Nhà văn Y Ban, tác giả cuốn sách được tặng bằng khen - “Trò chơi hủy diệt cảm xúc”, cho rằng ban giám khảo không đủ Tâm và Tầm đọc tác phẩm, đồng thời chỉ ra những yếu tố mà chị cho là khuất tất, không minh bạch, thiếu nghiêm túc và cảm tính trong cách thức xét giải của Hội đồng chung khảo, dưới sự chủ trì của chủ tịch Hội. Trong khi đó, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam, tác giả cuốn “Thế kỷ bị mất”, từ chối bằng khen với lý do giải thưởng đã "không được xét với đúng tiêu chí văn chương".
Y Ban và Cảnh Nam nối dài
danh sách những nhà văn từ chối được
Hội tôn vinh - dấu hiệu cho thấy suy giảm uy tín trầm trọng của giải thưởng văn
học thường niên lớn nhất Việt Nam.
Trước hiện trạng này, nhiều
nhà văn, nhà thơ đã chia sẻ với VnExpress cách lý giải của họ. Nhà
thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng, chất lượng giải thưởng đi xuống là do ban giám
khảo “lười đọc”. “Lười đọc nên không phân biệt được đâu là tác phẩm hay,
tác phẩm không hay. Đến tên tác phẩm còn viết sai thì làm sao có chuyện đọc kỹ
được", nhà thơ Trọng Tạo nói. Vấn đề sai sót mà Nguyễn Trọng Tạo nêu ra
xảy ra ngay trong mùa giải năm nay. Trong bản tin công bố kết quả giải thưởng
của Hội nhà văn Việt Nam hôm 16/1, tác phẩm “Thế kỷ bị mất” của nhà văn Phạm
Ngọc Cảnh Nam bị viết nhầm thành “Một thế kỷ bị mất”. Đến ngày 21/1, Hội mới ra
thông báo đính chính trên website chính thức của Hội.
Hiện tượng nhà văn Việt Nam
không chịu đọc nhau đã không còn là chuyện gì mới trong văn giới. Nhưng theo
nhà văn Y Ban, khi được chọn làm giám khảo, họ cần phải đọc, dù hay hay dở.
Trong thư ngỏ, nhà văn Y Ban cũng chỉ ra tình trạng làm việc thiếu trách nhiệm,
từ hội đồng sơ khảo đến chung khảo. Chẳng hạn, có nhà văn xin bỏ phiếu sau
(Thái Bá Lợi), có người bỏ phiếu qua điện thoại và bỏ cho tất cả đề cử vì...
chưa kịp đọc (Trần Văn Tuấn)... Ông Tuấn chưa đưa ra bình luận gì về "lời
tố" của Y Ban. Còn nhà văn Thái Bá Lợi cho biết hôm đó, ông có chuyến đi
công tác nước ngoài nên xin được bỏ phiếu sau. Ông Lợi khẳng định, hội đồng sơ
khảo rất chịu khó đọc và làm việc công tâm.
Thông báo đính chính của
Hội nhà văn Việt Nam về trường hợp sai tên tác phẩm của nhà văn Phạm Ngọc
Cảnh Nam.
|
Các tác phẩm được đề cử
giải thưởng Hội Nhà văn phải trải qua hai vòng thẩm định: Sơ khảo và Chung
khảo. Hội đồng Sơ khảo gồm các ủy viên Ban chấp hành có chuyên môn trong từng
lĩnh vực cụ thể như Thơ, Văn xuôi, Lý luận - phê bình và Dịch thuật. Họ đọc và chọn
ra một danh sách rút gọn các tác phẩm để trình lên Hội đồng chung khảo. Hội
đồng chung khảo sẽ tổ chức họp kín và bỏ phiếu cho các tác phẩm đoạt giải.
Theo nhà thơ Nguyễn Trọng
Tạo: "Không phải nhà văn nào cũng có khả năng phê bình, nhận định tác phẩm.
Một hội đồng chung khảo mà nhiều nhà văn trình độ phê bình kém thì cũng không
thể đưa ra các tác phẩm chất lượng". Ngoài ra, ông cho rằng: “Nhiều khi
người ta còn xét giải dựa trên cảm tính, cảm tình”. Để giải thưởng được minh
bạch hơn, theo ông Tạo, mọi quy chế phải được rõ ràng. Ông cũng nhấn mạnh một
điều quan trọng mà giải thưởng Hội Nhà văn cũng như bất kỳ hội nào cần quy
định. Đó là ngay từ đầu người có tác phẩm tham gia giải thưởng phải rút chân
khỏi hội đồng sơ khảo, tránh trường hợp nhà văn tự giới thiệu tác phẩm của
mình, thậm chí tự chấm giải cho mình.
Trong thông báo chính thức
đưa ra chiều tối 21/1, Ban thường vụ Hội nhà văn phủ nhận mọi cáo buộc của các
nhà văn hội viên.
"Việc xét giải thưởng văn học năm 2012 của Hội đã được tiến hành theo đúng
Quy chế giải thưởng; từ khâu nhận tác phẩm đăng ký dự giải đến quá trình xét
của Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Chung khảo đã thực hiện đúng quy trình, thể
thức và tiến độ quy định", bản thông báo viết.
Hội cũng khẳng định, họ làm
việc "không vì cái gọi là lợi ích nhóm" đồng thời cho biết:
"Trong mùa giải năm 2012, các thành viên Sơ khảo đến Chung khảo đều đọc kỹ
tác phẩm, có chính kiến và bỏ phiếu bầu hợp lệ. Hoàn toàn không có cái gọi là
'phiếu trắng'".
Bên cạnh yếu tố con người,
quy trình chấm giải thiếu khoa học, cụ thể là sự tách bạch giữa hội đồng chung
khảo và hội đồng sơ khảo chuyên môn cũng là nguyên nhân gây tranh cãi.
Nhà thơ Bằng Việt, chủ tịch
hội đồng sơ khảo thơ tại giải thưởng năm nay cho biết, với tư cách người đứng
đầu hội đồng chuyên môn, ông đã làm tròn trách nhiệm khi cùng với các ủy viên
đọc và giới thiệu những tác phẩm có chất lượng. Còn việc hội đồng chung khảo
làm việc thế nào, ông không biết và không nhận xét bởi ông không có mặt trong
ban chung khảo và cũng không được hỏi ý kiến. “Mấy năm trước, có quy định những
người đứng đầu hội đồng sơ khảo được tham gia với tư cách tư vấn, cùng tham dự
nhưng không được bỏ phiếu. Gần đây, điều này không được duy trì. Năm nay, ban
chấp hành họp và quyết định các thành phần tham gia và không phải tất cả những
người đứng đầu hội đồng chuyên môn đều có mặt trong hội đồng chung khảo".
Nhà văn Trần Kỳ Trung -
người Đà Nẵng - hội viên Hội Nhà văn Việt Nam - cũng chia sẻ bức xúc trước vấn
đề này. Ông đề xuất, những mùa giải sau, chủ tịch hội đồng sơ khảo phải có mặt
trong hội đồng chung khảo bởi ý kiến của họ là xác đáng, dựa trên việc đọc một
cách nghiêm túc, kỹ lưỡng các tác phẩm. Theo ông Trung, khi hội đồng chung khảo
có nhiều nhà thơ không biết viết và thẩm định văn xuôi, cũng không được diễn
giải để hiểu về nội dung tác phẩm, sẽ dẫn tới tình trạng suy diễn, quy chụp.
Ông Trung có ý nhắc tới trường hợp “Thế kỷ bị mất” của Phạm Ngọc Cảnh Nam, cho
rằng hội đồng chung khảo sợ tên tác phẩm "nhạy cảm" nên không xét
giải cao nhất dù tác phẩm được hội đồng sơ khảo đánh giá rất cao.
Cùng với việc chỉ ra bất
cập, các ý kiến cũng đưa ra những đề xuất để giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam
và các giải thưởng văn học nói chung chất lượng hơn. Theo ông Bằng Việt: “Một
giải thưởng văn chương cần đến hai yếu tố: chuyên môn (những tác phẩm đoạt giải
phải có giá trị) và tác dụng xã hội (định hướng cho công chúng, gần gũi với đời
sống, thể hiện sự cập nhật của giải thưởng chứ không phải chỉ mấy nhà văn đọc
với nhau)". Ông Bằng Việt cho rằng những yếu tố phong trào, vùng miền,
giới tính, cảm tính… cần để ra ngoài khi chấm giải.
Nhà thơ Bùi Kim Anh trong bài viết gửi đến VnExpress
cũng đưa ra những đề xuất như: chỉ chấm tác phẩm văn học; loại trừ những yếu tố
ngoài văn chương; minh bạch thành phần giám khảo; kịp thời công bố số phiếu và
can đảm trước những tác phẩm văn chương giá trị.
Còn nhà văn Thái Bá Lợi cho
rằng, để giải Hội nhà văn Việt Nam tập trung và chất lượng hơn, chỉ nên trao
một giải cao nhất và bỏ hẳn giải thưởng “bằng khen”. “Việc định giá một tác
phẩm đoạt giải hay không chỉ là điều tương đối. Với mỗi tác phẩm văn học, có
hai giám khảo quan trọng nhất đó là thời gian và bạn đọc. Vượt qua hai yếu tố
này thì tác phẩm sẽ có giá trị, chứ một giải thưởng không nói lên được điều
gì", ông chia sẻ thêm.
Theo Quy chế xét giải
thưởng hàng năm của Hội nhà văn Việt Nam do Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa
VIII đưa ra, giải thưởng năm nay của Hội được trao cho các tác phẩm xuất bản
từ ngày 1/11/2011đến ngày 31/10/2012.
Các tác phẩm dự giải, do
các nhà xuất bản, các tờ báo văn chương, hội viên Hội nhà văn đề cử, trải qua
hai vòng: Sơ khảo và Chung khảo. Các tác phẩm được hội đồng Sơ khảo đọc sau
đó giới thiệu vào Chung khảo. Hội đồng Chung khảo tổ chức họp kín và bỏ phiếu
bình cho tác phẩm đoạt giải ở các hạng mục Văn xuôi, Thơ, Lý luận phê bình và
Dịch thuật.
Hội đồng Chung khảo Giải
thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012 gồm: Nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch hội đồng,
nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà thơ Lê Quang Trang, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều,
nhà lý luận Phan Trọng Thưởng, nhà văn Đình Kính, nhà thơ Văn Công Hùng, nhà
văn Vũ Hồng, nhà văn Đào Thắng
Lễ trao giải thưởng Hội
nhà văn Việt Nam 2012 theo kế hoạch diễn ra vào tháng 12/2012 nhưng
được lùi lại đến 16/1/2013 mới công bố và dự kiến trao giải cuối tháng 1.
Giải thưởng Hội Nhà văn
2012
Văn xuôi:
Giải thưởng chính: “Thành phố đi vắng” - Nguyễn Thị Thu Huệ Bằng khen: "Trò chơi hủy diệt cảm xúc" - Y Ban; "Thế kỷ bị mất" - Phạm Ngọc Cảnh Nam.
Thơ:
Giải thưởng chính: "Trường ca chân đất" - Thanh Thảo "Màu tự do của đất" - Trần Quang Quý "Giờ thứ 25" - Phạm Đương. Bằng khen: "Hoa hoàng đàn nở muộn" - Khuất Bình Nguyên "Chất vấn thói quen" - Phan Hoàng.
Lý luận phê bình:
"Đa
cực và điểm đến" - Văn Chinh.
Dịch thuật: Không có giải.
|
Hoàng
Anh
No comments:
Post a Comment