Từ trước đến nay đã có nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khẳng định,
người Việt xưa đã có chữ viết: Trước năm 1945 nhà khoa học Tiệp Khắc, Cesmir
Louklca trong tác phẩm Lịch sự chữ viết thế giới đã viết: “Phía Nam đế quốc
Trung Hoa, trong vùng Đông Dương hiện nay, có nhà nước An Nam ngay từ thế kỷ
thứ nhất trước công nguyên đã bị người Hán thống trị. Chữ Trung Quốc do viên
Thái thú Sĩ Nhiếp du nhập vào đây trước công nguyên.
Trước đó hình như người An-nam đã đọc bằng chữ ghi âm riêng,
chữ đó không còn lại đến ngày nay”. Nhà nghiên cứu Terrien de la Couperie viết
trong tạp chí Hàn lâm của Hoàng gia Anh, xuất bản năm 1887, đã cho rằng: “Sĩ
Nhiếp bắt buộc người Việt học chữ Hán và cấm dùng chữ tượng thanh của mình”… Ở
Việt Nam, các nhà nghiên cứu từ Vương Duy Trinh, Trương Vĩnh Ký… cho đến Lê
Trọng Khánh, Hà Văn Tấn, Đỗ Văn Xuyền ... đều khẳng định: người Lạc Việt xưa đã
có chữ viết riêng. Năm 2010 giáo sư Lê Trọng Khánh đã xuất bản cuốn: “Phát hiện
hệ thống chữ Việt cổ thuộc loại hình khoa đẩu”- NXB Từ điển bách khoa. Một số
nhà nghiên cứu khác cũng đăng tải một số bài viết và hứa hẹn sẽ công bố công
trình hoàn chỉnh về chữ Việt cổ đem lại niềm tin và hy vọng cho bao người yêu
văn hoá dân tộc.
Các nhà nghiên cứu đi sâu vào khai thác các ký hiệu, ký tự
trên đồ đồng Đông Sơn: lưỡi cày đồng, rìu đồng, trống đồng, khai thác các ký
hiệu và chữ viết trên đá cổ Sa Pa (Lào Cai), ngoài ra còn khảo sát ngôn ngữ ở
các vùng miền, sự tiến hóa trong những văn bản từ xưa đến nay…
Công trình của giáo sư Lê Trọng Khánh đã chỉ ra, người Lạc Việt xưa có chữ viết. Theo giáo sư:“Qua các hiện vật khảo cổ được phát hiện ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam.
Công trình của giáo sư Lê Trọng Khánh đã chỉ ra, người Lạc Việt xưa có chữ viết. Theo giáo sư:“Qua các hiện vật khảo cổ được phát hiện ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam.
Hệ thống chữ viết ấy xác định quá trình ra đời có nguồn gốc
sâu xa từ những yếu tố tiền văn tự. Với thời gian dài tiến triển thành hệ thống
chữ viết hình vẽ phát triển cao, được khắc trên đá ở Sa Pa, vào giai đoạn văn
hóa đồng thau phát triển – Gò Mun. Trên cơ sở đó chuyển lên loại hình chữ viết
cao hơn. Và cũng chính ngay bản thân hệ thống chữ viết cao đó, cũng có cứ liệu
vững chắc để thấy sự đi lên của nó, từ thấp đến giai đoạn hoàn chỉnh của chữ
viết ghi âm Đông Sơn – chữ viết có nguồn gốc riêng, sớm nhất ở Đông Nam Á”. Và
“Sự phát hiện chữ viết góp phần hiểu sâu hơn văn hóa Đông Sơn. Nền văn minh đó,
tất nhiên không giống các nền văn minh cổ khác đã ra đời ở các dòng sông lớn
trên thế giới như sông Nil, Lưỡng Hà và Ấn Hà” và: “Văn minh Đông Sơn đã tỏa
ảnh hưởng ra ngoài và chữ viết của người Việt cổ làm cơ sở cho các hệ chữ viết còn
lại sau này”… “Chữ viết của người Việt cổ đã được định hình và phát triển trên
địa bàn rất rộng vào các thế kỷ trước công nguyên.
Nó phân bố rộng hơn phạm vi thống trị của Tần – Hán ở các
nước phía nam và Đông Nam Á… Thời khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, chữ Hán còn rất
hạn chế; chữ Việt cổ vẫn là công cụ thông tin và truyền lệnh sắc sảo, góp phần
tích cực cho thắng lợi trên phạm vi 65 thành (huyện) – bao gồm Lưỡng – Việt,
Hải Nam đến Nhật Nam?”. Công trình của giáo sư Lê Trọng Khánh cho đến nay
là công trình duy nhất đã được công bố về chữ Việt cổ, rất khoa học với những
luận điểm, luận chứng và luận cứ sâu sắc nhưng mới dừng lại ở mức độ chỉ ra là
người Việt ta đã từng có con chữ riêng phát triển từ thấp đến cao, mà chưa đưa
ra một hệ thống chữ cái cùng cấu trúc ngữ pháp, song đã vạch ra một hướng
nghiên cứu đáng lưu tâm.
Có công trình nghiên cứu, công bố trên mạng để “nghe ngóng
dư luận” đã đưa ra hệ thống chữ cái, cấu trúc ngữ pháp trên cơ sở nghiên cứu
khảo sát một số di chỉ khảo cổ và khảo sát ngôn ngữ, đặc biệt là trên cơ sở chữ
viết của người Thái đen Tây Bắc, chữ “khoa đẩu”, tức “chữ Việt cổ” này có thể
ghi âm tất cả các văn bản của thế giới văn minh hiện nay, điều đó đã làm cho
nhiều nhà nghiên cứu hoài nghi tính chân xác của công trình.
Một điều cần bàn là một số nhà nghiên cứu chữ Việt cổ cho
rằng chữ viết của tộc Thái có nguồn gốc từ chữ Việt cổ và theo quan điểm của
một số nhà nghiên cứu, tộc Thái, Mường, Tày, Kinh… đều thuộc Mongoloid phương
Nam. Đó là di duệ của người Việt cổ bản địa chủng Indonesian và cùng được
chuyển hóa sang Mongoloid phương Nam. Cũng như tộc Kinh, tộc Thái là con cháu
của Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ. Bởi sự chuyển hóa từ Việt cổ (đa số
Indonesian) sang Việt hiện đại (Mongoloid phương Nam) xảy ra khoảng sau 2600
năm TCN, khi nước Văn Lang thành lập nhưng lại chưa đưa ra được luận cứ chứng
minh một cách sáng tỏ, có tính thuyết phục cao. Trong khi tộc Thái, không
riêng ở Việt Nam đều cho rằng, họ vốn gốc rễ tại vùng núi A Nhĩ Thái (Altai) ở
Trung Á thiên di dần về phía nam trong khoảng hàng ngàn năm và chữ Thái có
nguồn gốc từ chữ Sanscrit (Ấn Độ) thông qua mẫu tự Khmer? (phải chăng vì vậy
miền Trung, nơi người Khmer cư trú có nhiều từ tương đồng với tiếng Thái như
“na” – ruộng, “pu” – núi… (tiếng Thái) trong khi đây là địa bàn chưa bao
giờ người Thái đặt chân đến - Tác giả).
Ngay trong tác phẩm “Thanh Hóa quan phong” của Tổng đốc
Thanh Hóa Vương Duy Trinh, đời Thành Thái, vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu
thế kỷ XX (không rõ ngày sinh và ngày mất) có đoạn: “Người ta thường nói rằng
nước ta không có chữ. Tôi nghĩ rằng không phải. Thập châu vẫn là đất nước ta,
trên châu còn có chữ, lẽ nào mà dưới chúng lại không? Lối chữ châu là lối
chữ nước ta đó…”. Từ giả thiết trên của Vương Duy Trinh, sau này một số
nhà nghiên cứu chữ Việt cổ của nước ta khi tìm hiểu về chữ Thái trong “Thanh
Hóa quan phong” cho rằng đó là chữ “Khoa đẩu”, tức là chữ Việt cổ, thì thực
chất đấy là một trong 8 cách viết của chữ Thái, người biết chữ Thái đọc được
không quá khó khăn.
Để chứng minh sự ưu việt của chữ Việt cổ do mình tìm ra, chủ
yếu qua khảo sát ngôn ngữ, một nhà nghiên cứu đã ghi âm nhiều văn bản hiện đại
bằng chữ Việt cổ. Điều đó làm cho các nhà khoa học và dư luận xã hội đặt ra một
câu hỏi nghi vấn: Cách đọc và viết của người Việt cách đây 4.000 năm như thế
nào? Mối liên hệ giữa ngôn ngữ Thái và ngôn ngữ Việt cổ ra sao? Trong khi chưa
có sự thẩm định của Hội đồng khoa học cấp quốc gia về chữ Việt cổ thì có nơi đã
vội vàng tổ chức dạy học trên mạng, thậm chí viết và treo những hoành phi, câu
đối bằng “chữ Việt cổ” như ở Thiên Cổ Miếu - thôn Hương Lan, xã
Trưng Vương, Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ?
Một điều cần nhìn nhận đúng mức là tất cả các di chỉ tìm
được trên nhiều vùng lãnh thổ còn ít di chỉ có chữ, chưa đủ để khẳng định văn
tự của người Lạc Việt cổ đã là một ngôn ngữ viết hoàn chỉnh phát triển ở mức độ
cao (ngay trên trống đồng Lũng Cú có hàng chữ được cho là chữ Việt cổ, thì cũng
là chữ sơ khai). Điều này thật dễ hiểu là sau bao cuộc chiến tranh liên miên
tranh đoạt lãnh thổ và nô dịch văn hóa, chữ Việt cổ bị bóp nghẹt ngay từ khi
manh nha trên con đường phát triển, bị cướp đoạt về làm phong phú thêm cho ngôn
ngữ của tộc người mạnh hơn, các di chỉ và thư tịch, theo thời gian và do chiến
tranh mất dần và bị tàn phá phục vụ chính sách đồng hóa dân tộc của quân xâm
lược. Trong khi chứng tích trên các di chỉ khảo cổ lại đáng tin cậy hơn cả.
Gần đây, giới nghiên cứu Trung Quốc công bố đã phát hiện
được chữ Lạc Việt cổ ở Quảng Tây. Chữ viết Việt cổ này có mầm mống vào thời đầu
của thời đại đồ đá mới, hình thành vào thời kì đỉnh cao của “văn hóa xẻng đá
lớn” (4000-6000 năm trước). Đó là di chỉ cúng tế xẻng đá lớn Cảm Tang – thị
trấn Mã Đầu – huyện Bình Quả – thành phố Bách Sắc. Chuyên gia của Hội nghiên
cứu văn hóa Lạc Việt – tỉnh Quảng Tây phát hiện mấy chục khối mảnh vỡ xẻng đá
lớn và tấm đá có khắc đầy chữ viết cổ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện, khối đá có chữ viết lớn nhất
là dài 103 cm, rộng 55 cm, trên bề mặt khắc đầy mấy trăm tự phù, phần lớn là
chữ cúng tế và lời chiêm bốc. Theo thống kê sơ qua, trên những phiến đá này có
hơn 1000 tự phù. Phát hiện chữ Lạc Việt ở Cảm Tang có ý nghĩa rất quan trọng vì
phải chăng đó là chứng cứ rõ ràng nhất cho thấy người Lạc Việt sáng tạo chữ
viết trên đất Trung Hoa khoảng 4000 đến 6000 năm trước? Mặt khác, chữ cổ Cảm
Tang chứng minh sự liên tục của chữ tượng hình Lạc Việt từ Sa Pa, Việt Nam tới
nhiều vùng khác nhau trên lục địa Trung Hoa.
Điều này trùng hợp với quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu
chữ Việt cổ trong nước sau khi khảo sát, đối chứng, so sánh sự phát triển những
ký tự trên các di chỉ đồ đồng Đông Sơn, những hiện vật đặc trưng, đặc hữu của
người Lạc Việt trong suốt chiều dài mấy nghìn năm lịch sử.
Công trình của các nhà nghiên cứu, đặc biệt là những phát
hiện gần đây trên lãnh thổ Trung Quốc ngày càng đem lại cho chúng ta niềm tin
người Lạc Việt cách đây mấy nghìn năm đã có chữ viết và chữ viết ấy là tiền đề
cho nhiều văn tự trong khu vực.
Để hiểu về chữ Việt cổ của người Lạc Việt mà dân tộc ta có
công gìn giữ, cần có một công trình nghiên cứu tập trung trí tuệ của nghiều nhà
khoa học, với những cứ liệu chắc chắn, không thể chỉ bằng lòng yêu nước và sự
suy đoán.
Hà Nội tháng 4.2012
Trần Thi
No comments:
Post a Comment