Nói thực là trên đời này nếu có gì
khiến tôi sợ thì đó là nước mắt đàn bà! Ngay cả với những “đệ nhất mỹ nhân”,
tôi cũng rất ngại tiếp xúc nếu tôi biết trước rằng khi gặp mình, ôn cố tri tân,
kiểu gì họ cũng rơi nước mắt… Thế nhưng, tôi vẫn tìm tới nhà riêng NSƯT Đàm
Thanh để tiến hành cuộc trò chuyện này, dù cứ mỗi lần liên lạc với chị qua điện
thoại, chỉ được hai ba câu nói về kỷ niệm trong nghề và trong đời, đặc biệt là
khi nhắc tới người chồng quá cố của chị, đạo diễn, NSND Nguyễn Văn Thông,
là tôi có cảm giác như chị chực òa ra khóc…
Đàm Thanh thời trẻ (phải) |
Dẫu vậy, những eo hẹp vật chất đó
xem ra không ảnh hưởng tiêu cực chút nào tới tâm trạng và những cảm xúc của
chị. Đàm Thanh ở tuổi về hưu từ lâu rồi nhưng vẫn có phong thái hồn nhiên đến
tử tế của một thanh nữ mới lớn, dễ tin vào đời, dễ tin vào người. Chị luôn trầm
trồ khi nói về quá khứ, về bản thân mình và những người thân của mình trong quá
khứ. Tôi đoán rằng, người đàn bà này chắc trước đây đã được chồng mình nâng niu
lắm lắm…
- Hồng Thanh Quang: Bây giờ chị có nhớ ngày đầu tiên khi chị bắt đầu cùng
mọi người từ miền Nam ra tập kết miền Bắc không? Chị nhớ đó là ngày nào và cảm
giác đầu tiên khi chị đặt chân lên đất Bắc lúc ấy ra sao?
- NSƯT Đàm Thanh: Mình không nhớ được đâu vì ngày ấy mình còn bé lắm.
-
Hồi ấy chị bao nhiêu tuổi?
- Đâu chưa đến 8-9 tuổi, năm 1954.
- Chắc chị cùng ra Bắc với chị
Đàm Liên. Chị Đàm Liên là chị hay là em của chị nhỉ?
- Chị ruột. Mà Hồng Thanh Quang hỏi
câu này cũng hệt như câu anh Thông (NSND Nguyễn Văn Thông, chồng chị - HTQ) hỏi
mình hơn năm mươi năm trước, khi anh ấy lần đầu gặp mình để chuẩn bị lồng tiếng
cho phim Con chim vành khuyên (cười).
- (Cũng cười): Đó là tình cờ
thôi, chứ tôi nào dám bắt chước bậc tiền bối như anh Thông… Quả thực là
nhìn chị và chị Đàm Liên rất khó đoán ai là chị, ai là em… Thế gia đình chị khi
ấy có mấy anh chị em?
- 7 người.
- May mà hồi ấy chưa có kế hoạch
hóa gia đình (cười).
- (Cũng cười): Sau ra Bắc, cha mẹ
mình sinh thêm hai người nữa, là Đàm Quốc Cường, sau cũng học ở Nga 6 năm và
Đàm Phú, hiện công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam.
- Tôi cũng có hân hạnh được biết
anh Cường và chị Phú. Thế làm sao mà gia đình chị lại có thể tập kết được đông
đúc như thế nhỉ? Chắc ba mẹ chị hồi ấy phải là cán bộ cấp cao lắm?
- Ba mẹ mình đều là đảng viên tiêu
biểu, lãnh đạo khu 5.
- Quê chị ở đất tuồng Bình Định?
- Không, ở Phú Yên.
- À ra thế, Phú Yên có thành phố
Tuy Hòa, nơi khởi xướng ra những đêm thơ tháng Giêng thời hiện đại… Thế trong
gia đình, chị là người con thứ mấy?
- Thứ 6.
- Ra Bắc chắc chị được đưa về học
trường dành cho con em cán bộ miền Nam ở Hải Phòng?
- Đúng rồi. Hồi ấy tất cả những đứa
trẻ như mình đều học ở Hải Phòng hết. Khi mình học hết lớp 10 là đúng lúc Đoàn
Tuồng Liên khu V tiến hành tuyển người. Lúc ấy giới trẻ họ ghét tuồng
lắm. Nhưng mẹ mình là diễn viên tuồng, diễn viên giỏi, thành ra mình thấy nghề
của mẹ lại hay. Chị Đàm Liên khi đó thực ra lại thích điện ảnh và thích múa hát
hơn. Mà chị ấy múa Hái chè bắt bướm đẹp lắm. Còn mình thì mê tuồng ngay
từ trẻ.
- Hồi đó chị thường đóng những vai
gì?
- Đủ các loại vai, từ kép con như
Trần Quốc Toản trong vở Trần Quốc Toản ra quân tới các vai đào chiến, đào bi
như Đào Tam Xuân trong vở Đào Tam Xuân loạn trào, Phương Cơ trong vở tuồng
truyền thống Ngọc lửa Hồng Sơn, vai Trưng Trắc trong Trưng Nữ vương hay vai
công chúa Quỳnh Nga trong Thạch Sanh…
- Tôi cũng xin thú thực là hồi
nhỏ tôi cũng rất hay đi xem tuồng. Ông bà ngoại tôi ở Hàng Đào hay dẫn tôi đi
xem tuồng ở cái rạp nho nhỏ gì đó ở phố Ngõ Gạch. Rạp đó bây giờ hình như được
dùng làm nhà kho… Các vở tuồng cổ thường giúp ta cảm nhận không khí hào sảng và
mã thượng của thời xưa…
- Đúng thế đấy, mình mê tuồng cũng
là vì mê cái không khí hào sảng trong tuồng… Hồi đó có nhiều người bảo với
mình, Đàm Thanh xinh thế kia, giọng hay thế kia thì vào diễn tuồng làm gì
cho phí. Nhưng mình thấy không phí, vì mình được sống trong không khí nghệ
thuật mà mình yêu thích. Ngày đó đâu có nhiều diễn viên nên dù mới 16 tuổi, mà
mình vẫn liên tục được vào các vai chính. Có vở mình còn đóng cả hai vai chính,
như Trưng Trắc và Thi Sách… Người xem cứ tấm tắc: Trời ơi, nó hát hay quá, hát
giỏi quá. Lúc đấy, chị gái tôi, chị Đàm Liên ấy, cũng rất đẹp nhưng lại không
thích tuồng…
- Hơi chểnh mảng với việc diễn
tuồng vì có nhiều thú vui khác hấp dẫn hơn…
- Chị ấy cứ thích ca múa với thích
phim. Nhưng chị ấy khi vào tuồng thì diễn cũng hay lắm. Người ta bảo, Đàm Liên
diễn tuồng không kém gì em đâu, còn giỏi hơn bà em nữa, đẹp hơn bà em nữa
(cười).
- Thông thường thì các nữ nghệ sĩ
cùng lứa ít ai trầm trồ về ai lắm, nhất là trong lĩnh vực tài năng và nhan sắc.
Còn chị với chị Đàm Liên đúng là hai chị em ruột nên cho tới giờ, sau bao nhiêu
năm vẫn khen nhau như thế (cười). Thế sau đó tại sao chị lại không đi tiếp
trong nghiệp diễn viên tuồng?
- Bởi vì mình bị bệnh badơđô.
- Bệnh bướu cổ do thiếu iốt, khổ
thân chị!
- Năm 1962, sau khi mình lồng
tiếng cho phim Con chim vành khuyên (vai bé Nga mà Tố Uyên
đóng) xong thì bắt đầu sinh bệnh, mắt lồi, tim đập nhanh.
- Lúc đấy chị đã lập gia đình với
anh Thông chưa?
- Chưa, lúc đấy mình chưa lấy anh
Thông.
- Còn chuyện lồng tiếng thì như thế
nào.
- Trước đó đã có tới 9 người thử
lồng tiếng vai bé Nga rồi nhưng anh Thông đều bảo không được. Trong đoàn làm
phim khi đấy có chú Tư Bửu, bạn của ba mình. Một hôm mình đi làm về nhà,
gặp chú Tư Bửu đang uống rượu cùng ba mình. Gặp mình, chú bảo mai lên xưởng
phim với chú. Và chú giới thiệu mình với đạo diễn để thử lồng tiếng vai bé Nga.
Khi mình mới chỉ nói thử một câu thoại trong phim “Giặc đông quá, giặc đông
quá” là lập tức tất cả trong đoàn làm phim đều reo lên, thôi đây rồi anh Thông
ơi, thành công rồi, chính xác rồi…
- Ấn tượng ban đầu của chị về đạo
diễn Nguyễn Văn Thông như thế nào?
- Nói thực là lúc ấy mình nghĩ thầm
trong bụng, trông ông này quê như thế kia thì không biết đạo diễn phim truyện
có ra gì không. Anh Thông dường như cũng đoán được điều mình suy nghĩ nên mình
thấy anh ấy cũng mỉm cười đầy ý nhị. Rồi anh ấy hướng dẫn mình rất tận tình
việc lồng tiếng. Khi làm xong, anh ấy cứ khen, em giỏi quá, em giỏi quá! Tình
cảm giữa tôi và anh Thông qua công việc cũng dần dà trở nên sâu đậm hơn. Có
lần, tôi lồng tiếng một cảnh mà anh chưa kịp làm việc với tôi về đoạn phim đó,
nhưng lời thoại và hình ảnh rất ăn khớp. Sau lớp đó, tôi và chú Tư Bửu đang
cùng anh chuẩn bị cho một trường đoạn tiếp theo thì bỗng tiếng loa trong phòng
bá âm vang lên: “Chà, được, rất đúng ý mình. Sao tôi thấy yêu cô bé này thế!”.
Mọi người cười rộ lên, còn tôi và anh, cả hai cùng đỏ mặt…
- Ôi, “cái thuở ban đầu lưu luyến
ấy”, khi “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”…
- Đến cuối giai đoạn lồng tiếng thì
hình như tình cảm giữa anh Thông và mình đã chẳng còn là điều bí mật với ai
nữa. Đến mức chú Tư Bửu phải nói: “Hai đứa bay tính chuyện lấy nhau hả? Nhớ
đừng quên chú Tư này nhé!”. Cái kiểu nói toạc móng heo của chú như thế
làm tôi xấu hổ quá, không biết trốn vào đâu, đứng như trời trồng bên cạnh micro.
Còn anh Thông thì cũng chả hơn gì tôi, ngồi chết lặng, đôi mắt chớp nháy liên
tục, nụ cười mỉm vẫn ở trên đôi môi, còn chiếc mũi của anh thì đang nhảy múa…
Và rồi sau đó anh ấy hay đi xem tuồng, xem những vở mà mình có vai diễn…
- Kể ra phim “Con chim vành khuyên”
cũng mát tay trong việc tác thành đôi lứa đấy nhỉ. Diễn viên đóng vai bé Nga về
sau trở thành vợ nhà thơ Lưu Quang Vũ, còn nữ diễn viên lồng tiếng cho vai bé
Nga thì trở thành phu nhân của đạo diễn. Một đôi thì nửa đường đứt gánh, còn
một đôi thì đi với nhau cho tới cuối con đường…
- Đó cũng là do duyên số thôi, Hồng
Thanh Quang ạ.
- Khi biết chị bị bệnh, anh Thông đã
nói gì?
- Thì anh Thông khuyên mình thôi
đừng làm diễn viên tuồng nữa mà đi học làm đạo diễn. Anh ấy bảo, em bệnh như
thế diễn nguy hiểm lắm… Anh ấy khuyên mình đi học đạo diễn.
- Hồi đó chị nghĩ thế nào về nghề
đạo diễn?
- Mình nhớ, khi đó, có lần mình hỏi
anh Thông rằng, làm đạo diễn có khó không thì anh trả lời: Học để trở thành đạo
diễn không khó nhưng sống để làm đạo diễn thì không dễ chút nào. Tôi mới bảo
anh rằng, anh nói thế nào chứ, em thấy mấy ông đạo diễn đến đoàn dựng vở, chỉ
được cái hò hét ra oai, chứ diễn thế nào thì bọn em làm hết cả rồi… Thực ra tôi
chỉ muốn chọc tức anh cho vui thôi.
- Thế thái độ anh Thông thế nào?
Có khó chịu vì cảnh “trứng khôn hơn vịt” không?
- Anh ấy không những không tỏ ra khó
chịu mà còn trố mắt nhìn tôi cười rất khoái chí. Và bảo: Khá, khá lắm, rất bản
lĩnh! Anh đã nhìn thấy một đạo diễn tương lai đầy cá tính rồi đấy!
- Anh chị xây dựng gia đình với nhau
từ năm nào?
- Năm 1965. Đám cưới được tổ chức
đơn giản thôi, chỉ có một số ít bạn bè thân có mặt. Căn phòng đêm tân hôn của
chúng mình là do anh bạn họa sĩ tên là Huân cho mượn…
- Thời ấy mấy ai có được nhà
riêng…
- Nói thật là suốt một thời gian
dài, vợ chồng mình toàn phải đi ở nhờ và ở nhờ mãi cũng thành quen. Nghĩ lại
bây giờ cũng thấy tội. Làm diễn viên thì tôi phải sống cùng với bốn chị em cũng
là đồng nghiệp ở Đoàn Tuồng Khu V nên sau khi lấy chồng rồi, ngoài niềm vui là
được ở với người mình yêu quý thì còn có niềm vui nữa là thoát được khỏi cảnh
sống tập thể dưới nhòm lên, trên nhòm xuống… Tuy nhiên, cuộc sống gia đình ngay
từ đầu đã không được suôn sẻ như mong muốn vì chưa hết tuần trăng mật thì anh
đã nhận được lệnh phải đi công tác nên tôi lại phải quay trở về ở Đoàn Tuồng,
lần này là sống với ba má và các em. Mấy tháng sau, một buổi chiều, anh đi xe
đạp lên đón tôi. Nhưng anh lại không đưa tôi về nơi ở cũ mà lại ra phía Cửa
Nam. Tôi lấy làm lạ và hỏi: “Sao mình không về nhà?”, anh bảo: “Thì anh đang
đưa em về nhà đây”. Hóa ra là khi đó anh đã mượn được một căn phòng khác ở phố
Cao Bá Quát, rộng hơn căn phòng mượn của họa sĩ Huân… Và chúng tôi cũng đã ở
nhờ tại đó được một thời gian cho tới khi anh lại bắt đầu một chuyến công tác
mới.
- Khi chị chữa bệnh thì anh Thông có
ở bên cạnh không?
- Cả mấy lần mình vào bệnh viện mổ
thì đều không có chồng bên cạnh, vì anh ấy phải vào chiến trường. Lúc anh ấy về
Hà Nội thì lắm khi lại là lúc mình phải đi diễn, thành ra vợ chồng cứ xa nhau
suốt…
- Như vợ chồng Ngâu…
- Ít khi được gặp nhau lắm. Thỉnh
thoảng tôi mới nói, sao anh ít ở nhà, thì anh bảo, là đàn ông phải nay đây mai
đó chứ em… Tôi nhớ, khi tôi mổ xong, thì anh đi công tác về. Trông anh lúc ấy
gầy và đen lắm, vì phải làm việc trong những điều kiện quá ngặt nghèo. Nên
trông anh ấy không còn giống anh ấy như trước nữa. Mà tôi sau khi mổ cũng không
giống tôi ngày nào. Anh không nhận ra tôi nhưng tôi vẫn nhận ra anh. Tôi mới
nói, anh Thông ơi, em đây, em là vợ của anh! Anh ngẩn người ra…
- Tôi rất kính trọng tình yêu của
anh chị, nhưng bằng kinh nghiệm của mình thì tôi biết, hôn nhân của các nghệ sĩ
chẳng bao giờ là đơn giản cả. Xin được hỏi thật, đã có bao giờ anh chị phải nói
lời gì đó nặng nề với nhau không?
- Nói thật là cũng có khi vì quá
ngán ngẩm những khó khăn trong sinh hoạt, tuyền phải đi ở nhờ, nay một chỗ, mai
một chỗ, mà cứ thấy ông chồng mình luôn mải mê viết lách làm phim nên có lần
tôi đã phải nói: Em cũng thấy lạ cho anh thật, hai vợ chồng cứ mãi “vô gia cư”
mà anh cứ thế! Thì anh đã trả lời: Em cần phải hiểu một điều rất đơn giản:
chồng em là người lính, cái việc nay đây mai đó anh quen rồi. Chuyện chỗ ở chỉ
là chuyện vặt, chứ có gì ghê gớm đâu. Anh chỉ thương em vì anh mà vất cả lây…
Rồi anh hỏi: Thế em có ân hận vì đã lấy anh không?
- Thế chị trả lời sao?
- Mình nói: Hối hận thì không bao
giờ, nhưng nghĩ trót dại thì có! Nhưng nếu có kiếp sau thì em cũng xin trót dại
như thế lần nữa!
- Hình như trong khó khăn thì hôn
nhân dễ bền chặt hơn. Tôi cũng nghĩ là, không có gì làm cho hôn nhân dễ tan vỡ
bằng sự quá đủ đầy vật chất… Bản tính của con người là hay dửng mỡ…
- Chắc là cũng tùy người thôi…
- Tất nhiên… Xin được hỏi tiếp,
thế chị đi học đạo diễn vào năm nào
- Từ năm 1969 đến năm 1972 thì tốt
nghiệp.
- Rồi sau đó chị về ngay Đài Truyền
hình Việt Nam?
- Chưa, chưa về ngay đâu. Mà về Đoàn
Tuồng và dựng 3 vở đã, trong đó có một vở được ông Tống Phước Phổ chuyển thể từ
thơ của ông Cù Huy Cận, nhan đề Họp mặt thiếu niên anh hùng. Khi ấy, anh Thông
ở chiến trường ra và xem ba vở mà vợ dựng thì anh nói: Anh tự hào về vợ
anh lắm!
- Tôi chưa có dịp được gặp anh
Thông trực tiếp nhưng tôi đồ rằng, đó là người đàn ông rất đỗi dịu dàng… Và rất
biết chiều phụ nữ! Thông thường, tôi thấy đại đa số các đạo diễn nam giới thô
ráp và quá tự tin nên ít khi nâng niu phái yếu…
- Anh Thông là người rất nhạy cảm và
chân thành lắm. Anh rất chịu khó đọc sách, học hỏi nên kiến thức rất uyên thâm.
Ở cạnh anh nói thực mình lúc nào cũng có cảm giác rất yên tâm. Với mình, anh
Thông không chỉ là người chồng chung thủy mà còn là người thầy dìu dắt mình
ngay từ những bước đi đầu tiên trong nghề đạo diễn, người cố vấn anh minh trong
mọi trường hợp khó khăn… Chính anh Thông đã truyền cho tôi rất nhiều kiến thức
về nghề, dạy tôi từng ly từng tí.
- Các chương trình mà chị làm ít
nhiều đều có tham khảo ý kiến của anh Thông, đúng không ạ?
- Anh ấy bày cho từng cảnh một…
- Chị đã làm rất nhiều chương
trình ca nhạc trên truyền hình. Điều gì mà chị muốn nói về thể loại chương
trình này?
- Hát đúng đã khó, hát hay còn khó
hơn. Vì thế phải chọn diễn viên rất kỹ. Khi thu thanh, bao giờ tôi cũng
chọn toàn diễn viên giỏi. Cái này thì là tôi học ở NSND Lê Dung. Nói thật, cho
đến bây giờ không có ca sĩ nào vô phòng là thu ngay mà không phải chữa một lời
nào như Lê Dung cả.
- Đấy là do ca sĩ trước khi vào
thu đã tự làm việc cá nhân, chuẩn bị rất công phu... Lê Dung là một ca sĩ như
vậy.
- Mình là đạo diễn, nếu mình không
biết về nghề hát thì dễ bị ca sĩ qua mặt lắm.
- Thực ra làm nghề gì thì cũng
phải tinh thông cả trong vai trò người thầy lẫn trong vai trò người thợ. Mình
có tinh thông nghề của người ta thì mình mới có thể đạo diễn, điều hành người
ta. Chị từng đi hát rồi nên chị có thể làm mẫu cho ca sĩ về cách hát. Điều này
sẽ giúp ca sĩ thể hiện tốt hơn tác phẩm…
- Đúng là như thế.
- Tôi nói chuyện này xin chị đừng
giận. Ngày xưa, khi tôi còn trẻ, tôi có đọc trong một truyện ngắn in trên trang
nhất báo Văn Nghệ mà tác giả cũng là một anh vốn làm ở truyền hình. Trong
truyện ngắn đó có một câu ông bố mắng con, mà theo tôi là rất xúc
phạm đến các đồng nghiệp, rất xúc phạm đến các đạo diễn truyền hình. Đó là câu:
mày phải đi học đi, mày mà không chịu học lớn lên tao cho mày đi làm đạo diễn
truyền hình (?!)… Chị biết chuyện đấy không?
- Có biết.
- Theo chị tại sao lại có một
định kiến như thế về giới truyền hình nói chung và về các đạo diễn truyền hình
nói riêng trong giai đoạn ấy? Theo chị điểm yếu của đạo diễn truyền hình là gì
mà nảy ra điều tiếng như vậy?
- Theo mình, có lẽ là vì nhiều đạo
diễn không được học nước ngoài.
- Tức là do hoàn cảnh thời bấy
giờ nên đã phải tự học là chính?
- Tự học là rất tốt nhưng không có
thầy giỏi thì khó có thể nắm bắt được hết các thao tác trong nghề. Riêng về
mình thì phải nói rằng, nếu không có những sự chỉ bảo, giúp đỡ của anh Thông
chắc tôi cũng khó làm được nghề đạo diễn như đã làm. Khi mình còn chưa được học
đủ đầy thì mình đã được anh Thông kèm cặp, chỉ bảo.
- Trong số các đạo diễn các
chương trình ca nhạc truyền hình ở VTV hiện nay, chị đánh giá ai cao nhất?
- Có nhiều người giỏi, nhưng mình
thấy có lẽ Việt Hương là khá nhất.
- Nữ đạo diễn Việt Hương, ái nữ
của nhạc sĩ Lê Việt Hòa?
- Đúng rồi. Cô ấy giỏi đấy!
- Chị là người vợ, người bạn đời,
tôi biết chắc chắn chị rất yêu anh Thông. Thế nhìn một cách gần gụi, thì chị
đánh giá cao nhất ở anh Thông phẩm chất nào của một nghệ sĩ, một đạo diễn điện
ảnh?
- Anh Thông là một người rất khiêm
tốn, một người lặng lẽ, không bao giờ bon chen với những...
- Danh vọng ở đời… Anh ấy chỉ
biết cống hiến. Một mô típ người của chủ nghĩa cách mạng cũ, chỉ lo việc cống
hiến trước tiên và làm để thực hiện nhiệm vụ tốt nhất.
- Đúng là một người lính Bác Hồ.
- Ngay cả khi làm nghệ thuật cũng
không cầu danh vọng?
- Không cầu danh vọng.
- Bây giờ nhiều người cứ nói là
yêu nghệ thuật nhưng họ chỉ yêu danh vọng họ đạt được nhờ con đường đi vào nghệ
thuật, đúng không chị?
- Đúng!
- Còn anh Thông thì lại không mảy
may quan tâm tới. Và đây có lẽ cũng là một những lý do dù NSND Nguyễn Văn Thông
có rất nhiều đóng góp thành tích nghệ thuật nhưng tên tuổi của anh hình
như vẫn chưa được đặt ở vị trí xứng đáng với những đóng góp của anh ấy?
- Đúng, nhưng mà anh ấy không quan
tâm tới chuyện đó đâu.
- Không bao giờ quan tâm đến
chuyện bình xét, làm hồ sơ…
- Không bao giờ thắc mắc. Đạo diễn
Đặng Nhật Minh, một người giỏi hiện nay, giỏi vô cùng, trong lời tựa cuốn sách
về anh Thông có nhận xét: “Là một cây đại thụ trong làng điện ảnh, một cây bút
xuất sắc trong lĩnh vực văn học (cả truyện ngắn lẫn tiểu thuyết), một chiến sĩ
với những cống hiến lớn lao trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, rồi chống
Mỹ nhưng Nguyễn Văn Thông lúc nào cũng lặng lẽ. Chính cái lặng lẽ khiêm nhường
đó đã làm cho hình ảnh về ông càng cao đẹp hơn, nhất là khi ông rời xa chúng
ta…”.
- Anh Thông qua đời năm nào ạ?
- Ngày 25/9/2010. Tôi nhớ cách đó
chục ngày, tiết trời đã vào thu, tôi ra ngoài ngõ mua cho anh bát cháo đỗ đen.
Nhưng mua về rồi thì anh lại lắc đầu không ăn. Trông anh cực kỳ mệt mỏi. Rồi
anh nói khẽ với tôi: “Thanh à, cuộc đời anh thật may mắn có được em…”. Tối hôm đó,
tôi đưa anh vào bệnh viện cấp cứu và ở với anh suốt 10 ngày cho tới khi anh qua
đời. Bây giờ đôi lúc tôi cứ lẩn thẩn tự hỏi, không rõ mình đã kịp nói với anh
ấy là mình cũng rất may mắn khi có được anh ấy trong đời (rơm rớm nước mắt)…
- Người ta kể chuyện anh Trỗi đi
về nhà từng xách nước cho chị Quyên tắm. Một nghệ sĩ lớn như anh Thông có lần
nào làm như thế cho chị không?
- Tình cảm mà anh Thông dành cho
mình thì không có chuyện gì để phải than thở cả. Nhưng trong sinh hoạt hàng
ngày, bản thân mình không bao giờ để cho anh ấy phải đụng tay tới bất cứ việc
gì trong gia đình.
- Chị cũng lo cho chồng mọi thứ,
tạo mọi điều kiện để anh ấy làm việc, mặc dù chị cũng là nghệ sĩ, chị cũng xứng
đáng được săn sóc chứ?
- Mình nghĩ, anh ấy đi chiến trường
suốt, khổ nhiều quá rồi, bây giờ về nhà thì cái khăn lau mặt cho anh ấy, mình
cũng phải lo.
- Anh về nhà được chị phục vụ
toàn phần về mặt sinh hoạt?
- Tất cả!
- Anh cũng sung sướng quá rồi còn
gì. Thế hệ bọn tôi thì chẳng bao giờ dám mơ được vợ săn sóc như thế!
- Cũng không bao giờ tôi hỏi anh ấy
lương bao nhiêu, cũng không bao giờ anh ấy hỏi tôi lương bao nhiêu, cũng không
bao giờ đòi hỏi một cái gì qua lại hết, mà tôi tự giác phục vụ anh. Cả xóm làng
ở đây họ đều bảo chưa thấy ai như Đàm Thanh phục vụ chồng như thế…. Tôi chỉ để
anh cầm bút anh viết…
- Xin cảm ơn chị!
HỒNG THANH QUANG
(ANTGCT)
No comments:
Post a Comment