.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, May 6, 2012

TÔI MUỐN CHƠI THƠ PHÁP “SỐNG”…


Với tôi dịch thơ cũng là sáng tác. Có những câu thơ của bạn đi vào mình thật nhẹ và lúc đi ra thì thành thơ của mình rồi, êm như không. Sướng gì bằng! Hay cũng có thể đó là những giây phút bắt gặp chính mình trong một văn tự khác? “Gió sập chân trời về phía chúng ta” là thơ Hoàng Hưng hay thơ Henri Deluy? Có lẽ nói cho đúng là thơ Deluy theo giọng Hoàng Hưng. Ngược lại, có những bài thơ hấp dẫn tôi vì sự khác lạ. Dịch, khi ấy là cuộc khám phá đầy kích thích. Còn khi phải đánh vật hàng chục thậm chí hàng trăm lần với một chữ, một câu, cũng có cái sướng của sự đương đầu.

Với thơ Pháp tôi duyên nợ ngay từ thuở ngồi trong lớp nhất trường Hàng Than. Giờ Pháp văn nào cũng lén dịch nhũng bài thơ nho nhỏ trong quyển Livre Unique, có cả thơ Hugo. Bẵng đến hồi 30 tuổi mới nối duyên bằng Apollinaire, Eluard, Prévert... Nhưng cũng toàn là chơi với các hương hồn. Phải đợi gần đây, nhờ sự giao lưu cởi mở của ta với bên ngoài, tôi mới có cơ hội chơi với thơ Pháp “sống”.

Thơ Pháp hiện nay có bao nhiêu trường phái? Không có trường phái nào và có một trăm trường phái. Sau những cuộc cách mạng, sau những thứ chủ nghĩa, mấy chục năm nay thơ Pháp là sự chung sống của mọi quan niệm thơ có thể có trên đời, của mọi kiểu cách tân có thể nghĩ ra được. Có lẽ đó là điều khó nhất khi phải chọn số tác giả cho một tuyển tập thơ Pháp hôm nay. Mặc dù chỉ cố ý tập trung giới thiệu những nhà thơ xuất hiện từ cuối những năm 60, nghĩa là đồng thời với thế hệ mình, tôi cũng không thể dừng dưới con số 79.

Báo chí Pháp không in thơ, truyền hình Pháp không đọc thơ, người Pháp bình thường không biết tên các nhà thơ đương thời (họ chỉ biết từ Prévert và một số nhà thơ của những năm 40-50 - về trước). Tuy nhiên, nhà thơ Henri Deluy cho tôi biết: hiện nay có 50.000 người Pháp thường xuyên làm thơ, và mỗi ngày có 10 tập thơ ra đời, tất nhiên đại bộ phận là tự bỏ tiền túi ra in. Vậy có nghĩa là thơ trở thành một hoạt động giải trí có tính cá nhân thuần túy, ai làm nấy đọc, chẳng cần biết đến thơ người khác? Thế nhưng, mặt khác, hoạt động thơ chuyên nghiệp lại được duy trì ở mức độ rất cao. Vài chục tạp chí chuyên về thơ, bàn chuyện triết học mỹ học, bếp núc nghề thơ, trong đó có những tạp chí như “Action Poétique” (Hành động Thơ) đã có năm mươi năm lịch sử. Có cả một tờ “báo thơ” thông tin thời sự thơ hàng tháng (tờ “Aujourd'hui Poème”, tức “Hôm nay Thơ”, khuôn khổ như tờ báo Văn Nghệ của ta). Những tạp chí “kiêu” như thế, cũng như những tập thơ của các nhà thơ đã định danh, bất kể làm thơ kiểu gì, đều được tài trợ in ấn của Bộ Văn hoá Pháp thông qua Trung tâm Sách Quốc gia. Một ấn tượng khá mạnh đối với tôi là sự hăng say bền bỉ của các nhà thơ chuyên nghiệp Pháp đối với thơ mặc cho xã hội ngoảnh mặt. Có trên dưới 100 nhà thơ trên 60 tuổi đang hoạt động trong nền thơ Pháp, và có thể nói họ vẫn là lực lượng chủ lực. Mấy nhà thơ mà tôi có quan hệ nhiều trong công việc đều ở lứa tuổi này. Người nào cũng còn nhanh nhẹn, năng nổ. Ai cũng có hàng chục tập thơ, hàng chục đầu sách khác: dịch, tiểu luận, làm tuyển tập. Ai cũng “xê dịch” thường xuyên trong và ngoài nước. Và ai cũng có những công việc hàng ngày liên quan đến thơ, văn. Ông Michel Deguy là Hiệu trưởng trường Triết, giám đốc tạp chí thơ “Po&sie”, ngoài 70 tuổi, chuyên di chuyển bằng xe đạp, vẫn tính toán từng giờ phút làm việc. Còn ông Henri Deluy là người sáng lập tạp chí “Action Poétique” cùng nhóm thơ trẻ khuynh tả ở Marseille 50 năm trước, rồi tiến về thủ đô, là người tham dự và thúc đẩy hầu hết những nỗ lực cách tân hiện đại của thơ Pháp nửa thế kỷ qua. Tôi có dịp chứng kiến cuộc tranh luận sôi nổi giữa người Cộng Sản 70 tuổi này với một trí thức Việt kiều về lý tưởng sống trong thời đại hiện nay, sôi nổi không kém khi ông nói về cuộc đấu tranh chống lại “cái cũ” trong thơ, từ lối tình cảm tràn trề tàn dư của chủ nghĩa lãng mạn cho đến sự lạm dụng hình ảnh phi lý ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực. Và cũng như sự say mê của ông khi bàn về ẩm thực. Ông đi rất nhiều nước, giới thiệu thơ của nhiều dân tộc, cũng như món ăn của họ (mỗi số tạp chí của ông đều có bài ông viết về cách chế biến một món ăn lạ; có điều không hiểu tại sao riêng thơ VN và món ăn VN thì ông chưa biết, mặc dù thời trẻ ông và các đồng chí của mình đã tham gia đấu tranh rất hăng chống chiến tranh thực dân, ủng hộ VN!) Hơn mười năm nay, Henri Deluy còn vận động được chính quyền do phái tả lãnh đạo ở tỉnh Val-de-Marne (ngoại vi Paris) bảo trợ một Liên hoan Thơ Quốc tế hai năm một lần.

Tờ báo “Aujourd'hui Poème” số gần đây công bố một dự án phát động trong năm 2002 cuộc cách mạng về nhận thức vai trò xã hội của thơ trong thế kỷ 21, “với tinh thần của sự kiện đã sinh ra cuộc Cách mạng 1789” (!). Họ tuyên bố: “Vai trò chất men tượng trưng của thơ cuối cùng phải có chỗ trong lòng cơ cấu xã hội. Cái giá trị lừng danh của tự do, cái đã làm nên nền dân chủ, có thể đạt được tầm văn hóa đích thực của nó với thế kỷ 21... Thuộc về các nhà thơ sứ mệnh gióng lên tiếng nói của Lý tưởng và Hy vọng.”

Thực hiện hoài vọng của mình, các nhà thơ Pháp trông cậy nhiều vào nhà trường. Trong khi chương trình giáo khoa văn học của Pháp không có chỗ cho thơ đương đại, các nhà thơ phải tự tìm mọi cơ hội “xông” vào trường học. “Maison des Ecrivains” (Nhà của các Nhà văn), một hội đoàn có uy tín nhất của các nhà văn Pháp, hàng năm tổ chức hàng trăm buổi giao lưu trong các trường. Liên hoan Thơ Quốc tế Val-de-Marne lần thứ sáu vừa qua (năm 2001) có sáng kiến gặp gỡ 500 học sinh trung học, trong đó các em nghe các nhà thơ và đọc những bài thơ do chính các em sáng tác, dịch.

Chẳng cứ ở Pháp, bây giờ ở đâu người ta cũng bảo thơ chết rồi hoặc sắp chết. Thì đây là tuyên ngôn của Julien Blaine, một nhà thơ lớn tuổi nhưng nổi tiếng “quậy”, chuyên làm trò “performance” (trình diễn) thơ:

Thơ vĩnh viễn
chết...
và mỗi kẻ đến lại thu hồi
cái xác,
lắc,
vuốt ve hay bạt tai,
ôm chặt và xuyên vào ả

Vậy là kẻ đến
làm thơ sống lại

(Các nhà thơ Pháp cuối thế kỷ XX – NXB Hội Nhà Văn 2002; báo Văn hóa Thể thao 2002)

HOÀNG HƯNG

No comments:

Post a Comment