chỉ đạo từ các cơ quan quản lý của Đảng
và Nhà nước, sự chia sẻ từ các báo bạn và bạn đồng nghiệp.
NGUYỄN TRÍ HUÂN
Gì chứ báo Văn Nghệ khó khăn về chất lượng, nội dung đã từ thời Hữu Thỉnh làm TBT đến giờ chứ đâu có gì mới. Mà khó khăn chất lượng + nội dung => khó khăn tài chính là tất yếu
ReplyDeleteKhó khăn không từ trên trời rơi xuống, cũng không từ dưới đất chui lên,càng không do các "thế lực thù đich", vậy do chính các ông làm báo Văn nghệ mà thôi.
ReplyDeleteBáo Văn nghệ liệu có dám đồi mới như hồi ông Nguyên Ngọc làm TBT không?
ReplyDeleteChắc là không! Vì ông Huân còn nói: "Đổi mới phương thức phản ánh, tuyên truyền cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cần tránh lối phản ánh mòn, cũ, thiếu sức thuyết phục. Đã đến lúc lấy việc tuyên truyền tấm gương “làm theo” là chính." và "Tham gia tích cực hơn nữa vào lĩnh vực chống quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật, chống những tư tưởng thù địch từ bên ngoài"...
thì cái sự ăn theo nói leo, viết nhạt, minh họa sẽ còn tồn tại... vậy thì chắc chắn Văn nghệ sẽ có ngày khai tử
Thủ phạm số 1: sự hèn hạ và thủ đoạn của Hữu Thỉnh!
ReplyDelete