Mấy ngày qua, dư luận xôn xao với nghi án “đạo thơ” đối với bài thơ Về đồng mùa nước nổi (VĐMNN) đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi thơ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ V do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Tuy nhiên, theo giới cầm bút, đây chỉ là “giọt nước tràn ly” của thực tế “mượn” câu chữ tràn lan trong giới cầm bút ở ĐBSCL.
Đối tượng được nghi vấn bị
“đạo” là bài thơ Trở lại đồng Tứ giác (TLĐTG) của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài (in
trong tập Ngan ngát mùa xưa, NXB Văn Nghệ , 2005). Theo nhiều phân tích, bài
thơ VĐMNN không chỉ “đạo” ý tưởng, hình ảnh… mà ngay cả số câu thơ cũng “trùng
khớp” với bài TLĐTG, chữ nghĩa giống nhau đến không ngờ. Chúng tôi về Châu Đốc
tìm nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật An
Giang để xác minh. Ông Hoài cho biết: “Lúc sự việc mới xảy ra, chỉ vài người
biết, tôi được Cao Phú Cường, người xưng là tác giả của bài thơ VĐMNN, điện
thoại đến xin lỗi, nhờ tôi giữ “bí mật” với báo chí. Thấy Cường còn trẻ và có ý
ăn năn, nên tôi đã chấp nhận lời xin lỗi và bày cách cho Cường an toàn với dư
luận. Đáng tiếc là sau đó Cường lại thay đổi 180o, chuyển sang công kích lại dư
luận… nên mọi chuyện mới lùm xùm lên”. Theo ông Hoài, Cường là hội viên Hội Văn
học của tỉnh An Giang, là giáo viên nhưng dính đến nghi án “đạo” cả tên và nội
dung bài thơ Ngắn dần viên phấn trắng của Vương Thảo…
Thật ra chuyện đạo thơ của
Cao Phú Cường chỉ là giọt nước tràn ly của vấn nạn đạo văn trong giới cầm bút
vùng ĐBSCL. Vào cuối năm 2012, Kiên Giang cũng lùm xùm với việc phóng viên
trang thông tin điện tử của tỉnh làm đơn gửi đến nhiều cơ quan chức năng tố
phóng viên thường trú báo Nhân Dân nhiều lần đạo văn của mình. Điển hình là
loạt bài viết về sự kiện nhà vượt lũ ở huyện Tân Hiệp bị sập trước khi bàn giao
cho dân. Cùng thời gian này, tỉnh Đồng Tháp nóng lên với chuyện ThS Lê Xuân
Thành, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh, sao chép đến 80% bài viết của
Trần Minh Tạo về lịch sử hình thành cùng những trận đánh tiêu biểu của đơn vị
địa phương quân Hồng Ngự để đăng trên chính tạp chí do mình làm thư ký tòa
soạn. Thời điểm này, nạn đạo văn đã khiến Tỉnh ủy Đồng Tháp phải kêu gọi lãnh
đạo báo Đồng Tháp hạn chế việc tham gia lấy tin bài trên các báo khác về để
hưởng nhuận bút. Không chỉ diễn ra ở vùng ven biên do các đối tượng là “sĩ quan
báo chí”, nạn đạo văn còn diễn ra ngay Cần Thơ, trung tâm của vùng ĐBSCL. Đầu
năm 2012, ông Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Cần Thơ có bài Cô gái múa lân trên cột
cao 7m (tập san Áo Trắng Xuân Nhâm Thìn), sau đó người ta phát hiện bài này
giống đến hơn 90% bài viết Cô gái Cần Thơ múa lân trên cột và mai hoa thung đã
đăng trên báo Cần Thơ ngày 2/10/2011.
Đáng lo hơn là nạn đạo văn
không chỉ dừng ở chuyện kiếm sống (thông qua nhuận bút) mà nhiều người còn sử
dụng như nấc thang để kiếm… danh bằng việc gửi bài xào nấu lên các hội nghị
khoa học. TS Ngô Quang Láng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử An Giang trong
báo cáo đề dẫn hội thảo khoa học về Nhà cách mạng Châu Văn Liêm (5/10/2012 tại
An Giang) đã nói lên những con số đáng sợ: nhận được 65 bài, nhưng chỉ chọn
được 46 bài vì có nhiều bài viết sao chép tùy tiện các bài viết trên internet
nên thiếu chính xác, thậm chí còn gây thêm lầm lẫn.
Dư luận xã hội, nhất là
những người cầm bút chân chính rất bất bình, bức xúc trước nạn đạo văn, đạo thơ
nhưng để ngăn chặn, xử lý thì không hề dễ. Người đạo văn luôn tìm mọi cách để
chối, còn giới lãnh đạo địa phương thì chỉ muốn “dàn xếp nội bộ” cho yên nhà
yên cửa, vô tình đã cứu kẻ đạo văn.
Trần Chánh Nghĩa
Nguồn: Báo
Phụ nữ Online
____________________
|
________________
No comments:
Post a Comment