.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, January 19, 2013

NHÀ THƠ HOÀNG VŨ THUẬT LÀM HÀNG GIẢ THI CA NHƯ THẾ NÀO?

Và nhà thơ Hoàng Vũ Thuật cũng khắc họa chân dung của mình một cách đúng nhất:

như người điên đi trong dầm dã
hai mươi năm sau
không biết nơi nào để dừng
(mưa trên mười ngón tay dài)

Cần gì đến hai mươi năm, ngay bây giờ kiểu viết vô lối, tắc tỵ, bệnh hoạn của Hoàng Vũ Thuật đã không chốn nương thân, bị loại bỏ ra khỏi tâm hồn Việt như bao loại Vô lối khác!!.

VÔ LỐI, TẮC TỴ HOÀNG VŨ THUẬT

      
       Trong cuộc sống, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật sống chân tình chung thủy vợ con, cưu mang bạn bè, người thân; nhưng trong sáng tác thì Hoàng Vũ Thuật rất làm hàng giả. Giả trong cách lập tứ, chọn từ, đặt câu, thi tứ, mô phỏng. Cái giả nó đeo theo nhà thơ từ khi chập chững vào nghề cho đến hôm nay đã thất thập cổ lai hy, đầu suy tứ chi!
   Nghĩ cho cùng không phải lỗi của Hoàng Vũ Thuật mà nói như từ thông dụng bây giờ là lỗi cả một hệ thống. Cả thế hệ cứng như một thỏi sắt (Lưu Quang Vũ). Nhiều lớp lớp làm nhà ca học, hót học, hát học, cười học… Trùng trùng điệp điệp cổ động viên tự giác và không tự giác.
  Đến nỗi như nhà thơ Phạm Tiến Duật nổi tiếng nhất trong thơ chống Mỹ cũng làm “nhà cười học” khi viết bài thơ tình Cái chao đèn duyên tình thế mà phải thêm hai câu kết rất dở hơi mới được in và mới được phổ biến:

CÁI CHAO ĐÈN

Con trai đội nón bao giờ
Vì mưa nên phải đi nhờ nón em
Bấy lâu mũ sắt đội quen
Buồn cười cái nón tòn ten trên đầu.
Khoảng râm là ánh sáng màu
Của tình yêu đội trên đầu đó em.
Hông hồng khuôn mặt xinh quen,
Nón bài thơ cái chao đèn của anh!

Khi đưa in, nhà biên tập không đồng ý vì cả nước đang đánh giặc mà nhà thơ lại làm thơ tình thuần túy. Bất đắc dĩ, Phạm Tiến Duật phải viết thêm hai câu kết không ăn nhập gì để được in:
Mũ va vào mũ lanh canh
Đường xa nhớ nón che anh buổi nào!
    Rồi tiếp đến nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ suốt thời chống Mỹ nằm hầm ở thôn Phú Vinh (Trụ sở Hội Văn nghệ Quảng Bình đóng) cũng phịa, tưởng tượng ra mình là bộ đội hoặc thanh niên xung phong hành quân:
Đơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái
(Khoảng trời và hố bom)
Và dùng nhiều câu đại ngôn, hô khẩu hiệu sáo mòn để cổ động:
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa.
(Bài đã dẫn)
  Nhà văn Dương Thu Hương cũng vậy. Tưởng tượng mình là chiến sỹ lái xe đi trên đường gặp nhiều hoa Trâm Lê (hoa phịa, anh em gọi là hoa Đâm Lê) hứa sẽ làm tròn nhiệm vụ ngoài tiền tuyến cho hậu phương yên tâm sản xuất…

  Thế hệ Hoàng Vũ Thuật là thế hệ chống Mỹ. Cả nước gồng lên đánh một đế quốc giàu mạnh nhất thế gới nên văn chương cũng gồng lên nhiều lần để phục vụ cho mục đích đánh giặc của nhà cầm quyền:
Ta lại viết bài thơ báng súng                                                     
Con đứng lên viết tiếp thay
Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống
Người hôm nay viết tiếp người hôm qua.
(Hoàng Trung Thông)
  Tố Hữu nhà thơ của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng viết:
Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn nghìn trang giấy luận văn chương!
 Cho nên cả nước từ văn chương, thơ ca, nhạc, họa đều phải vót chông trước khi vót văn.
  Hồi ấy in ấn rất khó khăn từ trung ương đến địa phương. Văn thơ không nói về bom đạn, hỏa tuyến, đánh giặc, bắn máy bay, bộ đội, thanh niên xung phong, ta thắng địch thua… thì rất khó in.
  Hội văn nghệ Quảng Bình có tờ Văn nghệ Quảng Bình, anh em phải xếp hàng nhiều năm mới có bài đăng.
  Một lần Hoàng Vũ Thuật đưa bài “ Quả ổi trong vườn chín sớm” đến Ban biên tập để duyệt.
  Nội dung là tả trái ổi trong vườn bị bị viên bom bi găm vào nên nó chín sớm. Ban biên tập mới phê rằng: “Sự việc có thật nhưng người viết đã chọn không điển hình nên nó thành giả. Bom đạn Mỹ ném bom, bắn súng hàng ngày để bao nhiêu người chết, súc vật chết không viết, mà viết quả ổi bị bom bi chín sớm vừa sến, vừa nhẹ tênh, gượng gạo thế nào! Có sự việc không có thật nhưng nhà thơ điển hình hóa nó lên thì đọc như là thật.”
  Từ đó Hoàng Vũ Thuật đi tìm cái điển hình hóa không thật để làm cho nó thật. Nhưng tai hại thay, sau khi văn chương cổ động tuyên truyền qua đi thì những cái giả nó lại lai hoàn giả, không thể chấp nhận được:
Qua ải Bắc, đèo Nam
Qua Trường Sơn nắng mưa dằng dặc
Anh thành người con trai suốt đời đi đánh giặc
(Cây Nhạc ngựa)
  Hoàng Vũ Thuật thì không một ngày mặc áo lính, không biết khẩu AK lắp đạn như thế nào, một băng đạn có mấy viên và bắn liên thanh hay bắn ba phát một thì địch mới sợ nhưng Hoàng Vũ Thuật hay thay lời người ra trận làm thơ cổ động chiến đấu, hay đánh giặc trên giường(!). Điều này cũng không vấn đề gì, xưa nay mọi người vẫn làm, miễn là hay xúc động là được. Đằng này bài Cây nhạc ngựa vừa giả vừa dở, vừa không có một chút gì gọi là thi pháp nên nó rất phản cảm. Mặc dầu bài này được giải thưởng thơ báo Văn nghệ đâu năm 1986. Rồi tập Tháp nghiêng cũng được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Giải thưởng dù giải địa phương, dù giải trung ương đều đáng trân trọng. Nhưng lấy giải thưởng mà đo chất lượng một đời thi ca là một việc hoàn toàn sai lầm. Vì giải thưởng chỉ phục vụ cho một giai đoạn, một hoàn cảnh nhất định, một chính thể cụ thể. Bài Cây nhạc ngựa vừa giả dối, vừa kém thi pháp, vừa gần như mô phỏng nhiều câu của Phạm Ngọc Cảnh trong bài thơ Lý ngựa ô ở hai vùng đất:
Mai xa rồi, em nhớ anh không?
Trăng lại tròn vầng trăng biên cương
Ngựa tung bờm trắng thảo nguyên gió.
….
Cỏ vô tận cho lòng anh rong ruổi
(Cây nhạc ngựa – Hoàng Vũ Thuật)

Ngựa tung bờm bay qua biển lúa
Ngựa ghìm cương nơi sông xòe chín cửa
Gặp câu hát bền lòng rong ruổi mãi
(Lý ngựa ô ở hai vùng đất - Phạm Ngọc Cảnh)

      Cha ông ta đã từng viết về người lính suốt đời đánh giặc một cách nghệ thuật tài tình:

   Ban Siêu quy thời mấn dĩ hoa
 Chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về
(Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm)
Là biết chàng Siêu suốt đời đánh giặc rồi, cần gì mà nói:
Anh thành người con trai suốt đời đánh giặc!
 Viết thế, vừa không thơ, vừa không thật, vừa ảnh hưởng thơ người khác:
Cái giả của Hoàng Vũ Thuật đi vào cả đề tài tình yêu:
…Rồi em làm quan tòa
Đưa anh ra xử án
Và có thể cao hơn
Đem pháp trường xử bắn.

Mặc tất anh chẳng cần
Sợ gì giấy xích sắt
Nếu đạn bắn vào anh
Sẽ làm em chết mất!...
(Không đề)
 Lúc đầu Hoàng Vũ Thuật viết câu kết Nếu đạn bắn vào anh/ Sẽ làm em chết ngất
Anh em góp ý là chết ngất là chết giả. Hoàng Vũ Thuật sửa lại chết mất cũng là chết giả nốt. Mình như thế nào, là vua chăng, là thượng đế chăng mà người tình có thế chết(!). Vua và thượng đế đầy quyền lực đấy nhưng người tình chưa chắc đã thèm chết. Ngay thần Juipite bá chủ Olempơ mà đã có người tình nào chết đâu!
Hoàng Vũ Thuật rất chủ quan, rất không thực chút nào. Thật ra nhà thơ chẳng hiểu gì quy luật tâm lý. Chín con chưa thật mặt chồng, huống gì mới tình tang đôi lứa ngoài đường, người con trai trộm yêu người con gái. Việc này vô cùng giả dối.
Giang Nam thật tình hơn:
Hôm nay nhận được tin em
Dù không tin đó là sự thật
Giặc giết em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích em ơi.
Đau xé lòng anh chết nửa con ngươi!
(Quê hương – Giang Nam)
Chết nửa con người của Giang Nam là chủ thể, nó thực nên thuyết phục người đọc, đọc xúc động đến hôm nay.
  Hoàng Vũ Thuật viết đã giả lại quá cũ như hai nghìn năm trước:
Giữa bãi cát vàng em là cây
Bóng em đổ xuống hai vai gầy
Anh ngồi trưa nắng như thiêu đốt
Mỗi chiếc lá xanh một bàn tay…
(Em là)
Minh nguyệt cao cao khắc lậu trường
Trân châu liêm bạc yểm lan đường
Hoành thùy bảo ác đồng tâm kết
Bán phất quỳnh diên tô hợp hương…
(Đảo thiên y – Lý Bạch)

Trăng sáng cao vời giờ điểm đây.
Nhà lan châu ngọc ánh vơi đầy.
Tấm lòng cùng kết bên màn liễu,
Phảng phất chiếu quỳnh hương ngất ngây!...
(Đỗ Hoàng dịch)
  Gần bảy mươi tuổi, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật tự lột xác mình, cố gắng đổi mới, phá bỏ cách viết cũ và giả của mình gần 60 năm qua. Nếu thế thì đáng quý biết bao, dù còn sống một giây cũng phải đổi mới, nhưng tiếc thay Hoàng Vũ Thuật chẳng có đổi mới gì mà chỉ sa đà vào tắc tỵ, bí hiểm, cầu kỳ rắc rối, tù mù, hủ nút, không còn một chút rung động thi ca. Chỉ có rặt những kiểu nói tắc tỵ, bí hiểm, đánh đố mình, đánh đố người đọc vì một kiến văn thiển cận, kiến thức hạn hẹp, rất nhiều chỗ hỏng trong học vấn, ít từng trải, sai cả quy luật tâm lý, quy luật tự nhiên, xã hội…
   Được các bác sỹ đỡ đẻ hải ngoại quanh năm ngồi trong phòng sản phụ đỡ con Mỹ đen, các học giả, học thật, tiến sỹ bò tung hô … nên Hoàng Vũ Thuật càng dấn sâu vào quái thai, kỳ quặc, lởm khà lởm khởm, tắc tỵ…
 Đặt tựa đề một cách tù mù, đánh đố:
Mãi viên trà, K, Ly, Hoàng An, Lá, Đo, Cõi, Ngược, Màu, Kiến
Cầu kỳ, rắc rối:
Mưa trên mười ngón tay dài, Trưa lệch phai…
Những câu vô lối như bị tâm thần, nhạt nhẽo vô vị, không ai hiểu mô tê răng rứa, viết cho bạn mà như viết cho kẻ không ăn ngũ cốc, cho kẻ ở ngoài hành tinh hoặc quỷ dạ xoa dưới Long cung:
ngày mẹ đưa chúng mình xuống sông quẫy đạp
tình yêu dội lên hai bờ vai
đẫm vào da thịt
tia chớp sáng của ngọn sao khuya
chúng mình đứng như trời trồng khi tình yêu tới
những câu thơ vọt máu phát cuồng quất vào bức tranh
đớn đau khát cháy
(Viết cho bạn)
tù mù, vô nghĩa:

giờ thì anh trồng thêm gốc cây
thuộc loài bạch dương chờ đông sang phủ tuyết
nào có gì ổn định

rồi con sóng tiếp xô đổ anh
lúc anh là cát
những con sóng siêu hình lau sạch gương mặt cũ
như chén rượu đêm ấy
chặng cuối
(Hoàng An)

Viết sai cả quy luật tâm lý, quy luật xã hội, tình cảm:

ngu­ời di gan không buồn
chỉ biết hát
nhiệt cuồng và mê loạn

ngu­ời di gan không đau
chỉ biết múa
vũ điệu ngã nghiêng phố xá
rạch ríu làm xiếc diễn tuồng

ngu­ời di gan không khóc
chỉ biết c­ười
chào mời đổi chác
giơ tay xin giơ tay vẫy mặt trời
(người Di gan)

Đáng khóc mà ta vẫn hát tràn
(Hồ Chí Minh)
Người Di gan phải như thế chứ mà thật như thế. Sao người Di gan lại không khóc, chỉ biết cười. Hoàn toàn khiên cưỡng!

Bí hiểm không ra bí hiểm, mù mịt, tâm thần không ra tâm thần, ngớ ngẩn, rất thiểu năng trí tuệ:

Một nghìn ba trăm năm mươi mét cao ly hồng nở
đôi mắt bồ câu

vô biên im lặng
cơn mưa đồng phạm
con chó thảo hiền không biết sủa dẫn tôi đi cùng

bài thơ tình ăn theo mưa
ly thơm vào trưa
xấu hổ tôi cúi mặt
(Ly)
     Viết về một quán Mãi viên trà chỉ có bà mẹ và cô con gái mà Hoàng Vũ Thuật chế biến ra ba người là một thiếu nữ, một cô gái, một bà mẹ. Ai cũng biết đã dùng thiếu nữ thì thôi dùng cô gái, mà dùng cô gái thì thôi dùng thiếu nữ. Không hiểu ra làm sao:

nấp dưới cánh lá bồ đề màu phật
một cô bé một thiếu nữ một người mẹ
cô bé vắt tuổi thơ qua đồi sim
thiếu nữ mười sáu lần trăng đỏ
người mẹ đội nước lên chùa
(Mãi viên trà)


Viết rất điên rồ:

xóa đi rồi vẽ lại
ngẹt thở

thêm một nét gầy thêm một nét
chết lặng dưới chân cầu thang


nàng khóc
(Họa sỹ)

Mượn cái gọi là hậu hiện đại, cách tân, siêu thực, xuống dòng một cách vô lối, bệnh hoạn tùy tiện:
thỏi hình hài bẹp dí
long lóc
thở

ẩn dụ giữa rừng khô
héo

bày bán cùng
hoa
(trong tập Màu)

tìm nơi di trú
bằng chìa khóa mẹ
trao
(tiếng chim)

nhôm nhoam nhiều câu viết lớm khởm, tối nghĩa, kiểu cách lên gân giả vờ, điệu đàng, sống sượng, triết lý vặt:

chẳng thể bắt níu những sợi tóc vào mùa
không người tuốt chải gặt hái
anh cắt dán cánh đồng lên thân thể em
điều phối cơn mưa
vá víu vết thương cuối hạ.
(hoàng an)

rừng mọc dưới bờ mi
(viết dưới tượng Exenhin)

đếm tiếng trái tim khuya
(điều ấy có ý nghĩa gì)

huyền ảo uốn cong hiện thực

nhịp cầu tượng trưng gãy vụn

ẩn dụ giữa rừng khô
héo…
(ý nghĩ vụt hiện)
 Kể mãi không bào giờ hết.
 Rồi Hoàng Vũ Thuật sa đà mượn hệ đếm, con số, thuật ngữ toán học nhét vào các bài vô lối phá hỏng thơ ca:

nằm dưới kia
một ông vua một hoàng hậu một người hầu
một thanh gươm một tuấn mã một mê nón
một lệnh truyền một trống giục một lời van

nằm dưới kia
một hộp sọ một ống xương một đốt lóng tay
một trung thực một đớn hèn một điên loạn

một ngọn lửa một đêm tối một chiều tà
một vận hạn một thức thời một nguyền rủa…
(lăng tẩm)
  Hoàng Vũ Thuật đã dùng đến 21 chữ một để diễn tả một sự việc chỉ cần một con số một là đủ:
Dưới kia có một đế vương
Tàn tro bụi bặm lóng xương chẳng còn.
(Đỗ Hoàng phóng dịch)

  Trong thơ cổ kim có dùng con số, nhưng dùng khéo thì làm cho bài thơ hay lên rất nhiều:

MƯỜI THƯƠNG

Một thương bỏ tóc đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
Năm thương cổ yếm đeo bùa
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng
Bảy thương tính nết đoan trang
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh
Chín thương em ở một mình
Mười thương con mắt có tình với anh!
(Ca dao)

Một canh, hai canh lại ba canh
Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành
Canh bốn, canh năm và chợp mắt
Sao vang năm cánh mộng hồn  quanh.
(Hồ Chí Minh)

  Không chỉ nước ta mà nhiều nước, nhất là Trung Quốc nhiều nhà thơ dùng con số để diễn ý, diễn tình. Từ con số khô khan biến hóa muôn vẻ làm nên thi phẩm lung linh, bất hủ:

  LÃO SƯ KHỐN

Nhất thân bình giả bố
Lưỡng tụ phấn bút khôi
Tam xan ngật bất bảo
Tứ quý thường sô mi
Ngũ canh tựu khởi sàng
Lục đườngyếm nhĩ ngật
Thất thiên nhất tinh kỳ
Bát phương cuồng kỷ hồi
Cửu thiên bất phát hưởng
Thập gia giai đoạn xuy.
(Khuyết danh)

ĐỜI GIÁO VIÊN XƯA

Một thân áo quần bố
Hai tay áo phấn đầy
Ba bữa ăn không đủ
Bốn mùa ủ mặt mày
Năm canh đã trở dậy
Sáu giờ mới ăn chay
Bảy ngày tròn tuần lễ
Tám phương biết gì đây
Chín ngày lương không có
Mười nhà đói lắt lay!
(Đỗ Hoàng dịch)

TUYỆT CÚ

Lưỡng cá hoàng ly minh thúy liều
Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên
Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết
Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền
(Đỗ Phủ)

Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc
Một hàng cò trắng vút trời xanh
Nghìn năm tuyết núi sông in sắc
Muôn dặm thuyền Ngô cửa rập rình.
(Dịch – Khuyết danh)
Bài trên có các con số: Hai, một, vạn, nghìn.
 Trong những người làm Vô lối, Hoàng Vũ Thuật cũng là người dùng một cách lạm phát từ ngữ nước ngoài nhất là âm Hán Việt ít Việt hóa như: điều phối, thảo hiền, hiển lộ, mê lộ, tẩy trần, trùng phùng, mãi viên trà, di trú, vô chủ, tấu khúc, miền hiển thủy, miền thiên hư,vô cư, vũ điệu, di hài, thuần khiết, tạ từ, nguyên thủy,cuồng thảo, mãn nguyện, nguyện cầu, hoan lạc, hoang phế, biến thể… hằng hà vô số. Đọc vô cùng khó chịu!


  Tôi đã từng viết tặng nhà thơ Hoàng Vũ Thuật để nói lên cái “việc làm tốt nghĩa vụ của người công dân thì người thi sỹ rất đau khổ” của anh (ý của nhà thơ Nhê ka rê xốp – Nga)::
Anh là nhà thơ Nhà nước
Có việc làm ăn hẳn hoi
Thế mà đời thật cơ cực
Thơ anh nén khóc để cười…
(Lang thang chiều Huế)

Và nhà thơ Hoàng Vũ Thuật cũng khắc họa chân dung của mình một cách đúng nhất:

như người điên đi trong dầm dã
hai mươi năm sau
không biết nơi nào để dừng
(mưa trên mười ngón tay dài)

     Cần gì đến hai mươi năm, ngay bây giờ kiểu viết vô lối, tắc tỵ, bệnh hoạn của Hoàng Vũ Thuật đã không chốn nương thân, bị loại bỏ ra khỏi tâm hồn Việt như bao loại Vô lối khác!!.

                                        Hà Nội ngày 16 – 2 -  2013
                                                Đỗ Hoàng

1 comment:

  1. "Thì nào kim cương ấy". Câu thành ngữ đó phải qua nghìn năm mới đúc kết nên. Đời người ta có ba thì rõ rệt: dậy thì, xuân thì, lão thì. Kim cương là vật trang sức quý. Mỗi thì phải dùng thứ đồ trang sức đó thế nào cho hợp. Trẻ dậy thì mà dùng kim cương lộng lẫy, thì hỏi có chống được kẻ cướp không? Xuân thì mà dùng kim cương giả thì có chiếm được được mê muội của người tình không? Lão thì dùng kim cương đắt quá hoặc rẻ quá thì thế nào? Dậy thì chỉ nên dùng kim cương nhân tạo. Xuân thì phải dùng kim cương thiên nhiên, lộng lẫy. Lão thì tùy chọn. Văn chương cũng vậy. Thơ tình nó như thứ đồ kim cương thiên nhiên. Từ Cách mạng Tháng tám đến 1975 Cách mạng Việt Nam chỉ mới đang ở tuổi dậy thì. Phổ biến thơ tình thuần khiết ở giai đoạn đó có khác gì đem kim cương thiên nhiên lộng lẫy khoác lên cổ trẻ dậy thì, trong khi chưa trang bị cho nó sức mạnh chống kẻ cướp. Tức là dẫn đứa trẻ đến cái chết bởi kẻ cướp. Thứ kim cương đó là tội ác chính là tội ác vậy. Dùng thơ tình thuần khiết ở giai đoạn đó thì mất nước.
    Hiểu được câu thành ngữ "Thì nào kim cương ấy" sẽ hiểu được cách dùng văn chương trong từng giai đoạn lịch sử. Cách mạng đã qua giai đoạn dậy thì rồi. Một bài thơ tình hay, như một viên kim cương thì bây giờ mang ra mà dùng. Những bài thơ phục vụ sự nghiệp "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" nó như kim cương nhân tạo cũng không phải đã hết giá trị.

    ReplyDelete