.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, May 5, 2012

PHẠM THIÊN THƯ – KHI SƯ ÔNG XẢ THÂN LÀM TÍN ĐỒ THƠ !

Trung thành với phong cách ngôn ngữ Truyện Kiều của Nguyễn Du, Phạm Thiên Thư đã vượt qua bút pháp ước lệ tượng trưng của chủ nghĩa cổ điển, khai triển tứ thơ nhẹ tự sự, nặng trữ tình trong những màn độc thoại nội tâm sâu sắc tình tiết, lớp lang. Đọc Đoạn trường vô thanh, bạn độc sẽ hỏi: đây là tiểu thuyết bằng thơ? hay khúc ngâm? Rõ ràng nghiêng về khúc ngâm. Da thịt Hậu Kiều thì hồng hào tươi tốt, nhưng xương cốt của nó lại mềm yếu. Bằng cách để cho các nhân vật hồi ức, Phạm Thiên Thư đã tô đậm thêm những chỗ còn thiếu sót và mờ nhạt của Truyện Kiều Nguyễn Du. Nghệ thuật biểu hiện linh hoạt và ngôn ngữ cẩm tú của Đoạn trường vô thanh có khá nhiều câu, đoạn, chương hay nghiêng ngửa với Đoạn trường tân thanh. Hai quyển Kiều có giá trị bổ sung nâng đỡ làm đẹp cho nhau, chứ không phải loại trừ nhau như có người lầm tưởng

Phàm trần chưa rõ vàng thau
Chân tâm chẳng biết ở đâu mà tìm.
VẠN HẠNH Thiền sư

Đã yên vị toạ thiền mà mắt còn lem lém liếc về cõi tục, đã đem thân nương cửa Phật những tưởng được cởi trói nào ngờ lại đem rợ chằng vào thân! Thật là đa đoan, đa mang, Phạm Đại đức rõ là một ông sư phá giới!
- Khoác cái áo "thiền sư ỡm ờ" đó liệu Phạm có vụng đường tu, hay trễ tràng kinh kệ?
- Thưa không!

Là nhà sư, Phạm Thiên Thư đã dốc toàn tâm tu hành. Nhưng Phạm không phải là một tu sĩ khổ hạnh ép xác khắc kỷ phục lễ, Phạm tu theo lối riêng. Lúc Phạm trì tụng:

Tay nào nghiêng nón thơ che
Tay nào lần chuỗi Bồ đề xanh xao
...
Nến khuya lửa hắt hiu vàng
Trang kinh lác đác đôi hàng nhạn sa
Ý nào hoá hiện ngàn hoa
Chữ nào ẩn nguyệt trên tà áo ni.
(Động hoa vàng)

Lúc Phạm hồi tưởng:

Mặt trời đỏ thẫm bên cồn
Dòng chim bay quẩy hoàng hôn qua đèo
Em ngồi bên suối cheo leo
Lơ thơ tóc biếc còn neo ráng vàng
(10)

Lúc Phạm trằn trọc:

Thoảng tiếng mưa rơi đậu trước thềm
Mùa thu gõ guốc gió qua êm
Chừng như cánh mộng cô hàng xóm
Nở với hoa quỳnh lúc nửa đêm.
(Mộng hoa)

Lúc Phạm vui: "Sông xanh xanh nhé một dòng - mùa xuân cắp rổ ra đồng với hoa" (Động Hoa Vàng). Lúc Phạm buồn chán: "Dài thân nằm ngẫm vô thường - Nghiêng vò đổ cái chán chường vào say" (47). Lúc Phạm nhớ thương: "Năm sau em bỏ đi rồi - Ta về ngồi lắng mưa rơi giậu buồn" (Động Hoa Vàng). Lúc Phạm yêu: "Trong hồn thơ, em là tượng biếc - Ngồi tung hoa xuống cõi mênh mông" (Tượng biếc). Phạm băn khoăn trước lẽ nhiệm màu Phật pháp:

Bước vào hỏi Đấng chí tôn
Bạch thầy: "Cái lẽ sinh tồn là đâu"
Hỏi chi Người cũng lắc đầu
Xuyên câu hỏi lại thành xâu bồ đề.
(27)

..và Phạm đã phát hiện ra cái hư vô siêu hình:

Soi mình thấy cái chơi vơi
Lượn bay như một cánh giơi mù lòa
Vào rừng đập vỡ cái ta
Hiện nguyên hình một đóa hoa đại quỳ.
(84)

Trời ! Phật tử mà lên chùa chắc chết mê chết mệt ông nhà thơ này ngâm thơ hơn là lắng nghe sư thầy Tuệ Không thuyết pháp? Đạo Phật đã thấm vào trong máu của Phạm, người thở ra là hơi thiền đạo. Thật đúng cốt cách của một thi sĩ hào hoa hơn là một đệ tử của Phật.

Vào trước và sau thập kỷ 70 của thế kỷ trước, Phạm Thiên Thư xuất hiện trên bầu trời thi ca Phật giáo miền Nam như một ngôi sao sáng.

Lấy các giáo lý của đạo Phật làm nền tảng tư tưởng, thế giới thơ ca của Phạm khai triển xoay quanh cái gốc này. Phạm mang khát vọng dấn thân với ý tưởng táo bạo muốn Việt hoá, thi hoá, trẻ hoá đạo Phật. Phạm đã cả gan viết lại kinh Phật bằng ngôn ngữ của thi ca và người đã tỏ ra khá tinh tế, lịch lãm trung thành với nguyên bản ý kinh.

Bài kệ chính yếu của Kinh Kim cương, Phật dạy: "Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai" (dịch nghĩa: Nếu đem sắc tướng để mong nhìn thấy ta, hoặc đem âm thanh để nhận biết ta thì người ấy đã lạc đường, không thể nào gặp được Như Lai). Phạm Thiên Thư đã thi hoá với hình tượng như sau:

Dùng thân vàng thấy Phật
Dùng khánh ngọc cầu ta
Người đó lạc tà đạo
Đũa ngọc gắp sao tà
(Kính Ngọc)

Với cung cách đó, Phạm Thiên Thư đã cất công nỗ lực hết mình soạn lại Kinh Kim Cương thành Kinh Ngọc; Kinh Hiền Ngu thành Kinh Hiền, Kinh Hiếu; Kinh Pháp Cú thành Kinh Thơ. Với hàng chục ngàn câu thơ lục bát khá nhuần nhuyễn chở nặng những ngụ ngôn, truyền thuyết, huyền thoại, giáo huấn, với một bút pháp biến hoá, Phạm đã Việt hoá biến đức Thích Ca Mầu Ni thành đức Phật của Việt Nam, Ấn Phật thành Việt Phật. Những sai sót không thể không tránh khỏi khi Phạm Thiên Thư đã không nhìn nhận Kinh Phật như một văn bản để tụng niệm mà nhìn nó dưới góc độ một tác phẩm thi ca. Tôn giáo thường đem mình đồng hoá mọi người, còn Phạm làm thơ là tìm cách phân thân mình ra thành một người khác để ngắm nghía mình rõ hơn. Muốn chở được đạo - Phạm nghĩ - phải nhờ con thuyền nghệ thuật mới thấm sâu được vào lòng người
.
Nếu một sư ông chỉ chắm chúi miệt mài với kinh kệ thì ta đâu có một thi nhân. Phạm Thiên Thư vốn thực con nhà nòi - nòi tình. Cái giống đa tình này là giòng giống chung của những ai nặng nghiệp bút nghiên.

Tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư là một thứ tình đầu đời của các trẻ mới lớn, đương choai. Nó như đoá sen trinh trắng nở giữa cuộc thế mong manh, chật hẹp, luôn tiếc nuối, ngầm đau, mất mát. Nhà thơ chỉ nhìn thấy "dáng em nho nhỏ - trong cõi xa vời". Giai nhân của Phạm mỏng manh như cái bóng, những em Ngọ, em Ngọc làm bằng hương hoa, không da thịt phàm trần. Người yêu của Phạm không có những em nào đẹp quyến rũ, mê tơi, bốc lửa. Người yêu của Phạm là những thục nữ yểu điệu, mềm mại như tơ, tha thướt như liễu, ảo như sương, khó cận kề được. Tấm thân các nàng sinh ra không phải là để hưởng lạc ái ân mà chỉ để tôn thờ. Phạm đã thành tâm tu hành dưới bóng mát của người đẹp bằng một thứ tình chay tịnh tinh khiết. Tiếng nói yêu đương của Phạm cất lên thủ thỉ từ trong các hoài niệm hồi chưa vào chùa: sáng rụt rè rước em này, chiều len lén đón đưa em nọ, những cuộc hò hẹn ấp úng trước cổng trường, cổng chùa, bên gác chuông, những ánh mắt thơ ngây hồn bướm mơ tiên đưa tình qua cửa Phật. Ta cứ luôn thấy trái tim thắm đỏ của nhà thơ đập phập phồng, rối rít một nỗi em em dưới lần áo nâu sồng. Với tấm chân tình đằm thắm, trong cõi phù sinh, thế cũng đủ cho lòng người diệu vợi chơi vơi. Phạm yêu là để thấm thía cái bọt bèo của kiếp người.

Việc một tu sĩ Phật giáo làm thơ tình nghe ra cũng ngồ ngộ thiệt nhưng đó là một việc hợp lẽ tự nhiên. Thực ra, chuyện này Phạm bị oan. Mà thôi... tôi cần chi phải nói ra. Cứ để Phạm mang cái nghi án trái ngang này cho thêm phần sương khói ảo huyền. Có điều cần phải hiểu về Phạm: ta không thể nào tìm thấy sắc dục, vật dục trong thơ Phạm Thiên Thư. Nó hoàn toàn thánh thiện. Phạm Thiên Thư không thể đắc đạo nhưng bạn đọc vui mừng có được một chàng Phạm Thái tài hoa mới.

Em nằm dưới mộ bi
Buồn không trăng đầu dẫy
Nhớ xưa em dậy thì
Bâng khuâng nhìn trăng lên
(Trăng mộ)

*
Pháp Loa nói: "Khẩu thuyết xuất gia, tâm hành thế nghiệp..." (Miệng nói xuất gia nhưng tâm theo chuyện thế tục...). Với Phạm Thiên Thư, chuyện thế tục là chuyện văn chương ngàn năm thiên cổ sự.

Trong thâm tâm Phạm Thiên Thư rất kính trọng thiên tài Nguyễn Du với tập đại thành Truyện Kiều. Chính thi tài của Nguyễn đã cho phép người mượn một chuyện lá cải của Trung Hoa để giãi bày chữ tiết trong tâm sự u uẩn của mình mà làm nên danh tác, nhưng Phạm không phục và chấp nhận Nguyễn đã vay mượn quá nhiều từ đề tài, cốt truyện, văn liệu, địa điểm, thời gian, điển cố....(1).  Tinh thần dân tộc cực đoan đó đã dẫn tới việc Phạm dám táo gan viết Hậu Kiều với tên mới Đoạn trường vô thanh (Niềm đau không tiếng) nối điêu vào kiệt tác của một thiên tài! Dưới ánh sáng của kinh Kim cương, Phạm viết Hậu Kiều là để thấm đậm tư tưởng của đạo Phật cùng ý thức Việt hoá, thoát ly hẳn những ảnh hưởng ngoại lai trong việc tiếp thu di sản văn hoá của cha ông. Đoạn trường vô thanh đề cao dân tộc, thiên nhiên và lao động, coi như cội nguồn của thân - tâm giúp con người vượt thoát, phục sinh khỏi mọi bế tắc tư tưởng để sống khỏe mạnh, an hòa và tiến hóa, giải thoát khỏi tai ách vận nghiệp quá khứ, Đoạn trường vô thanh gồm 27 chương, 3.296 câu lục bát, dài hơn Tân thanh 42 câu. Mỗi chương được trình bày như một bức tranh về đời sống nàng Kiều. Tác giả đã xoá bỏ mọi điển tích từ chương Hán, thay thế bằng hình ảnh, anh hùng điển cố, lịch sử thuần túy Việt Nam: Trần Hưng Đạo chỉ kiếm xuống sông Hoá thề diệt giặc thay cho Kinh Kha, Từ Thức cởi áo từ quan thay cho Lưu Thần Nguyễn Triệu, tâm trạng Mai An Tiêm bị đày thay cho Chiêu Quân cống Hồ và Tô Vũ bị cầm tù xa cố quốc, sông Thương thay cho sông Tiền Đường, những Tiên Dung - Chử Đồng Tử, Tản Viên, Thánh Gióng, Bạch Vân... cũng không bỏ sót. Phạm Thiên Thư đã thổi một luồng gió mát ca dao dân ca, tục ngữ dân tộc vào tác phẩm. Các phong tục tập quán được khai thác triệt để.

Cho thơ hoà với mênh mang
Cho mênh mang đọng hạt đàn vô thanh

Đoạn trường vô thanh là truyện thơ hư cấu nghệ thuật nối tiếp Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du từ sau ngày Kim - Kiều tái hợp. Bản cáo trạng cuối cùng này của thi hào Nguyễn Du được nhà thơ Phạm Thiên Thư đẩy tới cao trào trong tiếng kêu thương lặng chìm, không tiếng. Hậu Kiều có thêm một số nhân vật mới: Tiểu Nguyện là con gái Thúy Vân và Kim Trọng; Trần Nguyện Mai là chiến hữu của Từ Hải tại Giao Châu; Hồ Ông là dòng dõi Hồ Quý Ly lưu lạc bên Tàu thời Minh, thầy học của Kim Trọng, Vương Quan và Thuý Kiều, người chủ trương học phái "tri hoà hành hoá" (biết nên hòa, làm nến hóa) đặc biệt từ dân tộc Việt; Ẩn Lan là con gái Hồ Ông, người yêu đầu đời của Vương Quan; thầy Văn Chương là nhà sư sáng lập phái "Thi tông" dùng thi ca khai mở Phật tánh, thầy dạy Đạo cho Thuý Kiều; Ngô Khôi là học trò của Hồ Ông sau này (thời Hồ Ông ở ẩn). Tác giả đã dời địa điểm của truyện về đất Phong Châu, nước Đại Ngu. Những địa danh: Đá trắng, Mai Sưu, Đa Cóc, Yên Mô, Đền Mẫu... đều thuộc vùng Chí Linh, Hải Dương - nơi Phạm Thiên Thư lớn lên thời thơ ấu và niên thiếu tại điền trang của gia đình (1943 - 1951).

Với Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du đã thi hoá Thanh Tâm Tài Nhân, diễn bày số phận Thuý Kiều trong một xã hội thối nát, thì với Đoạn trường vô thanh, Phạm Thiên Thư diễn bày cái tâm thức trưởng thành của Thuý Kiều như đoá hoa ngát hương trong vũng lầy xã hội phong kiến. Hai quyển Kiều có chỗ nhất quán là cuộc đời, ý thức vượt lên định đoạt thân phận con người, đòi quyền sống, quyền tự do và hạnh phúc. Nhân vật trung tâm, người anh hùng, "người vác thập tự trong cuộc đoạn trường" của Hậu Kiều vẫn chính là nàng Kiều tuyệt tài, tuyệt sắc, đa tình và đức hạnh chứ không phải ai khác. Nàng đã giở sang trang đời khác với cuộc sống mới sang trọng và bình yên. Chỉ vì lòng tự trọng, tự tôn người tình xưa, Kiều đã chủ động đổi tình cầm sắt ra cầm kỳ. Đường đường là một quý bà - bạn thân của quan huyện Kim danh giá, nhưng tuổi thanh xuân mới chẵn 30 của nàng đã chết trong cảnh sống độc thân vò võ. Thân tâm Kiều vẫn đầy giông bão nội tâm. Đã xa rồi cảnh tượng hãi hùng "Canh khuya, thân gái dặm trường", đời đã hửng sáng, nhưng Kiều vẫn bị ám ảnh vẩn vơ bởi tài mệnh tương đố, duyên nghiệp nhân quả, tình là dây oan, cùng những tín ngưỡng dị đoan đè nặng lên số kiếp. Viết Hậu Kiều, Phạm Thiên Thư vẫn phải thủ vai một nhà tư tưởng và người nghệ sĩ với trái tim nhân hậu thăm sóc nốt phần đời còn lại cho nàng. Đó là cách nhà thơ muốn giải vận nghiệp dân tộc. Qua những biến động ghê gớm của cá nhân lịch sử, chúng ta đi tìm cái chúng ta đã mất. Không như Nguyễn Du, Phạm Thiên Thư không trà trộn các ngôn ngữ triết thuyết khác nhau Nho Phật Lão chen lấn vào. Kiều vẫn bị hành hạ tâm linh. Phạm buộc để cho Kiều tiếp tục nghĩ suy về lẽ hưng phế của cuộc thế, trời đất với ý hướng tích cực:

Xét trong trời đất vô cùng
Biển dâu sắp đặt lạ lùng cao xanh
Bao nhiêu cung điện tan tành
Xô đi dựng lại dưới vành trăng tươi
Thăng hoa cuộc sống con người
Phế hưng trải rộng lẽ trời tự nhiên.
(Chải tóc thu phong)

Kiều thật cả nghĩ. Nàng luôn băn khoăn lục vấn, triết luận kiếm tìm nguyên nhân nào đã đẩy con người vào vực thẳm. Tai họa nghiệt ngã đâu có trừ riêng ai:

Hay rồi một trận gió mưa
Bùn đen kia hẳn không chừa đài hương
(Khói mờ ngoài sông)

Trong cái hỗn độn đó, kiếp người thật mong manh, ngắn ngủi, vô nghĩa:

Đời người như cánh hoa lay
Trần gian thơm một đôi ngày lại thôi
(Chải tóc thu phong)

Thật là mung lung, rối trí :

Trách lòng tự đúc nên khuôn
Trách người chia những vai tuồng thấp cao
Vui buồn trong giấc chiêm bao
Rồi đem vọng tưởng khép vào tâm can.
(Tẩy nước cành dương)

Tinh thần bấn loạn, con người chuốc vào thân những "vọng tưởng" để tự hành tội mình. Chỉ từ khi thấm nhuần triết lý sống của thầy học Hồ Ông, Kiều mới cảm thấy tịnh tâm, thanh thản hơn, sao cho trong trùng vây của ý thức tư tưởng phải vượt lên để không sống uổng những ngày thừa còn lại:

Thường khuyên: mình đã loạn mình
Cái tâm khiến lụy cái hình lao đao.
Truyền đời xây tiếp tâm lao
Càng giăng bẫy quỷ, càng nhào khe ma
(Khói mờ ngoài sông)

Suy nghĩ của Kiều trên đường quy cố hương thật đáng lưu ý. Những câu hỏi đau đáu nhói buốt xuyên qua tâm trí nàng về cõi thế mù loà này vẫn tiếp tục dày vò nàng:

Cõi người chất ngất hờn oan
Cuộc cờ bày xoá mấy bàn đua tranh
Ném ra xe ngựa tung hoành
Thu về còn lại một vành trăng suông
(Mây thu cuộn vàng)

Giải pháp chữ tâm mà Nguyễn Du đặt ra cuối Truyện Kiều còn được Phạm Thiên Thư tán thành và khai triển tiếp nối. Bước chuyển biến trong nhận thức nàng Kiều tuy có chậm chạp, như lời dạy bảo của nhà sư chùa Văn Chương "Con người cứ mãi xa nguồn - đày mình giữa những chán chường quẩn quanh", nhưng cuối cùng cũng tới đích. Thuý Kiều về quê, núi non vùng trung du Chí Linh đã giúp nàng ngộ được cái chân lý cao quý, cái hạnh phúc xa vời mang mang nội tại trong tâm từng giúp nàng tự chỉnh trong tha hoá đau khổ:

Mặc ai tìm kiến Tây Thiên
Riêng ta biến cái não phiền thành hoa.
Hoài công sớm tối ê a
Chi bằng hái cúc ươm trà ngẫm thu
(Bao năm tơ tưởng)

Thiên nhiên và lẽ biến dịch sẽ làm nhiệm vụ thanh hoá con người. Phải chăng cái nôi thiên nhiên, quan hệ nhân văn đã tạo nên tâm đức Kiều từ lúc chào đời, từ màu xanh thôn mạc đến những tín ngưỡng dân gian từng ám thị vào tâm thức?; vượt khỏi những hệ lụy, định kiến tôn giáo đưa Kiều gắn bó sâu xa với đất nước ông cha, mang lại cho nàng niềm vui, sức sống và sự ổn định tâm hồn?

Cho thơ hoà với trăng sao
Cho trăng sao hoà chiêm bao cõi người
Khí thiêng sông núi nên lời
Cỏ cây giam kín một đời tinh anh
(Tìm động hoa vàng)

Nét đặc sắc trong Hậu Kiều là những lần Kiều đánh đàn. Mỗi lần nàng so đây là mỗi khác. Tuỳ tâm trạng buồn vui mà âm thanh biến ảo dưới ngọn bút kỳ tài của thi nhân.

Trong đoạn đoàn viên, sau khi dở ngón đàn tuyệt diệu đánh cho Kim Trọng nghe, nàng thề sẽ cuốn dây từ đấy, nhưng rồi nó như một nghiệp dĩ, một công cụ giải buồn khó từ bỏ được. Đây là lúc thanh vắng, Kiều độc cầm:

Giờ Kiều lại nối âm thanh
Thử đem sương gió tựu thành cung dây
Tiếng đàn rã liễu rời mây
Ngón tay dã hạc vờn bay dặt dìu
Hai hàng lau lách đìu hiu
Đồi phong lá gọi bóng chiều xác xao
(So dây gợn sóng)

Lúc đó, chàng Kim đến, nghe lén, đề nghị đổi âm sắc, đàn lại chuyển cung vui:

Hồn xanh xanh ngắt da trời
Hoa thu não ruột rung mười ngón son
Nửa cung ngơ ngác trăng non
Nửa cung nắng quái sông còn vàng phai
(So dây gợn sóng)

Nghe tiếng đàn của kỹ nữ bây giờ ở huyện đường do Kim Trọng chiêu đãi, Hồ Tôn Hiến hồi tưởng ngón đàn của người "giết chồng, cứu nước" trong ngày tàn binh lửa hồi nào "Tay Kiều lướt mấy đường tơ - năm cung còn đến bây giờ vọng vang":

Bốn dây như điếng như tê
Nỉ non oán động, não nề sầu câm
Bây giờ vẫn thoảng dư âm
Tiếng đàn than lặng khóc thầm bấy nay
(Những đêm tàn rượu)

Nhờ tiếng đàn của Thuý Kiều mà Hồ Tôn Hiến giải thoát được khỏi con mắt ám ảnh của Từ Hải khi chết:

Tưởng chừng chim hợp mây tan
Đậu về reo hát hiên ngoài triền miên
Hồ nghe nhẹ bẫng ưu phiền
Dây đàn ấm mạch suối thiêng tỉnh người
Mắt Từ như cánh hạc trời
Bay lên mất hút ở nơi vô cùng
(Dậy sống Tiền Đường)

Và đây là tiếng đàn tri kỷ Kiều vọng tưởng Từ Hải:

Cây đàn trên ngựa phân vân
Bốn dây tay chợt buông ngân tiếng hờn
Tiếng chi thác đổ mây vờn
Chừng nghe kiếm gẫy xanh rờn lửa reo
Tiếng chi suối lệ tuôn theo
Chừng nghe sương tụ, gió heo hút đời.
(Vương mấy tơ đồng)

Thăm mộ Từ Hải, trong ký ức Kiều, hình bóng đấng trượng phu hiện lên ngang tàng, lãng mạn "Tưởng chàng bẻ kiếm dựng râu - Nốc nghiêng bát rượu, trên đầu cài trăng". Tiếng đàn đồng vọng lập tức vang lên trong lòng cố nhân:

Tiếng ngân chìm đắm mơ màng
Một dây to nhỏ hồn man mác trời
Buông chi tiếng nhặt tiếng rơi
Trong u ẩn gió nghe tơi tả lòng
(Chải tóc thu phong)

Kiều hồi tưởng buổi tối đánh đàn cho Kim Trọng và sư thầy Văn Chương nghe. Nhà sư trợ điện giúp Kiều tỉnh thức khỏi nghiệp đàn, hoà tâm cảm vào thiên nhiên đại Đạo:

Mây ùn mười ngón lâng lâng
Viền trăng hư ảo trên tầng khói xây
Đất dồn nhựa mạnh ngất ngây
Ánh trăng đọng xuống mấy dây lặng chìm.
(Tơ thiêng nhập hóa)

Tại sao con người lại ngu ngốc đem lòng giam vào hữu thanh? Trong phút chốc bừng tỉnh, Kiều đã hoàn toàn giác ngộ:

Diệu hành là tiếng không ta
Không âm thanh ấy mới là âm thanh
(Vương mấy tơ đồng)

Tiếng đàn trong Hậu Kiều quả là cả một nghệ thuật thiền, một công án thiền. Lắng nghe những âm sắc Kiều gảy, mỗi người tự mở ra cho mình một chân trời riêng.

Trong lần hành hương về Tiên Điền mới đây, Phạm Thiên Thư đã ngoại cảm bên mộ Người:

Nguyễn Du đâu phải nhìn không ra
Đem chuyện Tàu thi hóa tiếng ta
Hẳn muốn chứng minh cho học giới
Tiếng mình dư sức tỏa hương hoa
(Năm 2000 đọc lại Nguyễn Du)

Phạm đã tỏ ra thông cảm và nhìn nhận đúng bản chất của văn hoá vay mượn. Nếu ham chuộng thái quá thì "nô dịch đưa voi đạp mộ nhà". Theo Phạm, Nguyễn đã không còn "Rút hay người thêm để hay ta" mà còn tiến xa hơn "tỉnh thức dòng nô dịch - Kinh viện hơn Tàu mới dễ xoay"; rõ ràng là "Cụ không thuần túy làm văn nghệ - Hay đẹp dùng như dấy nghĩa binh". Hẳn "nho ta" đã nhận thức ra nguyên lý "Tự chủ đầu tiên phải giữ hồn - Có cồ tâm mới vững biên cương".

Bám chắc vào cơ sở tiếng Việt thuần tuý giàu và đẹp, không hề vay mượn, ngôn ngữ của Phạm Thiên Thư được chắt lọc tinh túy nên đẹp óng ả, gợi tình.

Chất tạo hình trong thơ có họa của Phạm Thiên Thư khá phong phú, điêu luyện. Những vật vô tri đã bộc lộ được tính linh con người. Hình sắc, ánh sáng, bố cục, không gian, thời gian trong bút pháp uyển chuyển và linh hoạt của Phạm Thiên Thư đã vẻ ra được những bức tâm cảnh điêu nghệ. Đây là khoảnh khắc Kiều bâng khuâng hồi tưởng "Tiểu khê cỏ vẫn xanh gầy - Mùa thu chết đuối bóng mây giữa dòng" (Kiều ngồi ven suối). Một nét phác thảo dung nhan: "Người buồn lãng đãng sương mù - Gió tai tái lạnh về ru nét mày" (Mây thu cuộn vàng). Cảnh bồn chồn trên đường hồi hương: "Cỏ cây thấp thoáng qua màn - Dập dồn vó ngựa gõ khan mặt đường" (Mây thu cuộn vàng). Cảnh Kiều trở lại viếng sư thầy ân nhân Giác Duyên "Non xưa am vắng u hoài - Cây trơ sắc nhớ, cỏ dài ngọn trông" (Tẩy nước cành dương). Tả nhớ mong đợi chờ "Tóc nàng dài sợi hoàng hôn - Cò bay dằng dặc cô thôn gọi chiều" (Bao năm tơ tưởng). Tả tâm trạng hoang mang, rối loạn: "Tỉnh ra thương phận lạc loài - Tưởng hoa còn rụng trên vai liễu mềm" (Lắng tiếng chim vang). Tả bàn chân đi nặng ưu tư giữa chiến trường xưa: "Rã rời từng bước rêu nhung - Hài gieo giữa cõi vô cùng hoang mang" (Chải tóc thu phong), lúc lại rưng rưng "Bước chân nẫu nhớ mùi quê - Đất truyền nhựa mạnh, mừng tê tái mừng" (Bao năm tơ tưởng). Những chấm phá liên tưởng sắc nét: "Chim nào hót giữa lùm mai - Chừng như thoảng tiếng thở dài trên yên" (Chải tóc thu phong), "Sườn non nửa mảnh trăng nhô - Cong thành một nét mơ hồ mi ai" (Chải tóc thu phong), "Cho sầu thêm võ hoa dong - Tỳ bà đẫm một nét cong trăng vàng" (Năm cung trường lệ)...

Phạm đã miêu tả vẻ đẹp của ngoại cảnh để đi sâu vào thế giới tâm hồn nhân vật. Tác giả bài trí thiên nhiên rất có trọng tâm, phép đậm nhạt liều lượng dùng có chủ ý. Tính cách nhân vật được xây dựng trên nhiều nền vẻ của thiên nhiên. Cái này làm nổi cái kia, cái kia tôn cái nọ. Phạm đã sử dụng thành thạo và nhuần nhuyễn thể thơ lục bát như cây thiết bổng trong tay Tôn Hành Giả. Tài dùng chữ của Phạm có chỗ đạt đến trình độ "hoá công".

Cây cầu lửng giữa trăng sao
Phải chăng cửa ngõ đi vào huyền căn
Tiếng tơ kết kén ôm tằm
Biết đâu hoa bướm trăm năm một lần.

Phạm có những đoạn thơ quỷ khốc thần sầu:

Lên non trẻ hái hoa vàng
Còn reo nhặt được kiếm han rỉ cùn
Đêm về bần bật kiếm run
Mồ hồi thép toát hiện hồn ba quân.
(Mây thu cuộn vàng)

bên những câu thơ thanh tao, dung dị:

Tàng hoa trắng cội phù vân
Tiếng chim khuyên rụng trong ngần như sương
Bao năm vẫn một mùi hương
Trước sau thơm đến dị thường trong ta
Phải chăng hoa của quê nhà
Thơm trong hoài niệm mới là mãi tươi.
(Lắng tiếng chim vang)

Bút pháp tả cảnh, tả tình của Phạm Thiên Thư khá là cổ điển, rất Nguyễn Du. Ngôn ngữ thi ca của Phạm Đại đức đã làm cho chúng ta khó mà nhận ra được vết hàn nối giữa hai tác phẩm Truyện KiềuHậu Kiều:

Sông dài cởi yếm hoàng hôn
Bầy chim ngủ đậu bên cồn lại bay
Gió về đưa ngọn sóng say
Tiếng ca mục tử cuối ngày gọi trâu
Bãi xa cỏ tím rầu rầu
Mái đình rêu vọng trống chầu nhịp mưa
(Ai để hoa dung)

Bè ai thả vó ven đê
Nửa ngâm ráng đỏ, nửa kề mây xanh.
(Chải tóc thu phong)

Mênh mang hoa trải gấm phơi
Hoa lay tưởng ngọn bút trời phê văn
(Lòng như khối ngọc)

bên những âm hưởng trữ tình trong trẻo, thắm khỏe, mộc mạc của ca dao nơi tâm trạng Vương bà nhớ quê xa:

Quê nhà dù cất mái tranh
Mà trong thân tộc, mà quanh bạn bè
Hiền hòa khóm trúc bờ tre
Vẳng nghe tiếng cuốc sang hè gọi khan.
(Khói mờ ngoài sông)

Trung thành với phong cách ngôn ngữ Truyện Kiều của Nguyễn Du, Phạm Thiên Thư đã vượt qua bút pháp ước lệ tượng trưng của chủ nghĩa cổ điển, khai triển tứ thơ nhẹ tự sự, nặng trữ tình trong những màn độc thoại nội tâm sâu sắc tình tiết, lớp lang. Đọc Đoạn trường vô thanh, bạn độc sẽ hỏi: đây là tiểu thuyết bằng thơ? hay khúc ngâm? Rõ ràng nghiêng về khúc ngâm. Da thịt Hậu Kiều thì hồng hào tươi tốt, nhưng xương cốt của nó lại mềm yếu. Bằng cách để cho các nhân vật hồi ức, Phạm Thiên Thư đã tô đậm thêm những chỗ còn thiếu sót và mờ nhạt của Truyện Kiều Nguyễn Du. Nghệ thuật biểu hiện linh hoạt và ngôn ngữ cẩm tú của Đoạn trường vô thanh có khá nhiều câu, đoạn, chương hay nghiêng ngửa với Đoạn trường tân thanh. Hai quyển Kiều có giá trị bổ sung nâng đỡ làm đẹp cho nhau, chứ không phải loại trừ nhau như có người lầm tưởng.

Những chương, đoạn: Về cuộc du sơn (Bức thứ 3: Ruổi rong nhật nguyệt, từ câu 45 đến 114); So dây sóng gợn (Bức thứ 5, từ câu 199-266); Thăm lại am Giác Duyên (Bức thứ 8: Tẩy nước cành dương, từ câu 645-752); Năm cung trường lệ (Bức thứ 9, từ câu 753-782); Vương Quan thương nhớ Ẩn Lan (Bức thứ 16: Ai để hoa dung, từ câu 1756-1816), Vương Bà nhớ quê (Bức thứ 18: Khói mờ ngoài sông, từ câu 1967-1980); Kiều thăm mộ Từ Hải (Bức thứ 20: Chải tóc thu phong, từ câu 2.299-2.334); Thúy Kiều trở lại cố hương (Bức thứ 22: Mây thu cuộn vàng, từ câu 2.719-2.770); Kiều thăm mả Đạm Tiên (Bức thứ 25: Kiều ngồi bên suối, từ câu 3.065-3.144)... có thể xem là những tuyệt bút.

Trong bốn người viết nối Truyện Kiều, nhà thơ Phạm Thiên Thư là người xuất chúng thành công hơn cả. Phạm Thiên Thư đã đem hết can đảm, tài năng, tấm lòng khóc thương Tố Như vĩ đại bằng cách tạo tác ra được một lâu đài thơ tráng lệ, tỏ rõ là một môn đệ âm tri kỷ của Người. Hẳn Nguyễn tiền bối cũng được ngậm cười nơi chín suối.

Đoạn trường sổ gói tên hoa
Xưa là giọt lệ nay là hạt châu.

Hạt châu lấnh lánh - đuốc tuệ tỏa sáng soi đường cho ta tìm về với những giá trị thiêng liêng giữa cội nguồn dân tộc.

Đoạn trường vô thanh chiếm giải Nhất thơ (bộ môn trường thiên) năm 1973 do cụ Á Nam Trần Tuấn Khải làm chánh chủ khảo. Tác phẩm đã được in đi in lại nhiều lần ở trong và ngoài nước (2)

Kìa đường dân tộc mong tìm mở
Đây khách tâm hồn khó nín thinh
Vận mới khơi thêm dòng nhiệt huyết
Điệu xưa tô lại nét thâm tình
Đoạn trường - ai đã qua cầu ấy
Lắng thử Vô thanh tiếp Hữu thanh.
(Cảm đề - Á Nam Trần Tuấn Khải)

Sau ngày miền Nam giải phóng 30-4-1975, Phạm Thiên Thư chuyển sang hoạt động y học. Là người sáng lập và là chủ trường phái chữa bệnh bộ môn Điện công Phathata hay thể dục thân tâm, Phạm không quên mình là nhà thơ, đã sáng tác một số thơ vui cho người bệnh thư giãn thần kinh, phục hồi sức khỏe. Đưa tiếu lâm vào lâm sàng cũng là cách phát huy tinh thần "nụ cười bằng mười thang thuốc". Trong dưỡng sinh, đa số học viên già, mang nhiều chứng bệnh mãn tính, nhất là chứng buồn. Thơ vui đã làm các cụ bớt căng thẳng, ăn ngủ dễ hơn. Phạm đã chọn thể thất ngôn tứ tuyệt với ngôn ngữ dung tục, ngộ nghĩnh, đề cập đến những vấn đề gần gũi đời thường:

Áo tắm dùng khi xuống pít-sin
Cốt che đại khái chỗ ưa nhìn
Chỉ riêng phải mặc thi hoa hậu
Trình rõ eo đùi, kiểm chứng "dzin"
(Áo Tắm)

Hoặc cũng có bài nặng chất thơ:

Mùa thu qua nhà thăm giậu cúc
Em nghiêng hái hoa, xanh áo lục
Mùa đông qua nhà hỏi cội mai
Sao đẹp như em chồng vẫn "đục"
(Cúc)

Có khi lại khai triển một nhân vật tiểu thuyết hay giai thoại:

Kim mơ thấy chàng là chú rể
Vào nhà Vương ông rất oai vệ
Kiều nhi chúm chím cười như hoa
Mà sao long lanh đôi ngấn lệ.
(Chú rể)

Ngoài bộ Tiếu liệu pháp, Phạm Thiên Thư còn viết Huyền ngôn. Những lời huyền diệu này giống như danh ngôn, chở nặng những thông điệp tư tưởng. Huyền ngôn của Phạm Thiên Thư đã suy ngẫm, thai nghén, đúc rút trên từng chặng đường đời của tác giả, được chia ra nhiều phẩm :


  1. Những loài hoa không tranh cãi nhau ngoài đồng về phẩm giá của mình. Cái đẹp chỉ đẹp trong muôn hương ngàn sắc, huống chi chúng ta cứ muốn giành lấy sự toàn vẹn cho riêng mình.

  2. Bên dưới chùm cẩm tú cầu xanh biếc như vẩy ngọc có ẩn một chú sâu vàng.Ta có nên nhặt ra hay để chú sâu nghi kỵ tiệt đứt mọi công quả ?Ta không sợ nắng gió làm hoa không rực rỡ, chỉ e sự hủy hoại đã phục sẵn lòng hoa.

  3. Ai cũng giành trồng những loại hoa quý cho riêng mình, chẳng ai chịu tưới xanh một thảm cỏ cho châu chấu trú ngụ. Chỉ có trời là rộng lượng với muôn loài.

  4. Đóa bụt hồng ngoài bờ giậu đâu phải nở cho thi nhân. Cánh bướm trên cỏ xanh đâu phải bay vì hương sắc. Muôn loài đều vì chính mình. Bạn chớ bận tâm về những lời phẩm luận của thế tục.

  5. Bông hồng nhung nở cúi chào mặt trời buổi sáng, trên đài hoa đang ứa những hạt lệ khóc giã biệt chiều tà. Từng khắc một vừa sinh vừa hoại diệt. Ta chớ buông từng hơi thở vô công.

  6. (Phẩm hương hoa)

  7. Ngọc nhiều loại góp vào càng làm tôn vẻ đẹp lẫn nhau. Người tài vô đức ở đời ngồi lại tự bôi bẩn lẫn nhau.

  8. Đào xuống nghìn thước không chắc kiếm được vàng ngọc. Chỉ cần bới mấy tấc đất trồng cây, tới mùa có thể đổi được hàng trăm thứ quý.

  9. Sắm ngọc ai cũng muốn chuốc cả đôi. Tài nghệ thì ai cũng muuốn riêng mình độc đáo. Họ chèn ép nhau để chẳng ai bằng được riêng mình. Nhờ vậy mà trăm hoa đua nở rộ. Ấn xuống chính là giúp người khác vọt lên cao.

  10. Của trời bao la chẳng ai thèm lấy. Châu ngọc vung vãi chẳng ai thèm vơ. Nhưng chỉ vài hạt thóc lép họ moi móc vào tận đáy túi của nhau.

  11. (Phẩm Ngà ngọc)

  12. Kẻ đắc ý cả cười, mắt cũng rưng lệ. Người thất cơ thầm khóc, nước mắt đẫm chéo khăn. Được - mất, thành - bại, khóc- cười, hạt nước mắt đều tròn giống nhau.
       (Phẩm Khóc cười)


Huyền Ngôn của Phạm Thiên Thư đọc rất thú . Có thể nói đó là những áng thơ văn xuôi tuyệt mỹ. Tôi nhớ có lần Phạm Thiên Thư bàn về thơ, khá xác đáng trong trường hợp của người: "Thơ hay phải dày kinh nghiệm, phải chiếm cảm quan, phải san trí tuệ, phải để trong tâm, phải trầm trong nhạc, phải nạp trong tình, tụ hình nơi khoảng trống, để sống với tất cả".

*

Tổ quốc của các tu sĩ là tu viện. Phạm tuy thân ở trong chùa những tâm lại ở ngoài chùa. Nhà sư bồ tát này lo cả việc đạo lẫn việc đời, chuyên chú chu toàn cả hai. Toàn bộ thi phẩm của Phạm Thiên Thư nhuốm sắc thái đặc biệt khác người vừa đạo vừa đời, sắc bất dị không, không tức thị sắc và rất Việt Nam.

Từ việc thi hoá những bộ kinh cốt tùy của đạo Phật, Việt hoá thiền qua 10 bài Đạo ca (nhạc Phạm Duy) đến việc nối điêu vào Truyện Kiều, viết Huyền ngôn, Sử thi, Từ
điển cười Tiếu liệu pháp, khai sáng môn Điện công Phathata... tiếp tục biểu dương tinh thần y dược dân tộc, cái đầu của Phạm Thiên Thư thật đáng sợ. Ý thức tự tôn dân tộc cao cả và thái quá của Phạm là động lực thúc đẩy nhà thơ sáng tác. Tinh thần tiến công khoa học, vượt người xưa là một thái độ đáng nể trọng. Phạm Thiên Thư chỉ vụt qua bầu trời thơ ca miền Nam như một ánh sao băng. Mới 35 tuổi đời (1975), Phạm để lại mười vạn câu thơ! Chúng tôi đã tập trung đọc ròng rã một tháng nhưng vẫn không hết những cái Phạm đã viết. Người hẳn có tới "mười cánh tay" - một cỗ máy làm thơ khủng khiếp, ào ạt. Kinh Hiền với 12.000 câu viết trong một năm rưỡi; tập thơ Quyên từ độ bỏ thôn Đoài 112 bài thơ viết trong 23 ngày. Trong núi thơ đó, cái hay nhiều, cái dở cũng lắm. Chúng tôi thật sự phân vân. Phạm Thiên Thư sáng tác nhiều như vậy nhằm mục đích gì? Có lẽ Phạm học theo lối người Ấn Độ viết trường ca ? Dù lý do gì đi nữa, làm thế cái lượng tránh sao khỏi không làm nhảm cái phẩm của mình ra !?
THÁI DOÃN HIỂU
____________________________________
CHÚ THÍCH :
(1)     Nguyễn Du đã dịch 30 câu thơ và 27 lần mượn ý, chữ trong thơ cổ Trung Quốc, 46 lần mượn chữ Kinh Thi, 50 lần mượn chữ, ý trong các kinh truyện khác, 69 lần mượn điển tích trong các sách Thần tiên truyện, Tình sử  vv…, 21 lần mượn chữ và điển tích trong các sách Phật, Lão.
(2)     Đoạn trường vô thanh (Hậu Kiều), Nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội 2004.


(Rút từ bộ THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI).

No comments:

Post a Comment