.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, May 12, 2012

PGS TS NGUYỄN HỮU SƠN: NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI THƠ MỚI BÀN VỀ THƠ HÀN MẶC TỬ

(Toquoc)- Tiếp nối sau Tản Đà (1889-1939), chắc chắn Hàn Mặc Tử (1912-1940) là người được giới phê bình đương thời luận bàn nhiều nhất và cũng được xem là hiện tượng phức tạp nhất.
Với bút hiệu Phong Trần và Lệ Thanh, mới từ 16 tuổi thi sĩ đã có thơ in báo. Nghiệm sinh 28 năm trên cõi đời, Hàn Mặc Tử đã trải khắp các vùng đất Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quy Nhơn - Bình Định, Sài Gòn và có thơ in trên các báo Phụ nữ tân văn, Thực nghiệp dân báo, Tiếng dân, Sài Gòn, Công luận, Trong khuê phòng, Tiểu thuyết thứ Năm, Đông Dương tuần báo, Người mới và có bài thơ xướng họa Chuyến đò ngang in trong tập Một tấm lòng (1939) của Quách Tấn. Khi còn tại thế, Hàn Mặc Tử mới chỉ in có một tập Gái quê (1936).
Sau khi Hàn Mặc Tử qua đời, kịp ngay đương thời Thơ mới, thi sĩ còn được bạn bè chọn in hai tập: Thơ Hàn Mặc Tử (Quách Tấn và Chế Lan Viên sưu tập. NXB Đông Phương, Sài Gòn, 1942), Chơi giữa mùa trăng (Thơ - văn xuôi. NXB Ngày nay, H., 1944) và một số thơ khác được Trần Thanh Mại dẫn lại trong tập truyện ký Hàn Mặc Tử (Võ Doãn Mại xuất bản, Huế, 1942)… Giữa đương thời Thơ mới đã có nhiều bạn thơ và giới phê bình như Phạm Văn Ký, Trần Thanh Địch, Bích Khê, Trọng Miên, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Trần Tái Phùng, Hoài Thanh - Hoài Chân, Trần Thanh Mại, Hoàng Diệp, Vũ Ngọc Phan, Kiều Thanh Quế… cùng viết về đời và thơ Hàn Mặc Tử. Xin lưu ý, chúng tôi ghi danh thi nhân là Hàn Mặc Tử nhưng với nguồn tài liệu người đương thời lại ghi Hàn Mạc Tử thì xin vẫn dẫn tên tác giả theo nguyên văn.
Đến nay chúng tôi chưa sưu tập được bài tựa của Phạm Văn Ký trong tập Gái quê của Hàn Mặc Tử nhưng ở mục Điểm sách báo trên báo Sông Hương (số 15, ra ngày 7-11-1936) có giới thiệu chi tiết:
Gái quê - Một tập thơ dày gần 50 trang của Hàn Mặc Tử soạn, in đẹp, giá 0$35, có Phạm Văn Ký đề tựa.
Chúng tôi đọc qua thấy như trong tập thơ nầy có nhiều bài được lắm. Đợi xem xong sẽ có bài phê bình.
Trong bài của ông Phạm Văn Ký có câu rằng: “Với tập Gái quê, ông Hàn Mặc Tử sẽ chiếm một chỗ ngồi rất vững trong làng thơ, và tôi chắc, tương lai còn hứa cho ông nhiều cái rực rỡ nữa”…
Lời kỳ vọng ấy đã ra từ miệng ông Phạm Văn Ký, tưởng bạn đọc cũng có thể tin được, vì người nói ra nó đã từng có tiếng trên thi đàn Pháp và Nam”…
Trong bài tổng kết Ngoảnh nhìn văn học năm vừa qua in trên Sông Hương (số 26, ra ngày 30-1-1937), P.T.T. ghi nhận sự ra đời của tập Gái quê:
“Bước sang đầu năm 1937, chúng ta cũng nên làm như kẻ đi đường kia, thử ngoảnh nhìn lại năm vừa qua, xem về văn học, chúng ta đã tiến đến bực nào…
… Về thơ, năm 1936 đã bày ra một cảnh tượng rời rạc, nếu không là buồn tẻ. Cái không khí bồng bột về thơ mới hai năm trên đã qua rồi. Những tên Thế Lữ, Huy Thông, người ta không nhắc đến một cách sốt sắng nữa. Mà giữa Nàng Thơ với các thi sĩ, hình như chữ tình cũng không còn được mặn nồng như mấy năm xưa. Huy Thông thì còn cho ra được một tác phẩm có giá trị là quyển Tiếng địch sông Ô, và thỉnh thoảng có thơ đăng trên một vài tờ báo chứ Thế Lữ thì như đã chìm hẳn đi rồi: với tác phẩm Bên đường Thiên lôi mà ông vừa cho xuất bản, người ta thấy rõ như ông muốn từ nay đi hẳn về bên tiểu thuyết. Những quyển Gái quê của Hàn Mặc Tử, Thiên diễm tuyệt của Đỗ Huy Nhiệm ra đời vào cuối năm như đã đem lại cho nàng thơ một cái không khí ấm áp”…
Ở bài Trăng trong thơ II in trên Tiểu thuyết thứ Năm (số 5, ra ngày 3-11-1938), Nàng Lê (Lê Tràng Kiều) bình điểm hình ảnh trăng trong thơ Hồ Xuân Hương, Chế Lan Viên, Vũ Trọng Can, Phạm Thanh Tùng và nhận diện vẻ tân kỳ của trăng trong thơ Hàn Mặc Tử:
“Đến lượt nhà thơ Hàn Mặc Tử đã thấy trăng có hoàn toàn cả cái thân thể rồi. Như thân thể một cô thiếu nữ đa tình:
Trăng nằm sóng soãi trên ngành liễu,
Đợi gió xuân về để lả lơi”…
Đến cuối bài phác thảo chân dung lấy tên tác giả làm nhan đề Hàn Mặc Tử in trên Tiểu thuyết thứ Năm (số 30, ra ngày 11-5-1939), nhà thơ Quỳnh Dao có thêm dòng cảm xúc: Viết ở Hải Phòng, một đêm nao nao nhớ. Cần chú ý bài viết này có thêm phần lời dẫn của L. T. K (Lê Tràng Kiều):
"Hàn Mặc Tử là tác giả tập GÁI QUÊ xuất bản từ hồi Octobre 1936. Một tập thơ phần nhiều tả những cảnh sắc nhà quê, cây tre, khóm lau, bờ cỏ, hay những phút yêu mong, nhớ của những cô gái quê.
Hồi tập thơ này xuất bản là hồi chúng tôi đang còn chủ trương tờ Hà Nội báo. Nhận được tập thơ ông, chúng tôi đã vui mừng giới thiệu ông - một thi sĩ mới - với độc giả, và nói rõ tính cách của tập thơ ông, nó có cái phong vị mộc mạc, ngây thơ và thi vị. Tuy cả tập GÁI QUÊ không phải là bài nào cũng hay ngang bài nào, nhưng nhiều bài đủ tỏ rằng tác giả có một tâm hồn đa cảm lắm, một tâm hồn nồng nàn của thi nhân, và vì thế Hàn Mặc Tử đã ở trên nhiều những ông thợ thơ khác. Ta phải nói hẳn ngay Hàn Mặc Tử là một thi sĩ. Bài mà chúng tôi thích nhất trong quyển GÁI QUÊ (hồi ấy đã có trích đăng lại ở Hà Nội báo) là bài Tình quê mà bạn Quỳnh Dao cũng có trích ở đoạn đầu bài dưới đây. Tình quê có một âm điệu như Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư. Đọc lên, ta nghe như tiếng gió rạt rào trong khóm tre mỗi buổi chiều hôm, tiếng nghe văng vẳng buồn, một cái buồn nhè nhẹ. Nhưng, đó mới chỉ là mấy vần thơ đầu. Sau này thơ của Hàn Mặc Tử còn “hứa hẹn” nhiều và đi qua từ SÁNG TẠO sang SIÊU VIỆT và gần đây lại hơn nữa là ĐIÊN lúc Hàn Mặc Tử đau buồn quá! Muốn độc giả rõ Hàn Mặc Tử hơn, tôi xin nhường lời cho thi sĩ QUỲNH DAO, người đã gặp Hàn Mặc Tử và đã sống những phút đầy đủ bên Hàn Mặc Tử”…
Từ đây mới là những ghi chép, hồi tưởng, suy tư, chiêm nghiệm của Quỳnh Dao về đời và thơ Hàn Mặc Tử:
“Mùa hè năm 1937, tôi gặp Hàn Mặc Tử ở Qui Nhơn. Rất cảm động khi thấy một thân hình tiều tụy, như van lơn cầu khẩn một sự gì. Dù gặp lần đầu, mà đã thân nhau. Vì chúng tôi quen nhau đã lâu trong tập thơ Gái quê!
Gái quê, tập thơ đầu của Hàn Mặc Tử, tuy chưa được hoàn toàn đặc sắc, nhưng đã chiếm một địa vị rất cao rồi. Lời đi nhè nhẹ uyển chuyển như hơi may, đọc lên nghe ngọt đến đáy hồn, cho nên dễ nhớ. Trong đó, thỉnh thoảng chơi vơi một nỗi buồn kín đáo.
... Từ ấy anh ra đi,
Bóng trăng vàng giải cát,
Cánh cô nhạn bơ vơ...
Liệng dưới trời xanh ngắt.
Từ ấy anh ra đi,
Tiếng dương cầm vắng bặt,
Dường tan trong đám sương,
Thoảng về nơi làng mạc...
(Nhớ nhung)
Và đã mấy khi ta nghe một điệu nhạc hiền từ:
Trước sân anh thơ thẩn,
Đăm đăm trông nhạn về;
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê;
Gió chiều quên ngừng lại;
Giòng nước tuôn trôi đi...
Ngàn lau không tiếng nói;
Lòng anh dường đê mê…
(Tình quê)

Thế là âm điệu
Giữa hỗn tạp của tứ thơ tây, Hàn Mặc Tử lần đầu tiên cho ta nghe một điệu nhạc ngọt ngào:
Kìa anh xem! giải mây hờ trên đỉnh núi,
Buổi chiều hôm đã nhuộm một màu lam
Và trên không hàng cò trắng đương làm.
Một bài thơ dài không vần điệu…
(Hồn thơ)
Đây là một câu trả lời rất sâu cho phái cũ ghét thơ mới. Họ tưởng rằng thơ mới là một thứ thơ lởm chởm những đá sỏi, không âm điệu, không ý tứ, như hầu hết của những nhà lạm dụng chữ thi sĩ trước khi “Gái Quê” ra đời: Những nhà thơ non nớt ấy, vô ý gieo mầm họa lớn cho tính cách thơ mới, làm mất lòng tin cậy của người đi.
Buổi đầu, xuân trong lòng mới dậy, thi sĩ bồng bột lạ thường. Ai ngăn cản được những ý thơ lẳng lơ, những lời hổn hển.
Từ gió xuân đi, gió hạ về,
Anh thường gởi gắm mối tình quê.
Bên em mỗi lúc trên đường cái
Hóng mát cho lòng được thỏa thuê...
(Âm thầm)
Trăng nằm sóng soãi trên ngành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi!...
(Bẽn lẽn)
Hàn Mặc Tử khéo dùng những ý quê: Gió hôn trên má, với một làng quê đã lấy làm bẽn lẽn. Ấy là nghệ thuật tinh vi!

Thế là ý tứ
Với tập Gái quê , Hàn Mặc Tử đã xứng đáng làm thi sĩ rồi! Sao lại:
Ngày mai, tôi bỏ làm thi sĩ,
Em lấy chồng rồi, hết ước mơ...
Đó chẳng qua là thi sĩ hờn lẩy, trong chốc lát. Trời còn bắt anh làm thi sĩ mãi mãi, vì trời đã gieo trong người anh, sự nghiệp anh... một bài thơ!
Trời ơi! trời bắt Hàn Mặc Tử làm thi sĩ rồi!
Đời anh càng lạ, lời thơ anh càng lạ hơn. Thơ anh lại bước sang thời kỳ sáng tạo!
Thời kỳ sáng tạo là cuộc cách mệnh trong thơ. Giữa lúc làm cho âm điệu ấy bằng phẳng rồi lại kêu vang lên, rồi lại bằng phẳng; ý tứ đi từ từ rồi lại lạ lùng quá, khiến ta phải để ý, ngừng lại để hưởng dư âm của hơi thở, cho lòng đi sâu vào để phân chất cái dụng công của thi sĩ.
Thời kỳ sáng tạo làm cho thơ mới lạ hơn, làm cho thơ thoát sáo, một là về cách chọn chữ, hai là về cách đặt câu.
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo...
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu!
(Đà Lạt trăng mờ)
Một buổi chiều gần lặn, ngồi trên bãi biển Qui Nhơn. Tôi thinh lặng nghe anh cầu khẩn những vì thiêng liêng!
Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi!
Bao giờ tôi hết được Yêu Vì!
Bao giờ mặt nhật tan thành máu,
Và khối lòng tôi cứng tợ si!...
Lòng tôi nao nao đi trong một ngọn gió buồn từ xa thổi lại. Tôi lẩm bẩm: “Hàn Mặc Tử là Yêu Ma”. Dưới mấy lá dừa biến sắc, hơi đêm càng làm rõ những nét ghê rợn của người anh. Thốt nhiên anh nói:
- Thôi ta đi về, tôi biết về thì tiếc trời tiếc nước, tiếc bao nhiêu là thơ nhưng tôi không dám ngồi chờ cho sương xuống.
Tôi lẳng lặng đem anh về. Những nét xương dưới áo lụa Qui Nhơn phai màu, theo sức gió, nổi hẳn lên mỗi khi anh đi qua một ngọn đèn. Anh đi thất thểu như một người điên, dưới cằm lâu ngày không cạo, với bộ mặt bạc nhược, tuy ít tuổi đã để ra vài sợi râu!
Và ngày mai, khi nắng lên là Hàn Mặc Tử không thể ra ngoài đường được. Anh yếu lắm, mẹ anh buồn và thơ anh buồn...
Anh đã kể tôi nghe hầu hết những mẩu đời, tôi chỉ xin nói anh là một Nạn Nhân, thế thôi! Những việc riêng tôi muốn giữ kín để thơ anh được giữ kín những nhiệm mầu.
Lời thơ không đi theo sự dồi dào của thực tế, thì lời thơ chỉ tặng những người mang chung một điệu lòng! Người ngoài có ai ưa đâu, người ngoài bạc đãi. Trời hỡi! bao giờ ai ai cũng biết yêu thơ như ta.
Nhiều khi anh như ngây dại, nhắm mắt đuổi một ngày đẹp đã qua...
Trăng đương nằm trên sóng cỏ,
Cỏ đưa trăng đến bên ao,
Trăng lại đẫm mình xuống nước,
Trăng nước đều ngủ với nhau!
Đôi ta bắt chước thì sao!
Đọc câu ấy, tự nhiên đầu ta cứ chuyển! Hay là ta say! Hàn Mặc Tử đã mở màn một thứ lạ hơn: SIÊU VIỆT!
Thời kỳ siêu việt làm bài thơ huyền ảo hơn, sâu xa ngâm ngầm hơn... Ta phải đi vào đến đáy thơ lòng ta ớn lạnh!
Hãy van lơn ở dưới chân Bàn thành
Cho Yêu ma muôn năm vùng trở dậy
Náo không gian cho lửa lòng bùng cháy,
Và để cho kinh động đến người tiên...
Anh càng đau đớn bao nhiêu thơ anh càng tha thiết. Rồi dần dà đem anh vào một thế giới lạ hơn:
ĐIÊN!
Ha! Ha! Ta đuổi theo trăng!
Trăng bay lả tả ngả lên cành vàng...
Tới đây, là nơi ta được gặp nàng,
Rủ rê, rủ rê hai đứa vào rừng hoang…
Cách đây tám tháng, tôi ghé Qui Nhơn thăm anh, vì có việc gấp phải đi ngay, nên chỉ ngồi chơi với anh được chừng năm phút. Bệnh anh càng ngày càng nặng, nước da anh đã thay màu. Nhìn thấy một cảnh tượng thê thảm nghèo nàn, tôi cảm động quá, cầm lấy tay anh. Một bàn tay đã viết ra bao nhiêu là ngà ngọc mà nay lại khô và thâm tím, một bàn tay (tôi biết lắm) không ai dám cầm lấy, mà anh cũng không đưa cho ai cầm.
Tôi hứa với anh, sẽ trở lại sau khi đi Đà Lạt về. Nhưng mà khi về, anh không còn ở đó nữa. Theo lời Chế Lan Viên thì mẹ anh không muốn cho anh trông thấy chúng tôi, không muốn cho anh trông thấy những cảnh ngoài xinh quá, sợ lòng anh lại chua chát thêm. Anh đã bị đưa vào một chỗ vắng, một gian nhà có ít người qua, gần mé núi. Thường ngày chỉ có người đem cơm và thuốc uống. Cái nhà ấy bọn chăn trâu thường gọi là nhà “thằng ốm”! Biết đâu trong đó lại chứa một hồn thơ thơm lắm.
Cảnh tình nghèo ngặt, những người yêu anh thì cũng gần một số phận. Duy chỉ có anh Quách Tấn ở Nha Trang thường vẫn để tâm tới.
Tôi thường được tin anh, nên biết cả ngày cả đêm, công việc của anh chỉ có:
Ăn, ngủ, rên, khóc, ngâm thơ và... cầu nguyện,
Hãy mường tượng một người thơ đang sống.
Được im lìm lẻ loi trong giãy động,
Cũng hình như em hỡi! Động Huyền Không!
Mà đêm nghe tiếng khóc ở đáy lòng,
Ở trong phổi, trong tim, trong hồn nữa.
À té ra, một lời thơ năm xưa, mà nay thành sự thật”...
Bài báo được in trước khi Hàn Mặc Tử qua đời đến một năm rưỡi. Chẳng hiểu thi sĩ của Đau thương có từng được đọc qua?
Tiếp theo trên báo Người mới (số 5, ra ngày 23-11-1940) có cả một cụm bài tưởng nhớ Hàn Mặc Tử khi thi nhân vừa qua đời được mươi ngày. Bài thứ nhất Những kỷ niệm về Hàn Mặc Tử của Trần Thanh Địch kể lại một lần theo đoàn quay phim I.F.A (Indochine Films Actualités) đến Quy Nhơn và rẽ vào thăm bạn thơ:
“… Trời về chiều thêm lên. Tôi đến thăm Hàn Mạc Tử, bảo là tìm nhà để thăm thì đúng hơn. Ở đây, rất nhiều người biết tiếng. Nhưng thật là một sự mỉa mai nguyên vẹn cho văn chương, người ta để ý tới Hàn Mạc Tử vì người anh chứ không phải vì thơ anh. Tôi bước vào nhà, lưỡng lự một hồi rồi gõ cửa. Một bà cụ hé cánh cửa nhìn ra ngoài, ngó tôi từ đầu xuống chân: cử chỉ và nét mặt lúc bấy giờ là cả một sự ngạc nhiên, làm cho tôi đoán ngay là mẹ chàng.
- Bẩm bà, cháu là Trần Thanh Địch, bạn của Trí, ở Huế vào, xin đến thăm...
Rồi bà vào trước, đổi giọng hiền hiền:
- Trí ơi! Có anh Địch ở Huế vào đấy!
Thấy tôi, Hàn Mạc Tử gọi tên lên một tiếng nhỏ mừng rỡ rất cảm động. Tôi định đưa tay ra bắt nhưng chàng đã quen lệ: chào người đến thăm chỉ bằng hai tay chắp lại với nhau như vái.
Trông chàng, tôi thấy cũng không khác trước gì nhiều. Chỉ có bộ đi không được mạnh. Chúng tôi nói chuyện rất nhiều, lẽ cố nhiên về văn thơ. Nhắc đến Huế, chỗ đất mà chàng đã sống qua trong những năm trẻ dại, Hàn Mạc Tử hỏi:
- Có gì thay đổi không?
Tôi chưa trả lời thì chàng đã nói luôn:
- Chắc là con gái đẹp lắm?
Liền đó, Hàn Mạc Tử ngâm cho tôi nghe bài Đây thôn Vĩ Dạ... mà chàng vừa làm xong, sau khi nhận được bức ảnh chụp cảnh Vĩ Dạ của một người bạn gái gửi vào tặng:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ...
Giọng ngâm đều đều, xa xôi, có một vẻ quê mùa thế nào của bao nhiêu say sưa mê man. Và trong ấy phủ qua một lớp buồn ghê gớm. Chàng còn ngâm nhiều lần nữa và nói và bàn luận.
- Đau rứa mà không lo... cả ngày cứ sa đà theo... rứa đó!
Bà mẹ ở bên kia đang têm trầu nói qua như thế”...
Bài thứ hai của Chế Lan Viên cũng dưới đề mục Những kỷ niệm về Hàn Mặc Tử tập trung tỏ bày niềm tiếc thương và những nghĩ suy sâu lắng với những người đang còn sống về sự ra đi của Hàn:
Lúc sống đã không làm gì được cho nhau, khi chết rồi, chi đi nữa cũng là vô ích.
Huống gì cái việc theo thế tình mà viết một bài. Nhưng tôi không thể im lặng được. Tôi vụt nghĩ khi được cái tin thảm khốc trên này, tới những bạn bè xưa nay vẫn lưu tâm đến nhà thơ khốn khổ. Tôi đã gặp họ, hay đã nhận thơ của họ. Tôi đã nghe họ nói về Tử như nói một câu tâm sự, như nói đến một kẻ thân tình: "Anh Tử bây giờ làm sao? Anh Tử còn được ở ngoài? Anh Tử vẫn còn viết?". Đó, cái tin sau cùng này, họ muốn biết, thì biết luôn đi? Đau xót giùm lên một ít! Nghĩ đến thêm cho một ít! Hãy khóc lấy một đôi phút, một đôi giây! Khi Tử sống, cuộc đời lãnh đạm quá rồi, khi Tử chết, nỡ nào trời không cho bạn chúng ta được hưởng cái ân huệ cuối cùng là thấy mình rời bỏ trần gian, mà cũng bận tâm đến một đôi người khác. Tôi không chịu nổi cái sự dửng dưng của chung quanh. Ngày mai đây, những tờ báo sẽ đặt cái tin này trong cái chỗ nào thiếu hụt đi vài dòng chữ, ngày mai, trong các cuộc hội họp, có ai nhắc đến, họ cũng nhắc một cách tình cờ. Tôi đâu có cái ngu ngốc tin rằng danh vọng ở chỗ những bài diễn văn khi hạ huyệt, những cuộc viếng thăm long trọng, những tràng hoa. Nhưng tôi không thể không đau đớn mà thấy cái bất công của loài người. Cái bất công của Thượng đế nữa! Thượng đế! Hừ! Ta nguyền rủa mi! Cầu khẩn mi cũng vô ích! Kêu van mi cũng vô ích! Tin tưởng cho lắm để rồi chịu đựng lấy sự khổ đau một cách oan ức mà thôi!
Tôi không thể nghĩ ra rằng, lại có những cuộc đời chỉ hoàn toàn thảm khốc như đời của Tử! Thất vọng về sự sống, thất vọng về gia đình, thất vọng về tình ái, thất vọng đến... chỗ đáng lẽ mình phải tìm thấy an ủi : văn chương. Đừng có hiểu lầm ý tôi! Tử là một thiên tài. Tử mới chính thật là thiên tài trên cái nghèo kém của đất nước này.
Tử không có tăm tiếng, Tử không được nâng chiều, nhưng đó chỉ là bây giờ mà thôi. Chứ mai sau, tôi xin hứa hẹn với các người rằng, những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử. Thất vọng trên kia là nói đến sự sống quá ngắn ngủi đó thôi!
Những ai đã gần gũi Tử, đã nghe Tử nâng niu nói đến những tập thơ, đã được Tử đọc cho những tác phẩm của mình, những người ấy, đều có chút ao ước tầm thường, nhưng rất hợp lý như tôi là: văn thơ Tử sẽ được in ra sớm sớm, trước khi Tử lìa trần. Cho Tử khi nhắm mắt, còn có cái hình ảnh yêu quý về tập sách của mình, sắc giấy thế nào, màu chữ thế nào. Một chút an ủi mà chúng tôi mong ước cho người xấu số đó thôi, bởi vì chúng tôi có thể làm gì khác nữa. Tôi viết: chúng tôi, bởi vì Tử không coi cái đó làm điều, và Tử đã nói, tôi không nhớ một lần nào đó: "Cái đời tôi tôi chưa xem ra gì, nữa là danh vọng".
Nay nhà thơ đã chết rồi! Có lẽ chết trong sự cô độc, như trong sự cô độc người đã sống. Vì Tử đã bị bắt đưa vào Quy Hoà từ những độ nào. Mà Quy Hoà thì những ai đã từng qua Quy Hoà hẳn biết. Đó cái sắc đỏ thảm đạm ngoài xa kia, ngoài biển xa kia, trong màu trắng mờ sương, một truông cát nằm theo chân núi.
Tử đã thở hơi thở cuối cùng ở đó. Xa gia đình, xa người mẹ già nua đã bao năm đau khổ vì con đau khổ, xa sự ôm ấp cuối cùng của một người chị đau thương, xa sự an ủi của những người em cũng như xa sự an ủi của chúng tôi, những người em khác. Tôi tưởng tượng ra cái phút cuối cùng của Tử. Có phải Tử nghĩ đến tất cả những người trên này đó không, nghĩ đến những cái có thật mà mình không về với nữa, cũng như bắt buộc phải nghĩ đến nơi không biết có thật bao giờ, mà mình sắp phải trở về.
Và tôi xin ngừng ở đây. Cái thói văn chương có lẽ đã vào bay bướm múa may trong khi tôi đau xót mà không tự chủ. Nhưng đây là bức thư cho những ai quen biết gần, xa, tôi chắc, ai đó cũng hiểu mà bỏ qua cho, ngoài ra muốn đàm tiếu thế nào, tưởng cũng không cần để ý”…
Bài thứ ba của Trọng Miên bày tỏ niềm cảm thương và ngợi ca, tôn vinh giá trị nhân văn và tiên đoán sức sống lâu bền của thơ Hàn Mặc Tử qua bài Thơ Hàn Mạc Tử:
“Một thiên tài đã chết: Hàn Mạc Tử! Một nguồn thơ tân kỳ, làm bằng máu, bằng lệ, bằng hồn với tất cả say sưa, rung động của một người hoàn toàn đau khổ.
Thi sĩ đưa ta vào một thế giới hão huyền đầy trăng, đầy mộng, - chốn "vườn mơ, bến tình" mà người "say sưa đi trong Mơ ước, trong Huyền diệu, trong Sáng láng và vượt hẳn ra ngoài Hư linh..." .
Và, "một khi đã vào là sẽ lạc, vì vườn thơ rộng rinh không bờ bến, càng đi xa là càng ớn lạnh...".
Thơ, đối với Hàn Mạc Tử là tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ cảnh chiêm bao, ước ao trở lại cõi trời là nơi đã sống ngàn kiếp vô thuỷ vô chung với những hạnh phúc bất tuyệt, là sự ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng của cõi trời cách biệt.
Thi sĩ là một loài khác thường, sanh ra đời với một sứ mạng thiêng liêng, mà muốn tạo ra những tác phẩm lưu danh lại muôn đời, người phải mua bằng một giá máu, luôn luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình. Cuộc đời của Hàn Mạc Tử là cả một bài thơ ghê gớm rùng rợn, có một không hai trong những thi sĩ Đông Tây. Thần tai hoạ đã gieo vào chàng một chứng bệnh tàn ác trong lúc thi sĩ rơi xuống cõi đời bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng.
Cho nên có lúc ta cảm thấy thơ chàng là một tiếng thở dài thê thảm, nghẹn ngào, đau đớn của một biển hồn nồng nàn, tin tưởng quằn quại trong sự đau thương vô tận, rùng rợn ngất ngư. Và thiên tài tử vì đạo ấy đã truyền sang cho ta những rung động đê mê, những thanh thoát vô cùng, những say sưa điên dại.
Sự điên cuồng là một dấu hiệu mãnh liệt của thi sĩ vì Hàn Mạc Tử nói làm thơ tức là điên. Cái điên của thi sĩ là sự say sưa vô cùng cái Đẹp mà người thường chẳng bao giờ hiểu biết nổi.
Ở chốn phàm trần tầm thường này, không hợp với tâm hồn thanh cao của thi sĩ, vì thế thi sĩ cứ đi tìm mãi, khát khao vô tận, kêu rên thảm thiết để đi đến cõi ước mơ hoàn toàn, tức là cái đẹp cao cả mà thi nhân cảm hứng đến trong khi sôi nổi, siêu thoát linh hồn.
Cái Đẹp đối với Hàn Mạc Tử là người tri kỷ mà thi sĩ tìm kiếm, một bậc cao quý, toàn trí toàn năng, một đấng mà thi sĩ thấy như là tất cả, trên tất cả mọi sự. Đấng ấy là Trời, vì Người đã tạo thơ ra ở thế gian. Cho nên chỉ với Trời thi sĩ mới có thể trút hết hận tình, kể lể hết niềm đau thương. Với đức tin ấy, Hàn Mạc Tử đã quy tụ, khơi mạch thơ ở Trời và lời vang động của nguồn máu huyết đạo hạnh ấy chẳng những chỉ là sự thương tiếc u hoài mà là cả sự trở về với nước Thiên đàng.
Thi sĩ có những liên lạc thanh khiết với nhạc, hoa, trăng, gái, với một thế giới mộng ảo, huyền diệu. Tinh lực của hồn, của máu Hàn Mạc Tử phát triển mãnh liệt trong thơ nên cảm khích ta một cách dị thường. Đó là một thi sĩ mà ta phải rung cảm trước khi tìm hiểu.
Những vần thơ nhịp nhàng Hương thơm, Mật đắng, Máu cuồng, Hồn điên, Xuân như ý, những lời châu ngọc say sưa trong đau thương của Hàn Mạc Tử đã làm cho tôi khoái chá ngây ngất vì ý tứ say điên, rung động bồi hồi vì nhạc điệu đê mê, run rẩy, choá ngợp vì màu sắc sáng ngời, huyền diệu, rú lên vì kinh dị, lạ lùng.
Hàn Mặc Tử đã sáng tạo ra một sự rung động mới lạ và thế lực của chàng truyền mạnh sâu sắc trong những thời sau”...
Cùng khoảng thời gian này, trên báo Người mới (số 6, ra ngày 30-11-1940), Quách Tấn có bài Hàn Mạc Tử với thơ Đường luật, trước hết giới thiệu khái quát:
“Hàn Mạc Tử họ Nguyễn, huý là Trọng Trí, chánh quán huyện Lệ Thuỷ (Đồng Hới), sanh quán huyện Thanh Thuỷ (Thừa Thiên), trú ngụ Quy Nhơn từ lúc ấu thơ, vừa tạ thế hôm 11 Novembre 1940 lối 11 heures 30, tại Quy Nhơn, an táng tại đất thánh Quy Hoà, thọ không hơn ông Nhan Hồi thuở trước.
Song thân ấy yểu mà danh ấy thọ, vì Hàn Mạc Tử còn để lại cho non sông Việt Nam một văn nghiệp rực rỡ.
Nói đến văn nghiệp Hàn Mạc Tử phần đông các bạn thanh niên chỉ nghĩ đến những tập thơ Tự do ("Thơ mới"). Gái quê đã xuất bản, Thơ Điên, Xuân như ý và Cẩm châu duyên (chưa xuất bản song nhiều bài đã đăng trên các báo chí ba kỳ). Và hẳn có lắm bạn tưởng Hàn Mạc Tử không có tình nghĩa với thơ Đường luật.
Nếu các bạn tưởng thế là lầm: Hàn Mạc Tử vốn là một người tình cũ của thơ Đường luật và đã nổi tiếng về lối thơ ấy từ 1931. Song lúc bấy giờ biệt hiệu của thi sĩ không phải là Hàn Mạc Tử mà là Phong Trần. Lấy hiệu Phong Trần vì lúc bấy giờ tuổi thi sĩ tuy chưa quá hai mươi, song đời thi sĩ đã trải qua đôi lớp phong trần rồi vậy.
Qua đến năm 1932, kết bạn cùng thi sĩ, tôi bàn nên bỏ cái hiệu Phong Trần, thi sĩ mới lấy hiệu là Lệ Thanh (Lệ Thuỷ và Thanh Thuỷ hợp lại). Mãi đến năm 1935 (hay 1936) vào chủ bút tờ phụ trương văn chương báo Sài Gòn, thi sĩ mới lấy hiệu Hàn Mạc Tử và cũng từ báo đó thi sĩ mới bước qua làng Thơ mới"…
Từ đây Quách Tấn dẫn lại ba bài Đường luật nổi tiếng của Hàn Mặc Tử (Thức khuya, Chùa hoang, Gái ở chùa) từng được Phan Bội Châu khen ngợi; bài Vịnh cây đàn nguyệt được Tản Đà đánh giá cao; bài Buồn thu được nhiều người truyền tụng. Riêng bài Ngọn gió canh khuya của Quách Tấn được Hàn Mặc Tử họa lại:
Từ Đằng vương các đẩy đưa vào,
Vừa thoáng đâu đây đã vụt cao.
Chưa tối lung linh thay bóng nguyệt,
Đang đêm len lén lại song đào.
Âm thầm cảnh ấy thương khôn xiết,
Mát mẻ lòng đây hưởng được bao!
Trận gió qua rồi hơn mộng nữa,
Niềm riêng riêng chạnh lúc hương ngào.
Đến đây Quách Tấn xác định: “Bài họa này là một bài thơ Đường luật cuối cùng của thi sĩ, vì từ bấy, thi sĩ đau luôn không có sức nghĩ đến thơ nữa. Và câu "Mát mẻ lòng đây hưởng được bao" là một tiếng kêu tình cờ của con từ quy khi cảm thấy mùa thu sắp tới!”…
Vẫn trên báo Người mới (số 7 ra ngày 7-12-1940), Trần Tái Phùng trong bài Hàn Mạc Tử đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa đời và thơ của nhà thi sĩ chịu nhiều đau thương vừa khuất núi:
“Hàn Mạc Tử tạ thế!
Lại một hình ảnh thân yêu thoáng qua rồi mất!
Trong hiu quạnh, một lời ca thanh cao siêu thoát bỗng nghẹn thở!
Một lần nữa, chúng ta xót xa nhận thấy rằng lòng đớn đau, thương mến, day dứt, tiếc nuối của chúng ta là nghĩa tộc, cũng như tình máu mủ thiêng liêng khăng khít của thân tộc chàng, dù bao la rộng rãi đến đâu, dù xây bồi vững chãi như thành mây, như núi xanh, cũng không giành giựt chàng lại được với sự phá hoại thản nhiên và cay nghiệt của số mệnh!
Trời xanh quá chúng ta không thể tìm thấy và đoán trước được một sự tàn sát sắp thiệt hành, cũng như thơ chàng, quá trong trẻo, quá băng trinh, chúng ta không thể đoán trước được một trang đời thảm khốc mà ngắn ngủi lắm thay! Một trang đời, than ôi! Đã dồn ép lại, bên cạnh một tật bệnh khổng lồ, một sự nghiệp đại quy mô về văn thơ.
Sự nghèo khổ túng thiếu về vật chất, góp sức với sự đau thương quằn quại về tinh thần, đã nâng cao thiên tài và nghệ thuật chàng ngang một địa vị bất hủ.
Chúng ta không cần phải nhắc lại tình bạn của chàng, mà ai cũng phải công nhận là tuyệt nhiên thanh cao, và điểm toàn những màu tươi vui mát mẻ. Ngay đến phút cuối cùng, chàng đã không muốn phiền bận đến một người quen biết nào, bằng ít lời than hay một hơi thở.
Thế mà, than ôi! Chúng ta chỉ biết lâu lâu lại cảm động bắt được một bài thơ chàng, thường thấy đăng ở các báo miền Nam và là mỗi lượt chúng ta nghiền ngẫm lời thơ chàng với tất cả sự khao khát thèm muốn.
Đó là một mùi vị thơm tho bồi bổ cho tinh thần, khơi nguồn từ trên suối tiên của lời ca thượng cổ, trong Kinh Thi, trong Dịch Kinh của Á Đông, hay là trong Thánh kinh Cựu ướcTân ước của phương Tây.
Chàng đã trả lại - và chao ôi! hùng hồn bao nhiêu - cho Thơ Nhạc sự “rung cảm thần tiên” với tất cả sự say ngợp, chơi vơi, mê man, đắm đuối, vang dội trong linh hồn tinh khiết và hoang dại của một người rất mực tân kỳ. Chàng đã rung cảm trước những sự huyền diệu của tạo vật một cách thành thật và đầy đủ quá, khác nào một chiếc máy tự ký rất tinh mật. Vì thế, chàng đã nâng cao giá trị của sự rung cảm trong thơ văn ta, bằng cách rửa sạch những mảy sai lạc mà một số thi sĩ khác đã thêm bồi vào một cách vô thức!
Nói tóm lại, chàng đã tìm lại giá trị của sự “rung cảm thần tiên và đầu tiên”, hơn nữa chàng đã phân loại nó lại, cũng như lúc ban sơ vua Hạ tìm ra nguyên tố của ngũ hành.
Hai bản kịch bằng thơ của chàng: Duyên kỳ ngộQuần tiên hội đã phô bầy đầy đủ âm giai những cung bực rung cảm, từ cái xao động phơi phới nhẹ bỗng, đến cái chấn động mãnh liệt của sự quằn quại đau thương và khoái chá…
… Thơ chàng đúc ròng trong những khung cảnh thần tiên về đời thượng cổ, theo quy ước hội họa của Poussin, Millet hay Murillo... Thường là một vùng trời ửng nắng, một mùa hè rất xưa, cây trĩu lá non xanh và trái thắm, gió phơi phới bay trên đồng lúa rực rỡ vàng... và với mùa phối hợp của hoa cỏ, một mùa tình ái rạo rực trong lòng, mắt ngây thơ hồn hậu, hay ngang hông những thiếu nữ đang quỳ xuống hái lúa. Hay là cao hơn một bực nữa, ái tình đằm thắm một mỹ nam tử (un Narcisse) cùng một nàng tiên trong rừng sâu, một khe ngọc, nhịp nhàng với nhạc chim đàn gió. Sắc đẹp chàng trai thường lấy khuôn ở các vị á thánh trong thần thoại La Mã, với điệu bộ những bức bích họa của Puvis de Chavanne.
Khung thơ quen thuộc của chàng cũng thường khi tả cảnh trời thanh tịnh thấy trong chiêm bao, diễm ảo lạ thường và mong manh gội một lượt trăng ngà trong trẻo đến nỗi thấy rõ các lượn sóng của tinh chất (ondes éthériques) cứ bay lượn và chảy tràn giữa không gian không bờ bến.
Đấy cũng là quy kết của tật bệnh, làm hỗn loạn sự tuần hoàn máu huyết, ảnh hưởng trực tiếp tới các sợi thần kinh. Cho nên thi sĩ không giấu rằng sự nằm mộng thấy mình bay phiêu lưu suốt đêm ngày các miền thượng tầng tinh vi cao khiết, đối với chàng không lạ gì:
Trời trong đây, trời rất mực quỳnh dao
Duyên thanh tịnh trăng tư bề vây kín
Đừng động đậy, để nghe mùa xuân chín
Sẽ tràn lan do khí vị thanh tao…                                
Trừ tập thơ đầu Gái quê rất ngắn, nhưng đã khơi ngòi cho một tài năng mãnh liệt, và một sức sản xuất không biết mỏi, chàng đã làm thêm sau này cả thảy sáu tập thơ dày:
Thơ Điên
Xuân như ý
Thượng thanh khí
Cẩm châu duyên
Duyên kỳ ngộ
Quần tiên hội
Nghệ thuật chàng tựa một con sông dài đi xuyên qua thế kỷ chúng ta, và hai bờ sông dàn bày không biết bao nhiêu cảnh sắc khác nhau, đẹp đẽ đến say ngợp, đến tê liệt cả lòng người.
Với một tâm hồn thượng đẳng của Thơ nhạc kia, mỗi sắc đẹp huyền diệu của Tạo vật đã ghi lại một rung gợi chói rạng lạ kỳ.
Như chúng tôi đã nói trước, chàng đã tìm lại mọi rung gợi rờn rợn đầu tiên, khi đứng trước một sắc đẹp hay một huyền vi của tự nhiên, như nắng, hay trăng gió, một mối cảm ứng (télépathie) thần bí ngang qua trong sương, vân vân...
Mỗi khi chúng ta gặp thấy “nắng vàng” trong thơ chàng, chúng ta nên hiểu rằng tác giả đã háo hức tận hưởng bao sinh khí (élément vivifiant) trong ấy. Chúng ta nên chú trọng về nguyên khí của nắng vàng ban bố trên cùng mặt đất này, mà kẻ bệnh kia nhìn bằng đôi mắt tinh tường, từ mỗi nhịp chấn động của làn sóng thuần tình (vibration éthérique) trong bao màu sắc chấp chới, rung rinh, biến đổi không ngớt.
Một ít ví dụ:
Nắng sao như nắng đời xưa ấy,
Nắng vàng con mắt thấy duyên đâu.
Muốn gởi thương về cho cổ độ,
Mà sao tình chẳng nói cho đau.
Và “Trăng vàng” nữa là hai vấn đề (thèmes) quan vĩ bất diệt của chàng. Cũng như trăm sắc đẹp huyền diệu khác của Tạo vật, trăng của Hàn Mạc Tử không phải một cảnh trí phụ trợ của ái tình. Đây là một sự tọa thiền (contemplation) y theo ý nghĩa tôn giáo, hay là một sự tĩnh tọa say ngắm sắc vàng ánh, lộng lẫy, giàu sang và tràn ngập cả thi vị thanh cao, huyền bí của trăng.
Sự tĩnh tọa vọng nguyệt ấy gần giống sự mặc tưởng trước vừng thái dương của Leconte de Lisle:
Trời sáng trăng, sáng khắp mọi nơi
Tôi đương cầu nguyện cho trăng tới
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là trăng của rạng ngời.
            (Trăng vàng, trăng ngọc)
Lạy Chúa tôi! Vàng trăng cao giá lắm
Xin ban ơn bằng cách ánh thêm lên
Ánh thêm lên cho không gian rất đậm
Linh hồn thơ mát rợn với hương nguyền.
            (Vừng trăng)
Còn nói đến linh hồn và sự giao cảm trong thơ chàng tức là nhắc đến tất cả một luận đề vĩ đại về linh khí thuyết (psychisme) với tất cả triết lý của thần trí học (théosophie) của chiêu hồn thuật (spiritisme) và thôi miên thuật (hypnotisme).
Biết rõ những cơ quan cội rễ trong nghệ thuật chàng rồi, chúng ta không còn ngạc nhiên hay hoài nghi một cách khờ khạo trước những câu thơ tinh tế tựa hồ như thứ thuần kim:
Tiếng buồn đem trộn tiêu tao
Bóng em chờn chợ trong bao nhiêu màu
Nghe ai xé lụa mà đau
Gió than niềm gió biết đâu hẹn hò.
(Nỗi buồn vô duyên)
… Vì một sự đau đớn day dứt quằn quại không ngừng trong linh hồn và ngoài thể xác, thi sĩ tuồng như luôn luôn bị chìm đắm trong làn không khí của trạng thái thôi miên (état d’hypnose). Trái lại, mỗi khi, một hình dáng thân yêu đến ám ảnh, và thi sĩ cảm giữ lại, thì chúng ta có dịp thấy chàng trở nên một vị thầy chiêu hồn, không ngại ngùng mà đem áp dụng bất kỳ là phương pháp màu nhiệm nào của khoa bí truyền (ésotérisme) ngày xưa, và người thọ cảm lúc bấy giờ cũng mê man đến khờ dại và kêu rên thống thiết:
Đã mê rồi! Tư Mã, chàng ơi
Người thiếp lao đao sượng cả người
Ôi! ôi! Hãm bớt cung cầm lại
Lòng say đôi má cũng say thôi!
Mọi phép cầu đảo tọa niệm, hay cầu sự phụng hiến của Thánh Mẫu thi sĩ ấy đều thường dùng trong thơ…
… Hàn Mạc Tử thường nói đến, trong thơ chàng một sự khoái lạc tuyệt đích cao quý, một cuộc viễn du ngang qua bên cạnh các vì hành tinh trên thượng tầng không khí, và một mối hân hoan vô lượng khi được sum vầy cùng muôn vì á thánh. Khoái lạc ấy nhịp nhàng với thơ nhạc muôn đời của những thiên tài ly tao bất tử trên thế giới, rút nguyên chất của mọi hạnh phúc cao trọng trên thế gian, làm chúng ta quên hết mọi sự phiền lụy nhỏ nhặt của đời người, dồn say mê ước muốn lại với một chủ đích độc nhất, và gần giống sự khoái lạc làm chúng ta hình như đớp mắt, say ngợp cả linh hồn mỗi khi lặng ngắm một cảnh trời bừng sáng ban mai, hay một vừng ô về chiều trên bể cả. Sự hoan hoan vô lượng ấy phải chăng ngày nay chàng đã đạt được rồi!”…
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn
(Viện Văn học)

No comments:

Post a Comment