.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, May 10, 2012

NHÀ THƠ CHỬ VĂN LONG – THI SĨ CỦA NHỮNG NGƯỜI CHÂN ĐẤT

Rất có thể ông Trần Văn Lý sẽ là một cây bút phê bình văn học ít được người đời biết tới nếu như không từng có lần ông gây "ồn" dư luận bởi một nhận định hết sức táo bạo: Xếp Chử Văn Long vào danh sách 5 nhà thơ lớn nhất Việt Nam thế kỷ XX, bao gồm: Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Chử  Văn Long (Chử  Văn Long chứ không phải Chế Lan Viên).

Vẫn biết, việc sắp xếp ngôi vị trong làng văn hoàn toàn là quyền riêng của mỗi người, chẳng ai cấm đoán được ai, song cách sắp xếp nói trên của ông Trần Văn Lý - cho đứng "chung hàng" với các đấng bậc như Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Tố Hữu một người mà sức ảnh hưởng xã hội còn "khiêm tốn" hơn rất nhiều, và về tuổi tác lại chỉ thuộc hàng con cháu của họ thì quả là không được thuận chiều cho lắm. Nó không chỉ gây bất lợi cho ông Trần Văn Lý mà còn gây cho người mà ông cổ súy (cụ thể ở đây là nhà thơ Chử Văn Long) những mối bận tâm không đáng có.
Thực tế, sau khi cuốn sách "Cảm nhận thi ca" của ông Trần Văn Lý ra đời (sách do NXB Văn học ấn hành năm 1999), đã có nhiều lời tỉa tói nhằm vào nhà thơ Chử Văn Long. Thậm chí, trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một tác giả còn quăng ra những lời thóa mạ, xúc xiểm nặng nề: "Không thể là nhốt một con đại bàng, một con phượng hoàng cùng với vài ba chú gà què chuyên ăn quẩn cối xay", khiến Chử Văn Long phải bức xúc viết thư ngỏ buộc tác giả nọ chứng minh "Ai trong những nhà thơ nói trên đã làm điều gì không tốt đẹp với đất nước này".
Không rõ từ cơ sở nào dẫn ông Trần Văn Lý tới cách sắp xếp trên, song tôi tin ông Lý là một fan của nhà thơ Chử Văn Long, cũng như tôi tin tiếng thơ của Chử Văn Long không phải không có sức hấp dẫn đối với những độc giả chân lấm tay bùn nếu họ có dịp tiếp xúc với thơ anh. Bài "Con ngựa buộc bên rào" được chú ý một thời chính bởi đã nói lên nỗi xốn xang yêu đời, một cách tán tỉnh vừa dân dã, vừa ý nhị của một chàng thi sĩ xuất thân là "trai quê":
Con ngựa buộc bên hàng rào
Cỗ xe cũng nằm cạnh đó
Cô em ở trong cửa sổ
Ngựa ai đã thắng yên cương. 
Mùa xuân đi dạo trên đường
Tôi qua trước nhà em ở
Chỉ tại cái gốc cây bàng
Mà tôi ghé vào bên cửa
Sau nữa tại vì con ngựa
Yên cương đã sắp sẵn rồi
Nên tôi muốn được em ngồi
Để tôi đánh xe rong ruổi… 
Lẽ nào cô em từ chối
Ngựa xe thì đã sẵn sàng
Và buổi chiều nay đẹp thế
Lòng nào không thấy xốn xang.
Khác với Nguyễn Bính, Chử Văn Long không trực tiếp lên tiếng kêu gọi con người quay về với sự "chân quê", song anh luôn thể hiện sự tự hào về gốc gác "nhà quê" của mình. Bài "Khúc hát đồng quê" của anh mở đầu bằng câu: "Anh hát em nghe khúc hát đồng quê/ Cho lắng lại vui buồn muôn thuở…". Bài "Tôi sống giữa những người chân đất" mở đầu bằng câu: "Tôi sống giữa những người chân đất/ Những người của nắng mưa thấm đẫm vui buồn/ Cả khi có dép rồi họ vẫn thích đi chân đất/ Chân đất đã quen, chân đất tự do hơn". Thông qua bài "Người dưng", anh muốn thể hiện nỗi đồng cảm sâu xa với những người chân lấm tay bùn sớm hôm tần tảo: "Người dưng gắn bó gì tôi/ Sao tôi thương giọt mồ hôi đầm đìa/ Suốt đời dậy sớm thức khuya/ Dáng đi chân vịt, chân le trên đường".
Thật đúng là thơ viết cho mình, cho người thân của mình, đọc lên nghe xót xa gan ruột. Nào ai dám nghĩ cái "Dáng đi chân vịt, chân le trên đường" ấy không gợi hình bóng tổ tiên, ông bà cha mẹ mình trong cuộc vật lộn mưu sinh vất vả bao đời nay? Nếu tác giả không thực sự "sống giữa những người chân đất", sẽ khó mà có được những câu thơ ngùi ngẫm, thấm thía đến vậy, cũng như khó có thể thốt lên được một câu hỏi đầy trắc ẩn: "Hỡi người dưng của tôi ơi/ Sao tôi không thể cùng người dửng dưng…"?
Ở trên tôi đã nhắc tới các bài "Con ngựa buộc bên rào", "Người dưng". Cùng với bài "Người gánh rơm đi vào thành phố" (giải nhì cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1981), đó là những thi phẩm ít nhiều từng được bạn đọc nhắc tới và góp phần làm nên tên tuổi Chử Văn Long. Ở đây, tôi xin dành thời gian nhiều hơn để nói về một bài thơ tuy ít được người đời để mắt tới nhưng theo tôi, đó mới chính là bài thơ hay nhất của Chử Văn Long. Bài thơ có tên "Mùa xuân chim én". Mở đầu bài thơ là một không khí sông nước rất khơi gợi:
Từng đàn chim én bay về
Mùa xuân bắt đầu trên sóng
Đố ai cầm được lòng mình
Mở với trời xuân cao rộng
Trước đây, trong thơ Nguyễn Duy từng có hình ảnh con chim lao nhanh như tên bắn (Con chim chả bắn mũi tên xanh biếc). Như vậy, Chử Văn Long không phải là người đầu tiên có liên tưởng những cánh chim (cụ thể ở đây là cánh én) vút lên trời xanh như những mũi tên, song bức tranh sau đây vẫn rất sống động, có sức hút đặc biệt:
Như là hàng ngàn mũi tên
Bắn lên vòm xanh thiêm thiếp
Nhưng không làm ai bị thương
Ở giữa mùa xuân tuyệt đẹp
Không chỉ cánh én trên trời, mà những con đò hờ hững thả mình dưới bến sông trong những ngày đông lạnh giá nay cũng muốn hòa theo cánh én mà lắc mình chao liệng chào xuân:
Bến sông vắng vẻ mọi ngày
Những con đò nằm mỏi mệt
Giờ nhìn theo cánh én bay
Như cũng lắc mình chao liệng.
Xuân đến với cảnh vật, rồi xuân đến với lòng người. Lại một lần nữa, tác giả đưa hình ảnh người nông dân "áo thô chân đất" xuất hiện giữa bức tranh thơ, bên cảnh bãi bờ ven sông sau mùa lũ, một hình ảnh rất đẹp và rất gợi. Ở đây, ta thấy niềm yêu thương trân trọng, sự thủy chung nhất mực của tác giả đối với những người lao động - anh muốn cho họ tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên trong những thời khắc chuyển mùa:
Bãi bờ sau mùa lũ ngập
Cờ ngô vẫy gió như rừng
Hỡi người áo thô chân đất
Qua đây lòng có rưng rưng.
Biết bao nhiêu nỗi xốn xang gợi lên từ hình ảnh cờ ngô vẫy gió, từ hình ảnh người nông dân "áo thô chân đất" phút thư thả đi thăm đồng bãi, nhìn trời ngắm đất mà rưng rưng, mà thấy mát gan mát ruột trước thành quả lao động của mình…
Tuy nhiên, nếu bài thơ được khép lại chỉ bằng những hình ảnh đó thôi thì sức hàm chứa của nó không lớn. Bài thơ đơn thuần cũng chỉ như một bức tranh xinh xắn, khơi gợi, được "vẽ" bằng một họa sĩ "khéo tay hay mắt". Nó mở rộng về không gian nhưng không có chiều sâu, sức nặng về thời gian. Với bốn câu kết chuyển mạch hết sức bất ngờ:
Nhưng rồi bỗng dưng vô cớ
Buồn theo trời nước mênh mang
Có con én nào năm trước
Năm nay vắng mặt trong đàn!
tác giả đã khiến người đọc không khỏi bùi ngùi. Không phải chỉ thương cho một cánh én nào đó đã không còn cơ hội xuất hiện cùng đàn, mà họ còn liên tưởng và thương cho những kiếp người đã rơi rụng dần mỗi độ xuân sang. Trời đất quay vòng nhưng trong vòng quay nghiệt ngã ấy, có phải ai cũng đủ sức bám trụ được đâu. Với khổ thơ này, tầm vóc của bài thơ được nâng lên nhiều. Nó đằm triết lý nhân sinh. Hãy cùng nghĩ lại về bài thơ "Sông Lấp" của cụ Tú Xương. Cái đặc sắc nhất, thể hiện tầm vóc nhất của bài thơ đâu phải ở những câu "Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai" mà chính là ở mấy câu: "Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò" đấy chứ. Bài thơ "Mùa xuân chim én" của Chử Văn Long, chỗ "sáng giá" nhất chính là khổ thơ cuối, thậm chí là ở hai câu kết: "Có con én nào năm trước/ Năm nay vắng mặt trong đàn". Chính cái cảm giác về sự "vắng mặt" ấy đã khiến người đọc thấy hiện diện đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất chân dung nhân cách của tác giả.
Mặc dù tiếng thơ Chử Văn Long có những nét hồn hậu, đáng yêu, và trong chừng mực nào đó anh cũng là nhà thơ có độc giả, song sòng phẳng mà nói, sự quá ư… thật thà của anh trong cách thể hiện suy nghĩ, cảm xúc ở nhiều bài thơ đã khiến anh dễ bị bạn bè trong giới… xem thường về "tay nghề", vì thế mà phần đặc sắc của anh nhiều khi đã bị "phủ lấp" một cách oan uổng. Đọc thơ Chử Văn Long, ta thấy rất nhiều câu được diễn đạt dễ dãi theo kiểu: "Làm thơ giờ sống ra sao/ Chẳng còn nhà xuất bản nào chịu in" (bài "Làm thơ giờ sống ra sao"), nghe như… vè vậy. Đấy là những bài anh giãi bày tình cảm. Ở những bài anh ngẫm nghĩ về thế sự, bàn luận về các đề tài liên quan đến những lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, càng thấy anh hổng hểnh về kiến thức, "quê mùa" trong cách phân tích, đặt vấn đề…
Trở lại với nhận xét ban đầu về phản ứng của một số người viết xung quanh việc ông Trần Văn Lý xếp nhà thơ Chử Văn Long đứng ngang hàng cùng các nhà thơ Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Tố Hữu. Theo tôi nghĩ, không phải những nhà thơ trên không từng có những bài xoàng xĩnh, thậm chí ở mức vè như Chử Văn Long đã viết, song những bài thơ hay của họ luôn thể hiện ở tác giả một tay nghề điêu luyện, một bút pháp cao cường (không như Chử Văn Long, ngay ở những bài thơ hay nhất của anh vẫn độn những câu, những chữ xoàng xĩnh, như mấy chữ "tuyệt đẹp" trong bài "Mùa xuân chim én").
Tất nhiên, không nên vì những hạn chế ấy mà ta để buột rơi những vần thơ giàu cảm xúc của Chử Văn Long…
Viết lần đầu năm 1993, bổ sung và hoàn chỉnh ngày 10/4/2012.

Phạm Khải

No comments:

Post a Comment