Hôm sau, hai anh em bỏ cả giờ học văn học dân gian ngồi trên xà kép dưới sân tâm sự về thơ ca và cuộc sống. Nguyễn Duy thủ thỉ: “Bị hắt hủi, mình vẫn không hoang mang và vẫn tiếp tục con đường mình đã chọn. Phải có bản lĩnh và lòng tin Tuấn ạ! Mình nghĩ rằng họ không chấp nhận thơ mình vì họ chưa hiểu, nhưng rồi họ sẽ hiểu. Phải viết cái của riêng mình”. Khi ra về, Nguyễn Duy thủ thỉ dặn tôi, đằm thắm và mộc mạc: “Những điều tớ kể với Tuấn chỉ riêng Tuấn biết thôi. Tớ cấm đấy! Tuấn cứ nói lại với ai là tớ giận lắm đấy”.
Mấy
hôm sau, tôi đến nhà anh chơi, nghe Nguyễn Duy kể chuyện thủ thỉ suốt đêm. Những
ngày ở Trường Sơn, có lần anh thức trắng đêm trong hầm cùng với một cô thanh
niên xung phong. Nửa đêm, cô gái nhoài sang ôm lấy anh, còn nhà thơ của chúng
ta có lẽ bị Paven Coccsaghin lườm nguýt nên suốt đêm nằm bất động như khúc gỗ.
Anh thương cô gái, không dám động tĩnh gì. Rồi sau đó cứ tiếc mãi,
ân hận mãi. Nguyễn Duy còn đọc cho tôi nghe nhiều bài thơ viết tặng một người
yêu tưởng tượng người Hoa, thơ gửi bạn đi nước ngoài và nhật ký ở rừng. Anh thẫn
thờ kể lại chuyện bị đánh mất hơn 500 đoạn thơ như thế, rồi thốt lên: “Tiếc
quá!”. Sau đó anh lặng đi, mắt anh như rưng rưng làm tôi sờ sợ…
Sau
đó là những ngày anh gặp Hoài Thanh để chuẩn bị giới thiệu trang thơ Nguyễn
Duy. Anh kể cho tôi nghe từng cuộc gặp, từng diễn biến, từng câu nói và cùng
tôi sóng xoài trên bãi cỏ sửa từng câu thơ trong các bài Tre xanh, Bầu trời
vuông, Hơi ấm ổ rơm… cho số báo giới thiệu thơ anh. Tôi mong ngày
báo ra, đạp xe đi 12km mua được tờ Văn nghệ có trang thơ Nguyễn Duy tung tăng
mang đến lớp, đi các phòng khoe… Năm 1972, Nguyễn Duy bị kiểm điểm và bị an
ninh quân đội “quay” về tội “chủ nghĩa nhân đạo chung chung” (chữ của Hà Xuân
Trường viết trên báo Nhân dân) vì anh đọc bài thơ Đứng lại và Thơ tặng người ăn
mày... ở khoa Văn ĐH Tổng hợp và Sư phạm. Nhưng ngay sau đó, anh được
giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1973, rồi in tập thơ Cát trắng, mọi người
mừng lắm. Coi như thoát nạn! Anh tổ chức một bữa cơm mời GS. Lê Đình Kỵ, nhà
thơ Xuân Diệu, nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà văn Đỗ Chu đến gặp gỡ chia vui. Tôi
cũng được anh mời đến. Đó là lần đầu tiên tôi được ngồi cùng mâm với những văn
nhân hàng đầu của Việt Nam.
Người đóng thuế thơ nhiều nhất
nước
Năm
1975, Nguyễn Duy vào TP. Hồ Chí Minh làm báo Văn Nghệ Giải Phóng. Để có thể
nuôi vợ con và nuôi thơ ở cái thành phố giàu có và sôi động ấy, Nguyễn Duy đã
làm đủ mọi nghề dân dã nhất. Nấu rượu để bán và lấy bã nuôi hai con lợn trong
toilet của căn hộ 24m trên tầng 4, Nguyễn Duy tự trào “Tớ là người nâng con lợn
lên tầm cao thời đại”.
Nuôi
lợn mấy năm cũng thấy phiền toái mà thu nhập chẳng là bao, Nguyễn Duy lại tính
chuyển sang nghề đạp xích lô. Nhưng mấy đêm đi tập, thấy các bến xích lô đêm đa
phần chở chị em bán hoa, Nguyễn Duy vội bỏ ngay cái ý tưởng làm thảo dân với cặp
giò thi sĩ. “Nghèo thì nghèo thật, nhưng cũng có cái danh rồi. Bây giờ đi chở mấy
cô gái điếm, thành nhân vật “người ngựa, ngựa người” trong chuyện Nguyễn Công
Hoan, thiên hạ biết thì ê mặt!”.
Năm
1985, chuyển sang Lê Văn Sỹ ở trong căn hộ gác 3 rộng gấp đôi
căn hộ cũ, Nguyễn Duy xoay sang bán tiết canh vịt. Khách đến đông nườm
nượp. Thu nhập cao hơn nuôi lợn nhiều, nhưng phục vụ cánh bợm nhậu nhiều khi
còn mệt hơn nuôi lợn nên được một năm anh lại dẹp và tìm cách xoay xở sống bằng
ngòi bút. Không ngờ đây chính là bước chuyển từ giai đoạn thi nhân “chăn lợn
nuôi thơ” sang giai đoạn “thơ nuôi thi sĩ”.
Khi
viết lời hát chèo cho vở múa đương đại của Ea Sola, năm 1995, lần đầu tiên
trong đời Nguyễn Duy nhận nhuận bút được một lúc 2.000 đôla! “Thằng nào làm thơ
nhận được hai ngàn đô một lúc lúc đó? Một lúc chứ không phải nhiều lần nhé!” -
Nguyễn Duy không giấu niềm tự hào pha chút ngạc nhiên. Hóa ra, viết thơ cho mấy
bà nuôi lợn ở nhà quê đi trình diễn múa đương đại lại được nhiều tiền hơn gấp bội
khi bắt chước các bà tự tay nuôi lợn. Nhưng nếu không có những tháng
năm bươn chải như thảo dân, nhà thơ Nguyễn Duy không thể tích hợp vào thơ cái
tươi rói của bụi đời, cái trí tuệ của đường phố, cái bản lĩnh xoa đầu vua chúa
của những anh hề và cái hào sảng của bậc trượng phu, đau đớn thét lên mong đánh
thức những tiềm lực của Tổ quốc...
Và
Nguyễn Duy mày mò tìm cách đánh thức “tiềm lực kinh tế” trong thơ. Năm 1998,
sau “Triển lãm thơ Nguyễn Duy” nổi đình đám, nảy ra ý tưởng làm lịch thơ, anh
dùng bút lông viết thơ mình lên những bức ảnh chụp vật dụng nhà quê như nơm, giỏ,
quang gánh, thúng mủng… Không ngờ Công ty Quảng cáo Trẻ thích quá, bỏ ra mấy chục
triệu mua trọn gói cả “phi vụ” lịch thơ. Mấy chục triệu hồi ấy to lắm, mua được
nhiều cây vàng ấy chứ! Thế là suốt mười năm, năm nào anh cũng sản xuất một cuốn
lịch thơ Nguyễn Duy, xoay đảo biến thiên các kiểu. “Tôi đóng mỗi năm 40 triệu
tiền thuế cho thơ. Không có anh nhà thơ Việt Nam nào đóng thuế thơ nhiều như
tôi. Mười năm tôi đóng thuế thơ tới gần nửa tỷ”. Nguyễn Duy nói và cười vang, vừa
hãnh diện vừa hài hước.
Người hòa giải dân tộc bằng thơ
“Tớ
sống bằng thơ, rồi đi Đông đi Tây cũng bằng thơ!”, Nguyễn Duy bộc bạch. Có lẽ
cái chức phận nặng nề ấy của thơ còn lớn lao hơn cả Giải thưởng lớn về thơ năm
2010 mà Viện Hàn lâm Quốc tế “Mihai Eminescu” Craiova (Rumani) vừa trao cho
anh. Năm 1995, Nguyễn Duy sang Mỹ lần đầu theo chương trình giao lưu
của trung tâm William Joiner và trở thành nhà thơ Việt cộng đầu tiên đến
Wesminter - thủ phủ chống cộng, rồi lang thang ở các thành phố bang California
suốt cả tháng trời, nhậu nhẹt và đọc thơ với anh em văn nghệ sĩ gốc Việt, có
nhiều người thuộc quân đội Việt Nam cộng hoà ngày trước. Thơ ca đã nối kết những
con người Việt, Mỹ từng ở hai chiến tuyến để họ đồng hành đi tới tương lai của
dân tộc Việt Nam.
Cái
sức mạnh xóa bỏ hận thù ấy của thơ đã được hiển thị, được nhân lên khi Nguyễn
Duy cùng hai nhà thơ Mỹ Naomi Shihab Nye và Bruce Weigl đọc thơ trước hơn 300
thính giả trong Vườn thơ ở cao ốc Lannan Foundation, Los Angeles. Hai nhà thơ Mỹ
mỗi người đọc nhiều bài. Nguyễn Duy chỉ đọc hai bài trong đó có bài thơ Bắn ca
ngợi phép lạ yêu thương vĩnh cửu của thi ca. Theo lời nhà văn Vũ Huy Quang kể lại
(bài đăng trên báo Diễn đàn Paris, tháng 9/1995) thì hai bài thơ ngắn của Nguyễn
Duy đã trở thành cái đinh của vườn thơ, được người nghe vỗ tay lâu ơi là lâu rồi
ùa đến bắt tay Nguyễn Duy nói “Rất cảm động”, rồi “Cám ơn”. Có một phụ nữ đợi
mãi đến phút chót để bắt ông dịch từng lời cho Duy. Câu ấy thế này: “Tôi xin cảm
ơn ông. Chúng tôi nợ ông một lời xin lỗi. Các ông đã dạy cho chúng tôi thế nào
là lòng can đảm. Đất nước các ông đã bị bom đạn chúng tôi tàn phá. Nay nhờ những
người như ông mà người Mỹ có thể ngẩng mặt lên được… sau lời xin lỗi như thế
này”. Mắt bà đỏ hoe, mắt Nguyễn Duy và Vũ Huy Quang cũng đỏ hoe.
Vườn
thơ ở Los Angeles hôm ấy hội tụ đủ cả ba nhân vật của cuộc chiến tranh ở Việt
Nam: Một cựu chiến binh cộng sản là Nguyễn Duy, một đại úy Việt Nam cộng hòa là
Vũ Huy Quang, một cựu binh Mỹ là Bruce Weigl.
Nguyễn
Duy là thi sĩ thảo dân, thi sĩ của hòa bình, thi sĩ của yêu thương.
ĐỖ MINH TUẤN
Nguồn:
Lê Thiếu Nhơn
No comments:
Post a Comment